Năm Dần Nói Chuyện Cọp và Lan Print
Tác Giả: Trần Đức Tạo   
Thứ Hai, 01 Tháng 3 Năm 2010 16:34

 Ngày nay cả thế giới đều dùng dương lịch nhưng bên cạnh, âm lịch vẫn còn được một số lớn các nước Á châu xử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Năm 2010 dương lịch ứng với năm Canh Dần của âm lịch. Do đó bước vào năm 2010 chẳng bao lâu chúng ta sẽ ở vào năm Canh-Dần. Dần có biểu hiệu là Cọp. Với tư cách một người chơi lan, chúng ta thử kiếm xem có liên can nào giữa cọp và lan hay không.

Tại sao Canh-Dần?

Những chữ đầu của năm như Kỷ, Canh, Tân lấy ở chuỗi có tên là CAN theo thứ tự gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Những chữ thứ 2 trong tên của năm âm lịch như Sửu, Dần, Mão lấy ở chuỗi có tên là CHI theo thứ tự: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Cách tính năm, tháng, ngày, giờ đều theo hệ số đó, gọi là lịch can chi. Có 6 chu kỳ hàng can tức là có 6 giáp mà mỗi chu kỳ hàng can hay mỗi giáp gồm 10 can (đó là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí) nên gọi là Lục thập hoa giáp.

Năm: Hết một vòng 60 năm từ giáp tý đến Quí Hợi. Từ năm thứ 61 trở lại Giáp Tý, năm thứ 121, 181... cũng trở lại Giáp Tý. Ðó là một điều trở ngại cho việc nghiên cứu sử, nếu không ghi Triều Vua nào thì rất khó xác định. Một gia đình có ông và cháu cùng một tuổi, có khi tính tuổi cháu nhiều hơn tuổi ông, vậy nên khi tính thành dương lịch cần phải chú ý cộng trừ bội số của 60.

Con số cuối cùng của năm dương lịch ứng với các can:

0: Canh (ví dụ canh tý 1780)

1: Thân

2: Nhâm

3: Quí

4: Giáp

5: Ất (ví dụ ất dậu 1945)

6: Bính

7: Đinh

8: Mậu

9: Kỷ

Bảng tính đổi năm lịch can chi thành năm dương lịch
Cách tính: Cộng hoặc trừ bội số 60 còn dư bao nhiêu (nói cách khác có thể đem chia cho 60 và lấy số dư), đối chiếu bảng dưới đây sẽ biết năm Can Chi:

Ví dụ: Năm 2009 đem chia cho 60 ta có số dư là 29, đối chiếu với bảng trên ta được Kỷ Sửu. Năm2010 đem chia cho 60 ta có số dư là 30, đối chiếu với bảng trên ta được Canh Dần. Nếu năm 2010 ứng với Canh Dần thì 12 năm nữa sẽ là Nhâm Dần (2022) và lùi về trước 60 năm tức 1950 cũng là năm Canh-Dần và 2010+60=2070 sẽ có một năm Canh-Dần nữa. Tóm lại chu kỳ của những năm trong CAN là 10 năm và chu kỳ của những năm trong CHI là 12 năm.

Do đó, Năm 2010 là Canh-Dần thì:

10 năm nữa > (2010+10)=2020 > Canh-Tý

12 năm nữa > (2010+12)=2022 > Nhâm-Dần

60 năm nữa > (2010+60)=2070 > Canh-Dần

"Sáu mươi năm cuộc đời" có nghĩa con người ta dù sao cũng chỉ sống trong một chu kỳ trong đó có một năm cùng Can cùng Chi. Chỉ có ai sống 120 tuổi mới gặp lại năm đó lần thứ hai. Hy vọng con cháu sau này với tiến bộ của khoa học, tuổi thọ tăng trên 120 để có thể hưởng hai lần năm cùng tên can, chi.

Theo cột CHI, Dần biểu hiệu bằng cọp, ứng hàng thứ ba và sau Tý (con chuột), Sửu (con trâu). Cọp và rắn (Tỵ) là hai con vật sống ngoài hoang giã, còn lại đều là những giống vật sống trong nhà (trừ Thìn, con rồng, có tính trừu tượng, huyền thoại). Nói chung, những con vật trong địa-chi đều quen thuộc với con mắt người nông dân châu Á nhất là ở Trung-Hoa và Việt-Nam.

Cọp-Hùm-Hổ

Cọp là danh từ thông dụng dịch chữ Tiger (Anh ngữ), tigre (Pháp ngữ) có nguồn gốc Hy-lạp là Tigris (Panthera tigris).

Cọp là một mãnh thú thuộc họ nhà Mèo sống rải rác ở rừng rậm, cỏ lác, đồng lầy, từ miền Siberia, Bengal, Trung-Hoa, Đông-Dương, đến Sumatra (Nam-Dương) thuộc Châu Á. Có vài giống nhỏ như Bali, Caspian, Java được coi là tuyệt chủng từ năm 1940.

Về hình thể, cọp có chiều dài từ 1,5 đến 2,7 mét, chưa kể đuôi dài từ 60 đến 90 cm; cân nặng 200 đến 600 pounds (90-300 kg). Giống Siberia lớn nhất nặng 360 kg, dài 4 mét.

Da cọp có trên 100 vằn khoang theo chiều dọc (vện) màu đen, nâu, xám, coi như thẻ căn cước cho mỗi con cọp vì không có hai con cọp có vằn giống nhau. Vằn còn dùng như để nguỵ trang làm lạc thị giác con mồi. Ngoài ra ta còn thấy cọp màu trắng, rất hiếm (nuôi để biểu diễn tại Las Vegas).

Cọp sống trong những lãnh thổ rộng từ 20 đến180 km² đánh dấu bằng nước tiểu của chúng. Cọp thường săn mồi vào ban đêm, cạnh bờ nước, bắt những loài vật lớn, có vú như trâu bò rừng, nai…

Cọp bắt mồi bằng cách cắn chận mạch máu nơi gáy, hay cắn cổ hút máu cho đến khi con mồi kiệt sức. Cọp có thể săn mồi dưới nước. Cọp, phần lớn ăn thịt người khi quá đói, khi bị thương hay bị đe dọa. Cọp có thể bắt con mồi có trọng lượng gấp ba lần của nó.

Cọp đang được coi bị đe dọa tuyệt chủng. Nay chỉ còn khoảng 8.000 con ngoài hoang giã (80% sống ở tiểu lục địa Ấn-Độ) so với 100.000 con ở thế kỷ trước.

Cọp Việt-Nam thuộc loại Indochinese Tiger (Panthera tigris corbetti) hay còn gọi Corbett' Tiger tìm thấy ở Việt, Mên, Lào, Thái, Miến khoảng 1.200 con, cân nặng từ 150-190 kg. Ba phần tư con cọp bị giết được dùng làm thuốc Bắc: nanh cọp, da cọp làm đồ trang sức, xương cọp để nấu cao "Hổ-Cốt", râu cọp làm thuốc độc…

Cọp đực lai giống với sư tử cái có tên Tigon (tiger/lion) . Sư tử đực lai giống với cọp cái có tên Liger (Lion/tiger) . Những loại lai giống này không phổ-quát.

Cọp là tiếng bình dân để chỉ con vật ứng với cung Dần trong hệ thống hoàng-đạo Trung-Hoa. Hùm là tiếng tượng thanh để chỉ con cọp theo tiếng rống, gầm gừ của loại cọp. Hổ là danh từ Hán-Việt để nói về cọp trong văn chương, thi phú.Từ hùm hổ, ta có hùng hổ chăng?

Sau rồng (Thìn), tượng trưng cho vương quyền, linh ứng, cọp tượng trưng cho sức mạnh, thực thể, tung hoành, mãnh liệt. Cụ Nguyễn Du đã tả cái oai phong bằng: "Râu hùm hàm én mày ngài, Vai năm tấc rộng thân mười thước cao". Hùm, cọp là chúa tể rừng xanh nhất là ở địa bàn châu Á. Tưởng cũng nên biết chỉ Châu Á mới có Cọp. Phi châu không có cọp mà lại nhiều sư-tử.

Không những hùm cọp đe dọa tính mạng kẻ tiều phu trên rừng mà còn về đe dọa sinh mạng người nông dân, bắt gia súc nơi đồng bằng. Dân quê vì vậy sợ hãi phải tôn xưng cọp lên hàng Ông: ông Cọp, ông Hùm hay cữ không giám gọi tên mà chỉ gọi "Ông Thiêng", "Ông Ba Mươi" hoặc con "Khái".

 Muốn cho con nín, dân quê thường đem cọp ra hù doạ: "Con khóc, cọp nó nghe nó về thì khốn". Cọp còn cho là linh thiêng nên được vẽ lên tường, hay đắp nổi nơi đình, chùa, và cũng có bát nhang cúng bái. Cọp cũng được đề cập đến nhiều qua tranh dân gian (tranh Đông-Hồ).

Giới tử-vi cho rằng người nam nào sinh năm cọp, tuổi Dần đều kiên cường, có oai phong, không dễ khuất phục. Trước đây có những người không thích các cô tuổi Dần vì sợ sẽ dữ như cọp hoặc người nữ tuổi Dần sẽ cao số, tình duyên trắc trở,khó nuôi con, phải lập gia đình trễ mới yên lành.

Dân quê tôn cọp thành Thần nên mới có Thần Hổ. Như vậy Thần Hổ oai ngang Thần Hoàng là vị thần được sắc phong của Vua ban cho để bảo vệ làng xóm và được dân làng tôn thờ.

Để tăng thêm huyền bí cho Hổ, người ta tin lúc nào cũng có những hồn ma bao quanh thần Hổ gọi là Ma Trành, hồn ma của những người bị cọp vồ. Như vậy Cọp có cả sức mạnh về thể chất lẫn tâm linh.

Cọp uy hiếp mọi loài kể cả con người. Cọp hay Hổ nhờ vậy là biểu hiệu cho thành công, thống lĩnh nên ta thấy các thương hiệu như "Dầu Cù-Là Con Cọp", "Bia Con Cọp", dầu xăng Con Cọp (Exxo). Cọp cũng dùng đặt tên cho một đội thể thao như Detroit Tiger hay cả đến một biểu hiệu quốc gia như Royal Bengal Tiger để chỉ Ấn-Độ…

Cọp-Hùm-Hổ trong văn-chương.

Trong văn chương, cọp, hùm, hổ được nói nhiều dưới hình thức so sánh, ám chỉ hay đưa ra những bài học đạo đức.

"Bạo âu như sói, mạnh âu như hùm" (sách Thiên-Nam). "Hổ đầu xà vĩ" đầu cọp, đuôi rắn, tương đương với "đầu voi đuôi chuột", ý nói trước sau bất nhất. "Không vào hang cọp sao bắt được cọp con" được dịch từ câu Hán-văn "Bất nhập hổ huyệt yên đắc hổ tử".

 Làm việc gì liều lĩnh người ta ví như nhổ răng cọp (hổ khẩu bạt nha). Người xưa hay nói nơi "Hùm thiêng nước độc" tức nơi nguy hiểm đến tính mạng, dùng để đầy ải tội đồ khổ sai. "Cọp Khánh-Hòa, Ma Bình-Thuận" để chỉ hai tỉnh nổi tiếng về cọp và ma.

 Nếu người nữ ăn uống nhỏ nhẹ như con mèo thì trái lại nam nhi phải ăn mạnh như hổ, "Nam thực như hổ, nữ thực như miêu". Chỗ nguy hiểm, không ai giám lui tới được ví như "hang hùm". Hồ Xuân Hương nữ sĩ doạ Phạm đình Hổ ghẹo mình: "chỗ ấy hang hùm chớ mó tay". Hổ có sức mạnh nhưng lại không thông minh.

Người xưa hay nói "hữu dõng vô mưu" để nói kẻ chỉ biết dùng sức mạnh mà không biết dùng tài trí. Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư kể rằng: Một hôm, cọp chê con trâu to lớn mà bị con người bắt kéo cày. Trâu nói tại vì người ta có cái túi khôn. Cọp lại muốn xem túi khôn đó nhưng người đi cày bảo rằng để nó ở nhà. Muốn tránh cho trâu khỏi bị cọp vồ khi mình vắng mặt, người nông dân đề nghị trói cọp lại cho chắc ăn. Cọp bằng lòng chịu trói. Sau khi trói cọp xong, anh nông dân lấy gậy đánh cho cọp một trận nên thân. Có sức mà không có trí chưa đủ là thế. "Cha nào con nấy" có lẽ cũng đồng nghĩa hay bắt nguồn từ câu "hổ phụ sinh hổ tử", cha mẹ giỏi giang thì con cái cũng giỏi giang.

Người có uy quyền xưng hùng một cõi cũng được ví như Hùm hay Hổ. Trong lịch sử ta nghe nói Hùm Thiêng Yên-Thế để nói đến anh hùng Hoàng Hoa Thám lập chiến khu Yên-Thế chống Pháp. Anh hùng khi thất thế đươc ví như như con cọp bị xập bẫy.

Nhà cầm quyền hống hách cũng được ví như cọp. Cổ Học Tinh Hoa kể: một bà kia có chồng con, thân thích bị cọp bắt ăn mà nhất định không chịu rời chỗ ở. Có người hỏi tại sao thì bà ta trả lời dọn đi chỗ khác biết đâu quan quân còn hoành hành dữ dội hơn cả cọp ở đây.

Một ngày kia cọp bắt được chuột, định ăn thịt thì chuột van lạy xin tha mạng và hứa sẽ đền ơn sau này. Quả thật, một ngày kia, cọp bị sa lưới nằm chờ chết. Chuột thấy vậy bèn về hang gọi bầu đàn thê tử ra cắn nát lưới giải thoát cho cọp. Một nghĩa cử thi ân của Cọp đã cứu được chính mạng sống của mình. Chuột tuy nhỏ mà chung tình, không quên chuyện hàm ân, báo đáp, coi trong lời thề xưa. Câu chuyện quả là một bài học luân lý.

"Mãnh hổ nan địch quần hồ"có nghĩa Hổ tuy mạnh nhưng lẻ loi làm sao chống lại với cả một bày cáo. Số đông cũng có lợi điểm của nó và đó là chiến thuật "biển người"vậy.

Có điều ngộ nghĩnh là Việ-Nam có cọp mà không nói: "dữ như cọp Hà-đông" mà lại nói "dữ như sư-tử Hà-Đông". Sư tử không có ở Việt-Nam. Nếu có chăng là ở nơi gánh xiệc hay Sở Thú mà thôi. Cọp còn được dùng để đe dọa, nguyền rủa: "Trước cho hùm cọp ăn mày, Hại Tiên sau dụng mưu này mới xong" (Vân Tiên).

Kẻ tiểu nhân lợi dụng danh nghĩa người quyền thế để bắt nạt người khác được ví như "cáo mượn oai hùm"

Mạn đàm về Cọp và lan
Hùm, Hổ thì oai phong, Hoa lan thì mỹ miều nhưng chưa thấy có ai nói đến những tương đồng và dị biệt giữa hai chủng loại trên.

Những điểm Tương đồng:

- Xuất hiện. Cọp và lan đều xuất hiện trên trái đất cả trên triệu năm. Cọp và phần lớn lan đều sinh sống trên rừng không kể lan lai tạo. Núi rừng là nơi cọp và lan cùng sinh xôi nảy nở. Nét hoang dại vẫn còn trên hoa lan và nhất là cọp. Bởi vậy mới gọi cọp là chúa sơn lâm.

- Nếu dáng dấp của cọp nhìn oai phong thì hoa lan nhìn lôi cuốn. Cà hai đều đẹp.

- Cọp và một số lan đươc ghi vào loại có nguy cơ tuyệt chủng, được bảo vệ bởi CITES (Convetion on International Trade in Endangered Species of wild fauna and flora / Hiệp-ước mậu-dịch quốc-tế đối với các động vật và thực-vật hoang giã có nguy cơ bị tuyệt chủng). Dù vậy tử suất của cọp mỗi ngày một gia tăng.

Nếu không có biện pháp ngăn ngừa, cọp sẽ tuyệt chủng trong các thập niên sắp tới.


Hoa lan cọp hay còn gọi cọp lan khi gọi những hoa lan có khoang hay đốt giống như vằn đuôi cọp.

Đó là các lan như Ansiella affricana, Brasso, Zygo, Arachnis flos-aeris với cánh hoa có khoang vằn. Cây Arachnis flos-aeris thường được gọi là lan bò cạp (scorpion orchid); cũng có người gọi là lan nhện vỉ chữ arachnis gốc chữ Hy-Lạp là arachne có nghĩa con nhện (spider).

 Người Việt hay gọi là lan cọp hay lan đuôi cọp. Lan cọp này giống như Vanda, mọc nhiều từ Sumatra, Java, Malaysia cho đến Philippines. Hoa nở vào mùa Thu từ tháng 8 đến tháng 11. Hoa rộng đến 10 cm và có mùi thơm nồng. Cây lan Arachnis-aeris có tên trong danh sách của CITES-appendis II.

- Cọp và lan đều được ưa chuộng trong kỹ nghệ làm thú nhồi bông hay làm bông giả.

Những điểm Dị biệt:
- Như đã nói phần trên,Cọp chỉ có ở châu Á trong khi Hoa lan mọc khắp năm châu với nhiều vùng khí hậu khác nhau.
- Về màu sắc, Hoa lan có muôn màu. Màu chính của cọp chỉ là màu nâu, sọc đen, đôi khi trắng (bạch hổ). Ngoài ra lan hơn cọp vì ngoài sắc, lan còn có hương thơm. Do đó mới có chữ sắc hương hay hương sắc.
- Cọp có dữ tướng làm ta khiếp sợ. Không ai giám đến gần cọp. Ngược lại, Lan lôi cuốn ta vì màu sắc, dáng dấp, hương thơm.
- Về lợi ích kinh tế, người ta săn Cọp để lấy xương, da, thịt trong khi Lan chỉ được dùng để trang trí, thưởng ngoạn; ngoại trừ lan Vanilla cho ta hột ăn được.
- Cọp và lan tuy có màu sắc rực rỡ nhưng cọp reo rắc khiếp đảm, ngược lại hoa lan đem lại cho ta một cảm giác êm dịu, thoải mái. Người thích cọp hoặc da cọp như muốn có cái oai như cọp. Người đến với lan chỉ để chiêm ngưỡng sắc đẹp, thưởng thức hương thơm.

Tuy cùng được bảo vệ vì thuộc loại quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nhưng nguy cơ này đe dọa sinh mạng của cọp gấp bội so với hoa lan.

 Người ta giết cọp để lấy da, làm thuốc thêm vào đó mức sinh sản thấp không đủ cung ứng cho nhu cầu khắp thế giới trong khi cọp chỉ sống hoang dại vùng châu Á. Mức độ gieo giống nhân tạo không cao và không đại trà. Ngược lại hoa lan thiên nhiên mọc khắp địa cầu, số cung dồi dào.

Ngoài ra nhờ tiến bộ của khoa học qua phương pháp gây giống nhân tạo, người ta có thể gây giống những cây nguyên giống và những cây lai giống. Do đó, nguồn cung cấp của hoa lan dồi dào hơn.

"Dưỡng hổ chi họa" nuôi cọp thì có ngày bị hại vào thân vì được nuôi dưỡng, thuần hóa nhưng thú tính vẫn còn và một lúc nào đó sẽ trở nên hung dữ nguy hiểm đến tính mạng người nuôi.

Người mình hay nói "nuôi ong tay áo" cũng gần với ý nghĩa đó. Ngày 10 tháng 1 năm 2010, Ông Norman Buwalda 66 tuổi là người chuyên nuôi thú dữ đã bị con hổ nuôi Siberia, nặng gần 300 kg vồ chết (BBC). Trái lại nuôi lan không có gì nguy hiểm. Nuôi trồng khéo ta có hoa đẹp rực rỡ, lan không mang hại cho ta. Người đến với hoa lan chỉ cốt có được niềm vui thanh nhã, một thư thái cho tâm hồn. Người trồng lan còn giúp tô thắm thêm hương sắc cho cái đẹp của thiên nhiên sẵn có.

Tóm lại, mạnh như hổ, yếu như lan nhưng tuỳ theo cá tính mà được con người mến chuộng.