Tiếng Việt "Ngầu" Print
Tác Giả: M-Việt   
Thứ Ba, 31 Tháng 8 Năm 2010 10:59

Tiếng Việt trù phú về âm. Âm ở đây không gò bó bởi những tiếng qua thanh quản mà âm của thiên nhiên.

Nó biểu hiện nỗi lòng và tâm tư của mọi loài, và mang theo không những tượng thanh mà còn tượng hình nữa!!! Nó có cường độ tăng hay giảm theo thời gian và không gian, thể hiện qua láy hay điệp âm.

Tiếng Anh con rắn phát âm "hiss", bò "moo", chim "chirp, tiếng Việt cũng có:
"con gà cục tác lá chanh
con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi (Ca dao)".

Đây tuy là câu ca dao nhưng chỉ cách nấu cho nội tướng. Vậy thêm 2 câu nữa cho đủ bốn:
"Con chó khóc đứng khóc ngồi,
mẹ ơi mẹ hỡi mua tôi đồng riềng"

Tiếng Việt còn đi xa hơn nữa vì nó có thêm giọng. Giọng biểu hiện qua 5 dấu thanh: sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng.
Sắc lên giọng biểu hiện một cái gì ngắn ngủn, cái gì mạnh, đau lòng... một nhấn mạnh đập mạnh vào con mắt.
"Son sắt kìa ai vẫn đợi chờ":
một hình ảnh bền vững chờ đợi của các cô.

Còn huyền thì ngược lại, âm xuống giọng, dài, biểu hiện lê thê một thời gian trôi đi, một tâm tư, một thoang thoảng.
"Anh đi đường anh, tôi đường tôi"
(nghe nó não lòng làm sao; ôi, con đường mà khác đôi thì đúng là đoạn trường)
"Tình nghĩa đôi ta có thế thôi"
(cái buồn này do sự chia ly ngắn ngũi qua chữ "thế". Một sự buông xuôi đầu hàng vì định mệnh

Dấu hỏi nó lắc lẻo như dáng của nó, nó không giống như làn khỏi bay lên mà nó như cành liễu rủ (không phải cành liễu héo rũ mà như cái mành buông thỏng xuống, như cờ không gió)
"Khi cao, vút tận mây mờ
khi buồn vắt vẻo bên bờ lau xanh"
Bạn có bao giờ nghe tiếng sáo về đêm, canh khuy như sợi chỉ bay cáo vút (dấu sắc, lên lẹ) khi nó cuộn vòng lủng lẳng, vắt vẻo (dấu hỏi) theo các bờ lau bờ liễu chăng ?

Dấu ngã như cái bóng nằm xoài giữa đường, như con giun bí xéo, như cánh tay vẫy gọi nhau. Xem chữ "hỡi" trong câu sau:
"Hỡi anh đi đường cái quan
dừng chân đứng lại em than vài lời
đi đâu vội mấy Anh ơi
Công việc đã có chị tôi ở nhà"
Mời mọc trêo ghẹo của gái Bắc kỳ là thế đó!!! Nó níu người lại, nó van lơn... Chàng nỡ lòng nào đi!
(chữ nỡ dấu ngã, nói lên một sự dùng dằng : "Anh nỡ lạnh lùng đến thế sao!!!")

"Vài lời" là dấu huyền (song huyền).. thì hẳn là không ngắn được... Bạn trai không tin, rộn ràng dừng chân lại thì "vài lời" thành "thiên thu" đấy: "cánh chim giang hồ" lại biến thành "tay bồng tay bế"

Hình ảnh giữa sắc và ngã có hình ảnh khác nhau: sắc ngắn lẹ còn ngã thì dây dưa. Thi sĩ sông Vị với câu thơ: "Hỏi ô ô mất [dấu sắc] bao giờ, hỏi em em cứ ẫm [dấu ngã] ờ không thưa." Ôi! mất chớp nhoáng, tìm dây dưa. Em giả đò ngủ, đáp lời tiếng được tiếng không... ậm (ngậm miệng) ờ (cho xong)... thì đích thực kỹ nữ này ăn cắp rồ!!! ấy cô ta chỉ dấu thôi !!! Em trừ nợ..
Anh đến thăm mà lẳng lẳng về không quà cáp (quịt tiền [bán phấn] mua hương)...

Ôi! hãy xem dấu nặng (nó ngắn như chớp nhoáng) nhưng nó không sắc nhưng nó có lực
"Đập cổ kính ra" (để làm gì? tìm gì?)
"tìm thấy bóng" (Tìm --dấu huyền-- là biểu hiện dài lê thê, một thời gian không ngắn... vật ắt là tìm không ra rồi)
"Xếp tàn y lại" (nhưng vội xếp--dấu sắc--lẹ lên)
"để dành hơi..." (Kịp không: chữ "để" sao nó thúi ruột!!!"

Than ôi: Tình yêu của một ông vua dành cho một cung nữ đến thế ư!!! Hay là "Vang Bóng Một Thời" để dành lại dư âm!!
Dấu nặng đôi lúc có cụt lủn, cộc lốc làm sao đấy. Đây, cụ Phan Khôi làm thơ "Tình Già": "...tình đôi ta thì đã nặng, mà lấy nhau thì không đặng.. chi bằng sớm [dấu sắc] liệu [nặng] mà buông nhau..."

Đưa tiếng Việt tới "tuyết vời" là âm láy (hai từ cùng âm đâu, âm chính, hoặc âm cuối), điệp từ (hau từ giống nhau, một trường hợp của láy trên mọi âm) , nhất là trong từ kép có dấu, mang lại một màu sắc, thời gian và không gian,
Xa xa..không hẳn là xa tít mù... mà hơi xa xa... chữ này không dấu nên chỉ nhìn ngang..

Âm láy làm thay đổi cường độ của dấu qua thí dụ: "sè sè nắm đất bên đường". Cái mồ mà nó sè sè thì trông nó chắc hơi nhú lên một chút..Buồn thay.. nhưng không hẳn vậy.. xưa nó cao bây giờ nó bị ải ra theo nắng mưa và gió, kể cả người vô tình đạp lên, xoi mòn theo năm tháng. Lâu ngày không ai vun xới nó chỉ còn "sè sè".
Câu tiếp: "Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh"
Điệp láy trên chữ "rầu". Rầu thì rầu thêm nhưng nó ngoắc ngoải không dứt, nó rầu theo năm tháng không da diết nhưng tủi đọng -- tủi đọng như cánh cỏ úa nửa vàng nửa xanh... thì thật là thê lương... (Ai không bảo Nguyễn Du là thiên tài trên thơ Việt?!!!)

Điệp rất "ngầu"... càng điệp thì càng có hình... và có hình khi cường độ tùy theo dấu.
"Một đèo một đèo lại 1 đèo.."
Vậy là 3 đèo còn gì nữa!.. Mà đèo gần thì cao, xa thấp từ từ như không gian 3 chiều vậy. Chữ "lại" --dấu nặng-- chỉ sự chán chường. không có gì thay đổi. Cảnh gì mà đèo "lại" đèo... thế mà nghe 3 lần lại thấy hình ảnh chập chùng lăn tăn như sóng biển rút dần ra xa!!!! Nữ sĩ Xuân Hương đâu có kém gì cụ Tiên Điền!

Điệp và láy khi chẻ từ, mang lại cho ta một hình ảnh mới: buồn hợn Bạn còn nhớ nhà thi sĩ quịt tiền kỹ nữ bị thiến mất ô chăng? Chàng dùng chữ "đi sớm về trưa" (sớm-trưa, đi-về, gió mưa, nay-mai), than với trời đất:
Những khi dày gió mai mưa
lấy gì đi sớm về trưa với nàng
Khi thì hình ảnh hi vọng hơn, nhưng mang lại một khoảng cách xa xa .
"Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gôi chiếc nửa soi dặm trường" (ND)

Nghe xong tưởng chừng như chiếc gối bị sẻ chớ nào như "gương vỡ lại lành" Vầng trăng chỉ có một.. lúc tròn lúc khuyết à mà có khi bị che khuất một nửa... Thì ra chàng cũng nhìn thấy một nửa thôi... chàng nhìn nửa này em nửa nọ thế là lắp lại thành 1 vầng trăng tròn! May thay!

Âm láy đi với đảo vị trí của từ tạo trí tưởng tượng dồi dào hơn: " ... đường về hun hút cho mắt thêm sâu.... (TCS) "
Lạ!.. mắt sâu hoắm... chứ sao sâu hun hút, nhìn con đường dài mắt sâu? hay là con đường dài hun hút như vô tận, làm con
mắt sâu. Mắt sâu vì thiếu ngủ, vì lo lắng nên thâm quầng, trông như sâu; trong khi đường dài hun hút thì tối đen.... Bạn có thấy con đường đêm không, bạn thấy con mắt sâu hay sầu dù Nhạc sĩ TCS không nói!

Đôi lúc chữ có dấu nằm đúng chỗ và biến thành "thần" chữ "ghé, nghé" chỉ một sự ngắn ngủi!!! Xem đây, cuộc chia tay lãng mạn nhẹ nhàng:
"Bóng chiều như dục cơn buồn.. [dục thì lẹ, mà buồi thì dai dẳng]
Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo" (ND)

Romantic sao đấy!... lò đầu ra nhìn liếc trộm ư! mắc cở ư! ngấp nghé cái gì? tuổi mộng mơ trăng tròn khi chớm yêu? như hoa mới nở, sao tan nhanh thế!!!
Có khi chữ có dấu thành trung tâm của điều muốn nói (xem chữ "ngỏng" trong hai câu thơ sau):
"Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng!!!"
Bạn tưởng tượng ra cảnh ra trường. Trên bục cao bà đầm Tây hớ hên ( ắt là mặc váy: "đít đàn bà bằng 3 cái thúng") nghiêng mình để đít ra ngoài, còn dưới trông lên các ông cử thi đậu, chờ lãnh bằng hay ban khen gì đó, thì chỉ ngóng lên ... mà ngỏng đầu rồng.. thì ra mấy ông mới đội nón "graduation" chuồn chuồn của quan văn, có hình rồng (của vua ban). Tai sao lại "ngỏng" lên? Eo ui.. làm đàn ông mới hiểu được, sáng sáng "công ngủ" mà ngỏng với ngổng là anh em sinh đôi mà thôi!!! Còn các chị đã từng nuôi gà vịt sẽ hiểu khi chúng toẹt ra, cái khu của nó lép nhép ra sao!!!!
Phải chăng đây là lời cay cú của ông Tú (Xương) thi trượt châm biếm ông Cử mới thi đậu!!!

Hỡi bạn đọc của tôi ơi!.. Bạn nhớ nhé: "Ngước lên trời, gục xuống bàn" "lẳng lơ ẻo lả, ngả ngớn" "sè sè, chua chua"... Nhưng bạn nên thử dùng, xem hiệu quả ra sao: thay vì nói "Anh chết mê mệt vì Em", thì nên chẻ "mê-mệt", điệp chữ "chết" thành: "Anh chết mê chết mệt"

Đừng nói "em khóc" vì chỉ có 1 dấu sắc... mà nói "Em thổn thức" hay "Em nghẹn ngào"... vừa là hỏi và sắc, nặng với huyền, thêm cùng âm đầu th, ng....
Xa hơn nữa, bạn nào có gia đình thì thử kể lại bài này cho mấy con em "Mỹ vàng" xem nó còn "nghếch đầu bĩu môi" mà chê tiếng nói của dân Giao Chỉ là tiếng mọi hay gật gật [dấu nặng điệp chữ] cái đầu xuýt xoa [láy] kêu lên "wow! cool! I didn't know that"!