Home Văn Học Tùy Bút Tôi đi học trường Bưởi

Tôi đi học trường Bưởi PDF Print E-mail
Tác Giả: Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh   
Thứ Ba, 17 Tháng 2 Năm 2009 09:59

Sunday, February 15, 2009   

Kỷ niệm 100 năm Bưởi-Chu Văn An (1909-2009)

(Tặng các bạn đồng môn và các học sinh Chu Văn An thân mến của tôi. V.N.A.)
Năm tôi mới chừng lên 5, nhân một chuyện gia-đình, tôi được theo bố mẹ đi Hà Nội.
Kể từ chuyến đi lần đầu tiên đó cho tới năm tôi đi học Hà Nội, một giai đoạn trên dưới chưa tới 10 năm, thế mà sao đối với tôi nó lại có thể dài đến như thế.
Trong cái khoảng thời gian dài đằng đẵng đó, ngoài một chuyến theo bố đi Nam-định dự Ðại hội Thanh Niên Công Giáo toàn quốc, một chuyến đi Thanh-hóa và một chuyến đi Ninh bình để dự kỳ thi lấy bằng certificat (Tiểu-học cơ bản, Certificat d'Étude Primaire) tôi không còn có dịp nào được đi Hà Nội nữa.
Từ khi bắt đầu cắp sách đi học, trí óc tôi được mở mang dần dần để rồi bắt đầu biết mơ ước. Dẫu sao thì những điều mơ ước của những thằng bé nhà quê như tôi thời đó thực ra rất đơn sơ, giản dị và tầm thường, tầm thường đến thảm hại và đáng thương, chẳng khác gì cuộc sống phẳng lặng, buồn tẻ và nghèo nàn của miền quê Bắc-Việt vào thời xa xưa đó, những mơ ước không bao giờ vượt ra ngoài cái khuân khổ của cuộc sống tẻ nhạt và chật vật hằng ngày, hoặc nói một cách khác, cái khuân khổ của miếng cơm và manh áo đơn bạc.Nếu bạn hỏi những thằng nhỏ 6,7 tuổi như tôi lúc đó: “Cháu muốn gì”, đứa thì trả lời là “muốn ăn kẹo”, đứa thì “muốn ăn bánh”, đứa khác thì mộng lớn hơn: “cháu muốn có cái áo láng mới”, hoặc “cái quần trắng mới.”
Những đứa không mấy thực tế thì “cháu muốn có cái diều có bộ sáo đồng “cồ” giống như của anh thằng Tèo”, “cháu muốn có con quay gỗ mít” (!)...
Hồi nhỏ chúng tôi ngây thơ và ngu dại là như thế, nên sau này vẫn thường lấy làm lạ và tự hỏi không hiểu tại sao thiên hạ lại có thể có những thần đồng, khôn ngoan gấp trăm, gấp nghìn lần chúng tôi.
Thiệt không thể tưởng tượng nổi.
Nếu quý vị hỏi chúng có thích học không, số trả lời ”không” nhất định sẽ chiếm đại đa số.
Còn nếu như chúng ta hỏi “Cháu có thích học giỏi không” tất nhiên đứa nào cũng sẽ nói là “thích”, nhưng nếu hỏi “Tại sao cháu thích học giỏi” hoặc “Cháu muốn học giỏi để làm gì?” phần đông những đứa trẻ nhà quê đần độn một cách rất đáng tội nghiệp kia sẽ im tắp, không biết trả lời ra sao.
Cũng rất có thể có một vài đứa sau khi suy nghĩ và đắn đo sẽ rụt rè trả lời rất vớ vẩn:” Cháu muốn học giỏi để khỏi bị bố đánh”, hoặc “Cháu muốn học giỏi để khỏi bị thầy giáo phạt”.
Rất có thể có một vài đứa có tham vọng lớn, đồng thời cũng biết trả lời hữu lý hơn: “Cháu muốn học giỏi để sau này làm... thầy giáo”.
Thực vậy “thầy giáo” quả là thần tượng của chúng tôi lúc đó. Làm quan ư? một chuyện quá xa vời hầu như huyễn hoặc. Mặc dầu xưa nay sinh sống ở nhà quê, nhưng gia-đình tôi tương đối sung túc, không đến nỗi quá quê mùa, lại thường có giao thiệp và buôn bán với người ngoài tỉnh nên con cháu đều được gửi cho đi học ở Nam-định hoặc Hà Nội tới bực trung học. Tuy chưa có ai làm quan nhưng cũng đã có một vài người làm giáo học, thư ký bưu-điện, thông phán sở Ðoan v.v.
Riêng tôi, dầu sao thì cũng đã có một vài lần được nếm mùi phồn hoa đô hội, nên cái giấc mộng lớn của tôi lúc đó là một ngày kia sẽ được đi Nam Ðịnh hoặc Hà Nội học, giống như các cậu em mẹ tôi và mấy người anh họ.
Hằng năm vào kỳ nghỉ hè hoặc các ngày giỗ Tết, các cậu em mẹ tôi và mấy người anh họ từ Hà Nội về sống với gia-đình. Thấy họ ăn mặc đồ Tây bảnh bao, lại mang về đủ mọi thứ quà bánh và sách báo Hà Nội, tôi ngưỡng mộ họ vô cùng, và sự thèm muốn một ngày nào đó cũng sẽ được đi học Hà Nội ngày càng gia tăng, tới độ nhiều khi tôi cảm thấy bồn chồn sốt ruột, tưởng như thời giờ chạy chậm hẳn lại.
Trong những ngày vui ngắn ngủi đó, tôi hóng nghe không biết chán những chuyện họ nói về Hà Nội, nào là chợ phiên, nào là đi ăn cao lâu ở hàng Buồm, ăn cơm Tây tại hiệu Fantasio trên hàng Bông, nào là đi xem xi-nê ở Olympia, Palace, Majestic v.v. ngoài ra tôi được họ dạy hát những bài mới nhất của Tino Rossi như Marilou, Tant qu'il y aura des étoiles, Les beaux jours, Marinella, C'est à Capri v.v...
Cái thời gian này chính là cái thời gian tôi đã lên tới lớp Tư (cours Élémentaire), tức vào khoảng 10,11 tuổi. Tôi nhẩm tính, nếu suôn sẻ thì chỉ 3 năm nữa, nghĩa là sau khi đậu bằng Certificat (còn gọi là bằng Primaire, tức bằng Tiểu học Cơ bản) là sẽ được đi Hà Nội để lên học tiếp ban Trung học. Tôi ước mong sẽ được vào trường Bưởi như bố tôi ngày xưa.
Ðúng ra, thời bố tôi Hà Nội chưa có Lycée du Protectorat, mà chỉ có Petit Collège, rồi Grand collège học 4 năm, quen gọi là ban Thành Chung) rồi cuối cùng mới đổi thành Lycée du Protectorat (trường Trung-học Bảo-hộ) để áp-dụng việc dạy một chương-trình trung-học đệ-nhị cấp mới được gọi là chương-trình Tú-tài bản xứ (Baccalauréat local), dành riêng cho học sinh người bản xứ Annamite.
Thực ra thì trên căn bản nó cũng vẫn là cái chương trình gọi là tú-tài Tây (Baccalauréat métropolitain) nhưng lại được kèm thêm một mớ môn học về văn-chương, lịch-sử và địa-lý Việt Nam, nên cái chương trình nhồi sọ này đòi hỏi học trò nhiều cố gắng và thì giờ học hành hơn chương trình Bac métro...
Vì trường tọa lạc ở góc Ðông Bắc làng Bưởi, tức làng Thụy khê, nên quen được gọi là trường Bưởi. Cho tới mấy năm đầu thập niên 40, rất đông học sinh Lypro (tên tắt của trường do mấy chữ Lycée du Protectorat thu gọn lại) từ các tỉnh xa thường tới trọ học trong làng để tiện đi học. Các viên chức nhỏ và giám thị của nhà trường ở đây cũng rất đông. Chính thầy Tổng giám thị Ngọc cũng mua nhà ở trong làng.
Vì chán cảnh buồn tẻ ở nhà quê, tôi càng nóng lòng mong sao chóng tới ngày được lên tỉnh Nam Ðịnh hoặc Hà Nội học như các cậu và mấy người anh họ tôi.
Ba năm học các lớp Ba, lớp Nhì rồi lớp Nhất đối với tôi thiệt là dài, tưởng như mười năm.
Sau kỳ khai trường năm tôi lên lớp nhất, tình hình thế-giới hết sức căng thẳng, Hitler đã bất chấp thỏa ước Munich mà ông đã ký với hai ông thủ tướng Anh, Pháp là Chamberlain và Daladier, dùng chiến thuật “tấn công chớp nhoáng” (blitzkrieg) tung hàng ngàn đại bác và xe tăng tràn ngập nước Ba-lan (tháng 9, 1939).
Trước một tình thế chẳng đặng đừng, Anh và Pháp bất đắc dĩ phải tuyên-chiến với Ðức: Thế-chiến thứ 2 chính thức mở màn.
Tình hình này có phần nào làm cho tôi thêm đôi chút bồn chồn lo lắng, vì thiên hạ đều đồn rằng đồng minh của Ðức ở Á-châu là Nhật-bản nay mai sẽ kéo quân từ Quảng tây sang đánh chiếm Ðông Dương để chặn đường tiếp tế chính-phủ Tưởng Giới Thạch (lúc đó đóng ở Trùng Khánh) qua ngả đường xe lửa nối Hải-phòng với Côn Minh (quen gọi đường xe lửa Vân-nam).
Nếu như mai đây chiến tranh xảy ra và lan rộng, chắc chắn chuyện đi Hà-nội học của tôi có thể coi như là hết hy vọng...
Năm học lớp nhất của tôi rồi cũng trôi qua và nhanh chóng một cách không ngờ. Quả nhiên chiến tranh ngày càng lan rộng, dân chúng bị bom đạn chết hằng hà sa số, nhưng là ở bên Tây bên Tàu chứ bên Ta thì dân chúng vẫn bình chân như vại, mặc dầu chuyện Nhật xâm chiếm giống như lưỡi kiếm Damoclès luôn luôn lơ lửng trên đầu trên cổ người dân Ðông dương.
Thực vậy, đời sống ở thôn quê thời đó thường rất bình lặng, bình lặng tới độ buồn nản, kể cả Phát Diệm, một vùng đạo quanh năm có rất nhiều lễ lạt và rước xách linh đình, nên mỗi buổi chiều sau khi đi học về, tôi chỉ có một cái thú duy nhất là đọc báo hoặc chuyện kiếm hiệp. Cũng may là bố tôi vốn chịu đọc báo nên mua năm hầu như đủ mọi thứ báo và tạp-chí như Trung Bắc Tân văn, Trung hòa nhật báo, La Volonté Indochinoise, Ngày nay, Tiểu-thuyết Thứ bảy v.v.
Có điều bất tiện là các nhật báo thường tới chậm một ngày. Nhưng dẫu sau, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu nhỏ tôi cũng có thể tha hồ mà đọc tới khi đi ngủ vẫn chưa hết.
Riêng tôi thì mỗi khi có được năm ba xu hay một hào thì thế nào cũng phải lên tiệm chạp phô Tàu trên phố Thượng-kiệm rước về một vài tập Trung Nhật Chiến tranh, hoặc Bồng lai Hiệp khách, hoặc Nữ Quái Hiệp, hay Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự v.v... của cái ông văn sĩ Tàu chuyên viết truyện kiếm hiệp nổi tiếng thời đó là Lý Ngọc Hưng.
Nói đến chuyện mê đọc kiếm hiệp, cho đến tận bây giờ, 8 chục tuổi đầu rồi, tôi vẫn chưa hiểu tại sao hồi đó tôi lại có thể mê đọc truyện kiếm hiệp đến như thế. Hình như cái dư vị của sự thích thú ngày xưa mỗi buổi tối lén đọc kiếm hiệp vẫn còn thoang thoảng nhen nhúm tới tận bây giờ trong lòng tôi. Mặc dầu phần lớn chỉ là những sách báo nhảm nhí nhưng thằng bé nhà quê là tôi lúc đó cũng học hỏi được rất nhiều vấn đề mà nhà trường thời đó không hề dạy, chẳng hạn như nhờ tập Trung Nhật chiến tranh 3 xu ra hằng tuần mà tôi được biết nhiều chuyện thời-sự liên quan đến chiến tranh và tình hình thế-giới vô cùng sôi động lúc đó cũng như tiểu sử của các nhân vật nổi tiếng ở Á Châu và thế giới như Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ, Cố Duy Quân, Mao Trạch Ðông, Ðông Ðiều, Phổ Nghi, Franco, Hitler, Mussolini, Staline, Chamberlain, Daladier, Rosevelt, De Gaule v.v...
Dòng đời xoay chuyển và biến hóa thiệt kỳ lạ. Không một ai có thể ngờ là sau đó 35, 36 năm, thằng bé nhà quê A-na-mít là tôi kia đã có cái cơ may được yết kiến hoặc dự tiệc với một vài nhân vật lẫy lừng mà tôi vừa mới kể tên trên đây. Chẳng hạn như được yết kiến cố Tổng Thống Tưởng Giới Thạch và phu nhân tại dinh Dương Minh Sơn và đàm đạo với mấy vị xưa là bạn thân và đồng liêu với cựu đại sứ Cố Duy Quân tại một bữa tiệc do Tối Cao Pháp Viện Trung Hoa khoản đãi dân biểu Dương Minh Kính và tôi ở Ðài Bắc cách đây 40 năm.
Tôi tuy chưa có dịp được gặp ông De Gaule, nhưng có điều ly kỳ là vào khoảng 1968, vợ tôi trong khi ngồi đợi tại phòng khách danh dự nhỏ xíu của phi-trường Orly (Salle 105) đã có dịp gặp và bắt tay Tổng Thống De Gaule khi ông trở về qua đó sau một cuộc công du tại Ðức. Ông Tây già vốn rất “nịnh đầm” này hình như còn hôn tay mụ nữa. Có lẽ ông tưởng mụ vợ tôi là một nhân vật thuộc ngoại giao đoàn ra đón ông, nên cám ơn rối rít.
Tôi cũng đã có dịp được nhiều nhân vật lừng danh ngày xưa như chủ tịch quốc hội Pháp Chaban Delmas, một thủ lãnh kháng chiến nổi tiếng thời đệ Nhị Thế chiến, cựu toàn quyền Letournau v.v... khoản đãi như thượng khách. Và có một năm, nghị sĩ Mortaix de Narbonne (xưa làm luật sư ở Saigon) và một số nghị sĩ Pháp đã tổ chức mừng sinh nhật tôi tại điện Luxembourg (trụ sở Thượng Nghị viện Pháp). Khi mà những nhân vật “légendaire“trên đây danh tiếng như sóng cồn trên chính trường thế giới, hoặc ở những địa vị tột đỉnh cao sang, tôi chỉ là một thằng bé bẩn thỉu ở một xó nhà quê “a-na-mít”, nước mũi chảy dài thò lò, chạy ra đường ngó nhìn một cách vừa thán phục, vừa rụt dè, sợ sệt mấy ông Tây bà Ðầm mỗi khi những người này về tham quan nhà thờ Lớn Phát Diệm.
Kể lại những chuyện trên đây, tôi không hề có ý muốn phô trương hay khoe khoang một điều gì mà chỉ muốn kể lại những biến đổi lạ lùng trong cuộc đời của mỗi người trong chúng ta, dưới một khía cạnh hay hoàn cảnh nào đó mà hồi còn nhỏ chúng ta thường không thể nào ngờ tới hoặc tưởng tượng nổi...
Ngoài ra, cái thú mê đọc sách báo nhảm nhí hồi còn bé cũng đã tạo cho tôi cái thói quen đọc sách rất có ích lợi sau này...
Kỳ thi Certificat ở Ninh bình năm đó tôi đậu mention bien lại thêm mention về franais nữa, nên chuyện thi vào trường Bưởi xem ra có nhiều hy vọng, và nếu như không có chuyện gì bất trắc, chắc chắn là bố mẹ tôi sẽ cho tôi đi học Hà Nội.
Mùa hè năm đó, có lẽ là cái mùa hè vui nhất trong đời tôi. Tuy nhiên, một mặt tôi mong chóng tới ngày được đi học Hà Nội, nhưng mặt khác lại cảm thấy hơi buồn vì sắp phải xa nhà, xa bố mẹ và các em tôi. Tôi bỗng dưng cảm thấy bịn rịn và khăng khít đối với những người thân hơn trước.
Nhìn căn nhà cổ rêu phong, cái sân lát gạch Bát-tràng, những chum nước mưa ở đầu hè, mấy hàng cau, những luống hồng và hoa thược dược đủ màu mà bố tôi lấy giống từ Hà Nội trồng trước nhà, tôi như muốn in sâu những hình ảnh đó trong lòng tôi...
Những chuyện tình cảm vớ vẩn này thực ra cũng là thường tình mà thôi, bởi vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải xa nhà và cũng là cơ hội cho tôi bắt đầu cảm giác thấy thế nào là ly biệt, cái hoàn cảnh mà con người ở thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng đều luôn phải đối phó, nhất là trong cái thời đại loạn lạc của đất nước khốn khổ chúng ta sau này.
Thực vậy, chính tôi cũng không ngờ là kể từ cuộc ly biệt sắp tới này tôi sẽ chẳng còn có dịp nào sống với gia-đình trong một thời gian quá hai tháng, để rồi sau cùng, cho tới khi trưởng thành, có gia-đình riêng, tôi đã chẳng bao giờ có được cái cơ hội được sống chung với bố mẹ và các em tôi dưới cùng một mái nhà. Tình ruột thịt do đó dường như đã phần nào giảm đi dần dần. Mỗi khi nghĩ lại, tôi thấy thấy nao nao trong dạ và cảm thấy thiệt buồn. Nhưng cuộc đời là như thế, biết làm sao đây?
Ðể chuẩn bị thi vào Bưởi, suốt gần 2 tháng hè tôi không đi chơi đâu mà chỉ lo luyện Toán và Franais với cậu út em mẹ tôi. Các giấy tờ và đơn từ phải gửi nộp nhà trường, đều do một tay người bạn bố tôi là ông Tú Ch... lo hết vì năm đó em vợ của ông Ch... là Phạm Kh... cũng cùng thi vào Bưởi, nên tiện tay ông lo luôn cho cả 2 đứa trẻ.
Hơn nữa, ông Ch... vốn xuất thân Tú tài Bản xứ từ trường Bưởi ra cách đó mới 5,6 năm mà thôi, nên theo ý kiến bố tôi, những chuyện lặt vặt về thi cử, xin học v.v. ông rất quen. Ngoài ra, như bố tôi thường nói với mẹ tôi, ông còn là một tay thổ công của đất Hà-thành văn vật, hầu như cửa nào ông cũng lọt.Vì muốn hoàn toàn lột xác, tôi xin bố mẹ cho tôi được mặc “tây”. Giữa lúc đó, một ông bạn của bố tôi từ Hà Nội về thăm, nhân tiện bố tôi đem chuyện này ra bàn với ông bạn. Ông bạn này rất bảo thủ nên nhất định không đồng ý chuyện cho tôi mặc đồ tây vì sợ tôi sẽ quen thói đua đòi chưng diện mà không chịu lo học hành. Theo ý ông thì thằng cháu cứ tiếp tục áo chùng thâm (áo dài đen), quần trắng là tốt nhất, ăn diện đồ tây chỉ tổ hư (?)mà lại tốn kém.
Hơn nữa, theo như ông biết, phần lớn học trò trường Bưởi, nhất là ở những lớp dưới, vẫn mặc đồ ta. Và ông nhắn nhủ riêng tôi: “Thôi cháu ơi, người ta sao thì mình vậy? Ðua đòi Tây, Tàu làm gì cho tốn kém bố mẹ cháụ. Vả lại, bác nhận thấy những đứa thích chưng diện thường học hành không ra gì?”
Bố tôi bị ông bạn thuyết phục nên xiêu lòng với giải pháp “tiếp tục áo the đen và quần trắng trúc bâu”, tức “đồ ta”.
Khốn nạn, nói là đồ tây chứ thực ra là mấy cái quần “soọc”, mấy cái sơ-mi, và thay vào đôi guốc lọc cọc là một đôi săng-đan hay đôi giầy vải “ten-nít”, thế thôi. Khi nào trời lạnh thì chỉ cần thêm chiếc áo len hoặc trở lại với chiếc áo mền bông quốc hồn quốc túy cũng không phải là muộn, có chết chóc gì ai đâu.
Rốt cuộc, trước hôm tôi đi mấy ngày, có lẽ vì thương con, mẹ tôi dung hòa: “Thôi được, ngoài mấy chiếc áo “chùng” the, 4 quần và 4 áo cánh trắng trúc bâu, mẹ sẽ mua thêm cho con 2 quần “soọc”, mấy cái sơ-mi, một đôi sandal để con tùy tiện thay đổi cũng không sao, miễn là con phải luôn luôn nhớ lời mẹ dặn, phải chịu khó học hành sao cho nên người. Ở nhà bố mẹ cũng phải cố gắng nhiều lắm đấy con ơi!”
Nghe những lời mẹ dặn dò thiệt đơn sơ và chân tình, tôi không sao cầm được nước mắt, nhất là trong lúc tôi sắp sửa phải tạm xa bố mẹ và các em tôi.
Trong mấy ngày cả nhà bận rộn chuẩn bị cho tôi lên đường đi học Hà Nội, tình hình Ðông Dương dường như ngày càng đồi tệ. Trong khi đó Nhật tập-trung quân dọc biên-giới Việt-nam-Quảng Tây, chuẩn bị mở cuộc tấn công vào Ðông Dương bất cứ lúc nào. Toàn quyền Catroux cố gắng điều đình với Tokyo, nhưng mọi chuyện hình như không đi tới kết quả nào. Do đó, việc Nhật sẽ tấn công Ðông Dương không còn là một dự đoán hoặc một sự đe dọa suông, mà dường như đương biến thành một sự thiệt hiển nhiên trong nay mai mà thôi. Riêng tôi, tôi rất lo là nếu như chiến cuộc bùng nổ và lan rộng, chuyện tôi đi học Hà Nội sẽ có thể tan biến thành mây khói. Cũng may là cho tới ngày tôi lên đường, mọi việc suôn sẻ, không có chuyện gì rắc rối xảy ra.
Trên chiếc toa xe lửa hạng tư chật chội, người ngồi người đứng chen chúc nhau, tôi chỉ mong sao chóng lên tới Hà Nội.
Không như lần đầu tiên đi Hà Nội, vì quá nhỏ, tôi hầu như chẳng biết gì, nhưng lần này, tôi hết sức bồn chồn và náo nức, tới cái độ, chẳng thèm ăn, thèm uống cái gì, chẳng buồn nói chuyện với ai, thỉnh thoảng chỉ hỏi bố tôi về những cái gì tôi muốn biết ở hai bên dọc đường...
Tới ga Văn Ðiển tức là chỉ còn chút ít cây số nữa thôi là tới Hà Nội, tôi đứng ngồi không yên, mê mải nhìn những cảnh tượng bên ngoài mà tôi nghĩ rằng chúng đã có mang ít nhiều tính chất của Hà Nội phồn hoa... Rồi thì là tới làng Tám, có cây tháp nhà thờ trăng trắng với những lùm cây và lũy tre xanh mờ mờ ở phía xa... Rồi tới Bạch Mai, sân tàu bay, khu nhà thương thật rộng lớn... Tôi bỗng liên tưởng tới một cuốn tiểu thuyết tôi đọc cách đó mấy năm kể câu chuyện một chàng thanh niên làm cách mạng mà khung cảnh là Bạch Mai... Và từ đây, nhìn về phía Hà Nội, nhà cửa san sát, đèn điện lấp lánh như sao sa, tôi nhận thấy vòm nhà Ðấu xảo, hai ngọn tháp nhà thờ Lớn, những lùm cây xanh đậm nổi bật trên nền trời úa vàng của một buổi chiều đầu thu...
Nhìn cảnh tượng này, thú thiệt, tôi hết sức vui và xúc động, chẳng hề thấy xa lạ mà trái lại có một cảm giác rất thân thương, quen thuộc, chẳng khác gì một kẻ mới đi xa về thăm quê cũ.
Khi tới ga Hàng Cỏ, chiếc xe autorail trắng toát, tiếng còi oa oa vang động, cửa kiếng màu xanh lơ rất tân tiến và lịch sư vừa từ đâu chạy về tới sân ga với những hành khách Tây Ðầm sang trọng đổ xuống đã đặc biệt lôi cuốn sự chú ý của tôi... Rất tiếc là tôi chưa bao giờ có dịp được thử cái phương tiện xê dịch nhanh chóng và tối tân này. Xe kéo thì hình như đã không còn nữa và được thay thế bằng xe cyclo, một loại xe có mui, sạch sẽ hơn và có người ngồi phía sau để đạp nên trông đỡ bệ rạc, có vẻ nhân đạo và êm ái hơn xe kéo ngày xưa nhiều. Nhớ khi còn ở Phát Diệm, mỗi lần đi xa mà phải cần đến xe kéo, tôi vẫn cảm thấy rất ái ngại và khó coi về cái phương tiện xê dịch rất bất nhân và hủ lậu này. Kể từ cái lần đầu tiên tôi được đi Hà Nội cho tới lần này, cách nhau chỉ có chừng 7, 8 năm mà thôi, nhưng đối với thằng nhỏ mới 14, 15 tuổi là tôi lúc đó thì quả là một thời gian hết sức dài, tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hết thảy đều rất quen thuộc. Thực vậy, ngay buổi tối hôm đó, khi một mình đi rảo quanh thành phố, tôi đã nhận ra ngay phố nhà Thờ Lớn, cổng chùa Bà Ðá, hàng Trống, hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa, nhà Khai Trí Tiến Ðức, nhà Thủy tạ, đền Ngọc Sơn, nhà Hát Tây, nhà Ðấu xảo v.v...
Cho tới lúc đó, mặc dầu tin tức hằng ngày trên các mặt báo hết sức sôi động, và mẫu quốc Pháp-lãng-sa, vốn được coi như bất bại cường quốc, đã thua chổng kềnh và đầu hàng Hitler sau trận chiến sông Somme (tháng sáu 1940), tôi thấy Hà Nội vẫn vui tươi nhộn nhịp và bình chân như vại, coi như không có chuyện gì xảy ra, thiên hạ vẫn chưng diện, vẫn đi ăn đi uống tưng bừng.
Mãi tới khi tôi thi vào trường Bưởi xong, có kết quả được mấy ngày thì quân đội Nhật ở Quảng Tây mới bắt đầu tấn công Lạng Sơn và các tiền đồn dọc biên giới.
Trước đó ít lâu, Toàn-quyền Catroux bất ngờ từ chức rồi bỏ đi sang Syria theo phe kháng chiến France libre của De Gaule.
Decoux vốn mềm dẻo, ôn hòa, và hình như có phần nào thân Nhật nên được chính-phủ Vichy bổ-nhiệm thay thế.
Xét thấy không chống cự nổi, toàn-quyền Decoux chấp thuận để quân đội Nhật chiếm đóng và chuyển quân trên toàn cõi bán đảo Ðông Dương nên cuộc chiến tranh coi như bỏ túi và chớp nhoáng này đã có thể kết thúc một cách khá mau chóng.
Mọi người thở phào, nhưng đâu có biết là đáng lẽ trên cổ trước đó chỉ có một tròng, nay thêm một tròng nữa là hai. Chẳng những thế, cái tròng cổ thứ hai cồng kềnh, nặng nề và nhức nhối hơn cái tròng thứ nhất nhiều.
Lần này đi Hà Nội, cùng đi với bố con chúng tôi tất nhiên còn có bác Tú Ch... nữa và em vợ ông là Phạm Kh...
Bố con chúng tôi tạm trú tại nhà một người bà con ở phố nhà Chung. Ông Ch... thì vẫn có căn nhà thuê trong ngõ Cha Mỹ, sau chùa Bà Ðá, suốt ngày chỉ nghe thấy tiếng tụng kinh, tiếng chuông và tiếng gõ mõ đinh tai, nhức óc tới tận khuya mới tạm yên.Mấy ngày đầu bố tôi dẫn lên hàng Gai, hàng Ðào, hàng Ngang, chợ Ðồng Xuân v.v. để mua sắm lặt vặt và đồng thời cũng là đi xem chơi cho biết và làm quen với đường sá và các sinh hoạt hằng ngày của Hà Nội.
Có một hôm, không biết bố tôi nghĩ ngợi sao, dẫn tôi vào một hiệu may ở góc đầu Hàng gai để người ta đo may cho tôi một bộ tây faux tussor... Tôi rất cảm động về chuyện bất chợt này, và ghi nhớ mãi trong lòng, vì đối với một người cha như ông lúc đó, về cả 2 phương diện tinh thần cũng như vật chất, là một sự cố gắng rất lớn. Nói cho đúng ra thì bộ tây xoàng xoàng này tôi cũng ít khi có dịp mặc. Nhưng mỗi khi mặc vào, tôi không thể không nhớ tới lòng tốt đối với con cái của bố tôi. Cho tới rất lâu về sau, không hiểu tại sao, mỗi khi nghĩ tới chuyện này, tôi vẫn thấy nao nao trong dạ, và có lẽ cũng nhờ đó mà tôi không có cái tính đua đòi chưng diện quá đáng. Có lẽ muốn theo gương bố tôi, đồng thời cũng như muốn nhắc nhở lại một kỷ niệm cũ khó quên, mười mấy năm sau, tôi cũng đã đưa em trai tôi tới tiệm này may cho em chiếc áo tây pattes-de-poule đầu tiên.
Chưa hết, sau đó 2 bố con kéo nhau lên hiệu giày của bác M... ở trên Ngõ Trạm (bạn học bố tôi ngày xưa ở Grand Collège) mua cho tôi một đôi săng-đan da 2 màu và một chiếc cặp da bò có rất nhiều ngăn, nhưng hơi nặng đối với thằng nhỏ là tôi lúc đó. Bác M. có lẽ cũng nhận thấy như thế nên dỗ dành an ủi tôi:“Cái cặp da này bền lắm, lại có thể chứa được nhiều sách vở. Học trò trường Bưởi, ăn lấy chắc, mặc lấy bền, phải có cái cặp này mới được cháu ơi!”
Tôi còn nhớ năm 46, khi chạy loạn, tôi vẫn còn giữ được chiếc cặp da này và cũng chỉ có thể ôm được nó theo tôi mà thôi.
Tối hôm đó, tôi được bố dẫn đi ăn cao lâu, thưởng thức món chim bồ câu quay và mì bò tại hiệu cao lâu góc phố hàng Bông và Lamblot. Cả 2 món đều rất khoái khẩu tới độ sau này khi nào có ít tiền, thế nào tôi cũng phải tới hiệu cao lâu đó để ăn mì hoặc chim quay.
Buổi sáng chủ nhật trước ngày thi, bác Ch... tới đón chúng tôi rất sớm để lên hiệu ăn Anh Mỹ trên hàng Da ăn phở áp chảo và món sách trần rất đặc biệt của hiệu ăn này.
Rời hiệu ăn Anh Mỹ chúng tôi kéo nhau lên phố Paul Bert đi loanh quanh để xem phố xá. Sau đó 2 thằng bé được dắt đi thưởng thức một chầu Xi-nê suất trưa tại rạp Éden. Tôi vẫn còn nhớ tên cuốn phim là “L'entrée des artistes”. Mặc dầu đây là lần thứ hai trong đời được đi coi xi-nê nhưng tôi không lấy làm hứng thú cho lắm, vì theo ý tôi, cuốn phim Pháp này quá tồi. Hơn nữa, đây là một cuốn phim vui, phần đối thoại bằng tiếng Pháp chúng tôi cũng chẳng hiểu được bao nhiêu, nên chán phèo. Tôi cứ thắc mắc mãi là tạo sao bác Ch... lại dẫn 2 thằng con nít chúng tôi đi xem cuốn phim Pháp quá buồn chán này.
Ra khỏi rạp, bác Ch... và bố tôi đưa 2 thằng nhóc lên xe điện từ bờ Hồ lên thẳng trường Bưởi xem danh sách và lấy số thí sinh.
Vì quen đọc Phong hóa và Ngày Nay tôi nhớ rất rõ địa-chị tòa báo là 80 đường Quan Thánh nên khi xe điện chạy qua con đường này tôi hết sức chú ý tìm mãi số nhà 80 mà không thấy.
Tới khi qua khỏi vườn Bách Thảo, bác Ch... chỉ vào một biệt thự màu hồng khá đẹp ở phía tay trái cho biết đó là nhà của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, thần tượng của những kẻ đi học thời bấy giờ, vì mới ngoài 20 tuổi mà ông Tường này đã đậu tới 2 bằng tiến sĩ ở trường đại-học Montpellier bên Tây.
Rất tiếc là ít năm sau đó ông Tường bị bác dụ dỗ theo kháng chiến, thành ra mấy mảnh bằng to như cái mẹt của ông coi như kho mắm, và rồi ông Tường, sau một cuộc sống vô cùng lao khổ, mòn mỏi chết trong cảnh đói khổ tại Hà Nội cách đây không lâu.
Biết bác tú Ch.. là thổ công Hà Nội nên nhân tiện tôi hỏi bác về tòa báo Ngày Nay. ” Ồ, tòa báo Ngày Nay Phong hóa hả? Nó ở về phía gần bóp hàng Ðậu kia cháu ơi ! Ngay khi tàu điện quẹo vào đường quan Thánh, khỏi hàng Bún một chút là người ta đã thấy nó nằm ở phía bên tay mặt. Nhưng cháu hỏi địa-chỉ tòa báo Ngày Nay để làm gì? Tòa báo này đã đóng cửa từ lâu rồi.”
Mặc dầu được nhìn thấy tòa báo Phong Hóa Ngày Nay đối với riêng cá nhân tôi rất quan trọng, chẳng khác chi một khi tới Hà Nội người ta không thể không đi xem hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, nhà Gô-đa, nhà Hát Tây, chùa Một Cột, vườn Bách Thảo, nhà Ðấu Xảo v.v... nhưng vốn nhút nhát, sợ bác cho mình là lẩm cẩm, nhà quê, thành ra trước câu hỏi bất chợt của bác tú Ch... tôi hết sức lúng túng, gần như mắc cỡ, chỉ ậm ừ cho qua chuyện chứ không biết phải thưa lại với bác như thế nào.
Ðứng lẫn trong đám đông các bạn thí sinh trên sân trường có những gốc bàng và phượng vĩ cổ thụ, khi ngắm nhìn khu trường với những ngôi nhà 3 tầng đồ sộ và uy nghiêm quét vôi vàng và xây theo kiểu “nhà nước”, tôi bỗng cảm thấy dường như có một cái gì nôn nao, ơn ớn và lo lắng đè nặng trong lồng ngực...
Nhưng khi thấy bác Ch... bắt tay và chuyện trò rất thân mật với ông censeur Tây, ông Tổng giám thị Ngọc và mấy ông giám thị khác, tôi cảm thấy tạm yên lòng. Bố con tôi rất tin tưởng là nếu như có chuyện gì “trục trặc trong việc thi cử của “mấy đứa trẻ” bác tú Ch... chắc chắn sẽ lo được hết, bởi vì đối với trường cũ bác Ch... xem ra thông thạo và quen biết rất nhiều. Kết quả là trong số gần một ngàn thí sinh (?)thi vào lớp 1ère année năm đó, người ta chỉ lấy có 130 người đậu (120 chính thức và 10 dự khuyết). Rất may là tôi có tên trên bảng vàng, mặc dầu thứ bậc vào hạng xoàng xoàng mà thôi, nhưng Phạm Kh... thì lại “choét vỏ chuối”, thế mà rồi bác Ch.. của tôi vẫn cứ thúc thủ, án binh bất động, nói cười hề hề, chẳng chịu làm gì để cứu cậu em vợ, và coi như không hề có chuyện gì xảy ra vậy.
Bố tôi cứ thắc mắc mãi về chuyện này. Cũng may mà tôi trót lọt. Phạm Kh... là em vợ mà bác Ch... còn như thế, huống hồ là tôi. Chắc chết quá. Thiệt hú vía! Kể từ khai trường, ngày ngày tôi vác cái cặp da bò to hơn người đắp xe điện leng keng từ bờ hồ lên trường Bưởi, qua hàng Ðào, hàng Ngang, hàng Ðường, chợ Ðồng-xuân, đường Quan Thánh, vườn Bách thảo.. những cái tên mà trước đây tôi chỉ được nghe, tưởng tượng và thèm thuồng nay đối với tôi đã là chuyện hằng ngày và quen thuộc như cơm bữa.
Thấy bà con bán hàng quà ở bến xe điện Bờ hồ hằng ngày nhắc đến những địa danh và tên các cửa ô như Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Giấy, Ô Ðống Mác, Ô cầu Dền, Voi Phục, Quảng Bá, Giáp Bát, Bạch Mai, Gia lâm, Vạn Phúc v.v. cái cảm giác mình nay là người Hà Nội càng thấy sâu đậm hơn ở trong lòng tôi.
Dĩ nhiên là tôi rất lấy làm sung sướng và hãnh diện với hoàn cảnh mới và tự coi mình đã là dân Hà Nội chính cống một trăm phần trăm. Chẳng những là dân Hà Nội mà còn hơn thế nữa, cho nên đi tới đâu tôi cũng muốn người ta biết mình là “học trò trường Bưởi”.
Vốn yêu thích Hà Nội, lại mới được lên học Hà Nội, ngồi trên xe điện ngày ngày đi học, tôi không phải chỉ lướt qua mà trái lại ngắm nhìn phong cảnh 2 bên đường không biết chán nhất là những cảnh đặc biệt của Hà Nội như Hàng Ðào, chợ Ðồng Xuân, vườn Bách-thảo, đền Quan Thánh, đường Cổ-ngư, Hồ Trúc Bạch v.v...
Tới trường, cái thế-giới của riêng tôi được nới rộng thêm một chút nữa: những ngôi nhà 3 tầng lầu rộng lớn sơn màu vàng của trường Bưởi, những lớp học cửa sơn xanh đậm uy nghiêm, những hành lang dài thăm thẳm lát gạch men bóng lộn, những bảng đen, cái cửa sổ nhìn ra hồ Tây với cảnh chùa Trấn-quốc ở phía xa xa, hoặc gần hơn, đường Cổ ngư với những hàng cây phượng vĩ nở hoa rực đỏ một góc trời, rồi căn cứ thủy phi cơ, với một vài chiếc phi cơ lềnh bềnh trên mặt hồ, và xa hơn chút nữa, mấy cây cột cổng ra vào đền Quan Thánh...
Mặt kia là sân trường rợp bóng với những cây xoan, phượng vĩ và cây bàng cổ-thụ, với những lá úa đỏ hoặc vàng bắt đầu rụng, lả tả rơi bay rải rác trên mặt sân mỗi khi có cơn gió lạnh đầu thu thổi tới...
Các bạn học mới của tôi ăn mặc chỉnh tề và ra dáng hơn lũ trẻ nhà quê lộn xộn, hôi hám ở đồng bể chúng tôi rất nhiều.
Có nhiều tay lại mặc đồ Tây nữa, rất hách, đúng là dân Hà Nội.
Các thày thì đều là những “quan đốc”, ăn mặc đồ tây, thắt cà-vạt (trừ cụ Thẩm Quỳnh, vẫn mặc đồ ta, nhưng giầy dép lịch sự), oai phong khỏi phải nói, chứ đâu có như mấy ông giáo-viên tiểu-học nhà quê “lý đình dù,” khăn đóng áo dài the bạc phếch, cả năm không tắm kia. Nói như vậy là nói cho vui, chứ thực ra tôi vẫn nhớ và rất quý mấy thầy giáo Ðương, thầy giáo Thái, thầy giáo Thắng, thầy giáo Khánh, thầy giáo Phan rất tận tâm dạy dỗ chúng tôi từ hồi nước mũi chảy dài chưa sạch kia. Mới ở nhà quê lên học Hà Nội mà vào được trường Bưởi đối với tôi quả thực là một sự đáng hãnh diện nên đi tới đâu cũng muốn người ta biết mình là học trò trường Bưởi, trường Bảo-hộ.
Học trò chúng tôi thì thường gọi nó là Lypro (chữ rút gọn của Lycée du Protectorat).
Cái chữ Protectorat thực ra thì phải coi đó như là một sự điếm nhục mới phải, nhưng không hiểu chúng tôi lúc đó đui mù, điếc lác đến mức độ nào mà nhận không ra. Chẳng những thế bà con còn thích nêu nó ra để khoe khoang, nào là: cháu học trường Bảo-hộ, nào là moa học Lypro, trường moa là Lycée du Protectorat, học khó và giỏi hơn Sarraut nhiều (!?)v.v... và v.v... Bọn con nít chúng tôi thời đó ngu dễ sợ, ngu một cách đáng thương và thảm hại. Chỉ có một điều lạ là ngay cả những bậc cha anh, chú bác chúng tôi, trong suốt mấy thế hệ, dường như cũng chẳng có mấy ai thắc mắc hoặc buồn phiền gì về cái tên “Bảo-hộ” sặc mùi thực-dân và trịch thượng này. Hồi còn học tiểu học với các Sư-huynh La-san Phát-diệm tôi cảm thấy không khí nhà trường, mặc dầu nhỏ bé và xập xệ, vẫn có một cái gì thân thương, cởi mở và đầm ấm, khác hẳn với cái không khí có vẻ như tẻ lạnh, xa lạ, quá nghiêm túc và ganh đua gần như nhỏ nhen của trường Bưởi.
Có thể vì tôi là một học-trò mới lại hơi nhút nhát và lý Toét nên chưa thích ứng kịp với hoàn cảnh trường mới, bạn mới và thày mới đó chăng.
Các thầy dạy lớp 1ère année của tôi năm đó gồm có các thầy Thẩm Quỳnh, Tường, Khang, Chính, Chương, Sáu và Mùi.
Thời thủ-hiến Nguyễn Hữu Trí, thầy Nguyễn Văn Mùi làm chính trị và đã có một thời giữ chức thị-trưởng Hà Nội, oai phong lắm chứ. Sau 54, thầy Mùi trở lại dạy tại Chu Văn An được ít lâu thì qua đời (sau cụ Trần Văn Việt mấy năm).
Tôi thực sự làm quen với cuộc sống tạm gọi là thanh bình của Hà Nội chưa được bao lâu, thì những biến cố trọng đại của thế giới và đất nước bắt đầu liên tiếp xảy ra, giống như những làn sóng thần dữ dội không một sức mạnh nào có thể ngăn chặn nổi, làm thay đổi hoàn toàn vận mạng con người cũng như toàn thể các quốc gia lớn nhỏ sống ở dưới gầm trời này, nhất là đối với các dân tộc bị trị, đặc biệt là đất nước Việt Nam chúng ta.
Sau ngày khai trường ít hôm, vào một buổi sáng sớm Mùa Thu hơi lạnh, Hà Nội thiệt là đẹp, cúc vàng nở rực rỡ trong các vườn hoa và công viên, dân ăn diện Hà Nội ai nấy đều áo áo quần quần, đàn ông thì cà vạt mũ phớt, đàn bà thì đồ dạ, đồ nhung trông thiệt lịch sự, bảnh bao, riêng tôi thì vẫn quần trắng cháo lòng, chiếc mũ trắng và lụng thụng trong chiếc áo the cũ xác mỏng manh, thêm một chiếc khăn fu-la màu xanh vert đậm quàng quanh cổ cho đỡ lạnh, theo lệ vác cặp ra bến xe điện từ 7 giờ sáng để lên trường.
Có điều lạ là sáng hôm đó cảnh sát đứng đầy đường quanh bờ hồ, xe cộ đều bị chận lại ở các ngã ba ngã tư của mấy con đường lớn thông sang phía bên kia bờ hồ.
Trong khi chờ xe điện tới trễ sáng hôm đó, tôi lo lắng mường tượng cái cảnh phải đối diện với cái bộ mặt cáu kỉnh đày đe dọa của ông tổng giám thị Ngọc khi phải tới bureau của ông để xin giấy vào lớp... Rốt cuộc, thấy thiên hạ xôn xao chỉ trỏ, tôi quên đứt chuyện đi học muộn và ông tổng Ngọc... Nhìn sang phía Tòa Ðốc-lý và nhà Bưu-điện bên kia bờ hồ tôi thấy lố nhố rất nhiều binh lính với quần áo và xe căm-nhông màu xanh xám rất lạ (sau này người ta thường gọi là màu cứt ngựa), và quanh tôi người ta thì thầm nhỏ to với một vẻ mặt rất quan trọng hoặc lo lắng đăm chiêu: “Nhật tới rồi! Nhật tới rồi! Họ đương bao vây và chiếm nhà băng Ðông Dương...” Tôi giật mình, hơi hoảng hốt, cố lắng tai theo dõi...
Có người tỏ ra vẻ thông thạo bô bô kể lại: “Công voa họ đến từ đêm qua chứ đâu phải sáng nay. Ngựa thì hình như họ chở tới bằng xe lửa. Tôi thấy họ nằm ngủ vùi dài dài trước ga hàng Cỏ. Tôi còn nghe người ta nói là từ 3, 4 giờ sáng ngày hôm nay đã thấy họ đóng lều, căng bạt và đóng quân đầy ở bãi Septo trên Hàng Ðẫy, ngay gần khu Cột Cờ... không biết họ tới bằng cách nào mà êm thấm như vậy, trong khi đó trong thành im tăm tắp, chẳng thấy ông Tây nào ló dạng hoặc hó hé ra ngoài đường phố.Có người kể lại với những chi tiết tỉ-mỉ hơn: “Ngựa họ cỡi thuộc giống gì mà cao lớn lực lưỡng đến thế? Quan binh của họ người nào cũng đeo gươm dài lòng thòng, lại đi bốt da kéo lê cộp cộp, trông thấy mà ớn da gà.”
Một bà bán hàng rong khác xem ra cũng thông thạo không kém: “Sáng nay tôi bán hàng bên Gia-Lâm, tôi gặp họ đứng gác ngay trên đầu cầu Ðu-me và lối đi vào sân tàu bay Gia-Lâm. Tôi sợ quá, định bỏ buổi hàng về nhà xem bố con chúng nó ra làm sao.” Sau khi nhổ bã trầu, bà hàng rong kể tiếp: “Thời buổi loạn lạc mà, ai mà chả phải sợ hãi lo lắng. Các ông các bà chưa biết đấy thôi, người họ thì lùn (?),béo tròn béo trục như con lợn, dáng đi khệnh khạng, bục bà bục bịch, mặt thì cứ lầm lầm lì lì trông dữ tợn như quân ăn cướp (?),súng của họ thì lại dài quá chừng, lúc nào cũng cắm lưỡi lê sáng loáng, trông ghê ơi là ghê! Mình mà lơ mơ là chúng xông tới à-la-sô đâm liền tại chỗ đấy bà con ơi!”
Có lẽ sợ người ta cho mình là nói phịa một cách quá đáng chăng nên bà hạ giọng chậm rãi chú thích thêm: “Thì tôi cũng nghe thấy người ta nói như thế. Không biết bọn Nhật bản này có dữ tợn thiệt như vậy hay không. Nếu mà thiệt thì bà con mình phải tính làm ăn sao đây?”
Một cô gái rất trẻ, mắt to, khá xinh, áo dài màu hoàng yến, ôm cặp sách, hình như là nữ sinh trường Ðồng Khánh, chờ xe điện như tôi, rụt rè hỏi bà:“Cái bọn Nhật đó... chúng có quấy phá hay... chọc ghẹo... gì không thím?”
- “Hà hà... ý cô nói là chọc gái chứ gì? Cái gì chứ cái đó thì quả thực... có trời có đất làm chứng, tôi không thấy cô ơi. Hay là chúng chưa kịp giở chứng “giê cụ” ra thì tôi không biết”. Bà hàng rong cười tủm trả lời, làm cho mấy người khác cũng cười theo...
Cô gái tỏ vẻ e thẹn, nhưng củng cố gượng cười tươi:
- “Cháu thường đi học thêm buổi tối nên cháu chỉ sợ... chỉ sợ...” Nói tới đó, mặt đỏ bừng, cô ngừng lại, không nói thêm gì nữa.
Một anh chàng có vẻ là thợ quét vôi hay phu hồ gì đó, vì quần áo dơ bẩn với đầy vết vôi và vết hồ, với một vẻ quan trọng, nói gần như thì thầm, dường như anh sợ ai nghe thấy:
- “Này các ông các bà có biết không, cái thằng cha Nhật-bản có cái cửa hiệu trên Cửa Ðông ấy mà, hắn là “trinh- thám Hắc long” đấy! Chắc hắn có chức quan gì to ghê lắm, có lẽ là quan ba hay quan tư gì đó, nên ngay từ sáng ngày hôm qua, khi đi ngang qua Ðường Thành để đi làm trên phố Tiên-sinh, tôi đã thấy hắn treo đèn giấy tròn tròn màu hồng, kéo cờ Nhật và ăn mặc phẩm phục đại triều Nhật Bản trông rất là oai vệ. Hắn phải là trinh thám nên mới được báo tin từ trước như vậy chứ, phải không các ông các bà?”
Một ông ty hý mắt lươn, điếu thuốc lá ngậm trề trên môi, đeo kính trắng, mặc com-lê flannel xám lợt, thắt cà-vạt đỏ sậm, đi giầy cánh phượng đơ-cu-lơ đen trắng, đội mũ Fléchet nâu lợt, râu mép vẽ, xức nước hoa Soir de Paris thơm nức, xem chừng là công chức sở Tây hay sở Ta nào đó bỗng cười khểnh và bô bô lên tiếng một cách rất thản nhiên, giọng điệu hơi cà chớn, chả sợ sệt gì hết, có vẻ như dân chơi:
- “Ồ! Ðâu có gì mà oai ! vì đàng ấy không biết đấy thôi! Ðể đón rước quân đội Nhật, thằng cha lùn đó có lẽ mặc bộ đồ Kimono, tức áo cổ truyền Nhật bản tương tự như áo thụng, áo tế của các cụ ta đời xưa đấy chú ơi! Chứ làm mẹ gì mà có phẩm phục đại triều với tiểu triều ở đây!”
Ðể tỏ ra là mình cũng là con người thận trọng, ưu thời mẫn thế, sau khi cố “rít” nốt mẫu thuốc lá rồi vứt toẹt xuống lề đường, ông thắt cà-vạt đỏ, có cặp râu mép vẽ hạ giọng kết luận: “Còn như hắn có phải là trinh thám Hắc Long hay không, tớ xin chịu thua đàng ấy. Thú thiệt là tớ đây mù tịt không biết gì hết. Ðã là trinh thám, chúng bí mật ghê lắm, nhất là bọn Hắc Long, chú sao biết được.”
Trong khi bà con mình đương cùng nhau rì rầm bàn tán thì từ phía rạp xi-nê Philarmonique rầm rầm chạy tới mấy chiếc xe mô-tô nhà binh có thêm chỗ ngồi bên cạnh, màu cứt ngựa, cắm cờ mặt trời đỏ trên nền trắng ầm ầm chạy vượt qua trước mặt chúng tôi rồi mất hút về phía hàng Gai, để lại sau một đám khói xám nhạt...
Mọi người nhớn nhác trầm trồ nói nhỏ với nhau: “Chúng nó đó! Chúng nó đó!”
Thế là tôi đã được nhìn thấy tận mắt, dù chỉ là trong một khoảnh khắc, những tên lính tiên phong của đạo quân xâm lược Nhật Bản!
Ðó quả là một biến cố lịch sử quan trọng đã mãi mãi ghi sâu trong tâm khảm tôi.
Với sự hiện diện của quân đội Thiên Hoàng, Hà Nội bắt đầu được nếm mùi bom Mỹ một cách vô tội vạ. Trận đầu tiên nhắm vào khu vực bãi Septo, hàng Ðẫy, hàng Bột và hàng Da (trung tâm Hà Nội ), sự thiệt hại khá nặng nề, có nhiều người bị chết và bị thương.
Những cuộc không tập tai hại và liên tiếp của Ðồng Minh vào các vị trí chiến lược đã khiến chính quyền Ðông Dương sau này phải di-tản các trường học ra khỏi thành phố Hà Nội, kể cả các trường Ðại hoc và trung học lớn như Bưởi và Sarraut, để đi về các nơi như Hà-Ðông, Sầm Sơn, Phúc Nhạc v.v...
Trong khi đó, sự hiện diện của quân đội xâm lược Phù-tang tại Hà Nội mỗi ngày mỗi mở rộng với sự xuất hiện những cơ sở và dịch vụ nhằm phục vụ quân đội viễn chinh Nhật như nhà băng Tokyo, các hãng buôn Mitsui và Mitsubishi, hàng ăn Nhật, quán rượu Nhật, câu-lạc-bộ Nhật, tiệm khiêu vũ, nhà chứa v.v... Các túi và gói lương khô của quân đội Nhật như bánh lạt, gạo sấy, mì khô, bột ngọt, tép khô, thuốc lá, cùng với một vài món hàng rẻ tiền của Nhật như đồng hồ, bút máy, sách báo, carte postal với những hình ảnh của một nước Nhật đầy cảnh đẹp và màu sắc như núi Phú sĩ, hoa anh đào, chùa chiền ở Kyoto v.v... Phố Khâm thiên, xóm cô đầu của Hà nội, nay biến thành khu đèn đỏ nhắm phục vụ quân đội Nhật cũng như các kiều dân Nhật làm việc tại các cơ sở công tư Nhật mới được thiết lập tại Hà Nội.
Thành ra, về phương diện kinh tế cũng như văn hóa, từ ngày quân đội Thiên Hoàng tiến vào Ðông dương, Hà Nội không những chỉ có chịu ảnh hưởng của Pháp mà phần nào còn chịu ảnh hưởng của Nhật nữa.
Xét cho cùng, ngoài chuyện một số người đua nhau học tiếng Nhật để đi làm cho Nhật, về phương diện văn hóa, ảnh hưởng của Nhật rất yếu, trong khi đó, mặc dầu thua trận ở Âu-Châu, thất thế ở Á Châu, ảnh hưởng văn hóa Pháp trên dải đất Ðông Dương không hề bị giảm sút. Hơn nữa, có lẽ quá bận tâm về những vấn-đề chính trị và quân sự, nhất là quân sự, nên Nhật không có đủ phương-tiện cũng như khả-năng và nhân-sự để phổ biến văn hóa và nghệ-thuật Phù-tang tại các nước Ðông Nam Á bị Nhật chiếm đóng. Thời kỳ đó, chiến tranh đã hoàn toàn mở rộng thành Ðại Thế-Chiến nên các văn hóa phẩm như sách báo, đĩa nhạc, phim chiếu bóng v.v... từ Hoa Kỳ và Âu Châu đã không còn được nhập cảng, nên dân Hà Nội cứ phải coi đi coi lại các sản phẩm cũ mèm nên chán ngấy. Giữa lúc đó, có một số phim Nhật được đưa ra chiếu tại mấy rạp lớn ở Hà Nội, nhưng thường là những phim có tính cách tuyên truyền cho quân đội viễn chinh hoặc chủ thuyết Ðại Ðông Á của Nhật. Vì là của lạ, hơn nữa Hà Nội lúc đó cũng chẳng còn có gì mới lạ để giải trí, nên mỗi khi các rạp chiếu phim Nhật, người ta đua nhau đi coi rất đông. Tuy nhiên, theo như tôi được biết, vào thời kỳ đó, những phim Nhật có tính cách thuần túy nghệ thuật hầu như không có hoặc rất hiếm.Nổi tiếng nhất có lẽ là cuốn phim “Ðêm Trung Hoa” tức “Tô Châu dạ khúc” (Nuit de Chine) do một nam tài-tử nổi tiếng của Nhật (tôi không nhớ tên) và cô đào Trung hoa mới nổi tiếng rất xinh đẹp Lý Lệ Hoa (?)đóng vai chánh.
Về phương diện giá-trị nghệ-thuật, dù đối với một thằng nhỏ kiến thức hẹp hòi như tôi lúc đó thì cuốn phim cũng chỉ có tính cách tuyên truyền, nên chỉ có thể coi như là là một sản phẩm trung bình mà thôi, nhưng được bà con ta rất yêu thích vì 3 lý do chính: tính chất Á-Ðông của cuốn phim, sắc đẹp của vai nữ Lý Lệ Hoa và bài hát chủ đề cùng tên của cuốn phim (Nuit de Chine tiếng Nhật là Shina no yoru, tiếng Việt gọi là Tô châu dạ khúc).
Cùng với sự xuất hiện của những người phụ nữ Nhật trong bộ Kimono duyên dáng trên các đường phố Hà Nội, cũng như những tranh ảnh, sách báo về một nước Nhật có hàng mấy ngàn năm văn hiến, những phòng triển lãm tranh của các họa-sĩ Nhật như Noguchi, Fujita v.v... và nhất là, với sự nhen nhúm của phong trào nhạc Việt mới, các bản nhạc Nhật du nhập vào Việt nam thời đó, với tính chất Á-Ðông nhu hiền của chúng, đặc biệt là mấy bản như Tô Châu Dạ Khúc (Shina no yoru), Hoa Anh đào (Sakura) v.v... đã như là những luồng gió mát rất dịu dàng thổi vào tâm hồn người Việt chúng ta và trong một khoảnh khắc nào đó chúng đã làm cho người ta phần nào tạm quên cái khía cạnh hung ác đầy sát khí của đoàn quân viễn chinh Nhật bản.Với cuộc chiến mỗi ngày mỗi lan rộng, mặc dầu Nhật xem ra có vẻ thắng thế ở khắp các mặt trận trong vùng Ðông Thái Bình Dương, nhưng vì lực lượng phải trải ra quá mỏng trên khắp các nước Ðông Nam Á, người ta vẫn cảm thấy quân đội viễn chinh Nhật dường như bị sa lầy mỗi ngày mỗi lún sâu hơn.Có lẽ cũng chính vì thế mà về các phương diện hành chánh, kinh tế, văn hóa, giáo-dục v.v. Phủ Toàn Quyền Pháp vẫn tiếp tục được nắm quyền trên toàn cõi Ðông Dương như trước kia
Về phương-diện giáo-dục, không có gì thay đổi, tiếng Pháp vẫn là chuyển ngữ chính thức trong các địa hạt hành chánh cũng như giáo dục, bọn trẻ chúng tôi vẫn phải vùi đầu vào học các tác phẩm của các văn hào Pháp, nhai đi nhai lại hết Alphonse Daudet, Anatole France, Pierre Loti, Émile Zola, Georges Sand tới La Fontaine, rồi Molière, Racine, Victor Hugo, Jean Jacques Rousseau, Voltaire, André Chenier, Rimbaud, Verlaine, Paul Valéry v.v... Sách học về litterature của mấy ông Émile Fargé, Paul Lanson v.v. đều là những sách gối đầu giường của học sinh các lớp secondaires thời đó.
Ban Thành Chung và chương trình Tú Tài bản xứ cũng có học các tác phẩm của Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Ðoàn Thị Ðiểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tú Xương v.v... Tuy nhiên, tiếng Việt chẳng qua cũng chỉ như một thứ Sinh-ngữ 2, nên việc học văn chương Việt Nam không thể nào quan trọng bằng việc học kiểu dùi mài kinh-sử Litérature Franaise.
Các đàn anh chúng tôi thì vẫn tiếp tục nấu sử sôi kinh tại các giảng đường trường Luật, trường Khoa-học, trường Thuốc (Y-khoa), trường Dược, trường Thú-y, trường Cao Ðẳng Công Chánh, Trường Kiến-trúc, Trường Mỹ-thuật v.v... và ai nấy đều ngấp nghé ra làm quan sau khi tốt nghiệp. Riêng trường Cao đẳng Sư phạm, trường đào tạo các quan đốc-học tương lai, không hiểu tại sao lại bị đóng cửa, mặc dầu vào thời đó giáo-sư trung-học rất thiếu. Trường Cao đẳng Mỹ thuật sau đó ít năm hình như cũ bị đóng cửa luôn. Khi quân đội Nhật tiến chiếm Ðông-dương, như đã trình bày ở trên, toàn-quyền Pháp lúc đó là tướng George Catroux bỏ trốn sang Bắc Phi, theo lực-lượng kháng-chiến France libre (Pháp tự do) do De Gaule lãnh đạo, chính-phủ Vichy cử tư-lệnh hải-quân Pháp ở Ðông-dương là đô-đốc Jean Decoux thay thế. Decoux rất khéo léo và mềm dẻo nên một mặt tìm mọi cách lấy lòng người Nhật, mặt khác dùng bàn tay sắt bọc nhung để trị người bản xứ. Chính cái chính sách “bàn tay sắt bọc nhung” này đã khai sanh ra phong-trào thể-thao rầm rộ trên toàn cõi Ðông- dương trong mấy năm đầu thập niên 40, với nào là giải vô-địch bóng tròn Ðông dương giữa các hội-tuyển nhà Binh và các xứ Bắc, Trung, Nam và Miên, Lào, giải bơi lội toàn xứ, tổ chức đua xe đạp vòng quanh Ðông dương, mở trường đào tạo huấn-luyện viên thể thao Phan-Thiết, v.v... Mục-đích của cái phong-trào thể-thao này (quen gọi là phong-trào Ducouroy, vì Ducouroy là tên viên cao-ủy thể-thao lúc đó), thực ra cũng chẳng tử-tế gì mà chẳng qua Decoux muốn dùng nó để ru ngủ và đánh lạc hướng tính năng-động của thế-hệ trẻ thời đó mà thôi.
Mặc dầu ở trong tình trạng “một cổ hai tròng”, nhưng với tình trạng thế-giới vô cùng căng thẳng do cuộc thế-chiến tạo nên, các vấn-đề quốc-gia và dân-tộc, kể cả sự tuyên truyền của Nhật về chính sách Ðại Ðông Á, nỗ lực thần thánh hóa Thống Chế Quốc Trưởng Pétain của chính phủ bù nhìn Vichy, luôn được báo chí khắp thế giới cũng như trong xứ đề cập tới hằng ngày, do đó dân ta, nhất là giới trẻ, vô hình trung đã gián tiếp tự giác-ngộ được dần dần về các vấn-đề đất nước, độc-lập, tự-do và dân chủ.
Trong khi chờ đợi và chưa biết phải làm gì, một số bắt đầu tham gia vào những hội đoàn hoặc hoạt động thanh niên như tổng hội Sinh Viên, phong-trào Hướng đạo, hội Truyền-bá Quốc-ngữ v.v. Những ngày nghỉ, kéo nhau đi cắm trại, hoặc đi thăm viếng các di-tích lịch-sử như Ðền Hùng, Kiếp Bạc, Hoa Lư. Nhưng bản nhạc Việt viết cho các sinh hoạt thanh niên của Lưu Hữu Phước, Thẩm Oánh và Hoàng Quý rất được các lớp thanh niên, học sinh thời đó yêu thích.
Ít lâu sau, mặt trận Việt Minh bắt đầu bí mật hoạt động “trong bóng tối”... Và câu chuyện đi chiến khu đã tạo nên rất nhiều huyền thoại trong đầu óc ngây thơ của một số lớn những người trẻ yêu nước... Cho nên, sự thành công tất nhiên của “mặt trận” lúc đó chỉ cần nhờ vào một yếu tố duy nhất, đó là hoàn cảnh, hoặc chính xác hơn, cơ hội thuận lợi...
Cái thế-giới của những đứa học-trò Hà-nội lần nhầng như chúng tôi thiệt khiêm-nhượng và nhỏ bé. Thực vậy, chúng tôi đa số con nhà nghèo, thuộc gia-đình tiểu công-chức, thợ-thuyền, buôn thúng bán mẹt, hoặc nhà quê lên tỉnh để đi học. cho nên, tuy tự nhận là dân Hà Nội, nhưng những gì gọi là giầu sang phú quý của Hà Nội chúng tôi chỉ được nhìn chứ ít khi hoặc chẳng bao giờ được thực-sự hưởng-thụ.
Là người Hà Nội, chúng tôi ít khi ra khỏi 5 cửa ô, hoặc Chèm, Vẽ, hay Ngã tư Vọng (Bạch mai), cùng lắm là về thăm quê ngọai ở Làng Tám, hay làng Vời, quê nội ở bên Gia-lâm, hoặc Thạch-bích, hoặc Ngã Tư Vác, hoặc Vạn Phúc bên Hà-đông... Và con đường dài 11 cây số chạy từ Hà Nội vào Hà-đông hồi đó vẫn chỉ là một con đường tỉnh lộ chạy xuyên qua những khu vườn hoặc đồng ruộng xanh mướt rộng thẳng cánh cò bay.Thỉnh thoảng vào mấy ngày lễ hoặc chủ nhật, có lẽ vì nhớ nhà, tôi thường đi xe điện vào Hà-đông ngắm cảnh hai bên đường, vì chúng rất giống cảnh đồng ruộng hiu hắt nơi quê tôi.
Mấy đứa nhà quê gốc đồng bể ở trọ như tôi thì chỉ mong mau
tới Tết hoặc kỳ hè để về thăm nhà để hưởng cái không khí gia-đình đầm ấm mà chúng tôi không tìm thấy nơi nhà trọ.
Dẫu sao, được cha mẹ lo cho đi học đã là may mắn lắm rồi.
Ngày ngày chúng tôi chỉ biết có một con đường: từ nhà tới trường, rồi từ trường về nhà. Hàng Ðào, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Khay, Tràng Tiễn v.v... thuộc về một thế giới khác. Mỗi khi có dịp đi qua chúng tôi chỉ có thể dán mũi vào các cửa kính để ngắm nhìn chơi cho vui. Những nơi như Hội quán Khai-trí Tiến-đức, nhà Thủy-tạ, hôtel Métropol, Quán rượu Taverne Royale, mấy hiệu bánh và thực phẩm Tây như Michaud hay Anpo, tiệm cơm tây Coq d'or, tiệm cơm Tàu Tây Nam Tửu gia v.v... chúng tôi chỉ có thề nhìn từ bên ngoài chứ chưa từng được bước chân vào trong.
Chỉ có một nơi là chúng tôi có thể chung sống và cùng giải trí với những người giàu có: đó là rạp chiếu bóng.
Tuy nhiên cần phải có một hào rưỡi (rạp hàng Quạt), hay 2 hào (rạp Philarmonique bờ hồ, rạp Olympia hàng Da...), hoặc 2 hào rưỡi (mấy rạp lớn hàng Éden, Majestic...) để mua một tấm vé xem Ciné hạng ba.
Dẫu sao cũng là sung sướng lắm, bởi vì thời phim câm (tức thời bố tôi) vì không có dư tiền để mua vé ngồi phía trước màn ảnh, một số học sinh nghèo mê xem chiếu bóng phải mua vé 5 xu ngồi phía sau (tức nhìn mặt trái màn ảnh). Trong trường hợp này, bà con thường phải đem theo một cái gương (to nhỏ tùy ý), để nếu cần, đọc phụ đề cho nhanh và rõ ràng hơn.
Thực ra thì Hà Nội ngày xưa cũng nhỏ bé thôi, cho nên đa số chúng tôi mỗi khi xê dịch không cần phải có xe pháo gì. Dân Ngõ Huyện và phố Nhà Chung ở trung tâm thành phố nên dường như đi đâu cũng rất tiện. Chẳng hạn mấy thằng bạn ở cùng phố học ở Lycéum Gia-long trên đường Julien Blanc (nay là phố Nhà Thương Phủ-doãn) chỉ cần đi bộ chừng hơn trăm thước là đã tới trường. Có thằng nhỏ giữa 2 buổi học chạy vội về nhà ở Ngõ Huyện 3 làm một bát cơm nguội với mấy quả cà muối mặn cho đỡ đói rồi tới trường mà vẫn kịp giờ học. Trường Thăng long ở gần Ngõ Trạm thì xa hơn một chút, nhưng đi bộ thì cũng chỉ mất chừng mươi phút mà thôi.
Như quý vị đã biết, nhiều người vẫn còn nhớ trường Thăng long, vì ông Tôn Thất Tùng là hiệu-trưởng và ông Võ Nguyễn Giáp vốn là một giáo-sư Sử Ðịa của trường. Cả hai ông đều theo bác Hồ làm lớn. Ông Giáp, xưa nay chỉ biết sơ sơ chút ít binh pháp qua một số sử sách trung học ông đọc để soạn bài dạy học trò, do một sự tình cờ nào đó, bỗng trở thành đại-tướng, sau nhờ may mắn kiểu “Số đỏ”, thắng trận “Ðiện-Biên”, được bọn nhà báo quốc-tế, nhất là phe ta bốc thơm lên tới tận chín tầng mây, gọi ông, híp lơ! híp lơ! là nhà đại chiến thuật của thế-kỷ 20, là Nã-phá-luân Việt Nam v.v... Không biết chúng ta có nên lấy đó làm hãnh diện về cái ông đại tướng “improvisé” nổi tiếng như sóng cồn này hay không? Trường Gia-Long cũng có nhiều thày nổi tiếng lắm, chẳng hạn như các thầy Toản (giám-học), thầy Chính (thời đó vẫn còn mặc áo dài ta), thầy Ðường, thầy Sủng, thầy Ðột v.v... Các vị thầy này đều là những bậc đại mô phạm nổi tiếng một thời. Thằng nhỏ là tôi lúc đó không bao giờ có thể ngờ được rằng, chỉ hơn mười năm sau, mình sẽ trở thành đồng nghiệp cùng dạy một trường với một số trong những bậc trưởng thượng trên đây. Trường công dành cho con em Việt nam, ngoài trường Bưởi, còn có trường thành chung (4 năm trung học) Ðỗ Hữu Vị và nữ trung-học Ðồng Khánh. Trường Tây Albert Sarraut thời đó thì ai cũng biết rồi, ngoài tầm tay các con cái nhà nghèo hoặc nhà quê như chúng tôi. Trường nữ trung học Felix Faure, cũng như Albert Sarraut, là trường Tây, thường chỉ dành có các bà đầm con.
Riêng tôi, vì học ở Bưởi, trường khá xa, sự đi lại nhiêu khê hơn. Vì lúc đó chưa mua được xe đạp, tôi phải lên trường bằng xe điện. Sáng nào cũng vậy, cứ 7 giờ là tôi đã phải lọc cọc lê guốc ra bến xe điện phía Bắc Bờ Hồ. Hôm nào guốc bị đứt quai, nếu không sửa kịp, đành vứt bỏ rồi đi chân không. Còn nếu như lỡ chuyến xe điện thì coi như có chầu đi học trễ và dĩ nhiên sẽ có cơ hội được mặt đối mặt với Censeur hoặc ông tổng-giám-thị Ngọc. Sau mua thêm được đôi săng-đan bằng da trên ngõ Trạm, bỏ hẳn đi guốc, thoát được cái nạn thỉnh thoảng bị guốc đứt quai giữa đường giống như cảnh gái mất chồng giữa độ nửa chừng xuân.
Năm 2004, trong dịp về thăm Hà Nội sau đúng nửa thế kỷ, ngay từ sáng sớm ngày đầu tiên, mặc dầu thỉnh thoảng vẫn có những trận mưa xuân bay lất phất, từ một khách sạn ở góc hàng Da và hàng Bông, chúng tôi thả bộ qua đường Lý Quốc Sư (tức phố Lamblot cũ) ra khu nhà Thờ Lớn để thăm cảnh cũ người xưa...
Nhà thờ và các đường phố như phố nhà Chung (rue de la Mission), phố nhà Thờ (rue de la Cathédrale) trông cũ kỹ, luộm thuộm và nghèo nàn hơn xưa. Ngôi nhà thờ nhỏ ở đầu phố nhà Chung (số 3), trước 1946 là trụ sở của hội Khuyến nhạc Hà Nội, nay đã hoàn toàn biến mất, không để lại chút vết tích gì.
Ngoài ra, hai tháp nhà thờ vẫn rêu phong đen sì; trên sân trước nhà thờ và con đường vòng tròn bao quanh tương Ðức Mẹ vẫn có mấy bầy trẻ nô đùa, đá banh, đá cầu chẳng khác gì chúng tôi trên 60 năm trước đây.
Chỉ có một điều là chúng tôi chẳng gặp được ai quen thuộc, hết thảy đều xa lạ, kể cả cuộc sống chung quanh hoặc các cửa tiệm buôn bán trên các đường phố. Nói một cách khác, chúng tôi đã chẳng thấy còn có gì là “Hà Nội ” (tất nhiên là Hà Nội của những tháng ngày trên 50 năm về trước). Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy đôi chút ấm lòng và dường như tìm thấy Hà Nội của mình ngày xưa khi nghe tiếng chuông đồng hồ nhà thờ chầm chậm đổ, rất quen thuộc, mỗi 15 phút hay nửa giờ. Khu Ngõ Huyện thì hầu như đã hoàn toàn lột xác: những dãy nhà cũ mèm và thấp lè tè ngày xưa nay đã biến thành những căn nhà 2, 3 tầng lầu trông lòe lẹt một cách luộm thuộm và rẻ tiền. Chỉ riêng có có 3 căn đầu bên số lẻ Ngõ huyện Ba là hầu như còn nguyên vẹn, bé tí xíu, nằm nép dưới một gốc đa cổ thụ, rễ cành xum xoe.
Căn giữa của 3 căn nhà còn lại, tức căn số 5, là nhà mẹ vợ tôi ngày xưa. Vợ tôi sinh ra ở đó, sống ở đó, với cây táo hoa trắng xóa mỗi độ xuân về, cây thạch lựu đỏ rực báo hiệu mùa hè đã tới, cái giếng nước thiệt trong và mát lạnh... trong suốt 24 năm, cho tới khi đi lấy chồng, cũng là cái năm mà chúng tôi phải rời bỏ Hà Nội di cư vào Nam tìm đời sống Tự do. Thấy một cô gái xinh xắn đứng trước cửa, vợ tôi tới chào và hỏi thăm về căn nhà. Cô gái cho hay là bố mẹ cô tới ở đây từ hồi nào cô không rõ. Cô chỉ biết là mình chào đời năm 1980 tại căn nhà này.
Tôi ngẫm nghĩ: thế ra năm nay cô gái đúng... 24 tuổi và vợ tôi... đúng 74 tuổi... Vợ tôi, không biết trong lòng nghĩ gì, bỗng ứa nước, dường như nghẹn ngào... lẩm bẩm cáo biệt cô gái, rồi vội vàng kéo tôi đi, quên đứt ý định xin phép vào trong thăm lại căn nhà, nhìn lại cái giếng nước, xem cây táo và cây lựu ngày xưa có còn không...
Lần về Hà Nội kỳ đó, vẻn vẹn chỉ có 2 ngày, thành ra chúng tôi đã chẳng có thể đi được tới đâu.
Năm ngoái, tôi đã trở về Hà Nội lần thứ hai. Ðặc biệt lần này tôi đã có dịp đi thăm được khá nhiều nơi, trong số có trường Bưởi cũ...
Sau hơn 60 năm bị dùng làm trại binh hoặc bỏ phế, trường Bưởi nay đã được tân trang và mở cửa lại với cái bảng hiệu mới: Trường Trung học Chu Văn An. Như thế là ở Việt Nam hiện nay ít nhất cũng có 2 trường Chu Văn An: một ở Sàigòn, một ở Hà Nội, cùng chung gốc gác và dây mơ rễ má.
Mấy dãy nhà 3 tầng lớn kiểu thuộc địa, căn nhà villa sang trọng phía Ðông dành cho proviseur, dãy nhà một tầng phía ngoài... hết thảy đều vẫn còn nguyên vẹn với lớp sơn vàng bên ngoài mới.
Lúc đó đang giờ học. Sân trường im lặng, vắng vẻ, không một bóng người... Họa chăng thỉnh thoảng có tiếng chíp chíp của bày sẻ hoặc tiếng lá khô xào xạc đuổi nhau trên mặt sân mỗi khi có cơn gió từ ngoài hồ thổi vào. Tôi bỗng liên tưởng tới cái im lặng của sân trường trên 60 năm về trước, cái im lặng làm cho tôi bồn chồn, lo lắng tới ớn lạnh mỗi khi lỡ xe điện tới trường quá trễ...
Mặc dầu người gác cổng kỳ kèo, cố ngăn cản, tôi nhất định tiến thẳng vào trong sân chụp mấy tấm ảnh...
Trong hành lang lót gạch hoa bóng láng của dãy nhà đầu, tôi thấy một bóng người: bóng một phụ nữ trẻ, xinh xắn, đi giầy cao gót, xách cặp da, ăn mặc kiểu business khá lịch sự,... Tiếc rằng tôi chỉ nhìn thấy... phía sau người đẹp.
Có lẽ đó là một vị nữ giáo sư trẻ của trường Bưởi ngày hôm nay...
Ngoài cảnh vật vô tri ít đổi thay, tôi cố tìm lại một hình ảnh sống động, một dư vị hay dư âm quen thuộc nào đó của cái quá khứ trên 60 năm xưa...
Nhưng vô ích...
Thay vào đó là một sự lãnh đạm và vắng lặng hầu như hoàn toàn... Tôi bỗng cảm thấy rất cô đơn để rồi ra về trong bâng khuâng và một sự luyến tiếc không bờ bến...
(Trích và phỏng theo từ “Từ Hà Nội tới Paris”)