Chiến thắng Đống Đa Print
Tác Giả: Nguyễn Hồng Dũng   
Chúa Nhật, 21 Tháng 2 Năm 2010 20:39

Thời tiết giao mùa nên khí hậu lúc nắng lúc mưa làm cho quân sĩ tiến binh ra phương bắc gặp nhiều trở ngại,

 dù vậy Vũ Văn Nhậm là một tướng tài đã khích lệ lòng quả cảm của sĩ tứ khiến cho bước chân bắc tiến càng thêm hăng hái, do thế mà khi tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh

 
xong thì oai danh của Tây Sơn vang lừng làm cho ai nấy đều khiếp vía, mất hồn. Vua Lê Chiêu Thống cùng một số quần thần, cung tần hốt hoảng chạy lên vùng Mục Sơn thuộc miền Yên Thế rồi ngược về Thanh hóa để chiêu dụ và kết nạp các thuộc tướng hòng khôi phục lại ngai vàng. Tiếc thay, quần thần trước đây là một đám dua nịnh nên khi gặp hoạn nạn thì lại trùm chăn nhắm mắt, ít kẻ trung kiên đứng ra phò trợ, vua Lê thấy thế bèn kéo nhau lên Lạng sơn để khôi phục lại giang sơn dù chẳng lọt vào tay ai. Tuổi đời chưa chín chắn để biết mối hại đô hộ của bắc phương từ hàng ngàn năm trước, Lê Chiêu Thống nghĩ nông cạn đến cách nào khôi phục cơ ngơi của mình với bất cứ giá nào, do vậy mà vua sai Lê Quýnh đưa tôn thất Lê triều là hoàng thái hậu cùng hoàng hậu sang Kinh bắc. Vua cùng Lê Ban ở đất Thanh hóa nghe theo lời Lê Duy Ðoan nên cầu viện Thanh triều. Lê Chiêu Thống liền sai hai người bề tôi tin cẩn là Tham tri Chánh sự Lê Duy Ðán và Phó đô Ngự sử Trần Danh Án theo đường núi trốn qua Tàu ra mắt Tri phủ Thái Bình xin tiến dẫn đạt lời cầu viện của vua Lê lên Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh và Tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị.

Nghị bèn làm tờ sớ dâng về triều đình nhà Thanh nội dung như sau:

-“Họ Lê vốn thần phục nước Tàu, nay lại bị giặc lấy mất nước, mẹ và vợ tự quân sang cầu cứu, tình cũng nên thương. Vã nước nam vốn là đất cũ của Tàu, nếu sau khi cứu được nhà Lê thì đất An Nam thuộc về ta luôn thể, thuận cả đôi bên”.

Vua Càn Long chuẩn y lời tấu trình và sai Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh hai mươi vạn tinh binh sang Đại Việt, mượn cớ giúp vua Lê đánh Tây Sơn nhưng thực chất là âm mưu đặt nền đô hộ.

Nước Tàu mấy ngàn năm vẫn nuôi mộng xâm lăng Đại Việt. Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đều chống lại mộng bá quyền của bắc phương. Đến triều đại nhà Thanh được cớ của tôn thất nhà Lê chạy sang cầu cứu thì hoàng đế Mãn Thanh cực kỳ mừng rỡ, thuận cho Tôn Sỹ Nghị lấy binh của bốn tỉnh là Quảng đông, Quảng tây, Quý châu và Vân nam đem sang đánh Tây Sơn tổng cộng gồm ba chục vạn quân chia làm ba đạo tiến thẳng vào Đại Việt theo các ngã sau.

Đạo thứ nhất do Tổng binh tỉnh Vân nam và Quý châu là Trương Triều Long và Lý Hóa Long kéo sang qua ngõ biên giới Tuyên-quang.

Đạo thứ hai do Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Ðống chỉ huy tiến sang ngả Cao Bằng.

Đạo thứ ba do Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị và Ðề đốc Hứa Thế Hanh kéo sang mạn Lạng Sơn.

Ba cánh quân qua tới biên thùy Hoa Việt thì gặp Lê Chiêu Thống cùng các tùy tướng đón rước chỉ đường để tiến vào Thăng Long thành. Thế giặc như vũ bão lại có các quan triều Lê giúp sức hướng dẫn nên chẳng bao lâu Tôn Sĩ Nghị đã vào tới thành Thăng Long giữa trung tuần tháng Mười một năm Mậu Thân (1788). Các bộ tướng của Tôn Sĩ Nghị đóng ở hai bên bờ sông Hồng Hà, bắc cầu phao từ mé nầy qua mé bên kia để dễ dàng đi lại.

Quần thần của Tây Sơn như Đại tư đồ Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhậm dùng kế hoãn binh cầu hòa nhưng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị bác khước, Ngô Văn Sở bèn nhóm văn võ lại quyết nghị. Tướng quân Nguyễn Văn Dũng đề xuất dùng phục binh đánh địch; Ngô-Thời-Nhậm-can-ngăn:

-Quân địch mới tới, sức còn mạnh khí đương hăng, lại khoa trương thanh thế làm kinh động nhân dân. Nếu ta đem binh ra khỏi thành sẽ bị chúng sát hại. Cựu binh sĩ của bắc hà thì nhuệ khí vốn đã nhụt, thừa cơ trốn hết. Chừng ấy ta muốn đánh thì không hơn, mà muốn giữ cũng không đặng, chẳng phải là thượng sách; chi bằng ta tạm rút hết quân thủy bộ vào đóng giữ từ Tam Ðiệp ra đến cửa biển, đồng thời cấp báo về Phú xuân để Chính Bình Vương huy động đại quân cùng nhau quyết chiến.

Ngô Văn Sở nói:

- Giặc đến chưa đánh đã chạy, tôi e đắc tội với Chính Bình Vương chăng?

Ngô Thời Nhậm đáp:

- Lương tướng thời xưa, lường sức giặc trước rồi mới định việc công hay thủ. Nay ta đem toàn quân lui về, chẳng qua là cho chúng ngủ nhờ một đêm, sáng ngày đuổi chúng cũng không muộn.

* *

Sáng tinh mơ đầu tháng mười một trời Hà thành vẫn còn vương đục trong màn sương của tiết đại hàn. Đoàn quân Mãn Thanh dưới cờ lịnh của Tôn Sĩ Nghị đã kéo vào Thăng Long như chỗ không người, dân chúng thấy thế đều bàng hoàng sửng sốt không ngờ nội tình của Đại Việt đã ra nông nổi thế này? Những hồi trống đại chầu đã vang lên từng hồi như tiếng thét vang lừng của non sông đang đi vào khúc quanh oan nghiệt. Giờ thìn, các quan lại vốn phục tùng Lê vương đã tề tựu trước cửa nam giao để nghe Tôn Sĩ Nghị tuyên đọc tờ sớ của vua Càn Long nhà Thanh phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương. Một số các quan văn võ khác thấy cảnh quân lính Mãn Thanh dương dương tự đắc thì khởi tâm tủi hỗ, nhục nhã cho vận nước tự dưng đón giặc vào nhà nên chỉ biết im lặng từ quan hay về chốn thôn trang tu tỉnh.

Dù thân là quốc vương Đại Việt nhưng Lê Chiêu Thống phải chầu chực bên dinh Tôn Sĩ Nghị để xin ý kiến việc quân hàng ngày. Các thư từ, văn kiện phải đề niên hiệu Càn Long nhà Thanh chứ không dùng niên hiệu của vua Lê nước Đại Việt nên bao nhiêu nhân sĩ, trí thức, nho gia đều cảm thấy nhục nhã, tê tái với đất nước vốn sản sinh bao anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất mà chưa hề quỵ lụy ngoại bang, mất hết cái hùng khí với bốn ngàn năm văn hiến.

Những bậc hiền tài, ẩn cư hay thiện tri thức chán cảnh trần thế mà cũng động lòng trắc ẩn nên phải buông lời than thở rằng: “ nước ta từ khi có đế vương đến giờ chưa thấy vua nào hèn hạ đến thế, tiếng là vua của một nước mà phải theo niên hiệu Càn Long, việc lớn nhỏ đều trình báo quan Tàu Tôn Sĩ Nghị thì có phải nước ta đang bị đô hộ và nội thuộc rồi chăng???”

Đã thế, Lê Chiêu Thống còn lấy uy quyền của Tôn Sĩ Nghị, bắt những cựu thần Tây Sơn giết hại để báo thù làm cho thành Thăng Long trở thành một nơi chém giết oan cừu vô cùng bi đát.

Quả như thò tay vào túi, Tôn Sĩ Nghị lấy Thăng Long một cách dễ dàng và từ vua quan đến cung nữ Lê triều hầu hạ từng giờ khiến họ Tôn càng ngày càng trở nên kiêu mạn, ăn chơi phè phởn không có biện pháp quân kỷ nghiêm minh nên quân Thanh tha hồ cưỡng đoạt, phá hoại tài sản dân lành, hãm hiếp phụ nữ và biết bao nhiêu điều quấy nhiễu tàn độc xảy ra từng phút trên mảnh đất văn vật mang đầy tình tự quê hương. Bỗng nhiên, thành Thăng Long mất hết những nhuệ khí linh thiêng của kinh đô đế nghiệp Lý Trần, thay vào đó là nỗi kinh hoàng của nhân dân khi chứng kiến nạn thù hận chém giết, cướp bóc hãm hại giữa những người cùng huyết thống đệ huynh không tài nào cản nổi.

* *

Đất trời lồng lộng một màu xanh phủ kín Phú Xuân sau mùa mưa nên trăm hoa bừng nở chuẩn bị sang xuân, tiết trời trở nên ấm hơn và lòng người cũng hoan hỉ để chuẩn bị cho cái tết thanh bình lần thứ ba kể từ ngày Bắc Bình Vương trấn thủ thành Phú Xuân.

Nguyễn Huệ dậy thật sớm, chấp tay đi trên bờ lũy trường thành có trồng nhiều hàng cây dương liễu, vừa suy nghĩ đến việc thống nhất sơn hà như thế nào để toàn dân Đại Việt trở thành một khối thống nhất hùng tráng đủ sức chống lại họa xâm lược từ phương bắc cứ lăm le dòm ngó nam phương.

Kể từ hôm diệt trừ Vũ Văn Nhậm chận đứng sự manh nha lộng quyền, kiêu mạng thì Bắc hà được giao phó trông coi văn , võ bởi quan Đại tư đồ Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhậm dưới sự giám quốc của Sùng Nhượng Công Lê Duy Cẩn; dù vậy nhưng lòng dạ của Bắc Bình Vuơng Nguyễn Huệ cũng chưa thật an tâm, vì rằng Lê Chiêu Thống không biết sống chết thế nào, giang sơn Đại Việt thì chia năm xẻ bảy như loạn sứ quân mà sát nách thì giặc Tàu ngày đêm dòm ngó.

Đêm hôm qua khi Ngọc Hân công chúa vào tư phòng Nguyễn Huệ than vãn về triều thần nhà Lê trong cảnh hoang mang chưa vững cách an bang thiên hạ bởi hàng vài trăm năm bị lấn áp bởi phủ chúa gian manh, Lê Duy Cẩn thì không đủ tài cao đức trọng mà Lê Chiêu Thống thì nhẹ dạ, ươn hèn ưa nghe chuyện nịnh bợ làm vui. Thấy công chúa lo toan việc vương triều quá đỗi nên để trấn an và xua tan nỗi bận lòng, Nguyễn Huệ an ủi và khuyên lơn công chúa đừng phiền lòng lo nghĩ và tự hứa sẽ không để Lê triều suy vi làm tàn hại cả khối quốc gia, dân tộc.

Gió xuân thổi nhẹ khi ánh thái dương chợt lóe lên tia sáng đầu tiên trong ngày làm mát lạnh mái đầu người trượng phu đang thả hồn thổn thức với mảnh đất quê hương; nhìn về bắc môn như cất tiếng chào mừng Thăng Long xa xôi diệu vợi, Nguyễn Huệ bỗng phát hiện từ phương xa một chấm đen di động như bóng mờ của con tuấn mã phi nước đại dương lá cờ phất phới đề hai chữ “hỏa báo” bằng tất cả bình sinh tiến về Phú Xuân khiến tâm tư Nguyễn Huệ bồi hồi, lo lắng.

Chấm đen lộ dần và người kỵ mã cũng đã lộ rõ nét khẩn trương hối hả, Nguyễn Huệ vội vàng bước xuống thềm ngọ môn khoanh tay đứng chờ tin tức.

Thắng cương dừng ngựa, tuấn mã đã rã rời với bốn vó như tuốt máu cùng thân mình lấm tấm mồ hôi. Kỵ sĩ đưa tay dụi mắt, tháo chiếc áo đầy bụi đường rồi hấp tấp chạy tới điếm canh trình thư hỏa tốc.

Nguyễn Huệ không phải chờ đợi, người bước đến bên chàng kỵ sĩ rồi đưa tay vỗ nhẹ lên vai đầy vẻ kính phục, đoạn Nguyễn Huệ cho phép cấp báo. Nhìn oai phong của vị đại vương từng đánh đông dẹp bắc mà bàn tay cùng nụ cười thân ái với một tên lính thư bình thường, kỵ sĩ vội vàng quỳ xuống chẳng dám ngẫn mặt lấp bấp tấu trình:

-Muôn tâu đại vuơng, quân Mãn Thanh đã đem ba mươi vạn tinh binh tiến vào Thăng Long. Đại tư đồ Ngô Văn Sở phải rút toàn bộ quân sĩ về lại Tam Điệp án ngự và sai thuộc cấp tức tốc đêm ngày không nghỉ chỉ mong gặp đại vương thật sớm để cấp báo đặng xin viện binh chống cự.

Nguyễn Huệ cau mày rồi cầm tờ sớ của quan tư đồ xem lại như chưa tin vào lời tâu của người phi báo.

Gió sớm mai man mát quyện hương thơm của những búp sen từ sông Hương thoang thoảng mùi hoa dễ ngây ngất lòng người. Ai nấy đều chìm trong phút giây thanh bình an lạc, nhất là cảnh thạnh trị bấy lâu đã làm cho Phú Xuân vui hưởng hòa bình. Bỗng nhiên chín hồi trống giục giã nổi lên dồn dập từ trong đại điện thành Phú Xuân làm cho mọi người choàng tỉnh khỏi cơn mê hoan lạc.

Các quan văn võ hớt hãi kéo đến khi mặt trời vừa mọc ở phương đông được chặng con sào, vốn từ rất lâu chưa có lần nào khẩn cấp để phải chín hồi trống trỗi lên như tiếng thét của non sông rừng núi. Bấy lâu nay tiếng chuông chùa Thiên Mụ và tiếng trống bát nhã của sắc tứ già lam đầy trầm hùng thanh thoát như những nốt nhạc thiên đình đưa tâm thức chúng sanh gần bờ giải thoát, nhưng quả thật hôm nay khác lạ, phải là điềm bất tường mới đánh trống triệu họp bá quan. Trên nét mặt, trên vầng trán và cả trên đôi mắt nghi ngờ mà các quan tự hỏi, không biết hung kiết ra sao cho quốc gia dân tộc mà vẻ nghiêm trang, lo lắng đã phủ lên từng bệ đá, mỗi ngọn cây của Phú Xuân thành.

Đợi cho các đại thần an vị đâu đó xong thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ mới nghiêm nghị thông báo sự kiện đại biến ở kinh thành Thăng Long và việc quân ta kéo lui về Tam Điệp.

Các quan bàn tán xôn xao, vầng trán bấy lâu nay ít thấy đường nhăn nếp nhó mà kể từ phút giây triệu tập đến giờ đã khiến nhiều khuôn mặt dạn dày thêm mấy tuổi; có vị cho là Ngô Văn Sở rút quân làm mất nhuệ khí, có người nóng nảy muốn leo lên lưng chiến mã thề sống chết với giặc Mãn Thanh ngay tức khắc. Nguyễn Huệ nghe hết mọi nỗi phẩm bình liền bảo:

“-Ta nghĩ các ngươi là hạng vũ dũng chỉ biết gặp giặc là đánh, không biết lúc nào nên tấn, lúc nào nên thối; việc rút quân về đèo Tam Điệp chắc là mưu của Ngô Thời Nhậm để bảo tồn lực lượng, đây là tuyệt kế chứ không phải là vừa.”

Các quan được dịp hun lòng nhiệt huyết hòa với các triều đại vua Trần đã từng chống quân Nguyên, vua Lê chống quân Minh còn đậm nét trong trang sử Đại Việt khiến bá quan văn võ đồng thanh hô lớn:

“- Thề quyết chiến!”

Quần thần trên dưới một lòng quyết chiến và cho rằng Lê Chiêu Thống đã “cõng rắn về cắn gà nhà”, rước quân Tàu qua đô hộ nước nam nên đồng tôn xưng Chính Bình Vương Nguyễn Huệ thế thiên hành đạo đưa dân tộc thoát vòng nô lệ, dẹp lũ ngoại xâm tạo nền móng độc lập cho quê hương xứ sở.

***

Khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ khởi binh từ Quy Nhơn ra Thăng Long tiêu trừ chúa Trịnh ngang qua vùng núi Nghệ an, Hà tĩnh nghe đại danh của một nhân vật đặc biệt đang ẩn cư trên núi Thiên nhẫn sau khi từ quan, người đó lại là một trung thần đầy đức độ từng can gián chúa Trịnh không được tiếm ngôi vua Lê, một nhân vật thuộc dòng dõi vọng tộc, con cháu Lưu Quận Công nhưng sớm liễu đạo muốn xa lánh mùi trần tục lụy. Người đó chính là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; vì thế mà Nguyễn Huệ rất cảm kích muốn thân hành tới nơi am thất để cầu hiền, thỉnh ý bậc thức giả đem tài trí hộ quốc an dân.

Lần thứ nhất khi đoàn binh đi vòng qua chân núi Thiên Nhẫn, Nguyễn Huệ cho dừng quân và thân hành theo mép rừng tiến về thiền thất nơi có những hàng liễu quanh năm rũ lá chơ vơ. Sau khi diện kiến và tâm sự những trăn trở của nước non, Nguyễn Huệ tha thiết mời tiên sinh hợp tác. Dù quý trọng sự nghiệp hưng binh của Bắc Bình Vương nhưng La Sơn nhất định từ chối vì tự cho là mình chính là thần tử của nhà Lê. Dù vậy khi nhìn tướng pháp của Nguyễn Huệ, trong lòng La Sơn phu tử đã thấy khác lạ của một bậc xuất chúng, với đặc điểm nổi trội nhất là tóc quăn, tiếng nói sang sảng như chuông ngân, cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối là những thân tướng hiếm hoi của bậc phi phàm.

Lần thứ nhì khi rút quân về lại Phú Xuân thì Nguyễn Huệ cũng thân hành lên vấn an tiên sinh tại thảo lư vào buổi xế chiều. Đôi bên tương đắc kể cho nhau nghe những ưu tư về tiền đồ dân tộc, và rồi Nguyễn Huệ cũng mong được La Sơn phu tử hợp tác cho viên ngọc minh châu được dịp bừng sáng nhưng cũng bị sự khước từ.

-Đã hai lần diện kiến đối ẩm mà tiên sinh nhất mực chối từ việc khẩn khoản này, phải chăng ngài cho chúng tôi bình dân không đủ khả năng mưu đồ quốc gia đại nghiệp, dẹp loạn yên dân? Nguyễn Huệ dò hỏi.

La Sơn phu tử chậm chạp đáp:

-Bỉ nhân đâu lẽ nhận thức sai lầm đến thế. Xưa kia Lưu Bang Hán Cao tổ là người bình dân, Lưu Huyền Đức là người thợ giày, Bình Định vương Lê Lợi là nông dân áo vải đất Lam sơn mà đem lại thái bình cho trăm họ thì ngày nay tài đức và độ lượng của đại vương cũng sáng chói một phương. Ngặt nổi hiện thời bỉ nhân vốn thờ vua Lê nên đạo làm người khiến không đi hai hàng một lượt.

Ngậm ngùi chia tay vì không vời được Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân giúp nuớc, Nguyễn Huệ cầm tay La Sơn phu tử ân cần chúc phúc, uớc mong có duyên tao ngộ để cùng nhau đem tài trí hưng bang tế thế, giải cứu sơn hà. Nắng chiều nhàn nhạt xuyên qua tàng lá đưa từng sợi tà dương in thành mảng cô liêu trên suốt dặm đường. Tiên sinh cũng cảm nhận được cái chí khai thiên phá thạch của con người nông dân áo vải này, nhưng cung cách nhà Nho vốn tôi trung chẳng thờ hai chúa, vì vậy mà dù tâm phục tới đâu cũng khó cho La Sơn phu tử, con nguời của cửa Khổng sân Trình dễ gì lay động được tâm can một khi người đã quyết.

* *

Đại quân Tây Sơn đầy khí thế với một lòng quyết bảo vệ non sông, nhân dân nghe tin đoàn hùng binh tiến ra Bắc tiêu diệt bè lũ xâm lăng, bán nước nên ai nấy đều tự nguyện đóng góp lương thực, thuốc men và khuyến khích trai làng tòng quân giết giặc.

Tờ mờ sáng đầu tháng chạp năm Mậu Thân, đại binh đóng quân ở núi Bàn Sơn để lập kế hoạch hành quân thì bỗng nhiên có một lão ông trông hình thái tiên phong đạo cốt chống gậy đòi gặp cho được Bắc Bình Vương.

Nghe quân báo, Nguyễn Huệ biết có hiền tài giúp sức nên vội vã y áo chỉnh tề bước ra nghênh tiếp. Ai ngờ, vừa thoáng thấy tiên sinh, vương vui mừng quên cả giữ lễ nên tiến gần cầm tay lão trượng, hoan hỷ cất lời chào mừng:

-Ối chà, thế nào ta cũng ghé thăm tiên sinh khi ngang qua Nghệ Tĩnh, ai ngờ chưa đến Thiên Nhẫn mà người tri kỷ đã chống gậy đến đây, hay quá! hay quá!

Nét mặt còn dính bụi đường, La Sơn phu tử đáp lễ bằng sự nghiêm trang, chậm rãi:

-Hai lần trước, sở dĩ tôi từ khước lời Ngài vì vua Lê còn đó. Nay Lê Chiêu Thống rước voi về giày mả tổ là hành động của tên phản quốc thì bỉ nhân nhất định theo ngài để hưng quốc an dân, giúp ngài tiêu trừ giặc Mãn Thanh, đem an lạc cho cơ đồ dân Việt.

Nguyễn Huệ quá đỗi vui mừng liền mời tiên sinh ngồi vào ghế quân sư chẳng khác nào Lưu Bị đời hậu Hán mời được Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Tiếp đó, La Sơn phu tử bày mưu:

-Cổ nhân có nói: “sư xuất vô danh, sự cố bất thành” nghĩa là xuất quân không có chính danh nên đại sự không thành; nay đại vương thân hành ra đất Bắc để đánh giặc Mãn Thanh cứu nước, vì thế để muôn dân quy về một mối thì đại vương phải hành động như một hoàng đế danh chánh ngôn thuận, nhất hô bá ứng thì trăm họ mới hết lòng phò tá mà cùng nhau đuổi giặc, trừ nguy.

Mùa đông, sáng sớm và ban đêm đều có sương mù mờ mịt, mưa nhè nhẹ nhưng dai dẳng suốt ngày, cái lạnh pha chút ẩm thấp làm cho người ta thích tìm sự bình an, ấm áp nghỉ ngơi; nhưng ngày Mười hai Tháng Chạp năm Mậu Thân thì khác hẳn, vì đại sự cứu nguy dân tộc khỏi nạn xâm lăng, Nguyễn Huệ cho lập đàn ở núi Bàn Sơn tế cáo trời đất lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung thống lĩnh tất cả thủy bộ đại binh tiến nhanh ra Bắc.

Kế hoạch của quân sư đưa ra là đại binh phải “hành quân thần tốc” để kịp thời gian không cho địch trở tay. Phu tử nghe báo cáo quân địch lên đến hai mươi vạn hùng hậu thì liền tâu với vua rằng:

-Số quân của Hoàng đế kéo từ Phú Xuân ra đây chưa đủ túc số để chống lại Mãn Thanh, giờ này về lại đàng trong chiêu binh thì mất đi thời gian tính, vậy ngay tức khắc xin Hoàng đế tuyển mộ trai tráng ở đất Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vì nơi đây anh hùng hảo hớn cũng nhiều mà đất thượng võ xưa nay từng nổi tiếng. Thuở vua Trần đánh quân Nguyên Mông đã mộ binh chốn này nên có câu “hoan diễn do tồn thập vạn binh” là vậy.

Nghe vậy, vua Quang Trung truyền ba quân nghỉ ngơi nửa tháng tại Nghệ An để tuyển mộ thêm binh sĩ và đúc bánh đa làm lương khô chuẩn bị chuyển quân. Khi trai tráng trong các xứ tuyển mộ khá dồi dào, La Sơn phu tử trình bày thêm chiến lược và chiến thuật hành quân như sau:

-Hai mươi vạn quân Thanh kéo sang nước ta quá dễ dàng, chúng đang kiêu căng, khinh địch và ngạo mạng, doanh trại chưa thiết lập xong, phong thủy đông giá trở trời cũng tác động đến cơ thể từng tên giặc. Vậy chiến lược và chiến thuật của ta là tốc chiến quyết tốc thắng.

Binh thư đã dạy: “Dĩ tật công lao giả thắng”, do thế mà ta phải “công kỳ vô bị, kích kỳ bất ư giả tất thắng”. Xưa nay chiến lược đánh phủ đầu cần phải “tiên phát giả chế nhân, hậu phát giả chế ư nhân”.

Vua Quang Trung gật đầu cho là chí lý, bèn hỏi tiên sinh cách nào nhanh nhất để tiến quân ra Thăng Long thành.

La Sơn phu tử ngẫm nghĩ giây lát rồi chậm rãi đáp:

-Tâu hoàng đế, theo dự liệu của giặc Mãn Thanh và bọn bán nước cầu vinh thì ít nhất đầu tháng Hai quân ta mới đến đất Bắc, hãy tạo bất ngờ cho chúng chẳng kịp trở tay, chỉ có chạy thật mau không ngừng nghỉ, hai người khiêng một thay đổi hàng giờ mà bảo đảm tốc độ liên hoàn không dừng lại.

Tuyệt vời! vua Quang Trung lần nữa gật đầu tán thưởng, liền đó Ngài cho binh lính chia mỗi tổ thành ba người, lấy tre bện thành những chiếc võng để hai người khiêng một đặng giảm đi sự mệt nhọc mà liên tục tiến quân ra Thăng Long.

Riêng tượng binh và kỵ binh thì vua Quang Trung phái nữ tướng Bùi Thị Xuân điều động một trăm thớt voi, hai trăm con chiến mã theo đường núi tiến ra Bắc suốt ngày đêm không nghỉ, bảo đảm rằng nữ tướng Bùi Thị Xuân cùng tượng binh đến được phía nam thành Thăng Long trước vài ngày đón chờ bộ binh đặng hợp lực cùng nhau phá thành.

Khí thế toàn dân đang chờ đợi một minh quân lãnh đạo non sông, vua Quang Trung bèn ban huấn dụ cho bá gia bá tánh cùng hưởng ứng chống ngoại xâm, đồng thời nhờ thế mà mộ được hơn mười vạn trai tráng tòng quân; cờ Tây Sơn phất phới hiên ngang theo đại lộ đến đèo Ba Dọi núi Tam Điệp là địa điểm giữa tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình thì gặp Đại tư đồ Ngô Văn Sở và Vũ Văn Nhậm cung đón.

Nhìn thấy nét lo âu trên khuôn mặt của các vị đại thần, vua Quang Trung bước tới khen Vũ Văn Nhậm là người đầy mưu trí, bảo tồn được tính mạng của binh sĩ, phải nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, chỉnh đốn hàng ngũ rút về nơi hiểm yếu, trong thì nâng lòng quân kích thích, ngoài thì khiến lũ giặc kiêu căng. Nhân gần đến ngày nguyên đán năm Kỷ Dậu, hoàng đế cho quân binh ăn tết trước, căn dặn binh sĩ cùng bá quan rằng:

-“Chúng nó sang phen nầy là mua lấy cái chết đấy thôi, ta ra đi chuyến nầy, thân coi việc quân, đánh giữ đã có định mẹo rồi, đuổi quân giặc về Tàu chẳng qua mười ngày là xong việc”.

Đoạn, ngài xoay qua phía Vũ Văn Nhậm và các quan văn, tướng võ vua nói tiếp.

-Chúng là nước lớn gấp mười lần nước ta, sau khi thua, thế nào cũng xấu hổ mà tìm cách báo thù, như thế thì đánh nhau mãi mãi không thôi, dân chúng lầm than ta đâu nở thế. Vậy đánh xong trận nầy ta phải cậy tài của tiên sinh Ngô Thời Nhậm dùng ngòi bút để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mười năm nữa nước Việt trở nên phú cường rồi, thì ta không cần phải kiêng dè chúng nó nữa!”

Nói xong, vua Quang Trung bố trí chiến thuật, chia quân ra làm năm đạo như sau:

- Đạo quân thứ nhất do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết thống lĩnh thủy quân với ba trăm chiến thuyền đi cánh hữu tiến vào sông Lục đầu đánh tan quân Lê Chiêu Thống đóng tại Hải Dương và hỗ trợ cho bộ binh đánh thẳng vào phía đông thành Thăng Long.

- Đạo quân thứ hai do đô đốc Nguyễn Văn Lộc dẫn bộ binh phía hữu tiếp ứng đội quân thứ nhất kiêm thống lĩnh hai trăm chiến thuyền vào sông Lục Nam rẽ ngược lên Phượng nhãn, Long giang qua Yên thế chận đường rút lui của giặc để thu khí giới, quân lương và giữ hướng bắc không cho địch tiếp tế.

-Đạo quân thứ ba do Đô đốc Nguyễn Văn Bảo chỉ huy đội tượng binh và kỵ binh hỗ trợ cho đạo quân chủ lực đánh thốc vào hướng tây nam đồn Ngọc Hồi, kế đó tiến binh theo đường Sơn Minh đánh bọc hậu dứt điểm đồn Ngọc Hồi tại làng Đại Áng , huyện Thanh Trì.

- Đạo quân thứ tư do Đô Đốc Nguyễn Khắc Long chỉ đạo theo cánh tả trực chỉ hướng tây bắc qua Chương Đắc đánh thẳng vào quân Điền Châu của Sầm Nghi Đống đang đóng tại gò Đống Đa mở đường tấn công Thăng Long thành.

- Đạo quân thứ năm là chủ lực quân do chính vua Quang Trung điều khiển có Đại tư mã Ngô Văn Sở và Nội hầu Phan Văn Lân làm tiên phong đánh hướng nam thành Thăng Long là mặt phòng thủ chính yếu của quân Mãn Thanh.

Sau khi phân bố các đạo quân xong, vua Quang Trung truyền hịch xuất binh:

“Quân Thanh kéo sang xâm lấn, các ngươi đã nghe tin ấy chăng? Trong vòng trời đất chia theo phận sao Dực, Chẩn; nam bắc vẫn riêng một non sông. Người nước bắc không phải nòi giống ta thì tất phải khác dạ. Từ đời Hán về sau họ cướp đất đai ta, tịch thu cá thịt, vơ vét của cải, nông nổi ấy không sao chịu được; người nước Nam quyết nghĩ cách đánh đuổi chúng đi.

Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ vì không chịu bó tay ngồi nhìn quân xâm lăng tàn bạo nên phải thuận lòng người, dấy nghĩa quân đánh thắng rồi đuổi chúng về. Sau khi đó thì nam, bắc rõ lại phân ranh, bờ cõi yên ổn, vận nước lâu dài, nên từ nhà Đinh tới nay chúng ta không phải chịu cái khổ bắc thuộc; việc chung muôn dân có lợi lộc, được thua chuyện cũ rành rành ra đó.

Nay nhà Thanh không coi gương Tống, Nguyên, Minh lại âm mưu chiếm nước nam ta đặt làm quận huyện, vậy ta phải vùng lên mà khử trừ đi!”

Ba quân tuớng sĩ đồng thanh hô vang lừng:

-Quyết chiến! Quyết chiến.

Vua Quang Trung hạ lịnh xuất binh vào đêm trừ tịch, nổi trống, đốt lửa khí thế hào hùng, tiến binh ào ạt. Lợi thế của tổ ba người thì kẻ nằm trên võng đọc to khẩu quyết võ công cho hai anh khiêng học theo khỏi mệt, nhờ thế mà chặng đường hành quân, các tân binh hiểu được các thế võ công cần thiết vừa thủ cho mình mà cũng có công năng diệt được quân Thanh mau chóng. Thấy khí thế hừng hừng rực cháy, vua Quang Trung phủ dụ quân sĩ rằng: “ngày mùng Bảy tết Kỷ Dậu chúng ta sẽ vào thành Thăng Long ăn tết.”

Sau ba ngày đêm theo đường bộ đến Giản thủy, quân Tây Sơn gặp quân lính của Lê Chiêu Thống và tiền binh Mãn Thanh đóng tại đồn Gián Khẩu cản trở, quân Tây Sơn thần tốc, táo bạo đánh một trận tan vỡ và đích thân vua Quang Trung gióng trống cho ba quân đuổi theo đến huyện Phú Xuyên thì bắt sống hết thảy chẳng sót một tên. Do đó, không có quân địch nào khả thể chạy về báo cho Mãn Thanh đang đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi biết được.

Nửa đêm ngày mùng ba tết năm Kỷ Dậu, quân Tây Sơn vây kín đồn Hà Hồi rồi dùng chiến thuật phủ dụ, dùng loa kêu gọi giặc Thanh đầu hàng. Vì tiếng hò la pha lẫn tiếng trống trận, phèn la làm cho địch quân khiếp đảm phải mở cửa thành xin hàng, giao tất cả quân lương, vũ khí khiến ngày xuân nở hoa tại Hà Hồi không rơi một giọt máu.

Giờ Dần ngày mùng năm, quân Tây Sơn đã tiến đến Ngọc Hồi thì bị quân Thanh bắn súng đại bát như mưa. Sau khi bao vây bốn hướng, vua Quang Trung duyệt xét tình hình chiến sự bèn sai ba người lính làm một tấm ván có bện thêm rơm rạ và nước tránh lửa rồi xung phong tiến vào theo sau là hai chục người cầm binh khí, giắt dao nhọn tiến theo. Thân hành vua Quang Trung lên bành voi, cho đánh trống thúc chiến liên hồi khiến ba quân hăng máu ào ạt như thát lũ tiến đến cửa đồn rồi ngả ván tràn vào xáp chiến. Quân Mãn Thanh tan vỡ, đạp lên nhau chạy trốn, xác nằm ngổn ngang, máu chảy lai láng; đến giờ ngọ thì quân Tây Sơn chiếm được Ngọc Hồi.

Theo kế hoạch đã định, đô đốc Nguyễn Khắc Long đánh úp vào Khương Thượng ở đồn Đống Đa tiêu diệt đội quân của tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống khiến viên tri phủ nầy không biết làm sao hơn là phải treo cổ tự tử.

Đề đốc Hứa Thế Hạnh, tiên phong Trương Sĩ Long, tả dực Thường Duy Thăng và một số tướng Mãn Thanh bị chém chết ngay tại doanh trại hoặc tự sát tại các đồn khi quân Tây Sơn bao bọc tứ phương.

Điều trớ trêu vô cùng tủi nhục là khi hay tin Tôn Sĩ Nghị đem binh vào Thăng Long, thì ở nam hà Nguyễn Phúc Ánh mừng rỡ vô cùng liền cho tướng Phạm Văn Trọng và Lâm Đề mang thư sang triều đình Mãn Thanh tỏ lòng hoan nghênh thần phục, lại đem năm mươi vạn cân gạo giúp quân Thanh lưu trú bắc hà, nhưng hởi ôi! thuyền ra đến cửa biển thì bị bão tố hoành hành làm đắm toàn bộ giấc mộng nô lệ của Nguyễn Phúc Ánh.

Trong khi đó, cung thành Thăng Long đèn hoa rực rỡ, Tôn Sĩ Nghị đang uống rượu thưởng xuân với đào non gái đẹp, ngày đêm bắt kỹ nữ múa hát âm vang, rượu bồ đào mỹ tửu hâm nóng hết bầu nọ, hủ kia và trâu bò cứ xẻ thịt nướng lên làm đại yến; Lê Chiêu Thống thì ra sức trả thù như trường hợp của Hoàng đệ Lê Duy Lưu và phò mã Dương Hành bị chặt chân quăng giữa chợ vì có liên hệ đến Tây Sơn. Từ các đời tiên đế chưa có một mùa xuân nào ô nhục, điêu tàn mà hương khói các đền đài cũng âm u lạnh lẽo.

Đêm mùng năm tết Kỷ Dậu, ánh trăng lưỡi liềm nhỏ xíu không đủ tỏa ánh sáng huyền hoặc xuống nhân gian, nhưng chị Hằng vẫn lờ mờ chiếu rọi đủ đưa bước chân đoàn nghĩa quân Tây Sơn tiến đúng lộ trình để vây hãm kinh thành.

Nửa đêm hôm đó Tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị vẫn còn ngà ngà say, vị nồng của rượu, vị mặn của thực phẩm cùng với men tình choáng váng đã khiến cho thần trí của bổn quan xâm lược quay cuồng; hung tin báo về đồn Hà Hồi thất thủ, đồn Ngọc Hồi bị đại quân Tây Sơn tàn sát, Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử, Hứa Thế Hanh và các tùy tướng bị giết không còn manh giáp khiến Tôn Sĩ Nghị khiếp đảm tinh thần, tay chân run rẩy, đại tiểu tiện bầy nhầy, không kịp thắng yên cương, chẳng còn giờ mặc giáp bào, bỏ quên cả ấn tín và mật chỉ của vua Càn Long, ôm lưng ngựa cùng vài tên kỵ sĩ chạy thoát thân qua sông Hồng Hà.

Quân Mãn Thanh nghe tin chủ soái bỏ trốn bèn vội vã tranh nhau vượt cầu phao bắc ngang hai bên bờ sông Hồng, quá tải nên cầu bị sập đổ, khiến hàng ngàn quân Thanh sụp xuống dòng nước đang cuồn cuộn trôi, số bị chết đuối, số còn lại bị bắt tính không kể xiết.

Hai đạo quân Vân Nam, Quí Châu của Mãn Thanh đóng tại Sơn Tây nghe hung tin về chủ soái Tôn Sĩ Nghị tháo chạy, các đại tướng đều tử trận nên vội vàng rút quân tháo lui. Không dễ dàng như vậy, Vua Quang Trung đã cho Đô đốc Nguyễn Văn Lộc phục kích hai bên đường rút binh, khi hai đạo quân xâm luợc hớt hãi tháo lui thì bị Tây Sơn đón đánh một trận tơi bời hoa lá làm cho hàng chục ngàn tên xâm lược đưa tay đầu thú, số còn lại lén núp trên rừng rồi mò về biên giới mà vẫn chưa hết sợ. Riêng Tôn Sĩ Nghị trốn chạy tới Quảng Tây mà vẫn còn hồn phi phách tán, chưa biết quân Tây Sơn tài tình ra sao và dùng lối thần tốc thế nào đánh một trận kinh thiên động địa như vậy?

Lê Chiêu Thống cũng bám sát Tôn Sĩ Nghị chạy theo về Tàu rồi phải sống cuộc đời ô nhục vì triều đình Mãn Thanh buộc phải ăn mặc theo phong tục Bắc phương, bị khinh rẻ vì nhu nhược và ngu muội nên ôm nỗi thống khổ nhục nhã mà băng hà ở Quế Lâm vào trung tuần tháng Mười năm Quí Sửu (1793) hưởng dương 28 tuổi.

Áo bào của vua Quang Trung đen cháy vì thuốc đạn, giày vớ đều bị rách tươm và cổ họng đắng chát bởi gào thét thúc ba quân hăng say tiến chiếm mục tiêu; các đại tướng Tây Sơn đang kiểm xem binh sĩ, băng bó nghĩa quân, thu hoạch chiến công chuẩn bị tập hợp toàn quân tiến vào nội thành Thăng Long kịp chính Ngọ ngày mùng Năm tết Kỷ Dậu để mở tiệc khao quân, ca khúc khải hoàn, phủ dụ toàn quân ăn mừng tết chiến thắng.

Dân chúng Hà thành vui mừng không kể xiết, đặt bàn hương án cung kính đón chào; từ ngày Lê Chiêu Thống rước giặc vào nhà thì dân lành đau nhói, cầu trời khẩn Phật ngày đêm cho có một Phù Đổng Thiên Vương xuất hiện. Giấc mơ đó đã thành hiện thực đang xảy ra với bao niềm hân hoan, ái mộ.

Đoàn quân vừa ngang qua cung điện Kính Thiên, những cành đào đỏ chói vẫn vô tình hé nhụy như chứng kiến cuộc rút chạy nhục nhã của vua Lê cùng bọn tùy tùng đuổi theo vó ngựa của kẻ xâm lăng, vua Quang Trung rút gươm chặt đứt một nhánh đào ươm nụ thật đẹp giao cho đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cấp tốc mang về thành Phú Xuân trao tận tay Ngọc Hân công chúa để báo tin thắng trận huy hoàng.

Ngọc Hân công chúa nhận được cành đào còn chưa nở lộc đươm xuân liền reo mừng báo tin cùng bá quan trong thành niềm tự hào cảm động vô biên. Tin chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa loan truyền mau lẹ làm cho bá tánh Đại Việt cảm kích và hoan hỷ như chưa từng có niềm vui nào sánh bằng.

Dân chúng đất Thăng Long trở lại cảnh thanh bình, không còn một tên xâm lược cũng như bè lũ bán nước của Lê Chiêu Thống lẩn quẩn đâu đây. Trời đang độ ngày xuân nhưng tiết lạnh vẫn còn nhức nhối, binh sĩ hai bên thương tật khá nhiều mà gò Đống đa thì xương quân lính Mãn Thanh chất cao như núi, vua Quang Trung nghẹn ngào cho cuộc chiến xâm lăng bèn truyền lịnh sai quan thị lễ lo tổ chức đàn tràng kỳ siêu bạt độ các vong linh chết trận vừa rồi. Tiếng trống trầm hùng cùng hồi chuông gọi hồn dân tộc vang vọng cả bầu trời mới vừa giải phóng, nghi thức tế cáo chiêu hồn được tổ chức hết sức trang nghiêm dưới trướng điện Kính Thiên vào giờ Ngọ ngày mùng Năm, đích thân vua Quang Trung đọc bài văn tế để an ủi linh hồn của bao chiến sĩ vì chủ soái của mình mà hy sinh trận mạc, lời văn đầy cảm khái, ý đạo tràn nghĩa tình khiến lòng thành của bao quan quân sĩ tứ ngập niềm cảm xúc, bi ai.

(Trích đọan trong tác phẩm Quang Trung Hồn Việt của Nguyễn Hồng Dũng)