Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (5) Print
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Ba, 05 Tháng 5 Năm 2009 08:05

(Tiếp theo) 

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam sau đại hội VII (1991-1996) 

Giữa năm 1991, 1176 đại biểu của đảng Cộng Sản Việt Nam họp đại hội lần thứ VII để tìm biện pháp đối phó với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước. Do sự sụp đổ của chính phủ Liên Xô và của khối Ðông Âu, đảng Cộng Sản Việt Nam bị đặt trước một tình trạng khó xử. Họ nhận thấy những biện pháp kinh tế cởi mở thi hành từ 1986 đã phần nào giúp phục hồi lại nền kinh tế lạc hậu gây ra do cái hệ thống kinh tế tập thể hóa áp dụng trong mấy chục năm qua, nhưng nếu cứ tiếp tục chính sách đổi mới theo Liên Xô sẽ có nguy cơ bị tan rã. Vì thế, những lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam thấy cần phải cầu hòa và dựa dẫm vào Trung Hoa. Trước hết, vì Trung Hoa là một trong vài quốc gia Cộng Sản hiếm hoi còn sót lại. Thứ hai, đó là một nước đã mạnh mẽ đàn áp tự do dân chủ nhưng vẫn đạt được những thành quả kinh tế. Thứ ba, trong một hoàn cảnh bị cô lập, sẽ không có ai giúp đỡ Việt Nam một khi có xảy ra tranh chấp với Trung Hoa. 
Bộ Chính Trị mới được bầu trong đại hội Ðảng khóa VII năm 1991 gồm có:

1. Ðỗ Mười: Tổng bí thư. Tên thật là Nguyễn Cống, trong chiến tranh Ðông Dương I hoạt động trong vùng Hải Phòng, sau đó lần lượt là chính ủy quân khu tả ngạn sông Hồng, trưởng ban cải tạo công thương nghiệp miền Bắc, bộ trưởng Bộ Xây Dựng rồi trưởng ban cải tạo công thương nghiệp miền Nam.

2. Lê Ðức Anh: kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng nhà nước.

3. Võ Văn Kiệt: kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng bộ trưởng.

4. Ðoàn Khuê: kiêm nhiệm bộ trưởng quốc phòng.

5. Ðào duy Tùng: trưởng ban Tư tưởng Văn hóa đảng, thường trực ban bí thư.

6. Vũ Oanh: từng phụ trách địch vận trong chiến tranh Ðông Dương II. Sau 1979, qua Căm Pu Chia phụ tá cho Lê Ðức Thọ và Trần Xuân Bách trong đoàn B68. Khi ở trong Bộ Chính Trị, có lẽ đã được giao trách nhiệm về tôn giáo nên đã có nói chuyện và viết nhiều bài về chính sách đối với Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.

7. Lê Phước Thọ: được bầu vào ban bí thư năm 1986, sau này thay Nguyễn Ðức Tâm làm trưởng ban tổ chức đảng.

8. Phan Văn Khải: sinh tại Củ Chi năm 1923, sau năm 1954 tập kết ra Bắc rồi sang Liên Xô du học. Trở về phục vụ tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1972 vào Nam tham dự chiến tranh Ðông Dương II. Sau 1975, phục vụ tại thành phố Hồ chí Minh. Năm 1985 là phó bí thư thành ủy và được vào trung ương đảng. Năm 1989 bắt đầu làm Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước khi được vào Bộ Chính Trị.

9. Bùi Thiện Ngộ: Bộ trưởng công an, từng là trưởng ty công an Vũng Tàu rồi trưởng ty công an thành phố HCM.

10. Nông Ðức Mạnh: từng là bí thư tỉnh ủy Bắc Thái.

11. Phạm Thế Duyệt: cùng Vũ Oanh, Lê Phước Thọ được đề cử vào ban bí thư năm 1986. Phạm Thế Duyệt trước kia là giám đốc mỏ than Quảng Ninh, chủ tịch công đoàn, sau thăng làm bí thư thành ủy Hà Nội rồi ủy viên Bộ Chính Trị, cuối cùng là chủ tịch mặt trận tổ quốc.

12. Nguyễn Ðức Bình: từng là giám đốc trường đảng từ năm 1985, là một người rất giáo điều. Về sau, sau khi Việt Nam có liên lạc ngoại giao với Trung Hoa, được Lê Khả Phiêu cử sang Trung Hoa để cùng các lý thuyết gia Trung Hoa nghiên cứu cách diễn dịch chủ nghĩa Mác theo khía cạnh “kinh tế thị trường”.

13. Võ Trần Chí: từng là bí thư thành ủy thành phố HCM thay Mai Chí Thọ. 
Xét thành phần Bộ Chính Trị kể trên, đa số đều có khuynh hướng bảo thủ, trong đó có hai khối bảo thủ nhất là quân đội và công an. Sau khi Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ, không còn viện trợ, Việt Nam phải rút quân từ Căm Pu Chia về và nửa triệu quân nhân đã bị phục viên. Ða số những người này phải sa vào cảnh thất nghiệp, đói kém. Vì những biến động chính trị ở Ðông Âu và chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, họ không còn được “xuất khẩu lao động” đi ra nước ngoài để làm việc kiếm tiền nữa. Ðời sống của những quân nhân tại ngũ cũng không khá hơn. Khẩu phần ăn hàng ngày bị giảm bớt, ngân sách trang bị và huấn luyện cũng bị giảm thiểu. Tướng Ðàm Văn Ngụy, tư lệnh quân khu I có viết lại là có những tháng, tổng cục hậu cần của quân đội đã không phân phối được lương thực cho binh sĩ. Hơn nữa, trong bước đầu của đổi mới kinh tế, khi các đơn vị mua lương thực, họ đã phải trả theo giá thị trường nên phần ăn càng ít đi, gây nên sự bất mãn của quân đội với đổi mới. Vì thế, khi vai trò của quân đội được tăng cường trong trung ương đảng và Bộ Chính Trị, những phần tử này cùng những đại diện của công an đã trở nên một khối bảo thủ vững chắc, chống lại những biện pháp cởi mở.
 
Tuy nhiên, nhờ có những biện pháp cải cách kinh tế, đời sống người dân tương đối khá hơn trước nên tất cả những ủy viên, ngay cả những người bảo thủ giáo điều nhất như Ðào Duy Tùng, Ðoàn Khuê, Phạm Thế Duyệt... người nào cũng tuyên bố là họ ủng hộ “đổi mới”. Trong diễn văn tại đại hội đảng, Ðỗ Mười cũng phải gián tiếp công nhận sự thất bại của chính sách kinh tế chỉ huy trước đó khi ông kêu gọi sự giúp đỡ của thế giới để giúp Việt Nam ra khỏi tình trạng “nghèo đói và lạc hậu”. Nguyễn Văn Linh tuy đã ngả về phe bảo thủ nhưng bị loại vì bị coi như đã phạm lỗi lầm khi đưa ra vài biện pháp chính trị cởi mở lúc ban đầu. 
Trong dịp đại hội lần thứ VII này đã xảy ra tranh chấp giữa Lê Ðức Anh và Võ Nguyên Giáp. Vì uy tín của Võ Nguyên Giáp vẫn còn quá lớn trong quân đội, trong hoàn cảnh khủng hoảng ý thức hệ, Võ Nguyên Giáp được một số đại biểu quân đội dự định đưa ra để cứu vãn uy tín của đảng Cộng sản. Trong thời gian này, Lê Duẩn đã chết, Lê Ðức Thọ đã hết thực quyền nên Võ Nguyên Giáp có rất nhiều hy vọng được quân đội ủng hộ. Lê Ðức Anh sợ mất địa vị nên đã sử dụng cục Quân báo (cục 2) của Bộ Quốc Phòng để tạo ra một bản báo cáo nhan đề “Tình Hình Hoạt Ðộng Bè Phái Trong Ðảng”, sau đó dùng uy thế của mình cùng Nguyễn Ðức Tâm để lấy danh nghĩa Bộ Chính Trị phổ biến cho các đại biểu quân đội nhằm triệt hạ uy tín Võ Nguyên Giáp. Bản báo cáo kể lại có hai đảng viên Cộng sản miền Nam (Hồ Văn Châu hay Năm Châu, một sĩ quan về hưu trong hội Cựu chiến sĩ, và Nguyễn Thị Sứ, hay Sáu Sứ, trong Hội Phụ Nữ Cứu Quốc) cùng một số đảng viên khác ra Hà Nội để vận động cho Võ Nguyên Giáp làm Tổng bí thư, từ đó Trần Văn Trà sẽ làm bộ trưởng Quốc phòng, Trần Văn Danh (từng làm tư lệnh phó quân khu VII cho Trần Văn Trà) sẽ làm bộ trưởng Công an. Những ủy viên trung ương đảng được nghe chứng cớ là những băng ghi âm ngụy tạo.
 Vì Võ Nguyên Giáp tuy mất chân trong Bộ Chính Trị nhưng vẫn được tham dự đại hội, nên khi được lên tiếng, ông phủ nhận mọi lời tố cáo. Ông còn cho biết đã bị Lê Ðức Thọ chèn ép trong đại hội VI năm 1986. Trong bức thư gửi trung ương đảng để phân trần, Võ Nguyên Giáp vẫn nuôi tham vọng trở lại chính trường nên ngoài việc phủ nhận vụ Sáu Sứ, ông tự thấy mình “còn khả năng, nhất là về lý luận và chiến lược” và “tự xác định là không nên tự mình xin rút” (về hưu). Ðể lấy lòng phe bảo thủ, Võ Nguyên Giáp còn khoe là mình đã nhiều lần “nghiên cứu với Ðỗ Mười”, “trao đổi với Ðào Duy Tùng”, “khuyên Trần Văn Trà nên hòa thuận với Lê Ðức Anh”, cũng như “không tiết lộ những bất hòa giữa Hồ chí Minh và Trần Phú” vì có thể làm xấu mặt đảng.
Tuy nhiên, lúc đó Lê Ðức Anh đã củng cố được địa vị, cho nên trong đại hội đảng lần thứ VII, Võ Nguyên Giáp đã không được cử cho làm một chức vụ gì mà sau đó còn bị Lê Ðức Anh cùng phe cánh loại trừ luôn ra khỏi trung ương đảng. Ngoài vụ Sáu Sứ, lý lịch cũ của Võ Nguyên Giáp là con nuôi của chánh sở mật thám Marty, và đơn xin du học với những lời lẽ khẩn khoản trong hình thức cũng bị lôi ra kết tội, dù cho điểm đen của lý lịch này đã được Hồ chí Minh dùng uy tín của mình để giúp cho Võ Nguyên Giáp minh oan từ năm chục năm trước. Vì bị chèn ép như thế, kể từ lần đại hội VII cho đến hơn mười năm sau, hầu như lần đại hội đảng nào Võ nguyên Giáp cũng gửi thư cho trung ương đảng khiếu nại. Một phần vì uy thế của Lê Ðức Anh vẫn còn, phần khác vì các đầu não của đảng không muốn phanh phui những xấu xa nội bộ nên đại hội nào cũng tìm cách trì hoãn, nói là đại hội sau sẽ giải quyết, và cuối cùng đến đại hội X thì bị cho đó là “những vấn đề lịch sử, quá cũ”. Ðể thẳng tay triệt hạ uy tín Võ Nguyên Giáp, mấy năm sau, Lê Ðức Anh còn cho một thân tín của mình là Ðặng Ðình Loan viết cuốn sách “Ðường Thời Ðại”, trong đó mục tiêu chính là kể xấu Võ Nguyên Giáp và đề cao Lê Ðức Anh. Cuốn sách được vây cánh của Lê Ðức Anh là Trần Hoàn, bộ trưởng Thông tin cùng Lê Khả Phiêu, chủ nhiệm tổng cục Chính trị tài trợ và Tướng Ðoàn Chương, em ruột Ðoàn Khuê, đang là giám đốc nhà xuất bản Quân Ðội Nhân Dân in, phát hành, quảng cáo và phổ biến rộng rãi trong quân đội (2). Sau đó, Lê Ðức Anh còn cho thực hiện một cuốn phim tài liệu về đời của mình để chiếu trên truyền hình, trong đó đưa ra một nhân chứng xác nhận Lê Ðức Anh đã đỗ tú tài và vào đảng năm 1938. Nhân chứng này là anh ruột ông ta. Ðồng thời, cuốn “Những Kỷ Niệm Về Lê Duẩn” của Trần Quỳnh cũng được tung ra, Trần Quỳnh là cựu trợ lý của Lê Duẩn và từng được Lê Duẩn cất nhắc làm phó thủ tướng, Trần Quỳnh kể lại trong buổi họp của Bộ Chính Trị về vụ án xét lại, Võ Nguyên Giáp đúng ra đã bị loại nhưng được Lê Duẩn can thiệp và giữ lại vì thời gian đó Việt Nam đang cần viện trợ của Liên Xô. Vì thế mà Võ Nguyên Giáp rất sợ Lê Duẩn. Trong cuốn sách, Trần Quỳnh đã ca ngợi “Bộ Chính Trị là những người con ưu tú nhất và đáng kính nhất của dân tộc”, nhưng nội dung cuốn sách lại chê bai hầu hết những “người con ưu tú nhất” này, chẳng hạn Võ Nguyên Giáp hèn, Lê Ðức Thọ nham hiểm, Phạm Văn Ðồng và Trường Chinh đón gió, Hoàng Văn Hoan bội phản... Ngoài ra, một lá thư nặc danh khác, nhan đề “Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp, Anh Văn Của Chúng Ta”, gán cho Võ Nguyên Giáp 7 tội, trong đó có tội quan hệ tình ái lăng nhăng với vợ của nhà văn Ðào Vũ khi bà này đến dạy nhạc tại nhà cho con của Võ Nguyên Giáp cũng được gửi đi khắp nơi.
 Phe ủng hộ Võ Nguyên Giáp cũng phản công, tung ra một lá thư khác, tố cáo Lê Duẩn hai ba vợ và lạm dụng quyền thế, Lê Ðức Thọ hiểm độc, Lê Ðức Anh ngoài việc khai man lý lịch còn hành hạ công nhân khi làm cai phu, Phạm Hùng là tình nhân của Nguyễn Thị Trung Chiến, Võ Chí Công là bố vợ của Thân Trọng Hiếu, người đã biển thủ hơn 40 triệu.
Do sự cởi mở phần nào tự do báo chí mấy năm trước, những bất mãn của nhân dân bắt đầu được phơi bày, một số những lạm dụng của đảng viên cao cấp bị công khai tố cáo, ưu quyền của giai cấp cầm quyền mới bị đe dọa, đồng thời cuộc sống kinh tế của quân đội cũng như bộ đội phục viên bị khó khăn, khối đảng viên bảo thủ này đã qui trách nhiệm cho Nguyễn Văn Linh và loại ông này ra khỏi chức tổng bí thư, dù cho Nguyễn Văn Linh trong hai năm cuối của nhiệm kỳ đã cố gắng xoa dịu họ bằng cách đưa ra những biện pháp kiểm soát cứng rắn, chẳng hạn như loại bỏ Tướng Trần Ðộ, bắt giữ những người đòi hỏi tự do dân chủ như Nguyễn Hộ, Tạ Tá Tòng, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế... Do áp lực của Trung Hoa, Nguyễn Cơ Thạch bị loại ra ngoài Bộ Chính Trị cũng như trong chính phủ. Vì ảnh hưởng của Lê Ðức Thọ suy yếu dần, Nguyễn Ðức Tâm cũng mất chức. Cũng do áp lực Trung Hoa, Mai Chí Thọ không được đề cử làm ủy viên trung ương đảng vì Mai Chí Thọ khi phụ trách công an thành phố HCM đã có dính dáng đến vụ đàn áp, tịch thu tài sản và trục xuất người Hoa trong những năm của phong trào thuyền nhân vượt biên. Võ Chí Công từ chức vì lý do tuổi tác. Trong đại hội đảng lần thứ VII, người bị chỉ trích nhiều nhất là Trần Xuân Bách. Ông ta không những mất chức ở Bộ Chính Trị mà còn mất luôn địa vị ủy viên trung ương đảng. Trong Bộ Chính Trị mới được bầu ra, ngoài Tổng Bí Thư Ðỗ Mười, người có nhiều quyền lực nhất là Lê Ðức Anh. Tuy nắm giữ chức Chủ tịch Nhà nước, một chức vụ trước kia chỉ là hư vị, nhưng trong thời gian của Lê Ðức Anh, Lê Ðức Anh được giao nhiệm vụ giám sát cả ba ngành quốc phòng, ngoại giao và an ninh. Ðảng Cộng sản lúc đó vì sợ quyền hành tập trung vào một người sẽ xảy ra trường hợp Gorbachev bên Liên Xô nên đã tăng cường quyền lực cho Lê Ðức Anh. Do sự cần thiết của đổi mới kinh tế, Võ Văn Kiệt được đứng hàng thứ ba trong Bộ Chính trị. Ðồng thời, vì ông là người miền Nam (Ðỗ Mười người miền Bắc, Lê Ðức Anh miền Trung) cho nên dù nhiều khi phải đối chọi với khuynh hướng bảo thủ của Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh, địa vị của Võ Văn Kiệt vẫn vững vàng trong nhiều năm. Khi còn làm bí thư thành ủy thành phố HCM, trước thất bại của chính sách kinh tế nhà nước, Võ Văn Kiệt đã lập ra một ban cố vấn kinh tế, đứng đầu là cựu phó thủ tướng VNCH Nguyễn Xuân Oánh và nhờ đó, đã sớm thi hành những đường lối kinh tế cởi mở. Trong Bộ Chính Trị, Võ Văn Kiệt cùng với Phan Văn Khải, cũng là người miền Nam, là hai người cởi mở nhất trong một Bộ Chính Trị bảo thủ. Nhờ đó mà nông nghiệp của vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long và những xí nghiệp tư nhân của thành phố Hồ Chí Minh trở nên nguồn phát triển tài lực chính của kinh tế Việt Nam (3). Cũng nhờ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Xuân Oánh năm 1987 được bầu làm đại biểu Quốc Hội cùng với bà Ngô Bá Thành. Ðến kỳ bầu cử này, đà đổi mới bị ngưng trệ, Nguyễn Xuân Oánh không được Mặt trận Tổ quốc đưa ra ứng cử, bà Ngô Bá Thành được đưa ra, nhưng dù được đảng cho ứng cừ 10 người thì trúng cử hết 9, bà Thành lọt vào trong số người thất cử hiếm hoi đó. Trả lời câu hỏi của đài BBC, bà nói là vì có “gian lận” (4).
 Do sự ưu thắng của phe bảo thủ trong Bộ Chính Trị, chiều hướng ngoại giao nghiêng về ý thức hệ và nhượng bộ Trung Hoa đã lấn áp chiều hướng “đa phương hóa một cách quân bình”. Sự coi trọng đặc tính “xã hội chủ nghĩa” và bỏ qua đặc tính “bành trướng” của Trung Hoa của phe bảo thủ xuất phát từ sự sống còn của đảng Cộng sản và sự bất an của nhóm lãnh đạo. Ngoài ra, khối quân đội, từng được ưu đãi trong thời chiến, bị quên lãng trong mấy năm đổi mới, bị mất uy tín khi phải rút quân khỏi Căm Pu Chia, bị quân Trung Hoa lấn áp cả trên bộ lẫn trên biển và nhất là những cấp chỉ huy đều là những đảng viên trung kiên nên đã cùng với khối công an hợp thành một khối bảo thủ vững chắc. Do sự suy sụp của Liên Xô và khối Ðông Âu, sợ rằng những “thế lực thù nghịch” sẽ lật đổ chế độ, vai trò của quân đội được coi trọng hơn, do đó mà Lê Ðức Anh dù là chủ tịch Nhà nước, đã có rất nhiều quyền hành để thao túng chính phủ, và hơn một năm sau, phe quân đội lại càng được tăng cường khi Lê Khả Phiêu được đề cử thêm vào Bộ Chính Trị. Dù lúc nào cũng cảnh giác với tham vọng của Trung Hoa, nhưng trước nguy cơ tan rã, quân đội luôn luôn nghiêng về ý thức hệ và càng chủ trương thân thiện với Trung Hoa. Kẻ địch phải cảnh giác của báo Quân Ðội Nhân Dân kể từ lúc đó không phải là những lực lượng quân sự nào mà luôn luôn là những “diễn biến hòa bình”,(5). Sau chuyến đi của Lê Ðức Anh sang Trung Hoa năm 1991, lần lượt nhiều tướng lãnh Việt Nam cũng sang kết thân như Vũ Xuân Vinh (cục đối ngoại quân đội), Ðoàn Khuê, Lê Khả Phiêu (khi còn là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Ðào Ðình Luyện...
 (Còn tiếp)