Có nên rửa xe tự động ? Print
Tác Giả: Phạm Ðình   
Thứ Ba, 20 Tháng 12 Năm 2011 11:46

 “Công nhận rửa xe là cần rồi, nhưng không có giờ, hoặc để giờ làm việc khác quan trọng hơn, vậy có nên đưa xe ra các trạm xăng thuê rửa không?”

Nói chuyện về rửa xe, có một độc giả nêu câu hỏi, “Công nhận rửa xe là cần rồi, nhưng không có giờ, hoặc để giờ làm việc khác quan trọng hơn, vậy có nên đưa xe ra các trạm xăng thuê rửa không?” Câu hỏi bạn đưa ra thật có lý. Công tác bảo trì nói chung - thay dầu nhớt, thay nước coolant và rửa xe - là công việc mình phải chủ động, nhưng đúng! Bạn có thể nhờ người khác làm giúp. Trong nhiều trường hợp, mất ít tiền đưa ra tiệm lại còn thuận tiện và tiết kiệm hơn là tự mình làm lấy. Dĩ nhiên rửa xe cũng vậy. Chúng tôi không dám nói thêm nói bớt về những buổi rửa xe để gây quĩ cho các cơ quan từ thiện. Ở đây, xin nói về một dịch vụ rửa xe chuyên nghiệp, càng lúc càng trở nên phổ thông đối với dân lái xe, đó là “Rửa Xe Tự Ðộng” (Automated, hoặc Drive-through Car Wash).

                   Rửa xe tự động bằng những tua vải mềm.

I. Rửa xe tự động là gì? Ích lợi ra sao?
Rửa xe tự động là không ai phải bỏ công sức ra làm, mà có máy phục vụ gần như từ A tới Z: Bạn lái xe vào một cái “đường hầm” ngắn, bò chầm chậm trong đó để được chà rửa, chừng 7 tới 10 phút sau, khi xe ra khỏi đường hầm là đã sạch trơn. Chẳng những thế, nhiều dịch vụ rửa xe tự động còn bao luôn cả phần “wax” và “polish” (đánh bóng để bảo vệ nước sơn).
Nghe có lý quá, phải không bạn? Vừa đỡ mỏi tay, đỡ mất giờ, mà tiền bạc xem bộ không đắt lắm. Các chuyên gia về bảo trì còn cho rằng trong nhiều trường hợp, đây là phương pháp rửa xe an toàn nhất đối với lớp áo của xe, là vì các giai đoạn lau rửa được nghiên cứu đúng mức cùng với vật liệu sử dụng vừa đủ: Nước rửa đủ để tẩy bùn dơ, xà bông xài đúng hiệu không làm hư lớp bảo vệ và không để lại quầng váng sau đó... Tuy nhiên, không phải dịch vụ nào cũng như nhau. Trong tư thế “khách hàng là vua,” chúng ta cần phải có một số nhận xét. Dưới đây là một số gợi ý:

1. Không dùng bàn chải (brushless): Một số nơi rửa xe trước kia sử dụng các loại bàn chải để cạy hoặc mài mòn (abrasive) vết dơ. Những dụng cụ này, chả phải nói bạn cũng biết rằng rất dễ để lại vết trầy trên xe. Hy vọng bạn không đến nỗi quá... xui khi gặp những cơ sở rửa xe như vậy.
Phổ thông hơn trên thị trường hiện nay là cơ sở dùng các tua vải mềm, hoặc không dùng một thứ vải nào đụng vào xe cả. Kỹ thuật thứ hai này được gọi là “touchless” (không sờ chạm): Người ta chỉ dùng tia nước có pha sẵn xà bông, xịt vào xe dưới áp suất cao để tẩy rửa bùn đất. Bằng cách này, xe của bạn chẳng sợ bị trầy sướt chỗ nào.

2. Ðể ý giai đoạn lau khô sau khi rửa: Ở giai đoạn này, người ta cũng lau khô bằng tia “hơi nóng” xịt thật mạnh để mau chóng thổi khô các giọt nước còn đọng lại trên body xe sau khi rửa. Ðược như vậy là an toàn nhất.
Tại một số cơ khác, nhân viên đứng trực sẵn và dùng giẻ để lau khô khi xe mới từ “đường hầm” chui ra. Làm vậy cũng được miễn là họ dùng khăn mềm và sạch. Không tránh được là trong những ngày bận rộn đông khách, họ có thể dùng lại những miếng giẻ bẩn (sau khi đã lau chùi cả một đống xe khác trước đó). Nếu nhìn thấy như vậy, bạn có thể nói “Thanks, But No Thanks” rồi lái xe ướt dọt đi còn hơn. Ðiều này có vẻ mâu thuẫn với lời dặn trong bài trước “Ðừng lái xe đi khi còn ướt nước rửa”! Ðúng, nhưng chẳng thà như vậy còn hơn là để cho nhân viên chà giẻ bẩn lên xe của mình. Tuy nhiên, sau đó bạn phải tính cách khác: Kiếm một thứ dung dịch Cleaner and Polish nào đó để xịt thêm ở nhà, và “cạch mặt” cái cơ sở đó.

3. Những dịch vụ phụ trội để bảo vệ gầm xe: Cụ thể đó là việc chà rửa bùn đất hoặc trét thêm chất chống rỉ sét ở gầm xe.

Dịch vụ rửa bánh và cạy bùn ở thắng xe là điều cần làm sau mỗi hai
hoặc ba lần rửa xe.

Công việc này thoạt nghe thấy có lý, nhất là đối với xe di chuyển trên những con đường có trải muối để làm tan tuyết mùa Ðông. Nhưng thực tế thì sao? Nếu đó là chà rửa để tẩy bụi đất gầm xe thì bạn cũng nên mất thêm vài đồng nữa để làm. Là vì, gầm xe là nơi chịu đựng bùn đất nhiều hơn cả, nó tích lũy, đóng tầng, và bít các lỗ thoát nước (từ hệ thống máy lạnh xả ra chẳng hạn), làm tăng ẩm độ dẫn đến rỉ sét gầm xe.
Cũng có trung tâm nói là sẽ trét thêm chống rỉ sét, nhưng họ sẽ “chạc” gấp đôi chi phí. Ðiều này rất cần được xét lại, vì thực ra họ không làm thêm gì hơn những gì đã được làm từ trong hãng sản xuất. Ðúng vậy, đa số các xe mới hiện nay đều được trét chất chống rỉ sét rất có hiệu quả từ ngay trên đường dây chuyền công nghiệp trước khi xuất xưởng.

4. Có nên làm wax/polish và trả thêm vài ba đô? Như đã trình bày trong bài trước, wax là chất được tô thêm để bảo vệ và tạo cho nước sơn vẻ sáng bóng. Dịch vụ này nên có cứ mỗi 2 hoặc 3 lần rửa xe. Bạn sẽ thấy body xe sáng hẳn lên trong mấy ngày. Dĩ nhiên, tác dụng “wax” ở đây thường là... đoản số, và không giúp xe chống lại được tia cực tím (Ultra Violet Ray) có trong ánh sáng mặt trời. Vì thế, việc Wax và Polish cần được làm riêng, bằng tay, với một chất wax phẩm chất cao. Chúng ta sẽ trình bày đề tài này trong một phần riêng biệt. Cũng vậy, bạn có thể được mời làm thêm dịch vụ đánh bóng lốp xe. Việc này tự làm ở nhà thì rẻ hơn rất nhiều.

5. Rửa bánh xe, lốp xe, cạy bùn đất dính vào thắng xe: Ðây là một dịch vụ riêng, khác với việc chỉ đánh bóng lốp xe nói ở trên. Dịch vụ này cần được làm sau mỗi 2 hoặc 3 lần rửa xe. Thắng xe là bộ phận quan trọng, phải được tạo điều kiện hoạt động tối ưu, không bị bùn đất cản trở. Nhưng bên cạnh đó, thắng xe cũng là nguồn gây ô nhiễm, do những bụi sạn từ bố thắng bắn ra trong tiến trình ma sát. Bạn đã không có giờ rửa xe thì chắc không có giờ tự làm việc công việc tỉ mỉ này.

6. Và sau cùng, kiểm tra toàn thể “body” trước khi lái xe dọt đi: Ðừng vội ra khỏi “đường hầm” rồi vọt đi ngay. Nên xuống xe kiểm điểm lại để tìm xe có bị trầy xước chỗ nào không? Mặc dầu các trung tâm dịch vụ đều có câu này: “Không chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại vô tình xảy ra cho xe” trong lúc lái qua đường hầm. Ðiều đó không có nghĩa là bạn phải miễn trừ cho họ mọi trách nhiệm nếu xe của bạn bị hư hại do thiết bị hoặc nhân viên của họ gây ra. No, họ không chịu trách nhiệm thì ai đây? Nếu khám phá ra một thiệt hại gì đó, bạn yêu cầu nói chuyện với viên manager và chỉ cho y coi. Trước tiên, họ sẽ cố gắng làm vui lòng “vua” (customer is king) bằng cách tự giải quyết trong quyền hạn. Không được, bạn cần phải khiếu nại lên trên. Nhớ lấy cell phone ra chụp vài tấm hình của vị trí bị hư hại làm bằng chứng.
Ðến đây thì bạn lái xe đi được rồi. À, còn một điều nữa, lẽ ra phải dặn ngay từ lúc mới đến trung tâm: Ðừng để lại ví tiền hoặc đồ dùng quí giá trong xe nếu mà nhân viên của trung tâm được quyền vào bên trong xe của bạn.