Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (7)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (7) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Ba, 05 Tháng 5 Năm 2009 23:44

(Tiếp theo) 
Tranh chấp, thanh trừng sau Ðại Hội Ðảng lần thứ VII 
Với sự thắng thế của khuynh hướng bảo thủ và giáo điều trong Bộ Chính Trị, Cộng đảng Việt Nam càng tỏ thái độ nhún nhường hơn với Trung Hoa Hai tuần lễ sau đại hội Ðảng, ngày 9-7-91, Tổng Bí Thư Ðỗ Mười gặp đại sứ Trung Hoa Trương Ðức Duy, ngỏ ý muốn cử “đặc phái viên” sang Trung Hoa để thông báo diễn tiến và kết quả của đại hội VII, một hành động gần giống như sai sứ cầu phong. Ðiều này làm cho Trung Hoa rất hài lòng, và dù trước đó đã đồng ý hội đàm cấp thứ trưởng giữa hai chính phủ vào đầu tháng 8, Trung Hoa lại muốn gặp “đặc phái viên” của đảng Cộng Sản trước. Biết được ban lãnh đạo Cộng đảng Việt Nam dễ thuyết phục hơn Bộ Ngoại Giao, Trung Hoa ngỏ ý muốn đổi danh xưng “đặc phái viên” thành “đoàn đại diện đặc biệt của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam”, gián tiếp loại ra ngoài các viên chức ngoại giao nhà nghề. Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng hiểu ý, nên đã gạt bỏ đại sứ Việt Nam tại Trung Hoa là Ðặng Nghiêm Hoành không cho tham dự các buổi họp, tuy đại sứ Trung Hoa tại Hà Nội là Trương Ðức Duy lại có mặt trong phái đoàn Trung Hoa. “Ðoàn đại diện đặc biệt” của Việt Nam sang Trung Hoa báo cáo gồm có ba người là Lê Ðức Anh, Chủ Tịch Nước, Hồng Hà, Bí Thư Trung Ương Ðặc Trách Ðối Ngoại và Trịnh Ngọc Thái, Phó Ban Ðối Ngoại của Ðảng.
 Sau khi đã được báo cáo chi tiết về Ðại Hội Ðảng lần thứ VII, kể cả những ý kiến khác nhau, những tranh luận, những biểu quyết và những thay đổi nhân sự, Giang Trạch Dân và Lý Bằng lại bằng lòng hơn nữa khi nghe nói Nguyễn Cơ Thạch bị loại. Giang Trạch Dân nói: “Từ đáy lòng mình, tôi rất hoan nghênh kết quả đại hội VII của các đồng chí Việt Nam”. Sau khi được gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng, Lê Ðức Anh đã xin gặp Từ Ðôn Tín hai lần để xin lỗi về việc Nguyễn Cơ Thạch đã to tiếng với ông ta mấy tháng trước. Ngoài ra, phái đoàn của Lê Ðức Anh còn tìm gặp Kiều Thạch, chủ tịch quốc hội, người đã từng phụ trách tình báo và an ninh của Trung Hoa.
 Biết là các nhà cầm quyền Trung Hoa sẽ cho nối lại quan hệ ngoại giao nếu Việt Nam tiếp tục nhượng bộ ở Căm Pu Chia, Lê Ðức Anh và Hồng Hà sau khi về nước đã ép Bộ Ngoại Giao phải gửi đi một thứ trưởng “không tiền án” với Trung Hoa là Nguyễn Dy Niên sang Bắc Kinh dự cuộc hội đàm chính thức giữa hai chính phủ về vấn đề Căm Pu Chia. Sợ rằng những viên chức ngoại giao không chịu nhượng bộ sẽ làm hỏng mưu định cầu hòa, Bộ Chính Trị cử thêm Trịnh Ngọc Thái đi theo phái đoàn để giám sát. Cuộc hội đàm một chiều theo ý của Trung Hoa đó dĩ nhiên đưa đến kết quả mỹ mãn, vấn đề Căm Pu Chia coi như đã được giải quyết. Sau cuộc hội đàm, Ngoại Trưởng Tiền Kỳ Sâm của Trung Hoa mời Ngoại Trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm sang thăm giao hữu và hai tháng sau, ngày 5-11-1991, đến lượt Ðỗ Mười cùng Võ Văn Kiệt được mời sang Bắc Kinh (6), ký thông cáo chung chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tuy Việt Nam rất muốn được có quan hệ “môi hở răng lạnh” như trước kia, nhưng Trung Hoa lại không muốn thế giới nghi kỵ một liên minh cộng sản mà trở ngại cho chương trình “bốn hiện đại” nên chỉ chấp nhận một mối quan hệ “ thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu” (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, ganh đua nhau nhưng không đánh nhau) tức là “đồng chí chứ không đồng minh”. Tuy thế, trong một nghị quyết về ngoại giao tháng 6 năm 1992, Việt Nam đã xếp hạng Trung Hoa vào loại bạn chí cốt số một cùng với Bắc Hàn, Cuba, Ai Lao và Căm Pu Chia (bạn xếp hàng thứ hai là những nước Cộng sản cũ như Liên Xô và Ðông Âu, thứ ba là các nước lân bang Asean, thứ tư là những nước Phi châu, Tây Phương và Nhật Bản, đứng xếp hàng chót là Hoa Kỳ, một nước mà theo Việt Nam, luôn mưu toan phát động “diễn biến hòa bình” để phá hoại xã hội chủ nghĩa. Cũng như những từ ngữ đồng chí, chủ tịch, thủ trưởng... xuất phát từ Trung Hoa, “diễn biến hòa bình” cũng là một từ ngữ học được từ Trung Hoa (Trung Hoa đã dùng từ ngữ “he ping yan bian” này sau vụ Thiên An Môn năm 1989).
 Ngoài bộ máy đảng lãnh đạo, việc quản lý nhà nước của Việt Nam là do Võ Văn Kiệt làm thủ tướng sau Ðại Hội Ðảng năm 1991. Chính phủ này gồm có:

- Ba Phó Thủ Tướng là Nguyễn Khánh, Phan Văn Khải và Trần Ðức Lương

- Bộ Trưởng Nông Nghiệp: Nguyễn Công Tấn

- Bộ Trưởng Xây Dựng: Ngô Xuân Lộc

- Bộ Trưởng Văn Hóa Thông Tin: Trần Hoàn.

- Bộ Trưởng Quốc Phòng: Ðoàn Khuê

- Bộ Trưởng Giáo Dục: Trần Hồng Quân

- Bộ Trưởng Tài Chánh: Hồ Tế (Hồ Tế là người sau khi về hưu, đã phải than là ngân sách nhà nước của Việt Nam đã phải nuôi ba miệng ăn: chính phủ, Ðảng và Mặt Trận Tổ Quốc).

- Bộ Trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Mạnh Cầm. Nguyễn Mạnh Cầm là đại sứ Việt Nam tại Mạc Tư Khoa, được chọn lựa thay Nguyễn Cơ Thạch vì đã không dính dấp gì đến những bất hòa của Bộ Ngoại Giao với Trung Hoa năm 1990

- Bộ Trưởng Kỹ Nghệ: Ðặng Vũ Chú

- Bộ Trưởng Nội Vụ: Bùi Thiện Ngộ, trước kia là giám đốc công an Vũng Tàu sau đó là giám đốc công an thành phố HCM

- Bộ Trưởng Tư Pháp: Nguyễn Ðình Lộc

- Bộ Trưởng Lao Ðộng Và Thương Binh Xã Hội: Trần Ðình Hoan

- Bộ Trưởng Bộ Hải Sản: Nguyễn Tấn Trình

- Bộ Trưởng Y Tế Công Cộng: Ðỗ Nguyên Phương

- Bộ Trưởng Bộ Khoa Học, Kỹ Thuật Và Môi Trường: Ðặng Hữu

- Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch Và Ðầu Tư: Ðỗ Quốc Sâm

- Bộ Trưởng Bộ Thương Mại: Lê Văn Triết

- Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải: Bùi Danh Lưu

- Chủ Tịch Hội Ðồng Chống Tham Nhũng và Buôn Lậu: Nguyễn Kỳ Cẩm

- Chủ Tịch Ủy Ban Sắc Tộc: Hoàng Ðức Nghi

- Chủ Tịch Ủy Ban Chống Lụt và Ủy Ban Sông Cửu Long: Nguyễn Cảnh Ðịnh

- Chủ Tịch Quốc Hội là Nông Ðức Mạnh, thay cho Lê Quang Ðạo sang làm Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc

- Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước: Cao Sĩ Kiếm

- Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội: Ðào Ðình Luyện, từng là Tư Lệnh Không Quân

- Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Ðội là Lê Khả Phiêu
Dưới sự hướng dẫn của Võ Văn Kiệt, Việt Nam tiếp tục chính sách đổi mới kinh tế. Từ khi còn là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, trước sự tê liệt của hệ thống kinh tế quốc doanh trong những năm đầu của thập niên 1980, Võ Văn Kiệt đã dám làm những điều không đúng với đường lối của trung ương như dùng những người Hoa còn ở lại trong nước buôn bán với Hồng Kông, thành lập những công ty Imex lấy tiền của Việt kiều, dùng những chuyên viên chế độ cũ như Nguyễn Xuân Oánh, thậm chí còn mời cả cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba làm cố vấn. Trong thời gian đó, phương cách kinh tế trong Nam khác biệt với miền Bắc đến nỗi Bộ Trưởng Ngoại Thương Lê Khắc (thời Tố Hữu làm phó thủ tướng đặc tránh kinh tế) khi vừa xuống máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất đã phê bình là “ngửi thấy mùi Nam Tư” (7). Nhưng Võ Văn Kiệt thật ra cũng chỉ cởi mở về kinh tế, còn về chính trị, ông vẫn xuôi theo đường lối chuyên chính của đảng Cộng Sản Việt Nam.
 Hiến Pháp năm 1992 tái xác nhận Việt Nam tiếp tục theo đuổi chế độ độc đảng song song với chính sách “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ðiều 4 của Hiến Pháp 1992 viết: “Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh...” (8). Sau khi vào năm 1982 đã bỏ câu “tư tưởng Mao Trạch Ðông” trong hiến pháp và điều lệ đảng thì giờ đây, trước sự khủng hoảng ý thức hệ, đảng Cộng Sản Việt Nam thêm vào lời mở đầu hiến pháp “tư tưởng Hồ Chí Minh”, một loại “tư tưởng” mơ hồ, rời rạc, góp nhặt và tùy tiện, nhưng vẫn được những cán bộ thông tin văn hòa tâng bốc. Chẳng hạn trước kia có lúc ông trích câu châm ngôn của Trung Hoa “dĩ bất biến ứng vạn biến”, lúc sau này có cả chục bài viết lấy từ câu trích dẫn đó ra rồi tán tụng cách áp dụng của ông, sau đó đề cao ông như một triết gia tài ba, siêu việt. Do sự cần thiết phải đổi mới kinh tế, quyền hạn của Võ Văn Kiệt được tăng lên đôi chút. Danh xưng “chủ tịch hội đồng bộ trưởng” nhằm nhấn mạnh đến chỉ huy tập thể được thay trở lại bằng danh xưng “thủ tướng”. Trước kia, bộ trưởng do quốc hội bầu lên và đều là những đại biểu quốc hội. Sau 1992, thủ tướng có quyền lựa chọn bộ trưởng, trong hay ngoài quốc hội, nhưng những bộ trưởng này vẫn phải được quốc hội chấp thuận. Trên nguyên tắc, thủ tướng cũng có quyền bãi nhiệm thứ trưởng trở xuống hay các viên chức hành chánh địa phương (cấp bộ trưởng trở lên thuộc diện “trung ương quản lý”, tức là do trung ương đảng trách nhiệm). Tuy là thủ tướng, nhưng Võ Văn Kiệt chỉ có thể tương đối tự do trong những phạm vi kinh tế, giáo dục.., còn những ngành quốc phòng, công an hay thông tin báo chí đều bị những phần tử bảo thủ như Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười, Ðào Duy Tùng thao túng. Không thể để lọt một khe hở nào, dù quốc hội chỉ là một cơ quan hình thức, danh sách được đảng cho ra ứng cử dân biểu quốc hội kỳ này cũng giảm đi tối đa những thành phần ngoài đảng. Bà Ngô Bá Thành là một trong vài người hiếm hoi được đảng cho ra ứng cử nhưng lại không trúng cử.
Do sự sụp đổ của đế quốc Xô Viết, chế độ Cộng sản Việt Nam cảm thấy bị lung lay. Những lãnh tụ Cộng đảng suy luận rằng những chính quyền Cộng sản bị sụp đổ là vì đảng đã không kiểm soát và chỉ huy được quân đội. Tại Liên Xô và Ðông Âu, quân đội đã không chịu nghe lệnh đảng để đàn áp nhân dân. Tại Trung Hoa, trong vụ Thiên An Môn, quân đoàn 38 tại quân khu Bắc Kinh đã từ chối không đàn áp sinh viên khiến cho chính phủ đã phải huy động các quân đoàn khác từ xa tới. Vì thế, một mặt đảng gia tăng ngân sách quốc phòng, củng cố lại hệ thống đảng ủy trong quân đội, mặt khác, tăng cường vị thế của quân đội trong trung ương đảng và Bộ Chính Trị. Năm 1986, tỷ số ủy viên quân đội trong trung ương đảng chiếm 7%, tới năm 1991, tỷ số này tăng lên 10.2% (15 người trong 146 ủy viên được bầu). Ngoài ra, nếu nghị quyết năm 1986 chỉ đòi hỏi quân đội phải “tôn trọng và quan hệ mật thiết” với những đảng bộ địa phương thì điều 28 của nghị quyết năm 1991 nói rõ là những đơn vị quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo của các đảng ủy địa phương.
 Cũng kể từ đại hội đảng năm 1991, những đảng viên quân đội bắt đầu được nắm những chức vụ cao cấp then chốt. Trong Bộ Chính Trị mười ba người, Lê Ðức Anh được đứng hàng thứ hai và Ðoàn Khuê, bộ trưởng quốc phòng đứng hàng thứ năm. Tháng 9 năm 1991, Lê Ðức Anh được đề cử làm chủ tịch nhà nước. Nhờ đại diện cho quân đội, một cơ chế được coi là “xương sống” của đảng, chức vụ chủ tịch Nhà nước do Lê Ðức Anh nắm giữ được tăng cường quyền hành để thăng bằng với quyền hành của thủ tướng do Võ Văn Kiệt nắm giữ. Hơn nữa, Lê Ðức Anh lại còn được kiêm nhiệm luôn chức vụ chủ tịch hội đồng Quốc phòng và tổng tư lệnh quân đội. Nhờ thế, kể từ 1969, sau khi Hồ Chí Minh chết, qua những đời Tôn Ðức Thắng, Trường Chinh, Võ Chí Công... Lê Ðức Anh là một chủ tịch nhà nước có quyền lực rất lớn, giám sát luôn cả những trách vụ quốc phòng, ngoại giao lẫn công an của chính phủ. Ngoài ra, trong bộ ba Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt, mỗi khi có tranh chấp, Ðỗ Mười thường đứng về phe Lê Ðức Anh, cho nên trong đảng Cộng sản Việt Nam, người ta còn phân biệt ra hai khối: đảng và chính phủ (tuy cầm đầu chính phủ cũng là những đảng viên). Trong quốc hội, quân đội cũng chiếm giữ 38 ghế (9.6%), trong đó ngoài Lê Ðức Anh, Ðoàn Khuê, Ðào Ðình Luyện, Lê Khả Phiêu còn có Ðặng Quân Thụy (Tư Lệnh Quân Khu II), Phạm Văn Trà (Quân Khu IIII), Nguyễn Trọng Xuyên (Tổng Cục Tiếp Vận), Phan Thứ (Tổng Cục Kinh Tế và Kỹ Nghệ Quốc Phòng)... Ðặc biệt trong kỳ bầu cử quốc hội năm 1992, ông Nguyễn Thanh Giang, tiến sĩ địa chất đã tự mình ra ứng cử quốc hội và đã được đến 96% số phiếu. Ðảng Cộng sản một mặt bịa ra một qui luật là bắt ông phải qua một vòng tuyển chọn tại cơ sở nơi ông làm việc, mặt khác áp lực những người cùng cơ sở với ông phải bỏ phiếu loại ông ra. Sau khi ông viết và phổ biến bài Nhân Quyền-Khát Vọng Ngàn Năm, ông bị công an sách nhiễu nhiều lần và ngày 4-3-1999 thì chính thức bị bắt về tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ”, nhưng không bị đưa ra tòa và được thả vào tháng sau.
Sự gia tăng thế lực của quân đội trong Bộ Chính Trị (4 ủy viên) và trong Trung Ương Ðảng đã làm quân đội trở nên một thế lực mạnh mẽ không những về chính trị mà còn về kinh tế. Nhờ đó mà từ 1990, Tổng Cục Kinh Tế của quân đội đã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tới 1993 thì đã có khoảng 70 ngàn quân nhân phục vụ trong các ngành kinh tế thuộc gần 300 công ty do quân đội kiểm soát. Những công ty này kinh doanh trong các ngành điện, dầu khí, xây dựng (xa lộ nối Hà Nội với phi trường Nội Bài là do quân đội thiết lập)... Công ty lớn nhất là Tổng Công Ty Xây Dựng Trường Sơn gồm có 19 công ty lớn nhỏ về xây cất, đặt đường xe lửa, trồng cà phe... Các công ty khác như tổ hợp hàng không của không quân dùng trực thăng chở chuyên viên đến những mỏ dầu, cung cấp dịch vụ chuyên chở y tế cấp cứu, tìm người Mỹ mất tích. Công ty Tây Nguyên của quân đoàn 15 chuyên về canh nông, công ty Ðông Bắc khai thác than, công ty Hóa Chất số 21. Ngoài ra cũng có cả Ngân Hàng Thương Mại Quân Ðội, khách sạn Saigon Star Hotel. Năm 1994, Võ Văn Kiệt còn ký nghị định cho phép công ty viễn thông Vietel của quân đội được cạnh tranh với tổng cục Bưu Ðiện trong những dịch vụ viễn liên (9).
 Song song với việc gia tăng thế lực của quân đội, ngành công an cũng được củng cố nhưng đã không hoàn toàn đàn áp được những tiếng nói phản kháng. Năm 1993, ông Hoàng Minh Chính, đã được thả ra sau khi bị giam cầm nhiều năm, gửi thư cho Ðảng và chính phủ phản đối về việc đã bắt giữ ông trái phép, sau đó vợ của tướng Ðặng Kim Giang cũng công khai tố cáo đích danh Lê Ðức Thọ đã mưu hại và bôi lọ chồng và cả gia đình của bà (10). Do những người bị oan ức gửi đơn khiếu nại, Trung Ương Ðảng cử hai đảng viên đã về hưu là Nguyễn Trung Thành, cựu vụ trưởng vụ bảo vệ đảng, người đã từng tích cực tuân lệnh Lê Ðức Thọ và Lê Duẩn để kết tội nhóm xét lại, và Lê Hồng Hà, cựu ủy viên đảng đoàn Bộ Công An để coi lại hồ sơ vụ án. Nhưng khi hai người đưa báo cáo cho Ðỗ Mười, chứng minh là những người bị án đều bị oan ức, những chứng cớ chỉ là giả tạo, và xin trung ương đảng giải oan cho những người liên quan đến vụ án thì Ðỗ Mười gạt đi, nói là Trung Ương Ðảng đã kết tội thì chắc chắn là họ có tội. Ông Nguyễn Trung Thành cảm thấy ân hận nên đã trực tiếp xin lỗi những người bị án oan và cùng ông Lê Hồng Hà công khai phổ biến sự ghép tội vô căn cứ của Ðảng. Vì việc này, hai ông bị trục xuất khỏi Ðảng và liên tục bị công an làm khó dễ. Ông Hà còn bị kết án tù hai năm. Những người bị án còn sống hay gia đình họ đều thông cảm và tha thứ ông Thành. Riêng ông Phùng Văn Mỹ, cựu giáo sư trường Ðảng từng bị tù từ 1967 đến 1976 thì nói là mặc dù ông rất cảm động trước hành động của ông Thành, nhưng ông không cần được giải oan hay phục hồi đảng tịch, vì ông đang được sống cho chính ông. Ông không còn phải làm nô lệ hay nhân viên của bất cứ địa hạt nào trong bộ máy chuyên chính. Ông viết: “Còn về mặt tâm hồn, thì chúng tôi đang sống một cuộc sống thanh thản, không còn bị trói buộc vào một cơ chế máy móc nào. Chúng tôi đang thực hiện lời dạy của người xưa ‘Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất’. Và như thế thì cần gì phải có ai ‘cứu’ nữa. ‘Cứu’ để rồi được trở lại cách sống cũ ư? Quả là một điều hãi hùng! (11).
 Khi ông Hoàng Minh Chính bị vào tù, ông Nguyễn Khắc Toàn đã giúp cho bà Chính viết kháng thư. Nguyễn Khắc Toàn là một bộ đội phục viên từng chiến đấu trong Nam. Sau 1975, ông thấy thất vọng với chế độ, và đã giúp phổ biến những lá thư đòi tự do dân chủ của Nguyễn Thanh Giang, Trần Ðộ, Trần Dũng Tiến...
 (Còn tiếp)