30 Tháng 4: Nghĩ Về Một Nền Văn Học Tuyên Truyền Print
Tác Giả: Nguyễn Mạnh Trinh   
Thứ Hai, 12 Tháng 4 Năm 2010 13:40

Buổi chiều phân vân với câu tự hỏi . Mình sẽ viết cái gì vào dịp 30 tháng tư này?

Thời gian 1975-2010 quả thực khá dài nhưng những tâm cảm ngày nào tới bây giờ hình như vẫn còn. Và đó cũng là những khoảng cách để nhìn lại một sự kiện lịch sử. Nhất là để nhìn lại cái mà những người lãnh đạo Cộng Sản gọi là “ văn học”.Chữ nghĩa được dùng để phục vụ chiến tranh nên sau một thời gian ngắn đã thành những trang giấy lộn vô nghĩa

 Hình (E-van): Nhà Thơ Quang Dũng.

Vớ đại để đọc thử một cuốn sách của chế độ Cộng sản Việt Nam về ngày 30 tháng tư để xem họ viết ra sao và tôi đọc cuốn “ 30 tháng 4” do nhà xuất bản chính thức của nhà nước mang tên thành phố Hồ Chí Minh.Tập sách có nhiều bài viết của những người lãnh đạo như Lê Khả Phiêu, Võ Trần Nhã , Nguyễn Trần Thiết, Thành Tín (tức là Bùi Tín),… và cũng có những người theo đuôi như Ngụy Ngữ , Sơn Nam.

Ðọc lại những bài viết, thấy cùng một giọng , khoa trương đến lố bịch và tự hào của những kẻ hãnh tiến khi thấy mình thành công. Ðọc những bài như “Tiến vào Sài Gòn” của Lê Khả Phiêu, hay “Ðòn quyết định cuối cùng” của Nguyễn Viết Tá đều cũng giống nhau một giọng nên chẳng có điều gì đáng đề cập đến. Văn chương để tuyên truyền !

Nhưng đọc lại bài viết của Võ Trần Nhã “ Ngày cuối cùng cuộc chiến tranh của Sài Gòn” ghi lại chuyện của Nguyễn Văn Diệp, một tay thân cộng nhưng lại làm bộ trưởng kinh tế thương mại của nội các của thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Bá Cẩn mới thấy sự thật và những điều không thật trộn lẫn vào nhau để thành một sự kiện có thể làm sai lạc lịch sử. Ở đó , mới thấy được sự đón gió theo thời của một trí thức và những hành động để tiếp tay cho chủ trương chủ bại , đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris.Và những chuyện ấy được kể lại và đọc trong “Hội nghị Khoa học Lịch sử về chiến dịch Hồ Chí Minh” để ghi công nhưng chẳng được gì vì “anh ta đã già và đây là một hồi tưởng của một người có mặt trong một biến cố lịch sử” (Võ Trần Nhã đã ghi chú như thế)…

Ðọc bài của Thành Tín tức Bùi Tín , một người bây giờ phê bình hết sức nặng lời với chế độ hiện hữu, cũng viết lại những sự kiện bằng lối nói phách lối ngạo mạn và ca tụng chiến công một cách tự mãn.Ðọc “ Nhớ những ngày tháng 4” từ “Cánh rừng Dầu Tiếng” đến “ Sài Gòn những khuôn mặt trẻ thân quen”, từ đoạn này sang đoạn khác cũng là lối nhìn và diễn tả thiên kiến và một chiều.

Từ xưa tới nay, chiến tranh vẫn là một đề tài lớn của nhân loại . Những danh tác như “Chiến Tranh và Hòa Bình”, như “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”,…đã phác họa lại một thời nhưng lại sống lâu cả đời và thành những tác phẩm “cổ điển” tiêu biểu. Viết về chiến tranh của những thời đại khác nhau, nhưng vẫn là viết về một con người muôn thuở. Do đó, từ những chân dung ấy, những người sống ở các thế hệ sau dễ dàng bắt gặp những tần số chung để có sự chia sẻ…

Chiến tranh ở Việt Nam suốt mấy chục năm, đã trở thành chuyện bình thường. Bao nhiêu là biến cố, bao nhiêu là sự kiện , viết hoài cũng chưa hết , kể hoài cũng chưa đủ. Thậm chí cho đến nay, tiếng súng đã hết từ ba mươi năm, nhưng chiến tuyến hình như vẫn cón ẩn hiện giữa những người Việt với nhau. Kêu gọi hòa giải, thúc giục đoàn kết, đôi khi chỉ là những chiêu bài cho những tính toán, mưu đồ riêng.

Trong văn chương, trong nghệ thuật, đã thấy những dấu hiệu. Giơ tay mời trở về, không phải vì tình tự dân tộc, mà vì cái túi tiền , vì chất xám của người trở về. Còn người quy cố hương, chưa hẳn vì muốn góp công góp sức cho đất nước, mà , còn nhắm vào những lợi lộc sẽ có, đến những mục tiêu cá nhân .

Trước năm 1975, ở miền Bắc Việt Nam, đã có một nền văn học phục vụ chiến tranh. Một giàn hợp xướng vĩ đại được Ðảng thành lập với chủ trương hy sinh tất cả cho chiến tranh. Chủ trương ấy đã được đầu nậu văn nghệ Tố Hữu viết thành thơ:

“dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ hơn ngàn trang sách luận văn chương”

Cũng như những đề cương văn hóa của Trường Chinh viết từ những năm đánh Pháp tới về sau là những kim chỉ nam để các văn nghệ sĩ noi theo. Từ hình ảnh anh vệ quốc quân thời kháng Pháp đến anh bộ đội thời chống Mỹ , chỉ là một, những con ngươì quên mình vì lý tưởng , luôn lạc quan dù cả những khi biết mình sẽ bị hy sinh như một con cờ làm chốt thí. Về văn xuôi , về thơ, và nhất là ở thể ký , tất cả như một giàn đồng ca cùng một giong điệu , một cung bậc. Nếu có ai đi ra ngoài hạn định sẽ bị phê bình và tự nhiên bị loại ra khỏi sinh hoạt văn chương ngay.

Thời chống Pháp, chiến tranh được ghi dấu lại với những bài thơ của Tố Hữu, Quang Dũng , Chính Hữu , Hoàng Cầm, Hồng Nguyên , Hoàng Lộc, Hữu Loan,… Hình ảnh anh bộ đội là đề tài tập trung của văn học. Những áng văn xuôi như “Trận Phố Ràng’ của Trần Ðăng, “ Voi đi” của Siêu Hải, “Bên đường 12” của Vũ Tú Nam , “ Xung kích” của Nguyễn Ðình Thi,… đều là những lời kêu gọi hy sinh, toàn là mô tả những gương anh hùng , những người không nghĩ đến cá nhân mình khi liều mình vào trận chiến. Những bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, những “Ðêm Liên Hoan” và “Bên Kia Sông Ðuống” của Hoàng Cầm, những “Nhơ”ù của Hồng Nguyên, những “Các Anh Ve”à của Hoàng Trung Thông,… góp phần vào dòng văn học viết về chiến tranh thời đó.

Nhưng, lại bị phê bình chỉ trích kịch liệt. Những bài thơ của Quang Dũng, được coi như là những bài thơ tuyệt tác đỉnh cao của thi ca kháng chiến thì bị Tố Hữu cho đó là “tư tưởng sa đọa, văn hóa suy đồi “. Quang Dũng vì mấy bài thơ bị ghen tài mà suốt cả đời lận đận.

Bài “ Nhớ “ của Hồng Nguyên cũng bị Hoài Thanh kết án là “yếu đuối ủy mị” và có ngôn ngữ của thái độ trịch thượng, xa cách với đồng bào , nhất là quảng đại dân chúng bình dân ít học.

Lưu Trọng Lư thì quy tội bài thơ “ Không đề” của Nguyễn Ðình Thi có ý tưởng sai lạc, tư tưởng tiêu cực , ngôn ngữ hiu hắt và đòi phải xóa tên Nguyễn Ðình Thi khỏi danh sách những thi sĩ của vương quốc thi ca . Và chính Lưu Trọng Lư cũng bị Hoài Thanh sửa lưng trong cuốn sách “Nói chuyện thơ kháng chiến” nào chê bai là bi quan không tin tưởng vào Ðảng và chính nghĩa và đòi phải sửa những câu thơ trong bài “Ngò cải đơm hoa”. Lưu Trọng Lư tức giận nhưng vì bị áp lực nên đành sửa chữa để một bài thơ hay trở thành một bài thơ dở.

Một phong trào viết về những người lính anh hùng được phát động sau khi Trường Chinh đọc báo cáo “Thi đua ái quốc và chủ nghĩa anh hùng mới”. Những nhà văn tên tuổi được chỉ định để viết về từng người được phong tặng chiến sĩ anh hùng. Nguyễn Xuân Sanh viết về Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Huy Tưởng viết về Ngô Gia Khảm,,Vũ Cao viết về Nguyễn thị Chiên, Tô Hoài viết về Kim Ðồng, Vũ Tú Nam viết về La Văn Cầu, Từ Bích Hoàng viết về Nguyễn Phú Vỹ, Nguyên Ngọc viết về du kích người thiểu số tên Núp,. .. Và sau này khi in thành tập truyện Anh Hùng Chiến Sĩ Thi Ðua và được giải thưởng văn học ngoại hạng… những hình tương anh hùng này không hiểu có thực trên cõi đời không hay chỉ là trong tưởng tượng như anh hùng Lê Văn Tám liều mình để đốt kho xăng của thực dân Pháp?…

Ðến thời kỳ chiến tranh ở miền Nam sau này khi bắt đầu những hành động vũ trang, chiến tranh lại có mặt và giàn đồng ca lại nổi lên mạnh mẽ hơn với những giọng hợp xướng quen thuộc. Nguyễn Hưng Quốc viết trong “Văn Học Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng Sản”:

“ Dấu vết chiến tranh hiện hình ngay trên những tựa sách. Thơ nào là Ra Trận (Tố Hữu), nào là Gửi Chiến Trường Chống Mỹ(Hòang Tố Nguyên), nào là Những Bài Thơ Ðánh Giặc( Chế Lan Viên), nào là Chiến Trường Gần Ðến Chiến Trường Xa( Huy Cận), nào là Hoa Dọc Chiến Hào( Xuân Quỳnh), nào là Trong Gió lửa ( Hoàng Trung Thông)..

Văn xuôi cũng thế. Cũng hừng hực không khí chiến tranh Chế Lan Viên viết Những Ngày Nổi Giận(1966). Nguyễn Ðình Thi viết Vào Lửa (1966), Hữu Mai viết Phía trước là Mặt Trận )1966) Hồ Phương viết Nhắm Thẳng Quân Thù Mà Bắn(1968), Lê Văn Thảo viết Ngoài Mặt Trận(1969) , Vũ Cao viết Từ Một Trận Ðịa (1969) , Nguyễn Khải viết Họ Sống và Chiến Ðấu(1966)…

Thật ra văn học Cộng Sản từ năm 1945 đến nay lúc nào cũng là một nền văn học chiến tranh. Lúc nào trên trang sách cũng vang vang những tiếng súng nổ. “ Nay ở trong thơ nên có thép. Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Hai câu thơ của Hồ Chí Minh đã được coi như một cương lĩnh sáng tác cho tất cả mọi người. Tuy nhiên chưa có lúc nào dấu vết của chiến tranh lại rõ rệt lại bao trùm trong toàn bộ nền văn học của Cộng Sản như trong gia đoạn 1965-1975.

Viết về miền Nam, viết về vùng trời, vùng biển, viết về những nơi gọi là “ tuyến lửa “ như Quảng Bình , Nghệ An,.. người ta mô tả như là trung tâm của cơn bão.Ngay cả khi viết về những đề tài như nông , công nghiệp người ta cũng coi chiến tranh như một cơn bão rớt gió dữ vẫn lồng lộng thổi tới len vào tận các ngõ ngách trong tâm trạng con người. Không có cảnh ngộ nào, kể cả lúc hai người con trai con gái đang tỏ tình với nhau, chiến tranh lại không là một ám ảnh…”

Nhưng cũng có những giọng ca lạc điệu trong giàn hợp xướng ấy, như bài thơ “Vòng trắng “ của Phạm Tiến Duật có những câu như:

Khói bom lên trời thành một vòng đen
Trên mặt đất hiện lên bao nhiêu vòng trắng
………
có mất mát nào lớn bằng cái chết
khăn tang vòng tròn như một số không.

Những câu thơ ấy không được chấp nhận . Từ những hình ảnh để đến những liên tưởng , từ vòng đen của khói bom đến vòng trắng của khăn tang rồi con số không của tận cùng mất mát, cái thông điệp của chiến tranh đầy những suy tư khốc liệt. Dù rằng trong bài thơ có đoạn kết khá có hậu :

“Tôi và bạn tôi đi trong im lặng.
Với cái đầu bốc lửa ở bên trong.”

Tạp chí Học Tập đã phê phán gay gắt: ”Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở..”

Thế là , âm hưởng của những bài thơ như “Trường sơn Ðông , Trường Sơn Tây” lại mất đi trong lỗ tai những lãnh đạo văn nghệ. Và, cái án treo lại lơ lửng với thi sĩ họ Phạm…

Lưu Quang Vũ, một nhà đạo diễn kịch tài ba, viết kịch bản cũng xuất sắc và là một nhà thơ đã thức tỉnh về chiến tranh khá sớm. Những câu hỏi luôn đặt ra trong thơ ông như những gút mắc càng ngày càng thăt chặt không gỡ bỏ được. Những câu thơ như:

“ giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều.
Rách tan cả những làn sương đẹp phủ.”

Hay “ khi con người giết nhau
Những lá thư không biết gửi về đâu
Những hải cảng không có tàu cập bến…”

Bài thơ “ Việt Nam ơi!” có những câu như:

“ .. tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
xin Người đừng trách giận Việt Nam ơi
Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người
Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa?
Người sẽ đi đến đâu
Mà Việt Nam đói khổ?
Ðến bao giờ bông lúa
Là tình yêu của Người?..”

Những câu hỏi cho lãnh tụ, những vấn nạn khó cho chính người đặt ra. Lưu Quang Vũ nhìn thấy được cái chiêu bài thúc giục hy sinh và hiểu được cái vô nghĩa của hành động bắn giết và cả một thời kỳ , ông bị đầy ải cực nhục, sống không ra sống , chết chẳng ra chết. Nếu không có tình yêu với Xuân Quỳnh, có lẽ ông không ngóc lên được…

Cái chết của gia đình Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh đầy những nghi vấn . Những vở kịch của Lưu Quang Vũ chuyên chở thật nhiều những ý hướng muốn thay đổi xã hội và nhắm vào những tiêu cực của một chế độ với những ngôn ngữ và ý tưởng đầy ẩn dụ. Và, chính vì nói lên được cái tâm tư chung của nhiều người nên có lúc đã thành tiếng nói của một thời đại mà chiến tranh tuy đã dứt tiếng súng nhưng vẫn còn ác liệt.

Có người đã phát biểu rằng những ký sự hoặc tiểu thuyết chỉ viết về một nửa sự thực bởi giới tuyến đã làm tầm nhìn bị phân cách và sự chủ quan đã làm những nhận xét bị thu hẹp lại và một chiều . Nhất là , khi văn chương bị chỉ đạo chặt chẽ bởi chính sách đường lối của Ðảng như ở Việt Nam.

Trong tạp chí Văn Nghệ Sông Cửu Long , nhà văn trong dòng chính thống “Việt Cộng” Nguyễn Khắc Phê viết :” Theo tôi , một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến cho các tác phẩm viết về chiến tranh chưa thỏa mãn được người đọclà quan niệm , cách nhìn về chiến tranh, về người anh hùng, vì lẽ này , lẽ khác còn phiến diện. Do đó chiền tranh hiện ra trên trang sách không sinh độngthường chỉ một chiều diễn tả , chứng minh “ ta thắng địch thua”và người anh hùng thì thường đơn giản , xơ cứng…”
Nhưng theo nhà văn này, cũng có những tác giả dám viết ra một phần sự thực , dù sau đó bị phê bình , kiểm thảo tơi bời. Như tiểu thuyết “Ðất Trắng” của Nguyễn Trọng Oánh , “Nỗi Buồn Chiến tranh” của Bảo Ninh, “Người lính đào hoa” của Nguyễn Việt, “Sông dài như kiếm” của Nguyễn Quang Hà.

“Ðất trắngz’ là một tiểu thuyết viết về vùng đất chiến tranh khốc liệt ở Quảng Trị cũng có những nhân vật anh hùng chiến đấu kiên cường nhưng cũng có mẫu nhân vật hèn nhát đào ngũ như một chính ủy thuộc thành phần trung kiên của Ðảng.

“ Nỗi buồn chiến tranh” là một tiểu thuyết mô tả lại tâm tư của một lớp thanh niên bị đẩy vào cuộc chiến với chiêu bài giả tạo chống Mỹ cứu nước. Qua những trang sách những cực kỳ bi thảm của chiến tranh được phô bầy, những cuộc đời lỡ làng sau chiến tranh, những hy sinh vô lối của một cuộc chiến vô nghĩa .

”Người lính đào hoa” là chuyện kể về một anh chàng lính trẻ có số đào hoa, yêu đương cũng hết mình và chiến đấu cũng xuất sắc. Nhưng bên cạnh chân dung chiến sĩ ấy, cũng có những bóng dáng của cấp chỉ huy hèn nhát , lại ham danh cướp công của cấp dưới mà lại còn mê gái và dâm đãng nữa. “ Sông dài như kiếm” cũng là một tiểu thuyết viết về những ngày tháng chiến đấu gian khổ và cũng có những cấp chỉ huy nhỏ mọn, kèn cựa, thâm hiểm , và thích hưởng thụ, khoái ăn ngon, gái đẹp…

Tất cả những tiểu thuyết trên đều bị phê bình là sao làm vẩn đục cuộc chiến tranh mà họ gọi là thần thánh bằng những nhân vật, những tâm tư như thế. Và có nhiều nhà phê bình cực đoan đã chụp mũ: Ðó có phải là một cách chống đối chế độ có ý thức không?

Bảo Ninh , trong một bài phỏng vấn của phóng viên Sinh Viên Việt Nam đã phát biểu:

“ Hỏi: Trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, độc giả cũng được tiếp cận rất mạnh với một dòng văn học gọi là “ dòng ý thức”. Có người gôi đó là “ một sự phủ nhận về hình thức, một sự phá vỡ bố cục truyền thống”. Còn trong tác phẩm anh viết rằng”..Ðây là một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời. Tôi không muốn nói là điên rồ” . Jean Paul Sartre có nói rằng” Kỹ thuật của tiểu thuyết liên quan đến tư tưởng của tác giả” anh có đồng ý với quan niệm đó khi viết soi vào Nỗi Buồn Chiến Tranh? Và có một sự tác động nào đó từ bên ngoài hay chỉ là sự “ rối bời” của nội tâm lôi kéo anh theo cách viết này?

Bảo Ninh: Không cuốn tiểu thuyết nào lại không hàm chứa trong nó cái mà anh gọi là “ dòng ý thức “ .Chỉ khác nhau là ẩn sâu hoặc lộ ra thôi. Bây giờ nghiệm về những sự mình đã viết tôi thấy “ dòng ý thức” của Nỗi Buồn Chiến tranh nó lồ lộ quá . Tác giả nghĩ hộ cho nhân vật quá nhiều và cũng bắt nhân vật luc 1nào cũng đăm đăm suy nghĩ.Vì thế mà rối bời chăng?..”

Nếu ai đã đọc Nỗi Buồn Chiến Tranh thì sẽ thấy bên cạnh những vạch trần sự thực , vẫn còn những chi tiết mà sự mô tả còn chủ quan và đẫm cảm tính. Khi viết về những người ở chiến tuyến đối diện , Bảo Ninh vẫn ở trong một tâm thức đối nghịch nên đã có những ngôn từ hoặc ý nghĩ thiên lệch không trung thực như khi tả những xe tăng T54 cán lên những người lính VNCH, hoặc tả lại cảnh chiến đấu của những người nữ cảnh sát tại Ban Mê Thuột, hay những toán lính thám báo miền Nam xâm nhập mật khu hãm hiếp các nữ cán bộ. Hình như, những điều tuyên truyền của chế độ chuyên chế Cộng sản không thể nào gột rửa được trong trí óc những người lính miền Bắc. Ðã sau 15 năm không còn tiếng súng, mà cái tâm tư căm thù như thế vẫn còn dù bảo Ninh là một nhà văn tương đối ít cuồng tín và không phải là người theo đuôi chính sách văn hóa mà Ðảng chỉ đạo .

Một cuốn tiểu thuyết khác của Dương Thu Hương viết ở trong nước và in ở hải ngoại. “ Tiểu thuyết vô đề” cũng gây ra nhiều dư luận. Viết về một cuộc chiến tranh mà nguyên nhân chỉ là những huyền thoại mơ hồ và những người tham dự bị đẩy vào trong những hoàn cảnh chẳng thể lùi bước. Như một người lính đã nghĩ “ Em nghĩ nhiều.. Em cũng nghe chán vạn điều thiên hạ nói. Nhưng mà nhân dân lúc có thực , lúc như bóng ma. Nếu cần lúa, nhân dân là con bò kéo cày. Lúc có chiến tranh con bò ấy mặc áo giáp và cầm súng. Rồi khi mọi sự đã qua, vào những ngày lễ lạc , hội hè .. người ta tôn xưng nhân dân như hú vọng các hồn ma, tưởng thưởng cho khói thơm và tro tiền, còn phần xôi thịt thì kẻ khác hưởng..”.

Cuộc chiến đã được phô bầy để thấy được tấn thảm kịch của một dân tộc phải chịu đựng. Bao nhiêu người chết, nghĩa trang Trường Sơn bạt ngàn xác người, bao nhiêu tuổi thanh xuân bị phung phí vào lò lửa thiêu đốt , bao nhiêu sinh lực của dân tộc bị hao phí vô mục đích…

Một cuốn tiểu thuyết khác của Dương Thu Hương “ Chốn Vắng” viết về thời kỳ hậu chiến tranh tuy đã không còn tiếng súng nhưng cuộc chiến đấu lại bi thảm và khó khăn hơn nhiều. Những sương phụ nửa chừng, những thương binh tàn phế, những cuộc đời lỡ làng dở dang, những cuộc sống sinh lý chênh lệch… tất cả những nhân vật ấy có mặt trong một tấn thảm kịch thê thảm giữa những đè nén tính dục và những đòi hỏi xác thịt …

Phác họa qua một vài tác phẩm, và theo dõi suốt một hành trình văn học , dần dần chiến tranh đã được giải mã sau những thời kỳ tác giả viết theo chính sách, tạo nên những hình tượng anh hùng , của những tưởng tượng tuyên truyền không thực.