Bóng đá - Kết quả sau vòng đầu - Tại sao banh ở World Cup khó đá Print
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Bảy, 26 Tháng 6 Năm 2010 05:55

Kết quả sau vòng đầu

 
Còn lại 16 đội sẽ đụng với nhau như sau:
 
- Uruguay - Nam Hàn
- Mỹ - Ghana
- Đức - Anh
- Á Căn Đình - Mễ Tây Cơ
- Hòa Lan - Slovakia
- Ba Tây - Chí Lợi
- Paraguay - Nhật Bản
- Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha
 
Vài nhận xét:

 

- Á Châu lần này đạt thành tích hy hữu với 2 đội Nam Hàn và Nhật Bản được vào vòng trong, chỉ có Bắc Hàn bị loại (đội này bị thủng lưới nhiều nhất, lảnh đến 12 quả).
- Mỹ Châu cũng không kém với 7 đội trên 8 được vào vòng trong (chỉ có Honduras bị loại). Trong số 7 đội, sẽ có 4 đội sẽ đụng với nhau nhưng 2 đội Ba Tây và Á Căn Đình được may là sẽ không phải đụng với nhau.
- Phi Châu thảm hại, chỉ có một đội Ghana được vào vòng trong trên tổng số 6 đội.
- Úc Châu 100 % thất bại với 2 đội Úc và Tân Tây Lan bị loại.
- Âu Châu lần này chỉ có 6 đội được vào vòng trong và 6 đội này sẽ đụng với nhau, nhu vậy chắc chắn chỉ còn 3 đội vào tứ kết.
- 2 đội nhất và nhì ở World Cup 2006 là Ý và Pháp đều bị loại và thê thảm hơn nữa là 2 đội đều đứng hạng chót trong bảng của mình.
- 2 trận đấu sẽ rất ngang ngửa là Đức vs Anh và Tây Ban Nha vs Bồ Đào Nha.
 
 
Tại sao banh ở World Cup 2010 khó đá?

Những cầu thủ đang tham dự World Cup tại Nam Phi nhận thấy nhiều hiện tượng bất thường trong những cú sút vì họ đang chơi banh ở một nơi cao tới 1.680 m.
Nhiều cầu thủ phàn nàn rằng trái bóng Jabulani di chuyển nhanh và có quỹ đạo khó lường.

Nhiều cầu thủ phàn nàn rằng trái banh Jabulani di chuyển nhanh và có quỹ đạo khó lường. Ảnh: sportpost.com.

Livescience cho biết, độ cao càng tăng thì áp suất không khí càng giảm, mà áp suất không khí càng giảm thì trái banh di chuyển càng nhanh và thẳng.
“Khi các cầu thủ thi đấu ở Johannesburg, trái banh sẽ di chuyển theo cách hoàn toàn khác so với khi chúng ở những nơi thấp do sự khác biệt về mật độ không khí. Nếu theo dõi những trận đấu gần đây, bạn thường xuyên chứng kiến cảnh banh bay quá xa so với vị trí của cầu thủ trong những đường chuyền dài. Tôi nghĩ áp suất không khí thấp gây nên hiện tượng đó”, Rabi Mehta, một kỹ sư hàng không của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhận xét.
Khi banh lăn trên sân hoặc bay trên không trung, lực cản của không khí sẽ khiến tốc độ của nó giảm dần, còn lực nâng của không khí khiến nó bay lên theo quỹ đạo cong. Khi độ đậm đặc của không khí giảm, cả lực cản và lực nâng đều yếu hơn. Vì thế, nếu cầu thủ sút banh lên không trung ở Johannesburg, banh sẽ di chuyển nhanh và thẳng hơn so cú sút tương tự ở những nơi thấp.
Mehta cho rằng những cầu thủ ý thức được tác động của độ cao đối với các nguyên lý khí động học sẽ có lợi thế hơn so với những cầu thủ khác.
“Khi một cầu thủ muốn thực hiện cú chuyền dài cho đồng đội, anh ta phải đá vào trái banh với một lực nhẹ hơn so với thói quen, bởi nếu không trái banh sẽ bay quá vị trí cần thiết”, Mehta giải thích.
Ngược lại, khi cầu thủ sút banh về phía cầu môn đối phương, thủ môn đối phương rất dễ bắt trượt banh và để nó chui vào lưới. Trong trận đấu giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Mỹ vào ngày 12/6, thủ môn Robert Green của đội Anh để banh vuột khỏi tay rồi chui vào lưới sau một cú sút từ phía cầu thủ Mỹ. Nhiều người cho rằng độ nảy quá lớn của trái banh cùng chuyển động khó đoán của nó khiến thủ môn Green mắc sai lầm.

Trái bóng Jabulani có thể khiến nhiều thủ môn mắc sai lầm.


Mehta cũng nghiên cứu các yếu tố liên quan tới khí động lực của Jabulani - trái banh đang được sử dụng tại World Cup 2010. Nhiều cầu thủ phàn nàn rằng trái banh này di chuyển nhanh hơn và có độ nảy lớn hơn. Vì thế cầu thủ và thủ môn rất dễ mất banh khi nó được đá mạnh. Vấn đề lớn nhất đối với trái banh này là nó thường xuyên chuyển hướng rất bất ngờ. Nguyên nhân là banh Jabulani không xoay khi nó bay trên không trung.
Banh Jabulani không có độ nhẵn hoàn hảo vì nó có nhiều đường rãnh giữa 8 miếng ghép. Bên cạnh đó nó còn có các gờ nổi. Sự hiện diện của gờ và rãnh tạo nên luồng không khí bất đối xứng xung quanh trái banh. Những lực tác động không đối xứng của không khí khiến banh dễ chuyển hướng.
Ngoài ra, Mehta còn cho rằng cầu thủ có thể gặp nhiều vấn đề về thể chất khi thi đấu ở nơi quá cao so với mực nước biển. Không khí loãng hơn đồng nghĩa với việc họ lấy vào cơ thể ít khí oxy hơn. Như vậy cầu thủ sẽ phải hít thở mạnh hơn và nhiều hơn để lấy đủ oxy vào các cơ. Trên thực tế con người có một cơ chế thích nghi khi độ cao thay đổi. Chẳng hạn, khi tới độ cao lớn hơn, cơ thể chúng ta sẽ sản xuất thêm hồng cầu để tăng lượng oxy trong máu. Nhưng việc sản xuất thêm hồng cầu cần khá nhiều thời gian. Vì thế những cầu thủ đang sống ở những nước có độ cao tương đối so với mực nước biển hoặc tới Nam Phi đủ sớm sẽ kịp thích nghi với bầu không khí loãng ở nơi đây.