Căn Bản Luật Khánh Tận Print
Tác Giả: Luật Sư LyLy Nguyễn   
Thứ Ba, 30 Tháng 12 Năm 2008 12:01

Cứu tinh cho người thất thế về tài chánh
Ðời người có nhiều thăng trầm trong sự nghiệp nhất là về phương diện tài chánh, có lúc thành công vượt bực tiền bạc phong phú, có lúc thất bại thê thảm của cải tiêu hao. Có nhiều trường hợp không trả nổi đúng hạn khiến nợ nần mỗi ngày một chồng chất đến hồi cơ nghiệp sụp đổ đi đến tình trạng khánh tận hay nói nôm na là bị phá sản.

Trong xã hội Việt Nam nợ nhiều là một điều xấu rất mang tiếng, vả lại tâm lý chung thiên hạ phù thịnh chẳng bao giờ phù suy, người giầu muốn vay tiền để mở mang phát triển thương mại thì rất dễ dàng vay đâu cũng được, người mạt vận cần cứu nguy gây dựng lại cơ đồ thì đừng mong ai giúp, không những thế còn bị nợ đòi tới tấp không lối thoát đi đến đường cùng gặp nhiều thảm cảnh khốn khó hoặc phải quịt nợ trốn chạy hay có kẻ chán đời quyên sinh.

Trên đất Mỹ nợ nhiều không phải là một cái tội miễn là trả góp được đều và đúng hạn thì còn được các ngân hàng hay nguồn tài trợ hoan hỉ trọng đãi. Khi thất thế về tài chánh ai cũng có thể gặp cứu tinh, đó là Luật Khánh Tận (Bankruptcy Code) thuộc Ðiều Khoản Thứ Mười Một Luật Liên Bang (Title 11 of the United States Code).

Luật khánh tận được áp dụng trên căn bản cứu giúp một cá nhân, tổ hợp hùn hạp hay công ty hoạt động tại Hoa Kỳ có cơ hội được xóa bớt nợ nần để phục hồi làm lại cuộc đời.

Vì là luật liên bang nên luật khánh tận có hiệu lực trên tất cả các điều luật có tinh thần trái ngược của các tiểu bang chiếu theo Ðiều Khoản Tối Thượng (Supremacy Clause) của Hiến Pháp.

Luật Khánh Tận được áp dụng giống nhau tại tất cả các tiểu bang với ngoại lệ có đôi chút khác biệt về các khoản miễn trừ. Theo Luật Khánh Tận có bốn loại thủ tục được đặt tên theo số chương của Ðiều Khoản Thứ Mười Một, đó là các chương 7, 11, 12 và 13.

Chương 7 là thủ tục khai khánh tận thông dụng nhất, áp dụng cho cá nhân hay vợ chồng, tổ hợp hùn hạp hay công ty. Ðó là thủ tục thanh toán nợ nần theo đó tòa án sau khi xét đơn khai sẽ chỉ định một tín viên (trustee) giữ quyền kiểm điểm tất cả các tài sản của người nợ (debtor) rồi phân loại.

Ngoài những tài sản miễn trừ (exempt assets), những tài sản khác được đem bán đi rồi thanh toán cho các chủ nợ (creditors) tùy theo thứ tự ưu tiên ấn định theo luật. Sau đó người nợ được tòa tuyên bố cho xóa nợ (discharge) thông thường trong vòng từ bốn đến sáu tháng sau khi nộp đơn. Lương bổng của người nợ kiếm được sau khi nộp đơn khai khánh tận được đặt ra khỏi tầm đe dọa của các chủ nợ đã khai lúc đầu.

Chương 11 là thủ tục tái tổ chức (reorganization proceeding) thường được áp dụng cho các công ty hay tổ hợp hùn hạp. Các cá nhân có nợ quá mức giới hạn theo Chương 13 cũng có thể xin khai theo Chương 11. Theo chương này người nợ thường được phép giữ lại tài sản để tiếp tục điều hành thương nghiệp đã có.

Người nợ đề nghị một chương trình tổ chức lại cơ sở làm ăn của mình, trình tòa để thông báo cho các chủ nợ, nếu đồng chấp thuận thì sau đó tòa sẽ xác nhận chính thức và ràng buộc đôi bên người nợ với chủ nợ các theo điều khoản trả nợ đã dàn xếp. Chương trình này có thể ấn định trả bằng lợi tức trong tương lai hay thanh toán bằng cách bán đi một số tài sản hoặc sáp nhập vào công ty khác hay vay tiền lập lại vốn.

Chương 12 là thủ tục đơn giản cho tổ chức lại cơ sở làm ăn dành cho gia đình các chủ trại nông nghiệp mô phỏng theo mẫu của Chương 13 theo đó người nợ được giữ lại tài sản của mình và sẽ trả cho các chủ nợ bằng lợi tức trong tương lai.

Chương 13 là chương trình dành cho các cá nhân có lợi tức đều đặn trả nợ không thế chấp (unsecured debts) dưới $269,250 cùng nợ có thế chấp (secured debts) dưới $807,750. Người nợ được giữ lại tài sản, trong tương lai phải trả qua tín viên Chương 13 do tòa chỉ định bằng lợi tức sẽ kiếm được trong suốt đời của chương trình này mà thường kéo dài từ 3 tới 5 năm.


Số tiền nợ thường được giảm xuống từ 10% tới 100% tùy theo lợi tức và khả năng trả bù của người nợ. Chương 13 có lợi điểm xóa được vài loại nợ theo Chương 7 và bảo vệ người nợ không bị xiết nhà (foreclosures) hay bị xiết các tài sản khác mua chưa trả hết (repossessions) trong thời gian ưu tiên trả các món nợ có thế chấp.

Như vậy những loại nợ nào có thể xóa được nếu khai khánh tận đều tùy thuộc hoàn cảnh cùng những yếu tố nợ nần khác nhau của từng cá nhân. Do đó việc tham khảo lấy lời cố vấn của luật sư rất quan trọng trước khi nộp đơn ra tòa để được hướng dẫn nên khai theo chương nào cho có lợi nhất tùy theo tính chất của các món nợ cùng với tính chất và giá trị của các tài sản người nợ có trong tay.

Khai khánh tận theo Chương 7 thường thích hợp nhất cho các cá nhân. Người nợ được xóa các món nợ không thế chấp rất nhanh chóng trong vòng vài tháng sau khi nộp đơn. Tuy nhiên nếu lợi tức của người nợ khá cao có thể đủ trả một số nợ thì tòa có thể bãi bỏ vụ khai với lý do lạm dụng (substantial abuse). Theo lý thuyết nếu chấp thuận cho một kẻ có đủ khả năng trả nợ theo Chương 7 mà muốn trốn nợ tức là lạm dụng hệ thống luật khánh tận.

Nếu ai vừa có nợ buôn bán vừa nợ tiêu pha nên lưu ý điều quan trọng là phải biết tính chất buôn bán theo hình thức luật nào. Công ty và tổ hợp hùn hạp có thể chọn khai theo Chương 7 hay Chương 11 tùy theo ý muốn sẽ gây dựng hoạt động buôn bán trở lại nhờ Chương 11 hay giải tán luôn theo Chương 7. Những người buôn bán làm chủ một mình (sole proprietorship) được kể như một cá nhân, do đó muốn được tòa án bảo vệ thì phải khai ra tất cả tài sản riêng cùng tài sản dùng trong thương nghiệp và liệt kê tổng số nợ nần mọi mặt cả riêng lẫn buôn bán.

Khai khánh tận theo Chương 13 thích hợp cho những người có nợ nhà cửa và xe cộ trả quá chậm trễ sau kỳ hạn hoặc có nhiều tài sản hay có nợ thuế cùng những nợ khác không giải tỏa được theo Chương 7. Ðể hội đủ điều kiện theo Chương 13 người nợ phải có lợi tức đều đặn cùng tổng số nợ dưới một mức nào đó.


Khai khánh tận theo Chương 11 giúp cho cá nhân, công ty, hay tổ hợp hùn hạp có cơ hội tổ chức lại nghiệp vụ theo đó số nợ không có giới hạn như Chương 13. Thông thường đây là con đường dành cho các công ty lớn tìm cách xếp đặt tổ chức lại việc thanh toán nợ nần.

Người nợ thường được giữ nguyên cơ sở tài sản của mình hoạt động trở lại và dàn xếp trả nợ dưới giám sát của tòa án. Chương 11 chỉ được tòa xác nhận sau khi được các chủ nợ bỏ phiếu chấp nhận. Những chủ nợ được phân loại tùy theo tính chất của món nợ sẽ bỏ phiếu tùy theo số tiền nợ lớn nhỏ.

Nếu người nợ không được chấp thuận thì có thể ráng xin tòa 'áp đặt' (cram down) chương trình trả nợ nếu hội được vài điều kiện theo luật cho dù bị các chủ nợ chống đối. Chương 11 có lẽ có tính chất mềm dẻo nhất trong các loại khai khánh tận do đó rất khó áp dụng một cách phổ thông vì quá tốn phí cho người nợ cho nên tỷ số thành công của Chương 11 rất thấp, thường chỉ dưới 10%.

Chúng tôi se tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với phân tích các loại nợ nên khai theo chương nào. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.