Đám Cưới Vua Hàm Nghi Print
Tác Giả: Nguyễn Đắc Xuân   
Thứ Năm, 16 Tháng 7 Năm 2009 00:50

Ông hoàng An Nam với áo quần dài và khăn xếp đen bước xuống xe đến đón người yêu Marcelle từ tay thân phụ và rước người yêu lên xe để cùng đến nhà thờ Tổng Giám Mục Alger (L'Archevêché d' Alger) làm lễ cưới. Cảnh tượng một ông hoàng An Nam vận áo dài đen, đầu quấn khăn đen, cắp bên mình một cô đầm Pháp mặc áo cưới lộng lẫy, trắng muốt ngồi trên xe song mã đã làm xao động phố phường Alger. Hằng trăm khách mời và người hâm mộ đi theo đoàn nghinh hôn đến dự lễ cưới tại nhà thờ.

Mới đây, mấy ông bạn trung niên của tôi ở Paris gởi cho tôi một bộ bưu ảnh vua Hàm Nghi cưới bà đầm Marcelle Laloe với con tem ông đóng dấu từ năm 1904. Con tem dán trên tấm bưu ảnh cũ nhắc tôi sự kiện năm nay (2004) vừa đúng 100 năm (1904 - 2004) vua Hàm Nghi cưới vợ.

Nhà vua bị lưu đày

Như nhiều tài liệu đã ghi: Sau ba năm kháng chiến ở rừng sâu, đêm 2-11-1888, giữa lúc trời mưa lạnh, vua Hàm Nghi bị tên Trương Quang Ngọc phản bội bắt đem nộp cho Pháp và Pháp đày ông qua Algérie. Chiều chủ nhật , 13-1-1889, cựu hoàng Hàm Nghi đến thủ đô Alger. Mười ngày đầu, cựu hoàng tạm trú tại L'hotel de la Régence (Toà nhiếp chính). Sau đó, ông được chuyển về ở Villa des Pins (Biết thự Rừng thông) cách Alger 5 cây số.

Ngày 24-1, Toàn quyền Tirman tiếp kiến và mời cựu hoàng ăn cơm gia đình. Ít ngày sau, qua Toàn quyền Tirman, cựu hoàng nhận được tin thân mẫu là Bà Phan Thị Nhàn (vợ thứ của Ngài Hồng Cai, Hoàng Tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) - đã từ trần vào ngày 21-1-1889 tại Huế. Thân phụ mất (1876) lúc cựu hoàng mới 5, 6 tuổi. Đến nay lại được tin thân mẫu qua đời, cựu hoàng đau khổ vô cùng.

Gần mười tháng tiếp đó, cựu hoàng không chịu học tiếng Pháp. Ông cho rằng tiếng Pháp là thứ tiếng của dân tộc đã cướp nước Việt Nam, không học làm gì. Mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng dần dần ông thấy người Pháp ở Algérie không phải là loại người Pháp thực dân ở xứ An Nam, không những họ không thù hận ông mà trái lại họ còn quý mến và giúp đỡ ông. Đến tháng 11-1889, cựu hoàng chịu học tiếng Pháp với giáo sư Néopol.

Sau mấy năm học tập, cựu hoàng nói và viết tiếng Pháp giống như một người Pháp. Tuy nhiên, ông luôn nói tiếng Việt và ăn cơm Việt Nam do những người bên Việt Nam cử qua phục vụ. Cựu hoàng giao du quen thuộc với nhiều trí thức nổi tiếng Pháp. Năm 1899, cựu hoàng được qua thăm Pháp. Trong những ngày tham quan thủ đô Paris, cựu hoàng được xem triển lãm tranh của Gauguin (1848-1903), về sau vẽ tranh, cựu hoàng đã chịu ảnh hưởng của phong cách Gauguin.