Biết Để Sống Print
Tác Giả: Chu Thập   
Chúa Nhật, 01 Tháng 1 Năm 2012 05:43

Sống cảnh nhà quê Úc tưởng dễ, không ngờ phải đối mặt với đủ thứ “kẻ thù”.

 
Ở cái khu khỉ ho cò gáy của tôi mà thỉnh thoảng cũng có tin giựt gân. Tuần trước, đang lúc chúng tôi dùng cơm “chiều” (chúng tôi trở lại cái thói quen ngày xưa ở miền quê Việt nam: ăn sớm, ngủ sớm, dậy sớm!), thì có một người đàn bà không rõ từ đâu đến đập cửa rầm rầm rồi hớt ha hớt hãi nói như ra lệnh: “Phải lo gom góp những thứ quý giá nhứt và chuẩn bị di tản, vì lửa rừng sắp ùa đến nơi rồi”. Mà quả thật, mở cửa nhìn lên núi, tôi thấy lửa đã bốc cao và nhiều người trong xóm đang đứng nhốn nháo trước nhà.

Ở gần lâm viên quốc gia, hưởng được không biết bao nhiêu cái thú mà dân thị thành khó có được: quanh năm ngày tháng lúc nào cũng nghe được tiếng chim hót; không khí không vẩn mùi khói xe; tầm nhìn phía sau nhà chẳng bao giờ bị một bóng người hay một ngôi nhà nào chận lại; và nhứt là được sự yên tĩnh: quanh năm ngày tháng hầu như không bị ô nhiễm về âm thanh. Nhưng ở đời cái gì cũng có cái giá của nó. Để có được một bầu khí tĩnh mịch, ban ngày tôi phải chấp nhận sống chung hòa bình với cái lũ gà tây rừng (bush turkey) chuyên đào bới cây cối trong vườn. Cây con nào trồng xuống mà không chặn đá chung quang cũng đều bị chúng đào tận gốc. Vườn rau xanh vừa cấy xuống mà quên đóng rào cũng bị chúng moi lên. Tối lại, giấc ngủ yên lành thỉnh thoảng bị những tiếng “thở dài” của mấy trự “Possums” phá đám.
  
Bush turkey


  
Possum

 

Cái giống này ngoài cái tiếng tru tréo chẳng khác nào ma trơi còn có “nhiệm vụ” càn quét hết những gì ban ngày bọn gà tây rừng còn chừa lại. Nhưng khiếp nhứt vẫn là mấy con kỳ đà và Goanna: cứ đến mùa hè thì cái loại bò sát khổng lồ này xuất hiện và tảo thanh mấy cái ổ gà ổ vịt của tôi. Nhiều bữa nghe mấy chị gà chị vịt kêu toang toác, chạy ra thấy muốn ứa nước mắt: nguyên cái ổ vịt đang ấp bị xơi tái, cả chục cái trứng gà chưa kịp lấy cũng biến mất. Đã vậy, mình đâu dám đụng vô mấy cái “ông bà trời con” được nhà nước bảo vệ còn hơn mạng người này! Gần đây, không biết chồn hay mèo rừng ở đâu lại kéo đến. Cách đây mấy hôm, cả nhà đi vắng, chiều tối về thấy đàn vịt 9 con máu me đầy mình, một con bị mang ra làm thịt ngay trước cửa chuồng. Nghĩ có đau và tức không!

Goanna

 

Sống cảnh nhà quê Úc tưởng dễ, không ngờ phải đối mặt với đủ thứ “kẻ thù”. Nhưng nạn cháy rừng cũng khiến cho những người “nhà quê” như tôi nơm nớp lo sợ. Hàng rào phía sau nhà tôi giáp sát mé rừng. Trong vườn lại còn vài cây “gum” lớn có thể bị giông bão đốn ngã và đè sập mái nhà bất cứ lúc nào. Vậy mà mấy ông bà Hội đồng thành phố có chịu thông cảm và cho phép chặt một cách dễ dàng đâu.

Sở dĩ cái người đàn bà “lạ mặt” không rõ từ đâu đến đã làm cho cả khu xóm của tôi một phen lên ruột là vì ngày hôm đó, Cơ quan phòng cháy vùng quê cho đốt rừng trong sự kiểm soát để gọi là phòng ngừa nạn cháy rừng. Chuyện này thì năm nào cũng được lập lại vào giữa mùa đông. Năm nay, không rõ do nguyên nhân nào, một ống dẫn nước bị bể trùng hợp với việc kiểm soát ngọn lửa gặp khó khăn, cho nên lửa bốc lên cao quá và một số cây gum và dương gần khu xóm của chúng tôi bị cháy. Đây chính là lý do khiến cho cái chị “nhà báo” vô công rỗi việc tức tốc xách xe đi khắp xóm để loan báo “tin dữ”.
Nhưng cũng may, sau một lúc bấn loạn vì liên tưởng đến “Thứ Bảy Đen” ngày 7 tháng 2 năm 2009, qua đó thần hỏa đã sát hại 173 người và thiêu rụi 2029 ngôi nhà tại tiểu bang Victoria, chúng tôi đi gặp chính các nhân viên phòng cháy và chữa lửa để hỏi cho biết hư thực. Vỡ lẽ ra là chẳng có “sự cố” nào cả. Lửa có bốc cao trong rừng cũng là chuyện thường tình mỗi khi có “controlled bush fire” mà thôi. Thế là hết một cơn hú hồn hú vía!

Đất bằng thỉnh thoảng cũng dậy sóng. Lại ngẫm nghĩ đến tác động của “tin đồn”. Nếu không kịp kiểm chứng và nếu không được “giáo dục” cách sống gần lâm viên quốc gia thì chiều hôm đó có lẽ chúng tôi đã chạy tán loạn ra đường thay vì ở nhà tránh khói, hay vì hốt hoảng lại gọi điện thoại gây bấn loạn cho người khác. Chợt liên tưởng đến chuyện của ông Tăng Sâm giết người. Chuyện này thì chắc chắn những người chuyên làm công tác “tuyên truyền”, nhứt là trong các chế độ độc tài bưng bít, hẳn phải thuộc lòng. Có người trùng tên với Tăng Sâm phạm tội giết người. Ai đó hớt hãi chạy đến báo với mẹ ông. Biết con mình hiền hậu và hiếu thảo, người mẹ không tin cứ điềm nhiên tiếp tục dệt cửi. Một lúc sau lại có người đến cũng lập lại nguyên si một mẩu tin như thế. Mẹ ông vẫn không tin. Nhưng một người thứ ba lại xuất hiện và cũng nói “Tăng Sâm giết người”. Lúc này thì người mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Sở dĩ tin đồn thất thiệt có sức tác động khủng khiếp như thế là bởi vì nó cũng là tin giật gân. Nhà báo nào cũng thuộc lòng nguyên tắc: “Chó cắn bà già không phải là tin, nhưng bà già cắn chó mới là tin”. Chẳng hạn như mới đây, một cụ bà nào đó ở Melbourne đã cắt đầu một con chuột và tung hình lên mạng. Chuyện chỉ có thế mà cũng đã trở thành “tin” và được “tô đậm” (highlight) trên màn ảnh truyền hình!

Thích chuyện giựt gân là tâm lý thông thường của con người. Ở đâu và thời nào cũng thế thôi. Có đứa bé nào mà không thích nghe chuyện, nhứt là chuyện ma. Thỉnh thoảng lén nghe chuyện người lớn thì thế nào cũng bị mắng đồ con nít mà “hóng” chuyện người lớn”. Thật ra, có già đầu đến đâu, ai mà chẳng thích “hóng” chuyện người khác. Tôi còn nhớ, trước năm 1975, báo nào cũng có mục “từ thành đến tỉnh”. Ngày nào cũng chỉ có một loại “mẩu” tin, chỉ cần thay đổi nhân vật tên tuổi, nơi chốn, ngày tháng là thành một tin sốt dẻo và giựt gân. Vậy mà thiếu cái cột tin ấy thì tờ báo e khó sống. Mở những tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại ra để đối chiếu, tôi cũng thấy hầu như một hiện tuợng tương tự: dù có chủ trương nghiêm chỉnh đứng đắn đến đâu, tờ báo nào cũng phải dành vài trang cho một số tin giựt gân. Còn muốn hấp dẫn hơn thì dĩ nhiên phải kèm theo vài hình ảnh “tươi mát”. Chẳng có gì phải ngạc nhiên tại sao trong chế độ cộng sản Việt nam hiện nay, Công an vốn là thứ chó ghẻ bị mọi người thù ghét, vậy mà “Công An” hay “Công an nhân dân” lại là những tờ báo có nhiều độc giả nhứt, bởi vì trên đó toàn là những tin “từ thành đến tỉnh” về cướp giựt, hãm hiếp, lừa gạt, buôn lậu, tham nhũng, đĩ điếm, dâm loạn, ăn chơi trác táng, đổ đổn v.v... “Chuyện thường ngày ở huyện”, vậy mà lắm kẻ thích “biết” và nghe mãi không chán!

Tôi nghĩ đến cái tâm lý thông thường ấy khi theo dõi vụ án của tờ báo lá cải “News of the world” ở bên Anh do cự phú truyền thông Rupert Murdoch làm chủ. Để thỏa mãn cái tính thích “hóng” chuyện của người khác nơi độc giả, tờ báo có đến 2 triệu 7 trăm ngàn ấn bản mỗi số này phải không ngừng đi săn tin và săn toàn những tin giựt gân. Và dĩ nhiên, vì thiếu đạo đức chức nghiệp, cho nên để có tin giựt gân, tờ báo này đã không ngại xử dụng mọi thủ đoạn để săn tin, trong đó đáng lên án nhứt là “nghe lén điện thọai” của người khác.

Nhiều độc giả hẳn phải tiếc rẻ khi hay tin tờ báo “ruột” của mình bị đóng cửa và xót xa cho số phận của những kẻ chuyên đi săn lùng tin giựt gân và sống bằng tin giựt gân. Thực ra, vụ án này không chỉ lột mặt nạ những người chuyên sống bằng nghề “moi móc” chuyện riêng của người khác, mà cũng nêu lên trách nhiệm của chính những người thích được nổi tiếng. Thời đại này, muốn được “nổi tiếng”, không thể không nhờ ngọn gió của truyền thông đưa lên. Nhưng ở đời lắm khi gậy ông lại đập lưng ông. Nhờ tin giựt gân săn lén được mà tờ lá cải “News of the World” lên như diều gặp gió. Nhưng nay cũng chính những cái tin ấy lại quay trở lại làm cho tờ báo xẹp xuống. Cũng vậy, chính nhờ các phương tiện truyền thông thổi phồng mà nhiều người, nhất là giới nghệ sĩ, được nổi tiếng. Nhưng cũng chính vì nổi tiếng mà nhiều người trở thành đối tượng của những cuộc săn lùng của báo chí. Công nương Diana, xét cho cùng, cũng chỉ là nạn nhân của chính sự nổi tiếng của mình: bà được các phương tiện truyền thông tung lên để rồi cũng do chính những phương tiện truyền thông “hạ xuống” và hạ xuống ngay cả bằng một cái chết thê thảm.

Kể từ khi nổ ra vụ án của báo “News of the world”, nhiều tài tử giai nhân cũng bắt đầu rục rịch đi kiện các tờ báo lá cải, vì cái tội xen vào đời tư của họ. Nghĩ cũng buồn cười: nhờ báo chí để nổi tiếng thì nay phải khổ vì sự nổi tiếng!
Ở đời thường hễ có cung thì ắt phải có cầu. Ngay cả khi không có nhu cầu thực sự đi nữa, thì người ta cũng có thể tạo ra những nhu cầu giả tạo được. Có biết bao nhiêu thứ hàng hóa được bày bán trong các siêu thị chẳng là nhu cầu giả tạo?
Ngày nay, với bước nhảy vọt khổng lồ của kỹ thuật truyền thông, cái nhu cầu “thông tin” lắm khi chỉ là một thứ nhu cầu giả tạo. Trong cái “dòng chảy” của thông tin hiện đại, con người cứ muốn “biết” và không bao giờ cảm thấy thỏa mãn trong nhu cầu “biết” của mình. Chính nhờ cái cơn “đói” thông tin này, mà các phương tiện truyền thông mới có đất sống. Nếu chúng ta không còn muốn “hóng” chuyện người khác thì có lẽ các tờ báo lá cải sẽ chẳng còn lý do hiện hữu nữa. Thành ra, trong tinh thần liên đới trách nhiệm, trong vụ án của báo “News of the world”, không chỉ có ông chủ Murdoch, không chỉ có ban biên tập của tờ báo và những viên cảnh sát thông đồng trong chuyện nghe lén điện thoại mới đáng bị truy tố, mà ngay cả những người thích nổi tiếng, những người của “công chúng” và nhứt là những kẻ thích “hóng” chuyện người khác và “độc giả” cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Trong thời đại được gọi là “kỹ thuật số” này, ít hay nhiều, dường như ai cũng bị lôi cuốn vào cái thói “hóng” chuyện này. Mặc dù chỉ muốn sống âm thầm, nhưng vì lỡ gia nhập vào một số “meo đàn”, mỗi ngày tôi cũng nhận được không dưới 3 trăm cái “meo” với đủ mọi thể loại và nội dung từ chính trị, văn hóa, văn chương, xã hội đến chuyện bù khú, tiếu lâm và ngay cả những cuộc đấu khẩu rẻ tiền nhằm bơi móc chuyện đời tư của nhau. Xóa hết thì không được, mà đọc hết thì cũng không xuể. Thôi thì đành chịu mất giờ để mà chắt lọc những tinh túy từ cái đám vàng thau lẫn lộn ấy vậy!

Thời buổi này, cái “biển” thông tin và kiến thức hầu như đã trở thành vô tận. Chuyện gì con người cũng có thể biết và muốn biết. Nhưng một trong những nghịch lý lớn nhứt của thời đại ngày nay mà người ta thường quên: vốn liếng về kiến thức và hiểu biết thì gia tăng, nhưng sự khôn ngoan thì xem ra không những không tiến tới mà còn lùi lại. Mà kiến thức và hiểu biết thì không mấy khi tỷ lệ thuận với sự thanh thản bình an, nếu không muốn nói là ngược lại.

Người ta có thể biết rất nhiều điều trên trời dưới đất nhưng lại chẳng chịu bỏ công tìm hiểu thế giới nhỏ bé của chính mình. Người ta có thể ngồi trước màn ảnh để đọc tin suốt ngày nhưng lại không thể “đọc” được một chút ý nghĩ của người đối diện. Người ta có thể có nhiều kiến thức nhưng lại không có khả năng để hiểu được những u uẩn trong ánh mắt của người thân. Người ta có thể biết tên tuổi của rất nhiều người trên trái đất này nhưng lại không biết cái người hàng xóm của mình mặt ngang mũi dọc ra sao. Và lắm khi người ta có thể theo dõi từng giây phút vui buồn của nhiều minh tinh nổi tiếng mà lại không hề hay biết rằng chính mình đang chung giường với “kẻ thù”.
Và nhứt là dù có biết nhiều đến bao nhiêu người đi nữa, mấy ai tránh được cái cảnh: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?” (Bài không tên số 4, Vũ Thành An)

Khi bị yêu cầu làm một việc gì, trẻ nhỏ thường vặn lại: “Mà để làm gì?” Và chúng chỉ bị thuyết phục khi người lớn đưa ra được câu trả lời hợp lý. Với “cơn bão” thông tin ngày nay, có lẽ câu hỏi đơn sơ này của trẻ nhỏ có thể giúp tôi không bị “cuốn theo chiều gió”.

Xét cho cùng, có được một tâm hồn bình an, thanh thản và nhẹ nhàng để biết được điều gì là quan trọng nhứt trong cuộc đời này phải chăng không là lẽ khôn ngoan cần tìm kiếm hơn bất cứ kiến thức và sự hiểu biết nào!