Nghe nhạc như tìm về nhà Print
Tác Giả: Quỳnh Giao   
Thứ Bảy, 07 Tháng 8 Năm 2010 01:13

Những ca khúc ban đầu của chúng ta vẫn là những ca khúc hay nhất.

Không chỉ vì là khúc hát tuổi thanh xuân, mà vì chúng đã trở thành một phần tâm hồn của mình.

Dù đã đi thập phương tứ xứ, khi trở về mái nhà xưa thì ai cũng có sự bồi hồi xúc động.

Cũng thế, dù đã nghe hay hát những tác phẩm tân kỳ hơn, có khi còn giá trị hơn, nhưng khi các giai điệu cũ nổi lên thì ta vẫn cho là hay nhất. Con người hầu hết đều như vậy, mới hay cũ chỉ là tương đối thôi, vì thế hệ nào cũng có những kỷ niệm cũ rồi tiếp nhận cái mới và vài chục năm sau thì thấy rằng đấy cũng sẽ là kỷ niệm...

Quỳnh Giao nghĩ vẩn vơ như vậy khi theo dõi buổi trình diễn của dương cầm thủ Condoleezza Rice và nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin.

Condi Rice có tên từ một ký hiệu âm nhạc gốc tiếng Ý, là “Con Dolcezza,” nghĩa là “với sự ngọt ngào.” Học nhạc và đánh dương cầm từ bé, nàng là dương cầm thủ xuất sắc, nhưng tự biết là chưa thể là diệu thủ virtuoso nên bỏ nhạc mà đi học về chính trị. Trở thành giáo sư xuất sắc của Ðại Học Stanford trước khi tham gia chính quyền từ thời Ronald Reagan, rồi về làm giáo học Stanford, bước ra là Cố vấn An ninh Quốc gia rồi ngoại trưởng cho Tổng Thống Bush. Nhưng, “tiếng gọi rừng thẳm,” sự quyến rũ thuở thiếu thời vẫn là nhạc.

Condi Rice đã nhiều lần chơi nhạc trong chốn bằng hữu, song tấu với Yo-Yo Ma để gây quỹ và nổi tiếng nhất là dạo đàn cho nữ hoàng Anh thưởng thức. Nhân vật da đen này là hạt huyền bên đảng Cộng Hòa. Rời chính trường thì lặng thinh dạy học, chỉ nghe thấy tiếng đàn.

Năm nay đã 68, Aretha Franklin hơn Condi đúng một giáp nhưng có cùng xuất xứ, da đen, học nhạc, đánh dương cầm và hát thánh ca trước khi chói lòa trên sân khấu Rhymth and Blues. Rồi viết nhạc và thành nữ hoàng nhạc Soul từ bốn chục năm trước. Có trên hai chục giải Grammy, Aretha được tôn là thành phần danh ca hay nhất cổ kim, mà ở tuổi này vẫn có thể làm náo động thế giới nhạc Jazz, nhạc Rock, nhạc Blues, nhạc đạo. Và đôi khi nhạc cổ điển hay các thanh khúc Opéra.

Khác với Condi, Aretha không dạy học nhưng năm nay vừa có bằng tiến sĩ danh dự về nhạc của Ðại Học Yale. Và là báu vật bên đảng Dân Chủ, đã trình diễn trong lễ nhậm chức năm ngoái của Tổng Thống Obama.

Vậy mà Thứ Ba 27 vừa qua, hai người cùng xuất hiện trên sân khấu Mann Center for the Performing Arts, cùng dàn nhạc giao hưởng Philadelphia.

Hai người không so tài mà cùng chung sức gây quỹ cho một chương trình phát triển giáo dục và cộng đồng của Mann Center. Mỗi người một vẻ. Condi từ nhạc cổ điển trở về nhạc hiện đại, kể cả giai điệu dương cầm nổi tiếng do Aretha hòa âm. Nhiều người lại tiếc là vì sao nàng không “ở với âm nhạc” vì chơi đàn quá hay! Qua phần sau, Aretha hát hơn một giờ một danh mục cũng là cổ điển của mình, từ các ca khúc phổ thông buổi thanh xuân đến ca khúc nghệ thuật của Opera và kết thúc với bài “Chain of Fools” do chính mình đàn lấy.

Sau đó là phần hợp diễn của hai ngôi sao, với nhạc cổ điển lẫn hiện đại, mà đều là tác phẩm nghệ thuật. Khi Condi Rice đệm đàn cho Aretha Franklin hát “Nessun Dorma” trong vở “Turandot” của Puccini thì tám ngàn khán giả đã bật dậy hò la và hóa điên vì sướng!

Qua buổi trình diễn lịch sử ấy, người viết nhớ lại thuở ban đầu...

Thuở ban đầu của danh thủ dương cầm Condoleezza Rice là nhạc cổ điển. Ðêm đó, khi trình tấu bản Concerto cho Dương cầm số 20 của Mozart, nàng là người hạnh phúc vì nhận ra con đường về nhà vào tuổi ấu thơ. Hồn nàng đã nhập vào nhạc cổ điển, coi Mozart hay Chopin và Liszt là người nhà.

Chuyện thị phi của chính trị hay các tác phẩm đương đại, dù là “Candide” của Leonard Berstein, chỉ là cái thuật để thi thố tài nghệ. Niềm hạnh phúc vẫn là dư âm ngày cũ...

Có lẽ Aretha Franklin cũng thế.

Danh ca này thật sự xuất thần trong bài “Respect” đã thành xưa, hoặc “You Make Me Feel (Like a Woman)” đã tạo nên dấu ấn Aretha với nhịp tiết rạo rực trong từng nét giật của nhạc. Những ca khúc này không chỉ là kỷ niệm mà đã thành phần hồn của ba. Khi hát các ca khúc trong vở Opera của Puccini hay Gluck, Aretha Franklin trình bày đầy nghệ thuật và kỹ thuật của bậc danh tài. Nhưng có lẽ không còn niềm vui cho riêng mình.

Quỳnh Giao nghĩ như vậy khi nhớ đến danh ca Kim Tước và nhiều nghệ sĩ khác.

Kim Tước hát “Thu Vàng” như nàng con gái tung tăng trên nẻo đường xưa, hay nhất và hạnh phúc nhất, dù rằng người giỏi nhạc có thể coi bài hát là loại “exercise,” bài tập. Thái Thanh trong “Tình Ca” hay “Bà Mẹ Gio Linh” là tuyệt chiêu vượt thời gian vì các ca khúc xã hội ấy đã đậm nét trong tuổi thanh xuân của bà. Ðấy là con đường về nhà đầy hạnh phúc của người nghệ sĩ. Nhiều danh ca khác cũng có những tiếng nhạc xưa đã đánh dấu một phần đời như vậy.

Sau này, nếu có cần phô diễn tài nghệ thì các nghệ sĩ thật vẫn thừa sức vượt qua, và về nghệ thuật thì vượt qua nhiều thế hệ về sau. Nhưng đấy là chỉ khúc hát cho đời. Trong chốn riêng tư, những rung động thật cho mình thì vẫn bật lên từ các giai điệu cũ mà có khi người đời đã quên...

Quỳnh Giao ngậm ngùi hiểu ra cách thưởng thức của giới mộ điệu, mà cũng thương cảm tâm tư của nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải luôn luôn làm mới nghệ thuật, sáng tạo và tự tái tạo để thỏa mãn người khác. Trong sự sáng tạo và nhiều khi đánh mất chính mình, họ vẫn nhớ đến một giai điệu cũ. Khúc hát đã làm nên hạnh phúc riêng tư của mình, mà đôi khi chỉ chính mình còn nhớ.

Nếu có buổi trình diễn nghệ thuật đích thực, hãy tò mò hỏi người nghệ sĩ trên sân khấu là họ thích trình bày tác phẩm nào nhất. Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên, và đôi khi bồi hồi, vì tác phẩm ấy cũng dẫn chúng ta trở lại mái nhà xưa của mình, mà chính mình đã quên...