Home Giải Trí Truyện Lạ Hồn 30 Thủy Thủ Nhật thường hiện về gây rối loạn

Hồn 30 Thủy Thủ Nhật thường hiện về gây rối loạn PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Hai, 29 Tháng 9 Năm 2008 06:34

Tân Gia Ba (AFP) - Ông Lee Ah Yong, nhà thầu lấy sắt vụn tàu chìm tuyên bố rằng những công việc hãng thầu của ông chậm trễ và ông phải tổn thất hết 200.000 Mỹ kim, vì hồn ma của 30 thủy thủ Nhật thuộc chiếc tàu ông đang tháo gỡ thường hiện về ám ảnh và gây rắc rối cho ông.

Hiện nay ông đang lo phá chiếc tuần dương hạm Nhật Bản Shiretoko Maru bị Mỹ đánh chìm trong eo biển Johore hồi năm 1945.

 HỒN MA LẠI HIỆN VỀ

 Ông cho biết rằng trong 4 tháng qua, những hồn ma 30 thủy thủ Nhật hiện về mỗi khi ông đi xem chiếc tàu và khi ông nằm ngủ ở nhà. Ông quả quyết rằng: những ma ấy đòi phải đem hài cốt của họ chôn cất một nơi xứng đáng tại Tân Gia Ba, chớ đừng gởi về Nhật Bản. Trong lúc đó tòa lãnh sự Nhật ở Tân Gia Ba cho ông Lee biết rằng, hài cốt của 30 thủy thủ Nhật sẽ được gởi về Nhật để chôn cất.

Ông Lee cho biết rằng nhiều sợi dây thép to lớn đã giăng để kéo xác tàu vô bờ đã bị chặt đứt một cách bí mật và một trong những người thợ bị đánh ngã, vì một quả đấm vô hình. Ông cho biết rằng có 6 nhân công khác đã bỏ việc làm sau những chuyện lạ nầy.

(Dân Nguyện – Thứ Bảy 06-12-1958)

LỜI GIẢI

Thiết tưởng ta cũng nên tìm hiểu những điểm sau đây:
1. Chuyện nầy có thật hay không?
2. Tại sao hồn ma lại oán ghét nhà thầu?
3. Cách họ chặt dây cáp.

1. CHUYỆN NẦY CÓ THẬT HAY KHÔNG ?

 Tin nầy vốn do AFP đánh đi từ Tân Gia Ba, có nêu tên tuần dương hạm bị đánh chìm, tên nhà thầu, số tiền tổn thất v.v. . .

Chuyện nầy có thật, vì tánh cách quan trọng của nó, nên AFP mới loan tin đi khắp nơi.

2. TẠI SAO HỒN MA LẠI OÁN GHÉT NHÀ THẦU ?

 Tuần dương hạm bị Mỹ đánh chìm, sao không thù người Mỹ mà lại phá nhà thầu?

Tuần dương hạm bị đánh đắm, có lẽ cũng 70, 80 người chết. Tại sao chỉ 30 thủy thủ nầy hung hăng quá, còn hồn mấy người kia đi đâu?

Tại sao 30 người nầy lại ghét nhà thầu? Ông nầy có làm gì họ đâu. Có lẽ họ chết rồi mà còn ở lẩn quẩn trên tuần dương hạm như lúc còn sống. Bây giờ, nhà thầu mua tàu, trục lên, phá ra để lấy sắt vụn bán, họ không còn chỗ nương dựa nữa, nên tức giận mới khuấy rối nhà thầu, và đòi người ta phải chôn cất hài cốt họ tại Tân Gia Ba một cách tử tế.

Ta cũng phải tự hỏi: Họ biết họ bỏ xác rồi mà vẫn sống, nên mới biết suy nghĩ, đòi hỏi và hoạt động.

Tại sao họ thích Tân Gia Ba hơn quê hương họ?

Phải chăng phong cảnh Tân Gia Ba quyến rủ họ?

Nhưng thử hỏi: Nếu lãnh sự quán Nhật gởi hài cốt họ về Đông Kinh, họ có theo nắm xương tàn về nước không?

3. CÁCH HỌ CHẶT DÂY CÁP

 Về việc dây cáp kéo tàu bị đứt một cách bí mật, thì có 4 cách dùng:

Cách thứ nhứt:  Dùng cưa sắt.

Có lẽ quí bạn ngạc nhiên khi nghe tôi nói hồn ma dùng cưa sắt. Trong bài trước, «Lá thơ của người chết», tôi có nói hồn bác sĩ lấy chất dĩ thái làm ra bàn tay giả cầm cây viết để viết một bức thơ.

Hồn ma cũng phải làm ra một bàn tay giả để liệng đá gạch hay là dời bàn ghế. Vậy thì hồn 30 thủy thủ Nhật dùng cưa sắt cưa dây cáp không là chuyện phi thường.

Xin nhắc lại: Chính là cô Katie King xuống nhà bếp lấy một hũ mứt biếu ông Aksakop.

Hồn ma lấy cưa sắt trong hãng tàu rất dễ dàng.

Cách thứ nhì: Lấy ác xít đổ trên dây cáp thì dây đứt mau. Thủy thủ Nhật chuyên môn về việc cột mở dây thừng thì việc chặt đứt dây cáp có chi là khó khăn đâu.

Cách thứ ba: Dùng một lực gọi là «Sức mạnh trong dĩ thái» (Force inter étherique). Lực nầy đưa vô sắt đá thì sắt đá tan ra tro bụi.

Cách thứ tư: Dùng âm thanh gây ra hiện tượng phản hưởng (Phénomène de résonance).
Vũ trụ do âm thanh tạo ra hình hài, sau nầy cũng sẽ bị âm thanh làm cho tan rã. Âm thanh là một cách rung động.

Vạn vật đều rung động, có cái mau, chậm, mạnh, yếu.

Theo luật pháp, sự rung động mạnh thì phá tan sự rung động yếu.

Từ sắt đá, cây cỏ cho đến thú vật và con người, thân hình đều do những nguyên tử cấu thành, cả thảy đều rung động, song mạnh, yếu khác nhau.

Sắt đá tuy cứng rắn, song nếu bị một thứ âm thanh nào rung động mạnh hơn tới đánh phá, nó sẽ tan rã.

Biết được hiện tượng phản hưởng (Phénomène de résonance), nên khi một toán quân đi gần tới một cây cầu nào, vị toán trưởng ra lệnh không cho binh lính đi ăn rập với nhau, vì sợ cây cầu chịu không nổi sức mạnh của âm thanh mà phải sập xuống.

Tôi không biết trong bốn cách nầy. Hồn ma dùng cách nào, hoặc là một cách khác không chừng.

Tôi xin thuật chuyện dùng tiếng kèn phá thành Jéricho cho quí bạn nghe để chứng minh sức mạnh của âm thanh.