Độc Thân Và Bạn Tình Print
Tác Giả: Luật Sư LyLy Nguyễn   
Chúa Nhật, 23 Tháng 5 Năm 2010 14:35

Hoa Kỳ là một xứ tự do, đời sống cá nhân thời nay không bị gò bó vào khuôn khổ gia đình cho nên có rất nhiều cặp 'bạn tình' sống chung với nhau lâu năm chẳng bao giờ cưới.

Tuy nhiên luật pháp chỉ dựa trên căn bản gia đình cổ truyền để bảo vệ quyền lợi cho người hôn phối chính thức nên những người sống với nhau không có hôn thú vẫn kể như độc thân.

Không những chỉ có vợ chồng có hôn thú mới cần đến dự tính tài sản. Những người độc thân nhưng có con riêng cần tính đến việc ủy thác giám hộ cho trẻ thơ nếu không may chết đi.

Dù có hay không có con nhỏ người độc thân vẫn nên lập 'luật quyền chăm sóc sức khỏe' (health-care powers of attorney), 'di chúc sống' (living will) hay các phương cách tương tự để dự trù biện pháp ứng phó trường hợp lâm nạn bị tàn phế hay chờ chết vì nan y.

Nhiều khi người này muốn để lại các vật sở hữu cho người thân hay đoàn thể nào đó qua di chúc hay tín mục. Những người giầu có và nắm gia sản lớn thường dùng nhiều kỹ thuật tránh thuế để hiến tặng của cải cho thân nhân, bạn bè, hay đoàn thể thay vì để tiền rơi vào tay chính phủ.

Luật pháp bảo đảm cho vợ chồng chính thức được hưởng phần gia tài khi một trong hai người chết đi bất kể di chúc viết ra sao. Ngược lại 'bạn tình' nhưng không kết hôn, nếu một người qua đời thì di sản sẽ về gia đình chính thức như cha mẹ, anh em, v.v... của người chết nếu không có di chúc.

 Những cặp sống như vợ chồng mà không hôn thú có thể vì gia đình không đồng ý hay vì một lý do nào khác như cản trở của xã hội và pháp lý thí dụ như những cặp ‘đồng tính luyến ái.’ Tuy nhiên cũng như những cặp vợ chồng chính thức họ đều muốn khi chẳng may chết đi sẽ để lại của cải cho người đã từng chia sẻ cuộc đời thí dụ như mua bảo hiểm nhân thọ chẳng hạn.

 Thông thường tùy theo số tài sản để lại, bạn tình có thể lập tín mục song hành với di chúc giống như vợ chồng thành hôn. Dù lập di chúc hay tín mục cũng cần phải tính trước nếu chết đi thì an bài các trương mục ngân hàng chung và riêng cùng các tài sản khác ra sao. Ðặc biệt quan trọng nên lập các điều khoản về những của cải cùng bỏ tiền ra mua sắm trong suốt thời gian chung sống.

Vấn đề rắc rối thường xảy ra vì những tài sản cá nhân có giá như nữ trang, đồ sưu tầm quí hiếm, máy móc và đồ đạc nội thất, v.v... Nếu không liệt kê trong bản dự trù tài sản thì tòa án sẽ xử về tay thân nhân gia đình người quá cố.

Sau đây là tóm tắt các văn kiện quan trọng cần thiết lập cho các bạn tình.

Trước hết là di chúc, những cặp chung sống không hôn thú nên lập di chúc để xác định di sản để lại cho ai vì nếu không có di chúc tòa sẽ xử cho thân nhân có liên hệ huyết thống như cha mẹ, anh chị em được hưởng trong khi người tình không cưới sẽ chẳng được gì hết mặc dù đã từng sống chung với nhau nhiều năm như vợ chồng.

Sau nữa là tín mục, những cặp sống chung với nhau nên lập 'tín mục sinh thời loại thay đổi được' (revocable living trust).

 Loại tín mục này có khả năng (1) bảo vệ họ khi bị mất năng lực thể chất hay tâm thần, (2) tránh không bị tòa án chi phối qua thủ tục 'giải quyết di sản' (probate), và (3) để lại được tài sản cho người thụ hưởng do mình chỉ định. Cả hai người bạn tình đều nên lập hai tín mục riêng rẽ cho tài sản riêng của mỗi người và cùng lập chung một tín mục thứ ba cho các món của cải chung.

Trong tín mục riêng mỗi người đều có quyền để lại của cải riêng như tặng phẩm cho bất cứ bạn bè hay thân nhân theo ý mình. Còn tín mục chung nếu một người chết đi sẽ để lại cho người còn sống hay cho bạn bè chung. Dĩ nhiên không cần phải có thật nhiều tiền của mới lập được tín mục sinh thời mà chỉ cần một số tiền nhỏ cũng mở được.

Ngoài ra còn một loại thỏa thuận khác gọi là 'giao kết sống chung' (cohabitation agreement). Người Mỹ khi chung sống không hôn thú thường lập loại giao kết này bao gồm nhiều tiết mục quan trọng đáng lưu ý. Bản 'giao kết sống chung' thường có phần ủy nhiệm 'luật quyền hỗ tương' (mutual power of attorney) dưới luật pháp hai người đều có quyền quyết định và hành động thay thế cho nhau trong trường hợp lỡ không may có người bị mất năng lực thể chất hay tâm thần. Tuy nhiên khi ủy thác 'luật quyền' (power of attorney) để người khác hành động thay thế cần phải cẩn thận cân nhắc kỹ lưỡng hậu quả bởi vì trên mặt pháp lý người nắm 'luật quyền' sẽ có toàn quyền quyết định không cần ý kiến mình.

Một loại khác, 'luật quyền lâu bền' (durable power of attorney viết tắt là DPA) thường được dùng trong giao dịch thương mại để ủy nhiệm một đại diện có quyền chi tiêu tiền bạc, ký tên thay thế trong các hợp đồng hay thay mặt cho chủ nhân đảm nhiệm nhiều trọng trách khác.

Nhiều cặp bạn tình sống chung không hôn thú cũng muốn sử dụng ‘luật quyền lâu bền’ theo kiểu này khi một trong hai người bị mất khả năng thể chất hay tâm thần vì tuổi tác, bệnh tật hay thương tích; nhưng đặt điều khoản vô hiệu hóa khi người ấy vẫn còn đầy đủ năng lực.

Nếu một người không muốn bạn tình nắm trọn 'luật quyền' nhất là khi cuộc sống chung bắt đầu cảm thấy chán nhau thì nên nhờ luật sư thảo ra bản 'luật quyền co giãn' (a springing power of attorney) theo đó chỉ có hiệu lực khi được một bác sĩ chính thức chứng nhận mình mất năng lực.

Tuy nhiên cần kiểm điểm chắc chắn xem luật tiểu bang nơi mình cư ngụ có chấp nhận loại này không. Nhiều luật sư không ủng hộ cách này với lý luận rằng đã không tin ai thì ngay từ đầu tốt hơn hết đừng ủy thác quyền hành cho họ. Hơn nữa đã từng xảy ra nhiều hoàn cảnh khó nhận định chính xác được tình trạng bất lực, hoặc năng lực ‘lúc còn lúc mất.’

 Cũng có trường hợp người bệnh xuất ngoại không chẩn bệnh được hoặc giản dị hơn là đi biệt tích luôn. Một giải pháp khác là chỉ định một người thay thế phụ (co-agent) có bổn phận ngầm kiểm soát hành vi của người được ủy thác chính thức.

Vì lý do khó xác định tình trạng mất năng lực khi dùng 'luật quyền co giãn' nên nhiều luật sư thích dùng tín mục loại thay đổi được để làm phương cách điều hành tài sản khi thân chủ lâm vào tình trạng này. Ngoài ra như đã đề cập ở trên còn có thể ủy thác ‘luật quyền chăm sóc sức khỏe’ để người khác quyết định mọi chuyện điều trị y khoa trong trường hợp mất khả năng; nhưng người này không có quyền hạn gì về tiền bạc hay các vấn đề khác ngoài sức khỏe hay y tế. Cũng còn phương pháp khác là lập ‘di chúc sống’ theo đó có xác định phương pháp điều trị mà mình muốn hay không muốn, đồng thời không cho phép bất cứ ai quyết định về sức khỏe của mình.

Bản 'giao kết sống chung' cũng có thể ủy thác quyền giám hộ hay bảo quản chung (mutual guardianship or conservatorship) để săn sóc cho nhau khi bị hoạn nạn. Ðiều này rất quan trọng nhất là trong trường hợp gia đình của một trong hai người không nhìn nhận cuộc sống chung này. Nếu không có giao kết thì tòa án sẽ chỉ định một người khác làm giám hộ trong trường hợp mất năng lực mà thường là một nhân vật trong gia đình chính của nạn nhân thay vì với người bạn tình nhưng không có quyền hạn pháp lý.

Luật pháp bao giờ cũng tự động hủy bỏ di chúc và các hồ sơ liên hệ trong các vụ ly dị của cặp vợ chồng có hôn thú. Tuy nhiên đặc điểm an toàn này không có ở các di chúc, ‘giao kết sống chung,’ ‘hợp đồng thiết lập di chúc’ hoặc các giấy tờ tương tự của bạn tình. Do đó trong các văn kiện trên phải ghi rõ điều khoản đặc biệt sửa lại bản giao kết trong trường hợp hai người chấm dứt quan hệ với nhau. Bằng không sau khi đã tan rã hẳn thì phải nhớ mà đối phó với những giấy tờ đó. Trong mọi tình huống bao giờ cũng nên lập dự tính mới về tài sản mỗi khi xảy ra sự cố quan trọng nào trong đời.

‘Di chúc sống’ có thể thay đổi bất cứ lúc nào, tuy nhiên vợ chồng có hôn thú sẽ được luật tiểu bang bảo vệ quyền lợi chống lại các sửa đổi bất chợt và bất thường của người lập di chúc, có nghĩa là vẫn được chia gia tài khi người hôn phối chết đi bất kể di chúc định đoạt ra sao. Những người bạn tình dù có sống chung với nhau lâu ngày như vợ chồng vẫn không được hưởng quyền lợi này. Giả sử một người dồn hết nỗ lực cho người yêu theo học đại học và trông mong tương lai sẽ hưởng phúc.

Dĩ nhiên đã hy sinh như vậy chẳng ai muốn thấy người yêu khi thành đạt lại đổi ý âm thầm để tên người khác trong di chúc. Ðể phòng trường hợp này trong 'giao kết sống chung' nên thi hành một 'hợp đồng thiết lập di chúc' (execute a contract to make a will) có tác dụng chính thức ràng buộc hai người vào các điều khoản của 'di chúc sống'. Hợp đồng này chỉ thay đổi được trước tòa án và khó hơn là viết lại di chúc.

Thông thường những hợp đồng này đặt điều khoản chỉ hủy bỏ khi liên hệ sống chung chấm dứt và cả hai đồng lòng ký tên hủy bỏ trên giấy tờ. Hợp đồng này còn đặt điều khoản di chúc của hai người sẽ lưu trữ tại văn phòng luật sư và không ai được tự tiện truy cập nếu không có sự hiện diện của người kia. Dĩ nhiên hợp đồng này phải do luật sư chuyên môn đứng ra soạn thảo và đặc biệt viết riêng sao cho phù hợp với hoàn cảnh của hai người.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.