Thành phố lăng mộ xa hoa nhất tại VN, Print
Tác Giả: Hoàng Quân   
Thứ Năm, 08 Tháng 7 Năm 2010 06:04
Khu nghĩa địa làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) được xem là “thành phố lăng mộ” xa hoa bậc nhất Việt Nam.

Ở đây có những “lâu đài lăng mộ” trị giá hàng tỷ đồng. Hàng ngàn lăng mộ nằm chen chúc trên một đồi cát trắng rộng gần 70ha. Tình trạng đua nhau xây lăng mộ tiền tỷ để thể hiện “đẳng cấp” của dòng họ mình, đất người chết lấn đất người sống một cách vô tội vạ, khiến chính quyền địa phương đau đầu. Bên cạnh những ngôi mộ hàng chục ngàn đôla ấy vẫn có nhiều gia đình sống trong những căn lều tạm bợ, phải chạy ăn từng bữa.

LĂNG MỘ TIỀN TỶ TRÊN ĐỒI CÁT TRẮNG


 
                  Quần thể lăng mộ nguy nga ở làng An Bằng

NGOẠI TỆ VỀ LÀNG


Khu nghĩa địa làng An Bằng được xem là “thành phố lăng mộ”, “đô thị người chết”, “thành phố ma”... với quần thể lăng mộ tiền tỷ đồ sộ, sầm uất. Nơi này rộng bát ngát, chiếm cả một khoảng đất bao la, hoành tráng nhất làng. Một du khách người Pháp tên André Crozeilles phải thốt lên kinh ngạc: “Một vùng cát trắng mà trở thành một đô thị người chết!”. Đi giữa “mê cung” lăng mộ ấy, chúng tôi quá mải mê chụp ảnh nên bị lạc, rất lâu sau mới tìm được lối ra.

Ông Đặng Văn Tâm (78 tuổi), một bậc cao niên trong làng cho biết: “An Bằng có 44 dòng họ. Con cháu họ nào cũng góp tiền xây nhà thờ, lăng mộ họ tộc của mình, mỗi lăng có kinh phí từ 500 triệu đồng trở lên. Nhiều lăng mộ giống như lâu đài, trị giá 2 - 3 tỷ đồng là chuyện bình thường. Mấy chú nhìn ngôi đình làng cũng đủ khiếp với số lượng vật liệu: 22 tấn xi măng, 14 tấn sắt thép... kinh phí tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng. Trước đây, bà con quanh năm bán mặt cho biển, bán lưng cho trời làm nghề đánh bắt hải sản. Nếu trời yên biển lặng thì làm đủ ăn, còn không thì ăn cháo xương rồng”. Chẳng mấy chốc, làng An Bằng cực khổ, thiếu ăn bỗng nhiên thay da đổi thịt một cách nhanh chóng như chàng tiều phu trở thành hoàng tử. Đa số người dân ở đây đi nước ngoài rồi gửi tiền về xây lăng đắp mộ. Nhưng tiền ở đâu mà người An Bằng lại xây những “biệt thự lăng” tiền tỷ như vậy tại một ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Thuận An chỉ toàn cát trắng với cây xương rồng?

Với quan niệm “sống nhờ mồ nhờ mả, chứ không nhờ cả bát ăn”, “sống gửi, thác về”, con người có sinh có tử, cho nên làng xã nào trên đất nước ta cũng có nghĩa trang. Còn tại làng An Bằng, theo quan niệm của bà con, nên xây lăng trước để khi nhà có người chết, không phải lo tiền xây lăng nữa; vả lại xây trước bao giờ cũng cẩn thận, hoành tráng hơn. Sau khi chết, nếu trong vòng 50 ngày mà không xây được lăng thì phải đợi đến 3 năm sau mới được phép xây; như vậy là con cháu có lỗi, bất hiếu với người đã khuất. Bởi thế, ai cũng lo chuyện xây lăng cho mình và người thân ngay từ khi còn sống. Anh Trương Tấn Minh (51 tuổi) khoe: “Làng mình xây lăng mộ lớn như vậy để trả ơn cho ông bà tổ tiên vì đã phù hộ cho mình làm ăn”.

 Hơn nữa, “An Bằng có khoảng 95% gia đình có người thân ở nước ngoài. Từ năm 1990, làng có phong trào xuất ngoại khi dòng người ồ ạt đi nước ngoài. Thế hệ cha ông đi trước rước con cháu theo sau, cha mẹ bảo lãnh cho con, chồng bảo lãnh cho vợ... Cũng từ đó, ngoại tệ ồ ạt đổ về làng, đời sống ấm no, sung túc và việc xây lăng mộ càng được quan tâm, chăm lo chu đáo” - Chủ tịch UBND xã Vinh An, Phạm Bình Tịnh cho biết.

 
                            “Lâu đài” lăng mộ trên cát
 VUI NHƯ... NGHĨA ĐỊA

Nhìn từ xa, bóng dáng của “thành phố lăng” cao vút lên trời đã tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ vô cùng ấn tượng, độc đáo. Đa số người dân An Bằng tự hào với khu “biệt thự lăng” của mình và có lẽ không ai thấy ái ngại khi sống bên một khu nghĩa địa đồ sộ, hoành tráng như vậy. Nơi này ồn ào, náo nhiệt chứ không hề có không khí ảm đạm, buồn thê thảm như nhiều khu nghĩa địa khác. Nghĩa địa này được thiết kế rất đa dạng bao gồm truyền thống pha lẫn Đông Tây kim cổ. Hàng ngàn công trình được thiết kế như lăng mộ vua chúa thời xưa với những cột trụ, tháp cao chọc trời.

Tất cả đều được xây đắp, tô vẽ rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét, hoa văn rất cầu kỳ, có đủ long, ly, quy, phượng. Kiến trúc lăng mộ thôi thì đủ các kiểu: nét Trung Hoa có bia bằng đá granito đội bởi con rùa vàng và diềm mái chạy hoa sen; phần mái tròn chịu ảnh hưởng mỹ thuật Ấn Độ, Ba Tư; vòng cung cửa vòm là hình tròn bán nguyệt; nóc vòm giống như cái lọng hoặc cái bình mà Quan Thế Âm Bồ Tát hay cầm; cái lan can hình hoa huệ của phương Tây.

Điều đặc biệt ở khu lăng mộ này là những biểu tượng, chủ đề Phật - Chúa nằm chung, xen lẫn với nhau. Lăng mộ này trang hoàng với hình chữ Vạn, hình bánh xe luân hồi, hình chữ Phúc...; lăng mộ kia, con chiên Thiên Chúa thì nằm yên nghỉ dưới bóng Thánh giá hay Mẹ Maria... Nơi đây như là một cứ điểm cuối cùng ở Việt Nam đã tạo cơ hội phục chế lại đa số những tàn tích nghệ thuật triều Nguyễn

 
     Những cột tròn với thiết kế rồng bay, phượng múa tại một lăng mộ

 Đạo lý uống nước nhớ nguồn, hướng về quê Việt luôn trong tâm thức người làng An Bằng, dù nhiều người đã ra hải ngoại làm ăn, sinh sống. Xây lăng mộ là để báo hiếu, thể hiện ước mơ, khát vọng về một niềm hạnh phúc, một đất nước an lạc, thái bình thông qua quần thể kiến trúc, họa tiết, bố cục trên lăng...

Ngày nay, tâm lý người già là họ lo trước cái chết và cũng muốn mồ yên mả đẹp, nên họ sửa sang mộ phần của thân nhân và xây trước sinh phần. Ông Nguyễn Cảnh Sang (82 tuổi) cho biết: “Ở làng chúng tôi, chỉ có hai điều là xây lăng mộ ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều người già đang đợi để đến nơi đó”.

HIẾU THẢO HAY PHÔ TRƯƠNG, XA HOA?

“Thành phố lăng mộ” nguy nga, đồ sộ ấy như là tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên, khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Nhưng tự nó bộc lộ sự phô trương, xa hoa quá mức, không cần thiết và nảy sinh những điều ngang trái khó giải quyết.

 
           Lăng mộ hoành tráng hơn nhà cao tầng, ranh giới giữa thế giới
       người chết và cuộc sống bình thường rất mong manh

 
  ĐỔ TIỀN THỂ HIỆN “ĐẲNG CẤP” DÒNG HỌ

 Người thân ở nước ngoài tấp nập gửi đôla về cho con cháu xây lăng mộ tổ tiên, ông bà. Nhiều khu “an nghỉ” hoành tráng như cung điện. Thậm chí có ngôi mộ phá dỡ xây lại 2 - 3 lần mới vừa lòng chủ nhân. Cách đây 10 năm, ông Lê Ph. xây lăng cho cha mẹ phỏng theo kiến trúc cổ điển ở châu Âu hoành tráng làm cả làng nể phục. Để làm được mẫu lăng này, ông Ph. phải thuê kỹ sư xây dựng rành về lăng tẩm thiết kế mấy tháng trời. Năm 2003, con cháu họ Nguyễn góp tiền xây mộ cho ông tổ mình. Sau một năm hoàn thành, lăng mộ này rộng hơn ngàn mét vuông, được chạm khắc phù điêu công phu, lộng lẫy với kinh phí gần tỉ đồng. Liên tục, các họ: Hoàng, Đặng, Trương, Trần... đua nhau đầu tư xây nhà thờ, lăng mộ của họ mình với số tiền lớn gấp nhiều lần những lăng mộ được xây dựng trước đó. Nhà thờ họ Trương tu bổ ròng rã 2 năm mới xong, ngốn gần 70.000USD.

Mấy ngày nay, người dân bàn tán xôn xao chuyện họ Lê (có nhiều người ở nước ngoài, làm ăn khấm khá) bàn nhau đập phá lăng cũ xây lăng mới trị giá cả trăm ngàn đôla để báo hiếu công đức tổ tiên, vừa thể hiện “đẳng cấp” của dòng họ mình so với bà con trong làng. Ông Phan Ch. (72 tuổi) có 4 người con định cư ở Mỹ, đã lo nơi yên nghỉ của mình khi xây khu lăng mộ đồ sộ, sát con đường liên thôn với gần 40.000 đôla.

Đội ngũ thợ xây ở đây chẳng bao giờ phải nghĩ đến chuyện thất nghiệp, bởi nhu cầu xây “lâu đài người chết” ngày một lớn. Thợ hồ làng này được xuất ngoại để chăm sóc bàn thờ tổ tiên cho Việt kiều. Anh Lê Phước, một thợ hồ khoe: “Thằng cháu tôi qua Úc làm được ba tháng mà gửi về mấy chục triệu. Trước đây nó cũng thợ hồ như tôi, nhưng một ông Việt kiều mê tay nghề nó nên gửi tiền, làm giấy tờ cho nó qua bên đó làm thợ luôn”.
 
 
Khắp làng An Bằng, ôtô đậu san sát bên đường, nhà cao tầng mọc lên
chi chít, còn sầm uất hơn cả một góc trung tâm thành phố

 Phong trào xây lăng mộ ồ ạt, lộn xộn, không theo quy hoạch nào, từng dòng tộc đua nhau xây lăng mộ khiến chính quyền địa phương đau đầu, thậm chí “bất lực”. Có nhiều ngôi mộ diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Chỉ trong một thời gian ngắn, lăng mộ bít kín cồn cát. Lăng mộ “bao vây” nhà ở người dân, địa phận giữa người sống và người chết rất mong manh. Trong đó, có nhiều lăng mộ của người còn sống “xí phần” đất.

Anh Đặng Trúc, cán bộ địa chính xã lo lắng: “Việc lấn chiếm đất theo kiểu mạnh ai nấy làm đang diễn biến phức tạp, thậm chí có người quây hàng trăm mét vuông đất và tình trạng qua mặt chính quyền, chuyển nhượng mua bán đất đang xảy ra. Trung bình mỗi ngôi mộ có diện tích từ 35 - 100m2. Không ít ngôi mộ đã “vượt rào” chiếm phần đất rộng từ 500 - 1.000m2, trị giá hàng tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã khẳng định vẫn có tình trạng “cò”, đất, nâng giá đất nhưng chính quyền khó thể kiểm soát nổi.

Năm 2008, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn đến năm 2015, quy định chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ chôn cất một lần tối đa không quá 5m2/mộ, mộ cải táng tối đa không quá 3m2/mộ. Tuy nhiên, ở làng An Bằng, hàng trăm ngôi lăng mộ vẫn đua nhau mọc lên với diện tích lên tới cả trăm mét vuông/mộ mà không có bất cứ sự can thiệp, xử lý nào từ chính quyền địa phương. Ông Phạm Bình Tịnh, Chủ tịch xã Vinh An thừa nhận: “Rất khó để thực hiện quyết định của tỉnh vì nếu chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ chôn cất không quá 5m2/mộ thì không thực hiện được với địa hình là đất đồi cát. Hơn nữa, người dân vốn có phong tục, tập quán xây lăng mộ lớn nên rất khó thay đổi ngay được. Những việc đụng đến tâm linh người chết thì ai cũng sợ, không dám can thiệp mạnh tay”.
 
“Cung điện lăng mộ” xây quá quy định cho phép,
chính quyền khó can thiệp vì là vấn đề tâm linh của người dân

 PHẬN ĐỜI HIU QUẠNH BÊN LĂNG MỘ LỘNG LẪY

Đi khắp làng An Bằng, đường bê tông chạy vào tận ngõ, ôtô đậu san sát ven đường, những khu nhà cao tầng nằm chi chít còn sầm uất hơn ở trung tâm thành phố. Quanh năm đều có Việt kiều gửi ngoại tệ về xây nhà cửa, lăng mộ, nhà thờ họ, đình, chùa... Nơi được đầu tư nhiều nhất là khu nghĩa địa của làng. Nhiều người cho rằng, những hồn ma reo cười rạng rỡ ở “thành phố lăng”. Điều này có phần đúng vì mọi người sẽ choáng ngợp, ngỡ ngàng trước những lâu đài lăng mộ với những kiến trúc muôn vẻ tươi vui.
Trái ngược với cảnh lộng lẫy, xa hoa đó, làng vẫn còn nhiều phận người khốn khó. Tưởng rằng xây lăng mộ rầm rộ, hoành tráng như vậy thì đời sống mọi người sẽ sung túc, nhưng vẫn còn 80 hộ nghèo/900 hộ. Nhiều gia đình vẫn phải sống trong những túp lều xiêu vẹo, rách nát, cuộc sống lay lắt từng ngày bên cạnh những lâu đài lăng mộ hàng tỷ đồng.

Chị Lê Thị Xưng (51 tuổi) đang phải chạy ăn từng bữa nuôi ba đứa con. Chị Xưng tủi thân: “Giờ đến miếng ăn còn chưa lo nổi nói chi đến chuyện xây lăng mộ. Nhà đã hư hỏng nhiều mà không có tiền sửa chữa”. Vợ chồng anh Tiến (45 tuổi) gần 20 năm nay vẫn ở tạm trong căn nhà lụp xụp. Anh cùng vợ quần quật suốt ngày đêm nuôi 9 miệng ăn, 4 đứa con đi học. Anh Tiến buồn rầu: “Thấy người ta đổ hàng trăm triệu đồng xây lăng cho người chết, trong khi nhà mình không có chỗ ở ổn định, cũng buồn và xót xa”. Khá giả hơn một chút là gia đình chị Văn Thị Hạnh (39 tuổi). Nhà có 6 anh chị em, 5 người đi định cư nước ngoài... vừa gửi về gần 3 cây vàng cho bố lo hậu sự. Con cháu tập trung xây cho ông ngôi mộ to nhất nhì trong làng. Cõi âm được chăm lo chu đáo là thế còn gia đình chị Hạnh xây căn nhà để ở thì thiếu thốn phải đi vay mượn ngân hàng. Vợ chồng chị mở hàng nước bán tạm gần UBND xã.

“Thành phố lăng mộ” cứ ngày càng lấn át cả khu dân cư của người đang sống. Bên cạnh những lâu đài người chết vẫn còn những phận người nghèo khổ đang chạy ăn từng bữa, ở tạm bợ. Không chỉ làng An Bằng, mà rất nhiều nơi ở nước ta vẫn còn cảnh trái ngược như thế. Chỉ cần tấm lòng và một chút san sẻ, khoảng cách đó chẳng mấy chốc được xóa bỏ.
Hôm nay về An Bằng, người dân vẫn ngâm nga:

“... Lòng thành con cháu vui mừng tạo bia
Được nhờ phúc ấm xưa kia
Ngàn năm xây dựng lăng bia an lành...”.