Từ những biến cố tháng 8 năm 1945 đến cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1946-1954) Print
Tác Giả: Thiện Ý   
Thứ Tư, 15 Tháng 8 Năm 2012 17:08

         Vào tháng này của 66 năm trước đây, tháng 8 năm 1945, là một tháng có nhiều biến cố trên chính trường Việt Nam,

 tạo một khúc quanh quan trọng đối với vận mệnh dân tộc và đất nước Việt Nam chúng ta.

         Thật vậy, sau khi hai trái bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố  Hiroshima và Nagazhaki ngày 13 tháng 8 năm 1945, đã đưa đến sự đầu hàng đồng minh vô điều kiện của quân phiệt Nhật, kéo theo sự  sụp đổ nhanh chóng chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim được thành lập trước đó 4 tháng tại Việt nam. Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh đã lợi dụng tình hình, cướp chính quyền vào ngày 15 tháng 8, nhờ thủ thuật tuyên truyền lừa mị và kinh nghiệm đấu tranh lật đổ, nên đã huy động được sức mạnh của công chức và quần chúng trong  một cuộc biểu tình  trước Nhà Hát Lớn Hà Nội, nên thay vì để ủng hộ chính phủ quốc gia Trần Trọng Kim mới được Nhật trao trả độc lập trên nguyên tắc, thì thực tế đã biến thành biểu tình ủng hộ Mặt Trận Việt Minh cướp chính quyền. Sau đó, Việt Minh tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình tương tự,từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 19-8 năm 1945, cướp chính quyền ở nhiều nơi trên cả nước.

        Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Vua Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều đại quân chủ chuyên chế Việt Nam, dưới áp lực của Việt Minh đã tuyên bố thóai vị, và một chính phủ lâm thời liên hiệp Quốc – Cộng do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch, ra mắt quốc dân ngày 2 tháng 9, với bản tuyên ngôn  thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ðây là một sự liên hiệp bất đắc dĩ về phía Việt Minh, khi họ còn yếu kém thế lực và chưa đủ uy tín quốc tế, để có điều kiện  ký Hiệp Ðịnh Sơ Bộ ngày 6-3-1946 với thực dân Pháp và để có thêm thời gian củng cố thế lực đủ mạnh quay lại tiêu diệt các chính đảng và các nhà ái quốc theo ý thức hệ quốc gia.

        Bởi vì, sau khi ký được Hiệp Ðịnh Sơ Bộ ngày 6-3-1946 với Pháp, Việt Minh đã thực hiện chính sách hai mặt: Một mặt dốc tòan lực tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Ðảng và các đảng phái quốc gia khác rất tàn bạo ở khắp nơi; mặt khác đối với quân Pháp thì Việt Minh ve vuốt, tuyên truyền là “Pháp Mới”, “Pháp Dân Chủ” và để cho quân đội Pháp từ Hải Phòng kéo lên Hà Nội trước sự bỡ ngỡ của dân chúng Hà Nội lúc bấy giờ.

         Trong khi  cuộc Hội Nghị tại Ðàlạt từ ngày 24-4 đến 11-5 -1946 thất bại, thì phái đòan Phạm Văn Ðồng đã có mặt tại Pháp để tham dự Hội Nghị Fontainebleau dứới sự điều động trực tiếp của ông Hồ cũng có mặt tại Pháp lúc bấy giờ, nhưng không tham dự hội đàm. Do lập trường khác biệt không thể thỏa hiệp, hội nghị Fontainebleau đã tan vỡ vào ngày 19-12-1946. Việt Minh phát động một cuộc kháng chiến chống Pháp vào ngày 23 tháng 12 năm 1946. Cuộc kháng chiến này do Việt Minh chủ đạo tiến hành,sau khi đã loại trừ các chính đảng Quốc gia , và đã kết thúc vào năm 1954 sau khi Pháp thất thủ tại căn cứ  quân sự chiến lược Ðiện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước vào ngày 20 tháng 7 năm 1954 giữa Việt Minh và thực dân Pháp.

         Sau này ông Hồ và đảng cộng sản Việt Nam luôn tự hào về cuộc kháng chiến  9 năm chống Pháp, coi đó như  công trạng giành độc lập cho  đất nước và dân tộc, song thực tế cũng như thực chất không phải như vậy, đó chỉ là giành thuộc địa kiểu mới cho các tân đế quốc đỏ Nga-Tầu trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai khối cộng sản và tư bản hình thành sau Thế Chiến II.

        Vì rằng, thực tế và lịch sử sau đó đã có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc kháng chiến 9 năm do Việt Minh chủ đạo tiến hành, là không cần thiết và là một sự tiêu hao nhân lực, tài lực đất nước và xương máu của nhân dân một cách vô ích.

       Vì rằng, sau Thế Chiến Hai, phong trào giải thực đã là xu thế tất yếu của thời đại, chủ nghĩa thực dân cũ đã bước vào thời kỳ suy tàn và cáo chung, nếu không có hiểm họa cộng sản trên phạm vi tòan cầu, nếu Việt Nam không có Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng Sản của ông ta, thì Việt Nam đã được trao trả độc lập ngay sau khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh và tình hình Viêt Nam đã phát triển theo chiều hướng tốt đẹp cho dân cho nước.

       Theo chiều hướng này, Chính phủ thân Nhật Trần  Trọng Kim vẫn có thể đổ, nhưng một Chính Quyền Quốc Gia chính danh khác có uy thế và năng lực lãnh đạo Đất Nước sẽ hình thành, dù là chế độ Quân Chủ Lập Hiến hay chế độ Cộng Hòa, thì Việt Nam cũng sẽ được các cường quốc mới như Hoa Kỳ hổ trợ và ngăn cản sự  trở lại thống trị Việt Nam và các nước Ðông Dương của thực dân Pháp.

         Chính vì hiểm họa cộng sản, mà Hoa Kỳ dù trên nguyên tắc chống lại chính sách khai thác thuộc địa kiểu cũ của các đế quốc nói chung, thực dân Pháp nói riêng, song thực tế vẫn đã phải làm ngơ cho Pháp quay trở lại thuộc địa Việt Nam và sau đó còn viện trợ ít nhiều cho Pháp chống trả Việt Minh.    Trên thực tế, dù trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ, song chiều hướng mới đã buộc các đế quốc có thuộc địa như Pháp, Anh, Tây Ban Nha,Bồ Ðào Nha. . .  đã phải trao trả độc lập cho các dân tộc, dù họ đã không cần tiến hành một cuộc kháng chiến hao tổn nhiều xương máu nhân dân và tài lực đất nước như ông Hồ và đảng Cộng sản của ông ta đã làm sau cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp.Điển hình một số nước trong vùng Châu Á sau đây đã lần lượt được các đế quốc thực dân trao trả độc lập sau Thế Chiến II:Philippine (1946), Malaysia(1945),Indonesia (1945),Ấn Độ và Pakistan (1947), Triều Tiên (1945)….

     Tệ hại hơn nữa, dù Pháp có phải rời bỏ thuộc địa Việt Nam sau hơn 80 năm khai thác thuộc địa, song Việt Nam đã không có được độc lập, tự chủ thực sự. Bởi vì sau đó đã rơi vào thế gọng kìm trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản và tư bản chủ nghĩa. Hai Miền Bắc Việt(cộng sản) và Nam Việt (quốc gia) đã trở thành công cụ chiến lược  của hai phe cộng sản (Nga- Tầu…) và tư bản (Mỹ và các cường quốc tư bản).

         Tựu chung, nếu Việt Nam không có những môn đồ cộng sản cuồng tín như Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam, đã tri tình làm công cụ bành trướng cho Cộng sản quốc tế, thì Việt Nam đã có độc lập từ lâu và nhân dân đã không phải hao tổn quá nhiều xương máu , đất nước không bị tàn phá nặng nề, qua cuộc kháng chiến 9 năm chống pháp (1946 – 1954) và qua cuộc chiến tranh Quốc-Cộng cốt nhục tương tàn hơn 20 năm (1954 – 1975) do cộng cụ cộng sản Việt Nam phát động và tiến hành.

       Vậy thì ông Hồ và đảng cộng sản của ông ta có công hay có tội với đất nước? – Chẳng cần đợi lịch sử mai này phán xét, khách quan ai cũng có thể tìm được câu trả lời  chính xác ngay từ bây giờ.

Thiện Ý

Houston, ngày 22 tháng 8 năm 2011