Ngành Dược không còn như xưa? Kỳ 2: Tương lai sẽ khá, nếu... Print
Tác Giả: Hà Giang & Trực Ðoàn/Người Việt   
Thứ Hai, 18 Tháng 6 Năm 2012 05:18

Ngày nay, dược sĩ cần phải giúp bệnh nhân hiểu trong thuốc của họ có những chất gì, sẽ ảnh hưởng họ như thế nào, phải quản lý những phản ứng phụ ra sao, kể cả uống thuốc sao cho hữu hiệu nhất và đỡ tốn tiền nhất.

WESTMINSTER - Dược Sĩ Fred Eckel, chủ bút tạp chí Pharmacy Times trình bày một cái nhìn toàn cảnh khi ông giới thiệu một số dữ liệu do “Thị Trường Dược Quốc Gia” (National Pharmacy Market) công bố dưới đây:

 

Một dược sĩ soạn thuốc theo toa tại Complete Care Pharmacy in Springfield, Illinois. Với xu hướng tự động hóa việc phân phối thuốc ngày nay, các tân dược sĩ phải có cơ hội tận dụng khả năng hơn và tìm việc ở những khu vực khác hơn ngành bán thuốc. (Hình minh họa: Seth Perlman/AP)

Hiện trên toàn Hoa Kỳ có khoảng 61,000 tiệm thuốc Tây, trong đó 33,000 thuộc các hệ thống thuốc Tây lớn, bệnh viện, dưỡng đường, siêu thị, hay department stores, số còn lại là do tư nhân làm chủ. Với 6,600 tiệm, tiểu bang California có nhiều tiệm thuốc Tây nhất trên toàn quốc.

Ngành dược chuyển mình

Số dược sĩ có bằng hành nghề là 270,000 người, trong đó 46,000 làm việc cho 25 hệ thống thuốc Tây lớn nhất, như Walgreens, CVS, Rite Aid...

Eckel vạch ra rằng, trong số 270 ngàn dược sĩ đang hành nghề, chỉ khoảng 17% làm việc cho ngành bán thuốc (retail), số còn lại làm việc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão, dịch vụ săn sóc người già tại nhà, làm trong ngành Nuclear Pharmacy, và các ngành khác.

Eckel nhận định: “Thật ra, sự áp dụng các thiết bị tự động hóa trong việc phân phối thuốc, cũng như bán thuốc theo toa qua bưu điện (và online) ngày nay chỉ ảnh hưởng đến một khu vực (segment) của thị trường, là ngành bán thuốc.”

Bà Afton Yurkon, phó giám đốc National Community Pharmacists Association (NCPA) nói, để giảm thiểu chi phí, các hãng bảo hiểm ngày càng dùng các dịch vụ bán thuốc qua bưu điện (hoặc qua mạng Internet), để phân phối thuốc cho bệnh nhân với giá rẻ.

“Các hãng bán hàng qua bưu điện hay qua mạng thường dùng máy để phân phối thuốc và ngày càng mướn ít dược sĩ hơn. Mức tăng trưởng của việc bán thuốc theo toa qua bưu điện càng nhanh thì nhu cầu dược sĩ càng giới hạn.” Bà nói.

Dược Sĩ Teresa Stickler, chủ nhân của Melrose Pharmacy ở Phoenix, Arizona, chia sẻ với tạp chí Pharmacy Times, rằng bà ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân mà “hãng bảo hiểm bắt phải mua thuốc theo toa qua bưu điện”.

Dược Sĩ Võ B. Thân, hiện làm việc tại Harbor Healthy Living Pharmacy tại Fountain Valley, California, cho rằng việc áp dụng các phương pháp tự động hóa là “tốt cho ngành nhưng xấu cho nghề,” và nói rất khó để đo lường bao nhiêu công việc bị giảm đi vì việc phân phối thuốc bị “máy móc hóa,” nhưng “chắc chắn số dược sĩ được mướn sẽ ít đi”.

Ngoài việc các hệ thống thuốc Tây lớn như Walgreens, CVS và Rite Aid giảm người, theo bà Rebecca Morgan, giám đốc truyền thông của AACP, công ăn việc làm của dược sĩ sẽ không phát triển nhanh tại bệnh viện, vì các bệnh viên ngày càng giảm số bệnh nhân nội trú, hay thu ngắn số ngày bệnh nhân lưu lại bệnh viện, thu hẹp dịch vụ, và giảm nhân sự để giảm chi.

“Số lượng bệnh nhân ngoại trú đang ngày càng tăng, vì vậy nhiều bệnh nhân sau khi xuất viện sẽ mua thuốc qua các siêu thị, tiệm thuốc Tây, hoặc các hiệu thuốc đặt hàng qua bưu điện, hơn là mua ở bệnh viện.” Bà nói.

Dự đoán vẫn lạc quan

 Mặc những lo lắng đề cập ở trên, Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ dự đoán tương lai ngành dược vẫn rất sáng sủa.

Theo dữ liệu công bố trên website của Bộ Lao Ðộng, vào thời điểm 2010, lương trung bình của dược sĩ là $111,500 một năm, hay $54 một giờ; hiện có 274,900 dược sĩ đang hành nghề, và từ giờ đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ cần thêm khoảng 69,700 dược sĩ nữa, đưa mức tăng trưởng của ngành lên 25%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình.

Dược Sĩ Minh Ðặng, chuyên tuyển dược sĩ cho hệ thống CVS, đồng ý với dự đoán này. Bà nói: “Sang năm, CVS dự tính tuyển thêm khoảng 2,000 dược sĩ mới tốt nghiệp cho toàn quốc, và trong chương trình hoạt động dài hạn của công ty, chúng tôi thấy vẫn cần thêm người.”

Ðược hỏi về ảnh hưởng của việc phân phối thuốc bằng máy, Dược Sĩ Minh nói “máy móc rất đắt,” và dù có máy, “Chúng tôi cũng vẫn còn cần dược sĩ, máy móc không thể hoàn toàn thay thế dược sĩ.”

Bà Minh nhấn mạnh thêm: “Vả lại, trong nhiều trường hợp, dược sĩ biết rõ hơn bác sĩ là thuốc nào tốt hơn cho bệnh nhân.”

Bà Morgan thì nhận định rằng, bỏ ngành bán thuốc (và ảnh hưởng của việc tự động hóa) qua một bên, một số khu vực trong ngành dược hiện đang phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho dược sĩ.

Chẳng hạn, dược sĩ có thể làm việc ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe (managed care center), nơi cần phân tích xu hướng và mô hình sử dụng thuốc, so sánh chi phí chữa bệnh giữa các phương pháp trị liệu khác nhau.

Dược sĩ thích nghiên cứu có thể làm việc ở các trung tâm tìm phương pháp trị bệnh mới, hay ở công ty sản xuất dược phẩm, tìm ra những khám phá mới về y học, tạo cơ hội cho các loại thuốc điều trị bệnh hữu hiệu hơn, nghiên cứu cách giảm các biến chứng, dị ứng thuốc, hay phản ứng phụ và tránh những thuốc khắc kỵ hay hóa giải lẫn nhau.

 Tận dụng khả năng để tạo cơ hội

 Nói về tương lai ngành dược, Giáo Sư Jeff Goad, giảng dạy ở USC School of Pharmacy nhắc đến một câu nói đùa quen thuộc của Jerry Seinfeld, mà có lẽ trong giới dược sĩ ai cũng biết: Công việc của các dược sĩ là lấy thuốc từ một cái chai lớn và bỏ vào những cái chai nhỏ.

“Có lẽ nhiều người nghĩ rằng công việc của dược sĩ chỉ có thế thật!” Giáo Sư Goad phát biểu một cách khôi hài lẫn chút chua chát.

Giáo Sư Julie Donohue, giảng dạy ngành chính sách y tế và quản trị tại University of Pittsburgh thì nói: “Thật ra, chương trình đào tạo từ sáu đến tám năm chuẩn bị cho dược sĩ một khả năng cao hơn là chỉ đóng và gói thuốc nhiều - về số giờ phải học hỏi và nghiên cứu hiệu quả thuốc, dược sĩ được đào tạo tốt hơn các bác sĩ.”

Giáo Sư Goad nhắn nhủ với các dược sĩ sắp ra trường rằng, thời mà dược sĩ “chỉ bỏ thuốc vào chai” đã qua rồi. Ngày nay, dược sĩ cần phải giúp bệnh nhân hiểu trong thuốc của họ có những chất gì, sẽ ảnh hưởng họ như thế nào, phải quản lý những phản ứng phụ ra sao, kể cả uống thuốc sao cho hữu hiệu nhất và đỡ tốn tiền nhất.

Dược Sĩ Eckel đồng ý với quan điểm là các dược sĩ nên tận dụng khả năng chuyên môn của mình để tạo cơ hội, và nói “chính nỗ lực của họ sẽ mở rộng, thay đổi và phát triển ngành dược”.

Ông đặt vấn đề: “Thực tại là số cung của dược sĩ đang vượt số cầu dường như được tất cả mọi người chấp nhận. Vấn đề đặt ra là chúng ta nên làm gì.”

Biết đâu sự thặng dư dược sĩ bây giờ sẽ khiến các tân dược sĩ sắp ra trường suy nghĩ kỹ hơn về sự nghiệp của mình, và không chỉ nhìn mảnh bằng dược sĩ như một chìa khóa để có được một việc làm nhẹ nhàng và kiếm được nhiều tiền?

Eckel phát biểu lạc quan.

Không chỉ giới phân tích và chuyên gia, các diễn đàn của sinh viên dược và dược sĩ cũng râm ran nhiều lời bình.

Một dược sĩ sắp ra trường ở Reno, Nevada, ký tên là RobertM, viết: “Hiện giờ chúng ta đang thiếu hụt bác sĩ, biết đâu sự thặng dư dược sĩ bây giờ sẽ tạo một động lực thúc đẩy việc công nhận sự thích hợp của dược sĩ trong vai trò săn sóc sức khỏe cho bệnh nhân, và cho toa khi cần, hay ít nhất đóng vai trò tích cực hơn trong việc săn sóc sức khỏe cho người dân ở những vùng hẻo lánh?”

Dược sĩ hành nghề đã trên 20 năm ở một bệnh viện tại tiểu bang Missouri, ký tên Hellen Lee, viết: “Nếu bạn là sinh viên ngành dược, chọn ngành này chỉ vì muốn sau này ra trường kiếm một việc làm bỏ thuốc vào chai ngày 8 tiếng, cuối tháng lãnh cái ngân phiếu lớn, và không quan tâm đến điều gì cả, thì bạn chỉ là một mặt hàng trước kia cần nhưng bây giờ có nhiều quá, thì bạn phải chịu số phận sẽ bị đào thải.”