Home Văn Học Tùy Bút Thân gửi những ai chưa hề sống ở xứ tuyết.

Thân gửi những ai chưa hề sống ở xứ tuyết. PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Doãn Nho   
Thứ Ba, 30 Tháng 12 Năm 2008 06:32

Đầu hôm, trăng tròn lẵng, sáng trưng.
Rằm chăng? Vào Internet xem lịch, thì ra là rằm thật. Một rằm rất lạnh. Đang giữa

 
đông mà. Mùa này, nhiệt độ bình thường bên ngoài xê dịch từ 30 đến 40 độ F (từ -1 đến 4, 5 độ C). Khi có tuyết, nhiệt độ rơi xuống 13, 14 độ hay thấp hơn nữa. Thỉnh thoảng, còn xuống đến độ âm. Ở quê nhà, dự báo thời tiết về mùa đông chỉ vỏn vẹn có một điều: lạnh. Lạnh nhiều lạnh ít cũng là lạnh. Rét ngọt, rét đậm, rét đầu đông hay rét cuối đông thì cũng là rét. Thế thôi. Xứ này là xứ tuyết. Mùa đông, tuyết rơi được mấy nhà khí tượng lên một danh sách khá dài: snow showers, snow storm, drizzle, freezing rain, sleet, hail, snow pellet, fog, ice storm, blizzard, wintry mix… Nghe rối mù mù. Cũng chẳng trách những nhà khí tượng lắm chuyện. Vì quả tình, cũng là tuyết rơi, mà rơi nhiều kiểu nhiều cách quá, cái nhẹ cái nặng cái xốp cái cứng cái lơ thơ cái ào ạt, cái lãng mạn rong chơi, cái tai ương phiền não. Thú thật tôi cũng chẳng biết phải dịch sang tiếng Việt những thuật ngữ đó sao cho chỉnh.

Tôi nhìn trăng, lòng phấp phỏng. Mùa đông, tin khí tượng dữ nhiều hơn lành: đêm nay sẽ có “bão nước đá” (ice storm), tạm gọi là “bão đá” cho nó tiện. Hy vọng rằng chẳng có ai lầm tưởng rằng bão sẽ thổi tất cả đá cục đá hòn bay đi lung tung như cát bay đá chạy mịt mù trong các phim kiếm hiệp Trung Hoa. Quả như dự báo, đến chín giờ thì trăng chìm khuất. Đã nghe tiếng mưa rơi lác đác. Cũng là mưa đấy thôi, nhưng giọt mưa nghe rất khác thường. Nằng nặng, chầm chậm, mưa mà như không phải mưa. Về khuya, tiếng mưa nghe nhanh dần cùng với gió. Nói cho đúng, đó chỉ là những tiếng động lách cách, lúc khoan lúc nhặt và có lúc lại lặng lẽ như thể mưa đã ngừng. Lạ thật, ice storm, “bão” - lại là bão đá - sao mà có vẻ nhẹ nhàng và êm đềm thế này!? Nghe như chẳng ăn nhập gì với lời cảnh cáo khá nghiêm trọng của sở khí tượng.

12giờ 20, điện tắt phụt. Y như có ai đột ngột cắt đứt đường dây. Nhà rơi vào bóng

 
tối. Thiếu ánh sáng, mấy đứa cháu nhỏ hốt hoảng vùng dậy, tỉnh ngủ, kêu la ơi ới. Đèn cầy thắp lên, góc này một cây, góc nọ một cây, ánh sáng lay lắc rung động những cái bóng nhảy múa trên tường. Mặc thêm áo ấm, đắp thêm chăn, ráng ngủ cho qua đêm. Nhưng làm sao mà ngủ cho được! Nằm thì nằm nhưng cái tai cái tâm thì không nằm. Chốc chốc, lại nghe tiếng rào rào, răng rắc từ hàng cây trụi lá dọc theo bờ vườn. Gì vậy kìa? Nhỏm ngay dậy, nhìn qua cửa sổ. Thì ra cây cối gãy đổ. Trong ánh sáng nhờ nhờ, tôi nhìn thấy những vật thể trắng âm thầm dính bám vào những cành cây gầy nhỏ run rẩy từng hồi. Cứ thế, mãi đến ba, bốn giờ, cơn bão mới ngưng. Vừa tưng tửng sáng, tôi mở cửa ra ngoài. Ô kìa, cảnh vật chung quanh là cả một bãi chiến trường: cành nhánh gãy đỗ ngổn ngang. Cành nằm dưới đất cành còn trên cây, tất cả đều có đá đeo theo. Một thân cây lớn đứt lìa khỏi gốc, nằm chắn ngang lối xe đi ra đường. Hai hàng cây mùa thu lá lên màu rực rỡ bây giờ chỉ còn là những cành nhánh thương tích xác xơ.

Bão đá đấy! Đâu có nhẹ nhàng gì. Theo ngành khí tượng học, bão đá là một tiến trình thời tiết đặc biệt và khá phức tạp, lâu lâu mới có một lần. Bão xẩy ra khi những bông tuyết từ trên cao rơi qua một vùng ấm, biến thành mưa, những hạt mưa này gặp phải một lớp không khí rất lạnh ở phía dưới, được gọi là “siêu lạnh” (supercooling, nhiệt độ dưới 32 độ F) gần mặt đất, chuyển thành freezing rain. Đó là những hạt mưa bị đông lại nhưng vẫn còn dưới dạng lỏng và khi những hạt mưa này đột ngột va chạm mạnh vào các bề mặt (surfaces) chúng liền chuyển biến ngay thành nước đá (ice) tạo nên một lớp vỏ càng lúc càng dày thêm bọc quanh các vật thể (thân cây, cành nhánh, dây điện, cột điện, hàng rào kim loại…). Ấy, tuy không hung hãn như bão gió, không cả đống cả khối ngập ngụa phiền phức như bão tuyết, nhưng nó gây ra những thiệt hại không kém gì các trận bão lớn. Cây cối gãy, ngã, cột đèn đổ, dây cáp đứt, làm xáo trộn toàn bộ hệ thống cung cấp điện. Theo ước tính của những nhà khí tượng học, đường kính của những dây cáp bọc nước đá có thể dày đến 5 cen ti mét và như thế chúng nhận thêm khoảng từ 15 đến 30 kilogram trên một mét chiều dài (khoảng từ 10 đến 20 pound trên một foot). Sức nặng đó cộng thêm với gió và cây hoặc cành cây ngã đè thêm lên khiến chúng không chịu đựng nỗi, phải đứt ngang.

Bảo xong, trời quang, mây tạnh. Mặt trời lên, thản nhiên phóng xuống những tia

 
sáng rực rỡ như chẳng có chút bận tâm nào với bãi chiến trường mà đám nước đá gây ra. Hàng rào kim loại chung quanh vườn biến thành những chuỗi kim cương. Khắp nơi, đá bám vào cây như những chiếc gông tù dính chặt vào da thịt tội nhân. Cây oằn xuống, dáng vẻ chịu đựng khắc khoải. Cành lớn cành nhỏ lá lớn lá nhỏ không có chỗ nào được thảnh thơi. Hãy tưởng tượng cả một khu rừng cây mà cành nhánh lại treo đầy nước đá óng ánh lóng lánh dưới ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng mới. Gió thổi tới, thỉnh thoảng các cành đá chạm vào nhau reo lách cách y như tiếng khánh reo vui nơi các cổng chùa và rồi thỉnh thoảng rơi xuống nghe loảng xoảng như tiếng ly chén vỡ. Một cuộc trình diễn sắc đẹp pha lê bất ngờ, nằm ngoài nỗi mong đợi của mọi người xứ tuyết. Thiên nhiên tự tạo ra những nét đẹp tân kỳ, lạ lùng và hiếm có làm sửng sốt có lẽ ngay cả những tay họa sĩ tài ba và đầy sáng tạo nhất. Về mùa thu, rừng cây cũng đẹp lắm: lá đổi màu. Nhưng cái đẹp của mùa lá (foliage) là cái đẹp gần gũi, ấm cúng, một cái đẹp rất nỗi niềm. Cái đẹp sau cơn bão đá là cái đẹp kỳ lạ, bất ngờ, lạnh lùng, vô hồn và xa cách. Đẹp tang thương tê tái!

Mà tê tái thật. Mất điện cũng có nghĩa là mất tất cả mọi tiện nghi sinh hoạt. Không có nguồn năng lượng, nhiều khu thương mại và khu dân cư như rơi vào trạng thái câm điếc. Các cửa hàng, các trường học đóng cửa. Các trạm xăng ngừng hoạt động. Nhà tôi ở nằm trong khu vực dân cư, điện bị cúp ngay từ khi cơn bão đá bắt đầu và mãi đến hơn năm ngày sau mới được phục hồi. Thế cũng đã là may. Nhiều khu cư dân ở ngoại ô thành phố, có nơi, phải chịu cảnh lạnh lùng, tăm tối đến gần hai tuần, mặc dầu chính quyền tiểu bang và thành phố đã tận dụng tất cả nguồn nhân lực vật lực để phục hồi. Không điện, mỗi nhà trở thành một ốc đảo, trông như bị cô lập với thế giới. Không truyền hình. Không Internet. Không tin tức. Không email. Không ánh sáng. Không nhạc. Và ghê gớm nhất là không còn hệ thống sưởi ấm trong lúc bên ngoài lạnh buốt. Nhiều gia đình phải đi ở khách sạn hoặc vào các nhà trú ẩn (shelters) được lập ra nhiều nơi, kể cả trong các trường học.

Không quen sống với những cư dân xa lạ, con cái tôi không ai chịu dời vào các khu nhà tạm trú. Đứa con gái tôi nói: không đi đâu hết, nhà mình mình ở, lạnh, mình đốt lò sưởi. Nghe hay. Thú thật, mua nhà đã nhiều năm, chẳng mấy khi tôi nghĩ đến cái lò sưởi. Nó vẫn nằm đó, trong phòng khách, bên trong còn vương vải đôi chút tro than do người chủ trước sử dụng. Hễ tới phòng khách là nhìn thấy nó. Dẫu vậy, nó không hề hiện hữu. Trông nó cũng giống như một góc tường, một bậc cầu thang, hay một chi tiết lỉnh kỉnh nào đó, chỉ có mục đích tạo dáng hơn là để phục vụ cho một nhu cầu thiết thực nào. Thật tội nghiệp! Cũng tại cái vô tâm mà ra. Bây giờ, tôi khám phá ra là nó tồn tại. Trông nó hay hay. Tôi chạy đi mua ngay đồ mồi lửa, củi khô, rồi huy động mọi người đi quanh nhà gom lại tất cả những mẩu gỗ thường vứt bỏ đâu đó. Nào, đốt lửa lên. Lửa cháy phừng phựt, sáng lên cả một góc nhà. Ném củi vào. Gỗ bắt lửa kêu lách tách. Ngọn lửa ấm cúng chao động trong lò như một reo vui. Lửa hồng lên da thịt mọi người. Hơi ấm tỏa ra, ngào ngạt. Cả nhà quây quần, cùng nhau thưởng thức cái ấm cúng rất gia đình hiếm khi có được. Mấy đứa trẻ con tỏ vẻ ngạc nhiên và sung sướng ra mặt, có lẽ vì lần đầu tiên chúng nhìn thấy ngọn lửa cháy tự nhiên.

Tôi cảm động nhìn lửa, như nhìn một cố nhân.
Tôi chợt nhớ đến những người di dân (Pilgrims) đốt lửa mừng vụ mùa đầu tiên thắng lợi bốn thế kỷ trước tại Plymouth, một thị trấn chỉ cách đây có chừng hơn một giờ lái xe.
Tôi chợt nhớ đến tựa đề một truyện dài của Thanh Tâm Tuyền: Bếp lửa.
Tôi chợt nhớ đến một câu thơ Tô Thùy Yên viết khi trở về từ nhà tù: Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Tôi chợt nhớ mấy câu hát của Phạm Duy: Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất/ Lúc tan chợ chiều xa tắp/Bóng nâu trên đường bước dồn/Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn.
Vâng, tôi nhớ bếp lửa gia đình. Bếp lửa đem lại cái nồng và cái ấm. Nồng/ấm. Một nồng ấm đơn giản, tầm thường, mộc mạc. Chao ôi, cái thời xa xưa ấy! Không stove không oven không nồi cơm điện không microwave đã rồi mà cũng không kiềng sắt, không soong, không chảo. Thế giới kỹ nghệ dường như chưa có mặt. Tất cả dụng cụ và đồ đạc nấu nướng đều toàn bằng đất: ba cục gạch nung châu đầu vào nhau, cái nồi đất, cái siêu đất, cái trách. Ngay phía trên là một cái giàn treo chất củi, đó là những cành nhánh gom góp chung quanh nhà rồi phơi khô để dành từ mùa nắng. Chung quanh bếp, tro than vương vải. Nền nhà bằng đất chỗ lồi lên chỗ lõm xuống, kê đòn chỗ nào cũng bị nghiêng qua ngã lại. Khói bốc lên làm đen cả phần vách đất che tạm tránh gió, đen hết trần nhà, đen cả cái cụi gỗ đựng thức ăn. Rờ đâu cũng đụng phải bồ hóng đen nhẻm. Về mùa hè, mẹ tôi thường nấu nướng ở ngoài vườn, đốt lửa bằng lá cây khô, tôi chẳng hề héo lánh đến làm gì. Nhưng về mùa đông, bếp lửa, chao ôi, thân thương và ấm cúng biết bao. Trong những ngày giá rét, bữa ăn được dọn ngay nơi bếp. Cơm không xới ra rá, mà cứ để trong nồi vẫn còn bắc trên bếp. Trách cá hay nồi canh thì vần một bên để giữ hơi ấm. Ăn hết là kê chén vào xúc. Hết cá thì gắp cá từ trong trách. Hết canh thì múc canh từ trong nồi. Cả nhà quây quần chung quanh bếp lửa, hì hà hì hụp bới, xúc, chan, gắp, và. Cơm nóng, canh sốt, cá ấm. Tưởng tượng vừa đi học về, cởi xong cái áo tơi lùng nhùng và rét mướt, vứt đại cặp sách đâu đó trên giường là chạy ngay vào bếp. Nghe tiếng động, biết tôi về, mẹ liền bới ngay cho chén cơm và bỏ lên vài con cá kho khô hay miếng thịt mỡ. Bụng đói, người còn lạnh, và một miếng vào miệng, mẹ ơi, ngon tưởng chừng như trên thế giới chẳng có gì ngon hơn. Vừa ăn vừa bẻ từng thanh củi ném vào bếp. Ngọn lửa lại rực sáng. Hơi nóng tỏa ra, ran cả mặt mày, tay chân. Ăn xong, mang sách vở, châm thêm củi, và ngồi đó làm bài học bài dưới ánh lửa soi khi tỏ khi mờ. Liếp cửa thỉnh thoảng lay động. Một ngọn gió luồn vào, lạnh như cắt. Lại khơi lửa lên. Lại ném vào một thanh củi. Gặp thanh củi khô, vừa mới ném vào, lửa đã phật lên, biến cả thanh thành một màu đỏ rực, tỏa sáng cả khu bếp. Gặp thanh củi còn tươi, ném vào, nó cháy xèo xèo, bọt nước từ bên trong bắn ra những tia nhỏ, kêu lách tách. Thanh củi vật vã đôi chút y như làm nũng nhưng cuối cùng rồi cũng cháy đỏ. Khói tỏa cay xè đôi mắt. Than hồng, lửa ấm, mọi người túm tụm chan hòa trong nhau. Đó là tất cả niềm hạnh phúc của bếp lửa mùa đông ngày ấy. Chẳng thế mà trong tiếng Pháp, chữ le foyer để chỉ cái lò sưởi cũng là cái bếp lửa mà cũng để chỉ cái tổ ấm, chỉ gia đình và cũng để chỉ quê hương đất nước.

Khoảng cách giữa tôi và bếp lửa xa dần theo tuổi. Thêm một tuổi rồi thêm một tuổi

 
rồi thêm một tuổi, thế là cứ xa, xa, xa mãi cho đến lúc nó âm thầm rơi hẳn ra khỏi trí nhớ lúc nào chẳng hay. Hình ảnh cái bếp lửa lùi khuất vào chốn nào trong thế giới tuổi thơ nhạt nhòa.

Bao năm rồi không nhìn thấy bếp lửa. Chỉ thấy nào lò điện, nào lò gas, nào máy sưởi, nào lò nướng, vân vân. Cái nào cũng làm ra lửa. Lửa thì đỏ, lửa thì nóng, lửa thì ấm. Lửa văn minh là lửa sạch. Lửa văn minh không để lại tro than, không để lại bồ hóng. Lửa văn minh rất tiện nghi. Tôi cũng thế, tôi sạch, tôi văn minh, tôi tiện nghi, tôi hiện đại và thậm chí…hậu hiện đại. Nhìn lên mà xem: bên trên lò sưởi là một kệ sách đủ thứ Tây Tàu Anh Mỹ, đủ thứ lý thuyết hồi ký bút ký truyện ngắn truyện dài, đủ thứ chữ nghĩa từ ngây ngô ngớ ngẩn lạc hậu đến rất bí hiểm rất cách tân rất phức tạp và đôi khi rất…không cần phải hiểu. Nhưng không có cái nồng, cái ấm rất riêng của bếp lửa. Có lẽ vì thiếu mùi đất, mùi tranh tre, mùi củi nè, mùi tro than. Thiếu những trái tim đơn giản. Thiếu những ước mơ đơn giản. Đâu rồi mẹ đâu rồi chị đâu rồi em đâu rồi, đâu rồi chú nhỏ hồn nhiên và ngập tràn mộng đẹp. Tôi thì còn đây nhưng cái thằng ấy, cái thằng tôi ấy đã ra đi. Biền biệt!

Bên ngoài, tuyết lại rơi. Lạnh. Bên trong có lò sưởi, một bếp lửa khác. Ấm. Lửa sưởi tôi, sưởi mọi người khi nguồn năng lượng văn minh bị bão đá cắt đứt.

Nhưng tôi vẫn là người xa lạ. Với đất, với người, với bão gió, bão tuyết, bão đá, với cả cái lạnh, cái ấm bình thường ở chốn này.

Và dường như xa lạ cả với chính tôi!