Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (19)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (19) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Hai, 08 Tháng 6 Năm 2009 02:10

(Tiếp theo)

Ngoài ra, để thúc đẩy Trung Hoa chịu đứng ra lãnh đạo phục hồi lại phong trào Cộng sản, thắt chặt thêm tình đoàn kết xã hội chủ nghĩa, Lê Khả Phiêu đề nghị hai nước hợp tác để mỗi năm, có một buổi hội thảo về ý thức hệ giữa những lý thuyết gia để nghiên cứu lại chủ nghĩa Mác nhằm biện luận cho kinh tế thị trường. Nguyễn Ðức Bình, ủy viên Bộ Chính Trị kiêm giám đốc trường đảng cầm đầu phái đoàn sang Bắc Kinh dự cuộc hội thảo đầu tiên vào tháng 6 năm 2000. Mấy tháng sau, một cuộc hội thảo về lý thuyết khác lại được tổ chức tại Hà Nội. Cầm đầu phái đoàn Trung Hoa là Lý Tiểu Anh, ủy viên Bộ Chính Trị Trung Hoa kiêm giám đốc Học Viện Khoa Học Xã Hội. Sau Nguyễn Ðức Bình là Nguyễn Minh Triết, Lê Minh Hương cũng sang Trung Hoa để học tập kinh nghiệm của Trung Hoa. Ðể trấn an Trung Hoa trước khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Cohen, Ngoại Trưởng Albright, và Tổng Thống Clinton sang thăm Việt Nam, trong năm 2000, ngoài Lê Khả Phiêu, Nguyễn Ðức Bình, còn có Nông Ðức Mạnh, Phan Văn Khải, Trần Ðức Lương, Nguyễn Dy Niên và Phạm Văn Trà lần lượt qua thăm Bắc Kinh. Từ đó, hầu như cấp nào (từ trung ương đến tỉnh), ngành nào, thuộc đảng hay nhà nước, cũng đều có gắn bó trực tiếp với mọi cấp, mọi ngành của Trung Hoa.
 
Trung Hoa, vì quyền lợi quốc gia của họ, đã không tha thiết lắm với một liên minh ý thức hệ với Việt Nam, nhưng đã rất bằng lòng với thái độ của Lê Khả Phiêu. Do đó mà quan hệ Việt-Hoa đã thân thiết hơn trước. Sự thân thiết này trở nên dễ dàng hơn sau cái chết của Ðặng Tiểu Bình năm 1997. Do “bài học” năm 1979 đã được không thành công như ý muốn cho nên Ðặng Tiểu Bình vẫn còn cay đắng, đã không nhiệt tình ủng hộ việc kết thân với Việt Nam. Ngoài ra, trong trận chiến Việt Hoa năm 1979, Cộng Sản Việt Nam còn chế giễu cả đến vóc dáng của ông ta bằng câu nói trong những buổi học tập: “Chính trị Trung Quốc không cao hơn Ðặng Tiểu Bình”. Dù Ðặng Tiểu Bình đã chính thức về hưu năm 1989, nhưng uy tín của ông ta vẫn còn rất lớn. Năm 1992, khi thấy đà đổi mới kinh tế của Trung Hoa bị kiềm hãm bởi Giang Trạch Dân và Lý Bằng, ông đã đi một vòng vùng Hoa Nam để dùng uy tín cá nhân phát động một đợt đổi mới thứ hai cho Trung Hoa. Chỉ sau khi Ðặng Tiểu Bình chết, Giang Trạch Dân và Lý Bằng mới dám tỏ ra thân thiết hơn với Việt Nam và đã tặng cho Lê Khả Phiêu mười sáu chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai” được Cộng sản Việt Nam gọi là “mười sáu chữ vàng”, làm căn bản cho quan hệ giữa hai nước.
 
Cái chết của Ðặng Tiểu Bình vào ngày 19-2-1997 cũng là lúc mà Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đang thăm viếng Trung Hoa. Dũng được gặp Giang Trạch Dân và cả hai đều hứa sẽ phát triển thêm mối bang giao. Tuy nhiên, điện văn phân ưu của chính phủ Việt Nam về cái chết của Ðặng Tiểu Bình đã không được nồng nhiệt lắm, khác hẳn với điện văn phân ưu gửi đảng Cộng Sản Ai Lao về cái chết của Phomvihane (năm 1992).
 
Trước chủ trương nghiêng về Trung Hoa của Lê Khả Phiêu, về ngoại giao, phe đổi mới trong chính phủ đã cố gắng quân bình lại bằng cách trao đổi đại sứ với Hoa Kỳ và xúc tiến việc hoàn tất thỏa hiệp thương mại song phương (BTA - bilateral trade agreement). Năm 1997 đã là năm đầu tiên sau 1975 mà Hoa Kỳ có đại sứ ở Việt Nam và lần đầu tiên, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Madelein Albright thăm viếng Hà Nội. Trong cuộc thăm viếng này, Ngoại Trưởng Albright ca ngợi thành quả đổi mới của Việt Nam từ năm 1986, nhưng khuyến cáo Việt Nam nên phát động một phong trào “đổi mới đợt 2”. Có lẽ như để cảnh cáo hành động làm thân với Hoa Kỳ của Việt Nam, ngày 7-3-97, Trung Hoa đem dàn khoan dầu Kantan III và hai tàu thăm dò 206 và 208 đến vùng biển trong vịnh Bắc Việt mà Việt Nam đã xác nhận chủ quyền. Lần này, sau khi đơn phương phản đối không kết qủa, Việt Nam cầu cứu tới những nước ASEAN, gián tiếp cảnh cáo họ là “Nếu Trung Hoa có thể lấn áp Việt Nam, họ có thể làm như thế với các nước khác”.
 
Ðồng thời, trong thời gian đó, ngày 22-3-1997, tư lệnh những lực lượng Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương cũng viếng thăm Hà Nội. Nhờ thế, ngày 1-4-1997, Trung Hoa loan báo sẽ kéo dàn khoan về và ngỏ ý sẽ thương thuyết với Hà Nội. Hai tuần sau, trong một buổi họp giữa những nước ASEAN và Trung Hoa, sau khi các nước ASEAN mạnh mẽ phát biểu những quan tâm của họ, Trung Hoa đồng ý là sau này sẽ thảo luận về những tranh chấp lãnh hải. Dù đạt được thắng lợi ngoại giao, báo chí Việt Nam đã không dám đá động gì đến những tin này, sợ làm chạm tự ái của Trung Hoa. Trong thời gian tranh chấp này, khi Bộ Ngoại Giao Việt Nam đang phản đối, nhiều viên chức cao cấp Việt Nam vẫn tấp nập sang thăm Trung Hoa như Chu Văn Ry, Phó Ban Tổ Chức Ðảng, Lê Minh Hương, Bộ Trưởng Nội Vụ, Tướng Nguyễn Văn Ðộ, Chủ Nhiệm Tổng Cục Tiếp Vận..., coi như không có việc gì xảy ra. Vì thế, vào Tháng Tư năm sau, Trung Hoa tiếp tục lấn tới bằng cách đặt kế hoạch thành lập một trung tâm du lịch tại đảo Ðông Hưng, hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam lại phản đối bằng miệng nhưng vô hiệu.
 
Ngoài những suy thoái kinh tế, năm 1997 cũng là năm bắt đầu có những vụ án tham nhũng nổi tiếng lọt ra ngoài ánh sáng. Ðầu tiên là vụ án nhà máy dệt Nam Ðịnh, 14 cán bộ bị tù vì gian lận khoảng 14 triệu Mỹ kim. Sau đó là Nguyễn Trung Trực của hãng Peregrine (được Bùi Thiện Ngộ, và có thể cả Trần Ðức Lương, đỡ đầu) bị phe Võ Văn Kiệt bắt về tội trốn thuế. Tiếp theo đến lượt hãng Tamexco, một hãng xuất nhập cảng của chính phủ. Giám đốc của hãng là Phạm Minh Phước đã biển thủ của hãng trên 50 triệu Mỹ kim. Người này đã từng đánh bài ăn thua hàng trăm ngàn Mỹ kim và tặng cho tình nhân những biệt thự đắt giá. Bản án cũng ghi nhận là có lần Phước cùng 87 cán bộ và nhân viên chính phủ cùng bay ra nước ngoài ăn chơi. Ra tòa, Phạm Minh Phước bị tử hình cùng bốn đồng bọn. Khoảng một năm sau, đến lượt công ty Minh Phụng. Ðó là một công ty tư nhân lớn, kinh doanh về nhiều mặt, từ dệt vải tơ lụa đến buôn bán địa ốc.
 
Công ty này cùng công ty quốc doanh Epco thành lập 47 công ty ma và thông đồng với một ngân hàng nhà nước để vay tiền sau đó quịt nợ. Vụ án có 77 bị can, số tiền thất thoát lên tới 280 triệu Mỹ kim. Tăng Minh Phụng, giám đốc các công ty Minh Phụng và Liên Khui Thin, giám đốc công ty Epco, cùng Phạm Nhật Hồng, phó giám đốc nhà băng Kỹ Nghệ và Thương Mại của nhà nước, đều bị tử hình. Những vụ buôn lậu dính líu đến những cơ quan nhà nước tràn lan đến nỗi Cục Trưởng Cục Thuế Quan Phan Văn Ðính cũng bị mất chức cùng với nhiều bị cáo phải ra tòa. Phùng Long Thất, trưởng toán điều tra thuộc ty Thuế Quan thành phố HCM cùng với Trần Ðoàn, chủ tịch công ty Tân Trường Sinh cũng bị xử bắn về tội thông đồng buôn lậu 900 thùng đồ điện tử và phụ tùng xe hơi. Ngoài tệ nạn tham nhũng kinh tế, cũng trong năm 1997, một số những sĩ quan công an cao cấp như Thượng Tá Công An Vũ Hữu Chính, Ðại Uy Công An Vũ Xuân Trường cùng 30 đồng bọn bị ở tù vì liên quan đến việc buôn bán thuốc phiện lậu từ Ai Lao. Ðến năm 1998, đến lượt Tổng Giám Ðốc Việt Nam Hàng Không Lê Ðức Từ bỏ trốn vì biển thủ trên 2 triệu Mỹ kim. Ngoài ra, tháng 9 năm 1996, khi 5 nhân viên cứu hỏa đến chữa cháy một căn nhà ở Sàigòn, năm người này đã mở một két sắt và lấy đi 47 lạng vàng. Công an điều tra sự việc và khi 47 lạng vàng được trả lại chủ nhân, lại lòi ra chủ nhân này là Nguyễn Kỳ Cẩm, chủ tịch ủy ban bài trừ tham nhũng cả nước. Vì không thể khai 47 lạng vàng này làm sao có được, Nguyễn Kỳ Cẩm bị mất chức. Tuy nhiên, vụ án nổi tiếng nhất là vụ án Trịnh Vĩnh Bình.
 
Trịnh Vĩnh Bình là một thương gia người Hòa Lan gốc Việt. Trong những năm đầu của thập niên 1990, Trịnh Vĩnh Bình mang khoảng 4 triệu Mỹ kim về nước làm ăn (mở công ty Tín Thành và Bình Châu bán đồ biển, xây khách sạn, đầu tư địa ốc...) ở Sài gòn và Vũng Tàu. Bị một người tên Trịnh Hiển Thanh tố cáo, Trịnh Vĩnh Bình bị bắt năm 1998 và bị tịch thu hết tài sản. Sau 18 tháng bị giam, Trịnh Vĩnh Bình ra tòa và bị kết án 11 năm tù (3 năm về tội vi phạm luật nhà đất, 8 năm về tội hối lộ), bị phạt 480 lạng vàng, 6.2 tỷ đồng, ngoài ra còn bị tịch thu toàn bộ gia sản. Tuy nhiên, Trịnh Vĩnh Bình là một người từng hoạt động chính trị tích cực ở Hòa Lan cho nên trong thời gian ông ta bị giam giữ, chính phủ Hòa Lan đã phản ứng mạnh mẽ. Dù cho Phan Văn Khải đã can thiệp, Trịnh Hiển Thanh nhận là đã tố cáo láo và đảng ủy Vũng Tàu cũng công nhận là xử án sai, nhưng khi Bộ Chính Trị họp, Lê Khả Phiêu, Lê Minh Hương, Trần Ðình Hoan và Phạm Thế Duyệt... nhất định tiếp tục đưa Trịnh Vĩnh Bình ra tòa và qui án.
 
Chuyện rủi ro cho đảng Cộng Sản Việt Nam là trong khi giải Trịnh Vĩnh Bình từ Sàigòn ra Hà Nội, không hiểu bằng cách nào (có thể do hối lộ hay do được một phe cánh nào đó thả ra ), Trịnh Vĩnh Bình đã có thể trốn thoát ở phi trường Tân sơn Nhất và trở về Hòa Lan. Ông ta đưa đơn kiện chính phủ Việt Nam đã vi phạm điều 9 của thỏa hiệp song phương mà Việt Nam đã ký với Hòa Lan, đòi bồi thường 100 triệu Mỹ kim. Tòa án quốc tế đã nhận đơn kiện và sẽ xét xử. Theo một người thành thạo tin đang sống trong nước, (người này dĩ nhiên phải lấy tên giả và ông ta đã lấy tên giả là Trần Quốc Hoàn, tên của một bộ trưởng công an nổi tiếng nhất nay đã chết), Trịnh Vĩnh Bình bị một trung tá công an Vũng Tàu là Ngô Chí Ðan, một đàn em của Nguyễn Khánh Toàn, Thứ Trưởng Công An, kiếm chuyện để tịch thu tài sản. Chính Nguyễn Khánh Toàn đã thúc đẩy Trần Ðình Hoan bắt và tiếp tục xử Trịnh Vĩnh Bình về tội gián điệp. Công an đưa ra chứng cớ là Trịnh Vĩnh Bình đã từng gặp mặt Phan Văn Khải, Nguyễn Trọng Minh (chủ tịch ủy ban nhân dân Vũng Tàu) để lôi kéo, mua chuộc. Nguyễn Trọng Minh do đó mà bị mất chức, Phan Văn Khải thì nghe nói liên quan đến gián điệp nên không dám can thiệp tiếp. Ngô Chí Ðan sau này cũng bị mất chức vì liên quan đến một vụ án khác, vụ án “Phương Vicarrent” năm 2003.
 
Do vụ Trịnh vĩnh Bình, những giới chức lãnh đạo Việt Nam từ Trần Ðức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Nguyễn Di Niên mỗi khi qua thăm Hòa Lan đều bị tiếp đón rất lạnh nhạt.
 
Vì tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ đảng viên tràn lan, tất cả những lãnh tụ của đảng đều lên tiếng đòi bài trừ tham nhũng. Phan Văn Khải ra chỉ thị bắt những viên chức chính phủ phải kê khai những tài sản trị giá trên 50 triệu đồng (khoảng hơn 4,000 Mỹ kim), nhưng lại không bắt họ phải khai nguồn lợi đó từ đâu tới. Ðào Duy Quát, Phó Ban Tư Tưởng Văn Hóa Ðảng, đòi tăng thêm quyền hạn cho những cơ quan điều tra của đảng và chính phủ, còn Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu phát động hai đợt bài trừ tham nhũng và cuối cùng, cả đến Phạm Thế Duyệt, Ủy Viên Bộ Chính Trị, cũng nói là đảng chưa kiểm soát cán bộ nghiêm nhặt lắm. Phạm Thế Duyệt cũng là người trong năm 1998 bị 11 cán bộ và bộ đội hồi hưu tố cáo lợi dụng quyền thế khi làm bí thư thành ủy Hà Nội để chiếm đoạt đất đai nhà cửa của nhân dân một cách trái phép.
 
Bản tố cáo (được gọi là “tâm thư “ gửi tới Trung Ương Ðảng vào tháng 8 năm 1998 ) chỉ đích danh Phạm Thế Duyệt chiếm những nhà của Công đoàn ở phường Trùng Tu, nhà số 64 phố Hàng Bông Nhuộm (sát bên nhà mà bà Nông Thị Xuân trước kia đã ở), nhà số 26 Trại Gang, nhà hai tầng gần hồ Bảy Mẫu. Cùng bị tố với Phạm Thế Duyệt là Ðinh Hạnh, ủy viên Ban Thường Vụ Thành Uy Hà Nội, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố. Vì lá thư không thể phổ biến công khai, nhưng đã được sao chép và bí mật phổ biến rộng rãi. Những người viết thư đã không ngần ngại ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, chẳng hạn như ông Ðoàn Nhân Ðạo, cán bộ 48 tuổi đảng, nhà ở 37 Hàng Buồm, bà Ðặng Thị Xuân Tiên, 51 tuổi đảng ở số 27 Nghĩa Ðô, Cầu Giấy...
 
Tuy nhiên, Phạm Thế Duyệt nhờ được hậu thuẫn mạnh mẽ của Ðỗ Mười nên không thấy bị một biện pháp kỷ luật nào mà còn tiếp tục ngồi trong Bộ Chính Trị rồi Mặt Trận Tổ Quốc nhiều năm sau. Ngoài ra, Phạm Thế Duyệt còn được Bộ Chính Trị giao trách nhiệm đả kích và bôi nhọ Tướng Trần Ðộ (kể cả thủ đoạn dùng công an gài bẫy, cho người rình sẵn, hẹn Trần Ðộ tới một nơi rồi cho một cô gái cới quần áo đến ôm chầm lấy ông cho công an chụp hình). Trần Ðộ cuối cùng bị Ðảng tuyên bố trục xuất khỏi Ðảng vào năm 1999. Vào ngày 15-4-1998, vì bị cán bộ tỉnh Hà Tây hà hiếp không có chỗ kêu oan, ông Nguyễn Văn Kinh chế xăng tự thiêu tại công trường Ba Ðình trước lăng Hồ Chí Minh. Ông được cứu sống và Bộ Ngoại Giao ngày 21-4-98 đổ tội là ông bị bệnh thần kinh.