Nỗi Đau Còn Đó Print
Thứ Tư, 20 Tháng 10 Năm 2010 20:03

 Một ngày nắng đổ lửa bọn Vượng học tác xạ súng cối 60 ly.

 

 Dưới cơn nóng hừng hực mùa hè, người Vượng như lên cơn sốt, mồ hôi tuôn ra. Gió nín thinh. “Nắng ! nắng ! trời già ác nghiệt.” Bọn Vượng chửi trời như những thằng say. Mồ hôi trên đầu, trên mặt tuôn chảy thành dòng nhỏ giọt, nhỏ giọt từng lỗ như những hạt mưa dông đầu mùa rơi trên mặt cát mịn.
       

Súng nổ, đạn vọt lên không trung rồi đâm đầu xuống mục tiêu tóe lửa nổ tan tành. Khói sôi trào bọt đen ngòm ùn lên thành hình quái dị tản mác trong không gian.
Hai thằng một khẩu. Nằm chờ lệnh .           
Bắn !

Inh, inh, inh…   Ðoành, đoành , đoành… Một quả bắn đi, hai quả bắn đi, ba quả bắn đi !         

Vượng nghĩ :  “Biết đâu, ngày nào đó chính mình gởi đạn về làng”. Bỗng dưng, Vượng nghe tim mình nhói buốt !
Làng Vượng bị địch chiếm rồi, còn gì nữa đâu ? Bà con bồng bế, dắt dìu tản lạc. Người tạm trú trong khu định cư ngày ngày sống nhờ vào thực phẩm viện trợ. Kẻ vào trung tâm thị xã mưu sinh bằng buôn gánh bán bưng.

Cha mẹ Vượng đã một lần tiêu hao tài sản trong chín năm kháng chiến. Giờ lại phải ra đi, vứt bỏ sản nghiệp cuối cùng của một đời người chắt chiu tạo dựng.       
Nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn bị chiến tranh tàn phá, chàng rưng rưng nước mắt. Ðừng bảo Vượng mau nước mắt, bởi nhà văn Cholokhow đã từng nghĩ : “Những gã đàn ông vào tuổi tráng niên mà giặc giã đã làm cho đầu bạc, không phải chỉ trong giấc mơ mới khóc. Nhưng phải biết quay mặt đi đúng lúc. Nhất là đừng để cho hòn nước mắt gầy gò nóng chảy lăn xuống má có thể gây thương tổn cho lòng đứa trẻ thơ”.

Vượng còn trong tuổi thanh niên, cuộc chiến nầy sẽ làm cho tóc chàng mau bạc bởi quê hương thân yêu mang đầy thương tích chiến tranh !
Hoàng hôn buông xuống lẹ làng giục cánh chim trời hối hả bay về tổ ấm. Bầu trời phương bắc âm u, hướng nam vài vì sao le lói. Bóng đêm bỗng chốc sập xuống mịt mùng. Con đường làng ẩn mình dưới rặng cây cao đưa bọn Vượng rời xa cổng quân trường. Những bước giày sô giẫm lào xào trên mặt đất đầy lá rụng. Ðêm tối đồng lõa với màu vải trận làm nhạt nhòa những bờ vai nhẫn nại của toán Sinh viên Sĩ quan hướng về điểm phục kích đêm.

Xóm Chùa, vườn cây chi chít. Bóng đêm đặc quánh tưởng chừng màn đêm tạo bởi dầu hắc trải đường.
Phiên gác đầu tiên, Vượng ngồi bên gốc cây cổ thụ canh chừng cho đồng đội ngủ trong vòng đai. Trời bắt đầu nhỏ hạt. Mưa rây xuống xóm Chùa những hạt mưa nhỏ như hạt cát lạnh tê da. Bên phải là thằng bạn gác cùng phiên. Hắn ngồi trong bóng đêm như pho tượng “Tiếc Thương” nơi Nghĩa Trang Quân Ðội. Tiếng đại bác từ xa vọng về, dội vào óc, vào tim nghe đớn đau ê chề !

Vượng nghĩ đến Tường Vy, người bạn gái suốt một thời sư phạm. Lần gặp gỡ đầu tiên là buổi thi môn toán trong kỳ thi Tú tài toàn phần. Cô nàng lẩn quẩn trong câu giải tích, bí lối nên đã khều chân Vượng. Ngày niêm yết kết quả, hai người gặp lại nhau. Khi trông thấy hai số báo danh đi liền nhau tên Vi và Vượng, nàng đã ôm choàng lấy Vượng trong nỗi vui mừng quên cả ý tứ. Họ thân nhau từ đó và tình yêu đến rất tự nhiên. Bạn bè thường gọi đùa là mối tình “Giải tích”.            
 

Không chen chân nổi vào Ðại học Sư Phạm, họ rủ nhau nộp đơn vào trường Sư phạm Sài Gòn, khóa Giáo học Bổ túc hai năm. Ngày ra trường, Vượng được dạy tại Sài gòn, còn Vy phải về miệt Tây Ninh. Nhờ sự thúc đẩy của nàng và được sự cảm thông của trường, Vượng dành thời gian ghi tên vào Đại Học Văn Khoa .Từ ngày bị động viên nhập ngũ chàng đã trốn tránh Vy, bởi Vượng  không muốn nàng phải thất vọng vì mình. Vy có cặp mắt đen tròn như mắt Ngọc Thu thời Trung học Rừng Xanh. Thu bây giờ ở bên kia trời vĩ tuyến. Nàng còn nhớ mối tình học trò đã để lại những rạo rực ban đầu trong đôi quả tim mười bốn, mười lăm?      

Vượng nghĩ đến Hưng, cô bé nữ sinh Gia Long bên cạnh nhà trọ có mái tóc ngắn ôm tròn khuôn mặt  khoe chiếc gáy trắng ngần. Cô bé kỳ khôi, tránh ánh mắt Vượng như tránh mặt trời. Vượng hỏi vì sao,  bé bảo: “ Ánh mắt gì mà như tia mặt trời rọi suốt tâm can. Phải chi mát dịu như ánh trăng rằm, cho người ta tìm xem chú cuội !”

*  *  *
Chiều về, quân trường lộng gió dưới bầu trời trong xanh. Vũ trường Diên Hồng rực rỡ màu cờ. Nắng tắt trên đỉnh tháp chuông nhà thờ. Toán Sinh viên Sĩ quan trong lễ phục màu trắng đều bước đến trước Trung Nghĩa Ðài. Họ làm lễ truy điệu cho lễ mãn khóa ra trường ngày mai.

Bầu trời đêm, ánh sao lấp lánh như một cánh đồng kim cương. Nhạc dạ vũ thánh thót, lồng lộng trong khuôn viên quân trường. Buổi tiệc liên hoan ngày mãn khoá rộn ràng náo nức trong tâm hồn tuổi trẻ. Từng cặp nam nữ ôm nhau lướt trên sàn nhảy. Ánh mắt trong ánh mắt, vòng tay trong vòng tay. Họ ngây ngất men tình và rào rạt hương yêu ! Ngày mai, mặc xác!  chấp nhận tất cả, dù đến nơi chiến trường bỏng lửa hay giới tuyến xa xôi, cứ tận hưởng đêm cuối cùng trong quân trường để mai nầy mỗi người mỗi nẻo biết có còn gặp nhau.  

Ðêm thứ Bảy, bầu trời Sài gòn dày đặc mây đen. Trận mưa buổi chiều không làm dịu bớt cơn oi bức về đêm. Vượng lái chiếc solex chạy suốt chiều dài đường Lê văn Duyệt hướng về khu nhà Tường Vy. Ðã bốn năm rồi tình bạn lẫn tình yêu, nàng là nguồn khuyến khích chàng tiến xa hơn trong sự nghiệp. Vưà lấy xong chứng chỉ năm thứ hai cử nhân luật, Vương bị động viên khóa Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức, chàng rơi vào trạng thái bi quan trước cái sốc “nửa đường đứt gánh”. Chàng đánh mất niềm tin và muốn đánh mất luôn cả tình yêu.

Ngày mãn khóa, Vy hiện diện bất ngờ trong đám thân nhân tham dự buổi lễ. Với chiếc áo dài phớt hồng bình dị của một cô giáo, nàng nổi bật trong đám nữ giới chưng diện đúng kiểu thời trang. Qua vài phút ngỡ ngàng,Vy trong vòng tay Vượng để rơi những giọt nước mắt trách hờn. Nàng khóc âm thầm khiến chàng mủi lòng và ân hận.

Nghe tiếng xe quen thuộc, Vy mở cửa ra tận ngoài sân đón Vượng.

- “Mười ngày phép, anh có về thăm gia đình trước khi trình diện đơn vị ?” Vy hỏi chàng khi hai người bắt ghế ngồi ngoài hiên nhà.

- “Anh muốn sống với em trọn thời gian nầy. Sang năm, nếu lon thiếu úy không gắn trên bàn thờ thì anh sẽ về cưới em”.        
Cái cung cách cầu hôn đầy chất lính khiến khuôn mặt Vy thoáng buồn. Nhưng rồi ánh mắt nàng chợt sáng lên trong màn đêm. Vượng xoay người hôn lên đôi mắt buồn muôn thuở của Vy. Nàng nghiêng đầu để làn môi chạm vào đôi môi tê lạnh của Vượng. Chàng giữ nguyên vị thế đó để nghe hơi thở thơm nồng của người yêu. Và nụ hôn gắn chặt thay lời hứa hẹn của nhau.

Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đêm, hai người lặng lẽ nắm tay nhau cùng nhìn về hướng sao hôm nhấp nháy trên bầu trời cao.

Hương tóc, bờ môi, hơi thở ấm nồng trong đêm cuối cùng của mười ngày phép. Vy giữ Vượng trọn ngày hôm ấy. Họ quấn quít bên nhau chẳng một phút rời xa. Nàng trao trọn tình yêu cho chàng, dù tự hứa với lòng sẽ dành cái phút giây “đầu đời lứa đôi” cho đêm tân hôn về mở lối. Và chàng thầm cảm ơn nàng đã tha thứ bằng những giọt nước mắt chiều chuộng đớn đau buổi đầu đời con gái.

* * *
Ðồn Long Phụng nằm chênh vênh trên ngọn đồi lộng gió. Bên kia cánh đồng là xóm làng xác xơ  còn mang dấu đạn bom tàn phá. Vườn thông chạy dài, gió biển thổi vi vu suốt ngày đêm.
Vượng về đây đã ba tháng rồi, nơi VC rình rập thường xuyên và tử thần luôn vây quanh chờ chực. Chiều nay, tin tình báo cho biết, một trung đoàn thuộc sư đoàn  Sao Vàng Bắc Việt đang phân tán rải rác bên kia dòng sông Vệ. Công tác phòng thủ được tăng cường. Sự căng thẳng tinh thần hiện rõ trên khuôn mặt từng chiến binh.

Nắng chiều trải vàng trên cánh đồng lúa non như tấm thảm màu xanh lơ chạy dọc theo lũy tre làng. Bên nầy, nắng tựa dải lụa màu mỡ gà vắt ngang đỉnh đồi. Quang cảnh ngoài vòng đai đồn lũy vắng lặng, lạnh lùng khi bóng hoàng hôn bao phủ. Cảnh thanh bình giả tạo như mặt nước lừ đừ che giấu cơn sóng ngầm sắp cuồn cuộn dâng cao.

Sau một vòng tuần tra vào lúc quá nửa đêm, Vượng quay vào hầm chỉ huy. Cơn buồn ngủ trĩu nặng đôi bờ mi. Chàng đặt lưng trên chiếc giường bố. Giấc ngủ chập chờn, mộng mị . Ðôi mắt to tròn của Vy xuất hiện trên bầu trời đêm rồi biến thành mặt trăng mang màu đen nguyệt thực như trêu chàng. Vầng trăng chợt hiện ra với  khuôn mặt Hưng cười rạng rỡ. Cô bé cất tiếng đùa cợt : “Phải chi, mắt anh là vầng trăng cho em tìm chú cuội”. Khuôn mặt bỗng vỡ ra và tiếp theo là tiếng nổ xé trời rạn nứt  màn đêm.

Vượng vùng dậy bay người ra khỏi hầm. Chàng chạy dọc theo hệ thống giao thông hào đến từng vị trí tác chiến của binh sĩ. Ðơn vị trưởng của Vượng là một đại úy thâm niên dày dạn chiến trường. Ông bình tĩnh gọi điện báo đi các nơi về tình hình địch đang pháo kích vào đồn và có thể bị tấn công.

Pháo mỗi lúc mỗi dồn dập như những đợt sóng trong cơn bão lửa úp chụp lên ngọn đồi nghiêng ngả. Toán cứu thương trườn mình đến nơi có binh sĩ bị thương. Ðạn 105 ly của ta bắt đầu phản pháo. Những tọa độ tiên liệu theo thứ tự ưu tiên được pháo binh lần lượt rót đạn về chính xác. Hỏa châu rọi sáng cả một vùng trời nâng cao tinh thần tác chiến của quân sĩ đồn trú.

Quả bộc phá của Việt Cộng đánh sập hàng rào phòng thủ bên hướng đông. Toán xung kích địch mở đợt xung phong đầu tiên tràn qua đường mương cắm đầy chông sắt. Các ổ đại liên của ta hướng nòng về nơi đó khạc đạn. Một số gục chết dưới hào, số khác bước trên xác đồng đội tiếp tục tiến sâu vào mục tiêu.

Trong tình thế nầy, quân sĩ ta quay qua dùng súng phóng lựu và M79 hữu hiệu vô cùng. Ðịch bị sát thương tập thể như bầy thiêu thân. Trực thăng tác chiến cũng bắt đầu lâm trận. Những quả rốc kết, những tràng đại liên nã xuống trận địa là ngón đòn cuối cùng đánh gục lực lượng công đồn.

Quân Bắc Việt nháo nhác rút lui. Tiền đồn nực nồng khói súng và mùi tử khí bao quanh. Quân sĩ được lệnh nằm yên tại chỗ đề phòng địch tái tấn công.

Trời vừa  tờ mờ sáng, các sĩ quan và binh lính ra khỏi vòng đai đồn lũy quan sát trận địa. Mười hai xác VC chưa kịp kéo đi. Vượng để ý đến một thi thể cao gầy bên hông có chiếc xắc-cốt và khẩu K 54. Chàng vội nhặt cái túi da màu đen dính đầy máu. Túi đựng những vật dụng linh tinh. Ðáng chú ý là một giấy công vụ ghi tên Hùng Tâm, chính trị viên đại đội và hai lá thư nằm phong bì đã nhàu nát. Vượng nhận ra tên người gởi là Lê thị Ngọc Thu, sinh viên trường Thuốc Hà Nội. Người nhận là Tạ văn Hoanh.         

Nhìn thấy tên họ hai người nầy, Vượng giật mình, lòng như se lại. Vượng vội vàng bỏ hai bức thư vào túi áo trận. Chàng cúi xuống lật xác lên nhận diện. Chính hắn đây rồi, Tạ văn Hoanh là bạn học, bạn láng giềng chơi với nhau từ khi còn ở lỗ. Hoanh theo cha tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954.

Dầu khuôn mặt xanh gầy, hai gò má nhô cao cũng không mất đi những nét quen thuộc ngày xưa. Cái vết sẹo bằng đồng xu bóng láng bên màng tang trái mà lũ bạn thường gọi hắn là “Hoanh Đèn Pin” làm sao chàng có thể nhầm lẫn.     

Vượng quay vào đồn mở bức thư ra xem kỹ hơn. Thư đi qua đường bưu điện Pháp quốc. Nội dung bức thư chẳng có gì khác lạ vẫn là công thức người hậu phương miền Bắc động viên tinh thần bộ đội “Giải phóng miền Nam”. Chỉ có một phát giác mới đối với chàng : NgọcThu là vợ chưa cưới của Hoanh.

Vượng thở dài nghĩ đến Thu, thế là hết. Em vẫn hy vọng và đợi chờ, còn Hoanh thì vĩnh viễn nằm lại nơi đây và biết bao giờ em được tin người yêu tử trận.   Ðã mười ba năm rồi mà đôi mắt đẫm lệ và nụ hôn của Thu  từ biệt Vượng theo bố lên đường ra Bắc vẫn còn nồng ấm trong ký ức chàng. Mối tình củaVượng và Thu trong trắng ngọc ngà. Thời gian chỉ là rong rêu bám trên viên ngọc kỷ niệm giữa dòng đời. Rêu cứ xanh lòng ngọc vẫn sáng ngời.  Nét chữ của Thu trong thư gợi nhớ về quá khứ chợt lòng Vượng bồi hồi. 

Phong bì thứ hai không tên người gởi, không địa chỉ, bên trong là tấm hình của một phụ nữ có những nét khá quen thuộc đối với chàng. Mặt sau tấm hình là dòng chữ viết nắn nót :
“Tặng anh Hùng Tâm để nhớ ngày hai ta gặp lại nhau tại chiến khu sau mười hai năm xa cách. Em sẽ đợi chờ anh đến ngày giải phóng.

Em Chi Mai, đoàn Văn công Trung ương.”       

Thì ra, Chi Mai đã chạy vào bưng được tuyển chọn làm công tác văn nghệ. Cô nàng là bạn học Vượng là người yêu của Hoanh thuở còn học Rừng Xanh. Có lẽ họ gặp lại nhau khi Hoanh trở về Nam.  Mai có giọng ca ngọt ngào và nhí nhảnh. Vượng nghe tin Mai đã lấy chồng không ngờ bỏ chồng theo “Việt Cộng”        

Trận chiến thắng đồn Long phụng, được cấp trên ân thưởng một số huy chương và thăng cấp tại mặt trận. Vượng là người đứng hàng thứ hai sau đơn vị trưởng trong danh sách đầy vinh dự nầy.

*  *  *
Từ ngày Vượng chọn về Quân Khu 1 đến nay đã hơn một năm. Ðơn vị chàng được tăng phái hành quân không ngơi nghỉ. Tình hình chiến sự nơi đây mỗi ngày thêm sôi động. Vượng đã nhiều lần thất hứa với Vy. Vì vậy, chàng quyết định xin nghỉ phép vào dịp Tết nầy. Giấy phép chưa đến tay thì lệnh của Bộ Tổng Tham mưu tạm thời đình chỉ phép thường niên.
Cộng sản Bắc Việt lợi dụng giờ hưu chiến, mở cuộc tổng công kích vào các thành phố  vào giờ giao thừa Tết Mậu Thân trong toàn cõi Miền Nam. Chàng lại tiếp tục lỗi hẹn với người yêu một lần nữa. Ðơn vị Vượng giữ nhiệm vụ truy quét địch đến tận hang ổ. Hai tháng “giày sô vẹt gót” với bao cuộc hành quân bình định các vùng nông thôn. Vượng đã hai lần gởi thư xin lỗi Vy. Cả hai đều không có hồi âm. Chàng nghĩ Vy đã giận mình rồi !

Cuối tháng Tư năm 1968 phép thường niên được tái cấp. Nhận được giấy phép, Vượng không chần chờ, đáp chuyến máy bay sớm nhất vào Sài gòn.  Ðể tạo sự ngạc nhiên, chàng không báo trước cho Vy. Từ phi trường,Vượng đón taxi trực chỉ đến nhà nàng. Cảnh đổ nát trong trận chiến Mậu Thân vừa qua lác đác hiện ra trước mắt chàng trên đường về khu ngã tư Bảy Hiền.

Xe dừng ngoài đầu ngõ hẻm, lòng Vượng rộn ràng. Chàng tưởng tượng đến nỗi vui mừng của Vy. Những giọt nước mắt dỗi hờn sẽ âm thầm lăn chảy trên đôi má trắng ngần. Khi trong vòng tay Vượng, mắt nàng lại ánh lên niềm yêu thương - đầm ấm - thứ tha. Như thế đấy, Vy không nhiều lời. Nàng thổ lộ tình yêu bằng ánh mắt và giận hờn bằng nước mắt.

Bốn năm yêu nhau không hứa hẹn, nàng âm thầm chờ đợi không một tiếng than van. Dự tính của hai người là tổ chức đám cưới trong năm nầy.
Chàng sẽ xin thuyên chuyển về Vùng 3 chiến thuật và đợi đủ thời gian phục vụ trong quân ngũ chàng sẽ nộp đơn xin về dạy lại trường cũ.   

Vượng nhẹ nhàng bước lên thềm nhà, gõ vào cánh cửa quen thuộc và hồi hộp đợi chờ. Cánh cửa xịch mở, Mẹ Vy ủ rũ hiện ra. Trông thấy Vượng bà ôm mặt khóc òa. Thảng thốt, kinh hoàng, chàng bước theo chân bà đến trước bàn thờ khói hương nghi ngút. Bức hình bán thân của Vy hiện ra, chung quanh là những câu liễn, vòng hoa phúng điếu của giáo viên và học sinh... Vượng sững sờ.  Trái tim chàng như có bàn tay vô hình bóp siết. Ðầu quay cuồng, Vượng chỉ kịp chụp mép bàn thờ trước khi đôi chân khuỵu xuống. Chàng gục đầu trên đó. Cơn đau uất nghẹn dồn lên lồng ngực, chàng nấc lên từng cơn.

Mẹ Vy cắm thêm một tuần nhang. Bà đứng đó, mắt ráo hoảnh nhìn di ảnh đứa con gái duy nhất đã bỏ bà mà đi. Hai mươi bốn năm thờ chồng, nuôi con từ lúc Vy chưa đầy tháng. Nước mắt mẹ dường như đã cạn sau bao ngày vật vã, khóc than. Trông dáng đứng gầy gò cô đơn của mẹ Vy, lòng chàng tái tê. Vượng đứng lên nắm tay bà an ủi, lời chưa ngỏ mà nước mắt hai người lại trào ra. Bà gục đầu vào vai Vượng để tìm nguồn sưởi  ấm trong giây phút đau đớn nầy.

Ðược biết, sau khi xin xăm đầu năm ở chùa quay về, Vy đã trúng mảnh hỏa tiễn của Việt cộng pháo vào phi trường Tân Sơn Nhất. Chiếc xe honda và thi thể của nàng nằm trên lề đường. Một lá xăm dính đầy máu trong túi áo, nàng cầu xin ơn trên phò hộ cho Vượng thoát khỏi hiểm nguy nơi chiến trường. Giờ đây, người lính trận chưa gục ngã mà người yêu lại chết trong khói lửa hậu phương !

Mười lăm ngày phép qua nhanh, Vượng đã xây xong ngôi mộ của Vy. Mẹ nàng từ chối mọi sự giúp đỡ của chàng. Bà dự định sẽ về quê sau ngày mãn tang một năm của con gái.

*  *  *
Hết phép thường niên, Vượng được điều về đơn vị mới. Ðã trên hai tháng rồi mà hình ảnh của Vy cứ chờn vờn mãi trong tâm  trí chàng. Lá xăm đầu năm thấm máu lồng chung khuôn với tấm hình của Vy đặt trên bàn làm việc. Lọ hoa tường vi được thay tươi mỗi ngày đặt sau tấm ảnh. Vượng nhìn Vy lẩm bẩm : “Em nhìn anh sao không bằng ánh mắt giận hờn mà vẫn là ánh mắt hiền dịu, thứ tha? Nếu anh vào thăm em sớm hơn, liệu em có còn đi chùa xin xăm ?”

Thời gian nầy, chàng mới cảm nhận được tình yêu của mình đối với Vy thiết tha đến cỡ nào. Nỗi đau và niềm ân hận như cào rách trái tim chàng.
Ðêm mùa hè, cảnh vật như chết lặng trong bầu không khí oi nồng. Tiếng dế rên rỉ từng hồi trong đám cỏ úa trước sân cờ. Ðồi Chi khu như một ốc đảo. Bên nầy là đồng lúa, bên kia là xóm nhà dân. Nơi đó, Việt Cộng vẫn lén lút về hoạt động trong những đêm tối trời. Chúng dạn dĩ đi lại là nhờ đám cơ sở bí mật . Nhiệm vụ mới của chàng là phụ tá hành quân Chi Khu Trưởng. Kế hoạch chính yếu hiện nay là tăng cường phục kích hàng đêm trên các địa bàn tình nghi có cộng sản khuấy phá.

Ðêm nào cũng thế, giấc ngủ đến với Vượng nặng nề và đầy ác mộng. Khuôn mặt Tường Vy với cặp mắt u buồn cứ hiện về trong giấc mơ thường làm cho chàng giật mình thao thức.

Chợt tiếng súng vọng về rồi tiếng máy truyền tin gọi. Vượng chồm dậy chụp ống liên hợp :  

- Quyết thắng nghe Cú Ðêm.

- Báo cáo Ðại bàng, Cú Ðêm hạ được một con và đang tiếp tục lục soát.

- Quyết thắng nghe rõ.         
Vượng trả lời toán quân phục kích rồi đặt ống nghe vào chỗ cũ.

Trời vừa tờ mờ sáng, anh em Nghĩa quân khiêng về một xác người treo tòn teng trên chiếc đòn tre. Ðó là chiến lợi phẩm đêm phục kích của họ. Trưởng toán giao nộp cho Bộ chỉ huy Chi Khu một súng K 54 và một túi dết. Vượng xem xét tất cả giấy tờ trong xắc-cốt. Từ các bằng khen cho đến giấy công vụ đều mang tên Thanh Kiếm, Huyện ủy viên, trưởng ban Tuyên vận tỉnh. Chàng xem qua tờ sơ yếu lý lịch thấy tên thật là Hoàng Thanh Kiếm quê quán Tịnh Sơn,Vượng giật thót người. Chẳng lẽ Hoàng thanh Kiếm, con trai của Bác ruột chàng ?

Vượng vội vàng ra cổng Chi khu, lách mình vào giữa đám đông đến sát cái xác đặt nằm trên bờ cỏ. Quả thật rồi, anh Hoàng Thanh Kiếm ! Trong thoáng giây, lòng chàng se thắt. Vượng còn nhớ cái khuôn mặt lưỡi cày, chiếc cằm nhọn lại thêm màu da nhuộm nắng trông anh khắc khổ lạ thường. Nhất là ánh mắt sắt lạnh của anh, khiến cho người đối diện phải e dè. Lần cuối cùng Vượng gặp anh tại nhà Bác Hai trong buổi tiệc tiễn anh xuống tàu ra Bắc vào cuối tháng Chín năm 1954.

Một viên đạn xuyên bụng, một viên vào ngực, xong một đời người. Anh buông xuôi hai tay với ba mươi tuổi Ðảng, bỏ cả mộng ước làm bí thư huyện, chủ tịch tỉnh, bỏ cả lô bằng khen của Trung ương Cục Miền Nam, của Trung ương Ðảng. Bỏ cả vợ con và người mẹ già trên bảy mươi tuổi đang nương náu trong khu định cư được nuôi sống hàng ngày bằng thực phẩm của Mỹ viện trợ.            
Vượng thầm trách :

“Anh hi sinh cho ai mà giờ nầy đơn độc, kể cả vợ con không dám đứng ra thừa nhận cái thây ma là thân nhân của mình.?”
Chàng cúi xuống vuốt mắt tử thi, mắt vẫn mở trừng trừng, Vượng tự hỏi :   “Anh chết rồi mà còn thù hận người em cùng dòng máu họ Hoàng sao? Hay máu anh đã được thay bằng dòng máu chính thống của  Các-mác Lê-nin ?  Thằng Thơi, thằng Toàn đã chết rồi. Chết không toàn thây tại trận Ba Gia. Anh đã lừa gạt chúng nó, dối gạt cả người cô ruột mình. Cô Út của chúng ta đã trên sáu mươi tuổi đơn chiếc và nghèo khổ. Nghe theo lời mật ngọt của anh, cô Út đã đứt ruột để hai đứa con duy nhất của mình thoát ly theo “Giải phóng” và rồi cô mất trọn hai thằng con trai rạng rỡ như ánh trăng rằm. Hẳn anh biết và Ðảng của anh cũng hiểu rằng chúng nó là chỗ nương tựa của bà mẹ già đã hy sinh cả cuộc đời nuôi dưỡng chúng nên người .           

Cộng sản Hà Nội dùng chiêu bài giải phóng dân tộc đã xô đẩy hàng triệu sinh linh vào biển lửa để con thơ côi cút, mẹ già neo đơn ?! Ấn Ðộ và các nước Ðông Nam Á họ vẫn dành được độc lập mà không hề tốn giọt máu nào !

Vượng xuất tiền túi mua quan tài và yêu cầu chính quyền địa phương chôn cất xác cán bộ VC Hoàng Thanh Kiếm tử tế. Chàng còn mật tin cho vợ anh ta là chị Trương thị Nguyện biết nơi mộ của chồng …