Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (8) Print
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Sáu, 08 Tháng 5 Năm 2009 07:45

(Tiếp theo) 

Vì đảng Cộng Sản Việt Nam đã bỏ cơ chế thời Brezhnev cũ là các chức Chủ Tịch Hội Ðồng Nhà Nước và Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng mà thay bằng các chức Chủ Tịch Nhà Nước và Thủ Tướng với quyền hạn rộng lớn hơn, ban lãnh đạo của Việt Nam được coi như một tam đầu chế của Mười, Anh, Kiệt. Mỗi người có những hậu thuẫn khác nhau, những trách vụ khác nhau. Ðỗ Mười với tư cách Tổng Bí Thư Ðảng được coi là người có nhiều quyền lực nhất. Người thứ hai là Lê Ðức Anh, tương đối có khuynh hướng bảo thủ nhất, nắm được hậu thuẫn của công an và quân đội. Nhờ kiêm nhiệm luôn chức Chủ Tịch Hội Ðồng Quốc Phòng, Lê Ðức Anh có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với quốc phòng, nội trị và đối ngoại, nhất là đối với Trung Hoa.
 Do tư thế đó, vào giữa năm 1994, Lê Ðức Anh đưa được Lê Khả Phiêu, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Ðội vào Bộ Chính Trị trong khi thượng cấp của Lê Khả Phiêu là Ðào Ðình Luyện, Tham Mưu Trưởng Quân Ðội lại không được vào. Ðào Ðình Luyện, một người nghiêng về đổi mới, sau đó cũng bị Lê Ðức Anh cùng Ðào Duy Tùng loại khỏi chức vụ. Cùng bị loại với Ðào Ðình Luyện là một số tư lệnh quân khu. Kể từ đó, Lê Ðức Anh trở nên một Chủ Tịch Nhà Nước có thế lực mạnh nhất sau khi Hồ Chí Minh chết và thế lực này đã kéo dài nhiều năm sau.
Tuy chỉ đứng hàng thứ ba và đứng đầu phe đổi mới, một phe chiếm thiểu số trong Bộ Chính Trị, nhưng Võ Văn Kiệt cũng có một tư thế mạnh mẽ vì nhờ những biện pháp kinh tế của ông, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng. Ngoài ra ông lại là người miền Nam trong khi Ðỗ Mười người miền Bắc và Lê Ðức Anh miền Trung. Ngoài hậu thuẫn của các tỉnh ủy viên miền Nam và các viên chức cao cấp của chính phủ, Võ Văn Kiệt còn được uy tín với những nhà đầu tư ngoại quốc. Vì thế, ông ta được tương đối tự do khi thi hành những biện pháp kinh tế cởi mở. Trong khi đó, Ðỗ Mười có nhiều ảnh hưởng trong nội bộ Ðảng. Tuy căn bản là một người bảo thủ, nhưng vì quyền lợi riêng và để giữ tư thế Tổng Bí Thư, đã không phải luôn luôn ủng hộ Lê Ðức Anh. Ba phe này trong suốt những năm từ 1991 đến 1994 bề ngoài đã không có những dấu hiệu chia rẽ hay chỉ trích nhau.
 Phe bảo thủ không thể không biết đến những thành quả kinh tế phát triển và đó là một yếu tố quan trọng giúp cho chế độ độc đảng của họ có thể tiếp tục tồn tại. Hơn nữa, ngay cả phe quân đội cũng hưởng lợi khi họ cũng có những tổ hợp rất lớn như những công ty xây dựng, cơ khí, hóa chất, hàng không, thông tin, điện tử... để kinh tài nên đã không mạnh mẽ phản đối cởi mở kinh tế. Nhờ tình hình kinh tế trong vùng đang thịnh vượng và Việt Nam là một vùng thị trường tương đối chưa được khai thác, trong mấy năm đầu của thập niên 1990, kinh tế Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 8%. Kinh tế càng khá hơn, phe đổi mới càng cảm thấy tự tin, càng được rảnh tay nên họ cũng không muốn đụng chạm gì với phe thủ cựu. Tình trạng chịu đựng nhau để hợp tác này của hai phe đã kéo dài được khoảng 3 năm, cho tới năm 1995, khi đảng Cộng Sản dự trù họp Ðại Hội Ðảng Lần Thứ VIII vào cuối tháng 6, 1996, thì cả hai phe bắt đầu huy động lực lượng để tranh giành quyền lực một cách quyết liệt hơn.
 Chú thích:
 1. Trích thư của Võ Nguyên Giáp gửi Trung Ương Ðảng năm 1991.
 2. Về Ðặng Ðình Loan, theo cựu Ðại Tá Nhà Báo Nguyễn Trần Thiết, Loan đã bỏ Ðảng 20 năm. Nhờ thế lực của Lê Ðức Anh, được phục hồi đảng tịch và khuyến dụ được Thành Ủy Huế mời nói chuyện ngày 20-11-96 tại khách sạn Thắng Lợi. Trong buổi nói chuyện, Loan nói người chỉ huy Ðiện Biên Phủ là Nguyễn Chí Thanh chứ không phải Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra Loan còn tố Giáp thân Liên Xô, và là nguyên nhân của những thiệt hại trong trận Mậu Thân. Người cho phép Loan nói chuyện là Tỉnh Ủy Thừa Thiên tên Vũ Thắng, sau đó mất chức.
 3. Ông Nguyễn Xuân Oánh hồi nhỏ được phong trào Ðông Du đưa qua học ở Nhật Bản, sau đó qua Hoa Kỳ tốt nghiệp Ðại Học Harvard, trở về miền Nam làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế một thời gian. Nhờ vợ là Thẩm Thúy Hằng, trước đây là một minh tinh màn bạc ở miền Nam, có liên hệ họ hàng với Võ Văn Kiệt nên ông được Võ Văn Kiệt lãnh ra khỏi tù và cử làm Trưởng Ban Cố Vấn Kinh Tế trong thời gian Võ Văn Kiệt làm Bí Thư Thành Ủy hồi năm 1981 (hồi ký của Giáo Sư Nguyễn Như Cương). Nhờ sự cố vấn của ông, kinh tế của thành phố HCM đã vượt qua được những khó khăn do hậu quả của cuộc cải tạo công thương nghiệp. Mấy năm sau, ông lập một hãng cố vấn thương mại và tài chánh (NX Oanh Associates) ở Sài Gòn. Một trong những người hùn hạp với ông là Colby, cựu giám đốc CIA (tài liệu trong cuốn Dragon Ascendent). Trong hồi ký, ông Nguyễn như Cương đã viết về Nguyễn Xuân Oánh với sự quí trọng.
 4. Ngô Bá Thành, tên thật Phạm Thanh Vân, con của thú y sĩ Phạm Văn Huyến, được Tạ Bá Tòng móc nối. Sau khi bị Tổng Thống Diệm đẩy ra Bắc, ông Huyến sống chật vật trong bóng tối. Ngay sau 1975, ông mới được kêu ra và cho biết bà Thành, con ông sẽ được cho làm Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố HCM. Nhưng chẳng may cho bà Thành (và ông Huyến), chuyện này không xảy ra.
5. Về kẻ địch “diễn biến hòa bình” của báo Quân Ðội Nhân Dân: Có lần, báo QÐND đã lên tiếng cảnh giác những “Tây ba lô” (du khách Pháp nghèo nhiều khi sống lưu lạc trên đường phố) có thể là kẻ địch. Lần khác, báo tố cáo những nhà đầu tư đến họp hội nghị hay hội thảo có thể là những nhân viên đế quốc đến điều tra, do thám để phục vụ trong những âm mưu diễn biến hòa bình. (Robert Templer trong Shadows and Wind). Kể từ 1991, dù Trung Hoa vẫn hiển nhiên là mối đe dọa chính cho an ninh lãnh thổ, hai tờ báo chính thức là Nhân Dân và Quân Ðội Nhân Dân tuyệt không có bài vở hay tin tức nào có thể làm mất lòng Trung Hoa.
 6. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, đài truyền hình có chiếu lại cảnh Ðỗ Mười sang gặp Giang Trạch Dân ở Bắc Kinh. Lúc đó, Ðỗ Mười đã muốn chứng tỏ sự kính ái của mình với những lãnh tụ Cộng Sản Trung Hoa nên đã xồng xộc chạy lên lễ đài ôm chầm lấy Giang Trạch Dân “ôm hôn thắm thiết”, khiến ông này ngạc nhiên đến sững sờ.

7. Nhận xét của Lê Khắc: trong bài Ðêm Trước Ðổi Mới (thanhnien online).
 8. Câu “Tư Tưởng Hồ chí Minh” đặt trong lời mở đầu của hiến pháp Việt Nam cũng giống như Trung Hoa. Mấy năm sau này, khẩu hiệu của Trung Hoa là “dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Hoa, nhân dân Trung quốc lấy chủ nghĩa Mác- -Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Ðông, lý luận Ðặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng ‘Ba đại diện’ làm chủ đạo...” (tư tưởng ba đại diện là của Giang Trạch Dân, đưa ra trong Ðại Hội Ðảng năm 2002, theo đó đảng Cộng Sản là đại diện các lực lượng sản xuất tiến bộ, của nền văn hóa tiến bộ, cho lợi ích của đa số nhân dân Trung Hoa. Vì thế, đảng không những chỉ đại diện cho giai cấp công nhân mà còn đại diện thêm giai cấp trí thức và tư sản yêu nước). Chỉ có điều khác nhau là Cộng Sản Việt Nam chưa viết thêm “...lý luận Ðỗ Mười, tư tưởng quan trọng Lê Khả Phiêu...” vào mở đầu điều lệ Ðảng.
9. Kinh tế quân đội trích bài “L'armée Vietnamienne, acteur du development economique' của Carlyle Thayer và Gerard Hervonet
 10. Những người bị Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ gán cho tội “xét lại” năm 1963 gồm có các ông: Hoàng Minh Chính, từng là Viện Trưởng Viện Triết Học, Tướng Ðặng Kim Giang, Phó Chủ Nhiệm Tổng Cục Hậu Cần, Vũ Ðình Huỳnh, Vụ Trưởng Vụ Lễ Tân, Trần Minh Việt, Phó Bí Thư Thành Ủy Hà Nội, các Ðại Tá Lê Trọng Nghĩa, Cục Trưởng Quân Báo, Lê Minh Nghĩa, Chánh Văn Phòng Bộ Quốc Phòng, Ðỗ Ðức Kiên, Cục Trưởng Cục Tác Chiến, Hoàng Thế Dũng, Phó Tổng Biên Tập Báo QÐND..., các nhà văn, nhà báo như Vũ Thư Hiên, Phó Tổng Biên Tập Tạp Chí Học Tập Phạm Kỳ Vân, những ông Nguyễn Kiến Giang, Trần Thư, Phạm Viết, Phùng Văn Mỹ, Nguyễn Cận, Mai Lâm, Mai Hiến, Minh Tranh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (giáo sư Anh ngữ, vợ nhà báo Phạm Viết), Trung Tá Công An Bùi Hồng Sĩ (được nhắc đến trong ‘Truyện Kể Năm 2000’ của Bùi Ngọc Tấn)... Tất cả đều bị tù đày nhiều năm. Một số người khác như Lê Liêm (cựu thứ trưởng), Ung Văn Khiêm (cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao), Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh... không bị bắt nhưng bị khai trừ khỏi Ðảng. Ông Nguyễn Minh Cần, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội cùng Ðại Tá Lê Vinh Quốc, Phó Chính Ủy Quân Khu III, cũng như Thượng Tá Ðỗ Văn Doãn, Tổng Biên Tập Báo QÐND phải ở lại Liên Xô. 
11. Thư của Phùng Văn Mỹ gửi ông Nguyễn Trung Thành (trong Tử Tù Tự Xử Lý của Trần Thư). Cuối thư ông còn viết: “Trong cái mất, chúng tôi thấy cái được và cái được lớn nhất, vô giá, đó là sự giải thoát. Vì thế quả là bất công nếu có ai đó thương hại chúng tôi. Tự do ở thời nào cũng quí, nhưng thứ tự do có được bằng sự đổi chác hay áp đặt thì không đáng giá một xu. Chỉ có sự tự tại mới là thứ tự do mang tính tuyệt đối”.