Home Đời Sống Pháp Luật Tìm hiểu luật di trú

Tìm hiểu luật di trú PDF Print E-mail
Tác Giả: Darren Nguyễn Ngọc Chương, Esq.   
Chúa Nhật, 23 Tháng 11 Năm 2008 08:14

Hiện nay California có trên 215,714 luật sư nhưng chỉ có 144 luật sư có bằng chuyên môn về luật di trú, trong số đó có Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương. Ngoài ra Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương đã từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Tổng số chiếu khán di dân hàng năm được chia ra cho diện bảo lãnh thân nhân, diện bảo lãnh nghề nghiệp và diện diversity (được tạm dịch là chiếu khán xổ số).

Diện bảo lãnh thân nhân được tối đa là 480,000 chiếu khán di dân cộng thêm những chiếu khán di dân còn dư lại của diện bảo lãnh nghề nghiệp. Diện bảo lãnh nghề nghiệp được tối đa là 140,000 chiếu khán di dân cộng thêm những chiếu khán di dân còn dư lại của diện bảo lãnh thân nhân. Diện diversity được 55,000 chiếu khán di dân.

Tổng số 480,000 chiếu khán di dân cho diện bảo lãnh thân nhân được áp dụng trước cho diện Immediate Relatives (tức là thân nhân trực thuộc) và còn lại sẽ được áp dụng cho những diện ưu tiên. Nhưng luật di trú cũng dành ít nhất là 226,000 chiếu khán di dân trong tổng số 480,000 cho các diện ưu tiên. Ðể trong những trường hợp số chiếu khán áp dụng cho diện Immediate Relatives lên cao quá sẽ không ảnh hưởng đến 226,000 chiếu khán tối thiểu cho những diện ưu tiên.

Số chiếu khán di dân cho những diện ưu tiên được chia ra cho các diện ưu tiên như sau:

1. Diện ưu tiên 1, tức là diện bảo lãnh cho con độc thân trên 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ, có 23,400 chiếu khán cộng thêm những chiếu khán còn dư của diện ưu tiên 4.

2. Diện ưu tiên 2, gồm có 2A và 2B, có 114,200 cộng thêm những chiếu khán vượt quá số 226,000 chiếu khán ấn định mà chưa được dùng đến, cộng thêm những chiếu khán còn dư của diện ưu tiên 1. Tức là tổng cộng chiếu khán cho diện bảo lãnh thân nhân là 480,000 trừ ra 226,000 chiếu khán dành cho diện ưu tiên, còn lại là 254,000 chiếu khán. Nếu trong năm đó họ không cấp hết 254,000 chiếu khán cho diện Immediate Relatives (tức là thân nhân trực thuộc), thì sẽ được áp dụng cho diện ưu tiên 2. Trong số chiếu khán cho diện ưu tiên 2, thì 77% dành cho 2A và 23% dành cho 2B.

3. Diện ưu tiên 3, tức là diện bảo lãnh cho con có gia đình của công dân Hoa Kỳ, có 23,400 chiếu khán cộng thêm những chiếu khán con dư của diện ưu tiên 1 và 2.

4. Diện ưu tiên 4, từ là diện bảo lãnh cho anh chị em của công dân Hoa Kỳ, có 65,000 chiếu khán cộng thêm những chiếu khán còn dư của diện ưu tiên 1, 2 và 3.

Số chiếu khán hàng năm được tính từ ngày 1 Tháng Mười đến ngày 30 Tháng Chín. Cho nên quí vị sẽ thấy ngày ưu tiên sẽ được thay đổi bắt đầu Tháng Mười và sẽ chậm lại hoặc đứng lại khi gần tới Tháng Mười.

Bản tin chiếu khán

Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Mười Một năm 2008.

Ưu tiên 1 - priority date là ngày 1 Tháng Năm năm 2002, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A - priority date là ngày 8 Tháng Hai năm 2004, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B - priority date là ngày 15 Tháng Giêng năm 2000, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 - priority date là ngày 1 Tháng Bảy năm 2000, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 - priority date là ngày 15 Tháng Mười Một năm 1997, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

Reentry Permit

“Ðã có thẻ xanh, tôi đi Việt Nam, khi về Hoa Kỳ tôi có cần reentry permit hay không?” “Tôi nghe nói thường trú nhân (có thẻ xanh) về Việt Nam dưới sáu tháng không cần reentry permit?” “Có người nói thường trú nhân đi dưới 3 tháng không cần reentry permit?” Ðây là những thắc mắc mà thân chủ thường xuyên hỏi. Tuy rằng câu hỏi thấy rất là giản dị, nhưng câu trả lời không giản dị.

Khi trả lời câu hỏi trên, tôi phải hiểu rõ tình cảnh của từng người thân chủ mới có thể trả lời. Là một luật sư am tường về luật di trú cộng thêm kinh nghiệm hành nghề lâu năm, đã chứng kiến những tai hại của những trường hợp làm thủ tục không đúng vì không hiểu rõ luật di trú, ý kiến tư vấn của tôi không thể nào trả lời chỉ một câu: đúng hay sai, hoặc được hay không, nhưng phải trình bày sự lợi và hại nếu trong trường hợp 1, và sự lợi và hại nếu trong trường hợp 2. Thêm vào đó là những sự lợi và hại hiện tại và những sự lợi và hại trong tương lai. Ðiển hình là tôi có thể trả lời những câu hỏi trên là “Ðúng, thường trú nhân về Việt Nam dưới sáu tháng không cần reentry permit.” Nhưng câu trả lời đó không hoàn toàn chính xác vì có nhiều trường hợp thường trú nhân rời Hoa Kỳ dưới 6 tháng, khi trở về Hoa Kỳ vẫn bị đưa ra Tòa Di Trú để trục xuất.

Trước khi vào đề tài, tôi lưu ý quí bạn đọc là bài viết này chỉ trình bày về sự nhập cảnh Hoa Kỳ của thường trú nhân. Vấn đề giấy tờ cần thiết để nhập cảnh Việt Nam hoặc nước thứ ba là ngoài đề tài bài viết này.

Thường trú nhân (Lawful Permanent Resident gọi tắt là LPR), khi nhập cảnh Hoa Kỳ phải trình giấy tờ cần thiết mới được nhập cảnh. Những giấy tờ cần thiết thường trú nhân có thể dùng để nhập cảnh Hoa Kỳ: một là chiếu khán thường trú đặc biệt; hai là thẻ xanh; ba là reentry permit. Chiếu khán thường trú đặc biệt cấp tại lãnh sự Hoa Kỳ bằng cách trình thẻ xanh, chứng minh sự liên hệ gia đình hoặc tài chánh ở Hoa Kỳ, và chứng minh rằng thời gian dài ở ngoài Hoa Kỳ là ngoài sự kiểm soát của mình. Chiếu khán thường trú đặc biệt này được dùng bởi những thường trú nhân ở ngoài Hoa Kỳ một thời gian lâu muốn trở về Hoa Kỳ nhưng lo rằng Sở Di Trú không cho nhập cảnh vì đương sự đã “bỏ rơi” sự thường trú của họ.

Theo luật di trú, thường trú nhân nhập cảnh Hoa Kỳ được chia ra làm 2 loại. Loại thứ nhất là “thường trú nhân trở về” (tức là returning LPR) và loại thứ hai là “thường trú nhân xin nhập cảnh.” Sự khác biệt của hai loại là “thường trú nhân trở về” được coi là không cần xin phép nhập cảnh cho nên những điều luật cấm nhập cảnh không thể được áp dụng. Nhưng “thường trú nhân xin nhập cảnh” vì đương đơn đang xin nhập cảnh, Sở Di Trú được quyền áp dụng những điều luật cấm nhập cảnh. “Thường trú nhân trở về” chỉ cần có giấy thẻ xanh hoặc reentry permit. “Thường trú nhân xin nhập cảnh” là “thường trú nhân trở về” đã vi phạm một trong những trường hợp sau đây:

1. Bỏ rơi sự thường trú của đương sự.

2. Ðã vắng mặt ở Hoa Kỳ liên tục hơn 180 ngày.

3. Phạm pháp trong thời gian vắng mặt ở Hoa Kỳ, tức là phạm pháp ở ngoài Hoa Kỳ.

4. Rời khỏi Hoa Kỳ trong khi đang trong quá trình xét xử để trục xuất.

5. Ðã bị án những tội nêu trong phần 212(a)(2) của bộ luật di trú như: “Crimes of Moral Turpitude” như là ăn cắp (theft), gian lận (fraud), bạo động trong gia đình (domestic violence) v.v... bị án 2 tội trở lên và tổng cộng thời gian án tù 5 năm trở lên; bị án việc buôn lậu ma túy; bị án mãi dâm; bị án việc chuyên chở người bất hợp pháp vào Hoa Kỳ v.v...

6. Có dự tính nhập cảnh Hoa Kỳ ngoài những cửa khẩu chính thức công nhận bởi nhân viên Sở Di Trú hoặc đã bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ.

Như quí bạn đọc thấy trong trường hợp thứ hai, thường trú nhân vắng mặt ở Hoa Kỳ liên tục hơn 180 ngày (tức 6 tháng) sẽ bị coi là “thường trú nhân xin nhập cảnh” và Sở Di Trú được quyền áp dụng những điều luật cấm nhập cảnh. Cũng có thể vì trường hợp thứ hai này mà chúng ta nghe nhiều người nói “thường trú nhân về Việt Nam dưới 6 tháng không cần reentry permit.” Nhưng câu nói đó không hoàn toàn đúng sự thật vì thường trú nhân vắng mặt Hoa Kỳ dưới 6 tháng vẫn có thể bị Sở Di Trú không cho phép nhập cảnh. Ngoài sự chứng minh đương đơn là thường trú nhân, đương đơn phải là người không có ý định bỏ rơi sự thường trú của mình. Vấn đề chính là người thường trú nhân phải chứng minh rằng họ không bỏ rơi sự thường trú của họ và những yếu tố để chứng minh người thường trú nhân có bỏ rơi sự thường trú của họ hay không là: liên hệ gia đình ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, tài sản ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, việc làm ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, Hoa Kỳ có phải chính thức được gọi là nhà hay không, lý do rời khỏi Hoa Kỳ, và thời gian ở ngoài Hoa Kỳ v.v... Thẻ xanh hoặc reentry permit, chỉ chứng minh rằng đương đơn là thường trú nhân. Nếu Sở Di Trú có chứng cớ là đương đơn bỏ rơi sự thường trú của họ, dù đương đơn có thẻ xanh đi dưới 6 tháng hoặc có reentry permit vẫn bị từ chối nhập cảnh.

Tôi đơn cử một vài trường hợp đã xảy ra. Trường hợp thứ nhất là một thường trú nhân rời Hoa Kỳ 3 tháng, trở về lại Hoa Kỳ 1 tháng, rồi lại rời Hoa Kỳ 3 tháng nữa v.v... Như vậy người thường trú nhân này ở ngoài Hoa Kỳ nhiều hơn là ở tại Hoa Kỳ, không có tài sản ở Hoa Kỳ, không có việc làm ở Hoa Kỳ, không khai thuế ở Hoa Kỳ. Khi người thường trú nhân này trở về Hoa Kỳ, Sở Di Trú có thể từ chối không cho người thường trú nhân này nhập cảnh và đưa ra tòa để trục xuất, vì người thường trú nhân này đã bỏ rơi sự thường trú của họ.

Trường hợp thứ hai là thường trú nhân có việc làm ở Hoa Kỳ, làm chủ một căn nhà ở Hoa Kỳ, khai thuế hàng năm ở Hoa Kỳ và có vợ và con ở Hoa Kỳ. Người thường trú nhân này đi Việt Nam 9 tháng mới trở về Hoa Kỳ. Dù là người thường trú nhân này đi quá 6 tháng và không có reentry permit, họ vẫn được nhập cảnh Hoa Kỳ vì họ là thường trú nhân không có ý định bỏ rơi sự thường trú của họ.

Hai điển hình trên là cả hai người thường trú nhân đều rời Hoa Kỳ dưới 1 năm nhưng trường hợp thứ nhất đương sự bị đưa ra tòa trục xuất, trường hợp thứ hai đương sự không bị đưa ra tòa trục xuất như tôi đã trình bày ở trên.

Theo luật di trú hiện nay, thường trú nhân rời Hoa Kỳ trên 1 năm, Sở Di Trú cho là người thường trú nhân đó đã bỏ rơi sự thường trú của họ. Nhưng có sự khác biệt giữa thẻ xanh và reentry permit là khi thường trú nhân có reentry permit (mà reentry permit thường có giá trị 2 năm), Sở Di Trú không thể dựa vào thời gian vắng mặt tại Hoa Kỳ khi reentry permit còn giá trị để xét người thường trú nhân đó có bỏ rơi sự thường trú của họ hay không. Sở Di Trú phải có lý do chính đáng, có bằng chứng cụ thể theo những yếu tố tôi đã trình bày trên để chứng minh rằng người thường trú nhân đó đã bỏ rơi sự thường trú của họ, thì khi đó Sở Di Trú mới có quyền đưa ra tòa trục xuất.

Ðể tóm tắt lại, thường trú nhân rời Hoa Kỳ thường xuyên nên có reentry permit và không nên đi quá 6 tháng. Thêm vào đó, nên để ý những yếu tố Sở Di Trú dùng để chứng minh thường trú nhân bỏ rơi sự thường trú của họ.

Quí bạn đọc nên lưu ý, những điều tôi đã trình bày trên chỉ nói về vấn đề thời gian rời Hoa Kỳ. Nhưng thời gian chỉ là một trường hợp trong sáu trường hợp nêu trên. Nếu thường trú nhân bị án như nêu trong trường hợp thứ năm, dù rời Hoa Kỳ một ngày vẫn bị coi là “thường trú nhân xin nhập cảnh” và Sở Di Trú được quyền áp dụng những điều luật cấm nhập cảnh với người thường trú nhân đó. Hiện nay Sở Di Trú chấp hành luật di trú hết sức khắc khe. Những thường trú nhân có tiền án không nên rời khỏi Hoa Kỳ trong thời gian khó khăn này. Nếu vì tình cảnh bắt buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ, nên liên lạc với một luật sư am tường về luật di trú để tìm hiểu sự lợi hại khi nhập cảnh trở lại Hoa Kỳ.

Ðề tài: Tin cập nhật về thủ tục xin chiếu khán

Sau khi đơn I-130 được chấp thuận, hồ sơ được chuyển qua National Visa Center (NVC) (tức là Trung Tâm Chiếu Khác Quốc Gia) để thu thập những chi phí chiếu khán và tài liệu cần thiết như đơn xin chiếu khán và bảo trợ tài chánh. Sau khi NVC nhận đầy đủ tài liệu, hồ sơ được chuyển qua Lãnh Sự Hoa Kỳ để lo thủ tục cấp chiếu khán. Ngoài việc xem xét sự liên hệ gia đình có chân thật hay không, Lãnh Sự Hoa Kỳ còn xem xét “người thừa hưởng” có lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh hay không. Ðơn I-130 được chấp thuận không có nghĩa là chiếu khán sẽ được cấp, nhưng chỉ có nghĩa là những tài liệu nộp vào chứng minh rằng “người thừa hưởng” là thân nhân được định nghĩa dưới những điều luật di trú và “người thừa hưởng” hội đủ điều kiện để nộp đơn xin chiếu khán di dân theo diện bảo lãnh thân nhân.

Trước đây, sau khi nộp mẫu bảo trợ tài chánh và mẫu đơn xin chiếu khán DS-230 cho National Visa Center (tức là trung tâm chiếu khán quốc gia) thì hồ sơ sẽ được chuyển về Việt Nam để được lên danh sách đi phỏng vấn. Khi đi phỏng vấn thì đương sự phải cầm theo những giấy tờ bản chánh và giấy tờ cần thiết. Thủ tục này đã được thay đổi. Theo phương sách hiện nay, giấy tờ bản chánh và những giấy tờ cần thiết cần phải được nộp trước cho trung tâm chiếu khán quốc gia trước khi hồ sơ được chuyển về cho lãnh sự để được phỏng vấn.

Những giấy tờ cần thiết phải được nộp cho trung tâm chiếu khán quốc gia là:

1. Bản sao của hộ chiếu có hình của đương sự và ngày hết hạn của hộ chiếu. Trung tâm chiếu khán quốc gia đòi hỏi là hộ chiếu phải còn hạng vì khi cấp chiếu khán, hộ chiếu phải còn giá trị ít nhất 6 tháng.

2. Bản chánh khai sanh hoặc bản sao có đóng mọc của cơ quan chính quyền chứng thực là sao y bản chánh.

3. Những đương sự nào có án phải nộp bản sao của bản án có đóng mọc của tòa. Bản án phải có ghi rõ tội trạng mà đương sự bị kết án và kết quả của bản án.

4. Nếu đương sự đã lập gia đình, cần phải nộp bản chánh hôn thú hoặc bản sao có mộc chánh của cơ quan chính quyền cấp.

5. Nếu đương sự nào đã lập hôn thú và đã ly dị, cần phải nộp bản chánh giấy ly dị hoặc bản sao có đóng mọc của tòa án. Nếu hôn nhân đã chấm dứt vì người phối ngẫu đã qua đời thì cần phải nộp bản chánh giấy khai tử hoặc bản sao có đóng mộc của cơ quan chính quyền.

6. Những đương đơn từ 16 tuổi trở lên cần phải nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp do Bộ Tư Pháp cấp. Nếu đương sự có ở những quốc gia nào hơn 12 tháng khi đương sự đã 16 tuổi thì đương sự phải nộp giấy chứng là chưa từng phạm pháp.

Những giấy tờ cần thiết này phải được nộp đầy đủ cho trung tâm chiếu khán quốc gia trước khi trung tâm gửi hồ sơ cho lãnh sự để lên danh sách đi phỏng vấn. Vì sự thay đổi này, quí vị nên thu tập những giấy tờ cần thiết để nộp cho trung tâm chiếu khán quốc gia để hồ sơ khỏi bị chậm trễ.