Thăm Quê PDF Print E-mail
Tác Giả: Bút ký của Lê Việt   
Chúa Nhật, 22 Tháng 2 Năm 2009 05:40

 Năm 2008, ngày 15 tháng 11, tôi trở về Hà Nội vào giữa Mùa Thu. Ước mơ đầu tiên của tôi là tìm lại những đặc thù của Mùa Thu xứ Bắc, với gió heo may lãng đãng, với nắng hanh vàng ấm áp và với khí trời âm u, se lạnh tạo cho lòng người những tình cảm vui buồn thú vị. Nhưng khi bước ra khỏi máy bay tại phi trường Nội Bài, tôi đã cảm nhận ngay những vọng tưởng về Mùa Thu xứ Bắc trước khi trở về thăm quê, chỉ còn là những ảo tưởng. Một luồng khí nóng ập xuống giấc mơ của tôi. Vội cởi chiếc áo da mang trên mình, rồi ngước nhìn nền trời vẩn đục những cụm mây báo hiệu một cơn mưa sắp đến, tôi rảo bước qua khu nhận hành lý. Sau khi trình chiếu khán và thẻ thông hành, bước ra khỏi phi trường, tôi thấy nhấp nhô một đám già trẻ lớn bé chừng vài chục người, mặt mày hớn hở, trong số có hai bà già đầu bạc, tay cầm hai bó hồng giơ cao, miệng cười toe toét, rồi trao tặng những bó hoa ấy cho tôi và một người bạn Mỹ theo tôi về thăm Việt Nam. Một bà cao và mập nói:

 - Chúc mừng anh về thăm nhà.

 Chăm chú nhìn hai bà già này, tôi tự nhủ thầm: Họ là ai? Ðịnh thần, tôi nhận ra hai bà già này là hai cô em kế tôi; không phải nhờ diện mạo, vóc dáng hay hình hài mà nhờ linh tính tự nhiên của tình ruột thịt. Ðối diện từng người, tôi hỏi:

 - Ðây là Uyên Trang?

- Dạ! Phải.

- Ðây là Uyển Trang?

- Dạ! Ðúng.

 Trong khi đó, mấy chú em, đứng sau cười rũ rượi, tiến lên phía trước, nghiêng ngả những cái đầu, tranh nhau soi nhìn mặt tôi, ý muốn đố tôi, họ là những ai? Trước khi về thăm nhà, tôi gửi ảnh cho họ để tiện nhận diện khi đón tôi tại phi trường. Nhiều lần, tôi nhắc họ gửi ảnh của họ cho tôi, nhưng họ cứ lờ đi. Có nghĩa rằng, âm mưu chọc quê tôi đã được họ bàn thảo từ trước. Có lẽ tôi chỉ cần nêu lên đây một vài hình ảnh để các bạn có thể nhìn ra cái hiện tượng ngỡ ngàng của tôi, sau trên 50 năm tôi sống xa gia đình như thế nào!

Lê Hải Ðức là em út của gia đình gồm tám anh chị em. Ngày tôi dời nhà ra đi, Hải Ðức lên sáu. Tôi không quên được hình ảnh Hải thò lò mũi, đội nghiêng chiếc mũ nồi đen, chạy quanh cây ổi trong vườn, say mê tìm quả chín, hơn là để ý đến lời chào từ biệt của người anh cùng những sa sút của gia đình lúc bấy giờ. Năm nay, Hải Ðức đã 60 tuổi, tóc bạc gần trắng mái đầu. Chú ấy có 5 con gái. Bốn đứa đã có chồng, mỗi đứa có hai con. Chỉ cần biết như thế, bạn cũng đủ nhận thức được dòng thời gian cuốn hút ra sao đối với thân phận con người!

Trên nửa thế kỷ cách biệt, tôi trở lại thăm quê lần này bằng dĩ vãng. Có những người quan niệm “thà mơ giấc mơ của dĩ vãng, còn hơn chứng kiến những phũ phàng của hiện tại”. Tuổi tôi đã cao. Tuy tuổi tác không phải là thước đo lòng người, nhưng cái nhìn biến đổi theo thời gian cũng khiến tôi do dự, phân vân. Nhất là cái chế độ nghiệt ngã đang ngự trị trên quê tôi không đem lại lòng tin cho những người bỏ nó ra đi như tôi... Thế rồi, một ngày cuối năm, trước lễ tạ ơn, như một tiền định, Frank Ford từ Virginia gọi điện thoại cho tôi để chúc nhau nhân mùa nghỉ lễ. Trong câu chuyện, Frank ngỏ ý muốn trở lại thăm Việt Nam là nơi ông ta và tôi từng làm việc chung những năm của thập niên 1960 và còn để lại trong nhau những dấu ấn kỷ niệm tưởng chừng như vẫn còn mới. Phải nói rằng, cũng nhờ Frank mà tôi đã mạnh dạn về thăm Việt Nam. Lý do là sự hiện diện của ông ấy được ví như tấm lá chắn an toàn cho tôi trước những biến cố khó ai lường trước, dưới một chế độ đơn thuần dùng chính trị để cai trị. Là công dân cắc ké của nước Mỹ như tôi, khi đi dưới chiếc dù che của công dân Mỹ chính gốc như Frank Ford, vẫn an toàn hơn là tấm vải mỏng che thân của người Mỹ gốc Việt với chiếc thẻ bài công dân được chính quyền Mỹ ban cho để sống, để làm việc, và để đóng thuế. Tấm thẻ bài này không được cộng sản công nhận vì họ có quyền làm luật để không công nhận cái tình trạng nửa vời gọi là xong tịch của người Mỹ gốc Việt. Song tịch được cộng sản giải thích: Người Việt ở nước ngoài, mặc dù đã gia nhập quốc tịch để trở thành công dân các nước sở tại, khi về Việt Nam, nếu chưa xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam, vẫn là công dân Việt Nam và bị luật pháp Việt Nam chi phối. Chỉ cần một sơ ý nhỏ, một người có thể bị vu cáo tội khủng bố, phản động hay CIA tức làm gián điệp cho Mỹ, y hệt như thời chiến tranh Việt-Pháp, chỉ cần mang theo ba mầu biểu tượng của lá cờ Pháp, là bị buộc tội Việt gian tay sai cho Pháp. Ðại sứ Mỹ Mike Marine ca tụng những người đòi dân chủ tại Việt Nam là những anh hùng thật tâm yêu nước, nhưng ông vẫn khuyên Việt kiều về nước nên giữ gìn cái miệng, nếu không thì tòa đại sứ Mỹ không có đủ chìa khóa để mở cửa nhà tù giùm họ. Hiện nay Việt Nam đang trên vòng đua thí nghiệm trò chơi quốc tế WTO với hạn định 12 năm, Việt Nam phải theo kịp kinh tế thị trường. Nhưng lấy cái gì bảo đảm trong thời gian ấy, Việt Nam đã hiểu đủ để tôn trọng luật chơi quốc tế, trong khi tình trạng đất nước tụt hậu vẫn đè nặng lên guồng máy cầm quyền cái mặc cảm tự ti vô cùng nguy hiểm.

Xa nhau lâu ngày, buổi đón tiếp của đại gia đình dành cho tôi hết sức cảm động. Tuy chẳng nhận ra nhau, nhưng niềm vui hiện lên nét mặt từng người, kể cả đàn cháu chắt sinh sau đẻ muộn, đã khiến tôi quên hẳn mệt nhọc sau gần 20 tiếng đồng hồ lắc lư trên máy bay, cùng những giờ khắc chờ đợi trên đoạn đường dài nửa vòng trái đất. Hai chiếc xe riêng của hai con trai con chú Hòa Ðức là em thứ 5 của tôi, dẫn đầu, theo sau là 2 chiếc xe van đưa cả đoàn người về nhà chú ấy để cùng hưởng một bữa cơm chiều đã được đàn cháu dâu chuẩn bị chờ sẵn. Qua 6 giờ, nhà chú Hòa đông nghẹt những khuôn mặt lạ hoắc, sau giờ tan sở đến chào tôi. Họ là những con cháu dâu rể nội ngoại do các cuộc hôn nhân tác thành từ ngày tôi xa nhà. Tôi chỉ biết họ, sau khi được giới thiệu qua những tương quan chi chít bàng hệ hay trực hệ, thân thuộc hay thích thuộc. Rất tiếc, tôi không có cái đầu bác học để nhớ đủ tên tuổi và chi phái từng người. Gọi là buổi cơm chiều, nhưng đại gia đình đã chuyện trò, nhậu nhẹt đến quá nửa đêm. Tội nghiệp Frank cũng tham dự, nhưng chỉ nhìn ngó quanh quẩn từng người, chẳng biết họ nói những gì! Tôi chỉ thông dịch đại khái vì tôi bị họ quay hỏi liên miên đủ mọi thứ chuyện từ ngày tôi giã từ đất Bắc vào Nam, nhất là những năm tháng sống trên đất Mỹ, xen lẫn những kỷ niệm quá khứ trong những ngày tôi còn sống với gia đình dưới sự nuôi dưỡng của cha mẹ. Giờ phút này đã gây nhớ trong tôi những tình tự mà tôi đã vô tình đánh mất từ thời niên thiếu, cho đến bây giờ mới cảm nhận được những tiếc nuối sâu xa của đời sống gia đình dưới một mái nhà.

Vào những ngày tôi và Frank cư ngụ tại nhà chú em tôi tại Ô Quan Chưởng, Hà Nội bị luân phiên cắt nước. Thật là dễ dàng khi đi ăn tiệm, nhưng tắm rửa là cả một vấn đề nan giải, nhất là đối với Frank không hề quen lối tắm bằng gáo múc nước. Thế là sau ba ngày sống trong cảnh Hà Nội thiếu nước, Tôi và Frank đã phải dời khỏi nhà chú em đến ở khách sạn trên đường Hàng Bạc, nằm giữa khu phố cổ thuộc trung tâm Hà Nội, cách Hồ Hoàn Kiếm khoảng nửa cây số. Lần đầu tiên leo lên taxi đến đường Cổ Ngư để thưởng thức món bánh tôm cổ truyền nổi tiếng của Hà Nội, tôi và Frank giật mình khi nghe tài xế phán số tiền phải trả là 75,000. Tôi tính nhẩm khoảng 5 Mỹ kim. Còn Frank rút trong túi ra cái máy tính, loay hoay được máy trả lời $4,69, là giá của một đoạn đường dài khoảng 3 dặm, nhưng mất gần một tiếng vì kẹt xe. Nhiều con đường Hà Nội chỉ rộng khoảng 10 mét, trong khi đủ mọi loại xe lưu thông, từ xe đạp, xe ba gác, xe gắn máy, xe hơi, xe vận tải, kể cả khách bộ hành cũng có quyền nghênh ngang đi giữa đường để xe tránh, chứ không tránh xe. Tại ngã ba, ngã tư, dù có đèn xanh, đèn đỏ, nhưng đèn nào cũng là không đèn, nếu không có công an đứng gác. Ngay cả đường dành riêng cho người đi bộ, dù có vạch trắng, vạch vàng phân định, nhưng các loại xe vẫn băng qua một cách hồn nhiên. Ai không dám đi thì đứng ì ra đấy mà đợi những dòng xe triền miên lưu thông không bao giờ dứt. Ngày đầu còn rụt dè. Những ngày sau cũng quen dần. Có một lần tôi suýt bị taxi cán trên đường dành riêng cho người đi bộ, nếu tôi không kịp dừng bước. Thế mà người tài xế còn sừng sộ, trợn mắt nhìn tôi, có ý trách tôi không biết gì về luật giao thông được những người lái xe tự ý làm ra và được sở lộ vận mặc nhiên chấp thuận. Trong số những người lái xe gắn máy, không phải chỉ có người Việt mà có cả người ngoại quốc được dân địa phương gọi chung là Tây Ba Lô, ám chỉ dân da trắng thường đeo cái backpack sau lưng, thơ thẩn khắp nơi trên hè phố để hiếu kỳ tìm hiểu những sinh hoạt của dân Hà Nội vô cùng xa lạ đối với họ. Còn người Hà Nội, cứ thấy đàn ông hay đàn bà da trắng thuộc bất cứ quốc gia nào, họ đều gọi là ông Tây hay bà Tây. Những em và cháu của tôi cũng không tránh khỏi cái ngoại lệ này. Họ đều gọi Frank là ông Tây, mặc dù họ đều biết ông ấy là người Mỹ.

Sống giữa Hà Nội, tất nhiên phải thăm thú Hà Nội trước tiên. Thắng cảnh đầu tiên vẫn là Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là “Hồ Gươm”, một danh xưng đẹp như mơ đầy sức hấp dẫn, cùng những cảnh vật và phố xá quanh hồ. Tuy xa cách Hà Nội lâu ngày, nhưng tôi vẫn còn nhớ địa hình Hà Nội, cho dù Hà Nội thay đổi quá nhiều cái mã bề ngoài trong cái thời gọi là đổi mới, nhưng chắp vá, kết nối vụng về. Bờ Hồ Hoàn Kiếm ngày xưa thông thoáng, là nơi thư giãn tinh thần của người Hà Nội, hôm nay đã biến thành nơi làm ăn của những người nghèo níu kéo du khách để xin tiền, hay của những nam, nữ vạ vật ngửa nghiêng trên những chiếc ghế công viên để đón chờ, mời gọi khách mua hoa hoặc thậm thụt đưa ra những món hàng quốc cấm như cần sa, nha phiến. Những hàng ăn hay quán bán kỷ vật cho du khách được xây cất đó đây quanh bờ hồ, đã che khuất tầm nhìn của người thưởng ngoạn khiến mặt bằng của cảnh hồ như thu nhỏ lại. Tuy nhiên, vì là bộ mặt của thủ đô, là trung tâm thu hút du khách, cho nên công tác giữ gìn vệ sinh cho Hồ Hoàn Kiếm cũng được chăm sóc chu đáo. Nhìn từ một góc độ nào đó, những bóng liễu xanh non lả lướt trên mặt hồ vẫn còn lưu giữ trong con tim Hà Nội những vẻ đẹp nên thơ. Tháp Rùa, Ðền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc và Nhà Thủy Tạ vẫn giữ nguyên hình thái cũ, vẫn lung linh soi bóng trên mặt hồ phẳng lặng, yên bình. Cầu Thê Húc sơn mầu đỏ thắm, lối đi vào đền Ngọc Sơn cây xanh, lá phủ vẫn còn gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm xa xưa, nhất là mầu sắc tôn giáo của lễ bái miếu đền đã từng dung chứa những tâm hồn giản dị để duy trì phần nào sự tử tế giữa con người sinh sống tại Hà Nội trước những manh động của thời thế. Vào một ngày đầu Xuân 1950, tôi được nghe lần đầu bản Thiên Thai của Văn Cao do ca sĩ Minh Ðỗ hát tại Nhà Thủy Tạ xây trên mặt nước Hồ Gươm. Ðến nay, mỗi lần nghe Thiên Thai, hình ảnh thanh bình của Hà Nội năm xưa lại trở về trong tôi.

Trở lại với Hà Nội hiện thực, những lúc thả bộ trên các đường phố hay viếng thăm các viện bảo tàng, các nhà văn hóa như Văn Miếu, ngay cả các đền chùa, nhà thờ tôi không còn thấy rơi rớt một chút nào cái lối sống của Hà Nội xưa cũ. Văn Miếu nói đủ chữ phải gọi là “Văn Miếu Quốc Tử Giám” được long trọng mang tên trường đại học đầu tiên của các sĩ tử Việt Nam từ triều đình Nhà Lý. Mỗi lần đón tiếp khách quý hay các bậc lãnh đạo quốc tế, các quan chức của Hà Nội ngày nay thường đem khoe cái giá trị lịch sử của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cũng vì thế, du khách thăm viếng Hà Nội coi Văn Miếu như một thắng cảnh không thể bỏ qua. Ngày nào Văn Miếu cũng nườm nượp người thăm, đông như trảy hội. Tuy nhiên, chẳng mấy ai biết, những chỗ khuất của tòa Văn Miếu cổ kính kia đã biến thành nơi giải quyết nhu cầu tiêu hóa của dân bán hàng rong vì Hà Nội thiếu nhà vệ sinh, nhất là khi mặt trời bắt đầu trả lại bóng đêm cho Hà Nội. Chữ nghĩa được dùng để mô tả Hà Nội là chốn “Ngàn Năm Văn Vật” đã trở thành một khuôn sáo trước những cảnh sống chen chúc,chụp giật trên khắp nẻo đường Hà Nội. Cùng đi với tôi, Frank thấy những gì lạ đều xà tới thăm hỏi, nhất là những món hàng nội hóa. Thấy khách là ông Tây mắt xanh, mũi lõ, người bán thường lên giá vô tội vạ. Tất nhiên, tôi là người trung gian chuyển ngữ, trong khi ông Tây Frank trố mắt nhìn tôi và nhìn người bán hàng, rồi từ chối không mua. Mỗi lần như thế, ông Tây Frank chẳng bao giờ hiểu được người bán phản ứng ra sao bằng những lời lẽ thường là khó nghe. Tôi là người nghe đủ và lãnh đủ. Có lần Frank từ chối lời mời của một bác đạp xích lô bằng cái lắc đầu và tôi là người mang tội “mất gốc” vì tôi không bênh người Việt đạp xích lô mà lại về phe với ông Tây mũi lõ. Khi thấy không khí bắt đầu căng thẳng, tôi bèn giục Frank lẹ bước để tránh rắc rối có thể xảy ra. Trong những ngày thơ thẩn trên các đường phố Hà Nội, chúng tôi còn chứng kiến những cảnh đánh lộn đến thâm mày vỡ mặt trước những cái nhìn vô tư của khách qua đường. Bởi thế ngày gần đây khi nghe câu chuyện em Nguyễn Thị Bình vì nhà nghèo nên phải làm công cho một tiệm phở từ năm em 11 tuổi. Trong suốt 10 năm, em bị vợ chồng chủ tiệm hành hạ tàn nhẫn, thế mà xóm giềng vẫn câm nín, cán bộ công an khu phố vẫn làm thinh cũng chỉ vì chủ tiệm quen các ông lớn và có tiền được pháp luật bao che thì cái cảnh đánh lộn ngoài đường phố chỉ là những chuyện nhỏ chẳng làm ai ngạc nhiên cũng là lẽ đương nhiên. Còn một điều đặc biệt nữa, cần kể cho các bạn nghe, nếu trong túi còn xúng xính tiền, du khách không cần đến ngân hàng để đổi tiền. Trên đường phố, nhất là tại các góc phố mọc lên tua tủa những ngân hàng di động được hóa trang bằng những chiếc túi xách rách rưới chia thành nhiều ngăn với những chiếc khóa kéo đựng tiền Hồ và tiền Mỹ được sắp xếp ngăn nắp để công việc đổi chác diễn ra mau lẹ. Thấy Việt kiều hay người ngoại quốc, các ngân hàng di động này liền tìm đến gạ hỏi. Giá hối đoái thường cao hơn giá chính thức, nhờ thế cung cách làm ăn này khá thành công. Frank đưa ra nhận xét, họ phải thuộc một tổ chức nào, vì họ nhiều tiền lắm! Tuy nhiên, xin lưu ý, nếu bạn là Việt kiều mặc áo gấm về làng mà dám đổi tiền theo kiểu này thì đây là cơ hội để công an truy bức túi tiền của bạn. Cảnh đổi tiền lậu này, không riêng ở Hà Nội mà ở Sài Gòn cũng diễn ra khắp các đường phố.

Những ngày lang thang trên mảnh đất quê hương, từ Hà Nội đến Hạ Long-Quảng Ninh, Tam Thanh-Lạng Sơn, Sapa-Laokay, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Huế, Nha Trang, Ðà Lạt đến Sài Gòn... tôi nhận thấy, sinh hoạt của người dân về mọi mặt: duy vật, duy tâm, duy lý, duy thức... đều như nhau. Ðất Bắc Hà được mệnh danh là cái nôi của nền văn hóa và văn minh dân tộc bắt đầu đổi mầu từ biến cố gọi là Cách Mạng Mùa Thu 1945 được Việt Minh rầm rộ phát động một cách hết sức lãng mạn qua ánh sao vàng trên nền cờ đỏ. Tính chất lãng mạn của cuộc cách mạng này đã thu hút thành công khá nhiều các thành phần văn nghệ sĩ ưu tú của đất nước. Khỏi nói đến giới trẻ ti toe mới lớn còn say mê táo bạo hơn nửa trước cao trào yêu nước được tô điểm bằng những làn điệu thi ca mới lạ hàng ngày thổi vào tâm hồn họ. 1946, Hà Nội bị Pháp tấn công, cái nhãn hiệu “Tự Vệ Thành” oai phong và đầy khích lệ đã khoác lên vai thanh niên thời ấy cái lý tưởng cứu quốc đẹp như trăng sao. Họ là những thành phần được Việt Minh triệt để lợi dụng nhằm thực thi chủ thuyết xã hội cực tả theo mô hình cách mạng cộng sản kiểu Nga Xô Viết. Riêng giới trí thức Việt Nam thời ấy, phần lớn khôn ngoan, tinh tế hơn. Nhờ nhận thức khá bén nhậy mặt trái của thời cuộc, từ Phong Trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 đến thời cơ Việt Minh đánh tráo quốc kỳ tại Nhà Hát Lớn Hà Nội để cướp chính quyền tháng 8 năm 1945, giới trí thức Bắc Hà đã khéo léo bảo toàn khá vững cái thái độ bàng quan đối với thời cuộc bằng cách đắp chăn nằm yên. Cho đến năm 1954, sau Hiệp Ðịnh Genève với 9 năm gọi là “kháng chiến” chống Pháp (có người nói lái thành “khiến chán”) và 300 ngày ân huệ do hiệp định ấn định để dân cư từ bắc vĩ tuyến 17, có đủ thời giờ lựa chọn nơi sinh sống, giới trí thức Bắc Hà mới tỏ rõ thái độ chính trị của họ đối với Việt Minh. Ngoại trừ hoàn cảnh khó khăn riêng lẻ, những người am hiểu thời cuộc đều tìm đường di cư vào Nam, mặc dù họ phải bỏ lại sau lưng tất cả tài sản tinh thần cũng như vật chất để mạo hiểm dấn thân vào cuộc hành trình không biết ngày mai. Thời bấy giờ, khi nói đến dời bỏ làng xã để định cư sinh sống tại một nơi khác, tuy vẫn là đất nước mình, dân Bắc Hà coi đó như một hành động tha phương cầu thực, bất nhân, bất hiếu và phản bội tổ tiên. Ðời sống của họ gắn liền với nơi sinh trưởng chắc như keo sơn. Lìa bỏ đất Bắc di cư vào Nam cách xa hàng ngàn cây số không hẹn ngày về, họ coi như đi biệt tích. Sài Gòn ngày ấy đối với dân Bắc Hà xa xôi chẳng khác một quốc gia hải ngoại. Sở dĩ cha mẹ tôi, dù có tây học, nhưng cũng không muốn dời bỏ sinh quán theo tôi vào Nam, cũng chỉ vì nặng lòng với mồ mả tổ tiên còn kẹt lại ở bắc vĩ tuyến 17. Ngày ấy, chính cha tôi đã giục tôi ra đi vì ông nhìn rõ, dù tôi ở lại miền Bắc cũng chẳng làm được gì khác, ngoài cái nghề cán bộ nếu may mắn gặp thời, bằng không thì bị chế độ cách ly, phong tỏa.

Mùa Thu 1945, Việt Minh đem vào Hà Nội một mớ cán bộ của thời cuộc. Ðến năm 1954, Việt Minh đã biến Hà Nội thành cứ địa của Nga Xô và Trung Cộng. Những cuộc đổi đời cay nghiệt này đã làm chao đảo nếp sống truyền thống của người Hà Nội. Ngôn ngữ trào lộng gọi Hà Nội hôm nay là Hà Nội 9 nút, con số tiêu biểu nhờ thời cơ mà hình thành hơn là do tài đức và sức người. Chín nút là số thành của hai con số 4+5, rút ra từ hai số cuối của 1945 và 1954. Ðây là những thời điểm xảy ra hai biến cố lớn tạo cho Việt Minh cơ hội thực thi Chế Ðộ Xã Hội Chủ Nghĩa để tiến lên Cộng Sản Chủ Nghĩa dẫn đến giấc mơ Thế Giới Ðại Ðồng theo lý thuyết của Karl Marx và Lenin. Tuy nhiên, vì sức người có hạn cho nên Việt Minh đã đứt gánh giữa đường. Sau gần 30 năm chinh chiến, giết hại khoảng 3 triệu con người nói cùng một ngôn ngữ, Việt Minh đã đầu hàng Tư Bản Chủ Nghĩa và né tránh cái danh xưng này bằng bộ mã xanh đỏ vá víu gọi là “Kinh Tế Thị Trường Theo Ðịnh Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” để che mắt thuộc hạ và công luận. Ngày nay, mỗi lần nhắc đến Hà Nội 9 nút, người Việt cả nước đều biết, đây là một Hà Nội pha trộn thân phận của cả 3 miền đất nước do thời cuộc đẩy đưa để hóa thành một giọng nói, một thói tục và một nếp sống đặc thù của người Hà Nội hôm nay. Người ta nhận ra cái chất giọng của người Hà Nội hôm nay bằng cảm quan của thính giác hơn là ý nghĩa của ngôn ngữ. Các đài phát thanh trong nước cũng như hải ngoại đã cho thính giả nhiều cơ hội nhận ra thực chất của giọng nói này. Còn muốn biết nếp sống của người Hà Nội thì phải sống trong lòng Hà Nội để chứng kiến tận mắt những ngõ ngách của một Hà Nội đổi mới mang danh Hà Nội 9 nút. Một triết gia Ðức nhận xét chung như sau: “Ðể nhận biết bộ mặt thật của một quốc gia, hãy quan sát luật đi đường của quốc gia đó có được người dân tôn trọng hay không?” Thiết tưởng, câu nói này đã phản ảnh đầy và đủ tình trạng sống không riêng tại Hà Nội mà cả nước Việt Nam. Thống kê chính thức từ nhà cầm quyền cộng sản cho hay, trung bình hàng năm có khoảng 10,000 sinh mạng được gia đình và xã hội nuôi dưỡng, đã chết một cách tức tưởi vì đủ mọi loại tai nạn giao thông.Tuy nhiên cũng có những ông Tây hay ông Mỹ vì muốn chung vốn ít mà kiếm lời nhiều bằng đầu tư lao động giá rẻ tại các quốc gia chậm tiến, đã không ngớt ca tụng tình trạng giao thông bát nháo được các ông gọi là đầy sinh lực và vô cùng hiếu động của Việt Nam hiện nay. Thật là miệng nhà tham có gang có thép!

Trở về giọng nói của người Hà Nội, trong số bốn đài phát thanh quốc tế nói tiếng Việt gồm RFI, RFA, VOA và BBC, nghe thử, các bạn sẽ nhận diện ngay được cái giọng nói Hà Nội ngày nay ra sao, cho dù các bạn không từng sống ở Hà Nội trước đây. Ngày nay, tuy ý thức hệ cộng sản đã làm biến đổi sâu xa nếp sống cổ truyền của người Việt, nhưng đối với vận mệnh của một quốc gia, cộng sản chưa đủ sức tàn phá tảng băng ngầm của nền văn minh dân tộc kết tinh từ lâu đời. Hiện nay, ý thức hệ cộng sản đang bị phá sản do sức ép của trào lưu dân chủ và dân quyền thế giới. Tất nhiên cộng sản Việt Nam cũng không thoát khỏi cái luật đào thải bắt buộc này. Bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian theo tiến trình chung của thời tin học biến hóa không ngừng để nhanh chóng đẩy lùi hiện tại vào dĩ vãng. Tuy nhiên, sau nhiều năm sống lam lũ dưới cái chế độ lạc hậu từ cốt lõi, muốn cùng thế giới đồng hưởng hơi ấm của ánh sáng mặt trời, người Việt hôm nay phải vượt trội bằng những bước nhảy phi mã cả về tâm lực, trí lực lẫn thể lực và nếu muốn rút ngắn thời gian thì không thể phó mặc cho thời thế xoay vần. Thay đổi một ý thức hệ chính trị, tuy khó, nhưng không phải không làm được theo ý muốn. 24 quốc gia Ðông Âu, điển hình là Ðức Quốc đã nhanh chóng thanh toán xong tàn tích của chế độ cộng sản. Dẫn chứng điển hình là chỉ trên 10 năm thống nhất, bà Angela Merkel, từ dân của một Ðông Ðức cộng sản phản dân chủ đã trở thành thủ tướng của một nước Ðức tự do dân chủ. Cũng phải đặc biệt kể đến nước Nga là quốc gia đầu tiên áp dụng chủ thuyết cộng sản để thiết lập chế độ chính trị nhằm thực hiện giấc mơ cộng sản hóa thế giới, nhưng ngày nay nước Nga đã thay đổi cả quốc kỳ lẫn quốc ca để mạnh dạn dấn thân vào trào lưu chính trị của thế giới mới. Nói tóm lại, ý thức hệ cộng sản đã bị phá sản. Hiện nay, những nước còn đề cao chủ nghĩa cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam chỉ là trò bịp bợm. Họ dùng hình ảnh của những Karl Marx, Lenin, Mao Trạch Ðông hay Hồ Chí Minh chỉ để che đậy dã tâm của họ đối với dân chúng, nhất là giới trẻ sinh sau đẻ muộn, từng trải qua thời ăn bo bo đến nay được ăn cơm đã cảm thấy mãn nguyện mà không biết rằng, sức tiến như vũ bão của thế giới bên ngoài đã bỏ xa họ nhiều thế hệ về mọi mặt của đời sống.

Lâu ngày, mới có dịp về thăm quê, tôi mừng lắm! Nhất là nếp nhà không vì thời thế mà thay đổi là niềm vui lớn nhất của tôi. Tuy nhiên, có nhiều trừ lệ khiến tôi phải đắn đo suy nghĩ. Ngày dời nhà ra đi, tôi không thuộc thành phần ủng hộ chế độ đương thời. Và trên 60 năm sống tại miền Nam và tại hải ngoại, theo thành kiến của người trong nước, nếu tôi không giàu thì cũng không nghèo. Ước lệ này không đúng với hoàn cảnh của nhiều người và của riêng tôi. Chẳng phải thần thánh, nhưng nhờ hiểu được cái luật tự tại vô thường đã biến thành bản chất, cho nên tôi thản nhiên sống trên dòng định mệnh. Các em, ngay cả các cháu nội ngoại gồm những đứa chưa sinh ngày tôi xa quê, đều chia sẻ những niềm vui với tôi một cách hồn nhiên, không vì tôi không có một chút quà nhỏ nào từ Mỹ đem về. Chiếc huy chương tình cảm tôi được gia đình ban tặng quả là tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi phải ngậm ngùi để nói với các bạn rằng, chính trị và chiến tranh đã kéo lùi tâm thức các thế hệ người Việt trong nước đến một tầm mức đáng sợ, không loại trừ gia đình tôi. Các em tôi kém tôi chẳng bao nhiêu tuổi, nhưng tư duy giữa họ và tôi không thể nào hòa đồng với nhau. Sau khi nhận biết hiện tượng này, những câu chuyện tâm sự nhỏ to chỉ còn là những kỷ niệm vui buồn của quá khứ hay hiện tại.

Không kể Uyên Trang và Uyển Trang chỉ biết thầm thì với anh chuyện chồng con và gia đình. qua những cảnh nhà êm ấm, mặc dù trên nửa thế kỷ sống gian lao cùng cha mẹ, đến khi lấy chồng, ảnh hưởng của các loại chiến tranh nóng lạnh đã không xâm nhập được vào tâm hồn họ. Còn các em trai của tôi là những đứa con nhỏ tuổi của gia đình, vì bị liệt vào thành phần đối kháng của chế độ, cho nên bị Việt Minh loại trừ ra khỏi nhiều sinh hoạt xã hội. Theo lời Hạnh Ðức là em trai lớn nhất của tôi thuật lại, nhờ chú ấy có tài thể thao và văn nghệ được Việt Minh trọng dụng, cho nên Hạnh Ðức được học hành để trở thành cán bộ ngành sư phạm. Và cũng nhờ Hạnh Ðức mà hai em trai cuối của gia đình đã thoát khỏi vòng kìm kẹp của cộng sản.

Tôi nghĩ rằng, Việt Minh không đủ tài sức để kéo lùi tư duy của các thế hệ dân Việt từ 1945 đến nay. Lý do giản dị là Việt Minh ra đời từ luận lý máy móc vô hồn của chủ thuyết cộng sản. Ngay Lenin khi biến thuyết Karl Marx thành chế độ cộng sản tại Nga năm 1917 cũng chỉ là thăm dò, mò mẫm. Sau 70 năm thí nghiệm, sát hại 20 triệu dân Nga gồm đủ mọi thành phần, chủ thuyết cộng sản đã gục ngã kể từ thập niên 1990. Hiện nay, chỉ còn một số nước, trong đó có Việt Nam, về hình thức gọi là cộng sản, nhưng thực chất chỉ là chế độ chính trị được tập đoàn mệnh danh là Ðảng Cộng Sản lợi dụng để cai trị dân theo bản năng hơn là bản ngã. Sau 20 năm “đánh Mỹ cứu nước” đến nay Việt Minh đang “rước Mỹ cứu mình” là một chứng minh. Lãnh đạo một nước với bộ máy cầm quyền vô sản thất học, Việt Minh trị dân không do tự chủ mà chỉ lo vọng ngoại để cứu mình. Từ nhân vật chủ thể được thần thánh hóa như Hồ Chí Minh, ngay từ lúc khởi đầu cuộc gọi là Cách Mạng Mùa Thu 1945, cũng chỉ lo giữ mình bằng tinh thần cống hiến ngoại bang như cống hiến Quốc Dân Ðảng Trung Hoa, cống hiến Cộng Sản Mao Trạch Ðông và thời kỳ chưa cướp chính quyền tại Việt Nam, Hồ Chí Minh cống hiến Cộng Sản Xô Viết kể cả cống hiến Pháp và Mỹ để có đủ từ ngữ vay mượn nhằm khai sinh bản văn mệnh danh là Tuyên Ngôn Ðộc Lập đọc tại vườn hoa Ba Ðình Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 1945, mở đầu một chế độ phản trắc, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam để phục vụ tham vọng của chủ nghĩa cộng sản. Cái tinh thần cống hiến đó đã trở thành di sản, gây lụy cho các thế hệ người Việt sống ở trong nước, mặc nhiên liên quan đến các chi thể nội ngoại thuộc đại gia đình người Việt chúng ta. Ðây là nguyên nhân giải thích cái khung tư duy của anh chị em ruột thịt của tôi bị dồn ép, hạn chế khiến cho tiếng nói của họ, tuy gần gũi tôi về tình cảm, nhưng trở thành quá xa lạ về ý thức hệ. Bước vào nếp sống của dân gian, cái tinh thần cống hiến đó còn sâu xa hơn nhiều... Tôi xin kể cho các bạn nghe câu chuyện:

“Một sáng Hà Nội đẹp trời, tôi và ông bạn Mỹ viếng thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam. Từ tòa nhà trưng bày cổ vật đến quang cảnh chung quanh tòa nhà này đều lặng lẽ, trang nghiêm tích tụ tình tự ngàn đời của hồn thiêng đất nước. Tôi thận trọng quan sát trước khi cùng Frank bước đến trạm đóng tiền lệ phí thăm viện. Một bà béo lùn tuổi chừng 40, trong chiếc áo dài mầu đỏ, phục phịch từ bên trong bước ra, hất hàm hỏi tôi:

 - Bác muốn gì?

 Từ tốn, tôi trả lời :

-Tôi muốn mua 2 vé vào thăm viện bảo tàng.

Lừng khừng, bà ta đáp:

 - Người Việt phải trả 30,000 còn người ngoại quốc 3,000 đồng.

- Ngạc nhiên, tôi hỏi:

- Tại sao người Việt phải trả gấp 10 lần người ngoại quốc?

 Bà ta cau có nhìn tôi, rồi nói:

- Ðó là giá chính phủ, không cần giải thích.

 Thấy trên vai tôi đeo chiếc camcorder, bà ta phán:

- Máy quay phim phải trả 30,000 và máy chụp ảnh thêm 20,000.

 Tính ra Mỹ kim, số tiền này chẳng đáng là bao, tôi và Frank thuận trả đầy đủ, rồi nhìn nhau cười. Kể câu chuyện này, tôi muốn lưu ý bà con cô bác là người Việt trong nước vẫn chất chứa hiềm khích đối với người Việt hải ngoại, hoặc vì mặc cảm hay bị nhồi sọ những giáo điều chính trị thù nghịch giữa cộng sản và quốc gia, giữa cộng sản và tư bản đã ngấm vào xương tủy họ từ nhiều năm qua. Kể đến đây, tôi nhớ lại lúc mới chân ướt chân ráo trở về thăm quê, tôi đã nghe tiếng chửi xéo khi gia đình đến đón tôi tại phi trường Nội Bài, đã sơ ý ngăn cản lối đi của họ.

Lòng người biến đổi, còn trời đất Bắc Hà cũng biến đổi khác xưa nhiều lắm. Theo vận hành tự nhiên của thời tiết, lẽ ra Mùa Thu phải là mùa dinh dưỡng của vạn vật, khởi đầu thời an nghỉ hàng năm để bước qua Mùa Ðông tàng trữ sinh lực với giấc ngủ dài, trước khi sang Xuân đâm chồi nẩy lộc, tái tạo sức sống, để rồi trưởng thành trong Mùa Hạ... Môi trường sinh hóa thiên nhiên ấy đã bị lòng tham của con người phá hủy từ đất liền đến biển cả, liên lụy đến hệ sinh thái của trời đất. Tai họa đốn rừng bừa bãi, bức phá các mạch đất để thực hiện chủ trương mệnh danh là công nghiệp hóa, đã tạo ra những xung động bất thường của khí hậu và thời tiết gây nguy hại đến con người và vạn vật. Nạn bão lụt rồi hạn hán và các thiên tai dịch họa triền miên xảy ra trong những năm qua là những dẫn chứng. Viết đến đây, tôi cảm thấy thương xót cho quê hương tôi đã rơi vào bàn tay cai trị của những kẻ mù lòa nhìn xuống không thấy đất, nhìn lên không thấy trời, u mê tăm tối khiến cho dân tộc và đất nước tôi chìm đắm trong lạc hậu đau thương tính đến nay đã gần 70 năm.

Gặp nhiều nghịch cảnh trong chuyến thăm quê càng khiến tôi thương nhớ Việt Nam, vì gia đình, vì kỷ niệm, vì phong tục tập quán, vì hình ảnh quen thuộc củ