Home Đời Sống Tài Liệu Về cái chết của Tam Ích

Về cái chết của Tam Ích PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn văn Lục DCVOnline   
Thứ Hai, 17 Tháng 11 Năm 2008 07:54

14-11-2008

Đất lạnh anh nằm đấy

Tôi cười với thế nhân

Vì thương nên muốn gọi

Đến tên nhau một lần

(Sau khi đưa đám tang Tam Ích. Tạ Tỵ)

Tam Ích thuộc thế hệ nhà văn thời tiền chiến. Tên thật là Lê Nguyên Tiệp, sinh năm 1918 ở Thanh Hóa. Tờ Bách khoa sau này có chỗ viết là Lê Nguyên Thiệp. Không phải như vậy. Tôi có một tấm danh thiếp của Tam Ích có ghi như sau: Tam Ích Lê Nguyên Tiệp. Xin nói lại cho rõ. Bài viết này chỉ căn cứ vào một số thư từ hiếm hoi ông viết cho một người bạn, tạm gọi là ông X còn lưu lại.

Căn cứ vào những lá thư đó, chúng ta có cơ hội hiểu được tận cội nguồn, tận sâu xa con người Tam Ích cũng như hành trình đi về cõi chết của ông.

Căn cứ vào lá thư dài đầu tiên ông viết cho người bạn, tôi có thể khẳng định, ông không phải là thứ cộng sản pratiquant, thứ cộng sản hành động. Sau này, cộng sản cứ xếp ông vào hàng ngũ của họ. Thật là oan cho ông lắm. Đây là lời giải oan duy nhất ông để lại cho đời sau, trước khi ông chết. Thư ông viết nhan đề: Tiếp xúc đầu tiên với Mác Xít và Cộng Sản. Xin tóm lược nội dung lá thư của Tam Ích.

    “Biết thấp thoáng năm ba yếu lý sơ đẳng về một lý thuyết mà cũng xưng danh hiệu mình là thế này, thế kia thì thiếu lương thiện. Đó là một sự dối trá khó tha thứ. Vì vậy, tôi xin thưa với anh rằng, ngày xưa có lẽ, tôi có thiện cảm (sympathie, sympathisant) với Mác Xít thì đúng hơn. Quả tình sau 30 chục năm học hành, nghiên cứu, hiểu biết, và ăn ở trong cõi sống, và lam lũ trong cõi trí thức và cõi sống giữa xã hội nhân sinh, tôi thấy tôi không thiết tha với cõi sống lắm nữa. Cái xã hội này không hấp dẫn nữa. Nói một cách văn vẻ, thì màn sống chỉ còn lờ mờ trước trí nhớ tôi như một bối cảnh chiêm bao không đẹp rực rỡ mà cũng chẳng xấu xa”.

Lá thư cho biết, ông không hẳn là người chuyên sâu về Mác Xít, đồng thời ông chỉ là người có cảm tình với chủ nghĩa Mác chứ không phải chế độ cộng sản.

Ngay trong thư đầu cũng cho thấy lấp loáng tư tưởng chán đời mà sau này những ý tưởng ấy đã dẫn đưa đến cái chết của ông. Đó là nỗi ám ảnh. Một Obsession. Bao giờ cũng bắt đầu từ một ám ảnh. Ám ảnh được nuôi dưỡng, được lớn lên, so đo với cõi sống trở thành một fluctuation nội tại, một ngang ngửa. Nói theo ngôn ngữ bây giờ thì nỗi ám ảnh đó đã được programmé, được “thảo trình”. Nó trở thành “Bảng chỉ đường” đời sống của ta.

Mỗi nhà văn một thứ ám ảnh riêng. Sartre ý thức về cái De trop của đời sống, cái thừa đến vô nghĩa của một cái rễ cây sù sì, một cái dây lưng quần mầu xanh. Đó là những kinh nghiệm hiện sinh... Khi nhìn cái dây lưng quần mầu xanh của một anh bồi cứ đi qua đi lại trước mặt ông. Ông càu nhàu: Tao biết rồi, “khổ lắm nói mãi”. Ai chả biết mày là cái dây lưng quần, khổ lắm, đi cho khuất đi. André Gide với ám ảnh tình dục thành nỗi đam mê vì sống trong một gia đình thanh giáo, lề luật khắt khe, nghiêm nhặt.

Nhất Linh ám ảnh về nỗi chết, nỗi chết thể hiện qua thơ văn, qua cuộc đời. Không phải là không có những lúc hăm hở, những lúc thôi thúc đam mê . Có chứ, có đủ. Nhưng một lúc nào đó, nó nguội đi, tim uể oải, buông xuôi, có thể chỉ còn nhìn thấy những Illusions perdues như một Balzac.

Tam Ích cũng vậy. Cái chết một lúc nào đó đã làm quen, đã là bạn.

Nói về lý do tại sao ông gắn với chủ nghĩa Mác Xít, ông viết:

    Đã nói thì phải nói cho đủ. Cái chủ nghĩa Mác xít thì mãi lúc lớn lên tôi mới đọc sách, nhưng còn cái ý lờ mờ về cộng sản, thì tôi có từ lúc 13, 14 tuổi, từ lúc học đệ thất. Cha tôi là một nhà hàn nho, có chân trong đảng Tân Việt (mà Tổng thủ quỹ là ông Đào Duy Anh). Ổng có bị bắt có hai chục ngày rồi, và vì là nhà nho và già, và vì mới vào đảng nên ổng được tha. Ấy thế là có thể nói tôi có chút đỉnh máu di truyền đó. các bạn cha tôi khi gặp nhau đều nói chuyện thời cuộc và cách mạng. Thành ra thính giác của tôi cũng đã dự một phần nào vào việc kiến trúc nên cá tính tôi. Chủ nghĩa Cộng sản hay lắm chứ: đẻ ra, có viện dục anh nuôi, mới lớn lên đi học, nhà nước nuôi, lớn lên nữa, phụng sự và làm việc cho dân tộc, nhà nước trả lương, con cái nhà nước nuôi, về già, ở dưỡng lão viện đầy đủ, xã hội thế là đẹp chứ gì nữa, phải không anh. Làm gì còn có cảnh đói rách, xác sơ, làm gì còn cảnh bất công đầy rẫy chất đống cao như núi rừng trong xã hội.”

Và có thể thời nào cũng thế. Cũng có một Tam Ích mới.

Xin đọc tiếp dòng tâm sự của nhà văn Tam Ích.

    “Trong người tôi, có cái lý tưởng ấy cứ trưởng thành lần lần. Khi đi học đệ thất, đệ ngũ, đệ tứ… tức là 1ère année, 2eme année, 3e année, ban trung học Phát-Việt xưa, tôi cũng bắt chước làm reo. Rồi bị đuổi tạm. Rồi lại học lại. Rồi lại bị sa thải: lần này bị sa thải luôn là vì dốt toán và khoa học quá, chuyên môn copie bạn. Ấy thế là sự tự học bắt đầu từ năm 17, 18 tuổi… Trong các sách đọc có sách của Lénine, của Plékanov, của Boukharine…Các sách có cuốn, tôi đọc hết, có cuốn từng đoạn quan trọng thôi… Boukharine dạy tôi về CS sơ đẳng, Plékanov dạy tôi về nghệ thuật và nhân sinh, Lénine thì dạy tôi về Quốc gia và Cách mạng... Trong các sách Mác Xít, tôi để ý đến biện chứng pháp duy vật nhiều nhất, là vì tôi cần biết để dùng làm phương pháp phê bình”.

Và ông thú nhận thêm:

    “Tôi biết rõ nhất Mác Xít vào năm 1936, là năm có Đông Dương Đại hội. Thực ra lúc đó, tôi biết Mác xít một phần cũng là để làm dáng trí thức (Snobisme) mở miệng ra là nói duy vật, là nói đệ tam, đệ tứ, là nói biện chứng, rồi tôi lấy cái việc quen các anh Thâu, Hùm, Thạch là một vinh dự để mà khoe khoang với bạn chứ cũng chẳng phải là hoàn toàn xem Mác Xít như một lý thuyết chỉ đạo cuộc đời đấu tranh của mình. Vì tôi quả thực, tôi không phải là nhà chiến sĩ chuyên nghiệp. Xin thú nhận”.

Ở phần kết của lá thư, ông tự coi mình như một kẻ chơi bạc giả, tự lừa dối mình. Ông viết:

    Tôi xét mình tôi là nhà văn nghệ nhiều hơn là một nhà chiến sĩ. Nói một cách khác, tôi là chiến sĩ cũng như giấy-bạc-giả mà thôi... Cho nên, tôi không đặt vấn đề lý thuyết chủ đạo, một vũ khí tư tưởng vv... Ngày qua, tháng qua. Ngày xưa, tôi có một phần làm dáng trí thức thật. Nhưng làm dáng riết rồi bỗng một sớm một chiều mình quên rằng mình làm dáng mà rồi thành ra làm thật hoàn toàn. Biên giới giữa thực và giả ở đâu?

Tất cả phần trích dẫn tài liệu lá thư của Tam Ích trên giúp chúng ta nhìn rõ quãng đời tuổi trẻ của tác giả. Quãng đời say mê học hỏi, tìm tòi, ham biết cái mới, cái lạ. Nhưng rồi cuối cùng ông cũng nhìn ra được đó chỉ là một giai đoạn tuổi trẻ mà hành trình nhận thức, lý thuyết nọ kia chỉ là việc làm dáng trí thức, khoe chữ, khoe tài.

Mặt nạ làm dáng rơi xuống, ảo tưởng rơi theo. Mặc dầu vậy, nhà văn Tam Ích không khỏi nhớ lại và nhìn nhận:

    “Cái thời ấy là thời tôi vui như tết. Tụi mình thì vui, anh em đều vui .Còn không khí xã hội thời 1936, tôi 23 tuổi, và sau này thời 1946, tôi 32 tuổi, thời ấy sôi nổi như nồi súp de. Thật quả tình, hồi đó như là chúng tôi tắm trong khí hậu tranh đấu”.

Ít ra trong những trang thư mà chúng ta vừa được đọc giúp nhận ra rằng, giới thanh niên, trí thức thành thị những thập niên 1935-1945, họ đã nghĩ gì, đã lý tưởng như thế nào và đã sống như thế nào?

Cả một thời kỳ sống đẹp. Phải chăng, sự thất vọng về học thuyết Mác Xít mở đường cho một hành trình trí thức đi chệch hẳn sang một hướng khác? Sự chệch hướng đến 180 độ? Bỏ Mác Xít, ông quay về với chủ nghĩa hiện sinh vào những năm sau 1954.

Thất vọng gọi thất vọng khác. Ông quay về làm bạn quen với chán đời, ngưỡng cửa bước vào cõi bên kia. Một chân còn đứng bên ngưỡng cửa hiện hữu, chân kia đã đạp phải hư vô?

Ám ảnh và nỗi chán chường đã tìm được một người bạn: Cái chết. Có những cái chết không bình thường. Chết không đoán được. Chết như một bí nhiệm. Phải chăng, đó là cái chết của nhà văn Tam Ích?

Tam Ích đã chọn đứng trên một chồng sách, phất áo, đạp sách, treo cổ tự tử, đi về cõi khác. Phải chăng sách vở vốn là điều ông cả đời say mê nay cũng là lúc ông chối từ nó? Cử chỉ đó là một cử chỉ có ý nghĩa lắm, gửi lại cho đời sau như một chúc thư văn học.

E. Hemingway mê săn bắn và cuối đời dùng súng để tự tử? Có điều gì giống nhau giữa họ trong cách chọn lựa phương tiện để kết liễu đời mình?

Đấy mới chỉ là nhìn từ sự việc bên ngoài. Nếu nhìn vào cuộc đời họ, con người họ. Ai nghĩ họ lại muốn chết? Ai tài danh hơn E. Hemingway? Hơn Nhất Linh? Hemingway với giải Nobel tháng 10, 1954? Nhất Linh đã có công xây dựng nên một văn đoàn, dấu ấn của thế kỷ, thời đại.

Vậy mà người nào cũng bị ám ảnh muốn chết. Sống và chết là một ám ảnh không dời của Hemingway. Caroline Hulse nhận xét về Hemingway: Hemingway often found himself contemplating his life and what he felt was his immediate death.

Nhất Linh cũng vậy. Hình như trong suốt cuộc đời Nhất Linh từ lúc viết văn cho đến lúc quyết định tự tử và để lại chúc thư cho đời, cái chết luôn luôn rình rập ông không ngưng nghỉ.

Nhưng tất cả những điều vừa kể trên như danh vọng, sự nghiệp văn chương, danh tiếng ở đời vẫn là cái bên ngoài, cái mặt tiền nhà hay nói đúng hơn cái xuất hiện (le paraitre).

Và ở mặt tâm thức, không nên căn cứ vào cái “xuất hiện”, cái thấy được khách quan để tìm hiểu một con người đích thực.

Chính cái phần không thấy được, phần ẩn số, cái không xuất hiện mới là điều quan trọng. Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, sẽ không đem lại cho ta một hiểu biết gì về họ.

 

Chán sống

Nguồn: christinas-home-remedies.com

Phải chăng sống và chết đối với họ chỉ là một bước nhảy mà trong cái sống đã có mầm cấy của cái chết. Hay phải chăng họ thất vọng về một cái hố sâu giữa cái họ đang là và cái họ phải là (The gap between what we were and what we have become) giữa cái có và cái muốn có, giữa đam mê và tuyệt vọng, giữa hữu thể và hư vô, giữa thực tế đơn giản, bình dị và cái phức tính của một tâm hồn xúc cảm quá mẫn.

Phải chăng đó là những nan đề đời sống của họ vì họ đã không hòa giải được với đời sống?

Trong bài viết này, nhờ vào một số thư từ do chính Tam Ích viết cho người bạn X, tôi lần tìm ra những ẩn số đời ông trong một chừng mực giới hạn giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái điều bình thường và không bình thường.

Nhưng cũng giống như khi tìm hiểu ý nghĩa tự tử về cái chết của Nhất Linh, người viết né tránh những quan niệm định sẵn của dư luận người đời.

Dư luận, người đời thường có thói quen dễ dãi, lười suy nghĩ và nhất là thói quen tịch thu (confiscated) hết sự thực về phía họ như một biện hộ (advocat) không thương nhượng. Họ nhìn một con người, một nhà văn theo cái mà họ muốn, cái nhìn giản lược, cái mà họ mong đợi ở nhà văn. Nghĩa là nhà văn ấy phải là loại người hoàn hảo, đầy những đức tính tốt như lý tưởng, can đảm, đầy nghị lực.

Điều mà thực tế đã không như vậy.

Cùng lắm thì những điều toàn hảo ấy chỉ nên dành cho Thượng Đế, nếu có thể có một Thượng Đế.

Trong việc tìm lại Tam Ích, người viết xin đi lại cuộc đời ông với những nét lớn, những nét sổ dọc như tham vọng tuổi trẻ, những cơ hội bị bỏ qua dựa trên những gì ông viết, ông để lại để mong hiểu ông được phần nào.

Thiếu sót hẳn là không tránh được. Xin thưa trước như thế.

Tam Ích, như nhiều thanh niên tuổi của ông lúc bấy giờ, ông thất học và tự học. Trong lá thư viết cho bạn, ông viết:

    Thực ra, tôi phải xin thưa thực với anh, tuy học các lớp ngang ngang như đệ ngũ, đệ tứ bây giờ, nhưng mỗi tuần học 25 giờ pháp ngữ là chuyển ngữ, chỉ có một giờ annamite, tức là giờ Việt Văn bây giờ, cho nên, hồi ấy Pháp Văn chúng tôi không giở lắm. Khi lêu lổng ở Thanh Hóa, Vinh, Hà Nội, tôi vẫn coi sách để học, để thi cử. Nhưng rồi cũng rớt lên, rớt xuống, sau này chỉ còn tự học để trau dồi trí thức thôi, không theo cái học từ chương, là học để đi thi ấy nữa.

(Trích thư đề ngày 16 décembre 1958, tại địa chỉ 96/8 Ngô Tùng Châu, Sàigòn)

Cái thất học, cái lỡ thời là điều làm ông bất mãn về chính mình, về sở học dang dở. Nó quẩn quanh bên ông như nhắc nhở một cái khuyết tật vì không được học đến nơi đến chốn. Đúng ra là ông tự mang một mặc cảm về mình.

Qua lá thư trên, có nhận xét là ngay thời tuổi trẻ, Tam Ích đã lăn lộn nhiều nơi, sống lang bang vô định, không nhà cửa, có lúc không học hành, không nghề nghiệp. Việc học hành lỡ cỡ, không bằng cấp. Bù lại, chỉ có một điều là ông say mê đọc sách, nhất là sách tiếng Tây. Kiến thức và văn hóa của ông sau này đều do việc đọc sách lấy mà thu tập được.

Điểm thứ hai là ông rất kỹ và cẩn thận. Chữ ông viết nắn nót, rất đẹp, như chữ in. Luôn luôn đề ngày tháng như Sàigòn, 10 mai, 1967. Và cuối thư không quên đề địa chỉ. Có chữ ký viết in, thật rõ ràng, viết thật to tên mình: Tam Ích.

Một người viết chữ rất đẹp, gần như nắn nót từng chữ. Cẩn thận nữa. Đề địa chỉ ngày tháng rõ ràng trong mỗi lá thư, không muốn mất lòng ai, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ, tránh tranh biện, tránh dây dưa vào truyện thiên hạ sự. Cẩn thận từng ly, từng tý. Nắn nót từng câu từng chữ khi viết ra, Vậy mà cái quan trọng nhất là sự sống xem ra lại chểnh mảng?

Một cuộc sống như có vẻ chừng mực, khoan hòa. Vậy mà bên trong chất chứa một niềm tuyệt vọng cùng cực đến không muốn sống nữa.

Có người sẽ thắc mắc, tại sao ký Tam Ích? Theo con trai của ông cho biết thì Tam Ích là tam với ba chữ XXX. X trong toán học là một ẩn số. Có nghĩa cuộc đời là một ẩn số. Vâỵ mà cuộc đời ông không chỉ có một ẩn số mà đến 3 lần ẩn số. Khi cuộc sống có đến ba ẩn số như bút hiệu của ông thì làm thế nào tìm được câu trả lời cho 3 ẩn số đó?

Phải chăng cuộc đời qua bút hiệu nói lên cái bi kịch làm người của ông?

Người viết tự hỏi đã có biết bao nhiều nhà văn cách này cách khác đã chọn giải pháp tự tử hay tự hủy dần đời sống của họ như giải pháp cuối cùng đời họ? Danh sách thật nhiều và thật dài. Chết nhiều cách, ngay cả sống mòn, chết dần dần, tự hủy mỗi ngày (Suicide prolongé). Đôi khi, chúng ta đòi hỏi những điều mà họ không có và họ chết vì những đam mê tuyệt vọng ấy?

Họ là nhà văn, chúng ta đã không cho phép họ làm người bình thường. Đó là nỗi khốn khổ đời họ.

F. Sagan mà cuộc đời đã chiều chuộng quá để cuối cùng cô dẫm đạp lên tất cả những thứ đó như một phá phách. Cô viết:

    “Je porte ma légende comme une voilette, assure-t-elle, mais ce qu' on a dit n'était pas tellement faux… sauf qu'une voie humaine n'est pas uniquement cà, mais c'est comme une apparence.”

    Tạm dịch: Tôi chót khoác vào mình cái áo thần tượng thêu dệt chỉ là bề ngoài như bức màng mỏng. Đã hẳn không phải là sai hết, nhưng về mặt con người thì đã hẳn không phải như vậy, đôi khi chỉ là cái bề ngoài mà thôi.

Một E. Hemingway. Một Truman Capote. Và mới đây nhất J.K Rowling, người kiếm ra được hàng tỷ bạc đã thú nhận cô bị depressed và muốn tự tử.

Vì thế, trên hết tất cả, ý muốn tự hủy cuộc đời của một nhà văn nằm trong chính họ và người đã muốn tự huỷ thì còn có giá trị nào hơn chính cái chết của họ?

Họ phải tìm đến cái chết như một giải thoát khỏi những ràng buộc họ.

Về Nhất Linh, xin đưa thêm một dẫn cứ khá quan trọng của học giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét về tình trạng tâm thần của Nhất Linh ở Hội nghị Đà lạt như sau:

    “Cái cay đắng của người quốc gia, của các đảng phái qua câu hỏi này của Nhất Linh...Vì thế Nhất Linh thường buồn, thất vọng và chán đời... Từ đó không thiết sống nữa”.

Không thiết sống nữa!! Cái chết đã ám ảnh ông từ lâu, từ mấy chục năm trước, như một vẫy gọi, một quyến rũ. Nó chỉ chờ lúc thuận tiện, lúc bất ngờ là bỏ đi. Không nuối tiếc. Một người đã quyết định chết thì còn cần thiết nỗi gì ? Dù là một danh tiếng? Huống chi là tranh đấu?

Một nhận xét của nhà văn Nguyễn Vỹ trong bài kỷ vật đầu tay và cuối cùng về NL:

    “Một vài tiểu thuyết ông khởi đăng trong Tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của ông không được độc giả hoan nghênh. Văn Hóa Ngày Nay phải tự đình bản. Tinh thần và thể xác Nhất Linh bị suy sút rất nhiều. Mấy năm sau cùng của đời ông hoàn toàn kém vui. Với một giọng thiểu não ông nói với tôi rằng: "không tin tưởng nơi đời sống nữa.”

Hãy suy nghĩ về những nhắn gửi của Nhất Linh Đó là những tín hiệu báo trước. Nếu nói theo y học thì gọi là những triệu chứng. Nói theo triết học thì đó là thái độ chọn lựa phủ nhận, vì cuộc sống không còn gì để sống nữa như Sartre mô tả:

    “Thôi, tôi cứ làm như nàng An-ny là xong: tôi cứ sống thừa ra. Ăn, ngủ,Ăn, ngủ. Sống từ từ, ẻm ẻm, như những cây kia và như vũng nước này, hoặc như cái ghế bọc vải đỏ của toa xe lửa nọ.

(Sartre, La nausée, trang 221)

Và trở lại trường hợp Tam Ích, xin dẫn chứng vài thư: “Tôi mới đi dưỡng bệnh về, được thơ anh, xin phép gọi nhau như thế cho thân. Sàigòn 30 novembre, 1958”.

Sở học dang dở, bệnh tật là hai cái ám ảnh cuộc đời Tam Ích.

Tam Ích cho biết ông bị bệnh, nhưng không cho biết bệnh gì. Mới vừa hơn 40 tuổi mà có vẻ lúc nào ông cũng than mệt, than yếu. Một dấu hiệu sức khoẻ sẽ dẫn đưa ông đến tự tử sau này? Nhất Linh cũng vậy, Hemingway cũng vậy, Truman Capote cũng vậy. Họ đều bệnh tật. Sức khoẻ suy yếu đã quấy rầy đời sống của họ.

Trong lá thư tiếp theo, đề ngày 16 décembre, 1958. Đặc biệt, ở ngay đầu lá thư này, ông dặn người nhận kỹ càng như sau: Tánh tôi lười viết thơ. Nên viết được bức thơ dài, xin gửi bảo đảm cho khỏi mất. Trong thơ ông viết:

    “Sự thực thì, nói cho đúng, tôi muốn đứng xa chính trị. Tôi bắt đầu sợ chính trị. Không hiểu là tại tôi hèn nhát hay là tôi đã ít nhiều “desabusé”. Tôi đành hạn chế việc làm của tôi trong văn hóa thuần túy, dù là không bao giờ có văn hóa thuần túy. Đó chỉ là một cách nói.” Tam Ích, 96/8 Ngô Tùng Châu, Sàigòn.

Thư này chưa cho thấy đã có dấu hiệu là Tam Ích chán đời hay triệu chứng bất an. Chỉ thấy ông là người cẩn thận, rất cẩn thận, từng chi tiết nhỏ một. Chán ghét chính trị và sợ chính trị như Nhất Linh.

Thư tiếp đề ngày 16 mai 1959:

    “Mới rồi ở Bách Khoa có bài viết của ông Bùi Giáng viết... Nhưng tôi thấy là viết phê bình sai... Chán cho không khí văn học ngày nay, đúng như vậy. Đứng ở ngoài phạm vi phê bình và dư luận, đối với chúng mình, nhìn riêng vào không khí văn học, tôi cũng đồng ý với anh... Tôi định viết một bài để cho thiên hạ hiểu Sartre mà còn dè dặt vì:

    Tôi không đủ thẩm quyền học thức làm cái người làm cho thiên hạ hiểu Sartre. Vì Sartre rộng và sâu quá.

    Thứ nữa, viết ra, lỡ có người vì một lẽ gì không hiểu, lại nói ngược, phê bình sai thì rồi tác dụng ngược, tạo ra trường hợp người ta công kích Sartre…

    Thứ ba, lỡ có người hiểu cái hay không hiểu, lại đi hiểu cái do hiểu sai mà ra, thì rồi mệt. Cuối tháng mai, tôi yếu nên sẽ đi Nhatrang ít ngày dưỡng sức”.

Lại bị ám ảnh bởi sức khoẻ yếu.

Thư đề ngày 24 juillet 1959: “Tôi luẩn quẩn viết vài ba bài khảo luận, và trả lời vài cuộc phỏng vấn. Thế là hết. Cũng buồn. Buồn đủ thứ”.

Ông nói đến bệnh và nói đến tâm trạng buồn đủ thứ rồi... Phải chăng sẽ là một ám ảnh sau này? Bệnh thể xác nay thêm bệnh buồn đủ thứ?

Thư đề ngày 10 mai 1967: “Có thể tôi đã viết sai, chỉ có triết học Hiện tượng luận chứ không có văn học Hiện tượng luận.”

Thư đề 17 novembre 1966: “Hôm nay, tôi vừa gặp anh Thiện ở Pháp về (Chắc là Phạm Công Thiện - NVL) thì thấy Thiện nói là tập Hoa Nắng có lẽ không ra được. Tôi cũng chẳng hỏi gì về chuyện anh viết hay không. Vì xin thưa với anh là tôi chẳng muốn dính dáng gì về chuyện thiên hạ. Đời tôi, tôi đã từng đau xót về chuyện hiểu lầm”.

Thư đề ngày 10 mai 1967: “Cũng có lúc, định lại gặp anh, thăm và nói chuyện, tôi lại lười. Tôi đã nhiều tuổi, ít muốn gì nhiều, kể cả là đi chơi. Già rồi thì hay sợ đời sống. Sự hăng hái để phần người trẻ tuổi. Tôi thì tôi tuyệt đối đóng cửa, nghỉ, đọc sách cho qua ngày thôi”.

Chúc thư, tín hiệu, triệu chứng, chối từ đời sống. Tất cả như cảnh báo, như đã sẵng sàng ..

Thư đề ngày 5 Juin, 1967

    “Tôi bàn về việc đổi cái nhà ở, nhà này chỉ là ở tạm. Cái nhà này chỉ là ở tạm. Cái nhà ở Ngô Tùng Châu, tôi bán đi để chữa bệnh rồi., vì tôi bệnh suốt 5, 6 năm, mãi cuối 1966 mới hết. Tôi lại bị đứa ở gái 16 tuổi bỏ đi mất, mẹ nó đòi kiện làm vợ tôi ưu tư, sầu muộn. Ngoài ra, chẳng có lúc nào rảnh trí, anh tính sung sướng gì mà đi chơi đây, chơi kia... Mes amitiés.

Thư đề ngày16 avril 1968:

    Thực ra, tôi không dám đứng bên cạnh anh Nhất Linh, vì Nhất Linh, trên phương diện tinh thần, có giá trị lắm: quả cảm, can đảm, khí khái đến tối đa, ngày xưa, cái việc tôi làm (tù tội, tra tấn) so với nhiều anh chị em, thật không thấm vào đâu. Anh thương thì nhắc đến, vậy xin nói lại là, đa tạ anh”. Có một việc nữa, xin nói luôn, là cuốn Ý Văn của tôi, do nhà Lá Bối ấn hành, tuyệt đối tôi không tặng một văn hữu nào cả, vì hai lẽ: lẽ thứ nhất là có mươi cuốn, các cháu nó lấy hết, và tôi biếu thù tạc (thù tạc mà thôi) năm ba người cho đủ lễ nghĩa, biếu vài ba người để đáp lễ, thế thôi, chứ chẳng biếu văn hữu. Lẽ thứ hai, tôi không chú trọng đến nó lắm. Tôi nghe nói là nó bán chạy, thật lại cũng là chuyện tình cờ, tôi không nghĩ đến chuyện ấy bao giờ. Tôi già rồi anh ạ! tôi sống vì phải sống như vạn vật vây thôi. Không tha thiết đến nhân sinh nữa”.

Mới 50 tuổi, ông đã than vãn là tôi già rồi, không thiết sống nữa...Thật ra thì ông nên đứng cạnh ông Nhất Linh, vì cả hai cùng rơi vào một tâm trạng...

Thư đề ngày 1 avril 1969:

    “À, cháu cưng của tôi là Phạm thị Ngọc Hoa, đậu Master of arts, học về Linguistique, hiện dạy ở Vạn Hạnh và đại học Sàigòn. Vậy xin có lời gửi gắm cháu. Còn tôi, càng ngày, tôi càng chán đời và trốn đời, phải nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ai là một điều khổ...

Có thư nào mà không than thở, có thư nào mà bình an, có thư nào mà thấy cuộc đời là đáng sống?

Thư đề 8 avril 1971. Không biết tại sao thư này, ông viết bằng tiếng Pháp:

    “Cher Ami. On ne s'est pas revu depuis très longtemps. Pourtant, je souhaite être ensemble pour une fois, histoire de bavarder et de dire n'importe quoi. Je suis âgé: J'ai perdu l'enthousiasme qu'on doit avoir pour la vie. Ce ne doit pas être votre”. Tạm dịch: Bạn thân, từ lâu, chúng ta đã không gặp nhau, tôi mong muốn có dịp để chúng ta gặp nhau một lần, để nói chuyện tầm phào thôi. Mình già rồi: Tôi đã không còn thiết sống nữa. Nhưng đó không phải là trường hợp của bạn…

Những báo hiệu tiền trạm về một cái chết cứ dồn dập tới như ám ảnh, như thúc dục…

Thư đề ngày 17 avril, 1971:

    “Hôm nọ gửi mấy thư cho anh, hôm nay viết dài hơn, vì gửi luôn mấy bức, nên viết luôn cho anh... Thưa anh, đời tôi gần 60 tuổi đầu, cái việc tôi lạ là một nhà trí thức, một nhà tu hành, một giảng sư đại học mà sao lại đi chửi và dùng cái giọng đến thế (ám chỉ ông Phạm Công Thiện). Ừ thì công kích, ừ thì phê phán, chỉ trích, sao lại như là chửi, thì lạ quá. Tái bút. Tôi càng già, càng thấy nhiều chuyện lạ ở đời. Thôi già rồi, yên thân thủ phận. Tôi già rồi, còn bao thì giờ để mà tranh đấu, biết đâu mai chết, mốt chết… Nhưng thật ra càng già càng chán đời… (Địa chỉ 12, Sương Nguyệt Ánh, Sàigòn)

Ông đã bắt đầu dự đoán đến cái chết, nó đang rình mò ông. Nó rất gần, cận kề ông rồi.

Thư đề ngày 29 Juin 1971:

    “Ngựa là để chạy, nhà văn là để viết: nghiệp… Thì ra là thế. Có điều lạ là không đau liệt giường, liệt chiếu, chỉ đau đủ để khổ cái thân. Có lúc chả muốn sống. Không lẽ không viết thì buồn. Viết cho nó đỡ buồn thôi anh ạ. (Địa chỉ viết, Tạp chí Văn học. 61 Lê Văn Duyệt, Sàigòn)

Không còn muốn sống và chờ giờ để quyết định lên đường. Chết ơi, mau lên, tới mau lên.

Thư đề ngày 14/10/1971:

    “Riêng về tôi, tôi coi như dứt nghiệp văn chương, tôi đã ngán quá. Còn viết đôi bài là để lấy tiền tiêu vặt thôi. Và tôi rình rình, có dịp là dứt. Chưa bao giờ ngán quá như bây giờ".

Ông rình cái gì? Rình để đánh lừa mình, lừa lương tri, lừa cuộc sống, rồi lén lút ra đi.

Thư đề ngày 17 novembre 1971:

    “Hôm qua, ông chủ nhiệm lại tôi, nói chuyện này nọ, có nói là họ tịch thu báo, bài tôi bị đổi tít, bị đục... Nhà báo khổ sở vất vả lắm vì chuyện ấy... Đã khổ rồi còn khổ trăm bề. Tôi chẳng biết nói sao”.

Thư đề ngày 24 novembre 1971: “Tôi đau nặng. Không viết được bài... Tôi đau rồi, ai lo phận nấy, còn mình trên báo thì, vide bị đau”.

Những ngày cuối đời, ông viết nhiều thư hơn và viết càng ngắn hơn. Chắc không còn gì để nói...

Đầu năm 1972. Năm định mệnh đời ông. Ông tự chọn một cái chết cho chính mình, nhất là cách chết. Ông xếp cao một chồng sách, rồi đứng lên đó, treo giây thòng lọng vào cổ, lấy chân đạp đổ chồng sách. Vậy là xong. Kết thúc một cuộc đời. Tạ Tỵ viết là: “sau khi ông phất áo, đạp sách để đi về chốn sương mờ cõi khác” người con lớn của ông có viết gửi đến ông Tạ Tỵ một thư ngắn nói rõ về bút hiệu của ông: Tam Ích- 3XXX thì ở cõi phù sinh này ông kiếm làm sao ra đáp số?

Nghĩ đến cái chết của ông, tôi nghĩ đến cái chết của Nhất Linh, hình như họ có chung một ẩn số.

DCVOnline

Đọc thêm:

Về Tam Ích

Trích Hồi ký Sơn Nam

Hồi trước Cách mạng tháng Tám, tôi được may mắn học Trường Trung học Cần Thơ (nay là Châu Văn Liêm), bấy giờ Cần Thơ có hai trường trung học tư thục là Nam Hưng và Bassac (tên của sông Hậu Giang). Học sinh hai trường tư thục này nổi danh là phá phách, thích tự do. Họ dám cho ra thỉnh thoảng vài đặc san với hơi hướm chống thực dân Pháp và ca ngợi tình yêu trai gái. Bên trường Nam Hưng, giáo sư nổi danh nhất là Lê Nguyên Tiệp thích chống đối thực dân.

Hồi khoảng 1946-1947..., trong chiến khu, ta tổ chức buôn bán hạn chế với vùng tạm chiếm, bán ra lúa gạo để mua vào những món thiết yếu như xăng dầu, giấy trắng, dược phẩm, qua sự trung gian của thương gia Huê kiều. Hôm ấy, họ đem vào một mớ báo chữ Việt và vài tờ báo Pháp ngữ. Đó là tờ Lendemains, Justice (tạm dịch là “Ngày mai” của nhóm Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-xít và “Công lý” của phân hội đảng Xã hội Pháp ở Việt Nam). Tôi giựt mình vì trên số báo tương đối cũ “Ngày mai” có bài của Tam Ích tựa bài là “Bác sĩ Thinh, cút ngay!”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, như ta biết, là thủ tướng của chính phủ Nam Kỳ tự trị do thực dân dựng lên ở Sài Gòn với ý định cắt đất Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam. Dám viết báo trong vùng địch để chống công khai quả là táo bạo!

Sau hiệp định Genève 1954, về Sài Gòn, tình hình biến đổi quá nhanh, bộ máy bù nhìn của Pháp được củng cố mạnh. Bác sĩ Thinh đã thắt cổ tự tử đâu vài ngày sau khi nhậm chức.

Giáo sư Tam Ích đã luống tuổi. Hỏi thăm thì ông đang dạy Pháp văn, gần như bị lãng quên. Tôi đã viết truyện ngắn, tạo được chút ít danh vọng trên tờ tuần báo Nhân loại. Lần hồi, tôi dò dẫm, nhờ bạn giới thiệu, đến thăm.

Tam Ích, tức là ba chữ X.X.X. mà trong toán học ai cũng biết là con số mơ hồ, cần phải tìm để giải đáp.

Hồi Diệm và về sau, thỉnh thoảng tôi gặp anh đạp xe đạp mini đi dạy các khóa học tư thục như Les Lauriers, Vương Gia Cần, thỉnh thoảng anh ngoắt, tôi ngừng chuyến đi bộ, cùng uống cà phê lề đường. Anh hỏi: “Có thể nào cho anh hai mươi đồng không?”. Tôi sốt sắng trao cho anh số tiền cao hơn, thí dụ như 50 đồng. Lập tức anh đem tiền ấy đổi ra bạc lẻ, chỉ lấy 20 đồng mà thôi. Anh mỉm cười: “Tao xin chú mày hai chục thì tao lấy đúng 20. Để dành mà xài”. Thỉnh thoảng anh mời tôi về nhà, nướng khô mực, cùng uống tí rượu, bảo rằng con mực ở Nha Trang... ngon nhất. Vài người bạn lớn tuổi rỉ tai với tôi là anh buồn đời, chán đời rồi sinh tật nghiện ngập.

Nghĩ mình còn trẻ, tôi không dám hỗn láo can gián. Rồi nghe đồn rằng anh đã gia nhập hội Subud. Cái hội này khó hiểu quá, có trụ sở đàng hoàng, nghe đồn rằng đó là kiểu “thiền” từ Inđônêxia du nhập, đại khái vài hội viên ngồi gần nhau, im lặng để rồi luyện tập kiểu Yoga gì đó, người này có thể đổi hồn của mình với người đồng đạo kế bên trong giây lát. Sự thật như thế nào? Chỉ biết là cách đó không lâu, một buổi chiều, đi đường, gặp người bạn già báo tin anh đã mất: tự tử theo dạng thắt cổ, quần áo sạch sẽ, đứng trên một chồng sách cao nghệu rồi đạp chân cho đống sách ngã xuống! Nhà văn Thiếu Sơn có mặt, mặc nhiên là trưởng ban tổ chức. Quan tài chưa đậy nắp. Bạn bè chưa hay tin, còn đến lưa thưa. Thiếu Sơn nói to như để cho một số điềm chỉ viên, tình báo nghe rõ:

- Tụi mình chờ đậy nắp quan tài của Tam Ích rồi thắp nhang!

Có nhà biên khảo Khuông Việt đến, đem theo số tiền, trong cái bao thư như nhỏ bé. Lại còn vợ chồng ông Nguyễn Thành Lập - nếu tôi không lầm - ăn mặc chỉnh tề đến lạy. Công an chìm đến khá đông, chúng biết rằng Tam Ích là người “thân Cộng”, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Một bạn trẻ, có lẽ là sinh viên đến lạy rồi nói chuyện với đứa con của Tam Ích vài câu. Tôi đến hỏi: “Con Tam Ích nói gì?”. Anh sinh viên đáp: “Con Tam Ích nói cha của anh chết, như vậy là thảnh thơi hơn lúc sống”.

Hồi anh em ta ra tuần báo Nhân loại, Tam Ích có viết vài bài khó hiểu về triết học. Bấy giờ bên Pháp, J.P. Sartre được hâm mộ. Chủ nghĩa hiện sinh thịnh hành. Tam Ích kết hợp từng đoạn với Phật, Lão Tử. Khó hiểu quá, buổi ấy, J.P. Sartre chống đế quốc Mỹ.

Nỗi cô đơn của Tam Ích. Anh có để lại di chúc, căn dặn đám tang phải cử hành đơn giản và sạch.

Sơn Nam

Tiểu sử Tam Ích

Nhà văn Lê Nguyên Tiệp bút danh Tam Ích, hoặc XXX và Trúc Lâm, quê xã Ngọc Đường, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, con cụ cử Lê Nguyên Phong.

Ông dạy học, viết báo, soạn nhiều tiểu luận, phê bình văn, triết học rất giá trị.

Ngày 5-1-1972 ông tự tử tại tư thất số 563/74 đường Phan Đình Phùng Sài Gòn, hưởng dương 57 tuổi.

Để tưởng niệm ông, ngày 15/05/1972 Tạp chí Văn (Sài Gòn) có ra số đặc biệt sưu tập 10 tiểu luận đặc sắc của ông. 

Tam Ích trong những năm đầu cuộc sống có tư tưởng tiến bộ, nhất là trong những năm 40 và những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ông cho xuất bản một số tác phẩm phê bình, lí luận văn học có giá trị. Từng tham gia các phong trào chống Pháp lúc công khai, lúc bí mật tại Sài Gòn... bị Pháp bắt nhiều lần. Trong kháng chiến chống Mỹ ông sống tại Sài Gòn, tư tưởng ngày càng bế tắc. Cuối cùng đâm ra bi quan, đưa đến cái chết bi đát. Ông tự kết liễu đời mình bằng sợi dây thòng lọng và một số sách triết học hiện đại phương Tây. (Ông thắt cổ chết bằng cách dùng sách làm bệ để treo dây).

Tác phẩm

• Nghệ thuật và nhân sinh (do Chân trời mới xuất bản năm 1951).

• Văn nghệ và phê bình (Nam Việt, 1950)

• Diologue (Pháp ngữ, 1965).

• Văn chương và xã hội (N.V 1948)

• Kêu thương (chứng ngôn, dịch 1967).

• Trẻ Guernica (truyện dịch)

• Sartre và Heidegger trên thảm xanh (1968)

• Ý văn I (khảo luận) 1969

Di cảo để lại chưa in:

• Triết học Đông Tây chung quanh bàn tròn.

• Lần lữa (kịch dài).

• Ý văn II

• Hồ sơ văn hóa

• Phê bình tiểu luận: 10 văn sĩ, tiền chiến và hiện đại, và nhiều tiểu luận đăng trên các tạp chí ở Sài Gòn.

(Nguồn: Lê Nguyên Tiệp)