Hồ Xuân Hương và những nghi vấn Print
Tác Giả: Tạ Quang Khôi   
Chúa Nhật, 15 Tháng 7 Năm 2012 19:52

Người đầu tiên dùng phân tâm học của Freud trong văn chương Việt Nam có lẽ là ông Nguyễn Văn Hanh.

Năm 1936, ông Nguyễn viết trong cuốn HỒ XUÂN HƯƠNG : TÁC PHẨM, THÂN THẾ VÀ VĂN TÀI (xuất bản ở Saigon) rằng nữ sĩ họ Hồ là một người xấu xí, đen đủi, bị khủng hoảng về tình dục. Ông còn gọi thơ bà là thơ “hiếu dâm”. Đến cuối thập niên 1940 (hay đầu 50 ?) Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, trong cuốn KINH THI VIỆT NAM cũng cho rằng nữ sĩ họ Hồ có những dồn nén tình dục.

Nhưng vào thời gian đó, chưa ai nghĩ rằng thơ Hồ Xuân Hương không phải do chính nữ sĩ họ Hồ sáng tác. Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm còn viết một cuốn sách ca tụng bà là một nhà thơ cách mạng (Bốn Phương xuất bản năm 1950 ở Hà Nội). Đến cuối năm 1952, một nhóm người nêu giả thuyết không thực sự có một nữ sĩ tên là Hồ Xuân Hương. Thơ họ Hồ là thơ của nhiều nhà nho ẩn danh muốn giải tỏa những dồn nén tình dục của mình. Nhóm chủ trương “không có Hồ Xuân Hương” nêu lý do : trong thơ họ Hồ thường nhắc tới Chiêu Hổ, tức Phạm Đình Hổ, tác giả “Vũ Trung Tùy Bút”. Thế mà trong tác phẩm này, họ Phạm không hề nhắc tới người đã từng xướng họa thơ với mình. Rồi họ kết luận : không có nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Chúng tôi e rằng nếu chỉ dựa vào lý do đó – theo thiển kiến, nó thiếu tính chất khoa học, nên chưa đủ sức mạnh thuyết phục – mà quyết định một vấn đề rất quan trọng trong văn học sử thì e quá hồ đồ. Nhưng chủ trương đó cũng làm một số người phân vân, hoang mang.

Vào cuối thập niên 1950, Học giả Hoàng Xuân Hãn, trong một bài nghiên cứu, quả quyết rằng thực sự có một nữ sĩ tên là Hồ Xuân Hương trong văn học cổ Việt Nam. Tuy nhiên, học giả họ Hoàng xác nhận rằng thơ Hồ Xuân Hương có những bài không phải do chính nữ sĩ sáng tác.

Chúng tôi nghĩ rằng Hoàng tiên sinh có lý. Có thể có một số người không hiểu tại sao các nho sĩ, văn hay chữ tốt, làm thơ lại không dám nêu tên mình mà phải núp dưới bóng người khác. Thật ra, điều này cũng không khó giải thích.

Trước hết chúng ta phải tìm hiểu nền giáo dục Khổng-Mạnh. Đó là một nền giáo dục khắt khe, nhằm đào tạo một con người toàn vẹn, cả về đức độ lẫn tài năng. Nó đã đưa những người theo nó lên nấc thang cao nhất của một xã hội nặng về nông nghiệp : Sĩ, Nông, Công, Thương. Dường như sau “Cách mạng tháng Tám” (1945) người ta mới thêm một đảng cấp nữa, đó là “Binh”. Kẻ sĩ, nhà nho, là một lớp người được cả xã hội quý trọng, kính nể. Họ tiến lên thì làm quan giúp vua, giúp nước, giúp dân; lui về thì dạy học, vun trồng thế hệ mai sau. Đó là “Tiến vi quan, thoái (hay đạt) vi sư.” Vì được tất cả mọi người trong xã hội kính nể, họ phải làm gương tốt cho thiên hạ noi theo. Muốn thế, nhà Nho phải luôn luôn giữ cho lòng được ngay thẳng, trong sáng

Để giữ cho lòng được ngay thẳng, trong sáng, họ chỉ nghĩ tới những điều cao đẹp, nói những điều hay để người khác nghe theo. Do đó, trong Hán tự, chữ CÁT (tốt lành) được ghép hai chữ SĨ và KHẨU ( ) nghĩa là những gì xuất phát từ miệng của kẻ sĩ đều tốt lành. Nho giáo khắt khe như vậy nên quả thật rất ít người theo đúng được, trừ những bậc thánh hiền. Con người ta dù ở địa vị đáng tôn kính nào vẫn là những con người với tất cả mọi nhu cầu, cả về vật chất lẫn tinh thần. Con người sẽ mất thăng bằng nếu chỉ thiên về một phía. Các nhà nho, dù ngày đêm “tụng” sách Thánh Hiền cũng không thể thoát ra khỏi thông lệ đó. Nho sĩ cũng là con người với tất cả “thất tình”. Họ cũng có những thèm khát vật chất như mọi chúng sinh khác. Nhưng họ phải giấu kín những gì lễ giáo cho là thấp hèn. Ngay cả vợ chồng cũng không được bộc lộ những thèm muốn về xác thịt, phải “tương kính như tân” (kính trọng nhau như khách). Đã “kính trọng nhau như khách”, vợ chồng không thể nói với nhau những lời xuồng xã, thô tục như những kẻ phàm phu.
Trước mắt quần chúng, nhà nho càng phải nghiêm chỉnh hơn, lúc nào cũng phải nhớ rằng mình đang ở một địa vị cao quý nhất xã hội, “nhĩ mục quan chiêm”. Nhưng họ nghiêm chỉnh không có nghĩa là họ không có những thèm muốn về xác thịt. Thật ra, họ cũng muốn thỏa mãn những nhu cầu đó như mọi người bình thường khác.

Đối với những người đã hiển đạt (thi đỗ, làm quan, giầu có) thì dù có phải coi vợ như khách, họ vẫn có cách giải quyết ổn thỏa. Họ có thể “nạp thiếp”,nghĩa là lấy vợ nhỏ, nàng hầu (trai năm thê, bảy thiếp…). Đối với vợ lẽ con thêm, họ không cần phải giũ lễ “tương kính như tân”.

Còn những nho sĩ chưa hiển đạt, chưa có đủ phương tiện để “nạp thiếp”, họ phải giấu kín những thèm muốn trong lòng để rồi chúng dần dần biến thành những dồn nén nhức nhối, khó chịu. Con đường giải tỏa tạm thời của họ là làm thơ, lén lút đưa cho nhau thưởng thức. Họ có thể là những người “văn chương chữ nghĩa bề bề”, thơ họ không phải là loại thơ “con cóc”. Rồi nhân đã có người nổi tiếng về lối thơ “dồn nén”, họ “đổ thừa” những bài thơ mới sáng tác của họ cho người đó. Thế là họ vẫn giữ được tiếng nhà nho ngay thẳng, lòng sáng như gương. Trong một bài hát nói tả một anh giả điếc, Nguyễn Khuyến đã có hai câu thơ chữ Hán mà mọi người cho rằng Cụ muốn ám chỉ thái độ nghiêm chỉnh giả tạo của một số nhà nho :
                                
“Tọa trung đàm tiếu nhân như mộc,
“Dạ lý phan viên nhữ tự hầu.”
(Tạm dịch : Ngồi nói chuyện vui với mọi người thì như gỗ, đến đêm anh cũng leo trèo như vượn.)

Đến đây, chúng ta thử tìm hiểu cách phổ biến thơ (nhất là thơ nôm, vì bị coi là “nôm na mách qué”, lại không phải là thứ văn tự được dùng trong thi cử) của cổ nhân Việt Nam. Các thi sĩ của ta ngày xưa không in thơ thành tập như các nhà thơ của thế kỷ 20. Có hứng thì làm thơ, nếu thấy hay, họ đưa cho bạn bè, người chung quanh cùng thưởng thức. Các nhà sưu tầm, nghiên cứu sau này đã mất rất nhiều thời giờ và công phu để gom góp lại. Tất nhiên chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không thể tránh được. Do đó, trong văn học cổ Việt Nam, có nhiều trường hợp có những bài thơ có đến hai hoặc ba tác giả. Một thí dụ có liên quan đến hai nữ sĩ nổi tiếng trong văn học sử Việt Nam, vì cả hai cùng lấy chồng quan. Chuyện kể rằng : Một hôm, ông chồng quan đi vắng, bà vợ đăng đường xử án thay chồng. Một người đàn bà tên Nguyễn thị Đào, đệ đơn xin lấy chồng (có sách nói xin bỏ chồng để lấy chồng khác), bà quan liền phê vào đơn như sau :
 
“Phó cho con Nguyễn thị Đào,
“Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai ?
“Chữ rằng : Xuân bất tái lai,
“Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.”
 
Có sách cho rằng mấy câu thơ trên của Hồ Xuân Hương (khi bà làm lẽ ông phủ Vĩnh Tường), có sách ghi tên tác giả là Bà Huyện Thanh Quan. Người ta thắc mắc người vợ lẽ trong xã hội cổ xưa có dám tự tiện đăng đường xử án thay chồng không, khi chính mình còn chịu cảnh “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” ? Nhưng nếu xét về “văn phong”, ta thấy hợp với “khẩu khí” của Hồ Xuân Hương hơn.
 
Nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương của Non Côi, sông Vị đã làm rất nhiều thơ chế diễu thói hư tật xấu (có khi chỉ xấu với riêng ông) cuả người trong tỉnh Nam Định. Hầu như mọi người đều đã đọc và lưu trữ thơ ông, nhưng con cháu ông lại không có lấy một bản.

Về trường hợp thơ Hồ Xuân Hương, ta phải công nhận khó mà phân biệt bài nào do chính nữ sĩ sáng tác, bài nào không phải. Có người đã đề nghị một cách “nhận diện” như sau.

Khi người đàn ông bị dồn nén về tình dục, người đó sẽ nghĩ nhiều đến người đàn bà và thân thể của phái yếu. Người ta kể rằng một nhà cách mạng Việt Nam chống Pháp, khi bị tù quá lâu, đã mơ tưởng đến “nắm thuốc lào”.Vì thế, những thơ nói về thân thể người đàn bà, như “Vinh cái quạt” (Vành ra ba góc da con thiếu, Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa) chưa chắc đã do Hồ Xuân Hương sáng tác. Ngược lại, khi người đàn bà bị dồn nén, người ấy phải nghĩ đến những cái hấp dẫn của người đàn ông, như bài “Vịnh ông quan:” :
 
”Đầu đội nón da loe chóp đỏ,
“Lưng đeo bị đạn rủ quai thao”
 
Nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là chúng ta có một nữ sĩ tài ba đã sáng tác những bài thơ tuyệt diệu cho đến nay chưa ai sánh kịp. Vậy chúng ta có nên tìm hiểu xem bài nào do chính nữ sĩ họ Hồ sáng tác, bài nào của những ai khác không ?.Hay tất cả đều là thơ Hồ Xuân Hương .

Các Cụ ta ngày xưa đã có câu :”Cá vào ao ai, người ấy hưởng”. Đó là một điều rất hợp lý, không ai có thể chối cãi được

Tạ Quang Khôi
TQK 2009