Thang Thuốc Gồm 4 Vị Print
Tác Giả: Gã Siêu   
Thứ Bảy, 12 Tháng 12 Năm 2009 10:06

 

Người đời thường bảo :

- Thái quá, bất cập.

Phàm những gì quá độ, đều bất ổn. Trong khi đó, nhân đức luôn đứng ở giữa, ở cái mức trung dung.

Từ nhận định trên, gã đi vào mối liên hệ giữa anh chồng với chị vợ và đã nhận ra những thái độ quá quắt, dẫn đến những chuyện không hay trong đời sống tình cảm của cá nhân cũng như gia đình.

Thái độ thứ nhất, đó là coi vợ như đầy tớ, để rồi mặc sức “khủng bố”.

Trước hết là khủng bố về mặt tinh thần bằng những cấm đoán, áp đặt tư tưởng và lập trường của mình trên tư tưởng và lập trường của vợ, theo kiểu phu xướng vụ tùy, xuất giá tòng phu, khiến người vợ lúc nào cũng phải vâng lời tối mặt.

Tiếp đến là khủng bố về mặt thể xác bằng những đánh đập, hành hạ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, khiến vợ phải mang thương tích, đồng thời lúc nào cũng phải sống trong tình trạng căng thẳng và ngột ngạt. Thậm chí đôi khi còn dẫn tới một cái chết oan uổng và tất tưởi.

Gã xin đưa ra một trường hợp điển hình cho những bạo hành trong gia đình :

Sau khi cưới, những ngày tháng hạnh phúc chưa được bao lâu, thì gia đình bắt đầu có mối bất hòa và rạn nứt. Ban đầu từ chuyện mẹ chồng nàng dâu, cho đến những chuyện cỏn con của đời sống vợ chồng.

Cứ không bằng lòng điều gì, chẳng cần góp ý với chị một câu nào, anh liền đánh đập chị như một thú tiêu khiển. Hết đánh, rồi tới đập phá đồ đạc và chửi bới đe nẹt chị.

Khi bị anh đánh đâp thâm tím cả mặt mày, chị quay sang cầu cứu bố mẹ chồng, nhưng cũng chẳng nhận được một sự an ủi nào. Tệ hơn nữa, bố mẹ chồng còn gọi điện, mời bố mẹ đẻ lên để “nói chuyện”. Đích điểm của những lần nói chuyện ấy chỉ là những lời lẽ chửi bới, nhục mạ, hay nhẹ nhàng nhất thì cũng dạy cho chị và và gia đình bên ngoại một bài học…(Báo Gia đình, số 13 ra ngày 26 tháng 3 năm 2007).

Thái độ thứ hai, đó là coi vợ như bà chủ, để rồi lúc nào cũng khúm núm và nơm nớp sợ hãi.

Đây là tác phong đã được Tú Xương miêu tả :

- Làm trai rửa bát quét nhà,

Vợ gọi thì dạ, bẩm bà em đây.

Phần đông các ông chồng trên trái đất này đều mắc phải một chứng bệnh, được gọi toạc móng heo ra, là chứng bệnh “sợ vợ”. Các ông ấy đã lý sự cùn với nhau để bênh vực cho chứng bệnh vốn dĩ đã trở nên “di căn” hay “mãn tính” của mình.

Chẳng hạn :

- Mình sợ vợ mình, chứ đâu có sợ vợ người ta đâu mà lo.

Chẳng hạn :

- Mình đâu có sợ vợ, mà chỉ nể vợ.

Chẳng hạn :

- Mình làm vậy cốt để cho cửa nhà được êm ấm.

Tuy nhiên, dù biện minh thế nào chăng nữa, thì râu quặp cũng vẫn chỉ là râu quặp mà thôi. Những anh chồng sợ vợ vốn thường sống và thực thi hết mình lời khuyên bảo sau đây :

- Kính vợ đắc thọ,
Sợ vợ sống lâu.
Nể vợ ta hết u sầu,
Để vợ lên đầu, thì trường sinh bất lão.

Ngoài hai thái độ bất cập kể trên, nhiều lúc gã còn gặp thấy một thái độ khác, tuy không đến nỗi tệ hại, nhưng cũng không kém phần bất ổn đó là cái thói nịnh vợ.

Thái độ này, hình như cũng đã được Tú Xương bàn đến như sau :

- Vuốt râu nịnh vợ con bu nó.
Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.

Sỡ dĩ như vậy bởi vì trong thâm tâm, anh chồng luôn dành cho chị vợ một địa vị…tối ưu :

- Nhất vợ nhì giời.

Lắm lúc anh chồng nịnh một cách rất trơ trẽ, khiến người được nịnh là chị vợ cũng cảm thấy ngượng ngùng. Những lời lẽ nịnh bợ ấy sẽ phản tác dụng vì trở nên bôi bác giả hình, như muốn che lấp một ý đồ đen tối nào đó.

Để tránh đi tình trạng bi đát trên, hôm nay gã xin…”cắt thuốc” và đưa ra mấy thang “độc chiêu”, thay vì phải khen vợ thì lại được vợ khen.

Anh chồng phải nắm đàng chuôi, phải ở vào cái thế “thượng phong” và phải chơi “nước cờ cao”…Như vậy mới xứng với đấng mày râu, mới đáng với bậc tu mi nam tử.

Thang thuốc gã đưa ra gồm bốn vị :

Thứ nhất : đưa lương đủ.
Thứ hai : tối ngủ nhà.
Thứ ba : giúp việc bà.
Thứ tư : quà đúng lúc.

Bây giờ gã sẽ bàn rộng tán dài về từng vị trong thang thuốc tuyệt vời ấy.

Thứ nhất : đưa lương đủ. 

Kinh nghiệm cho thấy : để làm được chuyện nọ chuyện kia, thì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng vẫn là vấn đề…tiền đâu..

Trong phạm vi gia đình, quốc gia cũng như quốc tế, ai nắm được túi tiền, thì người đó cũng nắm được quyền lực, để rồi chi phối và bắt người khác phải quy phục mình răm rắp.

Gã xin đưa ra một thí dụ, chẳng hạn như những đồng tiền viện trợ.

Nước Mỹ vốn là nước hào phóng nhất trong vấn đề viện trợ cho các…chư hầu. Thế nhưng, một khi đã ngửa tay nhận lãnh những đồng tiền viện trợ, thì chắc chắn sẽ phải đi vào quĩ đạo của Mỹ. Mỹ bảo sao phải nghe vậy, bằng không thì sẽ bị cắt viện trợ. Lúc đó sẽ dở khóc, dở cười và dở mếu nữa.

Thành thử, dù là viện trợ nhân đạo, nhưng cũng vẫn kèm theo những điều kiện. Và những điều kiện này thường được hiểu ngầm với nhau, chứ ít khi được viết ra trên giấy trắng mực đen.

Trong phạm vi gia đình cũng vậy. Sở dĩ uy quyền của chị vợ tương đối lớn, bởi vì chị vợ vốn là “tay hòm chìa khóa”, nắm giữ tiền bạc trong gia đình.

Với vai trò của người quản lý khôn ngoan, chị vợ nào cũng muốn thâu tóm tất cả vào một mối. Vì thế, chị vợ không những muốn kiểm soát tiền lương cũng như tiền lậu, tiền bổng cũng như tiền lộc của anh chồng, mà còn muốn cứ đúng hẹn, anh chồng phải giao nộp đầy đủ, không thiếu một đồng, không thừa một cắc. Sự giao nộp đầy đủ này đem lại rất nhiều lợi ích..

Trước hết, chị vợ biết đường mà chi tiêu cho gia đình. Thực vậy, sống trong thời buổi gạo châu củi quế, vật giá leo thang đến chóng cả mặt. Vì thế, ngân sách trong gia đình thường bị thâm thủng và thiếu hụt, đôi khí tới mức độ trầm trọng.

Nắm được đầu vào, chị vợ mới có thể lên kế hoạch cho đầu ra một cách hợp tình và hợp lý, liệu cơm mà gắp mắm, cái gì không cần thiết thì gạch bỏ, chứ không bóc ngắn cắn dài, con nhà lính tính nhà quan, để suốt đời cứ bị nợ nần chồng chất.

Tiếp đến, vì tiền bạc được quản lý một cách hết sức chặt chẽ, nên chị vợ sẽ giúp cho anh chồng tránh được những thói hư tật xấu, những tệ đoan xã hội.

Đúng thế, các cụ ta ngày xưa đã bảo :

- Có tiền mua tiên cũng được.

Chính vì thế, người thời nay cũng nhận xét và thấy được rằng :

- Đờn ông, muốn hư thì phải có tiền.

Hay nói cách khác :

- Tiền dễ làm cho cánh đờn ông trở thành hư.

Thực vậy, có tiền anh chồng mới dễ dàng cùng với bè bạn chén thù chén tạc. Tăng một chưa hết, lại lê lết qua tăng hai. Có tiền, anh chồng mới dễ dàng bén mảng tới những nơi được tận cùng bằng chữ…ôm. Chẳng hạn như bia ôm, cà phê ôm, karaoke ôm…Thậm chí ở Hà Nội, theo như báo chí dăng tải, còn có cả…thịt chó ôm nữa!

Có tiền, anh chồng mới dễ dàng sa đà vào cờ bạc cũng như hút sách. Và tệ hại hơn nữa, thay vì đem tiền về để nuôi sống vợ con, anh chồng lại dùng vào việc phát triển những tình cảm sai trái và ngoài luồng, bằng cách bao gái, hay nuôi…bồ nhí, khiến cho gia đình bị đổ vỡ tan hoang.

Mặc dù quản lý chặt chẽ, nhưng chị vợ cũng nên xét tới những nhu cầu chính đáng của anh chồng, chẳng hạn như tiền xăng nhớt, cà phê cà pháo…để rồi tuồn vào ví của anh chồng một số tiền còm.

Chị vợ nên nhớ rằng tiền bạc là phương tiện làm cho cuộc sống trở nên tươi hồng, chứ không phải là cùng đích phải theo đuổi bằng bất cứ giá nào.

Đừng biến mình trở thành một thứ ngân hàng, hay kho bạc của nhà nước : có đầu vào mà chẳng có đầu ra. Nhập vô thì hồ hởi, xuất ra thì nhăn nhó.

Thiết tưởng mỗi người nên xác tín về giá trị của tiền bạc : Nó có uy lực riêng của nó. Tuy nhiên, uy lực ấy không phải là vô song và tuyệt đối như người ta vốn thường sánh ví :

Tiền bạc có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không mua được một mái ấm.

Tiền bạc có thể mua được một chiếc giường êm ấm, nhưng không mua được giấc ngủ ngon lành.

Tiền bạc có thể mua được chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.

Tiền bạc có thể mua được sách vở, nhưng không mua được kiến thức.

Tiền bạc có thể mua được địa vị, nhưng không mua được lòng tin phục.

Tiền bạc có thể mua được thuốc men, nhưng không mua được sức khẻo.

Tiền bạc có thể mua được tình dục, nhưng không mua được tình yêu….

Thứ hai : tối ngủ nhà. 

Đây là một vị thuốc rất cần cho sức khỏe của gia đình, nhất là đối với các gia đình trẻ, mới được bố mẹ cho…ra riêng.

Thực vậy, lúc bấy giờ, tình yêu còn đang mặn nồng và hơn thế nữa trong chiếc tổ ấm dễ thương ấy, thường chỉ có hai vợ chồng : đi ra thì cũng chỉ ta với mình, đi vào thì cũng chỉ mình với ta. Có thêm chăng nữa, chỉ là một đứa con.

Cứ tưởng tượng ra xem : chị vợ sau khi nấu nướng xong xuôi, ngồi đợi anh chồng về để cùng ăn. Thế nhưng, anh chồng lúc đó lại đang bận lai rai với các chiến hữu, ba hoa đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, bởi vì tửu nhập thì ngôn xuất, rượu vào thì lời ra.

Cái cảm giác chờ đợi, khiến cho chị vợ dễ dàng bực bội và tức tối, bởi vì :

- Ngồi chờ không bực cho bằng ngồi chực nồi cơm.

Thức ăn nguội dần, chị vợ ngồi xơi một mình mà nuốt chẳng trôi. Bực bội tức tối đã đành mà còn thắc thỏm lo âu :

- Giờ này anh ấy đang ở đâu và với ai ? Trên đường về có gặp phải tai nạn gì không ?

Mãi tới khuya anh chồng mới về tới nhà trong tình trạng chân nam đá chân chiêu, toàn thân bốc lên một mùi rượu nồng nặc, ấy là chưa kể tới cái cảnh anh chồng…OK thau, cho chó ăn chè. Như vậy, làm sao chị vợ có thể chịu đựng nổi.

Ngoài ra, ban ngày bàn dân thiên hạ phải lao động cật lực, đầu tắt mặt tối, người nào việc nấy. Vì thế, khi màn đêm buông xuống mới chính là lúc người ta nghỉ ngơi, chơi bời, du hí.

Bóng đêm như đồng lõa, ma dẫn lối quỉ đưa đường, khiến cho anh chồng loạng quạng mò tới những địa chỉ đen. Và ở đó, anh chồng làm gì và với ai thì chỉ có ông trời mới biết được mà thôi.

Vì thế, tối ngủ nhà là thượng sách. Giống như trong thời chiến, binh lính thường phải cắm trại một trăm phần trăm. Riêng ban đêm thường có lệnh giới nghiêm, người dân ai ở nhà nấy, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Cũng vậy, tối về ngủ nhà dưới sự chăm sóc và quản lý chặt chẽ của chị vợ, anh chồng sẽ như một cầu thủ ở trong cái thế…việt vị, bất nhóc nhách, chẳng còn sơ múi gì nữa. Và như vậy, theo sự diễn tả của truyện Tây Du Ký, thì anh chồng sẽ tránh được biết bao nhiêu thứ yêu tinh, biết bao nhiêu ổ nhền nhện, biết bao nhiêu hang tội lỗi…Một cuộc sống trong lành và mạnh khỏe như mở ra và chờ đón ở phía trước.

Thứ ba : giúp việc bà. 

Thời buổi bây giờ là thời buổi nam nữ bình quyền. Người chồng ngang hàng với người vợ. Và người vợ cũng ngang hàng với người chồng. Vì thế, cả hai đều phải chia sẻ trách nhiệm và bổn phận với nhau.

Ngày nay, nhiều chị vợ không phải chỉ biết làm bạn với nồi niêu xoong chảo nơi xó bếp, mà còn anh dũng tiến ra ngoài xã hội, đảm nhận những công việc quan trọng và cũng đã gặt hái được những thành quả sáng chói.

Nếu để cho chị vợ, một vai gánh việc nước, một vai lo việc nhà, thì e rằng quá sức chịu đựng của loài người ? Vì thế rất cần sự quan tâm và giúp đỡ của anh chồng.

Có lẽ cái thời chồng chúa vợ tôi cần phải qua đi, vì không còn thích hợp. Thực vậy, ngày xưa có những ông chồng sau giờ làm việc trở về nhà, thì liền ngồi đọc báo, xem TV và…chờ cơm. Việc bếp núc được coi như là việc riêng của người vợ.

Cái não trạng này đang dần dần được thay đổi. Nhiều anh chồng cũng đã lăn xả vào bếp để tiếp sức với chị vợ. Nếu không thổi được nồi cơm, thì cũng có thể làm được một món ăn, chẳng hạn như luộc rau, kho thịt…

Nếu không làm được món ăn, thì cũng có thể ngồi nhặt hành, băm tỏi…Thấy anh chồng đầy thiện chí như vậy, chị vợ nào mà chẳng vui mừng như mở cờ trong bụng.

Thậm chí khi nhìn thấy đôi bàn tay “hậu đậu” và lóng ngóng của anh chồng, chị vợ bèn giành lấy công việc về cho mình một cách đầy yêu thương và trìu mến :

- Thôi anh nghỉ đi, để em làm.

Ngoài chuyện bếp núc, anh chồng còn có thể giúp đỡ chị vợ những việc lặt vặt thuộc nhiều lãnh vực khác nữa, chẳng hạn như trang hoàng nhà cửa, dạy bảo con cái, trồng bông tưới kiểng, nuôi gà nuôi vịt…

Tóm lại, cả hai cùng cộng tác với nhau trong việc tổ chức và điều hành gia đình, để gia đình thực sự trở thành một mái ấm ngập tràn yêu thương và hạnh phúc.

Những sự giúp đỡ này, tuy âm thầm và nhỏ bé, nhưng lại có sức hâm nóng tình yêu và làm cho bầu khí gia đình thêm ấm cúng.

Thứ tư : quà đúng lúc. 

Trong hoàn cảnh khó khăn, người ta chỉ mong sao được ăn no và mặc ấm. Để ăn no, thì lắm khi “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”. Để mặc ấm, thì áo đụp, áo kép đắp lên người hai ba lớp miễn sao cho khỏi run lên lập cập

Thế nhưng, khi hoàn cảnh khó khăn ấy đã qua đi và một tương lai tươi sáng đã hé mở, thì từ chỗ ăn no mặc ấm, người ta ước mơ được ăn ngon mặc đẹp. Và thế là phú quí sinh lễ nghĩa.

Trong những tháng năm gần đây, gã đã thấy xuất hiện tại Việt Nam nhiều lễ hội để tôn vinh phe đờn bà con gái. Ngoài những lễ hội cổ truyền như tết Nguyên đán, còn có :

- Ngày tình yêu 14 tháng 2.

- Ngày phụ nữ quốc tế, mồng 8 tháng 3.

- Ngày tưởng nhớ công ơn mẹ hiền vào Chúa nhật thứ hai trong tháng năm.

- Nếu chị vợ đi dạy học thì có ngày nhà giáo 20 tháng 11. Nếu chị vợ làm bác sĩ, thì có ngày thầy thuốc 27 tháng 2.

Ngoài ra, trong lãnh vực riêng tư còn có một số những ngày khác, đánh dấu những kỷ niệm khó quên trong đời, chẳng hạn ngày sinh, ngày cưới…Và nếu là người Công giáo, thì còn có ngày mừng kính thánh bổn mạng.

Vì thế, một anh chồng lịch sự và tế nhị, cần phải ghi những ngày đáng nhớ này vào sổ tay của mình, để rồi cứ đúng hẹn lại lên. Hãy biểu lộ tình cảm và sự ga lăng của mình vào đúng những ngày trọng đại ấy bằng một cử chỉ đặc biệt, chẳng hạn như mời chị vợ đi ăn nhà hàng, hay tổ chức một bữa cơm thân mật trong gia đình.

Hay bằng một quà tặng nào đó. Dĩ nhiên, quà tặng phải tùy theo túi tiền của mình. Có khi không cần đến một quà tặng đắt giá, chỉ một bông hồng mà thôi cũng đủ làm cho chị vợ cảm động đến chớp chớp đôi mắt và rưng rưng như muốn khóc.

Hỡi những anh chồng khốn khổ ơi!

Xin hãy nghe lời xúi dại của gã chỉ một lần :

- Chịu khó uống thang thuốc bắc gã đã cắt, gồm bốn vị chính : Đưa lương đủ, tối ngủ nhà, giúp việc bà, và quà đúng lúc.

Gã sẽ bảo đảm “chăm phần chăm” thế nào các anh cũng được chị vợ của mình khen lấy khen để và bỗng dưng trở thành những con người thật dễ thương mà chẳng mất đồng xu cắc bạc nào cả.