Chuyện Lạ Khoa Cử : Bỏ Giấy Trắng Vẫn Đỗ Tiến Sĩ Print
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Bảy, 20 Tháng 11 Năm 2010 17:50

Vào thi Đình, không được ai giúp nên Nguyễn Trật đành bỏ giấy trắng bài thi, điều đó khiến vua Lê chúa Trịnh nổi giận không cho treo bảng vàng, không xếp thứ hạng Tiến sĩ.

 
Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam kể từ khoa thi đầu tiên năm Ất Mão (1075) đến khoa thi cuối cùng được tổ chức năm Kỷ Mùi (1919) trải qua 844 năm với không ít câu chuyện lạ. Nhưng lạ lùng bậc nhất là chuyện Nguyễn Trật vào thi Đình bài làm bỏ giấy trắng nhưng vẫn được xét đỗ Tiến sĩ.

Sự kiện hi hữu lạ kỳ

Nhân vật đặc biệt trong sự kiện đặc biệt này không chỉ được sử sách, giai thoại dân gian lưu truyền, ghi chép mà thậm chí ngay trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đất Thăng Long cũng phải dành một số dòng để nhắc đến.

Nội dung tấm bia Tiến sĩ khoa thi Qúy Hợi (1623) cho biết, năm đó, số sĩ tử tham dự đông đến 3.000 người, cuối cùng chọn được 7 người vào thi Đình: “Ngày lành tháng tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức, nên chỉ có 6 quyển được khảo duyệt mà thôi. Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, 6 người còn lại đều cho đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Vả xét theo lệ cũ, những người được vào thi Đình thì không bị truất nên vẫn cho Nguyễn Trật đỗ cuối bảng, tất cả là 7 người. Vì việc ấy mà kéo dài việc xướng danh yết bảng, đến việc ban cấp áo mũ, yến tiệc vinh quy cũng đều chưa làm đúng lệ cũ. Lúc bấy giờ kẻ sĩ trong nước đều buồn bực trong lòng”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, nơi có văn bia dành một số dòng nói
về vị tiến sĩ đặc biệt Nguyễn Trật. (Ảnh minh họa)

Sự kiện bất thường trong khoa thi này đã khiến kể từ khi có lệ treo bảng vàng thì đây là lần duy nhất tấm bảng đó không được treo lên. Không những vậy việc xếp hạng các Tiến sĩ cũng như lệ xướng danh cũng không được thực hiện. Sách Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên cho biết rõ hơn về sự kiện này: “Tháng 4, thi đình, có viên mới đỗ là Nguyễn Trật (người xã Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hoá) trong trường thi hội đã mượn người làm văn hộ mà đỗ, đến hôm này (thi Đình) cáo ốm để giấy trắng. Vua không bằng lòng, sai y như bảng thi hội, không xướng danh và ban cho thứ bậc”.

Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng ghi về việc này: “Khoa ấy thi hội, bọn Phạm Phi Kiến 7 người được trúng cách. Kịp khi thi đình, Nguyễn Trật mượn người khác làm hộ bài, việc phát giác, nhà vua không bằng lòng, nên không ban cho bảng vàng”.

Chân dung ông Tiến sĩ

Vị Tiến sĩ trong câu chuyện là này là Nguyễn Trật (1573-?) người xã Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tương truyền ông là người cao lớn vạm vỡ, khỏe mạnh, tính tình hiền lành chất phác, rất chăm chỉ học hành, đọc sách nhưng vì tối dạ nên học mãi mà không nhớ nổi mấy trang sách, đề bài thì không hiểu hết vì thế mãi đến năm 40 tuổi mới đăng ký đi thi Hương. Biết học trò mình tốt tính nhưng học dở, thầy giáo mới dặn dò các học trò khác khi vào trường thi nhớ giúp đỡ Nguyễn Trật.

Bấy giờ nhà Lê Trung Hưng đánh bại họ Mạc, khôi phục kinh đô Thăng Long chưa được lâu nên mọi việc còn nhiều bộn bề, việc thi cử còn lỏng lẻo nhờ thế mà Nguyễn Trật được bạn bè giúp làm bài mà đỗ Hương cống. Đến khoa thi Hội năm Qúy Hợi (1623) đời vua Lê Thần Tông, Nguyễn Trật theo bạn học về kinh ứng thí. Khi vào thi, bài của 3 kỳ ông đều được bạn giúp, đến kỳ thứ 4 thi văn sách thì điều lạ lùng là bạn bè đều trượt chỉ có mình ông vượt qua được khiến những người quen biết kinh ngạc, bàn tán xôn xao.

Chuyện rằng đêm trước khi thi, Nguyễn Trật nằm mơ có người nói phải mang theo ít muối vào trường thi, tỉnh dậy thấy lạ nhưng ông vẫn làm theo. Khi nhận đề bài, không làm được ông liền buông bút nằm ngủ. Đến gần trưa thì Nguyễn Trật thấy lều thi bên cạnh có tiếng rên bèn hỏi vọng sang thì được biết sĩ tử ở đó bị đau bụng, nếu ăn ít muối sẽ đỡ. Nghe vậy ông lấy gói muối của mình đưa cho người ấy, cảm kích ơn đó, sĩ tử kia liền tặng ông bài thi của mình đã làm gần xong, Nguyễn Trật nhận lấy liền viết thêm vào phần cuối cho xong rồi ghi tên mình mang nộp cho quan trường, sau đó cõng người bạn kia về nhà trọ.

(Trong tác phẩm Tang thương ngẫu lục của hai danh sĩ cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ cũng có phần viết về câu chuyên thi cử của Nguyễn Trật nhưng cho biết trước đó ông được một thầy địa lý chọn cho một ngôi đất phát tiến sĩ. Trước khi vào thi ông nằm mơ thấy vị thần bảo mang gừng theo, nhờ đó cứu được một sĩ tử và được người này cho bài thi của mình để đền ơn).

Khi các khảo quan chấm thi, thấy bài của Nguyễn Trật làm rất hay riêng phần cuối thì câu văn dần kém hẳn nên vẫn chấm đỗ nhưng cho xếp cuối bảng. Vào thi Đình, không được ai giúp nên Nguyễn Trật đành bỏ giấy trắng bài thi, điều đó khiến vua Lê chúa Trịnh nổi giận không cho treo bảng vàng, không xếp thứ hạng Tiến sĩ.

Trong khi triều đình dự tính xóa tên Nguyễn Trật khỏi tất cả các kỳ thi và đang cân nhắc hình thức xử phạt thì bỗng xảy ra biến loạn. Nhân khi chúa Trịnh Tùng ốm nặng phải giao quyền bính cho con cả là Trịnh Tráng, người con khác của chúa là Trịnh Xuân đem quân giành quyền, giao tranh xảy ra làm kinh thành hỗn loạn. Mặc dù giết được Trịnh Xuân nhưng sợ tàn dư của bè đảng chống đối còn mạnh nên Trịnh Tráng vội rước vua tạm dời vào Thanh Hóa.

Trên bia Tiến sĩ khoa Qúy Hợi (1623) cũng có dòng chữ ám chỉ sự việc này như sau: “Đến ngày tháng 6 mùa hạ, gặp thời tiết sấm chớp mưa gió các quan văn võ tạm rước thánh giá hồi loan để củng cố căn bản, hòa hợp lòng dân để nước nhà được thêm lớn lao rạng tỏ”.

Biến loạn này không ngờ lại là điều may mắn cho Nguyễn Trật, trong lúc hỗn loạn tại kinh thành, vì có công hộ vệ xa giá của vua lánh nạn vào Thanh Hóa nên việc xóa tên và dự định trừng phạt ông đã được triều đình bỏ qua. Cuối cùng tên của Nguyễn Trật vẫn được giữ trong danh sách sĩ tử đỗ Tiến sĩ và ông chính là vị Tiến sĩ đặc biệt nhất trong lịch sử nước ta. Sau này ông làm quan đến chức Công khoa Đô Cấp sự trung, được đánh giá là người thanh liêm, nhân dân yêu mến gọi là là quan Nghè Nguyệt Viên.