Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (3) Print
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Ba, 05 Tháng 5 Năm 2009 07:42

(Tiếp theo) 

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam sau đại hội VI (1986-1991)

Năm 1986, sự suy kiệt của kinh tế quốc nội, sự cô lập về ngoại giao, sự đe dọa và gây hấn thường xuyên của Trung Hoa cùng những biến chuyển trong tình hình thế giới nhất là của nước đàn anh Liên Xô đã đẩy Cộng Sản Việt Nam vào một bước ngoặt quan trọng trên con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Những thay đổi của Liên Xô về đối nội cũng như đối ngoại đã tạo nên một cơn khủng hoảng ý thức hệ cho đảng Cộng Sản Việt Nam và gây hoang mang giao động cho giới lãnh đạo. Ðang lệ thuộc vào Liên Xô về tất cả mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao... cho nên một khi Liên Xô đã đề ra glasnov (cởi mở) và perestroika (tái cấu trúc), Cộng Sản Việt Nam không còn cách lựa chọn nào khác cũng phải đưa ra chính sách “đổi mới”.

Những nguyên nhân của sự “đổi mới tư duy” về đối nội cũng như đối ngoại của Cộng Sản Việt Nam được coi như chính thức bắt đầu từ sau bài diễn văn của Gorbachev đọc tại Vladivostok (Hải Sâm Uy) ngày 28 Tháng Bảy 1986, trong đó Liên Xô công bố một chính sách Á Châu và Thái Bình Dương mới mà mục tiêu chủ yếu là tái lập quan hệ ngoại giao bình thường với Trung Hoa. Ðể đạt được mục đích đó, Gorbachev tuyên bố sẽ giải quyết tất cả “ba trở ngại” mà Trung Hoa đòi hỏi. Gorbachev còn nói thêm là “vấn đề Căm Pu Chia phải được giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa”.

Sự thay đổi chính sách của Liên Xô đặt Việt Nam vào một tình trạng bất ngờ và nguy hiểm. Liên Xô là một cường quốc, họ có thể công khai nhượng bộ Trung Hoa và Hoa Kỳ mà không bị mất uy thế nước lớn. Hơn nữa, làm như thế, họ còn được cảm tình của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, sẵn sàng được giúp đỡ để giải quyết được những khó khăn kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam là một nước nhỏ, lại đang là một gánh nặng bòn rút tài nguyên đang kiệt quệ của Liên Xô nên Liên Xô có thể hy sinh Việt Nam để cầu thân với Trung Hoa, Hoa Kỳ và các nước Ðông Nam Á. Trước viễn ảnh bị đàn anh Liên Xô bỏ rơi để kết thân với kẻ thù của mình là Trung Hoa, Việt Nam bắt buộc phải thay đổi toàn diện chính sách đối nội và đối ngoại của mình. Vì thế, đại hội đảng lần thứ sáu vào cuối năm 1986 đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam.

Sau mấy tháng chuẩn bị, đại hội đảng lần thứ sáu được triệu tập từ ngày 15 đến 18 Tháng Mười Hai 1986 gồm có 1129 đại biểu tham dự. Khách tới dự đại hội này có Ligachev, nhân vật số 2 của đảng Cộng Sản Liên Xô, Kaysone Phomvihane của Ai Lao và Heng Samrin của Căm Pu Chia cùng vài đại diện các đảng Cộng Sản Ðông Ðức, Cuba... Ðại hội đảng kỳ này đã biểu quyết chấp thuận 124 ủy viên trung ương đảng cùng 49 ủy viên dự khuyết mà đại hội trung ương đảng trước đó đã đưa ra. Sau đó họ lại bầu những ủy viên Bộ Chính Trị là những người có quyền lực nhất của đảng và chính phủ. Tại đại hội đảng, trước ngày bầu ra những ủy viên Bộ Chính Trị, Phạm Hùng tuyên đọc bức thư xin rút lui của bộ ba Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng và Lê Ðức Thọ. Cả ba người sau đó được cử làm “cố vấn tối cao”.

Bộ Chính Trị mới được bầu của đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1986 gồm có:

1. Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư. Tên thật là Nguyễn Văn Cúc, bí danh Mười Cúc, sinh tại miền Bắc nhưng phần lớn cuộc đời hoạt động tại miền Nam. Từ 1940, đã nhiều lần làm bí thư thành ủy Sài Gòn. Trong chiến tranh Ðông Dương II, từng là phó bí thư trung ương Cục miền Nam, phụ tá cho Phạm Hùng. Ðược vào trung ương đảng năm 1960 và Bộ Chính Trị năm 1976.

2. Phạm Hùng: thay Phạm Văn Ðồng làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng vào Tháng Sáu năm 1987 nhưng được có mấy tháng thì bị bệnh chết vào Tháng Ba năm 1988. Phạm Hùng sinh năm 1912 tại miền Nam và là ủy viên Bộ Chính Trị duy nhất hoạt động tại miền Nam trong chiến tranh Ðông Dương II.

3. Võ Chí Công: tên thật là Võ Toàn, sau khi Trường Chinh từ chức năm Tháng Sáu, 1987, lên thay chức chủ tịch nhà nước. Từng hoạt động trong trung ương cục miền Nam, sau đó là chính ủy quân khu V.

4. Ðỗ Mười: sinh năm 1917, thay Phạm Hùng làm thủ tướng từ Tháng Sáu năm 1988. Ðỗ Mười sau năm 1954 là bí thư thành ủy Hải Phòng, sau đó tham gia cải tạo công thương nghiệp miền Bắc. Năm 1976 là bộ trưởng Bộ Xây Dựng, năm sau được cử vào Nam, phụ trách “cải tạo công thương nghiệp” để tập thể hóa kinh tế miền Nam.

5. Võ Văn Kiệt: Phó thủ tướng kiêm chủ tịch ủy ban Kế Hoạch Nhà Nước. Võ Văn Kiệt, sinh năm 1922, sinh trưởng và hoạt động ở miền Nam, được cử làm ủy viên trung ương đảng cùng với Nguyễn Văn Linh năm 1960. Năm 1976, Kiệt được thăng lên làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị trung ương đảng và thay Nguyễn Văn Linh làm bí thư thành ủy Sài Gòn. Võ Văn Kiệt được coi như một người cởi mở, thực dụng, cổ võ cho đổi mới kinh tế, và tản quyền quản lý cho các địa phương. Sau khi Phạm Hùng mất, Võ Văn Kiệt được cử lên thay nhưng vài tháng sau thì bị đảng gạt ra để cho Ðỗ Mười lên thay.

6. Lê Ðức Anh: từ thứ 12 lên hàng thứ sáu. Tổng tham mưu trưởng quân đội thay Lê Trọng Tấn năm 1986 rồi thay Văn Tiến Dũng làm bộ trưởng quốc phòng năm 1987. Từng làm cai thợ ở đồn điền cao su. Trong chiến tranh Ðông Dương II, hoạt động ở vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Sau 1975 làm tư lệnh quân khu IX. Khi Trần Văn Trà bị mất chức trước năm 1979, Lê Ðức Anh được lên thay làm tư lệnh quân khu VII, một quân khu quan trọng hơn, để từ đó chỉ huy công cuộc đánh chiếm Căm Pu Chia. Nhờ thân cận với Lê Ðức Thọ ở Căm Pu Chia, Lê Ðức Anh được cất nhắc vào Bộ Chính Trị năm 1982.

7. Nguyễn Ðức Tâm: lên thay Lê Ðức Thọ làm trưởng ban tổ chức trung ương đảng. Từng là bí thư tỉnh Quảng Ninh, sau đó làm phó ban tổ chức cho Lê Ðức Thọ trong nhiều năm.

8. Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng ngoại giao, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh quán Nam Ðịnh, ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị từ năm 1982.

9. Ðồng Sĩ Nguyên: tên thật Nguyễn Sĩ Ðồng, trong chiến tranh Ðông Dương II phụ trách bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh rồi sau đó làm bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải.

10. Trần Xuân Bách: kiêm nhiệm trưởng ban đối ngoại trung ương.

11. Nguyễn Thanh Bình: từng là cục trưởng cục hậu cần sau đó làm bộ trưởng nội thương rồi bí thư thành ủy Hà Nội, được nâng đỡ vì là cháu rể của Lê Ðức Thọ.

12. Ðoàn Khuê: cựu tư lệnh Quân Khu V, năm 1987, được cử thay Lê Ðức Anh làm tổng tham mưu trưởng quân đội, được thăng đại tướng năm 1990. Tới 1991 thay Lê Ðức Anh làm bộ trưởng quốc phòng.

13. Mai Chí Thọ, em của Lê Ðức Thọ. Từng hoạt động ở miền Nam. Sau 1975, có lúc làm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố HCM, kiêm nhiệm luôn vấn đề an ninh toàn miền Nam. Trước khi vào Bộ Chính Trị, là bí thư thành ủy thành phố HCM. Sau đó, năm 1987 được cử làm bộ trưởng Bộ Nội Vụ (1).

Một ủy viên dự khuyết là Ðào Duy Tùng. Trước đó, năm 1977, Tùng là tổng biên tập Tạp Chí Cộng Sản tới năm 1982, đổi qua làm giám đốc Việt Tấn Xã, sau đó được cử làm trưởng ban tuyên huấn đảng. Tới năm 1988, Ðào Duy Tùng được thăng làm ủy viên thực thụ Bộ Chính Trị. Là một người tham vọng, mấy năm sau Tùng mưu toan tranh chức tổng bí thư nhưng thất bại.

Trong thành phần của Bộ Chính Trị, chỉ có Trần Xuân Bách là có tư tưởng cấp tiến nhất, bằng lòng chấp nhận đa nguyên đa đảng. Trần Xuân Bách tên thật là Vũ Thiện Tuấn, sinh tại Nam Ðịnh năm 1924, từng làm bí thư tỉnh ủy tại nhiều tỉnh tại miền Bắc. Năm 1981, khi Lê Ðức Thọ về nước sửa soạn đại hội đảng, Trần Xuân Bách được cử lên thay làm trưởng đoàn B68 phụ trách cai trị Căm Pu Chia. Năm 1985, ông về nước, làm chánh văn phòng ban bí thư trung ương đảng trước khi được cử làm ủy viên Bộ Chính Trị. Theo ông, “đổi mới kinh tế phải đi đôi với đổi mới chính trị. Phải đi bằng hai chân, không thể đi khập khiễng bằng một chân” (2). Ngoài ra, còn có ba ủy viên Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Cơ Thạch tương đối cởi mở, số còn lại phần lớn là những kẻ cơ hội. Ðã được khuyến dụ và rèn luyện để trở thành đảng viên Cộng Sản, họ không thể nào một sớm một chiều chấp nhận những sai lầm hay yếu kém của chủ nghĩa đó. Ngoài ra, một khi trở thành đảng viên, họ và gia đình đã được bước vào một giai cấp mới, được hưởng đặc quyền đặc lợi không những cho đến mãn đời của mình mà còn của đời con, đời cháu. Cho nên nếu có sự sửa đổi, sự sửa đổi này cũng chỉ miễn cưỡng và nửa vời. Hơn thế nữa, với ảnh hưởng của Lê Ðức Thọ, một số những người cộng sản thủ cựu vẫn được cử vào Bộ Chính Trị như Nguyễn Ðức Tâm, Mai Chí Thọ, Ðào Duy Tùng, Lê Ðức Anh... Giữa hai ủy viên cởi mở từ miền Nam là Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt cũng có bất hòa. Nguyễn Văn Linh thường hay tố cáo Phan Thanh Nam, tổng giám đốc công ty quốc doanh Tradico tham nhũng và là con rơi của Võ Văn Kiệt(3). Vì thế, sự đổi mới của Cộng Sản Việt Nam đã không được thực hiện một cách triệt để. Hai năm sau, với sự tan vỡ của khối Cộng Sản Ðông Âu và vụ sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn, đa số đảng viên từ cấp nhỏ đến cấp lãnh đạo, kể cả Nguyễn Văn Linh, cảm thấy nguy cơ đảng bị tan rã, đảng viên sẽ bị mất hết ưu quyền nên đã trở lại áp dụng chính sách cứng rắn và đàn áp về chính trị, nhưng vẫn phải tiếp tục cởi mở hơn về kinh tế vì nhờ vậy mà đời sống của nhân dân và nhất là của chính họ đã khá hơn. Họ gọi chính sách đó là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính sách này không còn được học tập từ đồng minh Liên Xô nữa mà đã rập khuôn theo đường lối cai trị của “kẻ thù lâu đời và nguy hiểm” cũ là Trung Hoa. Kể từ 1986, Cộng Sản Việt Nam đã cố gắng đủ mọi cách, kể cả nhường đất đai, để cầu thân với Trung Hoa.

Người may mắn nhất trong đại hội đảng lần này là Lê Ðức Anh. Ðược bất ngờ lên chức bộ trưởng quốc phòng sau khi Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn chết một cách đột ngột, Lê Ðức Anh đã làm lại lý lịch. Trong lý lịch cũ, năm 1976, Lê Ðức Anh khai thành phần bản thân là viên chức và vào đảng từ Tháng Bảy năm 1945, nhưng khi lên bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Lê Ðức Anh khai bản thân là công nhân và vào đảng từ năm 1938. Những đảng viên Cộng Sản lâu năm như Phạm Văn Xô (từng là xứ ủy Nam Bộ), Ðồng Văn Cống, Năm Thi (chủ nhiệm hậu cần cục R) đều biết rõ lý lịch của Lê Ðức Anh và đã báo cáo với Nguyễn Ðức Tâm, vụ trưởng vụ tổ chức. Hơn mười năm sau, sau khi đã mất chức và được hỏi về việc này, Nguyễn Ðức Tâm trả lời là năm 1986, đã có báo cáo với Lê Ðức Thọ, nhưng Lê Ðức Thọ nói là nên xếp lại. Sau đó, Nguyễn Văn Linh cũng được báo cáo, nhưng “không có ý kiến”. Ðến thời Ðỗ Mười thì Lê Ðức Anh đã được làm chủ tịch nước nên bỏ qua luôn. Mấy năm sau, trong những đại hội đảng VIII, IX và X, đều có thư tố cáo Lê Ðức Anh khai man lý lịch nhưng những lúc sau này, thế lực của Lê Ðức Anh đã rất mạnh nên nội vụ luôn luôn được “khoanh lại” (4).

Ngoài những ủy viên Bộ Chính Trị phụ trách quyết định đường lối chính sách của quốc gia, những ủy viên trung ương đảng còn bầu ra một ban bí thư để phụ trách điều hành nội bộ đảng. Ban bí thư này ngoài bốn ủy viên Bộ Chính Trị là Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Ðức Tâm, Trần Xuân Bách, Ðào Duy Tùng còn có:

- Trần Kiên, tên thật Nguyễn Tuấn Tài từng là bí thư các tỉnh Hải Phòng, Gia Lai, Ðạc Lắc và Nghĩa Bình. Từ 1979 đến 1981 là bộ trưởng Bộ Lâm Nghiệp. Tới 1982, được đề cử vào ban bí thư và chủ nhiệm ban kiểm tra trung ương đảng.

- Lê Phước Thọ: trưởng ban nông nghiệp đảng.

- Nguyễn Quyết: trung tướng, từng là tư lệnh đặc khu Thủ Ðô và quân khu III. Năm 1986 là phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị. Mấy tháng sau, thay Chu Huy Mân làm tổng cục trưởng.

- Ðàm Quang Trung, gốc người Tầy, năm 1979 là thiếu tướng tư lệnh quân khu I thay Chu Văn Tấn sau khi Chu Văn Tấn bị thanh trừng, năm 1982 được thăng trung tướng rồi phó chủ tịch Quốc Hội.

- Vũ Oanh: trước 1975, hoạt động tuyên vận ở miền Nam, từng phụ tá cho Lê Ðức Thọ và Trần Xuân Bách trong đoàn B 68 ở Căm Pu Chia. Năm 1991 được đề cử vào Bộ Chính Trị.

- Nguyễn Khánh, chánh văn phòng trung ương đảng thay Trần Xuân Bách, Nguyễn Khánh là người phụ trách đưa thư khuyến dụ từ chức của Lê Ðức Thọ cho Trường Chinh và Phạm Văn Ðồng. Năm 1987, ra làm phó thủ tướng kiêm tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng.

- Trần Quyết: trung tướng công an, từng là thứ trưởng Bộ Nội Vụ.

- Trần Quốc Hương, năm 1982 ở trong ban thường vụ đảng ủy thành phố HCM. Năm 1983 đổi sang làm phó bí thư thành ủy Hà Nội. 1986 làm tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Cùng với Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hương là người ra lệnh phá bỏ nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi ở Sài Gòn.

- Phạm Thế Duyệt: người tỉnh Thái Bình, từng là phó rồi chủ tịch công đoàn, sau này cũng được vào Bộ Chính Trị.

Sau khi Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng bí thư, Trần Ðộ lại được tái bổ nhiệm làm trưởng ban Văn nghệ trung ương đảng, nhưng khi làn sóng đổi mới văn hóa bắt đầu nổi lên, ảnh hưởng đến uy quyền tuyệt đối của đảng thì những đảng viên cao cấp bị giao động, Bộ Chính Trị sát nhập ban này vào Ban Tư Tưởng Văn Hóa do Trần Trọng Tân làm trưởng ban. Tới 1988, sau khi Nguyễn Văn Linh thay đổi đường lối, Trần Ðộ lại bị mất chức và sau đó, bị khai trừ ra khỏi đảng, cùng lúc với nhà văn Nguyên Ngọc, bí thư đảng đoàn của Hội Nhà Văn cũng bị mất chức vì trong bản “Ðề Dẫn” đọc ở Hội Nhà Văn đã viết câu “người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở những điều mình viết ra”.

Việc “đổi mới tư duy” đầu tiên của đại hội đảng lần thứ sáu là quyết định bỏ câu “Trung Hoa là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” trong lời mở đầu điều lệ đảng, đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong đường lối đối ngoại.

Vài ngày sau đại hội đảng, vào Tháng Giêng năm 1987, Ban Chấp hành Trung ương đảng lại họp hội nghị và đề cử nhân viên chính phủ. Lần này, Võ Chí Công được cử làm chủ tịch nhà nước, Phạm Hùng được cử làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng thay Phạm Văn Ðồng. Nội các của Phạm Hùng gồm có 32 bộ trưởng, trong đó những bộ trưởng chính gồm có:

- Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Ðồng Bộ Trưởng: Nguyễn Khánh.

- Phó chủ tịch HÐBT kiêm bộ trưởng ngoại thương: Ðoàn Duy Thành. Ðoàn Duy Thành trước đây là tỉnh ủy Hải Phòng, sau này làm chủ tịch phòng thương mại. Năm 2006 viết cuốn hồi ký “Làm Người Là Khó, Làm Người Xã Hội Chủ Nghĩa Càng Khó Hơn” mà mục đích chính là để chỉ trích Ðỗ Mười, người đã chèn ép con đường tiến thân của ông. Trong cuốn sách, Ðoàn Duy Thành cũng kể lại là ông ta là người được Lê Duẩn cứu xét để cho làm tổng bí thư. Cuốn sách bị những người trong phe bảo thủ chỉ trích và giám đốc nhà xuất bản bị Bộ Thông Tin Văn Hóa khiển trách.

- Bộ trưởng quốc phòng: Lê Ðức Anh.

- Bộ trưởng ngoại giao: Nguyễn Cơ Thạch.

- Bộ trưởng nội vụ: Mai Chí Thọ.

- Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước: Võ Văn Kiệt, phụ tá là Ðậu Ngọc Xuân.

- Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác kinh tế văn hóa với Ai Lao và Căm Pu Chia: Ðặng Thí (5).

- Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước: Phạm Văn Tiệm.

- Bộ trưởng Tài chánh: Hoàng Quy.

- Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước: Lữ Minh Châu.

- Bộ trưởng Vật tư: Hoàng Ðức Nghi.

- Bộ trưởng Xây dựng: Phan Ngọc Tường.

- Bộ trưởng Giao thông Vận tải: Bùi Danh Lưu.

- Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ: Vũ Tuấn.

- Bộ trưởng Văn hóa: Trần Văn Phác.

- Bộ trưởng Thông tin: Trần Hoàn (từng là trưởng ty văn hóa ở Huế sau 1975, tác giả bài Sơn Nữ Ca).

- Bộ trưởng Tư pháp: Phan Hiền, từng là thứ trưởng Ngoại giao.

- Bộ trưởng Y tế: Ðặng Hồi Xuân (vài năm sau, Ðặng Hồi Xuân bị tử nạn máy bay khi sang Vọng Các họp một hội nghị về y tế).

- Ðoàn Khuê được cử thay Lê Ðức Anh làm tổng tham mưu trưởng quân đội.

- Nguyễn Quyết thay Chu Huy Mân làm chủ nhiệm tổng cục Chính trị.

Tháng Tư năm 1987, Việt Nam cho bầu cử Quốc Hội khóa 8 và sau khi Trần Ðộ từ chối, Nguyễn Ðức Tâm, trưởng ban tổ chức đảng xếp đặt cho Lê Quang Ðạo làm chủ tịch. Kỳ bầu cử này, ngoài các cán bộ được chỉ định, đảng Cộng Sản còn cho vào quốc hội một số nhỏ những nhân vật cơ hội không phải đảng viên như Phan Khắc Từ, Thích Minh Châu, Lý Chánh Trung, Nguyễn Xuân Oánh, bà Ngô Bá Thành... Bác Sĩ Dương Quỳnh Hoa được mời ứng cử nhưng từ chối. Sau năm 1975, dù đã được cử làm thứ trưởng Y tế, bà đã nhiều lần, kể cả khi gặp Phạm Văn Ðồng, xin ra khỏi đảng nhưng chỉ được chấp thuận năm 1979 với điều kiện là việc ra khỏi đảng của bà chỉ được tiết lộ 10 năm sau. Sau này, khi được hỏi về biến cố lịch sử nào trọng đại nhất trong 50 năm qua, bà trả lời là sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, vì biến cố đó đã chấm dứt một “đại ảo tưởng”. Ngoài bà Dương Quỳnh Hoa, những người thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũ như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Ðịnh... được sắp xếp cho làm phó chủ tịch nhà nước. Chức vụ này chỉ có hư danh, dành cho những người sắp bị loại. Bà Hoa đã từng nói thẳng với Nguyễn Hữu Thọ là họ chỉ là “hình nộm, mặt nạ hay vài món trang sức rẻ tiền” của chế độ.

Trong những năm đầu của chính sách đổi mới, Cộng Sản Việt Nam vẫn chỉ có một chỗ dựa duy nhất là Cộng Sản Liên Xô. Sau khi đã sắp xếp xong nội các, ngày 17 Tháng Năm 1987, đến lượt Nguyễn Văn Linh bay sang Liên Xô để gặp Gorbachev. Gorbachev vạch rõ cho Nguyễn Văn Linh những kinh nghiệp về sự trì trệ của kinh tế xã hội chủ nghĩa, sự cần thiết phải giao thương với những nước tư bản và khuyến cáo Việt Nam nên giải quyết vấn đề Căm Pu Chia sớm ngõ hầu hòa hoãn được với Trung Hoa. Vì thế, sau khi từ Liên Xô trở về, ngày 23 Tháng Năm 1987, Nguyễn Văn Linh đã viết ngay một loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân hô hào “đổi mới tư duy” và ngày 26 Tháng Năm 1987, Linh họp Bộ Chính Trị thông báo về những khuyến cáo của Liên Xô (6). Trong thời gian đó, trong bước đầu lấy lòng Trung Hoa, Bộ Ngoại Giao đã làm tờ trình lên Bộ Chính Trị xin bỏ câu nói “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” trong lời mở đầu của Hiến pháp.

Sau phái đoàn của đảng Cộng Sản Việt Nam do Nguyễn Văn Linh hướng dẫn sang gặp Gorbachev, những phái đoàn chính phủ và quân đội cũng lần lượt bay sang Liên Xô để học kinh nghiệm và xin ý kiến. Phái đoàn chính phủ do Phạm Hùng hướng dẫn sang Mạc tư Khoa vào ngày 12 Tháng Sáu 1987 và phái đoàn quân đội do Nguyễn Quyết, chủ nhiệm tổng cục Chính trị, sang ngày 19 Tháng Sáu 1987. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau đại hội VI, Việt Nam lại học tập khuôn mẫu của Liên Xô để thực hiện sự thay đổi.

Từ Liên Xô về, Nguyễn Văn Linh bắt đầu thi hành hàng loạt những biện pháp “đổi mới”. Trước hết về kinh tế, được thấy rõ bản chất thiếu năng động và sự trì trệ của nền kinh tế Liên Xô, được thông báo về kết quả thảm hại của nó sau hơn sáu chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, và được chứng kiến sự phát triển kinh tế nhảy vọt của những nước lân bang, Cộng Sản Việt Nam đành chấp nhận sự thất bại của hệ thống kinh tế tập trung và bắt đầu đưa ra những phương cách sửa đổi lại. Dù cho những biện pháp tư nhân hóa và tản quyền kinh tế như vậy đi ngược lại với giáo điều Mác xít, họ vẫn muốn giữ ưu quyền độc tôn của Ðảng để gọi chính sách kinh tế của họ là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Những biện pháp cởi mở kinh tế được đưa ra gồm có:

- Giải trừ việc tập thể hóa nông nghiệp.

- Ðể cho những công ty quốc doanh được độc lập hơn.

- Bãi bỏ những trạm thuế quan từ địa phương này sang địa phương khác.

- Hoàn chỉnh lại Luật đầu tư để các công ty ngoại quốc dễ dàng đem vốn vào Việt Nam đầu tư.

- Bãi bỏ độc quyền của Nhà nước trong việc buôn bán với nước ngoài.

- Cho phép các công ty tư nhân thuê dùng mười nhân công trở xuống.

- Giải thể bớt những cơ quan và bộ máy hành chánh hoạch định kế hoạch kinh tế trung ương.

- Bớt đi 15 % nhân viên nhà nước.

- Trả lại một số những xí nghiệp ở miền Nam đã bị nhà nước tịch thu sau 1975.

- Bãi bỏ chế độ “bao cấp”, theo đó công nhân viên ngoài lương bổng, tùy theo chức vụ mà được lãnh một số nhu yếu phẩm (như gạo, đường, thịt, thuốc lá...) nhất định.

Nhờ những biện pháp đổi mới, trong vòng 2, 3 năm sau, nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu hồi phục và phát triển. Nông dân không còn bị bó buộc lao động trong tập thể đã gia tăng sản xuất cho nên mấy năm sau, Việt Nam đã bắt đầu xuất cảng lúa gạo. Những cơ xưởng kỹ nghệ nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng cũng bộc phát. Nhờ vị trí thiên nhiên thuận lợi, dân trí cao, nhân công được tiếng là cần cù siêng năng nên dù có phần nào bị gò bó do cấm vận, những nhà đầu tư ngoại quốc bắt đầu đổ tiền vào đầu tư. Ngoài ra, những giếng dầu hỏa ngoài khơi đã khai thác được đồng thời với nhu cầu về dầu hỏa trên thế giới tăng lên nhanh chóng. Thêm vào đó, tiền bạc của người Việt hải ngoại gửi về mỗi năm hang tỷ Mỹ kim đã giúp cho kinh tế của Việt Nam kể từ 1991 đã phát triển đều đặn từ 6 đến 8% mỗi năm trong liên tiếp 6, 7 năm.

Tuy nông nghiệp và những xí nghiệp tư doanh đã đóng góp lớn lao cho việc hồi phục kinh tế, chính quyền Cộng sản lúc nào cũng nhắm ưu tiên cho việc phát triển những công ty quốc doanh, dù trong khoảng 6,000 công ty quốc doanh này, đa số bị lỗ vốn. Do việc phát triển nền kinh tế thị trường, một số luật lệ kinh doanh cần đặt ra. Tuy đại hội VI của đảng Cộng sản bắt đầu nhấn mạnh đến quan niệm “nhà nước pháp quyền” để điều hành kinh tế theo luật pháp, nhưng đại hội cũng vẫn xác nhận lại cái “pháp chế xã hội chủ nghĩa” có nghĩa “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” nhằm bảo vệ quyền lợi của Ðảng. Trước năm 1986, trong 8914 văn kiện luật pháp, chỉ có 62 đạo luật là do Quốc Hội biểu quyết, số còn lại hoặc là chỉ thị, hoặc thông tư, hoặc nghị quyết do Ðảng hay chính phủ đưa ra. Họ giải thích luật pháp của họ như sau:

“Luật pháp của chúng ta khác với luật pháp tư sản. Luật của chúng ta nhằm phát triển đất nước chúng ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi luật của các quốc gia tư sản là nhằm bảo vệ cho bọn tư bản”.

Do sự mơ hồ của luật lệ, nếu có tranh chấp giữa xí nghiệp tư nhân và nhà nước, chắc chắn phía nhà nước sẽ thắng. Ngoài ra, nếu một xí nghiệp tư nhân có làm mất lòng hay dám cạnh tranh với một công ty nhà nước, họ không những có thể bị truy tố về những vi phạm kinh tế mà còn có thể bị suy diễn sang thành tội chính trị, phá hoại quốc gia. Ðể chắc ăn, thường là những công ty tư nhân phải dựa dẫm vào một vài cán bộ cao cấp nào đó làm “ô dù”. Từ đó tham nhũng nảy sinh. Hệ thống cho vay tiền ngân hàng cũng thế. Một cái thư giới thiệu của một cán bộ hay ủy viên cao cấp sẽ giúp cho việc vay tiền được dễ dàng.

Ðiển hình của việc đầu tư làm ăn ở Việt Nam là Nguyễn Trung Trực, một Việt kiều hải ngoại ở Úc về thành lập công ty Peregrine. Công ty này bắt đầu kinh doanh nhập cảng thuốc tây từ năm 1990. Vì có một công ty của nhà nước không chịu trả tiền, ông ta nhờ người quen bên vợ là bộ trưởng Bộ Công An Bùi Thiện Ngộ và vợ của phó thủ tướng Trần Dức Lương làm “ô dù” để can thiệp. Từ đó, trong thời gian Bùi Thiện Ngộ làm bộ trưởng, công ty của Nguyễn Trung Trực làm ăn rất phát đạt, được báo chí nhà nước ca tụng là “một tư nhân ngoại quốc đầu tư thành công” nhưng đến năm 1996, khi Bùi Thiện Ngộ (phe của đảng) bị loại khỏi Bộ Chính Trị, thì Nguyễn Trung Trực bị “phe chính phủ” (của Võ Văn Kiệt) đưa ra tòa về tội trốn thuế, mục đích chính là để Trần Ðức Lương cũng bị mang tiếng.

Vì những người điều hành guồng máy nhà nước từ trên xuống dưới đều nằm trong tay những đảng viên đang nắm đặc quyền đặc lợi, trong đó những người tương đối có học hay có dịp ra nước ngoài đều được đào tạo ở Liên Xô hay Ðông Âu là những nơi mà luật pháp chỉ dùng vào mục tiêu chính trị cho nên vấn đề thi hành những biện pháp đổi mới kinh tế đã được thi hành một cách tùy tiện, tùy theo hoàn cảnh hay địa phương.

Về phương diện văn hóa tư tưởng, mấy tháng sau ngày đại hội đảng, không khí đổi mới còn tưng bừng nhộn nhịp, trong hai ngày 6 và 7 Tháng Mười năm 1987, trưởng ban văn hóa Trần Ðộ đã tổ chức để cho Nguyễn Văn Linh gặp gỡ khoảng gần 100 văn nghệ sĩ gồm có Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Viện... Trong buổi họp mặt, những văn nghệ sĩ đã phát biểu trung thực cảm nghĩ của họ và Nguyễn Văn Linh cũng tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ, đồng thời cũng nhắc nhở văn nghệ sĩ “đừng bao giờ uốn cong ngòi bút”. Nghị quyết số 5 của Bộ Chính Trị Tháng Mười Hai năm 1988 cũng đề ra những mục tiêu cởi mở tích cực: “Văn học, nghệ thuật góp phần tích cực cho cuộc đấu tranh để mở rộng và làm sâu sắc thêm quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống đất nước, cổ vũ nhiệt tình cho công cuộc đổi mới, tích cực tham gia giải quyết việc giải phóng những tiềm năng của đất nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội do Nghị quyết của đại hội VI của Ðảng đề ra”.

Ðược nới lỏng sự kiểm soát, những văn nghệ sĩ bắt đầu viết về những tệ nạn của xã hội và ngay cả của đảng, của chính quyền một cách táo bạo hơn. Ðiển hình nhất là Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Tụ. Tháng Chín năm 1988, dưới bút hiệu Hà Sĩ Phu, ông đưa ra bài tham luận “Dắt Tay Nhau Ði Dưới Tấm Biển Chỉ Ðường Của Trí Tuệ”, nêu lên những sai lầm của chủ nghĩa Cộng sản. Ông Nguyễn Xuân Tụ có bằng tiến sĩ sinh học, từng du học ở Tiệp Khắc và làm viện phó học Viện Khoa Học Ðà Lạt. Vì không chịu vào đảng, ông bị ép phải về hưu sớm. Trong bài tham luận, ông viết: “Ngày bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước thì cứu nước mưu hạnh phúc cho dân là mục đích chính, chủ nghĩa Mác Lê chỉ là phương tiện. Nhưng rồi dần dần lại phát sinh cái tín ngưỡng ‘dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa’. Lạ như vậy đấy, chủ nghĩa với tư cách là con đường, là phương tiện thì nó là cái để ta dùng chứ sao lại là cái để ta thờ”. Từ đó, Hà Sĩ Phu liên tiếp bị bắt giữ, tra xét nhà cửa, tịch thu máy vi tính hay tài liệu (7). Ngoài Hà Sĩ Phu có những đảng viên khác như Bùi Minh Quốc, từng là tổng biên tập báo Lang Bian cũng bất mãn với đảng. Năm 1988, ông đi một vòng khắp nước kêu gọi văn nghệ sĩ và trí thức đòi hỏi đảng Cộng sản mở rộng tự do dân chủ và báo chí (8). Trở về, ông bị mất chức và bị trục xuất khỏi đảng, sau đó liên tiếp bị bắt giữ. Một nhà văn khác là Vũ huy Cương, từng bị ở tù nhiều năm, sau khi ra tù viết thư ủng hộ Trần Ðộ cũng bị công an bắt lại (9).
(Còn tiếp)