Nhật Ký Biểu Tình : Sống Trong Đồng Chí Print
Tác Giả: Đào Tiến Thi   
Thứ Năm, 28 Tháng 7 Năm 2011 07:56

Bây giờ là những gương mặt rất cụ thể, do đã sống với nhau cả mấy tiếng đồng hồ trong đồn công an. Tôi muốn gọi họ là đồng chí, đúng nghĩa chân chính của từ này.

Sống trong đồng chí
(Về cuộc biểu tình bị bắt ngày 17 tháng 7 năm 2011)
  

 Sau cuộc biểu tình 3-7, các bạn bè chân thành của tôi càng khuyên tôi đừng đi nữa. Họ bảo nhiều phiền lụy về sau lắm chứ không chỉ là chuyện bị bắt hay không bị bắt đâu. Tuy nhiên, ngay trước mấy ngày biểu tình (15-7) lại xảy ra chuyện ngư dân Quảng Ngãi bị bắt, bị đâm chìm tàu. Máu trên thái dương tôi lại chảy rần rật. Chẳng có gì phải phân vân nữa. Lại làm khẩu hiệu, mua thêm cờ. Thằng con trai thi cử xong rồi cũng nằng nặc đòi đi. Tôi bảo: “Mẹ con đang yếu, lại hay xúc động, lo lắng. Con thuyết phục được mẹ thì hẵng đi”. Thế là suốt ngày nó vòi vĩnh mẹ, làm mẹ nó nhiều phen phát cáu và vẫn không hề nhân nhượng. Nó cầu cứu tôi. Nhưng cuối cùng tôi cũng thấy là nó không nên đi. Tôi đã dự cảm sự trấn áp mạnh tay của lần này. Tôi ngại nhất là nó phải chứng kiến tận mắt những cảnh tàn bạo, những điều trái hẳn với những gì nhà trường đã dạy nó suốt 12 năm qua, điều đó tạo ra vết thương lòng của một người mới vào đời. Tuy vậy, tôi cũng chiều con tôi một phần: cho nó đưa bố đến đầu đường Hoàng Diệu, được quan sát đoàn người trong đội hình cho đến lúc tuần hành (đoán rằng cũng chỉ được 5 – 7 phút là họ đuổi).

Lại còn khổ vì hai mắt bị nhức mỏi, nhìn mờ đã ít lâu, hôm nay bỗng nặng lên. Để có sức khỏe cho ngày 17-7, tôi đi khám mắt. Nhỏ thuốc cấp tập thấy mắt đỡ, nhưng sáng 17-7 ngủ dậy thấy bị viêm họng, người hơi gai gai sốt. Quyết định dừng 2 thứ kháng sinh dạ dày đang điều trị để thay bằng kháng sinh viêm họng loại nặng đô, lại táng thêm 2 viên giảm đau hạ sốt, rồi lên giường nằm xem sao. Nửa tiếng sau thấy người nhẹ nhõm. Thế là đi. Nghĩ cũng chỉ nên đến Nhà Hát Lớn thì về, nếu không sẽ ốm to. 8 giờ kém 10 đã lên đường, con trai bảo: “8 giờ mới bắt đầu kia mà bố, đây ra đấy chưa đến 10 phút”. “Ừ, nhưng bố muốn đến sớm hơn một chút, tranh thủ “tụ tập” nói chuyện, vì hy vọng hôm nay sẽ gặp nhiều người quen”.  

Cũng như lần trước, khu vực Công viên Lênin đã bị phong tỏa từ bao giờ, đoàn người đứng tản mát khoảng vài chục trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ. Chẳng gặp người quen nào nhưng thấy một gương mặt quen quen, hình như đã gặp lần trước nhưng chưa kịp chuyện trò, liền lại làm quen, thì biết đó là GS. Nguyễn Đông Yên, cùng hai chị trung trung tuổi (đến lúc cùng bị về đồn Mỹ Đình mới biết một chị là vợ GS. Đông Yên). Một chị khoe vừa mới đi thăm mộ Phùng Quán mới xây ở Huế. Tôi khoe: “Em cũng góp 3 trăm nghìn mua “cát đá” xây mộ”, nhân thể hỏi chị cách đi thế nào để khi có dịp thì ghé thăm. Chị vừa kể xong thì phía đường Điện Biên Phủ cắt với Trần Phú, đoàn người đã bắt đầu tụ lại và hô khẩu hiệu. Có ai đó gọi GS. Đông Yên nhanh lên để nhập đoàn.

Chúng tôi vội tiến về phía đoàn người. Ngay khi ấy, loa phóng thanh đã vang lên yêu cầu giải tán. Vừa đứng vào hô được mấy câu thì cảnh sát đã xô đẩy đoàn người rất dữ dội, khác hẳn lần trước. Tôi vừa cố ghìm chân để không bị đẩy đi, vừa cố thuyết phục cảnh sát cơ động (CSCĐ) hãy từ từ rồi mọi người cũng sẽ rời khỏi đây để tuần hành. Không khí nóng lên rất nhanh khiến tôi không thể “tâm sự” với các chú CSCĐ như lần trước, mà phải gào lên: “Các anh không có Tổ quốc à? Các anh không thấy biển đảo của mình bị Trung Quốc tác oai tác quái à?”. Nhưng khác hẳn lần trước, nói gì họ chỉ “Vâng”, lần này, mặt họ rắn đanh, không trả lời một câu. Ngay lúc đó đã xảy ra bắt người. Cháu Nguyễn Văn Phương (người đọc tuyên cáo hôm 3.7 tại Nhà Hát Lớn) bị hàng chục người lôi đi và cũng hàng chục người kéo lại. Không khí náo loạn giống hệt xem cảnh “ngụy quyền” đàn áp biểu tình trong phim thời trước. Ban đầu đoàn biểu tình kiên quyết đấu tranh đòi thả người nhưng cuối cùng cảnh sát (CS) quá rắn nên đành cứ để họ chở người bị bắt đi, còn đoàn người thì bắt đầu tuần hành. Lúc đi qua đường Điện Biên Phủ, tôi bị gián đoạn đoàn người khoảng 2 mét, liền bị một đám mặc thường phục xông vào chộp rất nhanh. Tôi kêu lên “Bắt người trái phép!”, “Cứu tôi!”. Hình như cũng có mấy người biểu tình quay lại cứu nhưng bị khống chế ngay. Tôi bị lôi đi xềnh xệch về phía xe buýt, nhưng vẫn cố trằn người lại, tiếp tục lên án họ bắt người vô lý. Tôi hét lên: “Tôi đi ủng hộ chính phủ bảo vệ chủ quyền quốc gia, các anh không thấy lời của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trên tay tôi sao (khẩu hiệu của tôi một mặt ghi câu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Một tấc đất của quê hương cũng kiên quyết giữ, và mặt kia là hai câu thơ Phan Bội Châu: Biết bao công của người xưa/ Gang sông tấc núi dạ dưa ruột tằm). Tôi vừa nói xong thì một tên giằng lấy, ném bẹt xuống đất. Trước khi bị đẩy lên xe, tôi thấy khoảng bốn, năm ống kính chõ vào. Sau này không thấy ai đưa lên mạng, chắc đó là các nhiếp ảnh công an cả, họ làm nhiệm vụ nhận mặt. Có lẽ kết hợp với lần trước đã ghi trong “sổ đen”, cho nên khi về Mỹ Đình, chưa lấy lời khai mà họ đã biết tên tôi.

Trên xe có khoảng hai chục người bị bắt, 3 người CSCĐ đứng gác. Xe chạy một đoạn ngắn thì họ thả bớt quá nửa. Tôi bước đến cửa xe thì một CSCĐ ngăn lại, bắt trở về chỗ cũ. Tôi hỏi sao lại số thả số không, anh ta không trả lời. Mãi hôm sau tôi mới nghĩ ra: cái số thả xuống ấy là người của họ! Trên xe còn lại 7 người; 6 người đều rất trẻ, ở tuổi thanh niên hoặc hơn một tí, chỉ có tôi “già”. Có một đôi vợ chồng trông rất đẹp đôi. Xe chạy về phía Mỹ Đình, chạy rất chậm vì lái xe không thuộc đường mà 3 CSCĐ trên xe cũng không biết đường. Thỉnh thoảng họ phải dừng lại để hỏi thăm. Cuối cùng thấy một anh xe ôm đứng lơ vơ ở vỉa hè, một CSCĐ xuống nhờ anh ta đi trước dẫn đường. Lúc mới lên xe thì cũng hồi hộp, gọi điện báo tin người nọ người kia, rồi nhẩm tính những câu trả lời sẽ bị thẩm vấn khi vào đồn. Thôi cũng là một dịp được trình bày trực tiếp quan điểm về đất nước trước nhà chức trách, biến rủi ro thành cơ hội là thế này đây. Xong xuôi những việc đó, thấy lòng thanh thản lạ thường. Mới cảm nhận được vì sao các chiến sỹ cách mạng thời trước vào tù ra tội, thậm chí ra trường bắn lại thanh thản đến thế. Bất giác nghĩ đến bài thơ của nhà chí sỹ Phan Chu Trinh:

    Luy Luy thiết tỏa xuất Đô môn
    Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn
    Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy
    Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn
    (Gông xiềng mang nặng ra khỏi Kinh thành,
    Buồn hát một cách khẳng khái (rằng) lưỡi vẫn còn
    Đất nước đắm chìm, dân tộc tiều tụy,
    Làm trai có gì mà phải sợ Côn Lôn)

Chúng tôi bị đưa về đồn công an số 1 Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, một chỗ heo hút, gần như không còn phố xá gì. Trong sân đã thấy khoảng hai chục người bị bắt chuyến xe trước, vẫn đang bức xúc tố cáo và tranh cãi quyết liệt với CS về cách bắt người trái luật và tàn bạo. Tôi thấy nhiều người đã quen mặt ở cuộc biểu tình hôm 3.7.2011, trong đó có chị Hằng, người luôn đi đầu hô khẩu hiệu rất mạnh mẽ hôm trước. Hai bên bắt tay nhau trong nỗi niềm đồng cảm. Nhiều người kể họ bị bắt rất thô bạo. Có người bị đạp vào bụng. Có người bị bóp cổ. Có một chị lớn tuổi bị hai vệt rớm máu (mỗi vệt chiều rộng độ nửa xentimet) chạy dài trên bắp tay, như hai vết cào bằng móng tay sắc hay một dụng cụ cứng nào đấy. Tôi thì không thể nhớ những người bắt tôi hình dong cụ thể thế nào, vì lúc ấy chỉ ra sức la hét và giãy giụa, nhưng có mấy chị kể, bọn chúng trông rất gớm ghiếc, tay chân trạm trổ rồng phượng, dao găm, có lẽ là bọn đầu gấu, nghiện hút, sida được thuê. Có một chị khoảng trên 50 đi khám bệnh cũng bị bắt. Chị bảo: “Tôi hôm nay đi khám bệnh, chứ nếu biết có biểu tình thì tôi cũng đi biểu tình”. Chị luôn nguyền rủa những kẻ bắt người kiểu côn đồ. Cuộc tranh cãi có phần căng lên, cảnh sát đuối lý, toan dùng phương pháp “rắn” bằng cách mời riêng những người “to mồm” đi một nơi. Tôi nói với một ông cảnh sát có vẻ là sếp to nhất ở đây: “Các anh bắt người quá dã man. Đã đến đây rồi thì hãy để họ nói lên những bức xúc đó, không có hại gì mà hai bên còn hiểu nhau hơn”. Anh ta có vẻ đồng ý, không ra lệnh cho lính mình “mời riêng” nữa mà mời tất cả mọi người vào phòng. Tôi và một số người vào. Phòng nhỏ, không có nước nôi gì, cũng không có ai tiếp cho nên một số người lại ra. Ngồi chờ khá lâu, chúng tôi lại ra sân nói chuyện vặt để chờ đợi. Bỗng lại một xe buýt nữa đến, đổ số người bị bắt chuyến thứ ba. Khá nhiều người quen trong cuộc biểu tình trước và lúc đợi sáng nay: blogger Gốc Sậy, vợ chồng giáo sư Nguyễn Đông Yên. Một cậu người to lớn, rắn như khúc lim đã đi cùng một đoạn đường ở cuộc biểu tình trước, từng được nghe từ cậu những lời phẫn uất và biết cậu là một cựu chiến binh, về nhà xem tường thuật mới biết đó chính là Nguyễn Chí Đức, người bị khiêng như lợn lên xe và bị một an ninh đạp liền bốn cái. Cứ thương mãi và trách mình hôm ấy không có lời thăm hỏi nào. Lần này có nhiều bác lớn tuổi mà tôi sẽ trở lại nói ở phần sau.

Tôi cùng với số mới bị bắt lại thể hiện bức xúc. Một anh công an mời riêng tôi đi. Tôi không chịu, bảo: “Mời thì mời cả, cớ sao mời riêng tôi?” (Tôi rất cảnh giác với cái kiểu “mời riêng”). Họ lại chỉ chúng tôi sang phòng đối diện với phòng lúc nãy, cách qua khoảng sân. Họ bảo là “Hội trường” nhưng trước cửa lại có biển đề “Tiên học lễ, hậu học văn”, vào phòng hóa ra đúng là một lớp học với bàn ghế học sinh, trên bảng vẫn còn nguyên một bài giảng, có lẽ là môn sinh vật.

Một bác trong số mới bị bắt, khoảng sáu mươi, dáng trí thức, tranh thủ lên bục “diễn thuyết”. Bác giới thiệu mình tên là Nguyễn Tường Thụy, là người đã viết đơn gửi Chủ tịch nước đòi trả tự do cho TS. Cù Huy Hà Vũ. Bác nói qua tình hình đất nước và lý do đi biểu tình sáng nay. Mọi người tán thưởng, vỗ tay rầm rầm. CS vội “mời” luôn bác đi. Lát sau bác quay lại, hỏi họ đã làm gì thì hóa ra cũng chỉ hỏi tên tuổi. Họ kéo bác đi chẳng qua để không cho bác nói mà thôi. Một anh còn trẻ, vào phòng vẫn đeo trên cổ cái bản đồ Việt Nam có khoanh QĐ. HS và TS trong hình trái tim đã bị công an xé rách te tua. Trông mà xót xa. Một anh công an bắt anh ấy bỏ ra, anh ấy không chịu, sau mọi người khuyên thôi cứ bỏ ra. Anh ấy nghe và hỏi ông công an có biết Hoàng Sa, Trường Sa là chỗ nào không. Ông công an ra vẻ thông thạo, rằng mình còn biết cả đường lưỡi bò nữa và lấy tay khoanh hình lưỡi bò rất chính xác!

Một anh công an trẻ lấy tờ A4 ghi tên từng người, chỉ ghi tên thôi. Sau lại mấy anh khác cũng cầm những tờ giấy ghi tên như thế, thành ra có mấy tờ danh sách, nhiều chỗ trùng nhau. Họ đối chiếu lại và bổ sung thêm tuổi, địa chỉ cư trú. Chẳng có việc gì làm, lại quay ra bàn luận với nhau và tranh luận với công an. Ông sỹ quan công an bảo mọi người vì nước mình nghèo, không đủ phương tiện nên phải nhún Trung Quốc. Tôi tóm lấy câu đó, nói: “Anh có biết vì sao nước mình nghèo không? Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân là do ta lại đánh ta, tốn kém vào những việc như chúng ta đang ngồi đây. Còn bọn Tàu thì ngồi rung đùi đắc chí hưởng lợi. Sướng chưa!”. Có người nói luôn: “Rồi nước mình sẽ thành một tỉnh của Trung Quốc”. Ai đó cãi lại: “Một quận thôi, lấy đâu được tỉnh”. Mọi người thi nhau kể tội Trung Quốc.

Chán quá, lại thơ thẩn ra hành lang, thấy blogger Gốc Sậy (hỏi ra mới biết hóa ra chính là TS. khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên, người đã viết nhiều bài về lịch sử - văn hóa rất hay) đang tranh luận với một anh công an mặc thường phục, anh Kiên gọi anh này là Công, như quen nhau lâu rồi. Tôi hỏi: “Nhân dân biểu tình là hậu thuẫn tốt cho chính phủ, tại sao lại đàn áp?”. Anh Công bảo phải chống biểu tình để các thế lực xấu khỏi lợi dụng. Tôi bảo: “Theo tôi chẳng có thế lực xấu nào cả. Các anh càng biết rõ điều đó vì các anh là an ninh”. Anh bảo: “Tất nhiên những người như anh Kiên và anh Thi (họ biết tên tôi từ bao giờ không biết), thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm, không ai lợi dụng được các anh nhưng vẫn có những người bị lợi dụng đấy”. Chi tiết này anh Gốc Sậy đã kể ở bài của anh nên xin không kể lại.

 Nhân đây tôi muốn nói thêm cái ý nghĩ của tôi rằng: Những ai tưởng tượng (hay cố tình tin) “các thế lực thù địch” đứng đằng sau hành động biểu tình yêu nước, nếu không là ấu trĩ thì cũng chẳng khôn ngoan chút nào. Trái lại, vô cùng dại dột. Thế thì rõ ra bằng quảng cáo cho “các thế lực thù địch”. Đọc các tác phẩm trước Cách mạng tháng Tám, thường thấy bọn cường hào tay sai hễ ghét ai, muốn trả thù, thì họ có hai cách: hoặc bỏ vào nhà người ta đồ nấu rượu lậu, hoặc vu cho người ta làm cộng sản rồi đi báo với Tây. Có người chưa biết cộng sản là gì nhưng quá uất ức và đoán nếu Tây ghét thì chắc cộng sản phải là người tốt nên cuối cùng tìm cách theo cộng sản.

Tôi với anh Kiên lại đề nghị cho làm việc chính thức vì chờ đợi đã quá lâu. Anh Công bảo: “Hai anh có thể về được rồi”. Cả hai chúng tôi hết sức bất ngờ. Sao lại chỉ có hai chúng tôi được về? Mà sao bắt bằng được, chở đi rõ xa, đến đây lại không làm gì cả. Tôi bảo: “Không thể thế này. Về thì tất cả mọi người cùng về. Mà về thì phải có xe bus đưa trả chúng tôi lại chỗ cũ”. Tôi vào lớp thông báo ý kiến đó, mọi người hưởng ứng. Anh Công và anh Tuấn trưởng đồn hứa sẽ lo liệu. Tôi không xem đồng hồ nhưng lúc ấy còn sớm, có lẽ chưa đến 10g.

Lại đợi xe. Lúc mới vào nhiều người nghi ngại, muốn hỏi tên tuổi, địa chỉ nhau cũng khó, dần dần đã khá cởi mở. Mới biết bác già là bác Lê Hùng, nguyên biên tập viên nhà xuất bản Thanh niên. Sau lại phát hiện ra cậu Tuyến làm ở NXB Thế giới, người béo trắng. Thế là ở đây có 3 biên tập viên. Tôi tự hào vì “trí thức hạng hai” của mình oanh liệt quá, so với trí thứ thượng lưu, ngoài mấy bác dấn thân, là linh hồn như toàn dân đã biết, còn thì chui kín trong tháp ngà. Bác chống nạng là bác Thọ, lính chống Mỹ, từng chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị năm 1972. Cái chân què không phải do chiến đấu mà là tai nạn giao thông. Sau này về nhà mới tiếc là mình hỏi làm quen và xin điện thoại  được ít quá. Việc tranh cãi với cảnh sát ở đây thật ra là vô nghĩa, vì đây chỉ là nơi nhốt tạm, tất cả các tranh cãi chỉ là “ngoài lề”, ban đầu họ rắn nhưng càng về sau họ chỉ nghe và cười trừ. Tôi hiểu là họ không có trách nhiệm gì về việc bắt bớ ở chỗ biểu tình cũng như việc giải thích chính sách.

Trưa, anh Tuấn trưởng đồn cũng biến đi đâu. Tôi và mấy bác lớn tuổi thúc giục xe đưa về thì các anh công an trẻ bảo không biết, không có quyền việc này. Cuối cùng gặp một ông đứng tuổi mặc thường phục không biết là chức gì, ông ấy bảo không có xe đâu, cấp trên không chủ trương phải đưa người bị bắt trở lại chỗ cũ. Nản quá, GS Nguyễn Đông Yên  bảo mọi người tự về thôi. Nhưng chị Hằng đã bỏ tiền chiêu đãi bánh mỳ, ăn đã rồi hãy về. Sắp về thì nghe nói TS. Nguyễn Xuân Diện đang đến thăm. Đường vào ngóc ngách nên loanh quanh mãi anh Diện mới đến được. Anh Diện chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm, đoàn người hô vang khẩu hiệu rồi bảo nhau cùng ra bến xe bus Mỹ Đình. Lúc ấy là 12g. Biểu ngữ, cờ và khẩu hiệu chống Trung Quốc lại chăng ra. Lúc bị bắt, tôi bị giật mất khẩu hiệu, còn một cái dự trữ trong túi và cờ nữa nhưng sao lúc ấy lại không nhớ ra, tiếc mãi về sau. Chẳng có chú CS nào ngăn cản hết. Có một anh to béo đi xe máy phía trước vừa đi vừa quay lại chụp hình rất điệu nghệ, và luôn miệng bảo bác nào mệt có ngay xe ôm miễn phí, nhưng cũng chẳng ai lên xe.

Rõ là một đoàn biểu tình hùng mạnh. Tôi không hô được mấy khẩu hiệu vì mệt và tự cứ thấy buồn cười. Bởi sự kiện này nó lạ quá. Sau này thỉnh thoảng mở lại bài tường thuật của anh Gốc Sậy, hay ngay cả khi ngồi một mình nhớ lại cũng vẫn cười một mình. Bốn mươi sáu con người bị bắt, thậm chí có người bị đánh đau, bị lăng nhục, nghĩ phải (tạm) tiêu tan hết lòng yêu nước (ít nhất là lúc này), thế mà chưa ra khỏi đồn đã lại biểu tình, biểu tình suốt dọc đường dài mấy cây số, biểu tình một cách ngạo nghễ, tưng bừng, đến nỗi dân hai bên phố và khách đi đường tưởng là một bọn “rồ”, cứ đứng ngây ra nhìn, không hiểu ra làm sao. Có lẽ công an cũng chán nên không thèm đuổi bắt? Bất giác nghĩ đến mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi:

Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Đi một đoạn dài thấy “oải”, mới sực nhớ sáng nay mình bị sốt viêm họng. Nhớ đến những cơn sốt thường bất chợt ập đến với mình, tôi vội tìm chú béo béo lúc nãy, nhưng chú vượt lên trước khá xa, không thể gọi. Gặp một bác xe ôm, không hỏi giá, chỉ nói: “Tôi đi biểu tình chống TQ, bị bắt về đồn Mỹ Đình, giờ mới được thả, hãy cho tôi về chỗ XXX… Anh xe ôm này gầy lọm cọm, mặc đồ bộ đội rộng thùng thình. Thử bắt chuyện, rằng anh có biết bọn TQ côn đồ đểu cáng với mình thế nào không, anh bảo cũng có biết chuyện chúng xua đuổi bắt bớ dân đi biển, chuyện thuê rừng. Hóa ra anh xe ôm cựu này là cựu chiến binh, từng đối mặt với quân Tàu ở mặt trận Vị Xuyên hồi 1984. Lúc xuống xe, hỏi anh lấy bao nhiêu thì anh bảo tùy bác, bác đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, cũng như em đi bộ đội trước kia, bác cho em thế nào cũng được. Ôi, chưa từng có có một ông xe ôm nào đáng mến như thế. Tôi rút 3 chục theo giá vẫn đi ra bến Mỹ Đình đưa anh. 

Mấy tâm sự

Nếu lần trước tôi đã cảm nhận được tình dân tộc, nghĩa đồng bào, thì lần này còn cảm nhận được sâu sắc hơn nữa. Bây giờ là những gương mặt rất cụ thể, do đã sống với nhau cả mấy tiếng đồng hồ trong đồn công an. Tôi muốn gọi họ là đồng chí, đúng nghĩa chân chính của từ này. Cái chí vì đất nước, không thể ôm nỗi quốc nhục, và cả cái không may hôm nay đã châu tuần chúng tôi lại với nhau. Những gương mặt, những cảnh ngộ rất khác nhau nhưng đều gần gũi, đáng yêu vô cùng. Anh Nguyễn Tường Thụy dáng vẻ trí thức vừa phong nhã vừa cương nghị. Anh Gốc Sậy (Nguyễn Hồng Kiên) sắc sảo, vui vẻ và hào hoa. Cháu Nguyễn Văn Phương hiền lành mà rắn rỏi. GS. Nguyễn Đông Yên ôn hòa, nhỏ nhẹ, luôn luôn thông cảm, thể tất cho những thiếu sót, bất cập của các anh công an. Bác Lê Hùng chất phác như một lão nông. Anh Toàn cao gầy, quyết đoán. Tôi đã rất cảm phục anh lần trước, vì anh luôn quán xuyến hàng ngũ cho có trật tự, nhắc nhở mọi người đề phòng mật vụ TQ trà trộn bắt người. Hôm nay anh vẫn mặc cái áo trắng ngà lần trước khiến tôi cứ liên hệ đến hình ảnh anh Trỗi ra pháp trường. Anh Lê Dũng (về nhà mới biết tên, chứ lúc ấy chỉ biết một người cao lớn, đeo máy ảnh kềnh càng) bộc trực và phong trần. Cậu Tuyến để ria mép vẻ triết học và những câu nói của cậu cũng rất là triết học. Anh Thọ cựu chiến binh khắc khổ như dân tộc Việt Nam bốn nghìn năm dãi gió dầm mưa. Hai cháu một nam, một nữ mà tôi chưa kịp hỏi tên, gương mặt trong sáng như mặt nước hồ thu, mãi khi sắp gửi bài này tôi mới biết họ là hai chị em. Chị Phương Bích (về nhà cũng mới biết tên) hiền lành kín đáo mà khi cần lại rất quyết liệt. Tôi đã đi cùng chị đoạn đường dài hôm 3-7, chị đeo lủng lẳng bên hông cái loa mà không đem ra dùng; hôm nay không thấy đeo loa, nhưng lúc về lại thấy có loa hô khẩu hiệu, chắc vẫn là loa của chị. Vợ chồng cậu Ngọc Anh đẹp đôi, thanh lịch và trẻ trung. Những cặp vợ chồng như thế thường dành ngày nghỉ để rong chơi và mua sắm hàng hiệu chứ ai đi biểu tình như họ. Xin nói thêm rằng về nhà tôi cũng mới biết người vợ là cô giáo tiểu học Vân Anh, tôi càng trọng nể vô cùng, vì muốn hay không tôi cứ buộc phải đặt người phụ nữ trí thức bình dân ấy bên cạnh nhiều người cùng giới với cô, những trí thức thượng lưu sang trọng mà tôi biết, cho đến nay nhiều người còn không hề biết người Tàu đã làm những gì trên vùng Biển Đông của ta! Đặc biệt không ai là không cảm phục chị Minh Hằng, người phụ nữ trung niên bừng bừng lửa sống, cả sức lực, nhiệt tâm và trí tuệ, khiến tôi luôn tin chị đích thị là hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu. Lại có lúc liên tưởng chị với thánh Jeanne d’ Arc, người nữ anh hùng của nước Pháp, từ một cô gái nông dân bỗng hóa “thánh”, cầm quân chiến đấu chống quân xâm lược Anh, đánh đâu thắng đó, và chỉ bị chết bởi tòa án dị giáo. Nếu bây giờ 46 người ở đây có một trận đánh thì người chỉ huy chắc phải là chị. Chị chỉ đâu chúng tôi sẽ đánh đấy. Và bao nhiêu người khác nữa tôi chưa kịp hỏi tên và làm quen…

Còn những nỗi đau, nỗi buồn thì... biết nói thế thế nào đây. Cái ngày 17-7, nhiều người gọi là ngày nhục nhã, ngày đáng xấu hổ trong lịch sử chống ngoại xâm,… nhưng nhiều người cũng nói rồi, tôi không muốn góp thêm vào cái ai oán nữa. Dân tộc này hôm nay cần phải mạnh mẽ để vượt cơn hiểm nghèo không giống với bất cứ cơn hiểm nghèo nào mà dân tộc đã trải qua.

(Kỳ sau: Làm việc với an ninh)