K6 và Kỷ Niệm Print
Tác Giả: Cựu SVSQ K6 Nguyễn Đắc Trung   
Thứ Sáu, 22 Tháng 7 Năm 2011 12:01

Hình ảnh Khóa 6 ghi lại bởi một K6 xa xôi và nhỏ bé nhứt khóa: Nguyễn Đắc Trung.

K6 và kỷ niệm

 

Nhận được thư bạn Dư Quang Nê gởi trong diễn đàn K6 (khoá  6) nhắc nhở: “Các bạn ơi, mời các bạn viết bài về K6 đăng trong đặc san kỷ niệm 45 Học Viện Cảnh Sát  Quốc Gia…” tôi lẩm bẩm: “Mình là em út của K6, bây giờ cũng gần 6 bó rồi,... trí óc tuy chưa lẩm cẩm, nhưng K6 chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm làm sao nhớ cho hết mà viết, hơn nữa kể từ khi gia nhập cảnh sát vào năm 1972, tính đến nay đã 39 năm, trải qua nhiều thăng trầm trong giòng đời …một thời gian quá dài không biết viết còn chính xác không? Tuy nhiên, tôi cũng xin ráng quay lại khúc phim theo trí nhớ của mình để ghi ra đây những kỷ niệm của một Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 6 (khoá 5/72, sau đổi thành khoá 6 và từ đó các khoá sau đươc goi là 7, 8,…).

 

Năm 1972, năm của “mùa hè đỏ lửa”, cuộc chiến tranh tại Việt Nam ngày càng trở nên ác liệt, lệnh tổng động viên của chính phủ được ban hành…Mùa hè năm đó tôi cũng vừa thi đậu tú tài 2 và đã ghi danh và theo học Luật Khoa tại viện đại học Saigon. Theo luật mới của lệnh Tổng Động Viên, số tuổi ấn định cho sinh viên đủ điều kiện tíếp tục theo học bị hạ xuống 1 tuổi, có nghĩa là điều kiện dành cho tôi là năm nào thi cũng phải đậu, nếu thi rớt là đi lính liền. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây nhiều thiệt hại vật chất và tinh thần cho con người, biến những chàng thanh niên đang thuộc lứa tuổi nhiều mộng mơ phải nhìn vào tình trạng thực tế và khiến họ trưởng thành sớm so với lứa tuổi của họ…Ông anh tôi khuyên: “Trung ơi, anh vừa nghe nói ngành Cảnh Sát họ đăng thông báo tuyển sĩ quan, em có thử thi vào ngành này không? Vì nếu em có ý chí, thì em vẫn có thể kết hợp làm việc và tiếp tục học Luật, vì cảnh sát cũng là ngành áp dụng luật pháp mà..” Nghe anh mình nói cũng có lý, tôi cũng thử ghi tên thi vào khoá 5/72 sĩ quan cảnh sát, lúc đó vào khoảng tháng 8 năm 1972. Hầu hết những thí sinh ghi tên thi vào sĩ  quan cảnh sát khoá 5/72 là những người có trình độ cao hơn tôi, có người đã tốt nghiệp đại học, đa số là các sinh viên vài năm tại các trường đại học, điều kiện tối thiểu là có văn bằng tú tài 2. Tôi nghĩ: “Cơ hội thi đậu cũng ít, nhưng mình cứ thử xem nào, thi đậu thì theo học để trở thành sĩ quan cảnh sát, nếu không thì mình tiếp tục học Luật”  Đến ngày thi được tổ chức tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ở Thủ Đức, tôi cũng “tấp tểnh người đi tớ cũng đi…không lều không chõng cũng vô thi…đậu hay rớt cũng chẳng chết thằng tây nào”. Tôi không biết bao nhiêu thí sinh đã ghi danh vào ngành cảnh sát cho khoá này, ở các tỉnh khác có tổ chức thi hay không, có bao nhiêu ngày thi được tổ chức tại Học Viện? Họ chỉ tuyển có khoảng 400 người, trong khi đó nguyên trong giảng đường ngày tôi thi đã có cả ngàn người…cơ hội thi đậu chắc cũng ít…đề thi gồm luận văn và phiên dịch từ Việt ra Anh hay Pháp…và tôi đã thử khả năng của mình ra sao?

 

Trong đợt thông báo kết quả , tôi không thuộc thành phần trúng tuyển, những người trúng tuyển sẽ bắt đầu nhập học vào tháng 10 năm 1972.

Tôi không lấy gì lo lắng và tiếp tục học Luật. Vào một ngày nghỉ cuối tuần, tôi từ Saigon ghé thăm bà chị đang ở trong trại gia binh ở Sa Đéc, vì ông anh rể của tôi làm việc trong kho đạn. Đang ở nhà chị chưa được 1 ngày thì gia đình ở Saigon xuống báo tin cho biết là tôi đã được trúng tuyển, trong danh sách dự khuyết và phải đến Học Viện Cảnh Sát lãnh quân trang, trình diện Rạch Dừa vào ngày 1 tháng 11 năm 1972.

Đến Học Viện Cảnh Sát tại Thủ Đức lãnh quân trang gồm quần áo lính, giày và ba lô, tôi được dịp quen người bạn đầu tiên Tăng Hoàng Hiệp, ngẫu nhiên cũng từ Sa Đéc lên Học Viện trình diện (và cũng thật ngẫu nhiên, nhờ diễn đàn K6, tôi đã liên lạc được với Hiệp sau hơn 30 năm xa cách, hiện Hiệp sinh sống tại Pháp và tôi ở Hoà-Lan). Tôi hẹn với Hiệp đến nhà tôi ở Saigon vào cuối tháng 10/1972 để 2 đứa cùng ra Rạch Dừa trình diện. Thức dậy từ sớm, lần đầu tiên mặc quân phục, vác ba lô trông cũng “oai” lắm mặc dầu khuôn mặt còn “búng ra sữa” , tôi và Hiệp đón xe đò từ Saigon ra Rạch Dừa. Theo như chưong trình huấn luyện tổng cộng 1 năm, thì chúng tôi phải ở Rạch Dừa 3 tháng huấn luyện căn bản quân sự và luật lệ, 2 tuần lễ ở Chí Linh huấn luyện về chính trị, và sau đó huấn luyện tại Học Viện Cảnh Sát. Vừa bước chân vào quân trường Rạch Dừa, tôi nhìn thấy các anh tân sinh viên sĩ quan cùng khoá trình diện trước chúng tôi chạy tới thăm hỏi và hướng dẫn các thủ tục…anh nào trông cũng giống nhau vì đầu đều gần như trọc lóc, bất giác tôi vuốt nhẹ mái tóc dài quá gáy của tôi…Thủ tục đầu tiên tôi và Hiêp phải làm là “hớt tóc”. Tưởng hớt tóc chắc phải mất nhiều thời giờ, nhưng không ngờ thủ tục này thật giản dị và chỉ mất ít phút là xong. Tôi chỉ nhớ mãi đến hôm nay là “tông đơ” đưa đến đâu thì tôi thấy có một luồng gió mát chạy đến đó…tóc rụng đầy sàn nhà…cuối cùng khi xem kiếng thì tôi thấy đầu của tôi trông cũng tròn trịa như đầu của Hiệp và các bạn khác…đó là kỷ niệm đầu tiên khi vào quân trường.

Thời gian ở Rạch Dừa, các sinh viên sĩ quan khoá chúng tôi được xếp vào 2 đại đội: 1A và 1B, tôi được xếp vào đại đội 1B do Thiếu Uý Khương làm đại đội trưởng. Thời gian này chúng tôi được huấn luyện bắn súng, cơ bản chiến thuật, huấn luyện võ thuật và thể lực, có lúc ra ngoài Vũng Tàu thực tập các bài học về luật lệ giao thông… 

Đặc điểm của thời gian sống tại Rạch Dừa tôi không bao giờ quên được là các bữa cơm đều có cá mối, do đó nói cũng không sai khi quân trường này được gọi là “quân trường cá mối”…tôi và các bạn thường ra Vũng Tàu trong những gìờ phép để mua đồ hộp ăn đổi món. Mỗi sáng, chúng tôi có nhiệm vụ “chà láng” những gốc cây dương, mỗi anh ôm một gốc cây dương và lo o bế như tình nhân của mình…anh nào o bế không khéo thì bị phạt. Một kỷ niệm khác mà tôi nhớ mãi cho đến ngày hôm nay là lần được đi phép vào đêm giáng sinh 24/12/1972. Thông thường chúng tôi chỉ được 5 giờ phép mỗi cuối tuần, thời gian này chỉ đủ để ra Vũng Tàu dạo phố và mua sắm. Đặc biệt trong đêm giáng sinh, chúng tôi được cấp giấy phép từ 18g00 chiều ngày 24/12 cho đến 12g00 trưa ngày 25/12. Mục đích của quân trường là cho phép chúng tôi được dự lễ tại Vũng Tàu trong đêm giáng sinh, nên họ phát giấy phép rất trễ để không anh nào có cơ hội chuồn về Saigon, vì xe đò vào giờ đó đã ngưng chạy. Họ đâu có ngờ trong các anh khoá sinh vẫn còn có vài anh liều lĩnh…và trong số đó có tôi.

Cầm tờ giấy phép trong tay, tôi mừng còn hơn bắt được vàng, phóng nhanh ra đường để đón xe về Saigon, tôi tính toán nếu mà về kịp Saigon vào đêm nay, thì tôi vẫn còn đủ thời giờ để sáng sớm ngày mai đón xe đò từ Saigon trở ra Rạch Dừa. Đúng như dự đoán, đường xá vắng lặng,  không có chiếc xe đò nào chạy về Sài Gòn vào giờ này ngoại trừ thỉnh thoảng có vài chiếc xe Jeep quân đội vụt qua. May thay, từ xa có một chiếc xe mini bus dân sự xuất hiện. Tôi và các anh bạn có chung mục đích vẫy tay chận xe lại xin quá giang về Saigon. Người tài xế tử tế mở cửa sau xe để chúng tôi bước lên, đó là một xe chở toàn là báo. Anh tài xế căn dặn chúng tôi ngồi sát xuống sàn xe, vì anh cho biết chạy xe vào giờ này thật nguy hiểm, vì du kích VC thường xuất hiện ở dọc đường. Căn dặn xong, anh đóng cửa xe lại, lúc đó tôi mới có dịp nhận ra đó là một xe bít bùng, không có cửa sổ hông, chỉ có cửa kính sau bít kín.

Sau khi xe di chuyển một thời gian, chúng tôi mới nhận ra “không có gì quý hơn không khí” cả nhóm ngồi sát nhau hầu như không còn không khí để thở. Xe đang chạy ngon trớn, bỗng anh tài xế thắng gấp lại. Một người lính gác cầu cho biết là một chiếc quân xa vừa bị VC phục kích bắn cháy tại Long Thành và anh không cho phép chúng tôi đi tiếp hoặc phải quay đầu lại vì quân đội đang truy lùng toán VC này. Anh khuyên chúng tôi tìm vào nhà dân chúng trú ngụ qua đêm vì VC có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Chúng tôi tản vào các nhà dân chúng gần đó tìm chỗ trú ngụ. Tôi gõ cửa một căn nhà và may mắn được một bà cụ cho vào nhà. Bà lấy một bộ quần áo của con trai và bảo tôi thay, rồi dấu bộ đồ quân phục của tôi vào một bụi chuối sau vườn. Cụ căn dặn tôi nếu VC xuất hiện thì cứ nhận là cháu của bà từ xa mới về thăm. Ôi ! thật cảm động cho sự tử tế của bà cụ. May mắn thay, không có gì đặc biệt xảy ra trong đêm đó. Từ tờ mờ sáng, tôi mặc lại quân phục, cám ơn bà lão rồi đi ra quốc lộ, tôi không còn nhìn thấy chiếc xe minibus, có lẽ họ đã khởi hành từ trước. Tôi phân vân không biết đón xe đi trở lại Rạch Dừa hay về Saigon, nếu về lại Saigon thì trễ phép và bị phạt. Sau cùng tôi quyết định về Saigon thăm gia đình rồi sẽ chấp nhận bị phạt dù chưa biết hình phạt ra sao? Về nhà được dùng cơm trưa với gia đình trong ngày lễ Noel thật hạnh phúc, tôi quên nhanh những việc xảy ra trong đêm qua và những gì sẽ xảy đến. Trở lại Rạch Dừa vào khoảng 6 giờ chiều, tôi trình giấy phép. Anh lính gác cổng cầm tờ giấy phép của tôi ghi vài chữ vào tờ giấy. Tôi bị cúp phép 2 tuần lễ cộng thêm làm vệ sinh phụ trội tại nhà tiếp tân trong thời gian này…kể ra hình phạt cũng còn nhẹ so với sự vi phạm kỷ luật của tôi.

Trong thời gian chúng tôi thụ huấn tại Rạch Dừa, hiệp định đình chiến đã được 4 phe tham chiến gồm Hoa-Kỳ, Viêt Nam Cộng Hoà, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Bắc Việt), Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam) ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Với đầu óc non nớt lúc đó, tôi nghĩ rằng chiến tranh sắp chấm dứt, và người dân sẽ đỡ khổ hơn. Nhưng than ôi!, những việc xảy ra vào những năm sau đó không diễn ra như sự mong ước hoà bình của người dân, trong đó có tôi.

Trước khi giai đoạn huấn luyện tại Rạch Dừa kết thúc, chúng tôi di hành đến tổng đoàn 2 chí Linh để học tập chính trị và tập sống cuộc sống như một người dân quê, thiếu thốn các tiện nghi. Chúng tôi được sắp xếp sống trong các ngôi nhà lá với giường cây… đây đúng là cây thiệt còn nguyên thuỷ chứ không phải là giường gỗ đã được đẽo gọt trơn tru. Các thanh cây nhỏ được xếp liền nhau biến thành một chiếc giường lớn cho nhiều người. Tôi phải mất vài đêm mới làm quen được chiếc giường này, thật đau khổ khi phải lăn qua lăn lại, nhất là lúc phải nằm lên khúc mắc cây lòi lên…Đối với tôi, giai đoạn huấn luyện này thật giá trị, nó giúp tôi hiểu thêm được nỗi khổ của người dân và dạy cho tôi lòng thương dân thương nước, mong sao có dịp phục vụ để dân mình đỡ khổ hơn, nước mình đỡ nghèo hơn…

Trở về Rạch Dừa, các chàng thanh niên K6 hớn hở quỳ xuống đón nhận lon Alpha gắn trên cầu vai, các anh có vợ có bồ đến thăm nói chuyện ríu rít. Tôi và các bạn còn solo cũng vui không kém, chúng tôi kéo nhau xuống câu lạc bộ uống bia ăn mừng ngày mãn khoá tại Rạch Dừa.

 

Từ sáng sớm, hàng đoàn quân xa đã đến đón các chàng K6 lên đường đến Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia tại Thủ Đức. Khung cảnh tại Học Viện thật đẹp, những ngôi nhà khang trang được làm nơi học tập hoặc làm nhà ngủ, các sân cỏ và những bông hoa đủ màu sắc được chăm sóc chu đáo...Khoá 6 chúng tôi được xếp vào tiểu đoàn 3 do Đại Uý Đặng Thanh Thuỷ chỉ huy, được phân làm 4 đại đội gồm đại đội 31 với Trung uý Phan đại đội trưởng, Thiếu Úy Mùi đại đội phó; đại đội 32 với Đại úy Lân đại đội trưởng, Thiếu uý Tỏ đại đội phó; đại đội 33 với Đại úy Năm đại đội trưởng, Thiếu uý An đại đội phó và đại đội 34 với Trung Uý Sâm đại đội trưởng, Thiếu uý Tăng đại đội phó. Tôi được xếp vào đại đội 34. Bạn Nguyễn Văn Tiễng, người lớn con nhất đại đội được chọn làm sinh viên sĩ quan đại đội trưởng, bạn Phù Bác Tân là sinh viên sĩ quan đại đội phó. Đại đội chia thành từng tiểu đội đứng xếp hàng từ cao đến thấp, anh nào cao nhất được chọn làm tiểu đội trưởng. Tôi được xếp vào tiểu đội 1 gồm Tiểu đội trưởng Tạ Vân, các bạn khác là Hồ Chí Thiện, Lưu Xẻn, Đỗ Thế Thuận, Đoàn Công Thoan, Nguyễn Đức Tần, Nguyễn Xuân Thu, Huỳnh Đô Tiên, Trần Minh Trọng, Nguyễn Văn Tiễng (SVSQ ĐĐT cũng thuộc tiểu đội này) và tôi là Nguyễn đắc Trung.

 

 

Sau khi ổn định chỗ ở, chúng tôi xuống phòng ăn… thật là lịch sư, bàn ghế sắp xếp ngay ngắn, món ăn thấy có khác, không thấy có cá mối…

 

Đến chiều, chúng tôi tập trung tại sân cờ để nghe viện trưởng Trần Minh Công nói chuyện. Lần đầu tiên nhìn thấy vị viện trưởng trẻ tuổi, tướng mạo khôi ngô, giọng nói ấm áp truyền cảm đã gây cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Viện trưởng đã gìới thiệu Viện Phó Phạm Công Bạch, Liên Đoàn Trưởng Ngô Bá Phước, Liên Đoàn Phó Quách Trung Chánh và các vị chỉ huy khác…chúng tôi được biết ngoài khoá 6  (khoá 5/72) chúng tôi, còn có khoá 4/72 và các khoá dành cho các sĩ quan tu nghiệp. Trong thời gian tại Học Viện, chúng tôi được huấn luyện về lãnh đạo chỉ huy, quân sự, luật pháp, tư pháp, võ thuật…các vị thầy khả kính như Đại Tá  Đàm Trung Mộc, thẩm phán Trần An Bài, và các vị khác đã hướng dẫn chúng tôi thật tận tâm. Riêng thầy Trần An Bài tôi có dịp gặp lại trong lần hội ngộ với các bạn K6 tại San Jose vài năm trước, trông thầy vẫn tươi cười, khoẻ mạnh mặc dầu tóc thầy đã bạc trắng. Thầy Bài hiện vẫn sinh hoạt thật gần gũi với chúng tôi trong diễn đàn K6 và tham gia các công tác do các bạn phát động trợ giúp những bạn khác còn khó khăn tại Việt Nam.

Trong thời gian học Hình Sự Tố Tụng do thầy Bài hướng dẫn, chúng tôi cũng có cơ hội đến Toà Án Saigon để tham dự các phiên xử. Các SVSQ được chia ra nhiều toán nhỏ để tham dự các phiên toà khác nhau. Toán của tôi được xếp vào phiên xử các thiếu nhi phạm pháp, hầu hết là tội trộm cắp… Tôi chỉ nhớ ngày hôm đó có một nữ chánh án tuyệt đẹp, nếu ra đường không ai biết mà trêu ghẹo thì chí có mà …”thác”,  bà chậm rãi phán những câu thật nhẹ nhàng  khi tuyên án: 3 tháng, 6 tháng…tù ở, nghe thấy sao mà lạnh người. Tôi nghe nói trong ngày hôm đó, toà cũng xử vụ Điền Khắc Kim, một người tù nổi tiếng lúc bấy giờ về thành tích vượt ngục và hào hoa.

Nhờ được huấn luyện nhiều về thể lực, từ một anh chàng sinh viện yếu đuối, lúc vào quân trường được tặng danh hiệu Trung “sì-ke” để dễ phân biệt với Vương Thế Trung cùng đại đội, tôi càng ngày càng khoẻ mạnh rắn chắc hơn. Coi ốm yếu như vậy chứ cũng dai sức lắm, bị phạt hít đất 50 cái thì “chàng” thi hành liền, coi như chuyên lẻ tẻ…từ ngày bước chân vào quân trường cho đến lúc ra trường “chàng” chưa bị xỉu lần nào trong khi các anh khác tướng người trông vạm vỡ nhưng cũng bị ngã xỉu dài dài trong lúc tập dợt hoặc bị phạt.

Gần vào dịp tết, VC tăng cường phá hoại mặc cho hiệp định Paris ký chưa ráo mực, K6 chúng tôi được lệnh về Saigon tăng cường bảo vệ an ninh. Mọi người đều hớn hở, vì đây cũng là cơ hội cho chúng tôi sống tại thành phố đẹp đẽ trong dịp tết , được dịp ngắm nhìn những tà áo dài tha thướt của những nữ sinh để nhớ lại kỷ niệm lúc còn đi học…

Đại đội 34 chúng tôi được lệnh tăng cường an ninh cho quận Tân Bình, các tiểu đội được phân đi các nơi, đóng quân trong các trường học…các đại đội khác được phân phối khắp các quận trong thành phố. Trong thời gian này K6 cũng lập được nhiều thành tích trong việc bảo vệ an ninh, bắt trộm cướp. Riêng tiểu đội của chúng tôi lại được chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm 3 người đứng các nút chận vào ban đêm. Tôi nhớ vào 1 đêm, từ xa có 1 chiếc xe Honda phóng thật nhanh lượn qua lựợn lại…chợt khi nhìn thấy chúng tôi thì chiếc xe chạy chậm lại và tôi nhìn thấy 2 người thanh niên , người ngồi sau quăng một vật gì đó xuống đường. Hai bạn cùng khóa lo chận xe, tôi chạy lại lượm gói giấy vừa bị quẳng xuống dường, mở ra thì thấy các bọc bạch phiến gói trong các gói nylon nhỏ. Bị chất vấn, 2 thanh niên đầu tóc bù xù này còn hù chúng tôi, cho biết họ là con một ông dân biểu, đụng đến họ thì có chuyện…họ đâu có ngờ những anh chàng K6 này là dân thứ thiệt, trong người mang đầy lý tưởng, đâu có ngán dân biểu dân biếc gì…thế là chúng tôi giải họ về Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quận Tân Bình và làm biên bản bàn giao.

Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi được Viện Trưởng cho biết là khoá chúng tôi được tuyển chọn để đại diện cho lực lượng Cảnh Sát diễn hành trong ngày quân lực 19 tháng 6 năm 1973. Hiện nay, tôi vẫn còn được dịp xem lại các đoạn phim diễn hành ngày quân lực, nhìn lại K6 diễn hành thật đẹp mắt không thua các quân trường huấn luyện Sĩ Quan khác mà lòng bồi hồi xúc động nhớ lại những kỷ niệm đẹp thời xưa.

 

Sau thời gian huấn luyện, chúng tôi phải thi tốt nghiệp. Nhập học khoảng 400 người, nhưng theo sự vụ lệnh bổ nhiệm đơn vị của K6 khi ra trường thì còn 355 người, một số bị loại giữa đường, một số ở lại chuyển qua khoá 7. K6 chúng tôi có khoảng 100 người được tuyển về làm việc tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát trong các ngành như Đặc Biệt, Huấn Luyện, Nhân Viên, Tài Ngân, Trung Tâm Điện Toán, Giảo Nghiệm, An Ninh Cảnh Lực, Tâm Lý Chiến,…một số về làm việc cho Phi Cảng, số còn lại về làm Trưởng Cuộc tại các địa phương trên toàn quốc. Riêng tôi vì vẫn còn mong muốn tiếp tục việc học sau khi ra trường kết hợp với làm việc, nên đã ghi tên thi tuyển vào các ngành chuyên môn với hy vọng được ở lại Saigon, và kết quả tôi đã được tuyển chọn về làm việc tại Sở Tài Ngân, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.

K6 chúng tôi mãn khoá vào ngày 11 tháng 9 năm 1973 với sự chủ toạ của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Ngày mãn khoá, các SVSQ được mời thân nhân đến tham dự và tôi đã mời cha tôi đến tham dự vào ngày này. SVSQ Cao Văn Minh, cử nhân luật được chọn là thủ khoa của Khoá 6.

Sau bao nhiêu ngày tháng thao trường đổ mồ hôi, chuyên cần học tập chúng tôi cùng quỳ xuống như một SVSQ đón nhận chiếc bông mai vàng lấp lánh và đứng lên trở thành những Tân Sĩ Quan của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia. Kể từ ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tung cánh chim đi khắp bốn phương trời, mang theo trong người lý tưởng “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” và những điều đã học hỏi được để phục vụ đồng bào và tổ quốc.

Sau thời gian nghỉ phép, tôi đến Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tại đường Võ Tánh Saigon để trình diện. Có 10 người được tuyển chọn về Sở Tài Ngân. Chúng tôi xếp hàng ngay ngắn đứng nghiêm khi Trung Tá Kiều Đắc Thời, chánh sở tài ngân bước vào phòng. Thât không ngờ vị chỉ huy của tôi lại to con như vậy, ông chắc chắn là người lớn con nhất trong ngành cảnh sát, tôi nhìn hình trên tường có ảnh chụp với một người Mỹ, ông phải cúi người xuống bắt tay người Mỹ này. Trung tá Thời hiền hoà đến bắt tay từng người chúng tôi, sau này chúng tôi đều gọi ông là “Bác Hai” thay vì gọi ông là Trung Tá như theo yêu cầu của ông. Chúng tôi được phân phối về các phòng Kiểm Toán (thanh tra tài chành) gồm Nguyễn Đắc Trung, Lê Văn Mười Hai, Nguyễn Ngọc Ẩn, phòng Dự Trù Ngân Sách gồm Nguyễn Đắc Kha, Trương Văn Ngôn; phòng Lương Bổng gồm Nguyễn Bạch Túc, Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Đủ, Nguyễn Ngọc Hoa.

Trong thời gian làm ở phòng Kiểm Toán dưới quyền chỉ huy của Đại Uý Lê Văn Mạnh, tôi có dịp di theo phái đoàn thanh tra đi các tỉnh và có dịp gặp lại một số bạn bè K6 khi họ về Bộ Chỉ Huy CSQG tỉnh để lãnh lương.

Sau một thời gian làm việc, Sở Tài Ngân chọn tôi làm Sĩ Quan Tâm Lý Chiến đơn vị (tôi cũng không hiểu lý do, vì sau khi đi phép trở vào thì được Trung Tá Thời thông báo, bạn bè tôi chọc: mày được chọn có lẽ do mày trẻ và đẹp trai hơn bọn tao…)

Nhận nhiệm vụ mới, tôi lại có dịp trở lại Học Viện Cảnh Sát theo học khoá huấn luyện Sĩ Quan Tâm Lý Chiến, nhìn lại các SVSQ các khoá sau mà nhớ đến bạn bè K6 của mình.

Cuộc chiến mỗi ngày càng trở nên khốc liệt, Việt Cộng ngày càng gia tăng áp lực tấn công miền Nam. Người hy sinh đầu tiên trong K6 chúng tôi là  bạn Đỗ Thế Thuận, làm trưởng cuộc tại Quảng Ngãi, quê quán tại Kiến Hoà. Nghe bạn bè kể lại Cộng Sản tràn ngập Cuộc và anh đã tử thương trong trận chiến. Thuận cùng tiểu đội 1 với tôi và nằm cạnh giường tôi trong Học Viện, anh là người trầm tĩnh, ít nói, thật dễ thương được bạn bè yêu mến. Các bạn K6 thuộc khối nhân viên thông báo cho chúng tôi biết là quan tài của Thuận từ Quảng Ngãi sẽ được mang về để ở nhà quàn bệnh viện Cảnh Sát tại Saigon trước khi đem về quê anh ở Kiến Hoà. Các anh em chúng tôi ở Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát cùng đến tiễn biệt anh lần cuối.

 

Làm việc tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, ban ngày chúng tôi ở văn phòng, nhưng ban đêm chúng tôi đều phải mặc đồ Cảnh Sát Dã Chiến và ứng trực. K6 Nguyễn Bạch Túc được sắp xếp ứng trực cùng chung đại đội với tôi, cho đến ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975. Lúc đó tôi đang đóng quân ở trường Trung Thu, nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng …tôi trở lại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát thay đồ lính bằng đồ dân sự và đi bộ từ đó về nhà ở quận 11. Trên đường đi chứng kiến cảnh súng ống quân phục vứt bừa bãi trên đường mà lòng buồn vô hạn. Từ đó không riêng gì tôi, mà toàn dân miền Nam đã phải sống cuộc “đổi đời” dưới sự cai trị hà khắc của chế độ độc tài Cộng Sản.

Sau 5 năm 7 tháng 3 ngày sống dưới gông cùm của cộng sản được nguỵ trang bởi mỹ từ “trại cải tạo” từ Tân Hiệp, Suối Máu (Biên Hoà), Trảng Lớn (Tây Ninh), Bù Gia Mập (Phước Long), Z30 D (Hàm Tân, Thuận Hải) tôi càng cảm thấy thắm thía giá trị của TỰ DO. Sau khi ra khỏi trại tù vào cuối tháng 1 năm 1981, tôi lập gia đình và quyết định vượt biển cùng vợ đi tìm TỰ DO vào đầu tháng 5 năm 1981. Sau nhiều lần vượt thoát khỏi sự ruồng bắt trên đường đi của cộng sản, và những ngày lênh đênh trên biển không còn nước uống và xăng dầu, ghe chúng tôi được tàu Hoà-Lan vớt và đưa vào Singapore. Chúng tôi ở đây 3 tháng và đến định cư tại Hoà-Lan vào đầu tháng 8 năm 1981.

 

Về sinh sống tại vùng đất thấp, nơi người dân thật hiền hoà tử tế, vợ chồng chúng tôi đi học trở lại và xây dựng cuộc sống mới tại đất nước Hoà-Lan.

Trái đất thật là tròn, vài năm trước tôi tình cờ vào website của Học Viện Cảnh Sát, sau đó bấm được vào link của K6. Thật bàng hoàng xúc động khi nhìn lại những khuôn mặt của bạn bè K6 và hình thầy Trần An Bài trong bộ bài do một bạn thiết kế. Tôi liên lạc ngay với bạn Nguyễn Hải Sơn để ghi tên vào diễn đàn, Liên lạc được với K6, tôi biết được Nguyễn Bạch Túc đã thoát được khỏi Việt Nam từ năm 1975 và sinh sống tại Hoa-Kỳ, và tình trạng của một số bạn khác…cũng nhờ diễn đàn này mà tôi và Tăng Hoàng Hiêp liên lạc được với nhau trong vài năm nay. Hai đứa cùng sống tai Âu Châu trong cùng thời gian từ năm 1981, Hiệp sống tại Paris, Pháp và tôi sống ở Hoà-Lan mà mấy chục năm sau mới gặp lại được…

Tôi có cơ hội qua Hoa-Kỳ và được gặp lại các bạn tại miền Nam Cali như Nguyễn Vĩnh Phiên, Nguyễn Doãn Hưng, Nguyễn Văn Nhuệ, Nguyễn Đức Tần, Huỳnh Đô Tiên, Lương Thoại Quang, Quách Thanh Minh, Nguyễn Thành Be, Phước tự Tư cao, Trần Trọng Bảo…và các anh Trịnh Long Giang và Nguyễn Hải Sơn từ bắc xuống thăm nam Cali. Các phu nhân K6 như chị Phiên, Hưng, Tiên, Tần,…và con cháu của các bạn cũng thật nồng nhiệt tiếp đón tôi. Chị Trà Thy vợ anh Phiên làm một chiếc bánh thật đẹp để chào mừng ngày tôi được hội ngộ cùng bạn bè và tôi cũng được các bạn tặng một áo thun có logo của Học Viện CSQG để làm kỷ niệm.

Trong môt chuyến qua San Jose Bắc Cali, tôi cũng được các bạn nồng nhiệt đón tiếp, có dịp gặp lại thầy Trần An Bài, các bạn Trần Xuân Thái, Nguyễn Bạch Túc, Nguyễn Hải Sơn, Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Văn Son, Giang Xú Há, Lục Tài, Tâm Xị, Nguyễn Tấn Lực, Ngô Khôn Đức, Lê Văn Lý, Phạm Đức, Nguyễn Đắc Kha, Nguyễn Ngọc Hoa, Dư Quang Nê, …và các phu nhân.

 

Ngoài ra, tôi cũng có dịp đón các bạn Cao Trấn Trực (Canada) và Trần văn Lập (Hoa-Kỳ) khi các bạn này qua thăm gia đình ở Âu Châu và ghé ngang Hoà-Lan.

 

Ôi thật cảm động, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm xưa, người còn kẻ mất, có người bây giờ không biết sống phương nào. K6 chúng tôi hiện nay vẫn liên lạc mật thiết với nhau, không những giữa các bạn tại nước ngoài mà còn liên lạc với các bạn ở Việt Nam và có những project để tương trợ anh em còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống trong nước.

 

Quay lại đoạn phim K6 và kỷ niệm, có những lúc tôi mỉm cười một mình với những hình ảnh đẹp, có những lúc lệ tràn ra khi nghĩ đến những anh em đã qua đời, đến những bạn bè lưu lạc khắp nơi, đến cảnh mất nước nhà tan và sự lầm than của dân tôi dưới sự cai trị bạo tàn của cộng sản. Ngước mặt lên trời, tôi cầu xin thượng đế ban bình an cho tất cả quý thầy và bạn bè tôi ở khắp bốn phương trời, cho dân tôi hết khổ, cho đất nước Việt Nam không còn cộng sản để mọi người cùng mau chóng có cơ hội đoàn tụ dưới mái nhà Việt Nam Tự Do.

 

Nguyễn đắc Trung

Hoà-Lan, tháng 4/2011