Bệnh tự cao, tự đại Print
Tác Giả: Khuyết Danh   
Thứ Tư, 11 Tháng 1 Năm 2012 08:27

 
“Núi cao nhờ có đất bồi, Núi chê đất thấp núi ngồi nơi đâu”.

Con sông lớn nhờ có nhiều con rạch nhỏ dồn nước vào cho nó. Bởi nắm được quy luật này một triết gia người Hy Lạp đã thắng cuộc khi ông cá cược với các quý tộc về việc ông sẽ uống hết nước biển với một điều kiện...ai có thể ngăn hết các nguồn nước của sông rạch dồn nước vào cho nó.
 
Chỉ một điều kiện thôi: Dù là một trăm điều kiện các quý tộc cũng chấp nhận!
 
Thế rồi không ai có thể ngăn hết các nguồn nước của sông rạch đành phải thua cuộc.
 
Mọi người chúng ta đều biết rằng không có con sông nào trên quả đất mà không có chi nhánh và mạng lưới chia sẻ cường độ thủy triều và lưu chuyển phù sa đi tái tạo trăm nơi. Cũng như vậy, biển phải nhờ hàng ngàn con sông lớn nhỏ để cùng hoạt động với mình, cũng đeo đuổi lực hấp dẫn của mặt trăng và cân bằng khối lượng nước khi thừa, khi thiếu. Dù cho biển có lớn mạnh dường nào cũng không kham nổi, nếu chẳng có hệ thống sông ngòi giúp sức. Thế mà biển cứ đầy nước cứ huyênh hoang vỗ bụng ầm ầm tự coi mình là đại dương, không biết đâu là nguồn; sông lớn lao dài cứ đổ lững lờ chẳng biết đâu là rạch, đâu là kênh.
 
Con người cũng vậy, có những cá nhân khi thành “đấng trượng phu” rồi thì không còn nhớ đến ai, thậm chí quên cả đấng sinh thành, quên cả nghĩa nước tình dân. Những người ấy mắc BỆNH KÊU NGẠO, TỰ CAO, TỰ ĐẠI, ham địa vị, thích người tâng bốc, khen ngợi mình... Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Họ cho rằng mình là chàng rể trong đám cưới, là xác chết trong đám tang, không có họ thì những người chung quanh không phải là một đám gì cả.
 
Triệu chứng của bệnh chủ nghĩa cá nhân: “Ngày thường, thì kỷ luật kém. Khi có vấn đề nghiêm trọng, thì hoang mang. Lúc tính toán công việc, thì đặt lợi ích cá nhân mình, của nhóm mình lên trên lợi ích chung”. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, không tuân hành đường lối, chính sách của đoàn thể, làm hại đến lợi ích của quốc gia dân tộc.
 
Chúng ta còn nhớ những năm kia trong nước ta, các quan to được tôn xưng là “ông lớn”, còn phong kiến thì tôn xưng là “phụ mẫu” của dân. Tất nhiên loài người cũng có vĩ nhân, nhưng vĩ nhân thời nào cũng do tài năng, đức độ và sự cống hiến to tác, được nhân dân thừa nhận, lịch sử ghi chép, nhiều thế hệ bái phục. Còn những “người lớn” tự xưng thì ngay cả những kẻ từng đeo theo xu nịnh, tôn vinh, chính tốp người ấy sẽ là lực lượng lật tẩy họ trước nhất. Chỉ cần hơn nhau 1 cấp bực thôi, cũng tự xưng là "Ông Thầy", rồi những đứa xu nịnh cũng tung hô vạn tuế và luôn miệng tâng bốc "Ông Thầy tôi thế này, ông Thầy tôi thế nọ", đúng là một lũ "Vô Liêm Sỉ"
 
Đạo lý làm người, lớn hay nhỏ không phải tự mình muốn là được. Điều đó chỉ có được trong sự phán xét của nhân dân. Bởi vậy sách có câu: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Có người vừa lên ghế thủ trưởng liền tìm cách chê bai người tiền nhiệm, đó là cách phủ định chứ không phải kế thừa. Đó là người “mắc bệnh tự cao, tự đại”.
 
Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại. Đem so với công việc của nhân dân, thì những người dù có được quần chúng ưa thích, mến mộ chẳng qua là người ấy biết phải và làm tròn bổn phận một con người mà thôi.