Giới thiệu sách - Paul Midler: Poorly Made in China Print
Tác Giả: Diên Vỹ chuyển ngữ   
Thứ Ba, 07 Tháng 9 Năm 2010 14:18

Mùa hè sắp hết, tôi đang tìm một cuốn sách hay về Trung Quốc để đọc và gặp được cuốn Poorly Made in China (Sản xuất tồi tại Trung Quốc) của Paul Midler.

Midler đã trải qua gần hai thập niên sống và làm việc tại Trung Quốc, trong thập niên sau ông giúp những người nước ngoài vượt qua những thử thách trong việc sản xuất hàng hoá ở Trung Quốc.

Tôi không hiểu vì sao mình đã bỏ qua cuốn sách này khi nó mới vừa xuất bản, nhưng tôi vui vì nó hiện đang nằm trên bàn của mình. Đây là một trong những cuốn sách thương mại hay nhất về Trung Quốc mà tôi đọc được trong một thời gian rất dài.

Phần lớn của cuốn sách đi theo những thương vụ mà Midler đã làm việc với các thương gia người Mỹ, ví dụ như Bernie trong lĩnh vực sản phẩm tắm gội và Frank trong quản lý rác thải. Chúng không phải là những chú thích ngắn gọn mà là những trường hợp nghiên cứu công phu, được kể bởi giọng văn hấp dẫn và đôi khi hài hước của Midler.
Nhưng điều làm cho cuốn sách này không đơn giản chỉ là một cuốn sách giải trí là khả năng của Midler trong cách ông quan sát những thương gia nước ngoài mà ông cố vấn qua con mắt của những nhà sản xuất Trung Quốc. Midler không chỉ đơn giản du lịch sang Trung Quốc, đi lanh quanh một thời gian rồi viết một cuốn sách dựa trên ấn tượng của mình.

Ông cho thấy một tầm hiểu biết sâu đậm về tâm lý làm ăn của người Trung Quốc, làm nổi bật lý do tại sao việc làm ăn tại Trung Quốc vừa rất hấp dẫn lại vừa rất khó khăn. Trong nhiều trường hợp, ông cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc khởi đầu với mức độ phục vụ cũng như sản xuất thành phẩm tuyệt vời, để rồi sau đó lại hạ cấp chất lượng và tăng giá một khi đối tác nước ngoài đã đầu tư quá nhiều để rút lui cũng như đã chuyển giao những công nghệ quan trọng - ông gọi đây là "sự nhạt phai chất lượng."

Nếu hoặc khi các công ty nước ngoài phát hiện ra những nhà sản xuất Trung Quốc của họ đã làm rẻ đi chất lượng sản phẩm (đôi khi với hệ quả chết người như vụ sữa melamine tai tiếng vài năm trước), nhà sản xuất Trung Quốc chỉ đơn giản bán lại sản phẩm ấy cho những nước có nền kinh tế đang phát triển, nơi tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng thường ít khắt khe hơn.

 Điểm lớn hơn mà Midler muốn nói ở đây là chúng ta thật ngây thơ khi nghĩ rằng Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất của Trung Quốc - Các nhà sản xuất Trung Quốc có một số thị trường cho những loại và cấp độ chất lượng hàng hoá khác nhau. Họ có thể xoay trở để tiếp tục làm ăn theo kiểu của mình.

 Midler cũng cho thấy rằng việc miễn cưỡng lên tiếng của công nhân Trung Quốc khi họ phát hiện những sai phạm là một vấn đề văn hoá sâu đậm: những người lên tiếng chống tiêu cực không phải là anh hùng mà là "thành phần phá hoại" đang "tìm tư lợi cá nhân." Trong rất nhiều trường hợp, Midler minh hoạ rằng người Mỹ hoàn toàn bị các đối tác Trung Quốc bịt mắt khi làm ăn - mặc dù sau này một số trong họ tìm cách trả đũa lại một cách tương xứng.

Chắc chắn là tôi không thể tự nhận công khám phá ra cuốn sách này: nó đã được tặng danh hiệu "Say hay nhất năm 2009" bở tờ Economist. Nhưng tôi có thể chạy theo số đông và đồng ý rằng đây là cuốn sách "cần phải đọc" cho những ai quan tâm đến thế giới của Trung Quốc và là cuốn sách "nên đọc" cho những người khác.
 
 Nguồn: Elizabeth C. Economy, Council on Foreign Relations