Gì cũng có Print
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Bảy, 11 Tháng 10 Năm 2008 16:48

Từ giữa thập niên 1980, khi đầu video xuất hiện tại Sài Gòn, cho thuê băng video trở thành một dịch vụ “hái ra tiền”. Ða số băng video được đem cho thuê đều là băng được “in sang trái phép”. Vào thời điểm đó, các thanh tra văn hóa chỉ dùng khái niệm “in sang trái phép” làm “tình tiết tăng nặng” để “xử lý” những băng video có nội dung: phản động, đồi trụy, kích động bạo lực chứ không thèm đếm xỉa tới yếu tố bản quyền. Lối “thực thi công vụ” như thế đã trở thành một tập quán, kéo dài tới tận bây giờ. Chưa có ai thống kê nhưng nếu có thống kê thì sẽ thấy, việc kiểm tra, tịch thu, xử phạt chỉ vì xâm phạm bản quyền của hãng này, công ty kia gần như là không hề có.

Theo tiến bộ của kỹ thuật, băng video đã xưa như... “Diễm”. Thay cho băng video là đĩa VCD, DVD, kể cả MP4 ghi đủ thứ trên đời: các chương trình ca nhạc, kịch, cải lương trong và ngoài nước, phim Việt Nam, phim nước ngoài đủ thể loại (từ hài, kinh dị, hành động tới sex).

 Tất cả giống nhau ở chỗ cùng rẻ như bèo: giá trung bình của VCD là 2,000 đồng/đĩa, DVD là 4,000 đồng/đĩa, ngay cả những DVD và đĩa MP4 nén đến năm, sáu bộ phim giá cũng chỉ khoảng 6,000 đồng/đĩa.

 Thật ra cũng có đĩa lậu giá mắc bởi được bày bàn trong các shop chuyên phục vụ thị hiếu của giới sành điệu thường nằm trong nhóm trung lưu và thượng lưu của xã hội. Chẳng hạn gần ngã ba Lý Chính Thắng-Hai bà Trưng có một shop chuyên bán đĩa nhạc của những nhân vật nổi danh trong làng nhạc quốc tế, từ Elvis Presley, Frank Sanatra,... đến Madona, Micheal Jackson, Britney Spear. Giá bán những đĩa lậu được tuyển chọn này thường dao động trong khoảng từ 17,000 đồng/đĩa đến 35,000 đồng/đĩa. Ở thương xá Tax nằm tại khu vực trung tâm Sài Gòn cũng có vài shop như vậy để phục vụ du khách nước ngoài. Gần đó, khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng cũng có nhiều shop tương tự. Trò chuyện với khách, một vài người bán hàng trong các shop này tỏ ra rất tự hào: Tụi tôi chỉ kinh doanh hàng cao cấp nhập từ... Trung Quốc chứ không bán đĩa do trong nước chép lại. Tư duy theo lối này thì rõ ràng đĩa lậu của Tàu, sang hơn đĩa lậu Việt Nam... một bậc! Ngẫm kỹ thì hình như kiểu tư duy này có bị ảnh hưởng từ nhà nước, hễ đụng tới... Tàu dứt khoát phải khác vì Tàu là... Tàu! Từ lúc Internet phát triển, trong vòng bốn năm gần đây, dân kinh doanh đĩa lậu... cao cấp còn mở website để mọi giới có thể tìm hoặc đặt mua những đĩa họ thích.

 Song thời điểm này, thuê mặt bằng, mở shop bán đĩa lậu có vẻ đã... lạc hậu. Ðể... giảm chi phí, hạ... giá bán, người ta bày đĩa lậu ra lề đường, bán như bán... ve chai. Lề đường ở khắp Sài Gòn trở thành nơi lý tưởng để thiên hạ lùng kiếm, mua những tác phẩm kinh điển của sân khấu, điện ảnh được ghi vào đĩa với giá ngang một... que kem.

Do đĩa lậu càng ngày càng rẻ, để tăng tính... cạnh tranh, giới kinh doanh đĩa lậu đã “sáng tạo” thêm nhiều “chiêu” mới: Mang đĩa lậu đi bán dạo. Giá đĩa lậu bán dạo mắc hơn giá đĩa lậu bán ở vỉa hè một chút: VCD khoảng 5,000 đồng/đĩa và DVD khoảng 10,000 đồng/đĩa. Bù lại, người mua có thể ngồi tại nhà và sau khi xem chán chê có quyền... đổi đĩa khác sau khi bù thêm 2,000 đồng/đĩa. Giới nội trợ ở Sài Gòn rất thích hình thức kinh doanh này bởi họ có thể tiết kiệm thời gian lùng kiếm đĩa để ngồi ở nhà... giết thời gian!

 Tuy nhà nước nhiều lần tuyên bố, cam kết với toàn thế giới về việc sẽ nỗ lực hết mức để ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền song trên thực tế, dù kinh doanh đĩa lậu, giới bán dạo vẫn quảng cáo công khai đĩa lậu bằng... loa. Những chiếc xe đẩy tay, có bình ắc qui, đầu đọc đĩa, gắn loa phát thanh,... vẫn ông ổng khắp nơi, từ khu trung tâm tới hang cùng, ngõ hẻm. Ðặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân ở trọ.