Tuấn, Chàng Trai Nước Việt Print
Tác Giả: Nguyễn Vỹ   
Thứ Bảy, 27 Tháng 2 Năm 2010 11:07

 Lê văn Thanh đã cúp tóc, nhưng vẫn còn bịt khăn đen, cắp sách đi học.

Đến trường, quan Đốc bảo chàng bỏ khăn ra, và quăng cho chàng chiếc mũ trắng, để đội lúc đi ngoài đường. Quan Đốc còn căn dặn cẩn thận:

- Ngồi trong lớp học hay trong nhà, không được đội mũ. Đi ngoài đường, khi gặp Quan Đốc hay thầy giáo phải dở mũ ra để chào.

Chàng đã 18 tuổi, mới vào học lớp Năm. Nhưng chàng không ngượng, vì thời bấy giờ theo học chữ Hán học trò toàn là 17, 18 sắp lên. Cho đến 40, 50 tuổi vẫn còn có thể là học trò. Tụi con nít như thằng Chuột chưa phải là học trò chánh hiệu. Vả lại, trường Nhà Nước mới mở, học trò còn hiếm lắm. Ngay ở trong tỉnh nầy, trong niên khoá 1911-1912, lớp Năm được mười trò, trong số có 4 trò từ 8 đến 10 tuổi, còn 6 trò trai tráng từ 18 đến 20.

Bỏ chữ Hán qua học chữ Quốc Ngữ và chữ Tây. Lê văn Thanh vẫn tỏ ra một thanh niên cần mẩn, rất thông minh và chăm học, 20 tuổi học hết lớp Ba, có một kỳ thi gọi là 'Thi Tuyển Sanh'. Các môn thi gồm có một bài 'ám tả' Pháp ngữ, mấy bài luận Pháp văn và một bài luận Quốc Ngữ. Vào 'khẩu vấn' chỉ hỏi về cửu chương. Riêng về cửu chương, thầy giáo lại cho học chữ Hán để cho dễ nhớ. Mấy ngày trước hôm thi, đêm nào Lê văn Thanh cũng đọc to bản cửu chương đại khái như sau đây:

Cửu cửu bát nhất (9,9,81)
Bát cửu thất nhị (8,9,72)
Thất cửu lục tam ,
Lục cửu ngũ tứ
Ngũ cửu tứ ngũ
Tứ cửu tam lục
Tam cửu nhị thất
Nhị cửu nhất bát
Nhất cửu như cửu 

Cho đến khi nào chàng nhắm mắt đọc trôi chảy, thật nhanh và không vấp một chữ, từ số 9 đến số 1 chàng mới đi ngủ. Kỳ thi Tuyển Sanh, Lê văn Thanh đậu thứ nhì. Về nhà, ông Xã bà Xã vui mừng giết một con gà nấu cháo, cúng tạ Ông Bà.

Mỗi năm mỗi lên lớp, đến năm 22 tuổi Lê văn Thanh học hết lớp Nhất, được đi thi 'Khoá Sanh', nói theo tiếng Pháp là thi 'Ri me'(1). Thi Ri me rất khó khăn, vì có 'ông Tây' chấm thi, và hầu hết các môn thi bằng chữ Tây. Lê văn Thanh bây giờ đã hoàn toàn là một cậu học trò 'Trường Pháp Việt', học chữ Tây, nói tiếng Tây, tuy chưa phải là thứ tiếng Tây đứng đắn, nhưng cũng cứ nói được hiểu được khá nhiều, và có thể bập bẹ đối đáp với: 'Ông Tây bà Đầm' được lắm.

Thí sinh vỏn vẹn có 10 người, cả 10 đều thi đậu. Thí sinh trúng tuyển bằng cấp 'Ri me' được gọi là 'Cậu Khoá'.

Để khuyến khích học trò các khoá sau đi học cho đông, 'Nhà Nước Bảo Hộ' truyền lịnh các làng sở tại phải rước các 'Cậu Khoá' về làng một cách long trọng, như rước các ông Nghè, ông Cống của Nho học vậy.

Một tuần lễ sau khi tuyên bố kết quả kỳ thi Ri me năm 1915 là ngày cậu Khoá Lê văn Thanh được rước về làng, 8 giờ sáng, cậu mặc áo dài đen mới may bằng 'vải trăng đầm' mang đôi guốc cùn, đội mũ trắng, được quan Đốc học dẫn đến chào 'Quan Công Sứ' Pháp và Quan Tuần Vũ. Trước cổng dinh Quan Tuần, chức sắc và dân làng sở tại, quê quán của cậu Khoá đã về tựu rất đông với cờ quạt, trống chiêng, và một chiếc xe kéo gỗ, bánh bọc bằng niền sắt. Lúc bấy giờ, từ khoảng năm 1910 đến 1920, chưa có bánh cao su.

Từ trong dinh Quan Tuần Vũ, cậu Khoá Lê văn Thanh được ông Hương Cả trong làng mời lên ngồi trong xe. Trống và chiêng đánh ba hồi, thêm ba tiếng. Đám rước bắt đầu đi. Trống và chiêng đi trước, vừa đi vừa đánh ba tiếng đều đều, kế đến một người dân cầm một bức trướng thêu bốn chữ Hán 'Tân Học Khoá Sanh', rồi hai dẫy cờ đuôi phụng, đủ các màu rực rỡ xanh đỏ tím vàng, phất phơ trong gió. Chiếc xe 'cậu Khoá' đi giữa, do một người phu kéo bước thong thả, theo một nhịp với mấy người dân cầm cờ. Niền sắt của bánh xe lăn chầm chậm từng vòng kêu kẽo cà kẽo kẹt trên con đường tỉnh mới nện đá còn gồ ghề, chưa tráng nhựa.

Dân thành phố đứng hai bên để coi đám rước cậu Khoá nhất là đàn bà, con gái và trẻ con, đông nghẹt. Lê văn Thanh đội mũ trắng trên đầu, chân vẫn mang đôi guốc cũ đã mòn, bộ mặt hơi mắc cỡ hơn là hãnh diện. Đám rước đưa thẳng về đình làng để cậu Khoá vào tế Thần, cũng như làm lễ trình diện với vị Thành Hoàng sở tại.

Ông Xã phải giết một con bò và một con heo để đãi làng, đãi dân và từ đây, chàng thanh niên Lê văn Thanh được lên địa vị 'khoá sanh' khỏi xâu, khỏi thuế, lại được đứng vào hàng chức sắc Hương Cả.

Sáng hôm sau, Lê văn Thanh dậy thật sớm ra chỗ bụi tre Thổi Kèn(2), đón cô Ba Hợi.

Từ ngày chàng nghe lời cô Ba, bỏ học chữ Hán, học chữ Tây, hy vọng sẽ làm thầy Thông, thầy Ký để được cưới cô về làm vợ, chàng vẫn ít gặp mặt cô. Con gái ông Bá Hộ, ỷ mình có nhan sắc 'chim sa cá lặn', lại con nhà giàu, cô tính làm cao, nhất định đóng cửa kén chồng. Đã bao chàng trai rấp ranh bắn sẻ, nào ai đã được lọt vào cặp mắt xanh của cô đâu. Lê văn Thanh đã nhẫn nại may mắn trao đổi cùng cô mấy bức thư tâm tình, nhưng cô đã nói trước:' Khi nào chàng làm thầy Thông thầy Ký , thiếp sẽ xin gá nghĩa cùng chàng.'

Gặp nơi hẹn hò cũ, chàng nhắc lại lời hẹn hò cũ năm xưa. Cô Ba Hợi rất duyên dáng nhưng vẫn bẽn-lẽn như ngày nào. Khẽ hỏi :

- Anh thi đỗ Ri me, chừng nào mới làm thầy Thông thầy Ký ?

- Quan Sứ có lòng thương tôi, nói với tôi rằng nếu tôi không muốn đi Huế học Collège de Koccoc thì Quan Sứ cho tôi làm xê-cờ-rê-te ở Toà, khỏi đi đâu xa.

Cô Ba Hợi cười ngặt ngoẹo, hỏi:

- Cô le Cồn cốc là cái gì! Sao nghe tức cười quá vậy!

Lê văn Thanh hãnh diện muốn khoe một mớ chữ Tây với cô Ba :

- Collège de Quốc Học, Tây đọc là Collège de Koccoc, học thi Diploma.

- Thi gì mà lại đít lom!

- Là đặng Diploma, ta làm thầy Trợ Giáo, hay là thầy Thông thầy Ký, được ăn lương nhiều.

- Còn bằng Ri me!

- Bằng Ri me cũng được làm trợ giáo, hay là làm chức secretaire, nhưng ăn lương ít hơn.

- xê rê te là gì!

- Là thầy Thông thầy Ký.

Cô Ba Hợi suy nghĩ một lúc, rồi nói:

- Làm xê rê te ở tỉnh mình cũng sang trọng rồi, chớ đi Huế chi nữa!

- Tôi đi học trường Nhà Nước, cũng là chìu theo ý cô Ba, nay cô Ba muốn sao, tôi cũng chìu theo, miễn là cô ưng làm ma femme thì cô biểu gì tôi cũng nghe hết.

Cô Ba lại cười, giọng cười của cô lần này đã có vẻ lả lơi:

- Ma phăm là ma gì. Tui sợ ma lắm, làm ma tui không chịu đâu.

- Ma femme là... nội trợ của tôi.

Cô Ba ửng đôi má, nhoẻn một nụ cười tình tứ, liếc chàng thanh niên. Nhưng hai người vẫn đứng cách xa hai ba thước, không dám lại gần. Lê văn Thanh nói :

- Sách Tây có nói vouloir c'est pouvoir...

Cô Ba làm bộ ngạo chàng :

- Hồi học chữ Nho anh ưa nói chữ Nho, bây giờ anh lại ưa xổ chữ Tây không nghe anh nhắc tới chữ Thánh Hiền nữa.

- Chữ Nho nghe quê mùa lắm.

- Anh mới nói câu chữ tây gì loa loa gì đó!

- Vouloir, c'est pouvoir, nghĩa là muốn thì được.

- Muốn gì?

Thanh yên lặng nhìn say mê khuôn mặt kiều diễm của con gái ông Bá Hộ... Nhưng tình yêu bồng bột ngây ngất của chàng thanh niên thời bấy giờ chỉ đến thế thôi, không dám táo bạo hơn nữa.

Cô Nguyễn Thị Hợi cũng đã hiểu Thanh muốn gì. Cô hiểu từ lâu rồi. Cô hỏi chơi thế thôi, vì lần này cô đã tỏ ý ưng thuận. Vâng, muốn thì được. Cô muốn làm cô Thông cô Ký, thì rồi đây cô sẽ làm cô Thông cô Ký...

Hai hôm sau, vào buổi chiều chủ nhật, ông Xã đi với Lê văn Thanh, và một người dân làng gánh theo một quả nếp thật trắng và đầy vun, một thúng đựng 20 trứng gà tươi, một quả đường phèn, một thúng đường bông, hai chai mật ong, bốn chai rượu Mai-quế-lộ và hai lọ lộc bình xưa, đến dinh thự riêng của Quan Công Sứ.

Chàng thanh niên kia đi với cha đến đằng 'quan sứ' mấy món lễ vật kia là để xin Quan một chức thông ngôn ở Toà.

Quan Sứ xuýt xoa, vui vẻ cảm động:

- Oh! C'est trop cà! Vous êtes beaucoup gentil! Tốt! Tốt! Thanh! Viens demain à mon bureau! Tu seras secrétaire à la Résidence! Dis à ton père, Monsieur le Residence merci! Si ton père veut du cuu-pham. il l'aura...

Ông Xã quay lại hỏi Thanh:

- Cụ lớn nói sao con?

- Cụ lớn nói cho nhiều quá. Cụ lớn khen tốt lắm. Cụ biểu con sớm mai tới Toà, cụ sẽ cho con làm thầy thông ngôn. Cụ lớn cám ơn đồ lễ vật. Nếu cha muốn được chức Cửu-phẩm, thì sẽ có.

Ông Xã cụp xương sống cúi đầu vái ông Quan Tây ba bốn vái:

- Dạ, con xin tạ ơn cụ Lớn.

Ông Sứ bắt tay:

- Tốt! Tốt! Beaucoup tôtt!

Chú thích

1. Certificat d' Primaires France-Indigènes ( Bằng Sơ Học Pháp Việt ).

2. Nơi bụi tre mát mẻ , lính Khố Xanh thường ra đây tập thổi kèn cho nên dân chúng gọi là bụi tre thổi kèn.