Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (6) Print
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Ba, 05 Tháng 5 Năm 2009 08:09

(Tiếp theo) 

Bắc Kinh khinh thường Hà Nội như thế nào?
 
Nhờ những kết quả có được nhờ đã từ bỏ đường lối kinh tế chỉ huy, nhiều đạo luật cởi mở hơn được đưa ra như luật về quyền tư hữu, luật lao động phân định quyền lợi giữa chủ và thợ, luật cho phép sang nhượng ruộng đất, luật nới rộng đầu tư... được ban hành. Sau đó, năm 1992, Việt Nam bắt đầu vận động để gia nhập khối ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với Ðại Hàn. Nhật Bản cũng bỏ cấm vận và cho Việt Nam vay 370 triệu Mỹ kim. Năm 1993, Việt Nam ký thỏa hiệp thương mại với khối kinh tế Tây Âu. Năm 1994, do việc Việt Nam sốt sắng cộng tác trong việc tìm kiếm người mất tích (MIA), Tổng Thống Clinton chấm dứt cấm vận vào tháng 7 năm 1995 và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Cựu Dân Biểu Pete Peterson, một cựu tù nhân Mỹ từng bị giam ở Hỏa Lò sáu năm được cử làm đại sứ. Trong khi đó, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là Lê Văn Bàng, từng làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc. Cũng trong tháng đó, Việt Nam trở nên nước hội viên thứ bảy của tổ chức ASEAN.
Việc gia nhập vào ASEAN không những đã giúp cho Việt Nam được hội nhập và học hỏi những kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước trong vùng mà còn giúp cho Việt Nam nhiều thuận lợi về chính trị và ngoại giao. Dưới danh nghĩa hội viên của một tổ chức quan trọng gồm những nước có kinh tế năng động như Tân Gia Ba, Thái Lan, Mã Lai..., uy tín Việt Nam được nâng cao. Trong khi chưa thể cầu thân với Hoa Kỳ để thăng bằng áp lực của Trung Hoa, ít ra Việt Nam cũng có thể cùng những nước trong tổ chức trên dàn xếp những xích mích với Trung Hoa. Ngoài ra, việc gia nhập ASEAN cũng là cơ hội tiến thêm một bước để thiết lập bang giao với Hoa Kỳ.
 
Nhờ trình độ dân trí cao và nhân công tương đối còn rẻ so với các nước ASEAN láng giềng, các công ty ngoại quốc bắt đầu bỏ tiền vào đầu tư, kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển, nhất là về nông nghiệp và kỹ nghệ nhẹ chế tạo hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, để giữ vững “định hướng xã hội chủ nghĩa”, chính quyền vẫn duy trì những công ty do nhà nước quản lý dù cho những công ty này bị lỗ lã và chính phủ phải tài trợ mới đứng vững. Khi Võ Văn Kiệt kêu gọi cần có sự đối xử đồng đều đối với cả công ty tư nhân lẫn quốc doanh, đề nghị này bị gán cho là “sai đường”. Trong những công ty hợp doanh lớn, Ðỗ Mười đã đòi hỏi phải có đại diện của Ðảng nằm trong công ty. Ngoài ra, do yếu tố chính trị nhằm nâng đỡ những tỉnh miền Trung, xưởng lọc dầu được chấp thuận xây dựng tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Vì lý do địa điểm này không thuận lợi, không hợp lý về kinh tế, cách xa những giếng dầu ngoài biển hàng ngàn cây số, những công ty ngoại quốc rút ra khỏi công tác xây dựng, trung ương đảng nhất định không đổi ý, dùng những công ty xây cất quốc doanh. Do đó mà xưởng lọc dầu này đến nay vẫn chưa xong.
 
Ngoài việc tìm cách kiềm hãm sự đổi mới kinh tế, những thành phần bảo thủ trong Bộ Chính Trị đã kiểm soát chặt chẽ hơn trên lĩnh vực thông tin văn hóa. Ngay sau khi nhận chức Tổng Bí Thư, Ðỗ Mười đã cảnh cáo là “ngành thông tin cần được hướng dẫn” và “báo chí vẫn là mũi tấn công chính của mặt trận văn hóa tư tưởng”. Ðỗ Mười chê trách ngành truyền thông đã lợi dụng sự cởi trói báo chí để “có những bài báo, sách vở phủ nhận đảng, bóp méo lịch sử và sự thật”. Một ủy viên khác, Nguyễn Ðức Bình, cũng gọi truyền thông đại chúng là “vũ khí hữu hiệu trên mặt trận văn hóa tư tưởng”, và kêu gọi báo chí phải “vạch trần những âm mưu của những lực lượng chống chủ nghĩa xã hội muốn phủ nhận quyền lãnh đạo của đảng”. Tuy không trực tiếp kiểm duyệt, nhưng những giám đốc đài phát thanh, những tổng biên tập nguyệt san và báo chí đều là đảng viên nên đảng tạo áp lực bằng những cuộc họp mỗi tháng với Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương Ðảng. Nhiều tổng biên tập không tuân hành đường lối của Ðảng đã bị mất chức. Thí dụ là Vũ Kim Hạnh, Tổng Biên Tập Báo Tuổi Trẻ, đã dám đăng bài phê bình chế độ cha truyền con nối của cha con Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên, rồi sau đó lại đăng bài nói về chuyện Hồ Chí Minh có vợ. Bài báo cũng đăng bài thơ Lý Thụy gửi bà vợ Tàu Tăng Tuyết Minh ngay trên trang nhất (Dữ muội tương biệt. Chuyển thuấn niên dư. Hoài niệm tình thâm. Bất ngôn tự hiểu. Từ nhân hồng tiện. Dao ký thốn tiên. Tỷ muội an tâm. Thị ngã da vọng. Tịnh thỉnh nhạc mẫu vạn phúc)). Theo Hoàng Tranh (Huang Zheng), phó viện trưởng Viện Khoa Học Xã Hội Quảng Tây, đám cưới của hai người cử hành vào tháng 10 năm 1926. Bà Kim Hạnh vì việc này mà mất chức (12). Mấy năm sau, bà quay sang xin được làm tờ Sài Gòn Tiếp Thị, một tờ báo giúp ý kiến người đọc mua bán hàng hóa.
 
Tuy nhiên, dù cho những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam, nhất là phe quân đội, tỏ thái độ tùng phục và dù cho đã có quan hệ ngoại giao chính thức, Trung Hoa vẫn lợi dụng tình trạng cô thế của Việt Nam để mà lấn át. Ngày 15-2-1992, Trung Hoa công bố Luật Lãnh Hải của họ, bao gồm gần hết biển Ðông, và nói là sẽ dùng võ lực để ngăn ngừa những vi phạm chủ quyền của họ. Cùng với những lời công bố, Trung Hoa cho quân đến chiếm đảo Ba Ðầu trong quần đảo Trường Sa. Chiếm đảo này xong, Trung Hoa mạnh mẽ cảnh cáo Việt Nam là “không nên làm điều gì gây phương hại cho tình hữu nghị mới tái lập”. Một số đại biểu Quốc Hội phản kháng nhưng bị Ban Ðối Ngoại Trung Ương Ðảng dẹp bỏ. Ba tháng sau, ngày 8-5-1992, khi cố vấn của Bộ Chính Trị là Nguyễn Văn Linh sang gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng tại Bắc Kinh, có lẽ để dằn mặt Cộng Sản Việt Nam, cùng ngày hôm đó và ở cùng một phòng trong Nhân Dân Ðại Sảnh, Trung Hoa ký kết với hãng thầu Crestone của Hoa Kỳ để khai thác dầu hỏa trên vùng đảo Tu Chính, nơi mà Việt Nam và Trung Hoa đang tranh chấp. Tổng giám đốc công ty Crestone là Randall Thompson sau đó đã xác nhận là những giới chức Trung Hoa đã cam kết với ông là hải quân Trung Hoa sẽ dùng toàn lực bảo vệ nếu có chuyện gì xảy ra trong vùng biển mà công ty khai thác. Nguyễn Văn Linh không dám có một phản ứng nào về việc này, trái lại vẫn ngỏ lời cám ơn Trung Hoa về “những giúp đỡ quí báu” trước kia. Ngày 27-5-92, quân Trung Hoa cũng dời cột mốc biên giới ở Ải Nam Quan sâu vào lãnh thổ Việt Nam từ 400 đến 500 thước và đầu tháng 7, Trung Hoa cắm mốc nhận chủ quyền trên đảo Ða Lạc thuộc Trường Sa.
 
Hành động lấn át của Trung Hoa đã gây tranh luận gắt gao tại Hội Nghị Trung Ương Ðảng từ ngày 18 đến 29-6-1992. Phe bảo thủ cho là “vì Trung Hoa vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải liên kết với Trung Hoa và bỏ qua những xích mích nhỏ nhặt”, trong khi đó, phe thực dụng tố cáo Trung Hoa hai mặt và “lợi dụng chủ nghĩa xã hội để trói tay Việt Nam”. Ðỗ Mười tuy rất bảo thủ nhưng lúc nào cũng hô hào đổi mới, ngoài mặt nói Trung Hoa là “bành trướng” nhưng lại không có một phản ứng nào ngoài việc mời Lý Bằng sang thăm Việt Nam. Trước khi Lý Bằng sang thăm Việt Nam, trong tháng 8, Trung Hoa dựng một dàn khoan trên vùng biển mà hai bên trước kia đã thỏa thuận là để trống chờ sau này sẽ thương thuyết giải quyết, đồng thời cũng tịch thu hai tàu buôn của Việt Nam tại Hồng Kông, tố cáo là họ buôn lậu.
 
Sự quá đáng của Trung Hoa gây bất an không những cho Việt Nam mà còn cho những nước ASEAN trong vùng. Vào tháng 11 năm 1992, Ðô Ðốc Larson, tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ trên vùng biển Thái Bình Dương mạnh mẽ tuyên bố là Hoa Kỳ không muốn thấy một quốc gia nào thống trị vùng Ðông Nam Á mà chỉ muốn có một sự thăng bằng lực lượng. Có lẽ nhờ vậy mà trước khi Lý Bằng sang Việt Nam, Trung Hoa rút bỏ dàn khoan dầu và trả lại hai tàu buôn.
 Tháng 12 năm 1992, Thủ Tướng Trung Hoa Lý Bằng sang thăm Việt Nam. Chuyến viếng thăm chỉ chú trọng nhiều đến những hợp tác kinh tế nhưng vấn đề biên giới và lãnh hải vẫn có nhiều rắc rối. Trong cuộc họp báo, Lý Bằng tuyên bố một cách lạc quan rằng “dù hai bên còn có những bất đồng, nhưng chúng tôi đã thu hẹp những bất đồng lại chứ không làm lớn ra” nhưng Ngoại Trưởng Nguyễn mạnh Cầm đã không chắc chắn lắm “Thủ Tướng Lý Bằng đã cho biết nhận xét của ông về kết qủa những cuộc thảo luận. Chúng tôi ghi nhận nhận xét của ông và hy vọng chúng sẽ được thực hiện trên thực tế” (13).
 Dù Bộ Ngoại Giao không được hài lòng, nhưng phe quân đội lại càng muốn liên kết chặt chẽ với Trung Hoa, nhất là sau khi thấy khả năng tấn công của Hoa Kỳ trong chiến tranh vùng Vịnh và trong cuộc chiến Bosnia. Ngay sau khi Lý Bằng về nước, đến lượt Bộ Trưởng Quốc Phòng Ðoàn Khuê sang Trung Hoa gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng Trì Hạo Ðiền và sau đó được gặp Giang Trạch Dân. Trong cuộc tiếp xúc, Ðoàn Khuê đã cẩn thận không nhắc nhở gì đến những vấn đề biên giới. Ba tháng sau, đến lượt Trì Hạo Ðiền sang thăm Việt Nam đáp lễ. Do sự khác biệt về quan niệm ngoại giao giữa hai Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao, những viên chức Bộ Ngoại Giao đã không được thông báo gì về những cuộc tiếp xúc kể trên của hai quân đội Việt Hoa.
 Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa được mô tả trong báo cáo mật của Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm tại Quốc Hội vào tháng 9 năm 1992 như sau: “Chúng ta phải nỗ lực duy trì quan hệ của chúng ta với Trung Hoa nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, đây là một tiến trình lâu dài và rắc rối”. Sau những cuộc họp ở cấp thứ trưởng, một bản thỏa ước về những nguyên tắc căn bản để giải quyết vấn đề biên giới được hai bên ký kết ngày 19-10-93. Tuy nhiên, ở thế mạnh và kinh tế phát triển nhanh chóng, nhu cầu cần dầu hỏa của Trung Hoa ngày càng cao, vùng biển Ðông ngày càng trở nên một vùng biển quan trọng không những vì tài nguyên dầu hỏa ở đó mà còn là một thủy lộ chiến lược quan trọng để các tàu dầu ngoại quốc chở dầu đến bán cho Trung Hoa cho nên hải quân Trung Hoa luôn luôn tạo ra một áp lực trên vùng biển này.
Từ 1992, nhờ kinh tế khá hơn và có tiếng nói mạnh mẽ trong chính phủ, ngân sách quân đội Việt Nam sau một thời gian bị cắt giảm bắt đầu được gia tăng, khoảng hơn 1 tỷ mỹ kim một năm. Ngân sách này dần dần được tăng lên gấp đôi trong năm 1997. Vì vùng biển Ðông là một vùng có triển vọng sẽ có tranh chấp, Việt Nam chú trọng nhiều hơn vào việc hiện đại hóa hải quân và không quân. Ðồng thời, năm 1994, Ðoàn Khuê kêu gọi chính phủ tăng thêm ngân sách cho Tổng Cục Kinh Tế Quốc Phòng nhằm mục tiêu quân đội có ngày có thể tự túc. Trong tiến trình thay thế và canh tân vũ khí, Việt Nam đã đi mua võ khí từ nhiều nước khác nhau (Algeria, Anh quốc, Úc, Bulgaria, Pháp, Ấn, Nam Dương, Do Thái, Ý, Nhật, Bắc Hàn, Ðại Hàn, Ukraine, Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Mã Lai...)
Lực lượng hải quân của Việt Nam ở miền Bắc mới đầu gồm có những tàu tuần của Liên Xô. Những tàu này cũng như những tàu của hải quân VNCH cũ đã trở nên lỗi thời và không có cơ phận thay thế. Dù được Liên Xô viện trợ, những nhà quan sát nhận định là vào năm 1992, hải quân của Việt Nam không thể ngang tay với đa số các nước trong vùng Ðông Nam Á và không cách nào so sánh được với Trung Hoa. Sau nhiều thăm dò tại Úc, Nam Dương, Mã Lai, cuối cùng, năm 1994, Việt Nam mua được của Liên Xô bốn tuần dương hạm Tarantus loại I và loại II trang bị hỏa tiễn Styx với tầm bắn xa 83 cây số. Sau đó Việt Nam hỏi mua 3 tàu tuần duyên của Ðại Hàn. Liên Xô cũng hợp tác với Việt Nam để chế tạo tàu phóng ngư lôi và hộ tống hạm nhỏ ở bến cảng Sài Gòn, sau đó, bán cho Việt Nam vài tàu ngầm Kilo. Việt Nam cũng mua được hai tàu ngầm cũ của Bắc Hàn và đã trả bằng gạo. Năm 1999, Việt Nam mua thêm của Bắc Hàn một số hỏa tiễn SS1 Scud B và hỏa tiễn phòng không Igla (SA-16 Gimlet) trị giá khoảng 100 triệu Mỹ kim. Năm 2000, hải quân của Việt Nam đã đạt được một bước dài sau khi ký một hiệp ước với Ukraine để Ukraine giúp đỡ canh tân và huấn luyện chuyên viên tại xưởng đóng tàu Ba Son.
Không quân của Việt Nam ngoài những máy bay chuyên chở và trực thăng mà tình trạng hoạt động không được biết rõ, lực lượng chiến đấu chính là những máy bay Mig 21 và Su 22. Số máy bay Mig 21 năm 1987 bị hư hỏng dần, đến năm 1999 chỉ còn có 124 chiếc. Do thói quen, Việt Nam lại dựa vào Liên Xô để mua vũ khí mới. Năm 1994, Việt Nam mua 6 máy bay chiến đấu và oanh tạc Sukhoi Su-27, hai năm sau lại mua thêm 6 chiếc nữa. Những máy bay này có tầm hoạt động là 4000 cây số và có thể bay trên trời 5 giờ liên tiếp. Tới năm 2005, Việt Nam có thêm được 5 chiếc Su30 và cũng mua thêm 40 chiếc Su 22 cũ của Ba Lan. Số máy bay Mig 21 còn lại cũng được Ấn Ðộ và Do Thái canh tân. Có lẽ Việt Nam sợ không dám mua Su -27 của Liên Xô, vì một chiếc bị rớt khi tham dự đại hội Air Show ở Tân gia Ba, một chiếc khác rớt gần Cam Ranh. Riêng Phần Lan, khi canh tân quân đội, những xe tăng T54 và T55 không dùng đến nữa đã bán tống bán tháo cho Việt Nam (14).
Do sự bất lực trước những hành động lấn áp của Trung Hoa, ngoài việc gia tăng ngân sách quốc phòng, Việt Nam vẫn tiếp tục đa phương hóa ngoại giao bằng cách cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Riêng đối với Hoa Kỳ, Tổng Thống Clinton vừa lên cầm quyền nên triển vọng thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp hơn. Năm 1992, Clinton đã cho phép ngân hàng thế giới trợ giúp Việt Nam. Nhưng công cuộc thiết lập quan hệ ngoại giao có lẽ bị trở ngại đôi chút khi một thương gia Việt Nam ở Florida, ông Lý Thanh Bình, tố cáo người hùn hạp của ông là Nguyễn Văn Hảo (15), một viên chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa trước kia, đã làm trung gian cho chính quyền Cộng Sản để mưu hối lộ ông Harold Brown, chủ tịch đảng Dân Chủ, sau này làm bộ trưởng Bộ Thương Mại, để ông này nói giúp Clinton bỏ cấm vận. Theo ông Bình, Nguyễn Văn Hảo đã yêu cầu Việt Nam gửi qua ngân hàng Indosuez ở Singapore mà một phó chủ tịch là Lê Quang Uyển, bạn ông Hảo, một số tiền 700 ngàn Mỹ kim cho ông Brown. Dù lời khai của ông Bình đã được kiểm chứng qua máy phát hiện nói dối (lie detector), và báo New York Time xác nhận là có sự chuyển giao tiền bạc cho ngân hàng Indosuez, ông Brown đã không bị truy tố, nhưng chuyện này đã khiến Tổng Thống Clinton phải hoãn lại tiến trình thiết lập bang giao cho tới ngày 3-2-1994, Hoa Kỳ mới tuyên bố bãi bỏ cấm vận, chuẩn bị tái lập quan hệ ngoại giao.
 (Còn tiếp)