TẢN MẠN HÁT XẨM Print
Tác Giả: Nguyễn-Phú-Long   
Thứ Bảy, 17 Tháng 3 Năm 2012 06:49

  ".... Bọn xẩm kẻ thì đánh trống, gõ phách, kẻ thì kéo nhị, kẻ thì gẩy đàn bầu, rồi đồng thanh
    mà hát, hoặc đi giọng Nam, hoặc đi giọng Bắc, ăn theo tiếng nhị, tiếng đàn nghe cũng vui tai...."

 

              Xin hãy hình dung một đôi nam nữ khoảng trung niên, đang lang thang ngắm
     nghía tìm mấy chỗ đông đúc, thoáng đãng để độ nhật bằng nghề hát xẩm.

              Họ ăn bận giản dị, hai người đều mặc áo nâu ngắn,còn mới, gần như đồng
     mầu,chồng thì đội mũ vải lụp xụp, bạc phếch, vợ thì che đầu bằng chiếc nón lá rách
     bươm, cũ rích, tay cầm  mấy nhạc cụ  nhẹ, thô sơ hình như cái sênh, cái phách,
     cây đàn nhị,....

              Cô vợ nhanh nhẹn, trông xinh xinh, trắng trẻo, lại đeo chiếc bị cói chắc chắn
     trên vai, có lẽ trong đó gom tất cả những thứ cần thiết lặt-vặt, thượng vàng hạ cám,
     như nắm cơm, gói muối vừng phòng khi đói bụng; Chiếc khăn lông, vuông vải đen
     để lúc cần chít lên đầu theo hình mỏ quạ, rồi... cái lược, cái gương, ve dầu Cù-Là
     và quan trọng nhất là chút tiền bạc, đồ tuế-nhuyễn mà họ kín đáo, dành dụm bấy
     lâu.

             Vì cần thiết, người chồng đeo thêm cặp kính đen, anh ta đang nắm bâu áo vợ
     dò dẫm từng bước, đi chậm chạp:

             Anh đây mục hạ vô nhân,
             Nghe em nhan sắc lòng xuân anh não nùng,
             Dù em mặt phấn má hồng,
             Dửng dưng anh chẳng thèm trông làm gì.
             Lấy nhau đi trước mà chi
             Để chân anh mò mẫm, tay thì quàng vai.
             Quơ quơ sờ chốn em ngồi
             Anh thời chẳng thấy, em thời cũng chẳng thở than,
             Bâng khuâng như mất lạng vàng...,
                                             
                                       (Khuyết danh)

             Đây là mấy câu trích trong bài Xẩm nhan đề "Mục Hạ Vô Nhân", chả rõ của
    vị nào sáng tác, nhung rất phổ biến, rất hay, nhiều người biết.

            Bài ca mang tính ngông nghênh, ai oán nhẹ nhẹ, trách móc vu vơ, hoàn cảnh
    tật nguyền của đức ông chồng khiến cả hai phải chịu nhiều thiệt thòi, phải chấp
    nhận bao nhiêu khó khăn trong cuộc mưu sinh, thật tội nghiệp!

            Phần lớn, nào ai có muốn "mục hạ vô nhân" làm gì.Trường hợp của nghệ nhân
    đây có thể anh đã trải qua một trận hỏa hoạn, một lần té xuống vũng nước bẩn, hoặc
    là bẩm sinh từ khi lọt lòng...nhưng chắc chắn anh không cùng trường hợp đáng
    kính, cao cả, cần ca ngợi làm gương như ngài Nguyễn-Đình-Chiểu (1822-1888)chỉ
    vì thương nhớ mẹ mà ra nông nỗi.

             Mới lại, cũng chẳng ai nhiều thì giờ để tìm hiểu về biến cố khiến anh bị mù lòa,
    chỉ nghĩ đơn sơ là nhiều phần vì mù lòa nên anh đã phải hành nghề đàn địch ca hát
    rong để đắp đổi sống qua ngày tháng.

             Thực ra mục hạ vô nhân nghĩa là dưới mắt không có ai, ý nói thái độ hết sức
    kiêu ngạo không coi ai ra gì (Từ Điển Tiếng Việt, nhóm ngôn ngữ học ở Hà-Nội
    1988) nhưng nơi đây lại dùng để mọi người hiểu mỉa mai theo nghĩa khác ám chỉ
    chẳng thấy ai với con mắt của mình tức là khiếm thị.

            Nếu trời đừng bắt người chồng phải khiếm thị thì cuộc đời đã tốt đẹp bình-
    thường. Với sức vóc, khỏe mạnh, ít nhất, cũng như bao thanh niên khác, họ cũng
    "chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa" gom sức tạo nên hình ảnh quen thuộc nơi lũy
     tre xanh chứ đâu thua kém ai.

            Nhưng thực tế đã khác, và dù sao qua bài hát này, người "em-nhan-sắc" đã đồng
    ý để cho anh " tay thì quàng vai", dù "anh chẳng thấy, em thời cũng chẳng thở than." vậy
    tình  của  "em" thật lãng mạn, chiụ đựng, thiết tha, gắn bó, thủy chung:

             Đi đâu cho thiếp theo cùng,
             Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
                                                   (Ca dao).       

             Hỡi cô ca nữ hát dạo kia ơi! Những lúc vãn hát nhìn nắng chiều phai nhạt, nghe
     tiếng chim gọi đàn bay về phía xa mờ, vuốt ve nắm tiền mới kiếm được, có khi nào
     cô bâng khuâng, ngao ngán cho tương lai sẽ ra sao chăng nhỉ? 
    
            Có bao giờ những khán giả gái trai lớn bé đang im lặng say sưa đứng thành
    vòng tròn gần gụi kia lại thắc mắc với các câu hỏi, như "Sao một cô gái hơ hớ như
    thế mà chịu theo anh chồng mù lòa nhu thế để sống cuộc đời như thế?"

           Đừng nhún vai nhắc khe khẽ câu hát của nhạc sĩ Vân-Tùng "Ai thương yêu ai, đó
    chỉ là tình của mổi con người.", nhắc vậy là huề vốn. Câu hỏi thật sự khó giải thích.
    Nhung cũng chẳng phải chẳng thể trả lời.

           Người ta, nói chung, và các cô thiếu nữ nói riêng, đôi khi cũng có những lý tưởng
    mục đích ở ngoài sự sung sướng vật chất của cải, nhung lụa thường tình. Thí dụ họ
    đang hướng mọi hành động sẽ trở thành nhà quyền lực danh trấn giang hồ, hay là làm
    nên ngôi sao sáng tài năng hiếm quý, đàn ngọt hát hay, ai ai cũng biết cũng mến yêu,
    và như vậy trong trường hợp này, có thể mới đầu cô gái đã tình cờ gặp người nam
    đang trình diễn đâu đó một mình. Anh ta có giọng hát hay quá, vui quá, hấp dẫn thu hút
    nhân tâm duyên dáng quá, đã làm cô nàng say mê đến nỗi mấy phen phải năn nỉ ngỏ ý
    xin đi theo học nghề, với những ước mơ thầm kín ấp ủ trong lòng.

           Đó chỉ là trường hợp của kẻ bàng quan suy đoán chơi cho vui thôi! Lý-lịch của
    nàng nào ai rõ thực hư ra sao. Biết đâu chẳng vì nhan sắc, khi tuổi đang lớn lên, trong
    lúc còn  "ngày ngày đi học, chiều chiều đi chơi." nàng đã chẳng thể làm ngơ trước mối
    tình săn đón quấn quýt của một chàng trai trẻ, văn hay chữ tốt, con nhà giầu, và khi họ
    còn mải mê xây đắp dở-dang một "lâu đài tình ái" thì, đùng một cái, đến hôm, nàng vừa
    nhìn quả khế chua trên tay ngưới bạn trao cho, tức thì cảm thấy lợm giọng, nước miếng
    cứ ứa ra trong miệng và ngay lập tức không cưỡng được, đã nôn thốc nôn tháo ra ngoài.
 
             Mới đầu một hai lần tưởng chẳng sao, người ta đâu phải cái máy, khi trái gió trở
     trời chuyện khó-ở trong mình ít bữa là thường. Nhưng ngày nọ ngày kia cứ tiếp diễn cái
     hiện tượng lạ lùng ấy khiến cả hai đến lúc hết ngây thơ đều hiểu, đều lo lắng cho những
     ngày tháng trước mặt, và đáng tiếc là họ đâu có khả  năng giải quyết thế nào, cứ dấu dấu,
     diếm diếm...thả nổi, than thân trách phận, chán nản, để những cuộc gặp gỡ, vì lý do này nọ,
     thưa dần. Những lúc tay cầm tay ngồi tâm sự lơ là phai nhạt dần rồi thêm một biến cố ập
     đến như một lý do kết-thúc, làm họ xa nhau vĩnh viễn, người đi không bao giờ trở lại. Lý
     do đó bây giờ, bàn dân thiên hạ, khắp thế giới, coi là một nhiệm vụ quan-trọng. Nhiệm -vụ
     "Đi quân dich!".
 
            Sứ trời sớm dục đường mây,
            Phép công là trọng niềm tây xá gì.
                                (Chinh-Phụ-Ngâm.)

            Khi chia tay, dĩ nhiên đôi uyên ương đều rớt lệ, Cả hai "Bâng khuâng như mất lạng vàng".
    Chàng thề thốt, sẽ trở lại, dù vật đổi sao rời thì tấm chân tình sẽ chẳng bao giờ thay thế được,
    nàng nghe bịn rịn cũng tin tưởng , cũng đinh ninh vậy, rồi yên tâm phần nào, nàng tự nhủ, phải
    cố gắng hy sinh ít năm! Nàng tin tưởng là nàng có thể làm được. 
                                                         
            Nhưng rồi thời gian cứ vô tình lặng lẽ trôi, phát sinh bao nhiêu nhu cầu không ai tiên liệu
     được. Tình cảnh mới từng bước, từng bước với bao nỗi khó khăn vật chất đã đưa đẩy cô
     gái trẻ đẹp sa cơ, gặp gỡ cùng chàng nghệ sĩ mù cũng đang cần một bàn tay giúp đỡ. Thôi
     đành nhắm mắt đưa chân, phải nương tựa vào nhau mà sống chứ còn tính sao. Nàng ngao
     ngán trong lòng, có bao giờ nghĩ mình lại rơi vào tình trạng hiện tại oái oăm cùng cái  nghiệp
     lạ hoắc này đâu!

             Kim-Lang ơi hỡi Kim-Lang!
             Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
                                        (Truyện Thúy-Kiều)

           Dần dần với nhu cầu càng ngày càng khẩn thiết, bao gạo mới khiêng về hôm nào nay chẳng
     còn một hột, chai tương nằm chỏng chơ, khô queo, ông chồng "đi hát" vừa về tới bờ tre đầu ngõ
     đã như báo hiệu bằng những cơn ho xù xụ do đám vi trùng tuberculosis hoành hành trong buồng
     phổi chàng nghệ sĩ. Nàng cảm thấy cần tiếp tay làm một cái gì để đóng góp thêm vào nền kinh tế
     chung của gia đình cho cuộc sống đỡchật vật, nàng cố bớt thẹn tthùng, rồi đánh bạo học được
     ít bài bản để ra nghề theo tiếng nhị não nùng thiết tha với vài câu ngăn ngắn.

           Người chồng hết lòng động viên, cổ võ, bảo:"Phải diễn tả cho có hồn. Nghĩa  là phải để tâm
     hồn mình đứng vào vị trí lời ca như thật, thì mới có kết quả tốt."nàng đã nghe theo, nàng đang
     ngậm ngùi, xót xa, nhớ đến bóng hình người tình cũ:

           "Từ chàng ra đi,
           Vai khoác chiến y,
           Hồn còn nương bóng quốc kỳ. "

           Đây cũng là mấy câu hát xẩm, thường nghe biểu diễn nơi toa xe điện qua  lại quanh bờ hồ
     Hoàn-Kiếm Hà-Nội khoảng thập niên 1950 nên nhiều người gọi là xẩm xe điện. Tiếp theo
     ngoài xe điện hai vợ chồng còn mở rộng vùng hoạt động mon men ở chợ Ô-Cầu-Dền ở gốc
    đa bên quán  nước dẫn vào thị xã Hà-Đông với những con đường hẹp lát gạch sạch như sân
    phơi thóc.

           Hình ảnh đó từng bước từng bước trở thành quen thuộc. Khách qua đường dừng chân
     nghe họ đàn hát một chập, trước khi đi, đã  để lại vài ba đồng bạc cắc trong cái nón mê
    dưới đất như là một cử chỉ, bổn phận rất thản nhiên, sòng phẳng. Vậy là xong.
 
           Đó là câu chuyện tượng trưng về trường hợp riêng của một cặp vợ chồng hát xẩm. Thực
    tế còn rất nhiều trường hợp khác, với những chi tiết đặc thù của các cặp vợ chồng hát xẩm, y
    như chúng ta hiện có biết bao "câu chuyện" éo le, hấp dẫn, ly kỳ nói tới những người vượt biển
    tỵ nạn từ Việt-Nam, và thành phần đám hát xẩm có thể nhiều hơn hai vợ chồng. Xin trích một
    đoạn từ cuốn Việt Nam Phong Tục của Phan-Kế-Bính:

           "Những người đui mù lòa mắt, học nghề đàn hát, rồi rủ nhau một tụi độ năm sáu người
    vừa đàn ông vừa đàn bà dắt nhau đến các nơi thành thị, kiếm chỗ đông người giải chiếu
    ngay các nơi vệ đường mà hát.

            Bọn xẩm kẻ thì đánh trống, gõ phách, kẻ thì kéo nhị, kẻ thì gẩy đàn bầu, rồi đồng thanh
    mà hát, hoặc đi giọng Nam, hoặc đi giọng Bắc, ăn theo tiếng nhị, tiếng đàn nghe cũng vui tai.

            Đàn bà trẻ con người lớn xúm xít vào xem, kẻ thưởng dăm ba đồng kẽm,  người cho
    một vài xu. Hễ người xem vãn rồi thì lại dắt nhau đi chỗ khác."  Ngưng trích.

          Sách Văn Học Việt-Nam của Dương Quảng-Hàm  bảo, khi nào chính những người Xẩm
     hát thì gọi là xẩm chợ, còn khi ả đào hát thì gọi là xẩm cô đầu,và bao giờ thời câu cuối của
     bài hát xẩm cũng là câu lẻ đặt sáu hoặc bẩy chữ.

            Đúng vậy, nếu có dịp nghe qua nhiều bài hát xẩm thì thấy không có gì khác biệt lớn
     lao giữa xẩm chợ, xẩm cô đầu, xẩm xe điện, hay xẩm xoan gì cả. Hát xẩm thường hát ở
     bất cứ đâu cũng vậy. Hát xẩm là hát xẩm. "Thực tế cách gọi tên các loại xẩm chảng phải
     là theo làn điệu" mà tùy nội dung, ý nghĩa của cả bài hát.

             Xẩm Thập Ân ca ngợi công đức cha mẹ.

             Xẩm Anh Khóa kêu gọi lòng yêu nước theo thơ của Á-Nam Trần-Tuấn-Khải...
             Laị nữa, chỉ vì đến một thời điểm nào đó, làn điệu hát xẩm đã được nhiều quan viên
     đi nghe hát ưa chuộng nên các cô đầu, tiếp khách trong phòng, chướng rủ màn che,
    cũng phải chiều theo mà để cho hát xẩm chen vào cùng các điệu hát khác nên gọi
    là xẩm cô đầu vậy thôi.

            Tuy nhiên phải thêm một chi tiết nhỏ, kẻ trình diễn cũng cần để ý chút kỹ thuật khác
    biệt trước đối tác và hoàn cảnh. Khi hát xẩm ngoài chợ là chỗ đông người nên làn hơi,
    giọng hát phải mạnh. (Ngày trước chưa có máy khuyếch âm). Những tiếng đệm, tiếng
    đưa-hơi đều  phải hát cho rõ như là lời hát chính. Hát xẩm ngoài chợ nên dùng đàn nhị
    thay vì đàn bầu mục đích cũng là để cho âm thanh to hơn..

            Mấy người hát xẩm ngoài chợ phần nhiều lớn tuổi, ít thấy hát trong phòng cô đầu vì
    thiếu điều kiện quần áo bảnh bao,  trẻ đẹp, một yếu tố khá quan trọng đối với các quan
    viên thưởng ngoạn. Do đó ta suy ra, đám hát xẩm ngoài chợ có chương trình từ đầu đến
    vãn (thời gian khoảng một hai giờ) chỉ là hát xẩm. Khán giả không có yêu cầu và đòi hỏi
    hát các thể điệu khác gì cả.
 
             Ai đến nghe cũng được, thương tình cho chút tịnh tài cũng được. không sẵn cũng
    chẳng sao. Do đó lợi nhuận kiếm mỗi ngày khi lên khi xuống, và phần nhiều là do tài năng,
    cảm tình của họ với đám đông. Gặp lúc ngày mùa, hoặc trong làng mở hội cúng tế, đám
    đông tiền xu rủng rỉnh cũng là lý do tốt cho dân hát xẩm lượm thêm bạc cắc.

             Còn điểm nữa, chắc chẳng nói quý vị độc giả cũng thừa biết, không khí hát xẩm cô
    đầu nó giống y không khí hát cô đầu trong phòng "làm việc" của cô đầu vậy. Nói cách khác.
    Bài hát xẩm do cô đầu trình bầy chỉ là một tiết mục làn điệu ngắn xen kẽ với những lối hát
    như hát nói, ru em, xa mạc.. trong một chương trình vui chơi dài, như vậy ta suy ra, số khán          
    giả ở đây rất hạn chế, thường là một nhóm người quen biết rủ nhau tới, và được thù tiếp
    với đồ ăn, thức uống, giường chiếu mời mọc chiều chuộng đàng hoàng.
 
             Để thay đổi, lúc cô đầu hát điệu quan họ Bắc-Ninh, khi cò lả..quan viên yêu cầu điệu
    gì thì cô đầu hát điệu ấy, yêu cầu ai thì người ấy hát kẻ khác nghỉ.. và cuộc vui chơi cứ thế
    có thể kéo liên miên thâu đêm suốt sáng..Xem vậy cô đầu phải lịch duyệt, biết nhiều,
    chẳng những các thể điệu mà đôi khi cả văn chương nữa.


             Các bài để hát xẩm ngoài số các nghệ nhân sáng tác như Mục Hạ Vô Nhân...còn
   phần lớn họ lợi dụng gồm đủ thể loại thơ có sẵn của các bậc tiền nhân như Á-Nam Trần-
   Tuấn-Khải, Tản-Đà, Nguyễn-Bính, Nguyễn-Khuyến...nhưng phần lớn thơ lục bát đã được
   sử dụng nhiều hơn, đã được "xẩm hóa" như "cương" thêm vài chữ trong một câu hay thêm
   bớt vài câu trong bài cho được tự-do, phóng-khoáng, đa dạng để làn điệu thoải mái dễ
   trình bầy hơn.

             Cũng như hát chèo, hát xẩm là thể loại dân ca chưa biết xuất xứ từ đâu. Trong
     Đặc Khảo Dân Nhạc Phạm-Duy viết: "Thể hát rong ở Bắc Việt được phổ biến qua
     những người hát xẩm, thường là  những kẻ mù loà đi hát dạo độ thân. Gọi là hát
     xẩm là do chữ xâm xẩm tối."

              Vâng, hát xẩm là hát rong, nghệ nhân hát xẩm thường mù lòa... và từ đó ta có thể đi
     đến kết luận cuộc sống của những kẻ hành nghề hát xẩm rất nghèo. chắc chắn họ không
     thể tổ chức thành một tổ chức để sinh hoạt lớn mạnh, để giúp đỡ tương tế nhau như các ngành
     nghề khác.

              Không những thế sau năm 1954 chính quyền địa phương còn tập trung và không cho
     hành nghề hát xẩm ở nơi công cộng, có lẽ vì thấy hình ảnh của họ tang thương quá.

              May mắn thay, sau, cũng chính nhà cầm quyền lại sáng suốt nhìn thấy hát xẩm có nhiều
     làn điệu đặc thù mang tính nhân gian độc đáo, chẳng những thế còn có thể áp dụng cho
     phong trào tuyên vận dễ dàng mọi nơi, nên đã tận lực nâng đỡ họ mọi mặt khi họ muốn
     hành nghề ở đâu, ngay cả tổ chức biểu diễn nơi khuôn viên Quốc-Tử-Giám, cử hành lễ giỗ
     tổ ngày 22 tháng 2 hằng năm.

              Và hình như bây giờ người ta còn đang vận động để Unesco công nhận hát xẩm là
     một di sản của thế giới nữa. Hãnh diện thay!

     Nguyễn-Phú-Long