Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-10-2012 Print
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Sáu, 12 Tháng 10 Năm 2012 08:29

 Mạc Ngôn, ông là ai ?

 


Truyện của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn được trưng bày tại Hội chợ Frankfurt, Đức, 11/10/2012
REUTERS

 

Chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông François Hollande nhân Thượng đỉnh khối Pháp ngữ, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chỉ trích chính sách khắc khổ của châu Âu là hai đề tài lớn được các báo quan tâm.

Nhưng ở phần tin văn hóa, sự kiện nổi bật là Nobel Văn học 2012 về tay nhà văn Trung Quốc, Mạc Ngôn.
 

Các báo Pháp phác họa lại chân dung và hành trình văn học của một nhà văn với bút hiệu rất lạ là « Không Nói – Mạc Ngôn ».

L'Humanité mệnh danh ông là « một Rabelais của Trung Quốc ».Trong lúc chính Ủy ban Nobel lại so sánh tác giả Trung Quốc với những William Faulkner của Mỹ hay Gabriel Garcia Marquez, tác giả của « Trăm năm cô đơn » và « Tình yêu thời thổ tả ».

« Một giải Nobel đáng ghi nhớ », tựa của tờ Libération. Tờ báo chơi chữ với tính từ « épique ». Trong tiếng Pháp « épique » vừa có nghĩa là « đáng ghi nhớ », vừa có nghĩa là « mang tính sử thi ».

Libération không quên lưu ý độc giả : Mạc Ngôn không phải là văn sĩ Trung Quốc đầu tiên đoạt Nobel, bởi vì trước ông, một nhà văn lớn khác người Trung Quốc là ông Cao Hành Kiện vào năm 2000 đã đăng quang với tác phẩm « Linh sơn ». Thế nhưng, Cao Hành Kiện đã từ bỏ quê hương để sống lưu vong tại Pháp và từ năm 1997 ông đã nhập quốc tịch Pháp. Chính quyền Bắc Kinh ngày đó đã bực mình vì giải thưởng tặng cho Cao Hành Kiện.

Lần này, quyết định của Ủy ban Nobel không gây tranh cãi, do những tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã được nhìn nhận và đánh giá cao cả ở trong lẫn ngoài nước. Tính từ đầu thập niên 80 tới nay, nhà văn 57 tuổi này đã sáng tác khoảng 80 tiểu thuyết và truyệt ngắn, trong số đó 17 tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp.

« Báu vật của đời », « Hồng cao lương gia tộc », « Tửu Quốc », « Đàn hương hình » là những tác phẩm đưa tên tuổi ông đến với độc giả thế giới. « Hồng cao lương gia tộc » từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa lên màn ảnh lớn qua bộ phim mang tựa đề « Cao lương đỏ ». Bộ phim này từng đoạt giải Gấu vàng của liên hoan điện ảnh phim quốc tế Berlin năm 1988.

Tuổi thơ cơ cực

La Croix nhắc lại tuổi thơ cơ cực của Mạc Ngôn gắn liền với mảnh đất nơi ông sinh ra là huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Ông từng trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966, từng bị đói kém và bị bắt nghỉ học vì lý lịch gia đình.

 Năm 1976 khi Mao Trạch Đông qua đời, ông nhập ngũ và từ đó trở đi Mạc Ngôn không ngừng sáng tác. Nhưng phải đến đầu những năm 80, ông mới tìm được một chỗ đứng trên văn đàn Trung Quốc.

Theo như lời dịch giả Sylvie Gentil, người đưa những tác phẩm của ông đến với độc giả Pháp, điểm son của Mạc Ngôn là ông « thấm nhuần và làm chủ được vặn học ngoại quốc (Nhật, Nga), để từ đó tạo ra một ngôn ngữ riêng biệt ».

 Năm 2009 trong một buổi nói chuyện dành cho báo La Croix, giải Nobel Văn học tương lai Trung Quốc này đã thổ lộ : « Ông nghiện viết như người ta nghiện rượu, càng viết lại càng say ». Chính vì thế mà tờ báo Pháp La Croix cho rằng : « Thế giới hư cấu của Mạc Ngôn thấm đẫm lịch sử xã hội và nhân văn Trung Quốc ».

Chứng nhân của lịch sử đương đại Trung Quốc

Với văn phong đa sắc thái, ông đã vạch trần « thái độ hèn nhát của những cán bộ cộng sản Trung Quốc, hay sự tàn bạo trong guồng máy chính trị » trên quê hương mình. Nhưng bên cạnh đó thì « mỗi nhân vật của Mạc Ngôn đều rất giàu lòng nhân ái và rộng lượng ».

Bản thân nhà văn Mạc Ngôn thường bị chỉ trích thân chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Về điểm này, La Croix bênh vực cho tác giả khi cho rằng : « Ở cương vị một nhà văn, ông đã thành công ít nhất trên một điểm, đó là không đem văn học để phục vụ Đảng và Nhà nước.

Mạc Ngôn là một nhân chứng của thời đại, và những tác phẩm của ông nói lên những thay đổi đột ngột mà xã hội Trung Quốc đã và đang trải qua ».

Hai lần trả lời báo Cộng sản L'Humanité vào năm 2004 và 2009, Mạc Ngôn đã khẳng định : Ông viết văn không phải để phê bình chế độ hay xã hội. Đó không phải là mục đích ông hướng tới. Bởi lẽ ông không đại diện cho một ai.

Năm năm sau buổi nói chuyện đầu tiên với phóng viên của tờ L'Humanité, cũng nhà văn người Trung Quốc này nhắc lại : « Trong sách, tôi nghiêm khắc với guồng máy hành chính quan liêu, nhưng tôi chỉ phê bình với tư cách của một người viết văn. Những phê bình đó chỉ phản ánh qua những gì tôi viết hay kể lại trong sách. Tôi không phải là một nhà văn muốn can thiệp trực tiếp vào các hoạt động chính trị. Làm như thế không có ích ».

Mạc Ngôn, một nhà văn thân chế độ ?

Thông tín viên của báo Libération tại Bắc Kinh cho biết là cách nay không lâu, khi được hỏi ông nghĩ gì về việc giải Nobel Hòa bình năm 2010, Lưu Hiểu Ba bị lãnh án 11 năm tù, tác giả « Báu vật của đời » đã trả lời là ông không hay biết chuyện đó và không muốn bình luận nhiều về trường hợp của nhà bất đồng chính kiến họ Lưu.

Cũng vì muốn tránh làm phật lòng Bắc Kinh, ông Mạc Ngôn đã hai lần từ chối ra nước ngoài tham dự hội chợ sách quốc tế. Lần thứ nhất là vào năm 1989, vài tháng sau biến cố Thiên An Môn, và lần thứ nhì là vào năm 2009.

 Vào năm 2009, hai nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc là khách mời của hội chợ sách Frankfurt. Nhìn đến sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn, thì tới nay, chỉ có một cuốn sách duy nhất của ông bị « kiểm duyệt », đó là « Báu vật của đời » với lý do tác phẩm này có nhiều « tình tiết nóng » !

Le Figaro trở lại với câu hỏi Trung Quốc đón nhận thế nào giải thưởng Nobel năm nay ?

Mọi người còn nhớ, mới chỉ cách nay 2 năm (tức là vào năm 2010) khi Ủy ban Nobel trao tặng giải thưởng Hòa bình cho nhà đấu tranh nhân quyền Lưu Hiểu Ba, thì chính quyền Bắc Kinh đã « nổi cơn thịnh nộ » và gọi các thành viên Ủy ban này là « những thằng hề ».

 Lần này, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc đã không che giấu niềm tự hào khi ghi nhận « Đây là giải Nobel Văn học đầu tiên được trao tặng cho một nhà văn Trung Quốc. Các văn sĩ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đã đợi quá lâu » để được vinh dự này.

Le Figaro lưu ý độc giả rằng Nhân Dân nhật báo quên mất sự kiện ông Cao Hành Kiện được vinh danh cách nay đúng một con giáp.

Pháp và châu Phi

Trở lại với đề tài chính được các báo Paris trong ngày quan tâm nhiều, đó là chuyến công du châu Phi đầu tiên của ông tổng thống Pháp.

Ông François Hollande « tìm kiếm một chiến lược mới cho châu Phi », Paris muốn « mở ra một trang sử mới » với châu lục này vào lúc tổng thống Pháp lần đầu tiên đặt chân đến châu Phi. Senegal là chặng đầu, trước khi ông Hollande đến dự Thượng đỉnh khối Pháp ngữ tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Le Monde trong bài viết mang tựa đề « Hollande và châu Phi : Thời gian của sự sáng suốt » nhấn mạnh là tổng thống Pháp muốn thiết lập mối quan hệ êm ả với châu lục này.

Tờ báo ghi nhận việc tổng thống Pháp đến dự Thượng đỉnh tại Kinshasa là một tín hiệu mạnh Paris gửi đến các nước sử dụng tiếng Pháp tại châu Phi và cũng là một cú hích để thúc đẩy trở lại « khối Pháp ngữ », qua đó tăng cường ảnh hưởng của Pháp đối với một khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ ngày càng lớn.

Theo quan điểm của báo Le Figaro thiên hữu, thì chuyến công du châu Phi của ông François Hollande lần này được coi là « nhậy cảm » do quan hệ phức tạp giữa Pháp với các nước thuộc địa cũ.

Châu Âu : Chính sách khắc khổ ngày càng bị chỉ trích

Trong phần thời sự kinh tế các báo tập trung vào việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế yêu cầu châu Âu « nới lỏng các biện pháp khắc khổ » như tựa của Les Echos cho thấy. Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bà Christine Lagarde « chỉ trích » chính sách của khối euro, tựa trên phụ trang kinh tế báo Le Figaro.

Phát biểu tại cuộc họp thường niên đang diễn ra tại Tokyo, lãnh đạo IMF, bà Christine Lagarde, nhìn nhận : « Có lẽ châu Âu nên cần có thời gian » để giải quyết nợ công và thâm hụt ngân sách Nhà nước.

Về trường hợp của Hy Lạp, Les Echos nhấn mạnh đến bất đồng ngày càng lớn giữa quan điểm của IMF với chính quyền Berlin. Cụ thể là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế muốn triển hạn thêm thời gian 2 năm để cho Athèns cân bằng hóa ngân sách Nhà nước. Lập tức bộ truởng Tài chính Đức đã bác bỏ đề nghị này.

Nói cách khác, Hy Lạp vẫn chưa có hy vọng trông thấy « ánh sáng cuối đường hầm ».

Trong khi đó, không phải tình cờ mà IMF kêu gọi châu Âu « nhẹ tay » với các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Một báo cáo vừa được nhiều viện nghiên cứu kinh tế Đức công bố cho thấy, khủng hoảng châu Âu kéo dài làm mai một đà tăng trưởng của toàn khối và bắt đầu đe dọa đến sức mạnh kinh tế của bản thân nước Đức. Đành rằng Đức là đầu tàu số một của cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn khu vực đồng euro, nhưng với đà này, tăng trưởng của Đức vào năm 2013 có nguy cơ bị giảm đi phân nửa.