Lao Thừa Phủ (Huế) Print
Tác Giả: Hieunguyen11   
Thứ Bảy, 24 Tháng 9 Năm 2011 05:17

Rời ga xe lửa Sài Gòn, chúng tôi năm người âm thầm chào giã biệt, hay vĩnh biệt thành phố thân yêu.

Tôi cố thu hết những hình ảnh quê hương lần cuối vào trong tiềm thức, vì biết chắc chắn rằng những hình ảnh này mai đây sẽ trở thành những kỷ niệm thân thương. “Sài Gòn ơi! Ta có ngờ đâu rằng, một lần đi là một lần vĩnh biệt…” 

Ngày hôm sau, chúng tôi tới Huế. Đi chợ Đông Ba mua thêm một ít đồ dùng cần thiết. Bước vào chợ, tôi hỏi chị bán đường bến xe đò ở đâu, chị chỉ về phía trước và nói: “Ở đầu tê tề.” Tôi chả hiểu gì hết! Rời Huế đi Đông Hà để chuyển xe khác đi Hương Hóa, biên giới Lào – Việt. Chúng tôi bắt đầu đi bộ vào rừng. Khi vừa băng qua một khúc sông cạn, thì một toán lính Biên Phòng Lào bắt nhốt vào trại Công An Lào. Chúng tôi được dịp ăn nếp gói trong lá chuối cùng với thịt heo rừng nướng. Hai ngày sau chúng giao bọn tôi lại cho Công An Việt Nam. Chúng nhốt bọn tôi ở trại giam thuộc huyện Hương Hóa, đó là đêm Noel năm 1978. Hai ngày sau đưa về lao tạm ở Huế.

Ở lao tạm, vào phòng giam kín, không một chút ánh sáng, tôi cảm thấy mình giờ như con chim bị nhốt trong lòng.

“Vì sa cơ nên bị bắt cầm tù”
“Tan mộng đẹp, anh hùng đành thất thế!”

Sinh hoạt ở lao tạm có giờ giấc nhất định. Sáng dậy, được nghe tin tức đài Thừa Thiên. Xướng ngôn viên là một cô gái Huế, chắc đẹp lắm! Có giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm làm lòng tôi ngây ngất. “Không cần biết em là ai…Để rồi từ đó ta yêu em không ngại ngần, để rồi từ đó trong bóng đêm nghe gần hơn…” Nghe xong tin tức, tôi phải đi gặp cán bộ chấp pháp để hỏi cung. Hầu hết ngày nào cũng vậy. Đến 11 giờ thì được ăn một tô bo bo khoảng 200 gram, loại này có một lớp vỏ rất cứng như “Võ Nguyên Giáp”. Có bữa cho ăn sắn khô luộc. Tiêu chuẩn sắn khô thì mỗi người được 200 gram, nhưng sau khi rửa, sắn tan thành hồ hết một nửa, như “Hồ Chí Minh”. Hằng ngày ăn không đủ no, tôi bắt đầu “xuống cấp” một cách nhanh chóng!

“Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt”
“Ta nằm dài, trông năm tháng dần qua…”
“…Đâu những chiều mưa chuyễn bốn phương ngàn”
“Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới…”

Ở lao tạm được hai tuần, tôi bị chuyển qua lao Thừa Phủ. Thời gian này ở Việt Nam có bốn địa ngục trần gian, Hỏa Lò, lao Thừa phủ, Chí Hòa, và Cây Gừa ở miền Tây. Ở đây thì đủ mọi thành phần, tù hình sự và chính trị. Trong buồng 8 chúng tôi có Bác Sĩ Thắng, người Huế được chọn làm buồng trưởng, chúng tôi cũng dễ thở đôi chút, vì anh ít khi báo cáo cán bộ trại những việc làm trái nội quy của anh em.

Sinh hoạt ở đây thì sáng dậy tất cả đọc nội quy, xong đi tắm giặt. Sắp hàng đi vào hồ tắm thì tất cả đều sexy 100%, trông “ugly”. Mỗi lần tắm giặt chỉ được 5 phút mà thôi. Tắm xong còn phải làm những việc linh tinh như nhặt đinh làm kim may áo, bẻ tole làm muỗng ăn cơm, nhặt giấy tạp nhạp để vấn thuốc, nhặt tàn thuốc “bắt dế nhủi”. Thời gian vui nhất trong ngày là giờ sắp hàng đi ăn. Chúng tôi có dịp “địa” mấy cô ở bên buồng nữ, và họ cũng “đá lông nheo” và cười mĩm chi “cọp” với chúng tôi.

Bước vào nhà ăn, tôi thấy mấy anh tù cũ chia thau bo bo ra 8 phần rất bằng nhau cho mỗi bàn. Có một anh tù báo cáo với anh tù nhà bếp rằng trong tô có một cục cứt chuột. Anh tù nhà bếp bưng vào trong, khoảng 2 phút sau anh nhà bếp bưng tô bo bo lại cho anh. Ăn xong, anh tù cám ơn anh nhà bếp, và được phán một câu: “Cám ơn cái gì! Tôi bưng tô bo bo vào, lấy cục cứt chuột ra, rồi bưng lại cho anh, đâu có lấy tô khác đâu mà cám ơn.”

Một chuyện vui khác là vì ăn toàn bo bo và sắn, một anh bạn tù bị sình bụng, phải địt hoài. Trong lúc sinh hoạt, một anh trật tự người Quảng Nam bắt giọng: “Như cứa bước hừa trong ngừa vui đựa thén…” Anh bạn sình bụng liền làm hai quả: “Tít…Tít”. Cả buồng có một trận cười té ngữa. Và đương nhiên anh bạn sình bụng vô tình làm chuyện bôi bác bị kỷ luật một tuần chùi nhà cầu. Anh ta nói: “Thật kêu trời không thấu!”

Ở trong buồng 8 chúng tôi rất đặc biệt có một rạp xi nê và một nhà hàng, với nhiều món ăn hàm thụ. Tôi phụ trách rạp xi nê là mỗi buổi tối, sau khi sinh hoạt xong, anh em người mang thuốc Lào, người mang nước trà, người mang đường lại cho tôi để được nghe kể lại truyện như Anh Hùng Xạ Điêu, Tiếu Ngạo Giang Hồ…Trong lúc kể chuyện, khi tôi mắc đái, nhiều anh chắc lưỡi, tức như bị đứt phim. Anh Hùng, cựu Trung Úy Biệt Động Quân thì phụ trách nhà hàng, anh có tài kể những món ăn mà trong lúc nghe kể ai cũng nuốt nước miếng. Tôi thích nhất anh kể đến món cá lốc nướng chắm mắm nêm ở quán Ba Râu. Anh vừa kể, vừa diễn tả bằng tay: “ Nhúng bánh tráng xong, trải ra dĩa, bỏ ít cọng rau lên cùng vài miếng khế, một lát dưa leo, giá, hẹ. Lấy đũa gắp một miếng cá lốc nướng vừa, bỏ vào bánh tráng, cuốn lại và nhẹ nhàng chắm vào nước mắm nêm xong, uống một hớp rượu, rồi bắt đầu ăn”.

Những ngày được ăn cơm và chừng 2 cục thịt trâu, bò, hoặc heo bằng 2 ngón tay, đó là ngày lễ Lao Động 1/5, ngày Độc Lập 2/9, và ngày mồng một Tết.

Ngoài ra bọn tù cũng có những việc làm khác để giết thời gian như xé một vài quần áo cũ, se thành sợi dài để giữ lửa hút thuốc. Những lúc bị tắt lửa, một anh lấy cọng kẽm cọ sát vào thanh sắt cửa sổ để lấy lửa. Để có bàn cờ tướng, chúng tôi lấy nắp nhôm của hôp dầu cù là, nhúng vào trong nước xà phồng. Đốt bao nylon chảy vào nắp dầu cù là, chờ nguội lấy ra gọt lại. Nhờ một anh Tàu dùng đầu đinh mài nhọn, để khắc vẽ 32 con cờ tướng. Còn màu thì mài ngói đỏ thành bột rồi trộn với kem đánh răng, còn màu trắng thi dùng kem đánh răng trắng. Với phương pháp này, chúng tôi cũng thực hiện được một bộ Domino. Những thứ này bị cấm, nhưng cán bộ cũng lờ đi.

Tôi cũng thích học đan giỏ bằng dây nylon từ bao cát do mấy anh đan lưới đánh cá chỉ cho. Tôi cũng học được cách mài kim từ một cây đinh 5 phân cột vào đầu đũa, mài vào cục đá xanh, đập dẹp phần đuôi rồi bẻ vuông góc. Lấy một miễng chén bể rồi khứa hai mặt để có lỗ kim, xong chui trong lửa cho cây kim cứng lại. Thực hiện một cây kim từ cây đinh 5 phân chỉ mất chừng 4 hoặc 5 ngày.

Có lần, tên cán bộ Quản Giáo nói: “Nếu Mỹ không rút quân, mình sẽ đánh qua Washington…” Những lần tù vi phạm nội quy, cán bộ Quản Giáo lên lớp: “Các anh ngoài đời trộm cướp, phải giữ tư cách của người trộm cướp. Các anh hiếp dâm, phải giữ tư cách của người hiếp dâm. Các anh vượt biên, phản quốc phải giữ tư cách của người phản quốc chứ!” Một anh bạn trẻ nói nhỏ: “Hiếp dâm, trộm cướp có tư cách đâu mà giữ.” Có lần sắp hàng đi ăn, khi ngang qua phòng nữ, nhiều anh trong hàng vẫy tay, huýt sáo. Tên cán bộ rình bắt gặp, cả buồng phải đứng ngoài nắng, riêng anh cán bộ đứng trong mát mà giãng oral: “Các anh thèm lắm à! Các anh nên nhớ rằng các anh là tù đấy, biết chưa?” Hắn tiếp: “Các anh được Đảng đưa vào đây dạy dỗ để trở thành người tốt mà trở về với gia đình, xã hội…” Họ nói chuyện y như cha mẹ dạy mình vậy. “Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế. Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.”

Mùa mưa ở Huế rất buồn, có những cơn mưa chín chiều ,mọi người đứng nhìn mây bay, mưa rơi. Tôi biết họ đang nhớ nhà, nhớ người thân cũng như tôi.

“Trời mưa nơi đây, buồn hơn trời mưa Sài Gòn nhiều.”
“Giọt mưa hắt hiu, như nhắc ta nhớ Sài Gòn nhiều…”

Ba tháng tù chầm chậm trôi qua, bốn đứa em tôi được thả về. Còn tôi là đầu vụ, tổ chức, và cũng là cựu quân nhân, chắc ở múc mùa quá! Chúng mua quà gửi vào cho tôi. Họ chỉ cho nhận quà, không cho gặp mặt vì chưa kết cung. Hôm đó không gặp được mấy đứa em tôi rất buồn. Rạp xi nê của tôi cũng đóng cửa đêm đó.

Trong buồng tù là nơi lý tưởng cho loài rệp sinh sản rất nhanh. Chúng đồng lõa với cán bộ trại hành hạ chúng tôi, đêm nào tôi cũng giết khoảng bốn, năm chục con rệp. Đã không đủ ăn, mà còn bị chúng hút máu, thật kêu trời không thấu!

Mùa Đông đến, chúng tôi phải đương đầu với loại ghẻ ruồi. Lúc đầu là những mục đỏ nhỏ li ti, từ từ lớn dần rồi vỡ ra thành ghẻ ruồi. Loại ghẻ này lây lan một cách nhanh chóng. Anh bác sĩ Thắng, buồng trưởng bày khi thấy những mục đỏ bắt đầu xuất hiện, lấy kem đánh răng thoa lên, vì trong kem đánh răng có chất “sát cộng” không phải, “sát trùng”, cách này rất hay! Có lần một anh đốt bao nylon làm cờ tướng, bị phỏng tay, anh lấy kem đánh răng thoa lên chỗ phỏng, anh thấy mát ngay. Một anh khác bị sâu răng, mỗi lần ăn là anh ôm miệng hít hà thật tội nghiệp. Với điều kiện thật hạn hẹp trong tù, Bác sĩ Thắng đã giúp anh vượt qua cơn đau bằng cách xé một mãnh áo thun nhỏ, chắm dầu Nhị Thiên Đường, nhét vào chổ răng sâu anh bạn thấy từ từ bớt đau. Bác Sĩ Thắng giãi thích rằng trong dầu có chất Mint làm giảm đau.

Có một anh vì không có gia đình thăm nuôi, tối mò đi ăn cắp đồ ăn. Anh em bị mất nhiều lần, nhưng lần này bắt gặp. Sáng dậy, anh ăn trộm bị đưa ra “Tòa Án Nhân Dân” trong buồng để “xử lý”. Anh ăn trộm nói: “Tôi có bịnh mộng du, xin các anh em tha cho tôi, đừng báo cáo cán bộ.” Một anh bạn nói: “Mộng du sao không đi vào cầu tiêu, mà đi lục đồ người ta, hả?” Hắn nói: “Mộng du là bệnh của tâm linh, không đi tới những nơi dơ bẩn!” Cuối cùng, anh ăn trộm chỉ bị cảnh cáo mà thôi và bắt anh mỗi lần đi tiểu phải nói: “Báo cáo các anh tôi đi tiểu.” Để trả thù “dân tộc”, Khi mọi người vừa đi vào giấc điệp, anh la to: “Báo cáo các anh, tôi đi ỉ…a!” Anh bạn già nằm gần bên than: “Trời ơi là trời! Vừa bắt đầu ngủ thì bị thằng ông nội đánh thức, chán wá, chán wá!” Anh ăn trộm cười đắc chí. Một anh khác lên tiếng: “Đá cho nó một đá!” Cuối cùng, anh ăn trộm cũng được tha bổng.

Ở chung với tù hình sự thì đủ thứ tội. Anh sửa đồng hồ dạo cũng bị bắt vào đây. Tôi hỏi: “Sao đi sửa đồng hồ dạo mà cũng bị bắt nữa à?” Anh nói: “Tôi chỉ rao hồ chết, hồ hư, hồ sửa đây.” Bị anh công an khu vực bắt, tức quá tui hỏi hắn: “Sao bắt tui?” Anh công an nói: “ Dám hỗn láo với lãnh tụ à!”

Một ông già trông rất hiền từ, phúc hậu, cũng bị ở tù. Tôi hỏi: “Bác làm gì mà bị đi tù?” Ông già nói: “Tôi làm nghề vá xe đạp và Honda.” Tôi thắc mắc: “Vá xe mà sao đi tù?” Ông già nói: “Ngày nào tôi cũng dậy sớm để rải đinh trên đường cho xe cán lên. Hôm đó xui quá, bị công an bắt được.” Ông già nói tiếp: “Sở dĩ tôi làm vậy là vì tôi có bốn đứa con bà trước, và ba đứa nhỏ với bà sau, không làm vậy thì lấy gì nuôi chúng nổi!”

Thật một xả hội đầy nghiệt ngã. Tôi thấy mấy em nhỏ khoảng chín, mười tuổi phải đi bán vé số tới khuya. Có những em phải sống nhờ những đống rác nhớp nhúa. Có những cụ già còng lưng mà phải bưng từng rổ cải đi bán để nuôi thân. Bên cạnh đó cũng có những người vung tiền mua vui trong một đêm, là đủ để nuôi một người nghèo khổ suốt cuộc đời.

Anh công an mở cửa phòng, gọi tên và bảo tôi mang hết tất cả “nội vụ cá nhân” ra. Trong tù, sự tiên đoán rất chính xác, hễ nghe gọi một vài tên là biết được tha về, còn thấy cán bộ cầm một cái list đọc tên là bị đưa ra lao động ở Bình Điền. Tôi vào ngồi đối diện với một anh chấp pháp, hắn chậm rãi nói: “Hôm nay anh được tạm tha về trình diện địa phương, anh còn đi vượt biên nữa không?” Đương nhiên câu trả lời là không. Anh trả lại tất cả đồ lưu giữ, trong đó còn rất ít tiền, vì trong suốt một năm qua họ cho lấy tiền ra để mua những thứ cần dùng tôi yêu cầu, và có một chiếc nhẫn vàng. Tôi cũng cất dấu một chiếc nhẫn khác trong đôi dép Sapo.

Cầm tờ giấy “Tạm Tha” trong tay, bước ra cửa tôi hít một hơi thở “tự do” rất dài. Tôi không muốn quay đầu nhìn lại. Bây giờ tôi mới thấy khủng khiếp, giật mình với cái lao Thừa Phủ mà tôi đã bị nhốt ở đây ròng rã hơn một năm. Nghĩ tới anh em ở lại mà tôi thương xót cho họ.

Đến chợ Đông Ba, tôi bán một chiếc nhẫn vàng để ăn hàng và làm lộ phí về Sài Gòn. Tôi thấy cái gì cũng muốn ăn vì trong người thiếu chất kinh khủng. Ăn uống xong, tôi còn mua thêm đồ ăn để ăn dọc đường, nhất là bánh kẹo, thuốc lá. Tôi cảm thấy lòng mình vui quá, như thiên đường vừa mở cửa đón mình!

Vừa lên tàu, thì bụng tôi bị trouble. Tôi mua một chai dầu xanh thoa vào bụng, từ từ cảm thấy bớt dần. Một anh bạn đồng hành có một cái nhìn về tôi thật chính xác, anh hỏi: “Anh vừa đi tù về ?” Tôi trả lời: “Vâng!” Anh hỏi tiếp: “Bao Lâu?” Tôi nói: “Hơn một năm.” Anh nói: “Bây giờ ở ngoài cuộc sống khó khăn lắm!” Nhìn sinh hoạt bên ngoài, tôi cũng thấy điều đó. Gương mặt mọi người đều có sự ưu tư, lo lắng. Mình rồi đây cũng như họ mà thôi!

Vừa xuống ga Bình Triệu, tôi gặp lại người bạn gái cũ đang mua bán chợ trời ở đây, hồi trước cô ta rất thích tôi, cô nói: “Sao nhìn anh xơ xác quá!” Tôi nói: “Vừa ở tù ngoài Huế hơn một năm.” Cô ta đưa tôi tới một tiệm phở gần đó, ăn uống hỏi thăm. Ôi tô phở sao mà ngon quá! Thấy tôi ăn một cách ngon lành, cô kêu thêm một tô nữa, tôi làm luôn mà không cần từ chối, khách sáo gì hết. Ăn xong, cô đưa tôi về nhà gần đó, nói đúng hơn là một cái phòng nhỏ cô thuê để gần nơi mua bán. Nhìn đồng hồ hơn mười giờ đêm, đường xá vắng teo, tôi nói: “Cám ơn em, thôi anh về!” Cô ta nói: “Khuya rồi, ở lại đây, sáng em đưa anh về.” Đây cũng là một kỷ niệm trong đời mà sau này mỗi lần nghe bài hát “Đừng Xa Em Đêm Nay” là tôi nhớ tới kỷ niệm thật hạnh phúc này!

Sáng ra cô đưa tôi vào một quán nhỏ để ăn điểm tâm. Ôi! Tô hủ tíu sao mà ngon quá, cô kêu thêm một tô nữa, tôi “chơi” luôn mà không mắc cỡ. Ăn xong, cô chở tôi về nhà và nói: “Chúa Nhật, em tới thăm anh!” Bước vào nhà, mẹ tôi đang chiên bánh xèo, thấy tôi mừng quá, mẹ tôi buông rơi cái xạn chiên bánh xèo xuông đất, ôm tôi mừng rỡ! Tôi cũng đọc được sự nhớ thương của ba tôi. Hôm đó cả nhà xum họp, vui vẻ bên mái ấm gia đình.