Thưởng thức tặng phẩm của thần linh Print
Tác Giả: Quỳnh Giao   
Thứ Bảy, 31 Tháng 7 Năm 2010 00:46

Như các nàng thích chưng diện, các ông thích uống rượu cũng có cách biện bạch cho cái thú của mình.

 Nếu là một nhà thơ như ông La Fontaine, thì rượu là “tặng phẩm của thần linh.”

Nhưng trong giới nghệ sĩ, nhiều người lại... từ chối món quà thiêng liêng này.

Trong văn chương, những ông Võ Phiến hay Lê Tất Ðiều thì thấy rượu là lắc.

Trong âm nhạc, các nghệ sĩ tài danh như Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Hoàng Thi Thơ, và cả Văn Phụng, Tuân Khanh đều từ chối làm bạn với Lưu Linh.

Nhiều ông còn có vẻ coi đệ tử của Lưu Linh là... ma men, vì họ không thích uống rượu. Ðôi khi thuốc lá cà phê, chứ thấy rượu là ngó qua chỗ khác.

Ngược lại, nhiều nghệ sĩ không có ly rượu trong tay là như thiếu một góc trời, có khi là thiếu tất cả! Có lẽ đấy là trường hợp của Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Trịnh Công Sơn và Hoài Bắc hay Mai Thảo...

Trịnh Công Sơn thường uống Chivas và có lẽ uống để tìm quên. Còn Phạm Ðình Chương thì uống để nhớ và có thể uống đủ loại.

Phải nhìn Hoài Bắc Phạm Ðình Chương nâng ly rượu, ánh lên như hổ phách, rồi đơn ca bài “Ðôi Mắt Người Sơn Tây” với nỗi xa vắng.

Mọi người đều say dù chẳng biết uống rượu! Người viết nhiều lần được thưởng thức âm thanh và hình ảnh tuyệt vời ấy nên vẫn nghĩ Hoài Bắc hát bài này là hay nhất. Quang Dũng quả là không may nên không được thấy ảnh hưởng của bài thơ trong nhạc Phạm Ðình Chương và tiếng hát Hoài Bắc trong men rượu.

Nhà văn Mai Thảo thì sáng trưa chiều tối gì cũng phải có chai rượu ở tầm tay. Lúc cuối đời, ông còn chê rượu vang là quá nhạt mà chỉ uống cognac, với chai mờ mờ sương phủ bên cạnh, trong bị hay dưới chân giường. Bạn ông thì mách rằng Mai Thảo chỉ dùng rượu chát vào buổi sáng, để súc miệng!

Nhạc sĩ Cung Tiến thì thích rượu chát. Nâng ly vang là ông phải xoay ly nhìn ánh rượu, tấm tắc rồi mới nghiêng ly thưởng thức cái “bouquet” là hương thơm của rượu.

Hình như mỗi người lại nhận tặng phẩm của thần linh theo một cách, vì tạng người hay sao thì khó biết được.

Mai Thảo uống rất khỏe, rượu vào là nói năng hùng hồn lưu loát, đọc thơ sang sảng, và phán xét như thánh sống. Ngược lại, Cung Tiến càng uống càng chìm xuống, ít nói hơn. Ðôi khi lại nói ngang và sẵn sàng gây lộn mà sáng sau quên hết. Nếu có cuộc tranh luận thì người ôn tồn khéo léo nhất trong tiệc rượu vẫn là Hoài Bắc. Ông hòa giải tất cả rồi ung dung uống tiếp như một ông tiên!

Quỳnh Giao đã chứng kiến những pha đấu rượu như vậy trong dịp trình diễn tại Minnesota. Ngày nay, Mai Thảo và Hoài Bắc đã ra người thiên cổ nên chẳng thể hỏi được là hai ông đó thấy gì ở rượu? Nếu còn Lê Trọng Nguyễn, có lẽ ông cũng biết được mà chỉ cho mình...

Vì không thuộc đảng Lưu Linh, người viết có cảm tưởng là chúng ta thiếu chữ để tả món quà của thần linh.

Ai cũng có thể biết đại khái rằng luận về rượu thì phải nói về sắc, rồi hương, rồi vị. Các họa sĩ thì may ra đủ chữ để nói về màu rượu từ khi nhìn vào đáy cốc tới lúc xem ánh đỏ chảy quanh vách ly, từ đỏ tươi tới đỏ sậm. Nhưng đến hương thì dù có mũi rất thính, ta không đủ chữ diễn tả. Vì trong rượu có hương thơm của nhiều loại hoa, quả, hạt và cả gỗ, lẫn hóa chất như lưu huỳnh, cồn, giấy, hay cả dầu!

Xét tới vị thì còn khó thẩm định hơn. Một chữ thuộc loại “bát nháo” nơi nào cũng thấy xài, vì có vẻ xài được, là “dịu,” là “mềm,” là “smooth.” Khi nghe ai khen cô ca sĩ đó hát “dễ thương” là mình nghĩ tới chữ dịu hay mềm hay smooth của rượu! Nó chẳng diễn tả được cho đúng, vì vị của rượu rắc rối và tinh tế hơn thế. Có thể là ngọt, chát hay chua, dư vị có thể là thanh hay đậm và biến hoá ra cả chục cảm giác khác nhau...

Mới chỉ liếc sơ một vòng rất là “tửu đồ thường thức” như vậy mà mình đã khựng!

Trong nhà thì có người lý giải là nước ta nghèo, dân ta khổ, nên thiếu chữ diễn tả những gì mà ngũ quan thưởng thức được. Chỉ vì xưa nay có thưởng thức được bao nhiêu đâu! Nói về những cảm giác hay so sánh của cái đói thì dân ta chữ nghĩa có thừa. Chứ về hương, sắc và vị thơm rất tế vi của rượu thì chưa. Cứ đọc lại ông Nguyễn Tuân nổi tiếng về kiểu dáng thì biết! Ông ta không thể là tay kiếm ăn bằng nghề nếm rượu được...

Nhưng nói vậy thì mình dễ tủi thân oan uổng. Thật ra ngay trong giới bán rượu hay điểm rượu của các xã hội giàu có Tây phương, người ta cũng thiếu chữ, có khi phải dùng nhiều cách diễn tả rất quàng xiên và khó hiểu.

 Một vị rượu rất “thanh” thì mình có thể nghĩ là “nhẹ,” ngược với “đậm.” Nhưng trong loại “thanh” mà rượu lại được quảng cáo là “sắc” hay “giòn” thì xin thua! “Mềm như nhung” là một cách diễn tả đẹp, mà có lẽ gần với xúc giác hơn vị giác. Còn “dịu như mật” thì có khi bị hiểu lầm là ngọt lịm...

Nếu lại biết rằng rượu chát đỏ được cất theo phương pháp riêng, bằng nhiều loại nho, mỗi loại lại có hương vị riêng, rồi ủ trong thùng có nhiều mùi khác nhau tùy tuổi tác, vân vân, thì mình đoán ra nỗi khổ tâm của người phải tìm chữ. Mà họ lại chỉ được dùng ít chữ thôi. Trên nhãn chai rượu, người ta có quyền trang trí rất mỹ thuật và gợi cảm, nhưng chỉ có vài trăm chữ để trình bày đủ chuyện. Muốn diễn tả hương và vị thì phải gom vào hai ba đặc tính mà thôi.

Cứ ngẫm nghĩ lại và nhìn mấy ông nâng ly như hào kiệt ngoài quán thì người viết thấy rằng các cụ mình có lẽ không gặp nỗi khổ tâm đó về nghệ thuật quảng cáo. Mà các cụ vẫn có thể là bậc sư cho nhiều hãng rượu khi ngắn gọn cho in có bốn chữ: “Chồng uống vợ khen!”

Khốn nỗi, hình như đó không là nhãn quảng cáo về rượu ngon. Nó là rượu thuốc, bên trong chất thuốc lấn chất rượu!