Những tháng những ngày Print
Tác Giả: Phạm Diễm Hương   
Thứ Tư, 15 Tháng 2 Năm 2012 18:53

Chuyện xảy ra đã mấy chục năm rồi, nhưng mỗi lần nghe gia đình người nào bị gãy đổ, tôi lại nhớ chuyện của mình.

 Cho nên bảo rằng đã quên, có nghĩa là xem nhẹ chuyện đã xảy ra, chứ không phải quên, là xem chuyện ấy không hiện hữu trong cuộc đời mình.

Tôi nhớ như in buổi tối hôm ấy...

- Anh muốn nói chuyện này với em.

- Chuyện gì vậy?

- Chuyện liên quan đến anh và em. Em cho con bé đi ngủ đi rồi mình nói chuyện.

Tôi tiếp tục dọn dẹp, lau chùi cái bếp, và nghĩ đến một vài chuyện khả dĩ ông ta có thể cần phải bàn với tôi. Ông ta muốn về Việt Nam lần nữa, hay ông ta muốn nói đến người đàn bà đẫy đà... Tôi rùng mình, vì tôi vừa trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh cũng chỉ vì người đàn bà ấy, tôi không muốn nghĩ đến điều đó nữa.

Tắm gội và cho con bé con lúc ấy mới sáu tuổi lên giường, cài chăn cho con xong, tôi ra phòng khách. Ông ta ngồi ở đó, hai tay vòng ra sau gáy dáng vẻ suy nghĩ. Ông ta nói tôi ngồi xuống ghế, rồi yên lặng. Chẳng ai nói với ai câu nào, một lúc sau, ông ấy ngập ngừng bảo:

- Anh sẽ dọn ra ngoài ở một thời gian và chúng ta xúc tiến giấy tờ ly dị.

Tôi không nói được một tiếng nào, tâm tư tôi lộn xộn, đã có lúc tôi chờ đợi ông ta nói điều này, để giải quyết cho xong. Nhưng tôi cũng lại cầu mong ông ta đừng nói gì cả, đừng làm gì cả, cứ kéo dài đời sống như thế này. Nó có buồn tẻ, có vô nghĩa đối với tôi, nhưng với bên ngoài, với bạn bè, chúng tôi vẫn là một gia đình, các con tôi có đầy đủ cha mẹ. Thế rồi hình ảnh những ngày đầm ấm hạnh phúc nhảy múa trong đầu tôi. Những lời chúc tụng trăm năm hạnh phúc, răng long đầu bạc trong tiệc cưới mười mấy năm trước oang oang bên tai tôi. Hình ảnh của người đàn bà đẫy đà song hành tay trong tay với ông ta lại chập chờn trước mắt tôi. Những đôi chối quanh co dập dình trên môi ông ấy lại khiến tôi băn khoăn.

Thời khắc chậm chạp trôi qua, tôi vẫn nín thinh, vì chưa biết sẽ phải nói gì, chứ không phải không muốn nói; còn ông ta thì không có ý chờ tôi nói, vì ông ta đã quyết định. Nước mắt tôi chực trào ra. Tôi nuốt vào, tôi đánh vật với hồ nước mắt đang đầy ứ. Tôi nhìn thấy tôi đơn độc với hai đứa con. Bất giác tôi nhìn thấy đám cưới của con tôi không có bố chúng nó bên cạnh. Tôi nhìn ông ấy, muốn nói cho ông ấy biết điều này, nhưng ông ấy vội nhìn xuống trốn tránh, và dợm đứng lên. Tôi thu mình lại, nuốt cơn uất ức đánh ực một cái, và đứng phắt lên đi thẳng vào phòng ngủ, khoá trái cửa. Một chốc, tôi nghe tiếng xe nổ máy, và chiếc xe thoát nhanh ra khỏi cổng.

Tôi ngồi bật dậy, tôi sợ cái nằm chết gí kiểu này. Tôi đã nằm và khóc lóc, không nói, không ăn, không ngủ khi biết ông ta có người đàn bà khác. Tôi bị một trận ốm thừa sống thiếu chết. Tôi không ngờ sự quyết liệt im lặng để bảo vệ danh dự nhân phẩm của mình đã căng thẳng, bức bách đến độ mọi tế bào của cơ thể bị cơn shock. Cũng may nhờ đám tế bào không chịu nổi sự khống chế, chúng hỗn loạn phản đối và đòi tái lập trật tự, nên tôi thèm uống nước, tôi thèm thở, tôi thèm được sống cho hai con của tôi. Cứ thế tôi vươn lên, và đứng dậy một mình từ thể chất đến tinh thần.

Lúc ấy, gia đình, rồi bạn bè cứ vun vào và bảo... trai năm thê bảy thiếp... nhưng vợ cái con cột, chẳng đi đâu mà mất. Có người còn khuyên tôi phải bỏ hết, chẳng cần học hành hay làm lụng gì cả, cứ ở nhà chiều chồng thì đâu sẽ vào đấy. Họ nói nhiều lắm, nhiều lắm. Nhưng cơ thể tôi từ chối mọi dinh dưỡng, tinh thần tôi loại bỏ tất cả những lời khuyên...

Sau trận ốm ấy, tôi lại chẳng biết phải làm gì để thoát khỏi hoàn cảnh quái gở, vợ chồng chẳng nhìn nhau, hai người hai phòng, con cái khép nép chẳng dám cười đùa, chúng lầm lũi đi học, lầm lũi ăn uống và lầm lũi đi ngủ. Tôi xót cho tôi và con tôi. Có người bảo tôi phải đối chất với ông ta, hạch tội ông ta cho ra nhẽ. Tức là phải ghen ư? Người ta ghen vì mặc cảm bị thua kém, bị bỏ rơi, muốn giựt lại chồng. Còn tôi, tôi thua kém ai? Tôi không để tôi ở vị trí bị bỏ rơi. Tôi không muốn giành giựt, thì tại sao phải ghen? Mà giành giựt để làm gì khi ông ta muốn đi chứ? La hét, đập phá, chửi bới, bứt tóc, bứt tai, hay bù lu bù loa, sau đó sẽ làm gì nữa để chữa lành được tâm hồn mình đã bị tổn thương quá nhiều? Tôi im lặng, không làm gì cả. Tôi lấy hết sức để tìm về với chính mình và thương tấm thân tôi. Tôi soi gương, thương đôi mắt sưng vù, mọng nước, thương đôi môi không ăn uống bị khô rang nứt nẻ. Thương mái tóc không chải, thương toàn thân tôi đang suy sụp, bao nhiêu điều cần nói với ông ấy tôi nuốt vào người.

Tranh: Bảo Huân

Cuộc sống bấp bênh và bất thường vẫn tiếp diễn, chúng tôi xem như vẫn ràng buộc nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi cho hai con đi shop và cố xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đôi lúc ông ấy cố gắng đề nghị vợ chồng ngủ lại với nhau để hàn gắn... Tôi chỉ còn biết thương hại cho mình và tội nghiệp cho ông ấy đã không hiểu được tôi.

Tôi nhắm mắt tưởng tượng những lần hai vợ chồng gần nhau. Ngay từ ngày lấy nhau và tiếp đến sau này, sự gần gũi luôn luôn là hấp tấp vội vã, và sau đó là giấc ngủ vùi có nhiều tiếng ngáy, đã khiến tôi thức thao láo suốt đêm.

Tôi vẫn không thể làm gì được để thay đổi cuộc đời, tôi cố tránh ý nghĩ mình bị lạm dụng, cố tránh cảm giác bị xem là thừa thãi, vì không thể, hoặc không được mời nhập tiệc ái ân cùng với chồng. Tôi im lặng và để mình trôi nhanh vào cuộc sống làm vợ, làm mẹ. Tôi vui với các con và công việc. Những lúc ông ấy vắng nhà là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tôi.

Sau bao năm chung sống, ông ấy không hiểu được tôi, tôi không có được cái tình yêu nồng nàn bát ngát mà tôi tưởng tượng lúc tuổi thanh xuân để cùng chia với ông ấy. Tôi thương hại mình vì vẫn yếu hèn không dám nghĩ đến mình, mà chỉ lại cố gắng cột chặt sợi dây giữa con tôi với bố chúng nó. Tôi cố gắng, cố gắng... ông ấy vất vả rồi bực dọc và thở dài bỏ đi. Tôi khô ráo... xấu hổ.

Đã hai giờ sáng, dĩ nhiên ông ấy sẽ không về nữa. Tôi vào phòng hai con. Con bé lớn, lúc đó mới gần 10 tuổi, trở mình hỏi giọng ráo hoảnh:

- Ba chưa về hả mẹ?

- Nãy giờ con không ngủ hả?

- Con có ngủ, nhưng tự nhiên thức dậy.

- Thế sao con biết ba đi?

- Con nghe mẹ đóng cửa phòng, ba lái xe đi... Ba mẹ gây lộn nữa hả?

- Không...

....

- Ba mẹ ly dị.

- Rồi... con và em thì sao?

- Chúng ta vẫn ở nhà, các con vẫn ở với mẹ, chẳng có gì thay đổi cả!

- Có chứ, mình sẽ không có ba.

- Bao lâu nay, có cũng như không. Bao lâu nay, ông ta như cái bóng ở trong nhà, cái bóng ấy đè lên cuộc đời mẹ khiến mẹ ngộp thở, mẹ xác xơ, mẹ cần được thở, được sống như mọi người.

Con bé ngồi dậy, kéo tay tôi ngồi xuống giường và ôm chặt lấy tôi, lau nước mắt cho tôi. Đến lúc này tôi mới nghe được tiếng tôi khóc, cảm được giòng nước mắt nóng hổi tuôn ra như suối. Tôi nức nở trong vòng tay nhỏ xíu của con. Con tôi vỗ về:

- Mẹ đừng khóc nữa, bị ốm như kỳ trước cho mà xem.

Con bé ngồi thẳng dậy, nhìn tôi, vén mớ tóc rối khô của tôi vào hai bên mang tai, và mắt nó cũng đỏ hoe. Rúc đầu vào cổ tôi, hai tay vòng ôm lấy vai tôi, nó sụt sịt dỗ dành:

- Mẹ, đừng khóc nữa, đừng buồn nữa. We start again!.

Tôi càng tủi thân, nước mắt lại trào ra. Tôi ôm con và biết mình thèm lắm một vòng tay thương yêu. Bao nhiêu ý chí mạnh mẽ để cáng đáng công việc thường ngày đã rụng xuống, để lộ ra tôi, một người đàn bà cô đơn với tất cả sự yếu đuối cố hữu. Tôi ôm chặt lấy con, khóc vùi. Một lúc lâu, con bé buông tôi ra, đề nghị tôi ngủ với nó đêm nay. Tôi bảo tôi muốn nằm một mình. Nó gật đầu chúc tôi ngủ ngon.

Tôi ra phòng khách, tắt đèn, và ngồi im trong bóng tối. Tôi muốn nghĩ đến tương lai của ba mẹ con, tôi muốn xếp đặt lại cuộc sống, bắt đầu lại từ đầu như ý của con tôi. Nhưng ở một góc rất kín trong tôi, hình ảnh ông ấy và người đàn bà đẫy đà quấn lấy nhau hiện rõ mồn một. Tôi chăm chú theo dõi họ, họ vờn nhau, họ yêu nhau, rồi họ chiếm đoạt nhau mạnh bạo và hết sức. Thốt nhiên, toàn thân tôi quặn đau, cổ họng tôi khô rang, tôi thở gấp, tiếng thở khô khốc, tôi cần một ngụm nước, ngụm nước đường, tôi cần đường, tôi muốn xỉu, tôi bật vội ngọn đèn ở góc phòng, bám vào tường lần đi xuống bếp, mở hũ đường, cho tay bốc nhanh một vốc bỏ vào miệng. Từng hạt đường cát nhỏ li ti thấm ngay vào máu, làm tôi tỉnh lại. Tôi chợt nhớ đến các con và sợ chết hơn lúc nào hết. Tôi lấy khăn ướt lau mặt để định thần lại, cố nghĩ đến ngày mai, có nên xin nghỉ việc ngày mai không? Bữa cơm tối mai sẽ phải nói gì với con bé con, khi nó hỏi ba đâu? Con bé hay hỏi khi ông ấy không ăn cơm nhà, như mọi lần thì tôi thản nhiên trả lời: ba đi ăn tiệc, ba đi công chuyện, nhưng lần này thì không thể nói như thế. Tôi sẽ phải nói gì với ông bà cụ tôi, các em tôi và các anh chị bạn... Những ý nghĩ về ngày mai hiện ra dồn dập khiến tôi hoảng hốt, tự trách mình tại sao lại để xảy ra tình trạng này. Nhưng thực sự có phải lỗi tại tôi không?

Kim đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng, tôi ngả người trên chiếc ghế dài kê sát cửa sổ nhìn ra ngoài sân, cánh cổng nhà xe mở toang hoác. Trời vẫn còn tối. Thỉnh thoảng có chiếc xe chạy vụt qua trước nhà, ánh đèn quét nhanh trên thảm cỏ phía trước, làm ánh lên lớp sương bạc, lạnh lẽo. Chuyến xe lửa sớm nhất đã hú còi và xình xịch ở sân ga cuối con dốc. Vạn vật bắt đầu một ngày mới. Tôi phải bắt đầu cuộc đời mới, không có chọn lựa nào hơn dù lỗi tại ai đi chăng nữa. Trước tiên, tôi muốn đem con tôi ra khỏi căn nhà này. Tôi mệt lắm rồi, tôi không muốn bất cứ một đồ vật cũ hay không khí cũ ám ảnh đời sống mới của mẹ con tôi.