Hiệp định Genève 1954, nước Việt Nam chia hai Print
Tác Giả: Nguyên Anh   
Thứ Ba, 14 Tháng 10 Năm 2008 21:39

Ngày 7-5-54 Pháp đại bại tại Điện Biên Phủ, chỉ một ngày sau đó Hội Nghị Genève khai mạc, ngày 8-5-54. Người ta  vẫn thường nghĩ HĐ Genève là hệ quả của sự thất trận trên mà ra. Sự thật lịch sử không có một dẫn chứng nào ghi lại như vậy cả. 

HĐ này đã manh nha từ hội nghị tay ba ngày 7-12-53 và được quyết định ngày 25-1-54 bởi tứ cường (Anh, Pháp, Mỹ và Nga) tại Bermudes và sẽ họp tiếp tại Genève ngày 26-4-54 bàn về hai cuộc chiến tại Á Châu: Đại Hàn và Đông Dương, chỉ điều này không thôi đã chứng minh được là Hội Nghị Genève có trước khi Pháp thất trận tại ĐBP.

Cả hai sự kiện ĐBP và HĐ đều do Pháp khởi xướng nhưng lại do hai cơ quan khác nhau của Pháp quyết định, HĐ thì do Bộ ngoại giao, ĐBP thì do tướng Henri Navarre tại Đông Dương quyết định thông qua toàn quyền Dejean tại Đông Dương

Hội nghị tứ cường: 25-1-54 bốn vị bộ trưởng ngoại giao Anthony Eden - Anh, Foster Dulles - Mỹ, Georges Bidault - Pháp, và Molotov - Nga, họp tại Bermudes bàn về các vấn đề của Âu Châu. Vấn đề Âu Châu thì không có kết quả gì trong lần họp này, nhưng lại nẩy sinh ra vấn đề thuộc về Á Châu là tứ cường sẽ triệu tập tại Genève ngày 26-4-54 cho 2 hội nghị với 2 thành phần khác nhau để bàn về 2 vấn đề cũng khác nhau là:

1/ Hội nghị tứ cường (Mỹ, Nga, Anh, Pháp) bàn về cuộc chiến tại Đại Hàn và các phe tham chiến trừ Tầu. Sau này hội nghị được triệu tập tại Pan Mun Jom ( Bàn Môn Điếm – Đại Hàn )

2/ Sau đó là hội nghị tái lập hòa bình ở Đông Dương (Việt Nam quen gọi là Hiệp Định Đình Chiến Genève) có tứ cường và thêm Tầu, các nước liên quan Việt, Miên, Lào. Riêng VN sẽ có cả hai chính phủ Hồ Chí Minh (VM ) và Bảo Đại (QGVN ) tham dự.

Xét từ những dữ kiện nêu trên có lẽ phải đặt lại là vì Hội Nghị Genève mà đưa đến sự thất trận của Pháp tại ĐBP, như nhận định của tướng Navarre, ông này gọi sự thiếu phối hợp giữa bộ ngoại giao Pháp và giới quân sự tại Đông Dương (ĐD) là một sự phản bội của chính quyền Paris với chính quyền Pháp ở thuộc địa.

 Nguyên Nhân:

a/ Chính Trị:

· Tại Pháp: Đệ tứ Cộng Hòa Pháp theo thể chế đại nghị, có quá nhiều đảng phái nên nội các cầm quyền rất là bấp bênh và lúng túng vì phải đối diện với những đe dọa bị lật đổ bởi các phe đối nghịch trong quốc hội.

· Tại Đông Dương: Chính quyền Pháp tại thuộc địa được thả lỏng, nên nẩy sinh ra nhiều phản kháng của dân bản xứ: Việt, Miên, Lào vì chính quyền này áp dụng chính sách thực dân trái ngược với chính quyền tại Paris.

· Dư luận của Pháp nhóm thì cho là cuộc chiến 8 năm qua (45-54) tại ĐD là cuộc chiến bẩn thỉu, có nhóm lại cho là cuộc chiến xấu hổ.

· TT Laniel (6-1953) công khai tuyên bố là sẽ tìm thương thuyết về vấn đề ĐD.

· Tháng 7-1953 nội các của Laniel ra tuyên ngôn: “Nước Pháp sẵn sàng hoàn tất nền độc lập và chủ quyền của ba quốc gia hội viên và điều đình với từng quốc gia trên căn bản bình đẳng những dây liên hệ song phương”

· Tại Sàigòn: Tháng 10-1953. Hội Đồng Nhân Sĩ đưa ra biểu quyết: “Nước Việt Nam độc lập không gia nhập Liên Hiệp Pháp.”

· Tháng 11-1953. Hội đồng Cộng Hòa nỗ lực tìm kiếm giải pháp danh giá về ngoại giao cho Pháp, như Mỹ đã đạt được ở Đại hàn.

b/ Quân Sự:

· Tháng 11-1953. Tại ĐD tướng Navarre quyết định mở cuộc hành quân Castor đánh chiếm ĐBP, chủ trương của Navarre là sau vài tháng khi có thế mạnh tại mặt trận sẽ có thế mạnh tại bàn thương thuyết.

· Nội các Laniel bèn ngưng thương thuyết, nhưng lại không tăng viện quân sự cho chiến trường, thế tất bại đến với tướng Navarre bởi quyết định này.

· 29-11-1953 sau 8 ngày khi quân Pháp chiếm ĐBP, trên tờ báo của Thụy Điển đăng bài phỏng vấn HCM có câu:” Nếu chính phủ Pháp muốn thảo luận về đình chiến, thì chính phủ VNDCCH sẵn sàng nghiên cứu những đề nghị của nước Pháp”. Laniel tuyên bố không thể nghiên cứu với những tuyên bố trên báo chí hay phát thanh.

 - Chờ viện trợ của Mỹ vì hội nghị tay ba ở Bermudes được dự định vào đầu tháng 12-53. TT Mỹ Eisenhower hứa với TT Laniel là Mỹ sẽ viện trợ kế hoạch Navarre 100 tỷ quan, theo quan niệm của chính phủ Mỹ thà giúp Pháp thắng VM còn hơn tự tay nhúng vào chiến tranh (vả lại Pháp không muốn Mỹ hiện diện tại Đông Dương).

· Tháng 12-53 chỉ có đại đoàn 316, 3 tuần sau đã có thêm 3 đại đoàn 312, 308, 304 cùng với đại đoàn nặng 315 kéo đến đóng chặt chung quanh lòng chảo ĐBP.

· Pháp chỉ có 12 tiểu đoàn, không thể triệt thoái quân ra khỏi ĐBP bằng bất cứ phương tiện nào, chỉ còn chấp nhận đối đầu với VM bất cứ điều kiện nào.

· Navarre cầu cứu với Paris viện trợ thêm máy bay vận tải và oanh tạc, nhưng chỉ được hứa suông.

Những Sự Kiện Quan Trọng Trước Hiệp Định:

Ngày 26-4-54 Vua Bảo Đại khăng khăng không chịu chấp thuận lời năn nỉ của trưởng phái đoàn Bidault của Pháp tại Genève để QGVN ngồi chung với bọn “phiến loạn“. Đại sứ Mỹ tại VN phải đến khuyên thì nhà vua đòi:” Quốc gia VN phải được 3 cường quốc Tây phương mời tham dự”, nhưng chỉ là sơ bộ để thảo luận về việc tham dự của VM.

 Trong bản thông cáo ngày 3-5-54 đã thỏa thuận nước VN sẽ tham gia hội nghị Genève.

Đồng thời với các nước Tây phương VN thỏa thuận cho VM được có mặt trong hội nghị ấy, nhưng không có nghĩa là một sự thừa nhận pháp lý. Nhưng mọi điều thực sự đã được giàn xếp giữa Mỹ và Cộng Sản, nhà vua tiết lộ trong hồi ký Le Dragon D’Annam như vậy. Nhà Vua cũng đòi hỏi Pháp phải bảo đảm sự thống nhất VN. Một đoạn trong thư của Bidault gửi cho vua bảo Đại:”Ngay bây giờ, tôi xin cam kết với Bệ Hạ rằng nước Pháp không chuẩn bị một việc chia cắt VN ra thành hai quốc gia có tư cách quốc tế."

Ngày 4-6-54: Hiệp Ước Độc Lập Nước Việt Nam được ký kết tại Paris giữa Thủ Tướng Bửu Lộc và Thủ Tướng Pháp Joseph Laniel, tóm lược 4 điều trong hiệp ước Traité D’indépendance Du VietNam như sau:

1- Nước Pháp thừa nhận nước Việt Nam như là một quốc gia hoàn toàn độc lập có đủ mọi thẩm quyền công nhận bởi công pháp quốc tế.

2- Nước Việt Nam thay thế nước Pháp trong mọi quyền hành trong các hiệp ước, giao ước mà nước Pháp đã nhân danh nước VN mà ký kết về những khoản liên quan đến VN.

3- Nước Pháp cam kết trả lại mọi công vụ mà Pháp đang chuyên trách tại VN.

4- Hiệp ước này có hiệu lực kể từ ngày ký, hủy bỏ mọi văn kiện và quy định trước trái ngược với hiệp ước này.

Hiệp Ước thứ hai: là hiệp ước liên hiệp Việt-Pháp (Traité d’association Franco Vietnamienne). VN thuận ở lại liên Hiệp Pháp, Pháp và Việt Nam đều bình đẳng. Hai bên hợp tác tại Thượng hội đồng Liên Hiệp Pháp. Mọi xung đột, nếu có sẽ được xử tại Hội Đồng, Trọng Tài do hai bên cử ra.

Trong bài diễn văn ngày 12-5-54 của ông Nguyễn Quốc Định nhấn mạnh Việt Minh không có quyền nhân danh dân tộc VN mà phát biểu ý kiến, chỉ có Quốc Gia VN mới có quyền này. Pháp và VN đã thỏa hiệp về vấn đề độc lập cho VN, và ông cũng cực lực phản đối việc chia cắt nước VN ra làm hai,

Ngày 26-5-54 Tại hội nghị Genève, Pháp và VM đã thỏa hiệp: ngưng bắn, thu quân về những khu vực chỉ định. VM muốn sự chia khu vực được giản dị, nghĩa là cắt đôi VN. VM rút về Bắc, Pháp rút về Nam. Pháp chưa trả lời. Anh tán thành. Mỹ phản đối. QGVN giữ nguyên lập trường: chỉ có một VN thống nhất.

Theo sự đòi hỏi của Tạ Quang Bửu vào đêm ngày 10-6 với Pháp là chia 2 nước VN , ông N.Q. Định cho rằng làm như vậy thì tương lai VN sẽ lại xẩy ra chiến tranh*

Ngày 12-6-54: Hội nghị Genève bế tắc VM không chịu sự kiểm soát của quốc tế, chỉ nhận sự kiểm soát Pháp và Việt Minh. Anh (đồng chủ tịch hội nghị với Nga) tỏ ý bất bình, tuy từ trước vẫn mềm dẻo.

Trước ngày ký Hiệp Định Genève vua Bảo Đại cho giải tán nội các Bửu Lộc, cử ông Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng, ngày 7-7-1954 ông Diệm nhậm chức, nội các gồm có 16 Tổng, Bộ Trưởng và 1 Thủ Tướng

Phái đoàn thứ ba của QGVN tham dự hội nghị từ ngày 20-6 đến 27-7-54 do ông Trần văn Đỗ làm trưởng phái đoàn, đúng vào dịp hội nghị nghỉ hè, sẽ tái nhóm vào ngày 10-7 (ngày chia đôi nước VN ra làm 2 đã được Tạ Quang Bửu và Deltheil mặc cả với nhau từ đêm ngày 10-6, ngày 24-6 là ngày Pháp chính thức chấp nhận chia hai VN, tức là cuộc mặc cả này đã 10 ngày và quyết định chung cuộc 4 ngày sau khi phái đoàn của ông Trần văn Đỗ đến phó hội, trước 16 ngày hội nghị tái nhóm).

Hội Nghị:

Tổng cộng có 9 thành phần tham dự hội nghị: Anh, Nga, Mỹ, Pháp, Trung Cộng, Lào, Miên, Quốc Gia Việt Nam (Bảo Đại), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Hồ Chí Minh). Anh, Nga trung lập trong cuộc chiến nên là đồng chủ tịch của Hội Nghị.

· Phái đoàn Anh, do Anthony Eden làm trưởng đoàn.

· Phái đoàn Mỹ, do Bedell Smith làm trưởng đoàn.

· Phái đoàn Liên Xô, do Viacheslav Molotov làm trưởng đoàn.

· Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn.

· Phái đoàn Pháp, do Georges Bidault làm trưởng đoàn.

· Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chủ tịch HCM) do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

· Phái đoàn Quốc gia Việt Nam (Vua Bảo Đại) do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau Trần Văn Đỗ thay thế.

· Phái đoàn Lào, do Phumi Sananikone làm trưởng đoàn.

· Phái đoàn Campuchia, do Tep Than, làm trưởng đoàn.

Hiệp Định Đình Chiến Genève: Gồm có 47 điều, tóm tắt các điều chính như sau:

· Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

· Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương.

· Từ cửa Sông Bến Hải đến làng Bồ-Hô-Su và biên giới Lào-Việt được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam làm hai miền. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội Liên Hiệp Pháp tập trung về miền Nam.

· 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa 2 miền.

· Tổ chức tổng tuyển cử tự do cho cả ba nước Việt Miên Lào (Miên Lào năm 1955). Hai năm sau, tức ngày 20 tháng 7 năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cho cả nước Việt Nam.

· Thành lập Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành hiệp định gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, do Ấn Độ làm chủ tịch.

· Cấm ngược đãi, trả thù các thành phần đã phục vụ cho phía đối phương

· Cấm phá hủy trước khi rút về nơi tập kết.

Phê Bình:

1- Ngoại trưởng Anh- Anthone Eden (21-7-54)

“… Những thỏa hiệp này không thỏa mãn hoàn toàn một ai. Song chúng đã chận đứng được một cuộc chiến đã kéo dài 8 năm và đã làm đau khổ hàng triệu người. Chúng làm dịu bớt sự căng thẳng quốc tế đang đe dọa hòa bình thế giới…Chúng là những thỏa hiệp tốt nhất mà bàn tay chúng ta có thể tạo nên (Penguin Special, tr.167)”

2- TT Mỹ Eisenhower (21-7-54)

“ Tôi không chê trách những gì đã làm ở Genève, bởi tôi không thể đề nghị một giải pháp nào thay thế” (Devillers Laccuture, tr. 333)

3- Th.T Mendès France tại QH Pháp (22-7-1954)

“ …  Tôi mong rằng đừng ai mong tưởng hão huyền về nội dung những hiệp định vừa ký ở Genève. Bản văn có lúc đã tàn nhẫn bởi vì có lúc nó xác nhận những sự kiện tàn nhẫn. Không thể làm chi khác” (Devillers Laccuture, tr.331)

4- Quốc Trưởng Bảo Đại

“… Đó là chuyện giữa Việt Minh và Pháp…Việt Minh sẽ cứ tiếp tục, một cuộc chiến mới sẽ tàn phá toàn quốc…với hy vọng hão huyền đặt một ý thức hệ không hợp với cá tính người Việt nam ( Le Dragon D’Annam, tr 333-334)

5- Th.T Phạm văn Đồng

“ Ba triệu (?) đồng bào ở trung bộ và nam bộ, từ năm 1945 chỉ biết có chánh quyền nhân dân, nay bị trao bảo vệ cho nhóm cầm quyền Pháp-Bảo Đại (Devillers Laccuture, tr 334)

6- Ủy ban Quốc Gia An Ninh Hoa Kỳ (12-8-54)

“ Thỏa hiệp Genève là một thất bại đã chấp nhận một bước tiến quan trọng của chủ nghĩa Cộng Sản và có thể đưa đến sự mất toàn thể Đông Nam Á Châu” (Hồ sơ Mật Pentagon, tr 41).

7- Lời Kêu Gọi Của Hồ Chí Minh

Trong cuốn Việt nam, những sự kiện 1945-1975 của Viện Sử học Hà Nội trích lời kêu gọi của Hồ Chí Minh như sau: “ Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta phải thật thà công tác, vì dân vì nước mà phấn đấu thực hiện, hòa bình thống nhất độc lập dân chủ trong nước Việt nam yêu quý của chúng ta. Cả nước đồng lòng muôn người như một, chúng ta nhất định thắng lợi”

Kết Luận:

Cài lại cán bộ nằm vùng, tiến đánh miền Nam từ năm 1963 - Ngày 2-1-63 khởi đầu là Trận Ấp Bắc-Định Tường (Mỹ Tho) bất chấp cả Hiệp Định Genève. Hiệp định ký chưa ráo mực HCM đã kêu gọi toàn dân cả nước cướp cho bằng được miền Nam, cái mà ông ta gọi là hòa bình thống nhất độc lập đất nước.

Bao nhiêu tang thương, khốn khó dầy vò cả hai miền Nam, Bắc chỉ vì những người Cộng sản muốn thực hiện cuộc chiến xâm lăng miền Nam, bằng mọi giá thực hiện lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh ngay sau ngày ký hiệp định đình chiến.

Bao nhiêu oan hồn uổng tử kể từ ngày ông HCM cho thực hiện phong trào giảm tô, bài phong, rồi cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại, chống đảng, đánh Lào, Cao Miên, giải phóng miền Nam, tập trung cải tạo (tù lao động khổ sai), cuộc chiến với Trung cộng (1979 và 1984-1989), đánh tư sản mại bản, kinh tế mới, vượt biên, vượt biển…v…v…

Tội lớn nhất của ông HCM là cấu kết với thực dân Pháp để gây ra những cuộc chiến không cần thiết từ năm 1945 tại VN (TT Charles De Gaull của Pháp đã trao trả độc lập cho hoàng tử Vĩnh San của VN năm 1946) và cũng chính ông và đảng CS toa rập với Pháp chia hai đất nước năm 1954, bằng Hiệp Định Genève.

 --------------------------------------------------------------------------------

Tài Liệụ Tham Khảo:

Việt Sử Khảo Luận: Hoàng Cơ Nghị

Hai Mươi Năm Qua, 1945-1964 Việc Từng Ngày: Đoàn Thêm

 --------------------------------------------------------------------------------

Chú Thích:

*Ông chủ tịch Eden đã tuyên bố ngưng họp hội nghị Genève về Đông Dương hồi 7 giờ tối hôm 10-6, song Deltheil, Brébrisson và Tạ Quang Bửu vẫn họp với nhau ngoài sự hiện diện của QGVN mấy ngày liền, họ đi sâu vào việc mặc cả về số phận của nước VN.