Vác Thuyền Print
Tác Giả: Trà Lũ   
Thứ Năm, 19 Tháng 5 Năm 2011 20:28

Chính cũng vì cõng cái thuyền trên lưng ( nhất định không bỏ Điều 4 Hiến Pháp) nên tập đoàn qủy VN cứ phải đi lom khom trước giặc thù Phương Bắc và bắt nhân dân cả nước cũng phải đi lom khom như mình! …

Canada đã vào xuân, vui qúa. Những ngày mùa đông vừa qua sao mà buồn thế. Các cụ nghĩ coi, không buồn sao được, mỗi lần ra khỏi nhà là phải mặc những thứ áo chống lạnh vừa to vừa nặng, đầu đội chùm hụp mũ len che kín cả mắt cả mũi. Nay thì thoải mái vô cùng. Ngày dân chúng bắt đầu nghĩ tới việc cởi bỏ y phục mùa đông là ngày lễ Phục Sinh. Tôi yêu chữ ‘phục sinh’ này quá. Không ở nước nào tôi thấy tiếng phục sinh đúng ý nghĩa như ở miền đất lạnh tình nồng này. Mùa đông thì mặt đất trơ trụi và đầy tuyết, sang mùa xuân một cái thì tự nhiên tuyết tan hết, hoa cỏ như bừng tỉnh giấc ngủ đông miên rồi trồi lên khỏi mặt đất ngay, thế không phải phục sinh là gì. Cha Paolo bao giờ cũng vừa cười vừa nói : lễ Phục Sinh là lễ mừng Chúa sống lại, ngài sống lại nên ngài kéo vạn vật cùng sống lại với ngài.

 Năm nay cả làng tôi đi dự lễ Phục Sinh ở nhà thờ Cha Paolo. Anh John và Chị Ba gốc đạo CG  đã giảng nghĩa lễ nghi cho cả làng. Ai cũng cảm động. Lễ tất, Cha Paolo xuống cuối nhà thờ chào mọi người, tay thì bắt và miệng thì nói Happy Easter. Vui vẻ qúa. Cụ Chánh tiên chỉ làng và Cụ B.95 tỏ ra xúc động.  Bắt tay và ôm cha Paolo xong, hai cụ đã chính thức mời Cha đến ăn cơm tối ngày hôm sau.

 Và Cha Paolo đã đến đúng giờ hẹn. Ông cha này là cái đồng hồ điện, các cụ ạ. Mọi năm thì làng tôi chính thức đãi tiệc Cha Paolo hai ngày : Lễ Tạ Ơn Thanksgiving, và Ngày Tết VN. Năm nay thêm ngày lễ Phục Sinh. Phe liền ông chúng tôi rôm rả tiếp Cha ở phòng khách còn phe liền bà tíu tít nấu ăn ở phòng bếp. Tôi hỏi thực đơn thì phe các bà vừa cười vừa lắc đầu không nói. Các bà bảo đây là bí mật quân sự. Ai cũng háo hức chờ đợi. Rồi bữa ăn được dọn ra. Đại diện nhà bếp, Chị Ba Biên Hòa cho biết thực đơn : bữa nay chỉ có hai món mà thôi, một món Bắc Kỳ một món Nam Kỳ. Món Bắc do Cụ B.95 đứng nấu. Một món Cha Paolo đã từng ăn, đó là món miến gà Hà Nội. Cụ B.95 trịnh trọng bưng bát miến nóng hổi để trước mặt Cha rồi cười tủm tỉm hỏi: Cha có thấy bát miến hôm nay có gì khác những lần trước không? Ông cha này có trí nhớ tốt thật, ông nói ngay : Tôi thấy có thêm miếng trứng non, mấy lát tim gà và mấy miếng tiết gà thái nhỏ. Phục ông cha này quá. Xong món Bắc Kỳ thì đến món Nam Kỳ. Đó là món Bún Bò Nam. Các cụ đọc kỹ nha, Bún Bò Nam chứ không phải Bún Bò Huế. Món này ăn khô, không chan nước. Bún ở dưới, trên là các thứ rau thơm, giá sống, dưa leo, trên cùng là thịt bò xào cháy cạnh, rồi một chút đậu phọng một chút cà rốt ngâm dấm, rồi rưới nước mắm chua ngọt. Ai cũng một đĩa lớn. Quả là ngon quên chết. Trong bữa ăn, Cha Paolo còn đòi thêm nước mắm, thế có khiếp không cơ chứ.

 Tráng miệng là mít tươi nhập cảng từ Mã Lai. Nào ai có thể ngờ được chúng ta sung sướng như thế này. Xa quê đúng nửa vòng trái đất, sống ở xứ tuyết mà lại được ăn một thứ trái cây nhiệt đới. Thiên đàng là đây chứ còn ở đâu nữa.

 Trong khi uống trà thì Cụ B.95 xin Cha Paolo nói chuyện. Cụ bảo cha nói chuyện gì cũng được, cha giảng đạo chút xíu thì càng tốt. Cha Paolo đáp ngay : Tôi không dám giảng đạo nhưng khi nhìn ra ngoài cửa sổ tôi thấy mảnh vườn của Cụ Chánh đang nói cho tôi bao nhiêu điều về Thiên Chúa. Này nha, chỉ là một mảnh đất bình thường mà từ đó cây húng cây ngò cây tía tô mọc lên và cho ta những hương và vị khác nhau, cũng từ đó cây hoa lily mọc lên, lá xanh, bông trắng, hương thơm nhè nhẹ. Cũng từ đó, cây ớt mọc lên, trái đỏ, vị cay. Cũng từ đó, cây cam mọc lên cho trái vàng ngọt lịm, cây chanh mọc lên  trái xanh múi chua… Nếu đem phân chất miếng đất đen này ta không hề thấy mầu xanh trắng đỏ, không hề thấy vị ngọt vị chua vị cay và hương thơm. Lạ lùng qúa chứ. Ai làm những việc kỳ diệu này vậy?

 Ông ODP nhanh miệng đáp ngay : Ông Trời làm. Cha Paolo mắt sáng lên : Tiếng VN gọi là do ông Trời hả? Người Công Giáo gọi là do Đức Chúa Trời. Thật là tuyệt vời. Nào có gì khác nhau đâu. 

Nói đến đây xong, cha Paolo nhìn mọi người. Ngài thấy mặt mũi ai cũng trang nghiêm thì ngài cười xòa. Thôi, tôi giảng đạo như vậy là đủ rồi. Chúng ta vừa ăn no mà lại phải cầm trí nghe ông cha giảng đạo thì không tốt cho sức khoẻ, xin hẹn hôm khác tôi được nói nữa. Tôi sẽ nghiên cứu thêm về ‘Ông Trời’ của VN, rồi sẽ bá cáo với các ông các bà nữa nha. Tôi xin nhường tòa giảng cho quý vị. Ông cha quen miệng nên nói ‘toà giảng’. Đây là tiếng nhà đạo chỉ diễn đàn.

Anh John bèn ‘lên toà giảng’ kể một câu chuyện mà anh cho là kết qủa của một việc bác ái. Đó là chuyện cô sinh viên y khoa Mary. Vì cô định học chuyên ngành về bệnh câm điếc nên cô đã học ngôn ngữ của những người khuyết tật này. Họ không nói với nhau bằng miệng mà bằng cử chỉ bàn tay. Bữa đó tại bến xe, cô thấy một cặp nam nữ câm điếc đang nói chuyện với nhau bằng tay. Vì cô hiểu ngôn ngữ này nên cô biết cô gái đang hỏi cậu con trai về một lối đi. Cậu con trai trả lời không biết, còn cô Mary thì biết. Cô liền tiến tới làm quen và tình nguyện hướng dẫn cô câm điếc. Chàng trai cũng đi theo cho biết. Cả ba đều nói chuyện với nhau bằng dấu hiệu. Trước khi chia tay, họ trao đổi địa chỉ điện thư email. Anh con trai tên là Jack. Rồi từ bữa đó trở đi, anh Jack và chị Mary thường nói chuyện với nhau qua điện thư. Rồi họ hẹn hò nhau. Rồi từ chỗ qúy nhau họ tiến tới yêu nhau. Rồi họ quyết định lấy nhau. Cô Mary về báo tin cho cha mẹ và anh em biết mối tình này. Cả gia đình đều phản đối cuộc hôn nhân vì lẽ cô sẽ là một bác sĩ y khoa, tại sao một bác sĩ tương lai huy hoàng lại đi lấy một người câm điếc. Cô Mary đề cao anh Jack. Cô bảo anh đáng yêu vô cùng. Cô xin cho anh Jack được đến trình diện. Gia đình bằng lòng. Ngày trọng đại đến. Anh Jack bận bộ đồ đẹp nhất và mang một gói quà lớn cho người yêu Mary, và một bó hoa lớn cho cả nhà. Khi Jack tới, Mary cầm tay dẫn vào chào bố mẹ. Cô vừa nói : Thưa ba má, đây là anh Jack, thì lạ lùng thay, bó hoa và gói quà trên tay Jack rơi xuống đất, Jack nhảy lên và hét lớn :
- Ủa, em cũng nói được sao. Lạy Chúa, cái gì thế này.
 Cô Mary nghe Jack nói cũng như nghe một tiếng sét. Cô hét lên :
-    Anh cũng nói nữa sao? Chúa ơi, Chúa ơi ?
Thì ra, ngay ban đầu, chỉ có một cô gái câm hỏi đường mà thôi. Anh Jack vì biết ngôn ngữ của người câm điếc nên đã nói chuyện với người câm điếc bằng ngôn ngữ của ho. Rồi từ xa cô Mary thấy hai người này thì Mary tưởng cả hai đều là câm điêc hết. Và anh Jack cũng nghĩ cô Mary là người câm điếc.
Cả làng vỗ tay khen câu chuyện này có ý nghĩa và cảm động.

Anh John vừa kể xong câu chuyện thì cha Paolo đứng lên cáo từ xin về. Cha bảo cha sẽ mang câu chuyện này kể cho giáo dân nhà thờ khi giảng về đức bác ái.

Tiễn Cha Paulo xong thì làng tôi vẫn tiếp tục ngồi lại nói chuyện. Chị Ba Biên Hòa đề nghị nói những chuyện gì vui, nhưng ông ODP giơ tay xin góp ý : Chúng ta vừa qua ngày kỷ niệm ‘30 tháng Tư đen’, xin cho tôi được nói vài chuyện về Cộng Sản, tôi phải nói cho cõi lòng bớt nặng nề và ấm ức.

Chuyện thứ nhất tôi vừa đọc được trên mạng điện tử, đó là bức thư của nhà văn Bằng Phong ở Texas gửi cho ông nhạc sĩ Tô Hải ở Nha Trang. Các cụ còn nhớ ông Tô Hải chứ. Ông là đảng viện CS gộc, say mê CS và phục vụ CS hết lòng. Nhưng sau 1975 thì ông mở mắt vì thấy rằng ông đã bị CS lừa dối hoàn toàn. Ông tỉnh mộng, ông chửi toáng lên. Ông trên 80 nên không còn sợ hãi gì nữa. Ông Bằng Phong viết cho ông Tô Hải một bức thư dài, đại ý khen ông Tô Hải đã tỉnh mộng và đã không còn sợ CS nữa. Trong bức thư này, Bằng Phong nhắc tới ông Hà Sĩ Phu, đoạn thư này rất hay, ông gọi Cộng Sản VN là ‘bọn qủy’, như sau:

… Muốn chống lại qủy, ta phải đưa ánh sáng vào nơi tối tăm. Ánh sáng đó là gì? Là Trí Tuệ, là Sự Thật, là Dũng Cảm. Thập niên cuối thế kỷ trước, ông Hà Sĩ Phu đã dùng ba thứ vũ khí đó để chống lại qủy. Ấy là ông dùng trí tuệ để dẫn dắt đám qủy sứ đang lộng hành ra khỏi vũng lầy. Ông lấy từ thực tiễn ba quốc gia có lãnh thổ bị chia đôi như Đức Quốc, Triều Tiên và Việt Nam để chứng minh : cái nửa thuộc phe ’tư bản dẫy chết’ có tự do hơn, cơm no áo ấm hơn, năng xuất sản xuất cao hơn, còn cái nửa thờ tà giáo cộng sản thì như thể là địa ngục trần gian. Cái dũng cảm của ông Hà Sĩ Phu là dám ví cộng sản là loài ký sinh sống bám vào lòng yêu nước của nhân dân. Tiếc thay cái ánh sáng của nhà trí thức Hà Sĩ Phu chỉ le lói, không được các nhà trí thức khác phụ họa để tăng cường độ sáng, nên ông bị tù đầy, bị quản chế. Ông Hà Sĩ Phu đã không dồn qủy vào chân tường. Ông dành cho qủy một lối thoát. Ông tạm chấp nhận cái luận điểm của qủy phô trương rằng nhờ chủ nghĩa cộng sản mà Việt Nam có thể đánh Tây đuổi Mỹ giành độc lập. Ông bảo rằng thôi được, các ông bảo thế thì ta tạm tin như thế. Nhưng dùng thuyền để sang sông xong rồi, tại sao không bỏ thuyền lại mà đi cho thoải mái, lại cõng cái thuyền ấy trên lưng để đi lom khom chả giống ai? Chính cũng vì cõng cái thuyền trên lưng ( nhất định không bỏ Điều 4 Hiến Pháp) nên tập đoàn qủy VN cứ phải đi lom khom trước giặc thù Phương Bắc và bắt nhân dân cả nước cũng phải đi lom khom như mình! …

Ông ODP bảo ông thích nhất cái câu Hà Sĩ Phu ví chủ nghĩa công sản như cái thuyền để sang sông. Qua sông rồi thì bỏ thuyền lại chứ sao lại vác thuyền trên vai rồi đi lom khom là thế nào. Đảng CSVN đi lom khom rồi bắt toàn dân VN cũng phải đi lom khom, là thế nào.
Dân làng nghe ông lập luận như vậy thì ai cũng gật gù đồng ý vì cho rằng ông Hà Sĩ Phu nói rất đúng và ông Bằng Phong trích dẫn rất có lý.  Nhận thấy dân làng có vẻ thích câu chuyên này, ông xin phép kể thêm một chuyện nữa về CS. Đó là chuyện ông Phan Khôi năm 1957 viết cuốn Nắng Chiều ở Hà Nội trong đó có truyện Cây Cộng Sản là hay nhất. Ý chính của câu truyện là chửi xéo bác Hồ. Ông không nói trực tiếp nhưng ông đi vòng vòng. Ông kể chuyện sự xuất hiện của một giống cỏ dại mọc lan rất nhanh. Cỏ bắt đầu từ đồn điền cao su của Tây. Người dân gọi nó là cỏ bù xít vì nó có mùi hôi như bọ xít, hoặc cỏ cứt lợn, cỏ chó đẻ. Tây đồn điền gọi nó là cỏ cộng sản vì nó xuất hiện từ thập niên 1930 đồng thời với làm sóng CS do Cụ Hồ mang về nước. Do vậy mà có chỗ còn  gọi cỏ này là cỏ Cụ Hồ. Truyện của ông Phan Khôi chỉ có thế. Nhưng đọc xong thì ta hiểu ông Phan Khôi có ý ví cụ Hồ với cỏ cứt lợn, cỏ bọ xít, cỏ chó đẻ. Truyện này làm các cận thần Tố Hữu Xuân Diệu tím mặt mà không làm gì được. Tôi phục Ông Phan Khôi quá. Ông là cháu ngoại của danh tướng Hoàng Diệu có khác.

Ông H.O. giơ tay xin hỏi : Về mấy cái tên cỏ mà ông Phan Khôi nhắc đến, tôi có biết và nghe nói, duy cái tên ‘cỏ Chó Đẻ’ thì tôi không hiểu. Tại sao lại gọi cỏ này là cỏ chó đẻ? Ông ODPgiải thích ngay : Ở miền quê ngoài Bắc, khi con chó đẻ con, người ta thường lấy cỏ này nấu với gạo thành cháo. Con chó ăn cháo này thì có nhiều sữa cho con bú. Cỏ mang tên Chó Đẻ là thế.
Dân làng nghe xong đều xuýt xoa khen ông ODP đúng là bồ chữ thông thái. Ông ODP gạt đi, ông bảo rằng xin dành tất cả lời khen cho Cụ Phan Khôi.
Bài cỏ Chó Đẻ trên đây hay quá chứ, phải không các cụ ?

Cụ B.95 lên tiếng : Lão đây đã sống những ngày tháng ấy ở Hà Nội, nhưng chuyện cỏ Chó Đẻ, cỏ Bọ Xít, cỏ Cứt Lợn, cỏ Cụ Hồ thì lão chưa hề nghe vì lão gốc nhà quê có đọc sách báo bao giờ. Nay nghe các bác nói đến thì biết vậy, mà mới chỉ nghe không thôi lão đã thấy hôi và nhức đầu mất rồi. Xin các bác thay cỏ khác đi. Anh John đâu, anh có cỏ Canada hay cỏ nào chữa khỏi bệnh nhức đầu cho lão không?

Anh John đã làm cụ B.95 hết nhức đầu. Anh bảo anh sẽ không nói chuyện cỏ bù xít nữa. Anh xin nóí sang chuyện ‘tiếng Anh bởi tiếng VN mà ra’. Rằng sau khi đọc các chuyện bình dân VN thì anh thấy có lẽ nhiều chuyên cổ VN đã đẻ ra một số từ ngữ tiếng Anh. Chẳng hạn VN có chuyện anh con rể nịnh bố vợ trơ trẽn. Có anh chàng kia mê một cô gái như điếu đổ. Không những anh cố lấy lòng cô gái mà còn lấy lòng gia đình nhà cô ấy nữa. Một bữa kia anh tới nhà cô gái chơi, ông bố cô gái vô tình đánh một cái rắm to. Để chữa thẹn cho ông bố cô gái, anh liền bốc không khí đưa lên mũi ngửi rồi hít hà khen rằng: Rắm của bác thơm qúa. Ông bố cô gái ngạc nhiên qúa liền nói : Ta vẫn nghe thày thuốc nói rằng ai khoẻ mạnh thì rắm thối, càng thối thì chứng tỏ càng khoẻ mạnh. Nay anh bảo rắm của ta thơm là thế nào. Anh chàng này thấy mình hố, nịnh không phải kiểu , bèn lại bốc không khí ngửi rồi nói : Ôi chao bây giờ rắm bác thối quá. Chắc có nhà ngữ học Anh hay Mỹ nào sang VN nghe được chuyện này thấy hay qúa nên đã đặt ra tiếng ‘ the fart catcher’, nghĩa đen là người bốc rắm, nghĩa bóng là người nịt hót, nâng bi.Tiếng này có trong tự điển rõ ràng.

Nói đến đây xong thì anh John lại phá ra cười, anh cười như nắc nẻ. Anh xin cả làng cho anh bữa nay phá giới được nói chuyện tầm bậy một chút. Cái tiếng ‘nâng bi’ của Miền Nam hay vô cùng. Nịnh người đàn ông thì là gọi là nâng bi của ông ấy. Ôi tiếng VN hay làm sao! Bốc rắm ngửi đã là hay qúa, mà nâng bi của ông đó lên để cho ông ấy nhẹ bớt cái sức nặng của 2 viên ngọc qúy, thì hay biết là chừng nào. Tôi nhớ hình như tiếng ‘nâng bi’ phát xuất từ báo Con Ong ở Saigon thập niên 1960 hay 1970 thì phải. Ban đầu chỉ có tiếng nâng bi thôi. Về sau có độc giả nêu lên câu hỏi : thế nịnh người đàn bà thì nói làm sao, vì người đàn bà đâu có bi mà nâng. Sau đó thì phát sinh ra tiếng ‘đội đĩa’.

Rồi anh John  lại cười : Biết đâu trong tương lai mấy nhà ngữ học Anh hay Mỹ nghe cái chuyện nâng bi này rồi sẽ đẻ ra một tiếng mới cho tiếng Anh thì sao. Dám lắm.

Chị Ba Biên Hòa gốc là giáo sư Anh văn ở VN cũng xin góp chuyện. Chị bảo trong tiếng Anh có 2 câu mà chị nghĩ rằng nó phát xuất từ tiếng VN. Đó là tên một ly rượu mạnh rót trên đá, ví dụ Scotch on the rocks, Cognac on the rocks. Rocks là gạch đá, là cục đá xây nhà, là cục đá làm đường. Sao lại rượu đổ trên đá gạch là thế nào. Tôi đoán đây là ngôn ngữ của mấy cô gái VN bán bar ngày xưa cho lính Mỹ. Đa số các cô đều ít chữ, chắc các cô mới học đến chữ rocks là đá, chứ chưa học đến chữ ice là đá lạnh, nên các cô dịch luôn câu ‘rót trên đá’ là on the rocks. Các chú Lính Mỹ GI nghe thấy buồn cười và lạ tai, nên giữ luôn  ‘on the rocks’ chứ không sửa lại là ‘on the ice’. Và các chú GI khi giải ngũ trở về Hoa Kỳ đã dem theo tiếng ‘on the rocks’ vào các bar rượu. Người phổ biến các tiếng mới này chính là các phóng viên Hoa Kỳ.

Tiếng thứ 2 có thể có gốc cũng từ các cô gái VN bán bar cho lính Mỹ. Người VN ta khi gặp nhau thường nói ‘ Chà, lâu quá không gặp Anh…’ Các cô bán bar khi gặp lại anh lính Mỹ cũng muốn nói như vậy, và các cô đã dịch nguyên văn ra tiếng Anh  ‘ Long time no see’. Chắc ban đầu các anh lính Mỹ nghe thì buồn cười, nhưng thét rồi quen. Biết là sai văn phạm nhưng cứ nói cho vui, nói hoài nên không bỏ được nữa.

Kể đến đây xong thì Chị Ba cười tủm tỉm : tôi đã để tâm tìm nguồn gốc hai tiếng trên đây trong các tự điển bách khoa danh tiếng của Hoa Kỳ mà không hề thấy dấu vết nào cả, bởi vậy tôi luận rằng : đó là tiếng Anh ba rọi của mấy các cô gái bán bar nói với lính Mỹ ngày xưa. Mấy chữ này chắc có họ hàng với tiếng ‘không sao , no star’

Cụ B.95 lại lên tiếng. Cụ hỏi anh John chuyện thời sự của cụ đâu. Anh John liền đáp ngay. Xin có tức thì. Rồi anh kể ra vanh vách như xướng ngôn viên đài phát thanh : Tin đầu tiên là đầu tháng Tư vừa qua, ở Toronto có một nhân vật VN rất nổi tiếng mới nằm xuống. Đó là Ông Đỗ Trọng Chu. Những ai đã trưởng thành thời Đệ Nhất VNCH ắt phải biết ông Chu. Năm 1954 ông đang du học tại Hoa Kỳ, cùng lứa với ông Huỳnh Văn Lang. Hai ông đã theo tiếng gọi của Cụ Ngô Đình Diệm kêu gọi các nhân tài về giúp nước. Hai ông đã bỏ hết bút nghiên, đã về Saigon giúp cụ Diệm. Ông Chu làm cho Phủ Tổng Uỷ Di Cư rồi sang ngành văn hóa, rồi sang ngành ngoại giao. Có lúc ông Chu đã là Quyền Đại Sứ VNCH ở Úc Đại Lợi. Ông định cư tại Toronto từ năm 1975 đã phục vụ cộng đồng VN ở đây nhiều mặt, đặc biệt nhất là đã cùng Tiến Sĩ Howard Adelman lập ra phong trào bảo trợ các thuyền nhân tỵ nạn VN từ các trại tỵ nạn ĐNA. Đó là phong trào Operation Lifeline. Phong trào này đã làm dấy lên trên toàn cõi Canada làn sóng bảo trợ các thuyền nhân VN. Phong trào này đã bảo lãnh được 50.000 thuyền nhân. Và với chính sách nhân đạo ‘match up’ của chính phủ Canada, ngoài con số đã định từ trước, chính phủ đã bảo trợ thêm 50.000 người nữa. Hiện nay tổng số người VN ở Canada có vào khoảng 200.000 người thì một nửa là do công của Operation Lifeline trong đó Ông Đỗ Trong Chu đã đóng góp một phần lớn. Rất đông người đã đến dự tang lễ tiễn biệt vị ân nhân họ Đỗ đáng kính này.

Tin thứ hai là tin con cá chép Á Châu đang làm sôi nổi cuộc sống ở Canada. Con chép này ở VN có rất nhiều. Cá chiên vàng chấm nước mắm chanh ớt tỏi mà nhậu thì ngon vô cùng, và làm món gỏi cá sống cuốn với lá sung lá mơ cũng ngon hết biết. Nó ở Á Châu thì nhỏ và nhẹ, dài chừng 30 cm và nặng chừng 2 kí là cùng. Nhưng khi nó vào được Ngũ Đại Hồ của Canada thì nó phát tướng, có con dài hơn thước rươi và nặng tới 45 kí lô. Nó to lớn như vậy nên nó ăn dữ lắm và phá phách khoẻ lắm. Canada đang tìm cách loại trừ con cá chép Á Châu cao bồi này.

Nhân nói tới cá chép, tôi xin được nói luôn tới đàn hải cẩu ở Canada. Xứ này phía nam giáp Hoa Kỳ, con ba mặt kia thì giáp 3 đại dương lớn. Bờ biển của ba đại dương này là nơi cư trú của các đàn hải cẩu. Bộ ngư nghiệp cho biết sơ sơ dân số hải cẩu ở Canada có vào khoảng 1 triệu con. Bầy chó biển vĩ đại này hằng ngày ăn hết bao nhiêu là hải sản. Vì chúng khoẻ như vậy nên số lượng sinh sôi của chúng rất vĩ đại. Chúng đâu có biết đến thuốc ngừa thai. Chắc nhà thuốc Võ Văn Vân năm xưa ở VN đã biết được khả năng truyền giống kinh khủng này nên mới lấy tên hải cẩu mà đặt cho thuốc bổ thận của mình. Tôi cứ ao ước gíá có cụ Võ Văn Vân ở Canada này thì sẽ mời cụ cộng tác để sản xuất thuốc bổ dương, cam đoan thị trường thuốc này sẽ đè bẹp thị trường Viagara. Xin được trở về nạn dân số khổng lồ hải cẩu. Chính phủ Canada cho phép ngư dân đánh bắt mỗi năm 250.000 con. Hiệp hội bảo vệ súc vật Âu Châu đã phản đối ầm lên. Mặc, Canada cứ tiến hành chính sách giảm dân số hải cẩu. Canada mới tìm được một thị trương béo bở để tiêu thụ thịt hải cẩu : Đó là ba nước Trung Hoa, Nhật Bản và Đại Hàn.

 Đoán là ngoài chợ Canada có bán thịt hải cẩu, phe các bà trong làng tôi đã đi chợ tìm mua mà chưa thấy các cụ ạ. Các bà lập luận rằng Canada xẻ thịt đem xuất cảng thì thế nào cũng giữ lại một phần để bán ở nội địa. Thế mà không phải. Thì ra Canada khôn  thật. Xưa nay Canada là nước thận trọng vô cùng. Chứng cớ là các loại thuốc mới xuất hiện trên thế giới, Canada chưa cho bán trong nước, Canada chờ các nước khác bán và dân các nước khác dùng đã đời, nếu không có phản ứng xấu thì bấy giờ Canada mới cho bán trong nước. Cho nên món thịt hải cẩu chắc cũng theo chính sách đó. Để cho dân Tàu dân Nhật ăn chán đi đã, nếu kết qủa tốt thì bấy giờ Canada mới cho dân ăn. Chừng nào tôi thấy ở chợ bán thịt hải cẩu, và nhà hàng có món này thì tôi sẽ trình các cụ ngay để mời các cụ đền Canada xơi. Riêng món ngầu pín thì làng tôi đang mở cuộc điều tra và nghiên cứu sâu rộng để sản xuất xuân dược. Coi bộ tương lai huy hoàng lắm các cụ a. Thuốc tây có Viagara, thì thuốc nam của làng tôi sẽ có thuốc tương đương, chúng tôi định đặt tên là Vinaham. Vina là Việt Nam , và ham là ham thích ham mộ. Ý kiến của các cụ thế nào cơ, xin cho làng tôi biết nha.

 Tin thời sự tiếp theo là tin thể thao. Nói tới Canada mà không đưa tin về thể thao là một thiếu sót. Hính như tháng trước tôi đã đưa tin là Canada đã đăng cai tổ chức Đại Hội Thể Thao Liên Mỹ, Pan Am Games , vào năm 2015. Nơi tồ chức là thành phố Toronto mà làng tôi đang ở. Nay lại có thêm tin vui nữa là cũng năm 2015, Canada còn nhận tổ chức giải quốc tế về vô địch bóng đá phụ nữ. Chưa biết thành phố nào sẽ đăng cai. Coi bộ hấp dẫn qúa chứ. Phụ nữ đá bóng cơ mà.

 Tin thời sự cuối cùng là tin bia lave hiện là thức uống được ưa thích nhất ở Canada. Theo thống kê thì trong 12 tháng vừa qua, dân Canada đã uống hết 2.4 tỷ lít bia, một số lượng khổng lồ đủ đổ đầy 10 cái hồ bơi của Thế Vận Hội, trị giá hơn 9 tỷ đồng. Tính theo đầu người thì trong 12 tháng qua mỗi cư dân Canada đã uống 84 lít bia. Ghê không cơ chứ.

 Anh John vừa kể tin về dân Canada mê uống bia xong thì anh H.O. giơ tay xin góp chuyện. Rằng tuần trước đi làm về, mệt qúa, anh vào quán bia làm vài ly. Quán đông nghẹt. Anh ngồi bên cạnh 2 ông xồn xồn. Hai ông vừa uống bia vừa cười ha ha, trông rất hả hê sung sướng lắm. Anh tò mò lắng nghe. Thì một ông lè nhè kể một chuyện tiếu lâm như thế này. Rằng giả như có người cho ông một ngàn đô la thì ông sẽ làm gì với số tiền này? Ông lập luận :

- Nếu tao vào chợ thì sẽ phải mua hàng, mà đa số các món hàng đều có gốc từ Trung Cộng, thế là tiền này chảy vào túi Trung Cộng
- Nếu đổ xăng, thế là tiền chảy vào túi bọn Ả Rập
- Nếu mua một cái máy tính, thế là tiền chảy vào túi Ấn Độ,
- Nều  mua rau cỏ, thế là tiền chảy vào túi Nam Mỹ
- Nếu mua cái tủ lạnh thế là tiền chạy vào túi Nhật Bản
- Nếu mua đồ nấu bếp, thế là tiền chạy vào túi Đức Quốc
Cho nên cách duy nhất để giữ tiền trong túi Canada là chi cho các em khu đèn hồng và uống bia.
Nghe đến đây thì ông bạn kia lè nhè góp ý : Bây giờ đa số các em bé ở khu đèn hồng đều có gốc Đông Âu. Mày chi cho các em đèn hồng thì tiền đổ vào túi Đông Âu mất rồi.
Ông xồn xồn kia nghe xong thì vỗ vai bạn rồi cười hô hố : Vậy chỉ có uống la de Canada là giữ được tiền Canada trong túi Canada. La de Canada muôn năm!. Thật chí phải| Anh em mình đang làm chuyện chí phải, chuyện yêu nước rõ ràng!

 Tôi nghe chuyện tếu của 2 ông này xong thì thấy mình bị lây cái vui vẻ và hạnh phúc của 2 ông. Mà hai ông này và tôi hạnh phúc là đúng quá, các cụ ơi, vì Viện Gallup vừa công bố kết quả một công trình nghiên cứu toàn cầu về mức độ hạnh phúc của người dân. Họ nghiên cứu 124 quốc gia, mỗi quốc gia họ phỏng vấn 1.000 người, họ hỏi “ Bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại và tin tưởng vào một tương lai đầy hứa hẹn không?” Kết quả cho thấy: Đan Mạch có đông người hạnh phúc nhất, thứ hai đến dân Canada và dân Thụy Điển đồng hạng, thứ tư là dân Úc Đại Lợi, thứ năm là dân Hoa Kỳ… Và Viện Gallup đưa ra một nhận xét rất chí lý : Sự thịnh vượng của quốc gia không phải chỉ ở con số Tổng Sản Lượng GDP, mà còn phải cộng với chỉ số hạnh phúc của người dân.

 Chúng tôi đang ở thiên đàng, nơi có chỉ số GDP cao nhất và chỉ số hạnh phúc cao nhất, cụ nào nơi xa muốn sống ở thiên đàng, xin kính mời di cư qua Canada nha.
 Trân trọng.