Đi Xe Bus PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Sáu, 06 Tháng 3 Năm 2009 12:08

 Ông Nguyễn Lý nói chắc như đinh đóng cột “Chú không biết mà thôi. Đi xe buýt còn nhanh hơn và rẻ hơn đi xe hơi đó chú.” Nhiều người không tin lời ông. Bà hàng xóm cười “Tại dzì anh không lái được xe nên anh nói vậy.”

 Ông Lý cười “Ừ, thì bà chị nói vậy tôi hay vậy. Bữa nào tôi với bà chị thử coi sao ha.” Bà hàng xóm không nói không rằng. Và hôm nay ông Lý tuyên bố “Bả thua tui rồi.” “Ai thua và thua cái gì.” Ông Lý kể lại “Hôm đó tui nói đi xe buýt nhanh hơn đi xe hơi, có bà hàng xóm của tui chê tui hổng biết lái xe, tui cá và tui thắng.” Lại có nhiều người không tin…ông Lý lại cười “Bây giờ chú cá với tui hông nè.” Những người không tin nhìn nhau ngần ngại, ông Lý tố thêm “Bắt hai ăn một nè. Tui thua tui chung chú 2 bữa nhậu, còn chú thua thì xin chú cho một bữa thôi.” Một chàng thanh niên đưa tay ra bắt. “Tui chơi với chú đi.” Ông Lý nhìn đồng hồ và nói “Bây giờ làm liền hén?” “OK”

 Ông Lý nói “Có mấy người làm chứng nghen, bây giờ tui với chú đi xuống chỗ rạp hát Camera 12 ở đường số 2 nghen.” Nói xong ông Lý bước ra cửa liền.

Kết quả ông Lý thắng. Người thanh niên thua phải chở ông đi chợ mua đồ nhậu và một thùng bia Hen. Trong bữa ăn, ông Lý cười “Chú mắc hởm tui rồi. Nhưng vui thôi mà.” Những người ngồi cùng bàn đều cười rân.

 Nhà ông Lý ở Campbell ngay bến xe Light Rail Winchester, nơi đó là trạm chót của đường xe lửa điện đi downtown San Jose, thời gian đến đường số 2 khoảng 10 phút, và cũng từ Campbell ngay nhà ông Lý đi đến đó bằng xe hơi phải hơn 10 phút vì phải qua nhiều đèn xanh đỏ trong phố, đến nơi còn phải tìm chỗ đậu xe (rất khó khăn ở downtown SJ). Ông Lý cười “Đi xe buýt làm sao nhanh hơn xe hơi, nhưng có chỗ đi xe hơi lại chậm hơn xe búyt.” Ông Lý xử dụng xe buýt nhiều nên ông rất rành đường xe. “Đi xe búyt sướng lắm, rộng rải, an toàn, và rẻ tiền” ông nói. “Tuy nhiên, đến nhà bạn bè những nơi không có đường xe búyt thì khó khăn và tốn thời gian hơn.” Ông còn cho biết ông đến thăm bạn ông ở Mountain View rất tiện vì đường xe lửa điện (light rail) ngay trước cửa nhà.

Xe buýt là phương tiện ít hữu hiệu ở những thành phố miền tây nước Mỹ vì ít người xử dụng. Nhưng ở các thành phố lớn như Nữu Ước, đi xe buýt, xe điện ngầm (Subway) rất tiện lợi.

Tại San Jose có hãng xe buýt tên VTA (Valley Transportation Authority) có hàng trăm tuyến với hàng ngàn chiếc xe lưu hành khắp thành phố. Lịch trình xe chạy cũng khá nhanh chóng, không phải chờ lâu ở những nơi đông người xử dụng.

 Người Việt, như ông Nguyễn Lý, xử dụng phương tiện công cộng nầy khá đông, nhất là những bậc cao niên. Không nói, chúng ta đều biết đi xe buýt rất rẻ tiền, không phải lái xe, không tốn tiền bảo trì…một điều duy nhất bất tiện là các tuyến xe không thuận tiện đến những khu vực cư dân, hoặc những khu đồi núi…v.v.

Đi xe búyt có những cái thú của nó, và với nhiều người để lại vài kỷ niệm khó quên trong thời kỳ đầu tiên mới đặt chân lên nước Mỹ. Ông Lý kể “Ngày tui mới qua, người bảo trợ chỉ cho cách đi xe buýt. Tui ngồi lên xe, ông bảo trợ lái xe chạy sau, đến chỗ trạm xuống tui không biết làm sao kêu tài xế ngừng xe. Tui loay hoay như gà mắc đẻ, để ý thấy đèn trước mặt tài xế chớp sáng, có tiếng chuông reo, xe ngừng. Biết vậy mà không biết bấm chỗ nào. Người lên kẻ xuống, hết trạm nầy đến trạm khác tui vẫn chưa “giải quyết” được. Biết là có chỗ bấm đèn nhưng nhìn hoài chẳng thấy. Đành ngẩn ngơ đợi đến trạm cuối xe ngừng, bước xuống…mặt mày tiu nghỉu “quê một cục” khi nhìn thấy ông bảo trợ đang đứng đợi ở trạm”

 “Thì ra, thay vì những chiếc xe cũ thì “công tắc” bấm đèn hiệu xe ngừng được thiết trí dọc theo thành xe với những sợi dây dễ nhìn dễ thấy, còn chiếc xe “định mệnh” của tui loại mới, tân tiến hơn, những công tắc nó đặt trong thành xe và nút bấm là những thanh sắt nhỏ nằm dọc theo các cánh cửa sổ chỗ hành khách ngồi, chỉ cần nhấn nhẹ là xong. Hành khách quen thuộc bấm vào đó mình làm sao thấy…cho nên…đành chịu “nhà quê lên tỉnh”. Đó là những năm tháng đầu đời tị nạn khi còn ở Denver.

 Chưa hết, đâu chỉ có mình ông Lý. Tại San Jose, dân chuyên trị xe buýt còn lắm chuyện “vui buốn đời tị nạn”. Ông A (tạm gọi như vậy) nhà ở Campbell đi xe xuống downtown SJ, đó là năm 1985. Bạn bè chỉ cho ông chiếc xe 60 đi đến Valley Faire (Nay là West Field) đường Forest xuống trạm bước qua bên kia đổi xe 22 đi downtown. Bạn bè chỉ dẫn rõ ràng, ông A yên trí lên xe, đến trạm Forest Ave. bước xuống, lên xe 22 đi downtown đến quán phở Anh Đào (nay là tòa thị chính SJ) làm 1 tô ngon lành và đi dạo quanh cho biết thành phố Mỹ. Đến chiều tối, thong thả đàng bệ bước đến trạm 22 lên xe về…xe đi mãi mà chẳng thấy chỗ ngừng ở đâu, kẻ lên người xuống rộn ràng càng làm cho ông A nóng ruột. Nhìn đồng hồ ông A biết đã qua khỏi trạm chuyển xe…nhưng biết làm sao. Càng lúc càng tối, đèn đường sáng rực, nhìn qua cửa kính chỗ nào cũng như nhau chẳng phân biệt được. Có lúc ông muốn bước xuống đại một chỗ nào rồi kêu bạn đến đón; nhưng nghĩ lại biết đường nào mà nói. Cuối cùng, sau 1 tiếng đồng hồ, xe ngừng ở trạm cuối cùng, ông tẻn tò bước xuống…và gọi điện thoại cho bạn “Ông đang ở đâu đó?” “Chả biết nữa. Trạm cuối cùng xe số 22.” “Ông đợi đó tôi tìm xem ở đâu và tôi đến đón ông.” Khoảng nửa giờ sau đó bạn đến đón ông về. Bạn hỏi “Sao ông không xuống chỗ Valley Fair?” “Tối rồi tôi ngồi trên đâu có đọc được chữ Valley Fair.” “Lúc ông xuống không nhờ chỗ đó à?” “Có chớ, tôi cẩn thận tìm một điểm mốc để khi xe chạy ngang tôi nhớ.” “Vậy sao ông thấy nó à?” “Mẹ họ! Cái đó là cái vòi nước phun, đến khi tôi về, nó tắt mất nên đâu biết lối nào mà xuống.”. Thì ra ông A cũng cẩn thận sợ không nhớ đường, ông đã chọn cái bồn nước phun để làm “dấu”, nhưng đến 6 giờ chiều văn phòng đó nghỉ việc và tắt vòi nước thành ra ông “mất dấu”.

 Đi xe buýt cũng thú vị lắm, cầm một quyển sách, mua một chiếc vé “day pass” $5 là ta có thể chu du khắp thành phố, khắp thung lũng từ Morgan Hill đến tận Paolo Alto, nếu đi xe điện “light rail” ta có thể chu du từ Nam SJ đến tận Bắc SJ và đến Mountain View. Xe sẽ đưa hành khách đi qua nhiều khu phố mà trong lúc lái xe trên xa lộ ta không thể nào ngắm được. Thử môt lần để thấy đi xe buýt rất thú vị.

Giá vé cũng rẻ, một lần $1.75 cho người lớn; trẻ con và người già rẻ hơn. Mua vé tháng $61.25. Có điều đặc biệt là sinh viên San Jose State University được xử dụng xe buýt miễn phí.

Đi xe buýt tuy bất tiện khi vào các khu dân cư, nhưng nếu bạn đi chợ, đi tham dự các festival mùa hè, xem các trận thể thao ở chốn công cộng như HP Pavilion, Vườn Nhật, Tòa Thị Chánh…Great America thì xe búyt là phương tiện tốt nhất vừa đở tốn xăng, khỏi lái xe, và bảo vệ môi trường…v.v. Những người Mỹ sống ờ vùng Campbell, Los Gatos, West Valley mỗi khi đến Downtown SJ để tham dự các cuộc vui chơi đều dùng hệ thống Light Rail.

 Xe buýt của VTA cứ mỗi 10 phút có 1 chuyến vào ngày thường, cuối tuần khoảng 30 phút một chuyến, nếu có lịch trình đi xe trên tay, và tính trước đường đi, hành khách có thể đến nơi muốn đến trong khoảng thơi gian nhanh nhất không thua xe hơi tư nhân là bao nhiêu. Học sinh, sinh viên có thể đi xe buýt để tiết kiệm tiền bạc và các khoảng tốn phi khác…v.v. Xe buýt chỉ vận chuyển trong những giờ giới hạn, cũng có những tuyến xe chạy 24 giờ như chuyến xe 22 từ Paolo Alto đến Eastridge Mall, San Jose. Nói thì như vậy, nhưng có quá ít người xử dụng xe buýt làm phương tiện.

Đi xe buýt ở Mỹ lại nhớ về những chuyến xe búyt tại quê nhà. Hiện nay tại VN đang khuyến khích người dân xử dụng loại phương tiên nầy, nhưng việc điều hành còn nhiều điểm chưa hoàn hảo nên chưa thu hút được khách hàng.

 Trên một bài báo vào ngày November 12, 2007 ông Minh Nguyen than phiền”Bắt chước thiên hạ, cũng ủng hộ phong trào đi xe buýt và cho …teo bớt “cơ” bụng , thế là mình quyết định đi làm bằng xe buýt .

Cứ mỗi sáng sáng, đi ra ngã tư đón chiếc xe 145 hay 148 gì đấy cũng được tới Lăng Cha Cả. Sẽ không có entry này nếu chiều về khó khăn và bực mình hơn vô cùng. Thứ 1 đi làm bằng xe buýt dzìa, 6 giờ, trời mưa mưa, lon ton đi ra ngoài bus stop, xách theo cây dzù, đi ra chờ ngay trước mặt cổng chào trên Sân bay.

 5 phút trôi qua

10phút trôi qua…

15phút trôi qua… may quá, cũng thấy được bóng dáng chiếc xe buýt cần đi, 148 . Mừng hú hồn, bật cây dù ra ngoài rồi vẫy tay…. Vẫy hoài mà không thấy nó bật xi-nhan tấp dzô, thằng cha tài xế, nhìn dzô rồi đi thẳng luôn.

 Ngồi chờ tiếp thêm 5 phút nữa… 1 chuyến xe đi qua

Chờ tiếp 5 phút nữa, 1 chuyến xe khác đi qua

 Chờ tiếp 10 phút nữa, lại thấy xe mình cần đi qua, vẫy tay, lần này, cũng đi tuốt; báo hại, chờ gần 1 tiếng mà không có xe, nên đành lủi thủi đi xuống trạm kế tiếp, đón 2 chuyến xe về nhà.

Tưởng là chỉ bị 1 ngày thôi, ngày sau ra gắng thử, cũng y chang vậy. Nhưng lần này hổng có ngu mà đợi 1 tiếng nữa, thấy 1 chuyến nó đi qua luôn là leo lên xe khác dzìa. Mà kể ra, đi xe buýt cũng dzui. Sáng sáng đi bộ ở công viên Hoàng Văn Thụ, chiều xách dù đi dưới mưa trên lề đường, cũng lãng mạn nhỉ

Kệ, lãng mạn, được mang tiếng dân văn minh và nhất là… mai mốt đỡ đội cái nồi cơm điện lên đầu.

 Biết đâu đi như dậy quen được ai ở trạm xe buýt nữa”

Một bài báo khác, một người dân Hà Nội viết “Tôi là người hay đi xe máy trên đường nên gặp rất nhiều chuyện khó chịu với xe buýt, chẳng những vì xe quá kềnh càng mà chủ yếu còn vì tác phong của người lái xe, phụ xe…Bạn thử tưởng tượng xem khi trời mùa hè nóng nực như thế này mà phải đỗ bên cạnh hoặc đi đằng sau mấy xe buýt và thả sức thả khói thải đen xì lúc xe tăng tốc! Thật lòng, nhiều lúc tôi thấy mấy xế xe buýt rất ngang tàng; thậm chí có lúc còn lớn tiếng chửi người đi đường và hành khách (chủ yếu là người già và phụ nữ). Cũng có những lần tôi để xe máy ở nhà, đi tuyến xe buýt số 09 để về Bờ Hồ, tôi không thể hiểu nổi cách ứng văn hóa kiểu gì của mấy tay phụ xe và lái xe. Tôi thật rầu lòng phải chứng kiến cảnh tượng: có một bà già đứng chờ xe số 09 ở điểm Đại học Giao thông vận tải, khi xe đến bà lão không biết đã lên nhầm cửa trước và tay phụ xe liền hét lên một cách xấc xược "lên cửa sau con mụ này!". Thật không tưởng tưởng nổi có cách ăn nói mất dạy như vậy đối với một bà già đáng tuổi bà mình còn lạ lẫm với việc đi xe buýt. Và khi bà già lật đật đến được cửa sau thì tay lái xe đã thản nhiên đóng cửa xe và cho xe chạy mất hút, mặc cho bà già đứng tần ngần bên đường!”

 Cái nạn xe buýt chưa dừng ở đó, bài báo tiếp “ Và một lần khác, đó là vào một buổi chiều hè tôi đang trên đường đi bơi thì gặp một trường hợp xe buýt ép xe đạp của một cháu ở độ tuổi học sinh cấp 2 vào lề đường và phụ xe nhảy xuống đánh đấm túi bụi cậu học sinh đó, chỉ vì cậu ta nghe còi ô tô phía sau mà chưa tránh kịp. Những hành động rất đáng tiếc kiểu như vậy của mấy tay nhân viên xe buýt tôi nghĩ do bản chất hung hãn và thiếu được giáo dục về ý thức văn hóa giao tiếp của người làm dịch vụ công cộng. Bọn họ đã quá lạm dụng chế độ "xe vua", được nhà nước bảo trợ và tự cho mình quyền ưu tiên giành đường và lấn đường, đang đi luồng bên trái dành cho ô tô, đột nhiên bật đèn tín hiệu rẽ phải vào bến, ép những chiếc xe hai bánh dạt vào vỉa hè, nếu người có tay lái không vững có thể sa xuống rãnh nước, lại còn bị tay phụ xe chửi bới: Mày có xe máy đi mà ngu như con lợn, chết oan lại đổ vạ cho người khác!

 Những hành động vô lý như vậy của xe buýt không hề thấy cảnh sát giao thông can thiệp (có phải vì “chế độ ưu tiên đối với “xe vua” không?); chỉ trừ khi gây ra tai nạn mới bị công an “sờ đến gáy” thành ra tính chất ngang tàng, vô văn hóa của mấy chú tài, chú phụ xe ít bị răn đe; cách ứng xử vô văn hóa của những người điều khiển xe buýt đã gây ra những phản cảm xót xa đối với truyền thống thanh lịch của người Tràng An mà chiếc đồng hồ đếm ngược đang nhích dần từng ngày đến Ngày kỷ niệm nghìn năm của thủ đô văn hiến mà mọi người đang náo nức chuẩn bị và đón chờ! (Bui Hoang Hai, This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it

 Xe búyt đỗ, tai nạn giao thông?

Vào ngày 29/11/2006 một bài báo viết: “Thời gian qua, người dân Hà Nội đã phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn từ xe buýt. Theo bạn đọc phản ánh thì một trong những nguyên nhân chính làm tình trạng này gia tăng có phần không nhỏ của những điểm dừng, đỗ xe buýt bất hợp lý. Qua thư bạn đọc, chúng tôi đã đi thực tế và thấy rằng, hiện hầu hết các tuyến phố cổ và các tuyến phố phụ cận như: Trương Định, Khương Đình, Lê Trọng Tấn, Đội Cấn, Thái Thịnh, Tạ Quang Bửu, Minh Khai, La Thành, Sơn Tây, Giang Văn Minh… những ai có dịp tham gia giao thông trên các tuyến phố này, cũng ghi nhận một điều, lòng đường và vỉa hè các tuyến phố này quá hẹp nhưng có nhan nhản những điểm dừng, đỗ xe buýt ở hai bên đường. Đó là chưa kể tới hàng trăm lượt xe chở khách vừa to, vừa nặng qua lại bắt khách hàng ngày. Từ đầu năm 2006 đến nay, xe buýt Hà Nội đã gây ra 29 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 2 người chết và 14 người bị thương. Số vụ tai nạn do xe buýt gây ra so với các vụ tai nạn trên toàn thành phố chiếm trên 6,0%. Hiện xe buýt Hà Nội đang có trên 1,000 điểm dừng đỗ, nhưng hầu hết các điểm dừng đỗ này đều thiếu các trang thiết bị chỉ dẫn an toàn cũng như tính hợp lý trong công tác vận tải hành khách.

 Do được “ưu tiên” hoạt động nên khi các tuyến buýt chạy trên đường thường luồn lách và chạy với tốc độ cao, khi tiếp cận các điểm dừng, đỗ, các xe buýt còn “vô tư” ép các phương tiện đi cùng chiều ra rìa đường, bất kể đó là ai, người già hay trẻ em.

Trung tuần tháng 8 vừa qua (2006), hầu như không người dân Hà Nội nào là không biết đến vụ tai nạn xe buýt chạy tuyến 32 đã ép đường rồi đâm vào xe máy tại ngã 3 đường Trần Nhân Tông - Trần Bình Trọng làm một người chết tại chỗ, một người phải đi bệnh viện cấp cứu khẩn cấp.

 Vụ tai nạn trên chỉ là điển hình trong hàng loạt các vụ tai nạn, va quệt mà xe buýt gây ra cho người dân thời gian qua. Đây là hệ quả tất yếu của việc xe buýt được nương chiều, được tự do hoạt động và việc xây dựng những điểm dừng đỗ không hợp lý. Do nhiều điểm dừng đỗ bố trí quá gần các ngã ba, ngã tư, nơi có đông người đi lại nên khi tiếp cận, xe buýt đã vô tình như vật ngáng đường các phương tiện cùng chiều. Được ưu tiên và được nhường đất, nhường đường để hoạt động nhưng dường như các xe buýt không những không phát huy được ưu thế mà ngược lại, còn lợi dụng sự “ưu tiên” để luồn lách, chạy ẩu, khiến nhiều người dân lo lắng. Những chiếc xe buýt, tưởng như đã trở nên rất thân thiện với người dân thủ đô, nay lại đang có bao nhiêu chuyện khiến người dân phải nói, phải phản ánh, quả là điều đáng tiếc.

( Trịnh Vinh Hà, Vietnam Net)

 Xe buýt Sài Gòn gây ra nhiều cảnh kẹt xe “Tình trạng kẹt xe diễn ra với cường độ ngày càng căng thẳng đã khiến không ít hành khách bực dọc. Khoảng 18g20, trên đường Nơ Trang Long, chúng tôi đón xe buýt tuyến 36 Sài Gòn - Thới An đi về trung tâm TP. Chiếc xe đến giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Võ Huy Tấn bị kẹt phải dừng lại. Phía trước, nhiều xe buýt phải tắt máy để đỡ hao xăng. Một xe buýt tuyến 31 khu dân cư Tân Quy - khu dân cư Bình Hòa phải quay trở lại tìm đường khác đi. Bác tài chiếc xe buýt của chúng tôi, sau khi nhích lên hết khoảng trống phía trước, cũng phải dừng lại tắt máy chờ...(tinhanh.com)

 Qua một vài tin tức cho thấy xe buýt ở VN vẫn còn nhiều “sự cố” chưa giải quyết. Trong khi đó, xe buýt tại HK tiện lợi nhưng rất ít người xử dụng.

Một buổi sáng cuối tuần đẹp trời nào đó, bạn có thể làm một chuyến du hành bằng xe buýt và kể lại cho chúng tôi nghe xem sao?