Ngôn Ngữ “Giả Cầy” Print
Tác Giả: GS Đàm Trung Pháp   
Chúa Nhật, 14 Tháng 6 Năm 2009 14:55

 Trong thời Pháp thuộc, một nông dân Việt được mướn để làm vườn trong tư dinh viên công sứ người Pháp tại miền thượng du Bắc kỳ. Một hôm, một con hổ lọt hàng rào vào vườn, đạp nát các luống hoa, rồi lững thững trở về rừng. Buổi chiều khi viên công sứ về nhà, thấy những vết chân khổng lồ trên các luống hoa, ông không hiểu là trâu bò nhà ai đã dám cả gan vào tận tư dinh công sứ phá phách như thế. Người làm vườn giải thích cho chủ rõ là hổ đấy chứ chẳng phải trâu bò nào đâu, “Lúy tí ti dôn, tí ti noa, lúy gầm, lúy gừ, lúy măng-dê me xừ, lúy măng-dê cả moa” (Nó tí ti vàng, tí ti đen, nó gầm, nó gừ, nó xực ông, nó xực cả tôi).  Vậy mà ông tây thuộc địa hiểu ngay, rồi há hốc miệng, vung tay lên trời và chỉ nói được hai chữ “Un tigre?”(Một con hổ à?) rồi té xỉu. Người làm vườn phải dìu ông chủ vào nhà và trong bụng mừng lắm, vì ông công sứ đầy quyền uy rõ ràng đã hiểu thứ tiếng Tây “giả cầy” của mình. Đó là thứ tiếng Tây sử dụng cú pháp và lối phát âm Việt, trong đó ngữ vựng của hai ngôn ngữ phứa phừa giao duyên.

 Tác giả bài này xin tạm dùng nhóm chữ “ngôn ngữ giả cầy” với giá trị tương đương cho hai từ  pidgin và creole trong tiếng Anh. Các loại ngôn ngữ pha trộn và có vẻ kỳ cục này tồn tại nhiều nơi trên thế giới, và là phương tiện truyền thông của đổi chác thương mại, của đời sống đồn điền, và của các cuộc tiếp xúc khác trong đó những người sử dụng ngôn ngữ khác nhau đã cùng nhau thỏa thuận về một tiếng nói mới. Có một sự khác biệt đáng kể giữa pidgin và creole: không ai sử dụng pidgin như một tiếng mẹ đẻ; và khi một pidgin đã trở thành căn cơ, phức tạp hơn, hữu hiệu hơn mà lại có người sử dụng như tiếng mẹ đẻ thì pidgin đó đã thăng hoa thành một creole. Quả thực đã có một số ngôn ngữ giả cầy, tuy đôi khi vẫn mang danh pidgin, nay đã trở thành tiếng mẹ đẻ của nhiều người, điển hình là Tok Pisin ở Papua New Guinea và Hawaiian English ở Hạ uy di.

 Đại đa số các pidgins thường không thọ, kể cả tiếng Pháp và tiếng Anh giả cầy thịnh hành trong thời Pháp thuộc và trong cuộc chiến Việt Nam mà người Việt mệnh danh là “Tây bồi” và “Mỹ bồi.”  Nhưng cũng có những creoles đã trở thành ngôn ngữ quan trọng, như Haitian French Creole được hơn 4 triệu người sử dụng tại Cộng Hòa Haiti, một thuộc địa cũ của người Pháp; Gullah, với trên 200 ngàn người sử dụng dọc miền duyên hải đông nam Hoa Kỳ, là một ngôn ngữ lấy tiếng Anh làm căn bản, pha trộn với nhiều sắc thái ngôn ngữ Phi châu; và Jamaican Creole English được trên 2 triệu người sử dụng tại Cộng Hòa Jamaica.

 Về nguồn gốc chữ pidgin thì không ai dám cả quyết. Có người cho rằng đó là cách người Trung Hoa phát âm chữ business, lại có người cho rằng pidgin phát xuất từ chữ Do thái pidjom (có nghĩa là đổi chác), cũng lại có người cho rằng chữ pidgin và chữ pigeon (có nghĩa là chim bồ câu, thường được huấn luyện để đưa thư) chắc chắn có liên hệ mật thiết! Còn chữ creole thì do chữ crioulo trong tiếng Bồ đào nha (có nghĩa đen là một người da trắng sinh ra và lớn lên tại một thuộc địa) mà ra.

 Lúc mới xuất phát, các pidgins chỉ có một công dụng rất hạn chế, như để đổi chác hàng hóa giữa người Tây phương và người bản xứ Phi châu hoặc Á châu. Trong thế kỷ 19, các đồn điền do người Tây phương làm chủ thường có một số nô lệ nói vài ngôn ngữ khác nhau làm việc. Những nô lệ nào cùng nói một thứ tiếng thường bị chủ nhân không cho liên lạc với nhau, e rằng họ có thể cùng dùng ngôn ngữ đó để mưu mô trốn thoát đồn điền hoặc làm phản. Thành ra khi các nô lệ phải nói chuyện với nhau hoặc với chủ nhân, họ phải đồng ý phát minh ra một thứ tiếng nói mới với bản chất giả cầy.

 Thoạt đầu, một ngôn ngữ loại này chỉ có một cấu thức giản dị tối đa và một số từ vựng nhỏ nhoi. Các hình dạng để diễn tả số nhiều (như “books” và “houses” trong tiếng Anh), các tiếp vĩ ngữ để phân biệt nam và nữ (như “alumno” có nghĩa là nam sinh và “alumna” có nghĩa là nữ sinh trong tiếng Y pha nho), các bảng chia động từ đều biến mất trong ngôn ngữ giả cầy này. Về từ vựng thì chỉ có từ 50 đến 300 chữ cho nên người nói tiếng này phải vận động tối đa lối nói quanh co, bóng bẩy. Chẳng hạn, khi muốn diễn tả ý nghĩ “Tôi đói bụng” thì tiếng Tok Pisin (do “talk pidgin” mà ra, lấy Anh ngữ làm chủ lực) phát ngôn  thành “Bụng thuộc về tôi đi tản bộ dài dài” tức là Belly belong me plenty walk about.

 Pidgin là sản phẩm của cả hai phe nói tiếng khác nhau. Trên lý thuyết thì cả hai thứ tiếng đều đóng góp về âm thanh, từ vựng, và yếu tố ngữ pháp. Tuy nhiên, ngôn ngữ có uy tín hơn (thường được coi là “thượng tầng” như tiếng Anh, Pháp, Tây ban nha, Bồ đào nha, Hòa lan) hầu như cung cấp phần lớn từ vựng, và ngôn ngữ kia (thường bị coi là “hạ tầng” như tiếng Tàu, tiếng Tolai, tiếng Hạ uy di, và các tiếng Phi châu) có ảnh hưởng lớn hơn về ngữ pháp.  Điển hình là trong Tok Pisin 80% từ vựng là Anh ngữ, và ngữ pháp chịu ảnh hưởng lớn của Tolai là một thổ ngữ quan trọng trong gia đình ngôn ngữ Papuan.

 Các pidgins khi trở thành creoles cần phải có chữ viết. Lối viết tốt nhất, theo ý kiến các nghiên cứu gia về ngôn ngữ giả cầy, là theo cách phiên âm với mẫu tự la-tinh (thay vì dùng chính tả quy ước của các ngôn ngữ thượng tầng xuất phát từ Âu châu). Vì vậy mà tiếng Tok Pisin viết  “too much” là “tumas” và mouth là “maus,” vì trong ngôn ngữ này âm “ch” và âm “th” đọc lên như âm “s.” Các thí dụ về Tok Pisin trong  phần còn lại của bài này đều được viết theo lối phiên âm đó.

 Với Anh ngữ đóng vai trò thượng tầng, Tok Pisin là ngôn ngữ chính thức của khoảng 1 triệu người dân nước Papua New Guinea nằm trong Thái bình dương, phía bắc Úc châu. Ngôn ngữ này đã có một ngữ pháp chính thức và một từ vựng dồi dào. Hoàng tế Philip, phu quân của Nữ Hoàng Anh Cát Lợi, đã có lần thử nói Tok Pisin nhưng bị thất bại vì dùng sai ngữ pháp! Khi nghe ông diễn tả “hoàng tế” là “fella belong Mrs. Queen” thì dân chúng Papua New Guinea cười bể bụng vì ngữ pháp Tok Pisin của họ đã bị vi phạm một cách ngoạn mục. Phải nói “man belong kwin” mới đúng là Tok Pisin chính hiệu, vì trong ngôn ngữ này chữ “fella” (đọc và viết là “pela”) không có thể được dùng ở vị trí trong cụm từ của hoàng tế Philip với nghĩa “đàn ông” hoặc “chồng.” Trong khi đó, chữ “pela” (thoát thân từ chữ “fella”) chỉ dùng làm tiếp vĩ ngữ để đánh dấu tính từ hoặc số từ trong Tok Pisin, thí dụ “tupela blakpela pik” có nghĩa là “hai con heo đen” và “yupela” có nghĩa là “các anh.” Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Tok Pisin đã trở thành một creole, tiến bộ hơn giai đoạn khởi thủy rất nhiều.  Cùng trong tiến trình này, tiếp vĩ ngữ “im” được dùng để biến một tính từ thành động từ, như trong các thí dụ sau đây: “bik” (big, large) + “im” = “bikim” (to enlarge); “nogut” (no good) + “im” = “nogutim” (to spoil). Và  sự thu gọn hoặc hoán chuyển vị trí các chữ trong câu cũng cho thấy Tok Pisin hiện đại mỗi ngày một thăng tiến hơn, chẳng hạn “kot bilong ren” (raincoat) = “kotren” hoặc “renkot.”

 Nhưng có lẽ cách ghép những chữ căn bản vào với nhau một cách đầy ấn tượng để tạo ra những chữ mới trong Tok Pisin mới thực ngoạn mục, như các thí dụ sau đây: “mausgras” (cỏ mồm) = râu mép; “gras bilong fes” (cỏ mặt) = râu; “gras bilong hed” (cỏ đầu) = tóc; “gras antap ai” (cỏ trên mắt) = lông mày; “gras nogut (cỏ không tốt) = cỏ dại.

 Trong cuốn sách mang tên Experiments in Civilization của tác giả H. I. Gogbin, xuất bản tại Luân đôn năm 1939, người đọc được thưởng thức một bài thơ rất cảm động viết bằng tiếng Tok Pisin bởi một nhà thơ khuyết danh, với lời lẽ giản dị bộc trực. Chỉ vì miếng cơm manh áo mà nhà thơ ấy phải bỏ quê nhà ra thành thị làm việc, nhưng  trong lòng lúc nào cũng rộn lên một niềm thương nhớ quê xưa, người cũ:

 Pes bilong mi i namerwan
Mi laikim im, tasol
Mi tink long papa, mama tu
Mi krai long haus bilong ol

 Quê tôi hạng nhất trên đời
Tôi yêu nó, có vậy thôi
Tôi nghĩ đến cha và mẹ nữa
Tôi sót thương cho mái nhà chung

 Mi wok long ples i longwe tru
Mi stap nogut, tasol
Brader, susa tu
Long taim wetim mi
Ol tink mi lus long si

 Vì miếng ăn tôi xa nhà thực
Mà bỏ làm thì khó, thế thôi
Anh và chị thân yêu tôi nữa
Ngóng tôi về từ bấy lâu nay
Giờ chắc nghĩ tôi chìm sâu đáy biển

 Nau mi kirap, mi go long ples
Mi nokin lusim mor
Ples bilong mi i namerwan

 Phút này đây tôi đứng dậy, trở về
Vì không thể cách xa nơi ấy nửa
Quê hương tôi hạng nhất trần gian

 Mặc dù nhiều người vẫn còn coi nhẹ các loại tiếng giả cầy – người Pháp còn gọi loại ngôn ngữ này ở Phi châu là petit nègre (mọi đen con) vì nó ít từ vựng và dùng ngữ pháp thô sơ như con nít – các loại ngôn ngữ rất đặc thù này đã thành công trong sứ mệnh truyền thông giữa người với người, và đó là mục đích chính của bất cứ một ngôn ngữ nào. Chúng cũng chúng minh hùng hồn được khả năng sáng tạo của bộ óc con người khi nhu cầu truyền thông đòi hỏi. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn những ngôn ngữ giả cầy của nhân loại dưới một ánh mắt độ lượng hơn.