Cuối năm tản mạn chuyện...Đỏ Đen và Cờ Bạc bịp Print
Tác Giả: Thạch Đạt Lang   
Thứ Tư, 21 Tháng 1 Năm 2009 07:05

Ngày: 21-01-2009
Sắp tới tết ta rồi nghen, chẳng còn bao lâu nữa.

Tình hình kinh tế thế giới đứng đầu là Mỹ “đao”quá. Tổng thống đắc cử Obama (nhưng chưa nhậm chức khi viết những dòng này) đã cảnh cáo rằng kinh tế xứ Cờ Woa có thể bị đột qụy vì nhồi máu cơ tim. Đâu hổng biết chứ lóng rày thấy ở Đức cũng bị ảnh hưởng khá nặng đa. Hãng tui (làm công nhân chứ không phải của tui, phải nói cho rõ không thể mập mờ chỗ này được. Dân trong nước nghe... dễ hiểu lầm như thầy Trịnh Tuệ đâu 7 bằng kỹ sư) cuối năm đóng cửa 3 tuần vào dịp Weihnachten và Neujahr (Noël/Christmas, New Year) cho công nhân viên thoải mái nằm nhà, vì hàng làm ra lền khên, chất đầy các kho, không chuyển giao cho khách hàng được.

Mja! Làm gì trong thời gian dài 3 tuần lễ ở nhà, trong cái thời tiết lạnh cầm canh, nhiệt độ (của “hàn thử biểu” để ngoài cửa kính) ban đêm xuống tới -20 độ Celcius. May là trời không mưa; chứ mưa xuống là “bỏ bú”, nước đông thành đá liền. Nghĩ mà thấy ớn...óc eo; rủi có phải đi tiểu ngoài đường như ở Việt Nam, mỗi lần xong chắc... phải... bẻ cái cụp mới cài dây kéo lại được. Đi chơi xa thì...mậu lúi, mà ở nhà ra vào, nhìn mặt mụ vợ hơn hớn thấy... ghét, chỉ muốn ấy cho một phát.

Vậy mà rồi 3 tuần nằm nhà cũng qua đi cái vèo. Đầu năm, ngày thứ hai tí tởn vào hãng, chào anh Abteilungsleiter (Chief of Department), Guten Morgen! Alles gut Neujahr (Chào buổi sáng! Chúc mừng năm mới, mọi việc đều tốt).

Khuôn mặt lạnh còn hơn cái lạnh tê tái ngoài trời, anh boss chẳng chào lại, chỉ nhẹ nhàng phán một câu:

– Gut! Du hast noch zu viel Freizeit, ueber hundert Stunden. Nimm 2 Wochen frei weiter. Bitte! (Tốt! Anh còn quá nhiều thời gian nghỉ, trên 100 giờ. Lấy tiếp hai tuần nghỉ nữa.)

Định lên tiếng phản đối, nhưng nhìn cái bản mặt đưa đám của anh sếp, tui biết mình nên khôn ngoan, lặng lẽ mà tuân lệnh.

Buồn quá, không biết làm gì, Lang tui về nhà, gọi điện thoại hỏi thăm mấy người bạn. Cũng (không) may họ còn đang nghỉ, thế là hẹn hò, rủ nhau chơi Domino (chơi chứ không tranh luận hay tìm hiểu về thuyết Domino của tổng thống Eisenhower). Trong lúc chờ đợi cho đủ tay, suy nghĩ đến cái thú cờ bạc, thế là tự nhiên có hứng, ngồi vô computer bắt đầu... mổ cò, nói về... cờ bạc cho có chút tình với quê hương (ngoài ngàn dặm) vào dịp đón Xuân... về.

Mùa Xuân, đón Tết mà không có chút cờ bạc lai rai cũng giống như ăn thịt mỡ mà thiếu... dưa hành.

Hình thức cờ bạc nhân dịp Tết thì nhiều, nhưng phổ thông nhất ở Việt Nam, theo Lang tui, là bầu cua cá cọp. Trò đen đỏ này ở đâu cũng có. (Ủa? Tại sao lại gọi là bầu, cua, cá, cọp khi 6 hình trong trò may rủi này không thấy ông ba mươi đâu hè? Bạn nào biết giải thích dùm chút.)

 
Bầu cua cá cọp
Nguồn: photobucket.com

Bầu cua cá cọp thường sôi nổi, hào hứng vì cách chơi dễ dàng, nhìn một cái là biết liền, hai nữa càng đông càng vui, ai cũng có thể tham gia một vài ván, rồi vẫy tay... vẫy tay chào nhau... một lần cuối vì... két lủng rồi.

Thứ hai là chơi Tài-Xỉu, hơi phức tạp hơn một chút, nhưng nhìn một vài phút cũng biết ngay cách chơi, không khó và cũng không cần phải học như tổ tôm, chắn, mạt chược... Riêng Xóc đĩa thì từ ngày khôn lớn, biết đến cờ bạc ở miền Nam, tui chỉ nghe nói đến, chưa hề thấy trò chơi này. Những môn cờ bạc nói trên ở miền Nam trước năm 1975, thường được chơi ngoài phố, ngày thường ít thấy, nhưng đến gần tết bao giờ cũng có và thường kéo dài đến ngày 4-5 âm lịch mới chấm dứt. Còn cờ bạc trong nhà, giữa gia đình và bạn bè thân thuộc, các trò chơi thường là tam cúc, tổ tôm, tứ sắc, chắn, mạt chược...Phé hay xập xám chướng thì chỉ những tay có máu (mê) cờ bạc mới hay chơi.

Ra đến hải ngoại, các môn đen đỏ này cũng dần dần ít đi dù chưa biến mất hẳn. Thay vào đó người thích cờ bạc, may rủi, thường đi đến casino hơn. Người Á Đông nói chung hay Việt Nam và Tầu nói riêng, dường như có máu đỏ đen hơn người Tây phương thì phải. Phải chăng đây cũng là một hình thức “kích hoạt kinh tế” gia đình – nếu thắng? Không biết sự nhận xét của Đạt Lang tui có đúng chăng? Nhưng những lần qua Mỹ, vào thăm sòng bài One O One (101) nằm trên xa lộ 101 ở San Jose, hay Bicycle nằm trên đường Eatern Ave, Los Angeles, trước là mua vui, sau... làm việc nghĩa (hoàn toàn không có ý định thử thời vận, vì biết mình chẳng bao giờ có... thời mà thử), tui nhận thấy hầu hết những người hiện diện (nhưng không có mặt vì người nào người nấy ngơ ngơ, ngáo ngáo như... mộng du) trong sòng bài đều là gốc châu Á mà đa số trong đó là Việt Nam.

So với sòng Bicycle ở Los Angeles (Tên là Bicycle nhưng dân tới sòng toàn đi xe hơi, nhiều chiếc láng cóng năm bẩy chục, có chiếc cả trăm ngàn đô la, không tìm thấy chiếc xe đạp nào chung quanh đó) thì sòng One O One thua kém về mọi phương diện vật chất ngoại trừ mức độ đỏ, đen. Môn chơi chính mà người Việt (hay Á Châu) tham gia đông đảo nhất ở hai sòng bài trên là Pai Gow Poker (Phé “hai cây”, 1 cây 5 lá và 1 cây 2 lá – DCVOnline).

Đạt Lang tui khả năng tiếng Anh cũng cỡ như... đại sứ Lê Văn Bằng của nước CHXHCN Việt Nam trước kia nên...chịu thua, không biết dịch là gì, nhưng nghe thằng bạn xúi (quẩy) dẫn đường, nói là Xập xám...bẩy lá. Mja! Đúng là...chữ với nghĩa, xập xám (mười ba) mà lại chỉ có...bẩy lá. Mà thiệt dzậy, bộ bài có 53 lá gồm 52 lá từ As đến 10, J, Q, K và một lá Joker, chia cho 7 tay chơi, dư ba lá bỏ lại. Chủ sòng (Casino) cũng như người chia bài (Casino employee dealer) không tham gia mà chỉ có 7 người Player chơi với nhau. Mỗi ván bài các tay chơi phải đóng thuế 1% tùy theo số tiền đặt (Bet). Nhà cái (Player/Dealer) là một trong bẩy tay chơi luân phiên nhau. 7 lá bài sẽ được chia ra làm hai nhóm 2 – 5, cách tính thì giống như phé (poker) hay xập xám nhưng không...chướng chút nào. Lá bài Joker được tính như là As hay bất cứ một lá nào còn thiếu trong suốt (sảnh) hoặc đồng hoa (Straight, Flush). Nếu nhà cái và tay con một ăn, một thua trong hai nhóm (2 hoặc 5) thì huề, tay con chỉ lỗ tiền thuế 1%. Như vậy thì ngày qua ngày, ăn, thua hay... huề, rốt cuộc tiền vẫn chỉ chạy vào túi... chủ sòng (Casino) và employee dealer. Employee dealer thường được tiền tip hậu hĩ cho mỗi ván bài đỏ, khi Player/dealer thắng lớn hay gom sòng. Nếu người này sau khi chia bài, hết Schicht (shift), biết không đi thẳng về nhà, không la cà trong sòng... để trở thành một player, “cúng” ngược trở lại cho chủ sòng.

Một hình thức sát phạt khác được ưa chuộng đứng hàng thứ hai trong các sòng bài trên là Texas Holdem Poker (cũng tính với 7 lá bài, nhưng 2 lá riêng, 5 chung). Mỗi Player chỉ nhận được 2 lá bài riêng, úp, 5 lá chung còn lại sẽ được người chia bài lật ra giữa sòng từng lá một (bạn nào đã xem phim 007 Casino Royal với tài tử Daniel Craig sẽ hiểu được luật chơi). Employee Dealer sẽ thay thế, bỏ ra 2 trong 7 lá bài (5 chung trên mặt bàn và 2 của người chơi) để cho mỗi người chơi có được 5 lá bài đạt cao điểm nhất. 5 lá bài chung sẽ được chia từng lá một và mỗi lần lật một lá lên, các tay chơi có quyền tố (bet) thêm cho đến khi cạn láng (Bankroll).

Khi vào chơi trong sòng bài phải đổi tiền thành Chip. Việc đổi tiền thành chip khi chơi cũng có nguyên nhân tâm (sinh) lý mà Đạt Lang tui đoán rằng, có lẽ là để làm giảm sự căng thẳng (dễ bị đứt bóng hay đột qụy... tại sòng bài) của các tay chơi, khi thua quá có thể làm bậy (Nhìn một đống chip không nguy hiểm bằng nhìn một đống tiền mặt).

Dân Việt Nam ta như đã nói rất ham mê cờ bạc, không phân biệt giàu nghèo. Ngày lễ, tết, cờ bạc vui chơi đã đành, ngày thường không lễ lạc cũng... Tài xỉu, xập xám, phé, tổ tôm, mạt chược (majong) hè? Bạn nào biết giải thích dùm chút.) Khi đã chơi, mà không chém giết nhau (sát, phạt = chém, giết ?) bằng tiền bạc thì xin lỗi độc giả... đếch có hứng (chơi), phải không? Và như thế thì cũng không thể gọi là cờ bạc được. Nhưng đã ăn thua tiền bạc thì người ta dễ... nóng gà, nhất là với những trò chơi không giới hạn tiền đặt hay đang xui mà gặp mấy tay chầu rìa...đáng ghét ám quẻ (bình thường thì cũng không đến nỗi, nhưng đang thua đậm thì mặt ai chẳng đáng ghét như mặt... bà già vợ?)

Mà đã... nóng gà rồi thi lại càng cay cú tìm cách gỡ, đặt lớn hơn, gấp đôi, gấp ba, ta pi... nếu còn tiền. Lúc đó đầu óc sẽ trở nên mụ mẫm lạ lùng, không thể suy nghĩ gì hơn ngoài chuyện tìm cách lấy lại số tiền đã mất; đôi khi không biết rằng mình đã bị bịp, bị gian lận bởi chính những tay cờ bạc nhà nghề, cơm gạo....

Bởi bất cứ trò chơi đen đỏ nào cũng kích thích lòng tham của con người, từ đó nẩy sinh ra những trò bịp bợm, gian lận, để dành phần thắng. Cho nên nói đến cờ bạc mà không nhắc đến các trò gian lận, bịp bợm thì đúng là một thiếu sót (cực) lớn. Nhưng muốn gian hay bịp thì phải có thủ đoạn, có mưu mô, có... cò mồi, bưng bô... (loại cò mồi, bưng bô thật sự tham gia vào trò đen đỏ, cũng đặt tiền, cũng chơi, nhưng chủ yếu chỉ làm tay đệm không như những “cò mồi, bưng bô” trên diễn đàn).

Dĩ nhiên sự gian lận trong các sòng bài lớn ở Las Vegas, Reno hay Bicycle, One O One,... cũng khó xẩy ra, khó nhưng không phải là không có. Điển hình cờ bạc bịp tại các sòng bài lớn trên nước Mỹ là vụ Tran Organization mà FBI Mỹ với sự cộng tác của cảnh sát Canada vừa phá vỡ trong năm 2007. Một tổ chức được gọi là Tran Organization, thủ lãnh là Trần Văn Thư đã tổ chức, tuyển mộ, huấn luyện, trả lương cho các nhân viên chia bài trong các sòng bài lớn ở khắp nơi trên nước Mỹ và tiểu bang Ontario, Canada để họ làm việc cho mình. Nhiều người đã bị bắt giữ, một số đang trong tầm ngắm của FBI. Đây là vụ cờ bạc gian lận lớn thứ nhì trong lịch sử cờ bạc ở Mỹ, lớn nhất là vụ luật sư Serge Ravitch cũng bị bắt năm 2007 . Số tiền lừa bịp mất vào tay họ Trần lên đến hơn 20 triệu USD.

Cách thức lừa bịp, gian lận trong cờ bạc cũng thay đổi tùy theo loại chơi. Đối với các tay cao thủ trong làng bịp thì thông thường họ không gian lận trong những ván bài quá vô lý, dễ sinh nghi ngờ, lộ tẩy, nhất là trong đánh phé (China poker) 32 lá. Cách gian lận trong loại bài phé này là đánh dấu quân bài bằng cách cắt góc, đồng thời phải có một hoặc hai tay trong đệm giữa các tay chơi khác. Quân bài cắt góc giúp các tay bịp nhận ra bài tẩy của đối phương hoặc bài nằm trong con cóc để quyết định tố hay không. Các tay chơi đệm (cò mồi) có nhiệm vụ theo hay bỏ, giúp cho tay bịp rút được lá bài theo ý muốn.

Gian lận trong bầu cua cá cọp thì lại khác. Nhà cái thường dùng cách chận hột bằng cách chêm trong nắp đậy bằng carton một lưỡi gà. Muốn giữ lại hột, không cho nhẩy qua mặt khác, khi lắc nhà cái để lưỡi gà đè lên hột mà mình muốn giữ lại.

Còn cách thức gian lận của Trần Văn Thư là sử dụng Employee Dealer, xóc và chia bài cho player (người nhà) theo ý muốn bằng cách búng bài (phải tập rất dẻo mới không bị phát giác).

Cho dù số tiền lừa bịp của Trần Văn Thư (không biết có họ hàng với ông Trần Dân Tiên ở Việt Nam không?) hay của Serge Ravitch có lên đến vài chục triệu hay hàng trăm triệu thì sự lừa bịp đó vẫn nằm trong qui mô nhỏ. Băng đảng cờ bạc bịp Trần văn Thư chỉ hoạt động từ tháng 3 năm 2003 đến giữa năm 2007 thì bị phát giác, đập vỡ hoàn toàn, nó không có một di hại nào đáng kể cho xã hội, cũng không gây tổn thất về nhân mạng hay tài sản quốc gia.

 
Chủ sòng bạc bịp quốc tế
Nguồn: DCVOnline tổng hợp
Ngược lại, có những canh bạc bịp mang tầm vóc quốc tế với tầm tác hại thật khủng khiếp, những người tham dự cũng như không tham dự, chẳng những trắng tay hay mất mạng mà con cháu họ còn bị ảnh hưởng nặng nề kéo dài mấy thế hệ. Điển hình là canh xì phé kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thống nhất đất nước do các tay chủ sòng bạc quốc tế Mỹ, Nga, Tầu dàn dựng, với sự tham dự của ông Hồ Chí Minh cùng đảng CSVN ở miền Bắc, các người lãnh đạo trong hai nền Cộng Hòa ở miền Nam.

Canh bạc này kéo dài khá lâu, gần 30 năm, đầy tráo trở, bịp bợm, không những chỉ làm cho những tay chơi nhẹ dạ, non cơ, thiếu bản lãnh bị tán gia, bại sản mà ngay cả các chủ sòng cũng rung rinh, xính vính bởi chính những trò gian lận của mình. Hậu quả di hại vì canh bạc này khiến hơn 80 triệu người Việt vẫn còn khốn đốn cho đến bây giờ. Ván xì phé cuối ở canh bạc trời Nam đã ngừng mấy chục năm, các tay chủ sòng đã thu dọn các thứ đồ nghề, phủi đít rời khỏi chiếu bạc từ lâu. Chỉ còn lại mấy tay cờ bạc bịp với từng đống tiền cao ngất nghểu và đám tay con thua cháy túi vì nhẹ da, ngây thơ. Bao nhiêu người Việt Nam đã chết, bao nhiêu đất đai bị khô cằn bỏ hoang, bao nhiêu làng mạc, nhà cửa bị tàn phá... cho canh bạc bịp này? Khó lòng thống kê cho chính xác. Nhưng sự thiệt hại về vật chất, tài nguyên của đất nước về nhân, vật, lực dù to lớn thế nào cũng không ghê gớm và gây nhiều hậu quả kéo dài bằng sự hủy diệt về văn hoá, đạo đức, nhân phẩm con người... sau canh bạc để đời đó. Lý do nào mà những tay đại bịp, đầu sỏ hiện nay vẫn nghênh ngang, vênh váo, thản nhiên xem thường dư luận và tái diễn trò lừa bịp đê tiện, bẩn thỉu trước mắt mọi người?

 
Những tay cờ bạc hết mùa
Nguồn: soviet-empire.com
Chắc chắn chúng phải có được sự hổ trợ của các tay chủ sòng mới, những kẻ bỏ tiền ra ở Việt Nam, xây lại các Casino khác đẹp đẽ, tráng lệ hơn trước với phương tiện phục vụ hiện đại, những máy đánh bạc tân tiến... để tiếp tụ dụ dỗ các con mồi mới, nghe lời ngon ngọt, tưởng bở. Ngoài ra chúng cũng trông cậy vào bọn ma cô, đầu gấu, đứng bến... sẵn sàng trấn áp người chơi nào lên tiếng phản đối trò gian lận của chúng.

Những tay chủ sòng bài mới này chẳng lạ lẫm gì những trò cờ bạc bịp hiện nay ở Việt Nam, nhưng vì quyền lợi, chúng sẵn sàng làm ngơ như không thấy, không biết. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng cũng lên tiếng cho có lệ khi các tay cờ bạc bịp tỏ ra gian lận quá lộ liễu. Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, có những kẻ ti toe muốn ăn có, không tự lượng sức mình, trở về Việt Nam tham gia vào canh bạc mới; có nhiều người đã một lần thua trắng tay, phải chạy vắt giò lên cổ ra hải ngoại để giữ mạng sống, nhưng nay lại vì ngờ nghệch hoặc háu ăn, tiếp tục rơi vào những canh bạc bịp khác.

Viết tới đây Đạt Lang tui lại nhớ đến canh bạc bịp đầu thập niên 80 ở hải ngoại đã làm trắng niềm tin không biết bao nhiêu người Việt khắp nơi trên thế giới. Không ai biết được chính xác, vì chẳng ai (rảnh rỗi hay hơi đâu) làm thống kê. Nhưng chắc chắn một điều, những người đem tiền bạc, nhiệt tình, hy vọng, công sức và lòng yêu nước đặt vào canh bạc đó, chẳng còn mấy ai tin tưởng vào những khuôn mặt vẫn nhởn nhơ n tráo bài ba lá hay lắc bầu cua với nắp đậy có lưỡi gà chận hột trong cộng đồng. Ông Hà Thúc Sinh (tác giả hồi ký Đại Học Máu thuật lại chuyện đi tù cộng sản, tù chứ chẳng học tập cải tạo gì sất, đừng có tưởng bở) đã ngao ngán mà thốt lên rằng, “Cầm vàng mà lội qua sông, vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng” thì đủ biết là ông thất vọng, chán nản như thế nào.

Ấy thế mà sang thập niên 90, tại hải ngoại vẫn có kẻ tiếp tục mở sòng bạc bịp và vẫn lôi kéo được sự cộng tác của những người từng một thời là tướng lãnh của miền Nam, của những nhân sĩ, bác sĩ, trí thức, tiến sĩ (tự phong), giáo sư đại học Phú Thọ...

Những canh bạc bịp cuối mùa ở hải ngoại này dù chẳng hấp dẫn được nhiều người cho lắm, nó cũng chẳng ảnh hưởng hay tác động lớn gì vào sinh hoạt cộng động người Việt, nhưng thật sự là những cản trở cho tiến trình dân chủ, đa nguyên tại Việt Nam.