Mẹ Việt Nam Print
Tác Giả: Trà Lũ   
Thứ Năm, 14 Tháng 5 Năm 2009 01:51
Đất Canada này có 4 mùa rõ ràng, mùa nào ra mùa đó. Tháng trước trời còn băng giá, mặt đường còn vương vấn lớp tuyết mỏng, tháng này trời đã ấm, cây cỏ đã bắt đầu xanh tươi. Vườn nhà tôi hoa tulip đã nở, và đàn sẻ đã bắt đầu ríu rít chuyện trò.

Ngay đầu mùa xuân, ông ODP mời cả làng đến ăn tiệc. Tiệc nha, quan trọng lắm. Chưa bao giờ ông vui đến thế. Ông báo tin thằng cháu đích tôn của ông vừa đoạt giải ưu hạng của Trung Tâm Đa Văn Hóa Canada. Đây là cuộc thi dành cho các học sinh lớp 12, sắp lên đại học. Đề bài là ‘ Em hãy giới thiệu quê hương của em, em hãy viết ngắn gọn trong một trang giấy’.

Ông kể: Cháu mang đề tài về nhà, tra cứu sách vở cùng khắp, nhưng vặt đầu vặt tai vì không thể cô đọng các tài liệu về quê hương Việt Nam trong một trang giấy. Cái khó là ở chỗ đó. Ông nổi hứng liền nhảy vào giúp cháu đích tôn. Ông bảo cháu: Mình không nên giới thiệu đất nước theo lối giáo khoa thông thường, nghĩa là không nên bắt đầu bằng vị trí địa dư, sơ lược lịch sử, con người, chính quyền, kinh tế tài chánh, ngôn ngữ.. . , mà nên nói ngay tới mấy điều đặc sắc nhất mà những nước khác không có. Thấy cháu vẫn còn lúng túng chưa biết bắt đầu thế nào, ông đã viết ngay xuống giấy đoạn mở đầu, như thế này:

Thưa quý vị,

Thế giới chỉ biết đến Mông Cổ, một nước nhỏ bé ở phía bắc Trung Hoa, đa số dân chúng sống trên lưng ngựa, đã chiếm trọn nước Trung Hoa khổng lồ và cai trị Trung Hoa qua nhiều triều đại.

Thế giới chỉ biết đến đoàn kỵ binh Mông Cổ bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Cát đã tung hoành và dày xéo những giải đất mênh mông từ đông sang tây, đến tận Âu Châu.

Nhưng thế giới hình như đã không hề biết đến việc này: đoàn quân bách chiến bách thắng đó đã bị chận đứng lại ở phương Nam, không những một lần mà những ba lần, đã bị đánh bại một cách nhục nhã, đoàn bại binh đã phải rút về nước trong hỗn loạn và kinh hoàng.

Thưa qúy vị,

Cái nước nhỏ bé đó, cái nước nhỏ xíu David đã đánh bại nước không lồ Goliad đó, chính là nước Việt Nam chúng tôi... .

Ông ODP kể tiếp: Thấy cháu tỏ ra hứng khởi về phần nhập đề này, tôi bèn giúp tiếp. Tôi bảo cháu nên khai thác tối đa mặt ngôn ngữ. Rằng nước Việt Nam bị Tàu cai trị một ngàn năm nhưng không hề bị đồng hóa. Tiếng Việt Nam hoàn toàn khác tiếng Tàu. Tiếng Tàu chỉ có bốn thanh, tiếng VN những 8 thanh. Người ngoại quốc nghe người VN nói chuyện thì như nghe hát. Về văn tự, xưa kia chữ viết của Việt Nam cũng như của Nhật Bản và Cao Ly đều có dạng như chữ Tàu, nhưng các đây 300 năm Việt Nam đã dùng dạng ABC dễ học, dễ đọc, dễ viết, trong khi Nhật Bản và Cao Ly vẫn loay hoay chưa làm được. Ngay cả người Trung Hoa dùng phương pháp Pin-Yin và Wade-Giles cũng chưa làm được. Chưa hết. Nghe người Anh người Pháp nói chuyện, ta có thể hiểu ý câu chuyện nhưng ta không biết được mối liên hệ giữa hai người vì cách xưng hô chỉ có I – You, Je – Vous, còn khi nghe người VN nói chuyện thì ngoài câu chuyện, ta sẽ biết thêm được liên hệ xã hội và tình cảm giữa hai người vì cách xưng hô trong tiếng Việt nói lên điều đó. Chưa hết, ông còn bảo cháu nội khai triển câu nói nổi tiếng ‘ Sao không bảo nó đến’. Câu này vỏn vẹn có 5 chữ mà có trên 50 nghĩa khác nhau nếu ta đảo lộn thứ tự 5 tiếng này, chẳng hạn như: Không bảo nó đến sao? Đến, sao không bảo nó ? Bảo nó đến, sao không ? Đến nó bảo không sao !. . .

Dân làng An Lạc của tôi đã say sưa nghe ông ODP khoe về cháu nội. Anh John lên tiếng hỏi ông về câu ‘Sao không bảo nó đến’. Anh chưa hề biết chuyện này. Ông ODP trả lời ngay: Đó là một câu nổi tiếng trong luận án tiến sĩ văn chương ‘ Le parler vietnamien ’ thời danh của LM Lê Văn Lý trình ở Viện Đại Học Paris năm 1947. Luận án này được chấm hạng tối ưu, magna cum laude, vì nó đã mở ra một lối nhìn cách mạng về ngôn ngữ tiếng Việt.

Anh John lại mở sổ tay ra biên chép. Anh bảo anh học tiếng Việt đã bao năm mà vẫn chưa học hết những điều tuyệt diệu của ngôn ngữ này.

Rồi đến bữa ăn. Ai cũng náo nức và hồi hộp vì vợ chồng ông ODP nấu ăn rất giỏi. Ông không cho biết trước thực đơn, gay cấn ở chỗ đó.

Mở đầu là phần khai vị. Ông bưng ra một đĩa pizza nóng và mời mọi người ăn theo cách của ông: pizza chấm với nước mắm tôm chanh. Dân làng cười ồ lên. Lạ qúa chứ. Nhưng mà ngon thạt các cụ a. Rõ ràng đông tây gặp nhau ở món này. Nước mắm tôm chanh của ông mùi thơm rất nhẹ nhàng. Ông cho biết bí quyết: mắm tôm cộng với nước chanh ớt cộng với chút bia. Mấy muỗng bia làm cho bát mắm loãng ra, bớt đi nồng độ, ăn vào ta thấy thơm và mát trong miệng.

Món thứ hai, cũng khai vị, là gỏi cuốn. Cầm cuốn gỏi lên, tôi vẫn thấy các loại rau thơm, vẫn thấy chút dưa cà rốt và củ cải, vẫn thấy lá hẹ dài, nhưng không hề thấy tôm và thịt. Ông đã thay tôm và thịt bằng pizza. Lại pizza nữa. Và nước chấm là nước mắm chanh ớt pha loãng như thường lệ. Ngon thật và lạ miệng thạt, mới hay chứ.

Hôm nay ông bà ODP đã đi một bước khai phá và thám hiểm. Dân làng ăn xong ai cũng gật gù. Khó tính như Cụ Chánh và Cụ B.95 cũng phải nhận hai món khai vị là độc đáo và ngon.

Bây giờ mới tới món chính. Các cụ đã đoán ra món gì chưa ? Thưa là món phở, phở Bắc chính hiệu: nước trong, bánh vừa mềm vừa dai, thịt bò chín, mấy sợi hành tây, một chút lá mùi. Tô phở bưng lên thơm ngào ngạt. Bà vợ ông ODP cho biết: nhà tôi đã bỏ ra một ngày để nấu nồi nước dùng. Ông đã tự đi chợ, mua xương ống, về ngâm rồi tẩy rồi rửa rồi nấu, rồi vớt bọt. Quả là ngon. Chị Ba Biên Hòa đòi giá sống và tương đen tương đỏ, ông ODP lắc đầu. Ông bảo phở Bắc chính hiệu không có các

thứ này. Tô phở bưng lên cho ai thì người đó phải ăn ngay. Phở phải ăn nóng mới ngon. Phở kỵ nói chuyện. An xong rồi mới nói. An phở Bắc khác với nhậu lai rai lối người Nam. Người Nam nhậu thì vừa ăn vừa uống vừa nói chuyện.

Ông ODP chủ tiệc đã biểu diễn lối ăn phở kiểu Bắc Kỳ ngày xưa: ông không dùng muỗng. Ông dùng đũa gắp thịt gắp bánh, khi xong nửa tô thì ông bưng bát phở lên miệng, ông dùng đũa và phở và thịt vào miệng rồi húp nước. Ông bảo húp như vậy thì mới thưởng thức hết được cái thơm ngon của tô phở.

Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế trong làng lần đầu tiên được ăn phở Bắc chân truyền thì thích quá sức. Các vị này còn đòi nghe chuyện phở nữa. Ông ODP húp xong tô phở rồi kể ngay. Rằng ở Saigon trước 1975 chỉ có phở Hoà đường Pasteur và phở Bà Dậu đường Công Lý là chân truyền Bắc Kỳ. Rồi ông cười hà hà. Ông bảo chuyện Phở Hoà Pasteur ly kỳ lắm. Ban đầu là do một ông Bắc Kỳ gốc Nam Định, tên Hoánh. Di cư vào Nam, ban đầu ông Hoánh ở miền Xóm Mới Gò Vấp. Vì có nghề nấu phở nên ông lần mò xuống Saigon. Ban sáng ông đi chợ mua xương bò thịt bò về nấu, ban chiều ông đẩy xe phở ra góc đường Paster và Hiền Vương đứng bán. Vì đúng hương vị ngoài Bắc nên tiếng lành đồn xa, thực khách kéo đến nườm nượp. Ông Hoánh muốn cho khách nhớ tên bèn viết bột tấm bảng. Tên Hoánh nghe nhà quê quá, ông bèn đổi thành tên Hoà. Nghe được qúa chứ. Thấy đông khách ăn phở, một bà Nam Kỳ tên Xiêm đẩy xe cà phê đến gần. Ai ăn xong tô phở ngon cũng muốn làm thêm một ly cà phê nóng, thế là hàng cà phê cũng phát tài. Ông Hoánh và bà Xiêm trở thành thân thiết. Ông Hoánh vơ tiền một thời gian thì thấm mệt vì ngày nào ông cũng phải thức dậy từ tinh mơ để chuẩn bị và quá nửa đêm mới về tới nhà. Có tiền nhưng cực quá, ông bèn nghĩ việc chuyển sang nghề khác đỡ cực hơn. Lúc đó phong trào nuôi chim cút lên cao, ông bèn bán gánh phở và truyền nghề cho Bà Xiêm rồi đi nuôi chim cút.

Nghĩ chuyện đời thật buồn cười. Ông Hoánh gốc Bắc Kỳ, bán phở Bắc Kỳ, nay bàn giao phở Bắc kỳ cho bà Nam Kỳ. Bà Xiêm Nam Kỳ từ đó tiếp tục khai thác Phở Bắc mang tên Phở Hòa Pasteur cho đến ngày mất nước. Nghe nói nhờ gánh phở này mà con cái bà Xiêm ai cũng học thành tài. Chỉ tiếc cho ông Hoánh.

Anh John ngày xưa đã từ Biên Hoà xuống Saigon ăn phở Hoà. Anh công nhận là ngon. Anh thắc mắc là sau 1975,tại hải ngoại, chỗ nào có người Việt là có hệ thống phở Hoà của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, anh không biết các hiệu phở Hòa này có liên hệ gì với ông Hoánh và Bà Xiêm không.

Ông ODP trả lời ngay là không, và cách nấu phở và mùi vị phở Hoà Kháng Chiến hoàn toàn khác phở Hoà Pasteur ngày xưa. Ông biết cách nấu phở Hoà của Kháng Chiến. Ông hẹn một ngày đẹp trời ông sẽ biểu diễn. Sở dĩ ông biết nấu vì một người đàn em của ông khi ra hải ngoại đã xin được chân nấu bếp trong hệ thống Phở Hoà. Chà, chuyện này dài và vui lắm nha bà con.

Anh John giơ tay xin lên tiếng. Anh bảo hôm nay anh sung sướng vô cùng vì được nghe một vị có thẩm quyền về phở nói tường tận về lai lịch phở Bắc. Anh muốn xin nghe một chút chuyện cười liên hệ tới phở. Phe các bà nghe đến đây thì vỗ tay râm ran vì lời xin này đúng ý các bà qúa. Các bà đang thèm tiếng cười.

Lời yêu cầu này hoàn toàn bất ngờ. Anh H.O. đoán rằng hình như ông ODP chưa sẵn sàng nên anh nhảy vào ngay. Anh có một chuyện liên hệ tới nồi phở. Rằng có một hiệu phở kia ngon có tiếng. Chủ nhân ở tầng trên và nấu phở ở tầng dưới. Bữa đó khách hàng ăn phở xong ai cũng khen nức nở: phở bữa nay ngon hết sức. Chủ nhân cám ơn và trả lời là ông vẫn nấu như thường lệ, không có gì khác thường cả. Đến khuya, khi hết khách, ông thu dọn bếp núc. Khi rửa đến cái nồi phở thì ông giật mình. Ông thấy ở đáy nồi có cái yếm của vợ. Té ra là vợ ông phơi quần áo ở tầng trên, gió đã thổi bay cái yếm của vợ mặc hàng ngày vào nồi phở mà ông không hay.

Cả làng nghe đến đây thì phá ra cười như sấm. Các bà các cô vừa cười vừa đấm nhau thùm thụp. Ông H.O. kết chuyện: Ấy là cái yếm rơi vào nồi phở mà nước phở đã ngon dữ dội như vậy, giá cái khác rơi vào thì. . . Vừa nghe tới đây thì Ông ODP chạy vội tới bịt miệng anh H.O., ông không cho anh nói hết câu. Phe các bà vỗ tay râm ran về việc này.

Ông ODP để cho mọi người cười xong thì xin kể một chuyện phở, nhưng không liên hệ tới nồi nước phở, mà liên hệ tới mối tình phở. Rằng có một bà chủ quán phở kia là người có chữ nghĩa, nhan sắc nhưng góa chồng. Bà nấu phở rất ngon. Trong số khách đến ăn phở có một ông già mê bà như điếu đổ. Chắc ông đã có lời bóng gió.Bà liền trả lời, bà dùng toàn những món trong tô phở:

Nạc mỡ nữa làm gì !
Em nghĩ chín rồi
Đừng nói với em câu tái giá


Cây si đâu có chịu thua. Cây si bèn đáp lại, cũng dùng toàn những món trong phở:

Muối tiêu đâu có ngại !
Lão còn gân chán
Thử vui cùng lão miếng gầu dai


Đối đáp như vậy là hay qúa chứ, phải không các cụ ? Mà thôi, bữa nay tôi nói về phở dài rồi, xin tạm ngưng phở.

Đọc đến đây, các cụ đã thấy làng tôi hạnh phúc chưa ? Vừa ăn ngon, vừa chữ nghĩa, vừa tiếng cười. À, mà mải kể chuyện pizza chấm mắm tôm chanh, chuyện gỏi cuốn pizza, chuyện phở, tôi quên chưa khoe chuyện chữ nghĩa. Tôi mới có tin rất vui của hai người bạn quý.

Tin vui thứ nhất là Bác sĩ Nguyễn Lương Tuyền ở Montréal, miền Québec, vừa được Đại Học Y Khoa McGill tặng giải thưởng cao quý ‘Một Đời Thành Tựu’ ( Lifetime Achievement Award ). Đại Học Y Khoa McGill xưa nay nổi tiếng khắp thế giới vì đã đào tạo ra bao nhiêu thiên tài. BS Nguyễn Lương Tuyền bạn của tôi là một trong những thiên tài chuyên về giải phẫu nhi đồng. Ngoài bàn tay vàng giải phẫu, BS Tuyền còn là người có trái tim vàng. Ông rất tha thiết với các sinh hoạt cộng đồng. Ông đã từng là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Montréal và Chủ Tịch của Liên Hội Người Việt Canada trong nhiều năm. Ông còn là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Ông gốc Chu Văn An trường Việt mà tiếng Anh tiếng Pháp của ông như gió, ông Tây bà đầm phải nể sợ. Xin chúc mừng BS Nguyễn Lương Tuyền. Bạn thật xứng đáng lãnh Giải Thưởng cao qúy Lifetime Achievement Award.

Tin vui thứ hai là BS Lê Văn Lân, người bạn vong niên của tôi ở Texas, vừa hoàn thành một công trình biên khảo rất công phu, đó là tác phẩm ‘ Phù Thuật Việt Nam’. Sách nói về các thứ Bùa và Chú trên thế giới, từ quan niệm đến thực hành. Sách phân loại bùa của mọi tín ngưỡng. Ông là người tinh thông nhiều cổ ngữ và sinh ngữ. Ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu, so sánh và trình bày. Ngay cả BS Trần Ngọc Ninh, một học giả lão thành, đã phải công nhận là đọc xong cuốn sách này ông đã học hỏi thêm được rất nhiều điều hay. Tôi là người may mắn được tác giả cho đọc trước tập bút khảo công phu và giá trị này. Sách trình bày rất trang nhã, đầy hình ảnh các loại bùa trên thế giới, do nhà Nam Việt xuất bản. Tác giả sẽ chính thức trình làng tác phẩm vào tháng Sáu này tại Texas. Xin ngả nón bái phục sự thông thái uyên bác của cây bút khảo Lê Văn Lân và trân trọng giới thiệu tác phẩm hiếm và qúy này cùng các cụ.

Bây giờ đến phần tin thời sự của Anh John.

Anh John vui vẻ kể ngay vì đây là phần mà phe các bà thích nhất.

Tin đầu tiên là Canada sẽ quy định mức tiền lời của những công ty tín dụng. Hiện nay Canada có 2 công ty lớn: Visa Canada và Master Card. Trong khi các ngân hàng đã phải hạ lãi xuất xuống thấp nhất thì những công ty tín dụng này chém chúng ta vô tội vạ. Xưa nay chúng ta đi mua sắm toàn trả bằng thẻ tín dụng, ít ai trả bằng tiền mặt. Việc này trở thành thói quen mất rồi. Cứ việc mua sắm thả giàn, cuối tháng sẽ tính sau.

Cái ‘tính sau’ này mới đau. Mây công ty tín dụng hè nhau chém khách hàng ghê qúa. Tổng trưởng tài chánh vừa lên tiếng cảnh cáo các công ty tín dụng, bắt họ phải hạ thấp tiền lời cho vay như các ngân hàng.

Cụ B.95 khi nghe đến tiếng thẻ tín dụng thì hỏi anh John đó có phải là cái thẻ nhựa lấy tiền không. Anh John gật đầu rằng đúng. Cụ B.95 liền vừa cười vừa kể chuyện ngày mới từ Hà Nội sang Canada năm 1995, cụ đã bị vợ chồng thằng con trêu đùa bằng cách bịp cụ nhiều thứ. Cụ kể: Ngày đầu chúng chở tôi đi chợ. Tới ngã tư chúng ngừng xe rồi bảo: Ở Canada này không ai giữ tiền mặt trong nhà, ai ở đây cũng bỏ tiền ỡ ngã tư. Lúc nào cần thì ra ngã tư gõ vào cái máy, cái máy liền xì tiền ra ngay. Nói rồi nó xuống xe, tiến đến cái cửa sổ, nó lấy miếng thẻ nhựa cọ vào máy và tự nhiên tiền giấy chạy ra thật. Tôi kinh ngạc vô cùng. Bỏ tiền vào túi xong, nó hỏi tôi: Mẹ đã thấy cái xứ Canada này là thiên đàng chưa ? Rõ ràng tiền con để ở ngoài đường, ở ngã tư nha. Chưa hết, khi lái xe về gần tới nhà, nó bảo ở Canada người ta không cần dùng chìa khóa để mở cửa nhà xe, mà chỉ vỗ tay một cái là cửa nhà xe hiểu ý và mở ra ngay. Nói rồi nó vỗ tay một cái, và quả thật cái cửa nhà xe mở ra. Sau này tôi mới biết là trong khi nó nói bịp tôi thì vợ nó đã bấm cái remote control. Bố cái thằng, láo thế !

Rồi anh John xin kể tiếp một chuyện rất Canada. Có lẽ chỉ ở Canada mới có chuyện này. Rằng từ khi Canada mở các sòng bài thì nhiều người đã cháy túi, đã mất hết cơ nghiệp. Dân kêu, nhưng Canada cứ cho các sòng bài tiếp tục mở. Xứ tự do dân chủ mà. Rồi dân kêu lớn tiếng. Chính quyền Canada liền ra một đạo luật bắt các sòng bài phải làm một cái máy đặc biệt để án ngữ những người đã dốc lòng chừa đánh bài. Ai muốn chừa thì đến ghi danh với sòng bài. Họ sẽ cấp cho bạn một cái thẻ ‘ chừa đánh bạc’. Hôm nào bạn bị cám dỗ qúa, cơn nghiền nổi lên và bạn quyết đi đánh bạc trở lại, thì khi bạn tới sòng bài, cái máy sẽ phát hiện ra bạn và sẽ không cho bạn vào sòng. Lý thuyềt là thế nhưng thực tế thì không vậy. Chủ sòng bài đã để cái máy lơ là. Anh Peter Dennis ở Ontario mới kiện một sòng bài ra tòa và đòi bồi thường 3 triệu. Lý do: Anh đã quyết tâm chừa đánh bài, đã ghi tên vào ‘sổ chừa’ thế mà cái máy của sòng bài vẫn để anh vào, và anh đã thua đậm, đã tiêu hầu hết gia tài. Anh vừa mất tiền vừa bị tâm thần khủng hoảng. Tòa án đã thụ lý và sẽ xử vào tháng Sáu. Chưa biết phán quyết của tòa sẽ ra sao. Các cụ phương xa đã thấy sòng bài nào lại có cái máy tân kỳ ngăn người vào như ở Canada chưa ?

Tin tiếp theo là một máy bay của Canada mới bị không tặc uy hiếp ở Jamaica. Không biết do sơ sót làm sao mà một tên điên có súng đạn đã lọt lên máy bay Canjet của Canada. Khi máy bay sửa soạn đáp xuống phi trường Jamaica thì tên điên này giơ súng ra. Hắn uy hiếp một phi hành đoàn 9 người và 159 hành khách. Canada đã tiên liệu những việc như thế này nên đã huấn luyện cho phi hành đoàn biết cách ứng phó khi bị không tặc. Phi công trưởng đã đứng ra điều đình với tên điên, bằng lòng đi thu góp tiền bạc cho đủ số nó đòi. Trong thời gian thương thuyết và đi thu tiền thì lực lượng an ninh phi trường có đủ thời gian đối phó, đã ập vào phi cơ và tên này đã không kịp phản ứng. Hắn đã bị bắt. Chính quyền Canada và Jamaica đã hết lời ca ngợi phi hành đoàn Canada. Các cụ nhớ nha, phi hành đoàn Canada giỏi thế đó.

Rồi anh John kể tin Sông Hồng Hà ở Canada gây cảnh lut lội. Khi loan tin này thì anh cứ nhìn tôi mà cười. Cái anh này lém lỉnh qúa sức. Các cụ biết ở tỉnh bang Monitoba ngay sát Ontario của chúng tôi có một con sông vừa lớn vừa dài. Đầu mùa xuân, vì thời tiết thay đổi đột ngột nên tuyết tan và băng trên mặt sông tan nhanh, nước tiêu không kịp nên đã gây cảnh lụt lội cho các khu vực ven sông. Chính quyền Manitoba đã phải lên tiếng xin chính quyền liên bang tiếp cứu. Cô Huế Cao Xuân bèn lên tiếng hỏi anh Johh tại sao anh lại đặt tên cho con sông là Hồng Hà. Anh John bèn cười hì hì. Anh bảo vì tên nó là Red River. Tên con sông này do người Da Đỏ đặt vì khi xưa đây là đất của người Da Đỏ. Tại sao Da Đỏ lại đặt tên con sông là Red River ư ? Thưa, theo lập thuyết của bác Trà Lũ thì người Da Đỏ ở Bắc Mỹ này vốn có gốc VN. Tổ tiên họ ngày xưa chính là đoàn 50 con đã theo mẹ Âu Cơ lên núi phương Bắc. Sử VN chỉ kể có thế. Nhưng theo nhân chủng học và khảo cổ học thì đoàn con này đã tiến lên cực bắc. Khi hết đường ở phía bắc thì họ tiến sang phía tây, nơi đây họ gặp eo biển Bering lúc đó còn khô cạn. Họ đã theo eo biển Bering này, và đã bước vào giải đất mênh mông, ngày nay có tên là Canada. Khi gặp con sông này, họ nhớ tới con sông Hồng Hà ở gốc tổ Việt Nam nên đem tên Hồng Hà đặt cho con sông, rồi dịch sang Anh văn là Red River cho dân da trắng dễ nhớ. Tôi phục cái anh John này qúa, thông minh lạ thường.

Nghe đến đây xong, Chị Ba Biên Hòa liền lên tiếng hỏi chủ nhà: Tháng này có lễ Hiền Mẫu, sao chưa thấy phe liền ông tán dương các bà mẹ gì cả ? Ông ODP liền trả lới ngay: Chúng tôi có chương trình vinh danh các bà nhưng chưa tới lúc thôi. Tôi chưa dám vào chương trình này vì thấy anh John kể chuyện hấp hẫn quá, và tôi thấy cả làng chăm chú nghe, không những chăm chú mà còn tỏ ra thích thú nữa nên tôi chưa dám vào đề.

Rồi ông phát biểu: Xưa nay người Mẹ vẫn là biểu tượng của Tình Yêu. Có người giải thích như sau: Tất cả nhân loại là con của Thượng Đế. Vì Thượng Đế còn phải lo việc toàn thể vũ trụ mênh mông nên Thượng Đế đã giao việc yêu thương con cái của Ngài cho các bà mẹ. Bởi vậy tình yêu của các bà mẹ xuất phát từ Thượng Đế. Bởi vậy nói tới Mẹ là nói tới tình thương, tình yêu. Theo lịch sử thì Bồ Tát Quan Thế Âm ở Ấn Độ là môt nam nhân, nhưng khi sang tới Việt Nam thì Bồ Tát Quan Thế Âm đã mang dạng người nữ, vì chỉ có ở dạng này Bồ Tát mới nói lên hết được lòng thương yêu mọi chúng sinh.

Ngay trong ngôn ngữ của chúng ta, khi nói về quê hương đất nước thân yêu, chúng ta gọi quê hương là ‘ MẸ Việt Nam’, chứ chúng ta không gọi quê hương là ‘ Cha Việt Nam’ bao giờ.

‘Mẹ Viêt Nam’ nghe thân thương làm sao !

Mẹ Việt Nam ơi, con yêu Mẹ vô cùng.