Đại Hội Cộng Hòa: Chuyện Bên Lề Print
Tác Giả: Vũ Linh   
Thứ Ba, 04 Tháng 9 Năm 2012 06:33

...các diễn giả đều mạnh mẽ nhấn mạnh thất bại của TT Obama...

Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc bước vào giai đoạn quyết định cuối. Đảng Cộng Hòa tổ chức đại hội tại Tampa. Việc lựa Florida nói lên tầm quan trọng của tiểu bang then chốt này.

Florida có được 29 phiếu cử tri đoàn, là tiểu bang lớn nhất trong số các tiểu bang gọi là “xôi đậu”, tức là có thể ngả qua Cộng Hoà hay Dân Chủ và có tiếng nói quyết định cuối cùng. Người ta còn nhớ năm 2000 và 2004, ông Bush thắng tại Florida và thắng luôn cuộc tranh cử. Năm 2008, ông McCain thua ông Obama tại Florida và không vào được Tòa Bạch Ốc. Năm nay cũng không khác. Ông Romney không thắng được Florida sẽ khó hy vọng vào Tòa Bạch Ốc.

Việc lựa Tampa cũng mang ý nghiã đặc biệt. Florida là một tiểu bang dài, chia làm ba vùng rõ rệt. Vùng bắc nằm ngang từ thủ phủ Tallahassee qua Pensacola là đất của mấy ông Mỹ ruộng gọi là “redneck” và các quân nhân căn cứ không quân Eglin mà nhiều người Việt tỵ nạn đã sống khi mới được nhận vào Mỹ năm 75, là thành đồng của bảo thủ và Cộng Hoà. Vùng nam từ Palm Beach qua Fort Lauderdale đến Miami là địa bàn của cấp tiến và Dân Chủ. Đặc biệt tại Miami, có cộng đồng tỵ nạn Cuba rất lớn, nằm trong khu gọi là Little Havana, giống như Little Saigon. Cộng đồng này cũng tương tự như cộng đồng tỵ nạn Việt. Thế hệ lớn tuổi và trung niên chống cộng và ủng hộ Cộng Hòa, thế hệ trẻ không để ý đến Fidel Castro nữa, và ủng hộ Dân Chủ.

Vùng trung từ Tampa qua Cap Canaveral là vùng “xôi đậu” thật sự vì dân “địa phương” ủng hộ Cộng Hòa sống lẫn lộn với dân “hưu trí” từ các vùng phiá bắc xuống, ủng hộ Dân Chủ vì sợ mất tiền già và medicare.

Lý do chính trị khiến họ phải lựa Florida để tổ chức đại hội. Nhưng vấn đề là cuối Tháng Tám lại là cao điểm của mùa bão lớn. Bão Isaac đã lựa đúng ngày Đại Hội Cộng Hoà khai mạc để tạt ngang qua vùng Tampa, khiến đại hội phải hủy bỏ ngày đầu tiên. May mắn cho Tampa, bão Isaac rẽ qua phiá Tây, đi vào New Orleans. Nhưng TĐ Romney chưa thoát nạn. Cơn bão dù không đến thẳng Tampa, nhưng cũng đã dành một phần không nhỏ trang báo và giờ phát hình của truyền hình. Và đảng Cộng Hòa không thể liên hoan mừng đại hội coi như không có chuyện gì xẩy ra khi bão ập vào vùng Louisiana. Một nhà báo cấp tiến của Yahoo News hăng tiết vịt quá mức, đã mau mắn phát ngôn “tụi Cộng Hoà liên hoan trên xác dân da đen đang chết chìm” (tin giờ chót, anh này đã bị sa thải).

Làm như có huông vì đây là lần thứ nhì đại hội đảng Cộng Hoà bị bão “phản động phá hoại”. Năm 2008, đại hội đảng Cộng Hòa tổ chức tuốt phiá bắc, tại Minnesota, cũng đã phải hủy bỏ một ngày vì bão Gustav tàn phá các tiểu bang miền Nam.

Đại hội đảng Cộng Hoà, rồi tuần sau đó đại hội đảng Dân Chủ, là một hiện tượng tiêu biểu cho chính trị Mỹ: kèn trống, bong bóng, cờ quạt, biểu ngữ, tất cả hàng rừng, như chợ phiên, với các đại biểu mặc quần áo sặc sỡ đúng như khách du lịch Mỹ, hò hét nhẩy nhót như điên cuồng để cổ võ những câu tuyên bố nẩy lửa sỉ vả đảng đối nghịch và ca tụng gà nhà.

Những chính khách gọi là “ăn khách” nhất của đảng được đưa lên đọc diễn văn để khích động tinh thần đảng viên và gây tiếng vang ra ngoài đảng. Đại khái, về nội dung, tất cả những bài diễn văn đó đều giống nhau, đưa ra một thông điệp thống nhất đã được ban vận động tranh cử của ứng viên tổng thống phê duyệt, chỉ khác về chủ đề, chi tiết và cách đọc.

Nhưng đó chỉ là những hình ảnh mà truyền hình chuyển đạt đến chúng ta mỗi tối. Thật ra, đại hội có tính cách nghiêm chỉnh hơn. Ban ngày, ngoài ống kính truyền hình, các đại biểu họp liên tục để thảo cương lĩnh và chương trình hành động cho bốn năm tới của đảng, cũng như thảo luận phân chia và phối hợp công tác vận động, gây quỹ cho những ngày tranh cử tới.

Một hiện tượng khác tiêu biểu cho chính trị Mỹ. Cương lĩnh và chương trình hành động, mặc dù được tranh cãi rất hăng say khi còn ở vòng thảo luận, thật ra chỉ là những tài liệu... có cũng như không. Vì tổng thống sau khi đắc cử, hoàn toàn có quyền phớt lờ, muốn làm gì thì làm mà chẳng cần biết đảng đã chính thức hứa hẹn gì với quần chúng. Kỷ luật trong một đảng chính trị Mỹ gần như không có ký lô nào.

Đại hội đảng có nghiã là hầu hết các tai to mặt lớn của đảng phải tham dự. Nhưng đại hội đảng Cộng Hòa năm nay nổi bật không phải vì sự hiện diện của những nhân vật nổi bật nhất của đảng, mà là sự vắng bóng của họ. Trong danh sách những nhân vật không tham dự có cựu PTT Dick Cheney (mổ tim nữa), cựu ngoại trưởng “phản đảng” Colin Powell (hậu thuẫn Obama hồi năm 2008), cựu ứng viên PTT bà Sarah Palin. Không ai thấy bóng hai cựu tổng thống Bush. Ông bố thì sức khỏe quá yếu không thể tham dự được, ông con mà dân Mỹ rất “thích ghét” (love to hate!) thì vẫn giữ chủ trương tránh mặt, không tham gia sinh hoạt chính trị.

Bù lại, những chính khách khác thường được nhắc đến như có nhiều hy vọng đứng chung liên danh đã được mời đóng những vai trò then chốt trong đại hội. TĐ New Jersey Christ Christie được đề cử đọc bài diễn văn chính (keynote speech) trong khi TNS Marco Rubio thì được trao trách nhiệm giới thiệu và đề cử TĐ Romney. Bà cựu ngoại trưởng Condoleezza Rice đọc bài diễn văn then chốt về chính sách đối ngoại, khẳng định “chúng ta không thể lãnh đạo từ phiá sau” (we cannot lead from behind).

Đại hội đảng cũng thường hay đưa một nhân vật cột trụ hay nổi tiếng của phe đối lập ra để “đá giò lái” phe địch chơi. Năm 2008, tại đại hội đảng Cộng Hoà, thượng nghị sĩ Dân Chủ kiêm ứng viên phó của Al Gore, ông Joe Lieberman, đã lên đọc diễn văn ủng hộ McCain chống lại Obama. Năm nay, cũng có một nhân vật Dân Chủ được mời lên để đả kích các đồng chí của mình. Đó là cựu dân biểu Artur Davis của Alabama.

Ông này năm 2007 đã là dân biểu da đen đầu tiên lên tiếng ủng hộ ứng viên Obama khi tất cả các chính khách da đen khác còn đang hậu thuẫn bà Hillary. Trong đại hội đảng Dân Chủ năm 2008, dân biểu Davis đã là người lên đọc diễn văn đề cử Obama. Năm nay, ông Davis đã lên bục đả kích mạnh mẽ TT Obama vì ông kịch liệt chống lại Obamacare ngay từ đầu.

Đại hội Cộng Hòa năm nay cũng có một điểm khá đặc biệt: sự nổi bật của tiểu bang Wisconsin. Đây là tiểu bang thành đồng của Dân Chủ từ mấy thập niên nay. Nhưng trong thời gian gần đây, lại trở thành tiểu bang có ảnh hưởng lớn trong đảng Cộng Hoà. Chủ Tịch đảng Cộng Hoà, là người khai mạc và điều hành đại hội là ông Reince Priebus, dân Wisconsin. Ngôi sao đang lên của đảng Cộng Hòa là ông Scott Walker, thống đốc Wisconsin, người vừa đánh bại những nỗ lực của nghiệp đoàn muốn truất phế ông. Và ứng viên phó của Cộng Hòa năm nay lại chính là dân biểu Paul Ryan của Wisconsin.

Với những biến chuyển này, Wisconsin bất ngờ đã trở thành tiểu bang xôi đậu, có thể ngả qua Cộng Hòa, bầu cho liên danh Romney-Ryan, kéo theo luôn cả ông hàng xóm Michigan, và có thể Ohio luôn. Các thăm dò dư luận mới nhất cho thấy cả ba tiểu bang đều từ “thiên về Dân Chủ” đã rẽ qua “ngang ngửa” không thể đoán được nữa. Cả vùng Đại Hồ mà bầu cho TĐ Romney thì chắc hẳn TT Obama phải chuẩn bị cho ngày về hưu non đi câu và viết hồi ký là vừa.

Bài diễn văn then chốt của TĐ Christie năm nay không giống bất cứ bài diễn văn chính trị nào khác. Không có chuyện hứa trăng hẹn biển, toàn là kẹo đã ngọt lại bọc đường theo mô thức Obama và đại đa số các chính khách khác. Trái lại, ông Christie hứa hẹn toàn là những khó khăn trước mắt, mà ông gọi là những “sự thật cứng rắn” –hard truths. Ông gọi chương trình của đảng Dân Chủ là hình thức “vừa huýt sáo vừa lái xe đâm xuống vực thẳm”. Theo ông Christie, điều quan trọng không phải là làm cho thiên hạ thích mình mà phải làm cho người ta nể trọng mình, trong khi đó, TT Obama đã chỉ lo lấy cảm tình thiên hạ qua những giải pháp dễ dãi mà hậu quả lâu dài lại thật tai hại. Ông nói thẳng với TT Obama: lãnh đạo chân chính không chạy theo thăm dò dư luận mà thay đổi dư luận (“You see, Mr. President – real leaders dont follow polls. Real leaders change polls.”).

Một người được hoan nghênh khác là bà Mia Love, thị trưởng thành phố Saratoga Spring, ứng viên hạ viện của tiểu bang Utah, da đen, con của di dân Haiti. Bài diễn văn của bà đã gây sôi nổi vì bà mô tả giấc mộng Mỹ -American dream- của bà, cùng với lời khẳng định “dân Mỹ đã không còn muốn mua những gì TT Obama muốn bán nữa”.

Tuy có ba diễn giả da đen chính, nhưng truyền thông dòng chính cũng không quên miả mai là chỉ thấy lác đác vài khuôn mặt da đen trong hội trường. Dĩ nhiên, làm sao dân da màu có thể chạy qua bên Cộng Hòa khi một “đồng hương” da đen ra ứng cử phiá bên kia?

Điều đáng ngạc nhiên là sự hiện diện của rất nhiều người già trong hội trường. Ngạc nhiên vì theo những tố giác của phe Dân Chủ, Cộng Hòa mà nắm quyền thì Medicare sẽ bị cắt. Vậy tại sao lại có nhiều người già tại đại hội như vậy? Có gì không ổn với tố giác của đảng Dân Chủ? Hay tại mấy người già đã lẩm cẩm ủng hộ nhầm? Hay mấy người già tham dự đại hội Cộng Hòa đều là triệu phú hết, không cần medicare? Hay họ biết rõ những hăm doạ của Dân Chủ là phịa?

Bài diễn văn nẩy lửa kích động hội trường là của ứng viên phó Paul Ryan. Đại ý ông Ryan nói:

- Nếu không có thay đổi lãnh đạo, làm sao ta có thể hy vọng 4 năm tới sẽ khác 4 năm qua?

- Chúng ta cần ngưng xài tiền mà chúng ta không có;

- Sinh viên tốt nghiệp đại học không thể ngồi ngắm bức hình mờ nhạt của Obama trong phòng ngủ thời học trò, lo lắng không biết chừng nào mới dọn ra khỏi phòng, có jobs và ra đời;

- Medicare là một lời hứa mà chúng tôi sẽ tôn trọng vì thế hệ của mẹ tôi, thế hệ của tôi, và thế hệ con cháu chúng ta.

Ký giả phe ta đã mau mắn xúm lại sỉ vả ông Ryan, cho rằng diễn văn của ông là một dẫy chuyện nói láo. Bỏ qua vài chi tiết vặt, ba điểm chính “phe ta” chỉ trích ông Ryan ba xạo là:

1) Ông Ryan đưa ra ví dụ một hãng sản xuất xe GM tại Janesville, thành phố của ông. Năm 2007, ứng viên Obama đến đó, hứa hẹn “nếu chính sách kinh tế của tôi được thi hành thì hãng này sẽ còn sống cả trăm năm nữa”, nhưng sự thật là bây giờ hãng này đã đóng cửa. Truyền thông phe ta và ngay cả ông Phó chuyên nói nhảm Biden cũng mau mắn khẳng định “hãng này đóng cửa năm 2008 dưới TT Bush”. Hàng loạt nhà báo khác đã đi coi lại, và khám phá ra hãng này thật sự đóng cửa tháng 4, 2009, sau khi TT Obama đã nhậm chức.

2) Ông Ryan tố điểm tín dụng của Mỹ lần đầu tiên bị hạ thấp vì chính sách nợ hơn chúa chổm của TT Obama, nhưng báo chí phe ta cho đây là nói láo, điểm tín dụng bị hạ vì quốc hội Cộng Hòa từ chối không cho TT Obama tăng thêm nợ. Đây là loại lý luận tréo cẳng ngỗng nhất mà chỉ có phe ta mới nghe được. Các tổ chức thẩm định nói rất rõ họ hạ điểm vì lo ngại khả năng trả nợ ngày càng lớn của Mỹ, chứ không phải vì nước Mỹ không muốn mắc nợ thêm;

3) Ông Ryan chỉ trích việc Mỹ nợ như chúa chổm, nhưng phe ta phản bác, cho rằng chi tiêu và nợ nần bắt đầu leo thang từ thời TT Bush. Tôi xin phép lấy ví dụ bà xã tôi xin được một thẻ tín dụng mới, mang đi mua cái áo 50 đô cho con gái, sau đó tôi mang thẻ đi mua dàn máy karaoke 5.000 đô. Như vậy gia đình tôi mắc nợ như chúa chổm vì bà xã tôi “bắt đầu xài”, hay vì tôi hoang phí? Theo lý luận của phe ta, thì đó là lỗi của bà xã tôi vì đã bắt đầu xài. Quý độc giả tùy tiện suy luận.

TNS Marco Rubio lên giới thiệu ứng viên Mitt Romney. Ông là dân Cuba tỵ nạn thế hệ thứ hai. Thông điệp của ông là hình ảnh một nước Mỹ của cơ hội, của cố gắng cá nhân đi đến thành công. Đây có lẽ là thông điệp rất nhiều dân tỵ nạn Việt có thể hiểu và cảm nhận được.

Cái đinh của đại hội dĩ nhiên là TĐ Romney. Thông điệp của ông là việc trở về cội nguồn, trở về với những giá trị nền tảng của Mỹ: gia đình, niềm tin, cần cù làm việc, phát huy sáng kiến cá nhân, chấp nhận trách nhiệm của chính mình. Những câu nói quan trọng:

- Lý tưởng Mỹ đặt trọng tâm vào việc tạo thịnh vượng cho ngày mai chứ không phải phân chia của cải đang có.

- Tổng thống này có thể kêu gọi chúng ta kiên nhẫn. Ông có thể đổ thừa là lỗi người khác. Ông có thể hứa bốn năm tới sẽ làm đúng. Nhưng ông không thể nói ngày nay chúng ta khá hơn ngày ông ta nhậm chức.

- Kinh tế Obama đã dẫm chết giới trung lưu. Lợi tức gia đình đã giảm 4.000 đô, nhưng bảo phí đã cao hơn, giá thực phẩm cao hơn, giá điện nước cao hơn, và giá xăng đã tăng gấp đôi.

- TT Obama hứa sẽ hạ thấp thủy triều và hàn gắn địa cầu. Tôi chỉ hứa giúp các bạn và gia đình các bạn.

Chương trình của ông Romney? “Jobs, jobs, jobs, and more jobs”. Ông sẽ tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư tạo công ăn việc làm cho mọi người, qua giảm thuế công ty, bớt luật lệ hành chánh, hủy bỏ Obamacare bắt buộc các công ty phải cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên, một người có việc làm thì sẽ có tiền mua bảo hiểm mà không cần công ty cấp bảo hiểm. Ông hứa sẽ tạo thêm 12 triệu việc làm trong bốn năm tới, so với bốn triệu trong bốn năm qua dưới TT Obama. Một anh nhà báo cấp tiến đã mau mắn bình luận: TT Obama đã khôi phục kinh tế cho những năm tới, bất cứ ai làm tổng thống cũng sẽ tạo được cả chục triệu jobs. Khi mình thất bại thì đổ thừa, khi người khác có triển vọng thành công thì mình nhận vơ trước. Phương châm mới của đảng Dân Chủ?

Điều thiên hạ không chối cãi được là tất cả các diễn giả đều mạnh mẽ nhấn mạnh sự thất bại của TT Obama, nhưng tuyệt đối đã không có một người nào bôi bác cá nhân TT Obama, không ai tố TT Obama là Hồi giáo hay theo xã hội chủ nghiã, không ai hỏi khai sanh hay học bạ của ông, cũng không ai đặt vấn đề đấu tranh giai cấp chia rẽ nước Mỹ.

Tuần sau là đại hội đảng Dân chủ, ta chờ xem sẽ như thế nào. (2-8-12)