Trung Quốc tăng tốc xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa Print
Tác Giả: TN   
Chúa Nhật, 28 Tháng 10 Năm 2012 07:34

“thị trưởng Tam Sa” Tiêu Kiệt công bố chương trình xây dựng nhà ở đảo Phú Lâm với tổng đầu tư gần $3 triệu USD

HẢI KHẨU, Hải Nam (NV) -Nhà cầm quyền Trung Quốc loan báo các kế hoạch đang được đưa ra để thúc đẩy nhanh chương trình phát triển ở quần đảo Hoàng Sa, phần lớn tập trung vào đảo Phú Lâm, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Một con đường đặt tên là đường Bắc Kinh ở đảo Phú Lâm mà Trung Quốc
cướp của Việt Nam năm 1974. (Hình: Tân Hoa Xã)

Một bản tin được đăng tải trên Tân Hoa Xã và lập lại trên tờ Trung Quốc nhật báo hôm Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012 thuật lời Tưởng Ðịnh Chi, chủ tịch tỉnh Hải Nam nói, “Chúng tôi thúc đẩy nhanh các dự án xây dựng ở Tam Sa trên nhiều lãnh vực gồm giao thông, viễn thông, cấp nước và điện, tiếp vận cũng như xử lý nước thải và rác.”

Ông Chi nói như thế trong cuộc hội thảo về khai thác các vùng biển được tổ chức ở thành phố Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam. Ðồng thời loan báo các dự án phục vụ cho các chương trình phát triển tài nguyên ở “Tam Sa” sẽ được ưu tiên.

Lời nói của Tưởng Ðịnh Chi chỉ lập lại những lời loan báo từ hồi tháng trước mà Tân Hoa Xã đã loan báo nhằm phát triển thành phố Tam Sa (trực thuộc tỉnh Hải Nam), tức ba nhóm quần đảo bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1, 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH. Ðến năm 1988 thì đem lực lượng tới quần đảo Trường Sa cướp một số đảo nhỏ và bãi đá ngầm của Việt Nam.

Trong cuộc họp ở Hải Khẩu, Tưởng Ðịnh Chi đồng thời loan báo nhà cầm quyền Trung Quốc cũng sẽ hậu thuẫn nhiều hơn nữa cho các chương trình phát triển từ ngư nghiệp, du lịch đến khai thác dầu khí ở các quần đảo cướp của Việt Nam.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN rất nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động của Bắc Kinh ở “Tam Sa” đặc biệt là tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng đảo) trong quần đảo Hoàng Sa. Nhưng những lời phản đối suông của Hà Nội trong thế yếu nước nhỏ đã không hề làm Bắc Kinh động lòng dù mỗi khi các lãnh tụ hai nước gặp nhau đều ca ngợi tình nghĩa “16 chữ vàng” với tinh thần “4 tốt.”

Ðảo Phú Lâm bị Trung Quốc dùng làm đảo chính yếu làm bàn đạp để phát triển cả khu vực.

Tháng 9 vừa qua, Tân Hoa Xã thuật lời “thị trưởng Tam Sa” Tiêu Kiệt công bố chương trình xây dựng nhà ở đảo Phú Lâm với tổng đầu tư gần $3 triệu USD gồm cả việc xây dựng các hệ thống cảng để vận tải liên tuyến giữa các đảo, một xưởng đóng tàu và phát triển đảo triệu Thuật (tức đảo Cây).

Ngày 24 tháng 7, 2012, Bắc Kinh chính thức đặt tên 3 nhóm quần đảo trên Biển Ðông là “Tam Sa” phản ứng lại một đạo luật về Biển của Việt Nam xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các thành phần của đất nước Việt Nam. Sau đó, Bắc Kinh loan báo đặt tỉnh lỵ của Tam Sa ở Phú Lâm (Vĩnh Hưng) và đồng thời đặt bộ chỉ huy quân sự tỉnh tại đây.

Báo chí quốc tế đã bình luận và đả kích mạnh mẽ các hành động bá quyền nước lớn của Trung Quốc trên biển Ðông. Các cuộc họp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo từ mấy năm qua có vẻ không nhúc nhích được bao nhiêu. Tuy Hà Nội không nói ra nhưng giới chuyên viên quốc tế cho rằng Bắc Kinh không hề chấp nhận cho Việt Nam đề cập để chủ quyền quần đảo Hoàng Sa khi họ đã cướp trọn từ lâu.

Ngư dân Việt Nam khai thác hải sản gần Hoàng Sa đều bị Bắc Kinh bắt giữ đòi tiền chuộc hoặc đâm chìm tàu.

Bản tin Tân Hoa Xã thuật lời chủ tịch Hải Nam, Tưởng Ðịnh Chi, cho thấy Bắc Kinh không hề có ý định thay đổi lập trường.

Ngày Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012, Trương Chí Quân, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, được tân Hoa Xã tường thuật nói với báo chí là “sử dụng mọi biện pháp võ lực để đáp trả các hành động thử thách chủ quyền lãnh thổ.” Lời đe dọa của ông này tuy nhắm vào Nhật Bản trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Ðiếu Ngư, nhưng cũng có thể hiểu chủ trương của một Trung Quốc to lớn và hùng mạnh quân sự và kinh tế hiện nay, đang làm thức dậy tham vọng bá quyền đã nguội được ít trăm năm. (TN)