Home Giải Trí Thắng Cảnh VN Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu PDF Print E-mail
Tác Giả: GS Tôn Thất Trình   
Chúa Nhật, 28 Tháng 6 Năm 2009 22:25

Hết gạo thì có Đồng Nai,
Hết cũi thì cóTân Sài chở vô .
Đồng Nai gạo trắng như cò,
Trốn cha, trốn mẹ, xuống đò  theo anh…
         
 Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh nhỏ nhất các tỉnh Miền Đông Nam Bộ vào năm 1991- 1992  gồm luôn hai tỉnh Ninh Thuận - Phan Rang và Bình Thuận - Phan Thiết; còn miền Đông Nam Phần thời  Cộng Hòa không có hai tỉnh cuối miền Trung này. Diện tích chỉ 1à 1982.6 km2 , nhưng dân số năm  2004 đã trên  dân số tỉnh miền Đông diện tích lớn hơn là tỉnh Bình Dương ( Thủ Dầu Một cũ ),  897 600 người so với 883 200. Năm 2006, dân số là  926 300.  Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông giáp tỉnh Bình Thuận ( Phan Thiết ),  Tây gíáp thành phố Sài Gòn ( T P Hồ Chí Minh ), phía Đông Nam tỉnh là Biển Đông. Tỉnh lỵ là  thành phố  Vũng Tàu , có 1 xã , 13 phường dân số năm 2004 là 248 000 nguời; thị xã Bà Rịa có 2 xã 7 phường , 83 621 người  và 6 huyện là Châu Đức 148 000 người , Xuyên Mộc 131 220 , Tân Thành 102 028 người, Long Điền 118 054 người, Đất Đỏ 62 059 người và huyện  Côn đảo 4694 người. Tộc dân Kinh  chiếm 95 % dân số . Sau đó là tộc dân Hoa ,  và một ít tộc dân Chơ Ro, và tộc dân Khmer . 
 
 Chút ít  suôi dòng lịch sử
 
Đầu Tây lịch kỷ nguyên nước Phù Nam ( Founan ) là một quốc gia vững mạnh Đông Nam Á Châu , kinh đô ở Vyadhapura ( gần thành phố Bà Nam ngày nay ). Lảnh thổ Phù Nam gồm nước Cam Bốt cùng xứ Nam  Việt , bán đảo Malacca, phần lớn miền Nam , đồng bằng và  thượng lưu  sông MeNam, Thái Lan. Người Phù Nam đã đến bán đảo Đông Dương  vài chục thế kỷ trước Tây Lịch, thâm nhiễm văn hóa Ấn Độ, tôn giáo , chữ viết, pháp luật Ấn Độ, quan niệm vương quyền kiểu Ấn độ giáo .  Ngòai Canh nông , họ đã buôn bán với Ấn Độ,  Trung Quốc, Mã Lai và cả La Mã nữa , qua cửa biển chánh Phù Nam là Ốc Eo, gần chân núi Ba Thê. Thế kỷ thứ 6, sau khi vua Rudravarman chết, các tiểu vương chư hầu không thần phục nữa. Năm 550- 600, cháu Rudravarman , ở Sam Bor, tiểu vương Kambuja, tiền thân Cam Bốt, phía bắc Phù Nam, xuôi dòng Cửu Long , chiếm kinh đô Vyadhapura, lên ngôi vua  Kam buja mà ta và Tàu gọi là Chân Lạp ( ta còn gọi là Cao Miên ). Thế kỷ sau, Chân Lạp chia ra làm hai : Lục Chân Lạp là đất miền Trung Lào và Hạ Lào  ngày nay, Thủy Chân Lạp ở phía nam là miền sông ngòi của lưu vực sông Củu Long cho đến biển.  Ở Thủy Chân Lap, lúc đó có đến 2 triều vua. Hậu bán thế kỷ thứ 8,  Chân Lạp bị  cướp biển Java  ( Inđô nêxia )  đến cướp phá, rồi phải thần thuộc Java. Năm 802, Jayavarman 11 thống nhất Chân Lạp, thóat ly Java, đặt nền tảng cho đế quốc Khmer. Ở các thế kỷ sau , Chân Lạp lại  đánh nhau với Chiêm Thành. Chiến tranh kéo dài một thế kỷ, vào thế kỷ 12.  Kinh đô AngKor ( Đế Thiên Đế Thích ) phải làm đi làm lại ba lần , vì chiến tranh nội bộ hoặc chiến tranh với Chiêm Thành . Dưới triều Ta Chay và con là Nippean Bat (  1340- 1346 ),  Chân Lạp đã mất các thuộc địa ở Tiêm La ( Thái Lan ) , Ai Lao và ở  các miền lưu vực thượng lưu sông Menam.
 
  Đồn Mỗi Xuy - lũy Phước Tứ chống giữ  an dân di cư khỏi cướp Che Mạ và  quân Miên  thay Phù Nam bảo hộ lỏng lẻo Che Mạ ,để trở thành Phước  Tuy, Bà Rịa - Vũng Tàu
 
  Từ thế kỷ thứ 17, đã có nhiều người Việt Nam  từ miền Bắc hay miền Trung  đến hai xứ Đồng Nai ( Biên Hòa ) và Mỗi Xuy , trạm dừng chân đầu tiên của bà con  ở  tiểu quốc Che Mạ,  Chân Lạp bảo hộ ,vở đất làm ruộng . Rồi tiến dần đến Bến Nghé , Hóc Môn ( hóc là vùng sình lầy cây môn - taros mọc um tùm ).  Năm 1620, chúa Sải Nguyễn Phước Nguyên gã  con gái, công nương Ngọc Vạn, cho  vua Chân Lạp Chey Chetta 11, đang tìm thế lực  chống lại lân bang Tiêm La. Năm  1623, nhờ cầu xin của hòang hậu Ngoc Vạn,  vua Chey Chetta chấp thuận  cho triều đình Thuận Hóa ( Huế ) thiếp lập cơ sở thâu thuế ở Prey kor ( Sài Côn , Sài Gòn ), khuyến khích  người Việt di cư đến đó làm ặn.  Chúa Nguyễn còn lấy cớ  giúp chính quyền Cao Miên gìn giữ trật tự , phái một tướng lảnh đến đóng ở Prey kor nữa.
 
Năm 1658 , theo lời khuyên của thái hậu Ngọc Vạn,  con của  Préah Outey là So và Ang Tang  bị Nặc Ông Chân giết chết đọat ngôi , cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần  sai phó tướng  dinh Trấn- Biên ( chỉ mới là trấn PhúYên )  là Nguyễn Phước Yến  đem 3000 quân   đánh chiếm thành Hưng Phước  ( thành Mỗi Xuy - Bà Rịa ) , bắt Nặc Ông Chân bỏ củi đem về nạp cho Chúa  đang ở Quảng Bình. Năm 1659,  Nặc Ông Chân chết, Chúa Nguyễn phong So làm vua Chân Lạp, hiệu là Batom Reachea 1660- 1672 ). Năm 1672, Batom Rachea bị em rễ  Chey Choetha III giết, đọat ngôi . Nhưng năm 1673, Chey Choetha cũng  bị giết. 
 
Con đầu của Batom Rachea là Ang Chei (  1673- 1674 ), sử ta gọi là Ông Đài lại đắp lũy ở thành Nam Vang, rồi tiến xuống chiếm Sài Côn, có thêm binh Tiêm La giúp.  Ông Đài cũng đắp lũy ở thành Mỗi Xuy, rất kiên cố. Năm  1674, chúa Hiền sai Nguyễn Dương Lâm ( ? ) Cai cơ  Nha Trang , thuộc dinh Thái Khương làm thống binh và Nguyễn Diên Phái làm tham mưu ,đem quân đi đánh; thừa lúc  quân Miên không đề phòng, chiếm đồn Mỗi Xuy, không vấy máu . Ba ngày sau , quân Miên  bốn mặt kéo về vây đồn . Nguyễn Diên Phái đóng cửa kiên thủ, không giao chiến. Đại quân Nguyễn Dương Lâm  kéo đến, trong ngoài giáp công, đánh tan rã quân Miên, nhân đó gọi tên lũy Mỗi Xuy là Phước - tứ ( phước trời cho ). Sau đó đại binh tiến chiếm Sài Côn,  rồi quan quân theo đường thủy bộ,  tiến thêm phá Gò Bích , Nam Vang.
 
 Năm  1698, chúa Minh Nguyễn Phước Chu sai thống xuất Nguyễn Hửu Kính vào kinh lược vùng đất mới, chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai, đặt huyện Phước Long lập dinh Trấn Biên ( Biên Hòa ); lấy xứ Sài Côn đặt huyện  Tân Bình lập dinh Phiên Trấn ( Gia Định ); đặt phủ Gia Định, hầu thống thuộc hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Chúa  lại sai chiêu mộ thêm lưu dân chừng 4 vạn hộ - gia đình  từ  Bố Chính ( Quảng Bình ) vào các huyện, phủ, dinh trấn mới  khai khẩn ruộng đất, lập thôn xã, phường ấp.  Đo đó mới có câu:  “ Nhất ( gạo ) Đồng Nai, nhì ( gạo ) hai huyện”, là  Phong Lộc và Lệ Thủy, Quảng Bình.  Khi phủ Gia Định mới thành lập,  đất đai hoang vu , phần nhiều là đất bùn lầy, chưa có đường bộ, phải đi đường thủy, đò dọc. Năm 1748, thời chúa Vỏ Nguyễn Phước Khóat, Điều Khiễn Nguyễn hửu Dõan   mới đắp một con đường thẳng, đặt bến đò , bắt cầu cống, nơi bùn lầy thì đắp đất bồi thêm lên, trên đường đặt nhà trạm  gọi là “ thiên lý cù “ từ phía bắc Cầu Sơn đến Mỗi Xuy. Thiên lý cù này ở phía bắc, đến năm Gia Long thứ 14 ( 1815 ) mới đắp thiên lý cù phía tây lên đến Nam Vang . 
 
Đổi tên từ Mũi Nghinh Phong , Tam Thoàn, Tam Thắng qua Vũng Tàu , Ô Cấp
 
Còn Vũng Tàu là thành phố  miền Đông Nam Bộ, cách Sài Gòn chừng 125 km . Xưa kia là biển, dần dần hóa thành bải lầy, có nhiều lòai cây kiểu rừng sác như đước, cóc , sú, vẹt và cũng là nơi cư trú  một số lòai chim biển  và rái cá. Hiên còn có chỗ tên là  “Ghềnh Rái “. Tòan thể tỉnh lỵ này  nằm trong bán đảo, phân cách đất liền  bằng một sông vịnh nhỏ  là sông Cỏ Mây.  Sử sách  còn ghi lại hình ảnh  xa xưa của Vũng Tàu ở Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí.  Suốt hai thế kỷ thứ 15 và 16, Vũng Tàu đã là nơi các tàu buôn bán Âu Châu cập bến .  Họat động tàu buôn nầm nập, nên  có tên là Tam Thòan  (hay Tam Thuyền), Thuyền Úc (  tức là  vũng  tàu  đậu ). Trước tiên ,  Vũng Tàu có tên là Tam Thắng,  làm đình thời vua Minh Mang, nhắc nhở đến 3  người Việt đầu tiên  “  thắng bảo tố Biển Đông ( ? ), đến định cư trước nhất ở đây và thành lập 3 xã  là  Thắng Nhất,Thắng Nhị và Thắng Tam. Ghềnh đá Vũng Tàu thời trước có tên là Mũi Nghinh Phong . Trong tập trình của người Bồ Đào Nha , Vũng Tàu có tên là  Cinco Chagas  (  tiếng Bồ đào Nha có nghĩa là 5 vết thương của chúa cứu thế . Trong tập  sử thơ nổi tiếng thế kỷ thứ 16 thời Phục Hưng Pháp ”những đứa con của Luxô” , nhà đại thi hào  Camôix đã tả con thuyền của ông trên đường bị lưu đày trở về ghé qua Vũng Tàu.  Trong  ký sự ” cuộc du hành sang Đại Nam”,  năm 1821 , ( Song An Cư sĩ -  Dòng Việt 2009 - dịch nhan đề là Hành trình qua Nam Việt “ xuất bản lần thứ nhất năm 1823 ở Boston, lần thứ hai ở Luân Đôn  năm 1824) , trung úy Nguời Mỹ John White cũng tả  Vũng Tàu và vùng phụ cận. Vũng Tàu còn có tên chữ Pháp là Sinkel Jacques hay Sạint Jacques , gắn liền với chữ Cap - Mũi Đất , thành ra Cap Saint Jacques - Mũi Thánh Jắc. Về sau,  thời Pháp thuộc gọi là Ô Cấp ( Au Cap ) hay  võn vẹn chỉ là Cấp.
 
Tháng 2 năm 1859,  súng  đại bác -cà nông quân đội nhà Nguyễn Phước bắn lần đầu tiên  vào tàu chiến Pháp  xâm lược  Nam Kỳ  -Cochinchina, ( chúng tôi đồng ý với BS Nguyễn Lưu Viên luận rằng Cochin phát sinh từ chữ Cauchin  là Cửu Chân, không phải là Giao Chỉ )   từ đồn Phước Thắng cách Bải Trước Vũng Tàu  khỏang 100m. Ngược lại hải đăng - light house  Vũng Tàu, Pháp xây dựng năm 1907 ở một đỉnh thấp núi Núi Nhỏ, xây dựng  lại năm 1911  ở đỉnh cao hơn , đường kính 3m, cao 18 m, chiếu sáng thấy  biển xa  được gần 65 km,  trên bệ có đặt 4 súng cà nông cũ của Pháp , mỗi  súng dài 10m và nặng mấy tấn, có lúc đã dùng để chống trả tàu tấn công từ biển .
 
Năm 1876 , thực dân Pháp nhập Vũng Tàu vào quận Bà Rịa,  thuộc Sài Gòn . Tháng 5 năm 1895 , thống đốc Nam kỳ ra nghị định   biến Cap Saint Jasques  thành một thị xã tự trị. Năm 1898, Cap Saint Jacques lại nhập vào quận Bà Rịa, nhưng năm 1899 lai chia đôi nhưcũ.  Tháng tư năm 1905,  Cap Saint Jacques  trở thành  một quận thuộc tỉnh Bà Rịa . Đáng nêu ra là Bạch Dinh - Villa Blanche, tòan quyền Đông Pháp Paul Doumer , sau đó có lúc làm Tổng Thống nước Pháp,  xây cất các năm 1898- 1916, lấy tên con gái yêu quí nhất là Blanche;  ở  sườn Núi Lớn , trên mực biển 50 m.Thường hay được dùng làm dinh tòan quyền  Đông Pháp mùa hè. Tường bên ngòai Bạch Dinh trang trí đầy tượng  điêu khắc kiểu Hy Lạp cỗ xưa . Hai tổng thống thời Cộng hòa  đều sử dụng Bạch Dinh làm nơi nghĩ hè, nhưng đổi tên là Dinh Ông Thượng.  Gần Bạch Dinh ở Cần Môn , cũng là nơi Thực dân Pháp giam lỏng vua Thành Thái, chống Pháp, trước khi đày vua đến đảo Réunion, năm 1909 - 1910. Một nhà ái quốc khuyết danh  miền Nam ( ?) đã mượn lời vua Duy Tân nhớ cha:
 
 Đứt ruột Cần Môn ngọn sóng chiều,
Lần nay hoang đảo lại buồn thiu.
Mười năm nào khác mài gươm tá ?
Trong vỏ từng nghe tiếng kiếm reo
.
 
 Tưởng cũng nên nhắc lại   nữ nghệ sĩ cô Kim Cương ( với vỡ kịch xã hội cảm động “ Lá Sầu Riêng “),  thiếu tá điệp viên ngầm của Măt Trận Giải phóng Miền Nam ( ? ) cho biết cô là con tư sinh của vua Thành Thái, bị giam ở Cần Môn, khi cô Kim Cương ra Huế, sau 1975, vái lạy ở lăng  ông nội là vua Dực Đức, sinh ra vua Thành Thái .
 
 Năm 1929, Cap Saint Jacques  trở thành một tỉnh và năm 1934 là một thị xã. Thời Đệ nhất Cọng Hòa,  Bà Rịa đổi tên là Phước Tuy và Cap Saint Jacques là quận Vũng Tàu ( ? ). Ngày 30 tháng 5 năm 1979, Vũng Tàu  là tỉnh lỵ   của Đặc khu  Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngày 12 tháng 8  năm 1991,  thành lập chánh thức tỉnh Vũng Tàu - Bà Rịa, và tỉnh lỵ Vũng Tàu  là một thị xã. Thống kê cho biết năm 1901, Vũng Tàu chỉ có 5690 người , trong đó  2000 người là đã là dân di cư các tỉnh miền Bắc, đa số sống về nghề đánh cá . Đợt di cư từ các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Việt,  sau năm 1954 - 56,  cũng biến đổi làng đánh cá xơ xác  Phước Tĩnh - Vũng Tàu thành một cảng  đánh cá  và chế biến hải sản phồn thịnh hơn cả Phan Thiết , Phan Rang. Sau tháng tư 1975,  đa số dân đánh cá này  chuyễn sang Mỹ ,đến định cư ở các bang vùng Vịnh Mexicô,  châu thổ sông Mississipi…. tái lập, canh tân những làng đánh tôm cá biển Hoa Kỳ, giàu sang phú quí, con cái đổ đạt,  mãi cho đến khi bị bảo Katrina tàn phá mới đây . Khác hẳn Vũng Tàu , những năm  đầu Pháp thuộc,  một nhà thơ  miền Nam, sách in năm 1989 của tướng Trần độ ghi lầm là của Nguyễn Trường Tộ ( 1828-1871 ),  nhớ cảnh đất nước khi chưa mất Nam Kỳ - lục tỉnh, đã cảm khái  bằng chữ Hán ( bản dịch của Lê Huy Nguyên ):
 
 Rải rác nhà dân lẫn xóm Tây ,
Rừng thưa hơi khói tỏa ban mai .
Bao quanh bờ bể ba hòn núi,
Dắt dẫn tàu qua một hải đài.
Ải sông yên lặng hình như cũ,
Cảnh sắc mù tăm khác những ngày .
Non sông như vậy ai làm chủ?
Muốn hỏi ông xanh thế cuộc này .
   
 
 Côn đảo
 
 Côn Đảo thực ra là một quần đảo .  Cách Vũng Tàu 185 km và cách Sài Gòn 230 km.  Quần đảo  gồm  16 đảo và tiểu đảo núi non,. Diện tích tổng cọng là   75.15  km2 và dân số chừng 5000 người.
 
 Thời chúa Hiền Nguyễn phước Tần.,  năm 1653 đã có duyệt binh để biết số quân bộ binh, thủy binh và tượng binh các dinh . Nhắc lại dinh là một quân đòan.  Lập một  đòan binh thuyền gọi là đội Hòang Sa, thuộc dinh Quảng Nam, cứ mỗi năm vào tháng 3 thì đi thuyền ra  đảo.  Cai đội Hoàng Sa,  sau đó còn kiêm quản một đội khác là  Bắc Hải đi ra Côn Lôn ( Côn Đảo ) và các đảo Hà Tiên kiểm sóat , thu lượm các hải sản v.v…  Côn Sơn,  tên Pháp là Poulo Condore, đã được  hai công ty Anh  London East India Com pany,thành lập cuối năm 1600 và  công ty  Pháp  Compagnie des Indes orientales thành lập năm 1664, để ý tới. Năm 1866, chủ thương điếm Pháp Ayuthia ở ở Tiêm , đề nghị Poulo Condore làm thương quán cho đế quốc Pháp mở mang buôn bán ở Viễn Đông. Nhưng công ty Anh  năm 1702 đã tranh tiên, đem 8 chiến thuyền người Anh, sử ta  gọi là Man An Liệt - English , cùng đồ đảng hơn 200 người , dựng một đồn ở Poulo Condore , tổ chức lập thương quán, giao cho Allen Catchpole làm qủan lý, không hề  hỏi han chủ đất . Trấn thủ dinh Trấn Biên ( Biên Hòa ) Trương Phước Phan năm 1703, vâng lệnh  chúa Minh Nguyễn :Phước Chu  tìm cách trừ giặc An Liệt, đã dùng mấy người Mã Lai ( Chà Và - Java ) làm nội ứng, đang đêm nổi lữa  đốt đồn, giết hết mọi người Anh trong đồn,  trừ hai người trốn thóat ( hai năm sau 1705,  mới về đến  đất Lahore , bán đảo Malacca ), bắt Catchpole đóng cũi chở  về Thuận Hóa. Năm 1721, công ty Pháp phái một nhân viên tên là Renault  đến  nghiên cứu  đặt một cơ sở ở Côn Sơn . Năm1755, thương gia  Pháp ở Ấn Đô Potais Leroux, đề nghị lên bộ trưởng Tài Chánh  Pháp  Marchault , môt dự án trình bày những lợi ích thương mãi, chiến lược của Poulo Condore. Ông còn cho biết dân đất liền xứ Đàng Trong, đã ra khai thác đất đai Côn Sơn, ướcchừng 1500 người năm đó.  Tóm lại cha ông chúng ta đã biết từ1 lâu vai trò quan trong của Vũng Tàu và đảo Côn Sơn , hầu gìn giữ và phát triễn biển Đông nước nhà,  cố sức đánh đuổi giăc ngòai tự động xâm chiếm như cách đây hơn 300 năm .